Chương 1

Tôi được đem ra khỏi cô nhi viện từ năm tôi tám tuổi. Tiếng ba mẹ đầu tiên tôi được gọi kể từ ngày đó. Thật ra trước ngày mẹ nuôi đến viện xin cho tôi ra, tôi cũng đã được gọi một người đàn bà bằng mẹ, mẹ ruột tôi. Tôi gặp mẹ không quá hai lần trong suốt thời gian tôi sống trong viện, nên tiếng mẹ đối với tôi cũng không làm tôi hình dung nổi một thiêng liêng nào hết. Mẹ trong tôi lúc nào cũng vô tình lạnh nhạt. Mẹ sang trọng rực rỡ. Mẹ với tôi là hai thế giới xa vời. Ơi mẹ. Mẹ như thế đó sao? Mẹ lạnh lùng xa vắng. Mẹ có đầy đủ mọi thứ trên đời, nhưng mẹ không có tình thương của con. Tôi cứ nghĩ thế. Trong trí óc non nớt của một đứa trẻ tám tuổi bị bỏ rơi như tôi, tôi đã cảm thấy được những tủi hổ khôn cùng của những ngày sống trong trại mồ côi vất vưởng. Tôi cứ nghĩ thà tôi không còn mẹ - thà tôi mồ côi thật sự như những đứa trẻ khác - thà tôi không được nhìn mẹ một lần nào để trí óc tôi không bị vướng mắc bởi hình dáng mẹ cùng sự lạnh lùng chối bỏ của mẹ đối với tôi. Tự mẹ, mẹ hành hạ trí óc non dại của tôi, mẹ có biết thế không nhỉ? Lần cuối mẹ đến thăm tôi, như một linh tính bất ngờ tôi thấy mẹ đã xa tôi ngàn dặm và tôi thì rụt rè, ngớ ngẩn đứng nhìn mẹ trân trối. Tôi sợ mẹ tan đi, biến đi, tôi sợ sự Ồn ào của tôi làm phiền lòng mẹ. Nhưng rồi mẹ cũng vẫn bỏ tôi lặng lẽ cho tôi đứng sững nhìn theo bóng mẹ lạnh lùng đi trong nắng. Cơn tức tưởi vỡ òa không kềm giữ. Mẹ Ơi! Mẹ là thế đó. Hình ảnh mẹ trong con là thế đó. Con không níu kéo nổi mẹ, con nghĩ thế. Tôi đã nghĩ như thế. Mẹ bỏ tôi mất rồi, tôi chỉ biết nghĩ thế. Lý dó nào mẹ bỏ tôi vào đây tôi không hiểu. Lý do nào mẹ lạnh lùng xa lạ với tôi, tôi không hiểu, và lý do nào người ta xin cho tôi ra khỏi viện tôi cũng không hiểu nốt. Còn nhớ buổi sáng hôm đó tôi được gọi lên phòng Soeur bề trên. Vừa bước vào cửa, tôi bắt gặp một đôi mắt nhìn tôi đằm thắm. Bên cạnh Soeur, người đàn bà còn trẻ, thật trẻ, cười với tôi. Tôi rón rén lại gần Soeur, người đàn bà lúc ấy vẫn nhìn tôi chăm chú, êm ái. Đôi mắt của bà làm tôi thốt nhớ tới những buổi đến thăm Cô Nhi Viện thường xuyên của bà, và bà cũng đã nhìn tôi bằng đôi mắt êm ái. Cái nhìn làm tôi mủi lòng không ít.

- Tuyên, lại đây Soeur bảo.

Tôi đứng ngơ ngác bên Soeur, Soeur chỉ người đàn bà:

- Bà đây muốn xin con về làm con nuôi, con chịu không?

Tôi đứng im không nhúc nhích. Tôi không biết, không biết gì hết. Người đàn bà kéo tôi lại gần, âu yếm hỏi tôi:

- Con tên Tuyên phải không?

Tôi gật đầu:

- Dạ.

- Tuyên về làm con nuôi tôi nhé.

- Dạ.

Tôi dạ thật bất ngờ. Người đàn bà reo lên:

- A! Tuyên chịu rồi, từ nay Tuyên sẽ là con gái của mẹ.

Tôi ngu ngơ không thấymột chút xôn xao nào. Trí óc tôi nhỏ bé quá, nhỏ như sự gầy yếu khổ sở của tôi mà thôi. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện được ra. Tôi chỉ nghĩ đến buổi sáng, buổi chiều, buổi tối không phải nhìn thấy nét mặt lạnh lùng nghiêm khắc của các Soeur là được.

Người đàn bà và Soeur bàn tính thì thầm, một lát người đàn bà nắm tay tôi:

- Mẹ đã lo giấy tờ xong cả, Tuyên chào Soeur đi rồi về với mẹ.

