Tập I

Việt kiễng chân, ngồi ghếch lên mặt chiếc tủ thấp đựng các bài lai cảo, kê sát thành cửa sổ, đưa mắt nhìn một lượt cử tọa đứng ngồi đông đảo trong phòng tòa soạn Tuổi Hoa. Khôi đứng bên Việt, đối diện với Bạch Liên ngồi trên chiếc ghế bành đặt trước bàn anh Thư ký Tòa soạn. Ngọc Nga, Tuấn, Dũng, cũng đều có mặt ở trong phòng.

Tất cả đều mĩm cười, im lặng sau cái nhìn của Việt. Khi ánh mắt của Việt vừa ngưng lại ở Bạch Liên, cô ta liền chun mũi, nheo một bên mắt lại. Bộ điệu tinh nghịch của Bạch Liên được Việt hiểu ngầm như vừa khuyến khích, vừa thúc dục, lại như có vẻ trêu chọc mình khiến anh cũng mỉm cười đáp lại. Và hắng giọng, Việt bắt đầu kể:

Việt có một ông chú từng là sĩ quan hải quân đóng tới chức thiếu tá. Người ta gọi ông là thiếu tá Triều Dương - tên chiếc chiến hạm mà xưa kia ông là hạm trưởng. Nhưng nay thì ông “chú thiếu tá” của Việt không còn chỉ huy dưới tàu nữa. Ông trở về đời sống thường dân và cư ngụ tại Đà Nẳng.

Chú Triều Dương là một người rất dễ mến, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Chú không cho phép ai cưỡng lời chú, và cũng rất ghét ai tọc mạch đến việc chú làm. Khôi, Việt, chỉ được biết đại khái chú Triều Dương tuy không còn mang sắc phục Thủy Quân, nhưng chú vẫn dành nhiều thì giờ đến làm việc ở căn cứ X, một căn cứ quan trọng của hải quân, và hình như công việc của chú rất cần thiết cho tương lai của quốc gia, nên chú đem hết khả năng ra phụng sự.

Có lần trong lúc vui chuyện Việt đã dại dột hỏi :

- Chú, sao chú hay đến căn cứ X thế? Chú làm gì ở đấy?

Đôi mắt chú liền quắc lên nhìn Việt, khiến Khôi cũng xanh mặt, vội véo vào đùi Việt, như ngầm bảo bạn đừng hỏi thêm gì nữa. Quả nhiên chú Triều Dương nghiêm giọng nói :

- Chú có việc của chú... Nhưng chú không muốn nghe cháu hỏi những câu ngu xuẩn đó trong bữa cơm. Các cháu đã biết luật lệ của chú rồi!...

Luật lệ của chú Triều Dương rất hà khắc. Có lẽ đó là do thói quen của một vị sĩ quan chỉ huy trong ngành Hải quân. Chú quen ra lệnh rồi, và lệnh của chú buộc mọi người phải tuân theo. Ngay đối với Khôi, Việt là hai đứa cháu được gọi ra nghỉ hè, “để thưởng các cháu vừa đỗ tú tài phần I” như lời chú nói, và được chú cưng nhứt, cũng vẫn phải theo đúng luật lệ của chú.

Trong luật lệ của chú có cả việc phải đi dự Thánh lễ sáng ngày Chúa nhật tại một ngôi thánh đường gần nhất. Trong gia đình của Việt chỉ có mình chú theo đạo Công giáo. Ba má Việt không theo đạo nào, chỉ thờ kính tổ tiên. Nên việc phải theo chú đi dự lễ mỗi sáng chúa nhật cũng là một luật lệ phải thi hành suốt trong thời gian Khôi Việt ở chơi với chú.

