- Anh Hai ơi! Anh biết tin gì chưa?

Đang tháo ráp cái radio cũ, nghe thằng út hỏi, tôi ngừng tay, ngẩn đầu lên, mở tròn mắt ra mà nhìn nó:

- Có tin gì vậy út?

- Trời ơi, tin nóng hổi vậy mà hỏng biết, chị La sắp về nước rồi, chủ nhật tuần này đó.

- Cái gì, thật... thật vậy... hả? - Tôi mừng quýnh lên.

- Thật chứ sao không. Em nghe cả xóm mình xôn xao... í mà chết rồi, thằng Tòng rủ em sang nhà nó đá dế mà em quên mất.

Nói rồi, nó lật đật ôm hộp dế chạy vội ra cửa, không để cho tôi hỏi thêm gì nữa. Cái thằng... sao mà giống tôi quá, khoái chơi môn đá dế. Bất chợt, tôi mỉm cười một mình, lòng cảm thấy nôn nao. La sắp về. Như vậy là từ lúc La theo gia đình xuất cảnh đến nay đã bốn năm mới trở về. Chắc La thay đổi nhiều lắm, hẳn cao hơn hồi còn ở đây.

Tô bỏ đám phụ tùng lộn xộn trên nền nhà, đứng dậy đi đến bên cửa sổ nhìn ra gốc cây xoài trước sân, nơi ấy ngày trước tôi và La thường ngồi đó chơi đá dế. Mẹ tôi vẫn thường mắng yêu: “Tụi bây lớn rồi mà cứ như con nít vậy”. Hai đứa tôi cười hì hì. Ôi bao kỷ niệm! Tôi nhắm mắt lại, cố hình dung về người bạn năm xưa đã từng một thưở...

- Anh Được ơi! Anh Được!

- Kêu réo gì đó La?

- Có việc nhờ anh đó.

- Việc gì vậy?

- Tôi vui vẻ hỏi.

- Không hiểu sao mấy con dế của em tự dưng ngả lăn ra chết hết trơn hết trọi, chẳng còn con nào. Em muốn nhờ anh bắt cho em mấy con nữa.

- Được rồi, anh sẽ bắt, ngày mai là có liền cho em hà!

- Cảm ơn anh Được trước nha, anh dễ thương ghê!

La vui vẻ ra về sau khi “viếng thăm” cây mận sau vườn nhà tôi.

Nhà tôi và nhà của La chỉ cách nhau một vường trái cây của gia đình tôi. Năm đó, năm cuối cùng chúng tôi còn gặp nhau tôi đã là cậu học sinh lớp chín, còn La mới là cô bé học lớp tám. Chơi với nhau từ nhỏ nên chúng tôi rất hợp nhau. Đặc biệt là đứa nào cũng mê chơi dế cả, vì tuổi thơ ở miệt quê chúng tôi ít có trò chơi gì khác. Tôi vác cuốc ra ruộng, sau mùa gặt chỉ còn trơ trụi những gốc ra. khô cứng. Vốn là dân “chuyên nghiệp” trong làng dế nên sau một hồi giở gốc ra tìm hang rồi cuốc đất, tôi đã bắt được cả chục con dế than oai phong, cho vào hộp thiếc mang về nhà trong ánh nắng chiều dần trôi. Đến sáng hôm sau, tôi đi học và mang theo hộp dế.

- Cho La nè – Tôi đưa hộp dế.

- ôi, cảm ơn anh nhiều lắm – La vui sướng cầm lấy.

Tan học, La cầm hộp dế đến lối hẹn đi về, mặt phụn phịu:

- Tại tiếng dế của anh hết á...

- Sao lại tại tiếng dế của anh?

Thì ra trong giờ học, La lại bứt tóc quay hai con dế. Cả hai con dế đứng thẳng... nghinh chiến. Réc... Réc... Réc... chúng há càng, cụng đầu, rượt nhau túi bụi. Kết quả chẳng con nào bị thương mà chính nhỏ lại “bị thương” vì phải viết kiểm điểm trước lớp.

- Anh méc mẹ của em cho coi - Tôi hăm dọa.

- Đừng méc! - nhỏ sợ sệt – Em cho anh mấy cục kẹo dừa nè.

- Hì... hì... – Tôi cười sặc sụa.

Rồi lá thư đầu tiên La gửi cho tôi làm tôi man mác buồn cả ngày.

Ngày... tháng... năm...

Anh Được xa nhớ!

