Dưới đây là một truyện ngắn giá trị của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Nhung, mô tả những diễn biến rùng rợn của một chuyến vượt biên, trong đó tác giả là nạn nhân. Truyện được viết dưới dạng tự thuật, nên lôi cuốn từ đầu đến cuối, khiến người đọc vô cùng hồi hộp, như được sống lại những kỷ niệm hãi hùng của ngày xưa... vượt biên.
* * *
Ghe chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liên nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.
"Bây giờ mình phải đi bộ một khoảng, tui dẫn hai người một lần. Chia ra để khỏi lộ. Mấy người khác cứ ngồi đợi đến phiên, nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng."
Hắn dẫn hai người đàn bà ngồi sát cửa mui đi trước. Cả đám ngồi đợi ẩn nhẫn. Tim tôi chưa hết hồi hộp đập thình thịch thể như bất cứ người nào ngồi gần cũng đều có thể nghe được nhịp ấy. Phong nắm tay tôi. Tay Phong đẫm mồ hôi và lạnh. Tôi phải ngồi bệt và khom lưng, hai đầu gối co đụng cằm, gọn lỏn trong lòng Phong. Khoang ghe quá chật cho mười người ngồi lèn nhau, phía ngoài còn tấn mấy buồng chuối mùi nhựa nồng chát. Bên trái tôi, cha mẹ Phong dúi sát nhau. Một bé trai độ bốn, năm tuổi, bị uống thuốc ngủ, nằm im lìm trong lòng cha nó. Bà vợ ngồi kế bên, chân trái đạp chân tôi nhưng hình như bà không biết và tôi cũng không thể dời chân đi nơi khác. Đành chịu. Người con gái ngồi kế có lẽ là em gái bà, mặc bà ba đen như gái quê, mặt từa tựa nét.
Khí trời đêm hơi lạnh nhưng bên trong khoang, nóng hầm hơi người. Hình như cái nóng hậm hực ấy tăng gấp bội vì trộn lẫn với nỗi căng thẳng bập bùng ngập ngụa không gian. Tôi lén nhìn đồng hồ giấu trong ngực áo. Khoảng 2g15 sáng. Tôi thì thầm nơi tai Phong "Hơn hai giờ sáng rồi anh." Phong gật nhẹ đầu. Người đàn ông chèo lái ngồi im như pho tượng. Đôi khi ánh mắt của hắn lấp lánh nhẹ dưới ánh trăng khi chớp. Cái mũi dài mang nét khoằm khiến mặt hắn lộ đầy vẻ gian ác nhưng nụ cười nở rộng với hàm răng thưa làm giảm bớt ấn tượng xấu nơi người đối diện. Hắn mặc áo bà ba đen, tay áo xắn quá cùi chỏ.
Người đàn ông đưa hai người đàn bà lội bộ băng qua hàng cây thấp trở lại. Hơi thở của hắn nóng hôi hổi phà ngay mặt tôi khi thò đầu vào khoang kêu người đàn ông ẵm đứa con ngủ mê mệt. Người chồng bò ra đằng lái, vác đứa bé trên vai như vác bị gạo mò mẫm bước lên bờ. Vấp phải vật gì trên bờ đất, ông chúi nhủi suýt té, tay cố giữ thằng bé, người lảo đảo bước quàng xiên lòm khòm rồi mới đứng thẳng lên được.
Tên đàn ông dẫn đường mặc áo sơ mi màu nâu đen, quần tây nhàu nát ống nhỏ túm hơi ngắn trên mắt cá, có chỗ sờn, đôi dép mỏng. Hắn ta tương đối trông được hơn người ngồi lái. Với nước da tái, môi thâm vì thuốc lá nhưng lại vẽ nên một nụ cười thật đẹp với lúm đồng tiền bên trái, kẽ răng đóng nhựa thuốc. Đôi mắt mí to với hàng mi rậm, duy có ánh mắt của hắn là không thẳng thắn, còn ngoài ra hắn dễ dàng lấy cảm tình của người xa lạ với giọng nói trầm và chậm.
Tôi và Phong chưa bao giờ gặp hai người đàn ông này. Chuyến đi này chúng tôi qua trung gian bởi người bạn thân giới thiệu. Người bạn đó đã đến Mã Lai an toàn, chính vì vậy mà tôi và Phong mới tin tưởng nơi người trung gian này. Hơn nữa, chuyến đi có cả gia đình người thân gì đó của người trung gian cùng đi, như vậy thì không có gì để chúng tôi lo ngại. Thường là chắc ăn, người trung gian mới dẫn gia đình đi sau khi đã mối lái nhiều lần có vàng có tiền làm của hoặc manh mối bắt đầu bị lộ. Ba mẹ Phong và tôi phải xuống Cần Thơ, giả đi thăm bà con. Tôi mặc hai bộ đồ trên người, giấu theo ít vàng và nữ trang. Phong mặc quần áo nhăn nhíu không ủi. Mẹ Phong thì mặc bà ba quần thâm. Ba Phong thì vận đồ rách, vá chùm vá đụp mấy chỗ, chân mang dép rách quai cột nối bằng cọng kẽm. Tất nhiên là không dễ gì qua mắt người miệt quê đó nhưng hình như họ cảm thông (hay tội nghiệp) trước sự trá hình không mấy chỉnh nên tôi thường bắt gặp ánh mắt ái ngại nhìn mà không dám hỏi vài lần suốt đường đi.
Đến nơi, cả bốn được dẫn đến một căn nhà nằm dựa mé sông chờ đến tối mới xuống ghe nhỏ theo sông ra cửa biển nơi có ghe lớn đợi sẵn. Trong nhà có độ hơn mười người khác đợi sẵn khi chúng tôi đến rồi chia nhóm theo ghe. Tôi dặn Phong tìm cách đi chung với người trung gian, bảo đảm hơn. Phong gật nhưng gia đình người đó cả thảy là tám, thêm hai người thì vừa đủ cho một chuyến. Nhưng tôi lẫn Phong đều không muốn đi tẻ riêng thành ra đành phải chờ chuyến chót, mười người, hơn mười giờ tối.
Thoạt đầu, ngồi chen chúc trong khoang, tôi muốn ngộp thở với hơi người và mùi bùn non lẫn mùi nước đọng hôi hám nơi đáy ghe. Hai người chèo bắt chúng tôi khom lưng gần như nằm mọp xuống, tấn bên ngoài dằn bên trên, mấy buồng chuối xanh ngắt sau khi đậy bao bố tời dơ bẩn lên đầu mọi người. Đường đi may mắn yên tĩnh không có chuyện gì xảy ra tuy rất chậm và kéo dài như không bao giờ đến nơi.
Người đàn ông dẫn đường trở lại, kêu bà vợ và cô em gái của bà cùng đi. Tôi chợt ngửi phải mùi nồng tanh tưởi nơi áo hắn khi hắn nghiêng người khều vai bà vợ. Bỗng dưng tôi nghe lợm giọng không hiểu tại sao. Cái mùi thật lạ lùng. Bóng tối trong khoang không cho phép tôi nhìn rõ mặt hắn. Mùi tanh đến lạ. Hơi thở của hắn cũng nặng nề hơn. Tôi thì thào với Phong sau khi hắn đã đi.