Được một tuần lễ thì Khôi Việt quen với luật lệ của chú Triều Dương. Ngược lại, chú cũng cho hai anh em được phép theo chú đi nhiều nơi quanh vùng mà chú gọi trống là “đi dạo”. Những cuộc “đi dạo” đó thường xảy ra rất đột ngột. Có khi chú rẽ xe về nhà, bảo Khôi Việt leo lên cùng đi, hoặc có khi từ ở căn cứ X chú điện thoại về bảo hai anh em sửa soạn sẵn rồi chú lái xe về đón. Chú không cho biết trước đi đâu bao giờ, và lâu hay chóng. Hai anh em đã quen tính chú, chỉ biết tuân lệnh, lo sắp hành trang, lều vải, và khi còi xe chú vừa gọi là chỉ việc xếp lên phía sau xe, bên cạnh những máy móc lỉnh kỉnh của chú. Không đứa nào dám dại miệng hỏi xem những máy móc chú dùng vào việc gì, mà lần đi chơi nào chú cũng mang theo. Cứ mỗi lần đến một nơi chú định đến, chú chỉ bảo :

- Thôi, bây giờ các cháu có thể đi chơi quanh quẩn ở gần đây. Khi nào về chú sẽ gọi.

Những cuộc “đi dạo” ấy có chuyến ngắn ngủi độ nửa ngày, nhưng cũng có khi kéo dài tới cả tuần. Trường hợp ấy, Khôi Việt được chú phát cho ít tiền để chi tiêu và được tự do tổ chức lấy cuộc cắm trại. Nhờ thế, mà Khôi Việt được đi gần khắp miền duyên hải Trung phần, từ Quảng Nam, Quảng Ngải, tới Qui Nhơn. Hai anh em đã có dịp xem nhiều thắng cảnh, nhiều di tích còn xót lại của thời xưa.

Nhưng đặc biệt nhất là ở Hội an, và cũng chính nơi đây, Khôi Việt đã khởi đầu một cuộc mạo hiểm kỳ lạ.

Lần “đi dạo” ở Hội An này với chú Triều Dương kéo dài cả tuần lễ; ở đây, chú lái xe đi suốt ngày, mang theo những máy móc bí mật của chú. Cứ buổi sáng, chú chở Khôi Việt ra ngoài bờ biển, để hai anh em đi chơi tự do, còn chú phóng xe mất dạng cho tới bữa cơm chiều, chú cháu mới gặp nhau ở khách sạn trong thị xã.

Khôi, Việt không ở khách sạn với chú. Hai anh em dựng lều ở ngoài trời, chỉ về khách sạn chú Triều Dương trọ để dùng cơm. Được tự do cả ngày, Khôi Việt tha hồ rộng cẳng. Hai anh em hết thăm thú các ghềnh đá ngoài bờ biển, lại men theo các đường mòn dẫn đến những di tích cổ xưa đổ nát, hoặc những hầm mỏ bỏ phế lâu đời.

Hội An là một thành phố xưa cũ nhất của Trung Việt, đã thành lập gần 400 năm nay. Trước kia Hội An là nơi buôn bán rất phồn thịnh nhờ hợp lưu của ba nguồn sông phát nguyên từ các động Mọi xuyên ngang nhiều vùng trù mật, phong phú, nên việc chuyên chở các lâm sản, nông sản, bằng đường thủy rất thuận tiện.

Chính Hội An là nơi các thương nhân Âu Châu người Bồ đào Nha, người Hà Lan, người Anh hồi đầu thế kỷ XVII đã đến tiếp xúc với nhân dân xứ đường trong của chúa Nguyễn trước nhất, còn người Tàu, người Nhật đã có mặt ở đấy từ lâu rồi.

Bạch Liên vùng hỏi :

- Phải Hội An bây giờ là... FaiFo ngày xưa không?

Việt gật đầu :

- Phải. Tên FaiFo là do mấy xừ thực dân người Pháp gọi. Hội An từ trước vốn là nơi phố xá đông đúc, người bản tỉnh gọi là phố, và có lẽ vì sát ngay cửa biển nên còn có tên là Hải Phố. Khi người Pháp mới đến, hỏi tên chốn này, được trả lời là Hải phố bèn phiên âm ra là “FaiFo” [1]

Tuấn gật gù :

- Hình như FaiFo còn có tên là Phố Hiến nữa nên người thời ấy có ví: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nghe nói ở đây có một cái cầu xưa lắm thì phải?