Tôi vòng tay chào Soeur,lời nói lí nhí sợ sệt, Soeur cười cởi mở - nụ cười lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở nơi Soeur.

- Tuyên có nhớ Soeur không?

Tôi gật đầu trong cái chớp mắt bâng khuâng:

- Thưa Soeur có.

- Từ nay Tuyên có mẹ rồi phải ngoan nhé.

- Dạ.

- Thỉnh thoảng xin phép mẹ đến thăm Soeur nhé.

- Dạ.

Tôi dạ liên hồi, dạ như cái máy. Chưa bao giờ tôi được Soeur hỏi han ân cần âu yếm như hôm nay, chưa bao giờ tôi được dạ, vâng thoải mái như lúc này. Thế mà tôi không cảm thấy sung sướng, tôi không còn trí óc để cảm nổi một điều gì khác. Tôi dại khờ ngơ ngác, tôi ngu đần mờ mịt trước người đàn bà nhận tôi làm con và đang xưng Mẹ với tôi. Ôi, tiếng Mẹ không bao giờ còn làm tôi bồi hồi nữa cả.

Soeur tìm trong ngăn tủ riêng cho tôi mấy bức ảnh màu thật đẹp. Có một bức ảnh Đức Mẹ Maria phóng to, Soeur dặn tôi phải giữ gìn cẩn thận nhất. Tôi hứa với Soeur là tôi sẽ luôn luôn giữ trong người tôi. Ôm những bức hình trong vòng tay, những bức hình làm tôi thấy lưu luyến muốn khóc làm sao ấy.

- Soeur cho con để kỷ niệm.

Lời Soeur nói thật ngọt, tôi òa khóc như vỡ bờ:

- Thôi, con ở lại với Soeur, Soeur ơi.

Nhưng Soeur và người đàn bà đã đẩy tôi ra khỏi cánh cổng Cô nhi vịên. Lúc lên xe, tôi ngưng khóc nhìn dáo dác hai bên đường. Con phố nào cũng ồn ào đông đúc hơn trí tưởng tượng của một con bé con tám tuổi như tôi. Con đường nào cũng làm tôi ngơ ngác, lạ lùng được hết. Tôi ngồi như thế và quên lãng đi tất cả, không còn mang cảm giác đang ngồi bên một người lạ. Một người sẽ là mẹ tôi. Người đàn bà thỉnh thoảng lại vuốt tóc tôi, chép miệng:

- Tội nghiệp, con bé bỏng dại khờ quá đi mất.

Tôi ngồi im trong những vuốt ve êm dịu của bà. Tôi vẫn chưa dám gọi bà bằng Mẹ, nhưng bà thì luôn mồm gọi tôi bằng con. Tiếng con ngọt ngào như đường, ru tôi vào những ước ao nhỏ bé.

Căn nhà ở một khoảng đường vắng, nguy nga và đồ sộ. Tôi choáng người đi vì những đồ vật lạ mắt và không khí lạnh lẽo của căn nhà quá rộng. Người đàn bà nắm chặt đôi tay gầy gò của tôi như thể sợ tôi tan mất đâu đó. Tôi run rẩy đến bàng hoàng lúc bước vào cửa, một con chó trắng nhẩy cỡn lên người tôi và một người đàn bà chạy xổ ra trợn mắt quát chó:

- Mino, không được ồn.

Người đàn bà cười nhẹ nhàng:

- Mino nó mừng con gái cưng của tôi đó, chị Sáu.

Chị Sáu bây giờ mới nhìn đến tôi, ánh mắt của chị làm tôi run rẩy sợ sệt y như lúc còn ở trong viện mỗi lần các Soeur nhìn chúng tôi. Tôi nép sát vào cánh tay người đàn bà. Trong căn nhà lạnh lẽo này, tôi chỉ còn nhận thấy người đàn bà là tôi quen và che chở cho tôi mà thôi. Người đàn bà lại ngọt ngào:

- Sao, chị Sáu, chị đừng làm cho em Tuyên sợ chứ.

Chị Sáu giật mình, cố nở một nụ cười:

- Dạ, không, thưa bà, tôi thấy em Tuyên thật giống...

Chị Sáu ngập ngừng chưa nói hết câu, người đàn bà đã vội lắc đầu:

- Thôi, từ nay tôi giao em Tuyên cho chị săn sóc.

Tôi suýt òa khóc để phản đối lời nói của người đàn bà, nhưng bà đã kéo tay tôi vào một căn phòng nhỏ bỏ trống, bà bảo:

- Đây là phòng của con.

Tôi nhìn căn phòng như nhìn một sự vật lạ lạnh lùng, không nghe một cảm xúc nào hết.

Người đàn bà chỉ tiếp vào tủ quần áo.