Ở bên này em buồn lắm, lạnh lắm. Nhưng cái lạnh da thịt không bằng cái lạnh của kẻ xa quê hương. Cuộc sống ở bên này đầy đủ và hiện đại lắm, nhưng vẫn thiếu một thứ: thiếu tiếng dế của anh và em, nhớ không... ?

Hôm ấy, tôi nhớ rõ là vào một ngày tháng bảy, trời mưa ồ ạt. Đã vậy, mấy con dế cứ cất giọng gáy “te... te... ” Làm tôi như muốn khóc.

- ôi! Việt kiều về tụi bây ơi! - Giọng thằng út oang oang. Tôi giật thót người. La đã về thật rồi. Tụi nhóc rủ nhau kéo đi xem... Việt kiều. Xóm lao động là thế. Tôi cứ đi qua đi lại, nôn nao thế nào ấy. Phải chi lúc này, tôi cũng được như tụi nhóc, chạy ra vui mừng kêu gọi tên La thân thương.

- Anh Hai, chị La, ý mà quên, chị Kiều Oanh về cho tụi em quá trời kẹo Sôcôla luôn, anh ăn hông? Thằng út chìa ra một bọc kẹo Sôcôla rồi cười toét - Ờ quên! Chị Kiều Oanh còn nhắn anh qua bên ấy chơi. Đi hôn anh Hai, đi với em nè.

- Cái gì?... Nhắn?... không! – tôi đứng im lặng, cảm thấy hơi bị xúc phạm.

- Anh Được!

Một giọng nói bật ra ở phía sau, tôi quay lại nhìn sững. Quả không ngoài trí tưởng tượng, La trắng và mập hơn. Mái tóc cắt ngắn như con trai, cái áo pull cụt ngủn, cái quần Jean bó sát người, bạc thếch và rách gối. Bất giác tôi rùng mình.

- Anh Được không nhận ra em sao?

- à, chào La.

- Kiều Oanh chứ! Đừng kêu em là La nữa, em quê lắm.

Ra thế à! Ờ... anh xin lỗi Kiều Oanh.

- Kiều Oanh có mua quà cho anh nhưng để ngoài khách sạn ấy, thật sự là em mang không nổi. Với lại, cái xóm này, đi một mình còn khó đi, huống chi... Em ớn cái xóm gì mấy năm rồi mà chẳng thay đổi tí nào. Bởi vậy em đâu dám dẫn bạn bè về, nó sẽ cười vào mũi cho.

- Vậy sao? – Tôi cười nhạt.

- Tại anh chưa thấy, chớ ở bên Mỹ bước ra một tấc đường là có xe đưa đón.

Tôi không kềm chế được định nói một câu cho đỡ tức. Bất chợt, hộp dế trên bàn của thằng út cất giọng gáy te tẹ La mở tròn mắt ngạc nhiên:

- Trời! Ở đây còn chơi dế loại này sao? Anh rổi thật đấy, thời gian đâu mà đi bắt? à quên, lúc về đến Sài Gòn, thấy ở mấy siêu thị có bán cặp dế bằng điện tử, màu vàng, kêu êm tai và đẹp lắm. Em có mua để tặng cho anh một cặp. Mai anh ghé bển lấy nhé.

- Cảm ơn, tôi...

Tôi uất nghẹn không nói hết lời. La bây giờ không còn là La của ngày xưa nữa rồi sao?

- Anh Được giận em hả. Ở nước ngoài người ta không có rảnh để giận đâu.

- Vâng, tôi cũng đâucó rảnh để giận – Tôi cười chua chát.

- Em không ngờ anh Được khác xưa nhiều quá. Thôi em về khách sạn đây, xứ gì mà buồn chết được.

Tôi muốn nói: “Ừ, đi đi, càng nhanh càng tốt”, nhưng sao tôi vẫn im lặng.

- Anh Hai! – Tôi quay lại, thằng út đã đứng đó tự lúc nào. Khuôn mặt nó buồn rười rượi.

- Anh Hai, hai anh em mình chơi đá dế nha?

Tôi lắc đầu, thả người xuống ghế.

- Anh Hai, người ta đã quên, anh Hai nhớ làm gì.

Tự dưng thằng út nói thế. Rồi nó lấy kẹo Sôcôla trong túi ra ném xuống đất.

- Sao em lại bỏ đi như vậy, nó đắt tiền lắm đấy.

- Em không thèm. Nó dở ẹt hà.

Tôi ôm thằng út vào lòng, lặng im để nghe sự đồng cảm từ trái tim thơ dại nhưng giàu lòng mẫn cảm của nó.

Hết