- Cầu đó do người Nhật làm ra, nằm ở đầu đường vào thành phố trên có lợp ngói nên gọi là cầu Ngói, hay cầu Chùa. Năm Kỷ hợi (1719) chúa Hiển Tôn Nguyễn Phúc Chu tuần du phố hội thấy nơi đây ghe thuyền nhóm họp, người ngoại quốc đến buôn bán đông mới đặt tên cầu là “Lai viễn kiều”.

Bạch Liên cười :

- Chà, Việt bữa nay trổ tài sử học, nói nghe như một đại sử gia vậy!

Bị Bạch Liên đùa, Việt đỏ tai ngồi im. Khôi tỏ vẻ sốt ruột, bật hai ngón tay búng kêu một tiếng gọn. Cái búng tay phản đối của Khôi liền bị Bạch Liên “hóa giải” bằng một cái nheo mũi.

Việt liền cười, tiếp :

- Cũng tại Hội An là một thành phố lâu đời, mà bọn này lại được xem nhiều di tích cổ xưa, nên nhiều chỗ chẳng hiểu ất giáp gì. Muốn hỏi chú Triều Dương thì cóc thằng nào dám mở miệng. Bị chú chê ngay từ đầu là: “Tụi bây chẳng thằng nào đáng làm dân Việt cả. Dốt quá!” Sau này cuộc “đi dạo” ở Hội an kết thúc rồi, Việt mới tìm tài liệu đọc thêm đấy chứ. Phần chú Triều Dương, chú rất thạo địa danh, địa lý những nơi chú đến. Tuy nhiên chú có vẻ như để ý đến miền có nhiều mỏ hơn. Có lần vui chuyện, chú đã tiết lộ rằng từ Quảng Nam trở vô Tam Kỳ là nơi có nhiều mỏ nhất ở Trung Việt, và thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã khai thác được cả mỏ đồng, mỏ vàng...

Chú cũng căn dặn Khôi Việt khi thăm chơi Hội An phải hết sức thận trọng, vì ở đây ngoài bờ biển có nhiều vách núi hiểm trở, ghềnh đá cheo leo, còn bên trong nội địa không thiếu gì hầm hố, vực sâu.

Bởi vậy nhiều lúc đi thăm thú các nơi, Khôi Việt thường được nghe nói đến những tai nạn bất ngờ, những vụ mất tích dị thường, mà người kể, không chắc gì đã mục kích, nhưng chỉ nghe truyền tai nhau rồi thêu dệt thêm lên. Chú Triều Dương hầu như không bỏ sót một chi tiết nào khi nghe những câu chuyện ấy song lại tỏ vẻ không mấy quan tâm. Chú chỉ nhân việc đó nhắc chừng Khôi Việt phải cẩn trọng khi du ngoạn.

Một sáng chúa nhật - ngày thứ ba của Khôi Việt ở Hội An - sau khi dự lễ ở thánh đường ra, chú Triều Dương cho xe chạy vòng ra mé bờ biển ngắm cảnh.

Trời hôm ấy thật trong. Nền trời xanh lơ không một gợn mây. Mặt biển mênh mông gợn sóng. Xa xa một vài hòn đảo nổi bật giữa làn sóng biếc của đại dương, nom như muốn trôi gần vào đất liền.

Khôi mở tấm bản đồ chăm chú dò tìm. Chú Triều Dương hỏi :

- Chắc cháu tìm cái cù lao ngoài kia là gì phải không?

- Vâng.

- Cháu tìm thấy chưa? Nó là cù lao Chàm.

- Dạ. Cháu thấy đây rồi.