- Đây là tủ quần áo của con, mẹ đã may sẵn cả, con mở ra xem.

Tôi mở tung cánh cửa tủ, một con thằn lằn búng mình nhảy tách lên người tôi. Tôi kêu rú lên sợ hãi ngồi phịch xuống đất.

Người đàn bà cuống quít, xanh xám mặt mày:

- Con, con ơi, con ơi, con làm sao thế?

Tôi lắp bắp:

- Không, con... con không sao cả.

Chẳng biết người đàn bà có nghe tôi nói gì không? Mặt bà tái dần đi, chìm vào nét xa vắng lạnh lùng. Tôi rón rén ngồi dậy đến gần bà. Trong khoé mắt dại khờ của bà có hai giọt nước mắt long lanh, tôi gọi nhỏ trong cổ họng:

- Bà ơi, bà làm sao thế?

Nhưng lúc này, người đàn bà - Mẹ nuôi tôi - xa tôi quá chừng. Xa như bà chưa hề nhận tôi làm con và tôi chưa hề gọi bà bằng Mẹ vậy.

Tôi đã bình tĩnh trở lại trong khi Mẹ nuôi tôi vẫn đứng đó im lìm xa vắng. Nhìn đống quần áo xếp ngay ngắn gọn gàng trong tủ, tôi nghe thích thú nồng nàn. Ướm thử một chiếc áo đầm lên người - chiếc áo thật vừa cao nhưng hơi rộng bề ngang - một chút xíu thôi. Gía tôi mập lên chừng một hai ký nữa, hẳn chiếc áo phải vừa vặn vô cùng.

Người đàn bà đã đứng sau lưng tôi. Tôi nhìn thấy bà trong tấm gương lớn trước tủ quần áo. Đôi mắt bà đã mất vẻ xa xăm rồi. Bà hỏi tôi:

- Quần áo Mẹ may sẵn con mặc vừa không?

- Dạ vừa.

- Con thích không?

- Dạ thích.

- Đồ chơi của con ở đằng kia.

Tôi lại bỏ tủ quần áo để theo bà đến tủ đồ chơi. Những cô bé búp bê mắt nhắm mắt mở, mái tóc giả óng ánh bạch kim, bé bỏng, tròn trĩnh chất đầy trong ngăn. Những cô búp bê này rực rỡ dễ thương quá, tôi mân mê mái tóc cô bé, đôi mắt cô bé tròn xoe với hai hàng lông mi dài cong vút. Tôi bế cô bé hôn nhẹ lên đôi mắt rồi để lại chỗ cũ nhẹ nhàng.

- Con gái Mẹ trông cũng dễ thương như những búp bê trong tủ đó.

Người đàn bà nói và vuốt ve những sợi tóc rối của tôi. Mái tóc cong queo chết cứng vì không có bàn tay Mẹ chăm sóc đó hẳn làm bà thương tôi hơn - đã làm tôi thấy ấm lòng hơn. Ôi. Bàn tay Mẹ - bàn tay Mẹ như một phép nhiệm màu biến mái tóc khô cằn của con thành óng mượt thơm tho, biến đôi mắt ngu ngơ của con thành long lanh trong sáng. Người đàn bà này đang đóng vai Mẹ. Tôi đang đóng vai con. Tôi cần Mẹ, tôi bé bỏng dại khờ nên tôi cần Mẹ, cần quá sức, Mẹ Ơi. Bằng tuổi tôi, những đứa trẻ khác còn được vòi vĩnh nhõng nhẽo Mẹ đủ thứ, còn đựơc Mẹ vỗ về âu yếm như một cô công chúa nhỏ hay hờn dỗi. Riêng tôi thì không - riêng những đứa trẻ bằng tôi và nhỏ hơn tôi ở trong Viện thì không. Chẳng bao giờ dám dỗi hờn nhõng nhẽo ai cả. Lúc nào cũng âm thầm nhút nhát, lúc nào cũng lấm lét sợ sệt. Ở trong viện, các bà Soeur nghiêm khắc lạnh lùng như những người không tình cảm, nên có lẽ vì thế mà tôi bị lạnh lùng theo, trí óc tôi sớm khôn hơn những đứa trẻ có đầy đủ gia đình.

Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, người đàn bà gọi tên tôi. Tôi ngước nhìn bà bằng đôi mắt ngơ ngác. Bà nói với tôi:

- Từ nay con sẽ được sung sướng.

Trời ơi, tôi muốn kêu lên cho tiếng kêu của tôi vỡ òa những sợ sệt nhút nhát. Tôi sẽ được sung sướng. Con bé mồ côi như tôi mà sẽ được sung sướng nhỉ? Tôi nghe rưng rưng như mình đã khóc.