- Trên bản đồ ghi tên cù lao Chàm vì ở đó có mọc rất nhiều cây chàm. Nhưng người dân địa phương còn gọi là cù lao Khỉ.

Việt cười :

- Chắc ở đấy nhiều khỉ lắm chú nhỉ?

- Ừ. Có rất nhiều, và đủ các giống.

Khôi hỏi :

- Ngoài đó có người ta ở không chú?

- Có, song rất ít, vì bị bọn khỉ phá phách không làm ăn gì được.

- Hôm nào chú cho tụi cháu ra ngoài đó cắm trại một buổi chú nhé.

Vừng trán của chú Triều Dương hơi cau lại. Nhưng rồi chú vui vẻ hỏi:

- Tụi bay ra đó làm chi vậy. Định nhận họ với tụi khỉ chăng. Chú thấy tụi bay cũng có nhiều đặc tính giống khỉ lắm đấy!

Thấy chú đang vui, Việt không bỏ lỡ cơ hội :

- Dạ, tụi cháu muốn xem giang sơn của bọn khỉ ra sao, và làm một cuộc thám hiểm quanh đảo. Chắc có nhiều sự... ly kỳ lắm!

Chú Triều Dương cười :

- Hai đứa bay lúc nào cũng chỉ mơ tưởng những chuyện ly kỳ. Ở đây thiếu gì chuyện ấy. Mấy bữa nay bay có nghe biết chuyện gì đã xảy ra không?

Khôi Việt đưa mắt nhìn nhau. Chú tiếp :

- Hai thằng không nghe gì hết à? Thế mới biết tai mắt tụi bay còn kém lắm. Hình như người ta có bàn tán về vụ một thầy giáo bỗng dưng mất tích mấy ngày nay... Coi nào, hình như tên thầy giáo ấy là...

- Thầy Phong!

Khôi thốt câu ấy có vẻ đắc ý. Bị chú Triều Dương chê, Khôi hơi ức. Thực ra, câu truyện thầy giáo Phong đột ngột biến mất ở Hội An, Khôi, Việt có biết, nhưng không để ý. Nghe chú Triều Dương nhắc đến, Khôi mới trực nhớ ra tên thầy giáo là Phong.

Chú Triều Dương gật đầu :

- Ừ phải... Thầy Phong! Có lẽ thầy giáo này nặng máu giang-hồ vặt, hoặc mãi làm thi sĩ, nên đã lơ đểnh xảy chân rơi vào một hang hốc nào đó. Hoặc giả thầy ta rớt xuống bể rồi cũng nên. Lại còn chuyện nầy nữa, tụi bay đã nghe ai nói về tiếng chuông kêu dưới đáy biển chưa?

Khôi gật đầu :

- Thưa chú, truyện đó hoang đường quá. Cháu nhớ hồi nhỏ, có đọc một truyện cổ tích tương tự như thế.

- Phải, những truyện cổ tích thường mang nhiều tính chất hoang đường. Nhưng Hội An là một thành phố đã có trước đây hàng bao thế kỷ. Ai biết được vị trí của thị xã này xưa kia nằm ở chỗ nào? Có người cho rằng hồi các thương-nhân ngoại-quốc mới đến đây, thì mỏm đất chúng ta hiện đang đứng, còn nối liền với hòn đảo ngoài kia. Các cửa hiệu buôn được dựng lên ở sát mé biển, thuận tiện cho các tàu buôn cập bến. Theo chân các khách thương ngoại quốc, các nhà truyền giáo cũng tới đây giảng đạo. Lẽ dĩ nhiên các vị này không bỏ lỡ cơ hội cố gắng xây cất được một ngôi thánh đường nhỏ. Phía dân ta, cũng có khai thác một hầm mỏ theo lối thủ công, nên phố xá mới tân lập mà đã phồn thịnh sầm uất.