Tôi không biết tôi đựơc mang họ mẹ hay họ cha trong người. Tôi chỉ biết tôi họ Hoàng. Các Soeur viết tên tôi là Hoàng thị Ngọc Tuyên. Mấy chị lớn trong Viện mồ côi khen tên Ngọc Tuyên đẹp và có chị còn thầm thì với nhau "chắc mẹ con bé đẹp lắm nên tuy ở trong Viện sống nhem nhuốc mà trông con bé vẫn nổi bật lên giữa đám trẻ nhỏ bị bỏ rơi này". Tôi không hình dung ra được nét đẹp của Mẹ tôi, tôi chỉ nhớ hình như Mẹ tôi có đôi mắt buồn lắm thì phải, và dáng Mẹ thanh thanh sang trọng mỗi lần đến thăm tôi. Tôi nhớ Mẹ có thế thôi. Người đàn bà Mẹ nuôi tôi cũng cùng dáng người như Mẹ, nhưng ánh mắt của bà đôi lúc vẫn làm tôi hốt hoảng vu vơ làm sao đó. Đôi mắt bà đôi khi như không có hồn, như không nhìn thấy ai hết cả vậy.

Mẹ gọi chị Sáu vào lo tắm rửa và sửa soạn quần áo cho tôi. Tôi theo chị bước ra khỏi căn phòng để bắt đầu một cuộc sống mới mẻ.

Bữa cơm chiều có mặt người đàn ông. Thoạt nhìn tôi đã thấy lòng dịu đi vì dáng người và đôi mắt bao dung của ông. Mẹ nắm tay tôi ra đón ông trước cửa, giọng Mẹ hân hoan reo vui như chim non:

- Này mình, đây là con gái cưng của chúng ta.

Rồi bà đẩy tôi:

- Ra chào Ba đi con.

Người đàn ông sựng nhìn tôi không chớp mắt, cử chỉ đó của ông làm tôi sờ sợ.

- Kìa anh...

Mẹ hơi cau mày nhắc khẽ. Người đàn ông chợt cười vang. Mẹ vỗ về tôi:

- Chào Ba đi, đừng sợ, Ba cũng sẽ thương con như Mẹ đã thương con thế.

Tôi ấp úng tiếng Ba mãi không thành lời. Người đàn ông cúi sát mặt tôi, nhìn sâu trong đôi mắt và hôn nhẹ lên mắt tôi:

- Con gái Ba thật là xinh.

Rồi một tay ông dắt tay tôi, một tay ông dìu Mẹ vào nhà.

Bữa ăn tàn theo những tiếng cười không dứt của Ba Mẹ nuôi tôi. Nhìn ánh mắt long lanh và nụ cười tươi tắn của bà, tôi lại nghĩ về Mẹ tôi. Một người vứt bỏ tôi, còn một người đem tôi về đóng khung tôi trong vàng son sung sướng. Chẳng biết điều đó có là diễm phúc của tôi không?

Tôi chưa biết gọi ai bằng Ba - trừ người đàn ông này - nên tiếng Ba mở đầu vừa khó khăn vừa làm tôi cảm động muốn òa khóc. Tôi yêu tiếng Ba ngay từ bây giờ, tôi thương ông như thể ông là thân thích ruột thịt của tôi vậy. Với Mẹ nuôi, tôi chưa cảm thấy nổi một sự thân thiết nào hết. Có lẽ tại Mẹ mà tôi có thành kiến với bà. Vì sự lạnh lùng vứt bỏ tôi mà tôi mang mặc cảm với Mẹ nuôi tôi.

Ăn cơm xong, người đàn ông ngồi trong salon, một bên là Mẹ và tôi được chen vào giữa hai người.

- Con tên gì?

Người đàn ông hỏi thật dịu dàng. Tôi nói nhỏ:

- Dạ, Tuyên.

- Tuyên họ gì?

- Họ Hoàng.

- Hoàng à?

- Dạ.

Tôi thoáng thấy đôi lông mày người đàn ông nhíu lại. Mẹ đỡ lời tôi:

- Con mình tên xinh lắm, Hoàng thị Ngọc Tuyên. Mai mốt anh đi làm giấy khai sinh mới để đổi họ cho con anh nhé.

Người đàn ông gật gù nhìn tôi, một lát ông nâng cằm tôi lên, vuốt ve lên má:

- Từ nay Tuyên mang họ Nguyễn. Nguyễn Đăng Ngọc Tuyên, Tuyên chịu không?

Tôi gật đầu mái tóc lung lay:

- Dạ.

- Con ngoan lắm.

Tôi ngồi lặng thinh. Họ là gì? Họ nào với tôi chả là họ. Họ nào thì tôi cũng chỉ là một con bé mồ côi bị bỏ rơi tàn nhẫn. Họ nào thì tôi cũng không có cha, có mẹ. Từ nay tôi là con chính thức của gia đình họ Nguyễn Đăng rồi.