Bỗng một biến cố ghê gớm xảy ra. Chẳng biết có phải vì bão biển đã dâng sóng cuốn trôi eo đất ấy lẫn nhà cửa bên trên, hay một cuộc động đất đã làm sụp đổ cả thị xã này xuống lòng đáy biển. Những thế kỷ sau, phố Hội lại được xây dựng lại. Đạo Thiên Chúa bị Triều đình ta cấm cách. Các thương

nhân Âu châu gặp nhiều khó khăn, nên ít có người tới đây lập nghiệp, trừ người Tàu và người Nhật. Những người này bén rễ ở đây. Người Tàu cất chùa, lập hội; người Nhật xây cả cầu. Họ lấy vợ người bản xứ nên dân phố Hội sau này đa số là người minh hương... Ủa, chú nói dài dòng từ nãy đến giờ, quên mất câu truyện chuông kêu dưới đáy biển! Các vị già lão, cả quyết rằng những buổi đẹp trời, gió yên, biển lặng, thường nghe tiếng chuông - tiếng chuông của ngôi Thánh đường xưa - âm vang dưới sóng, ở khoảng cách giữa đất liền với hòn đảo ngoài kia.

Vừa nói, chú Triều Dương vừa chỉ tay ra làn nước mênh mông xanh biếc, nơi mà khi xưa có lẽ là một giải đất liền với những phố xá sầm uất...

Khôi và Việt ngẩn người đứng nghe giọng nói trầm ấm của chú Triều Dương. Những lời chú vừa thuật lại, còn hay hơn cả truyện cổ tích. Cả hai đều im lặng, lòng mênh mang niềm hoài cảm, và đều ước muốn được nghe tiếng chuông huyền thoại đó.

Việt nhắc lại :

- Vậy chú cho phép tụi cháu ra cắm trại ngoài đảo Chàm một buổi nhá.

Chú Triều Dương gật đầu :

- Được. Ngay hôm nay, chú cần trở về căn cứ X, và ở lại đó chừng một vài ngày. Các cháu có thể ra chơi ngoài đảo trong khi chú bận kiểm soát lại máy móc của chú. Nhưng chú cho hai đứa biết trước, là ngoài đảo Chàm không có gì hấp dẫn lắm đâu, dân đảo thưa thớt, lại không mấy hiếu khách đấy nhé.

Khôi, Việt mừng khấp khởi đến nỗi bữa điểm tâm sáng hôm ấy, chẳng ai buồn ăn.

Một giờ sau, hai anh em bước chân xuống thuyền. Khi thuyền vừa rời bến, chú Triều Dương còn mỉm cười bảo Khôi Việt :

- Nhớ lắng nghe tiếng chuông kêu khi ngang qua thị xã bị chìm ngập ngày xưa, nghe!

Tuy chưa quen chèo thuyền nhưng nhờ gió xuôi, biển lặng nên Khôi Việt vượt qua khoảng cách từ đất liền sang đảo Chàm một cách dễ dàng. Chiếc thuyền chú Triều Dương thuê cho Khôi Việt là loại suồng nhỏ, có hai mái chèo. Hai anh em thay đổi nhau, người chèo, người lái. Được nửa đường, Khôi bỗng buông lơi mái chèo, bảo Việt :

- Có lẽ tiếng chuông kêu ở quãng này chăng?

Việt nghiêng đầu, nhìn xuống làn nước biếc. Nếu phố Hội cổ xưa chìm ở chỗ này chắc phải sâu lắm. Lắng tai nghe chỉ thấy tiếng sóng vỗ nhẹ mạn suồng, Việt nhìn đồng hồ tay nói :

- Nếu câu chuyện huyền thoại này có thật, thì tiếng chuông đó không kêu vào giờ nầy. Đã quá trưa rồi còn gì, chắc phải chờ đến chiều mới có.

Khôi nhìn Việt cười :

- Kể tụi mình cũng ngốc thật. Nghe chú Triều Dương nói, rồi cứ tưởng bở, ngưng suồng lại đây nghe ngóng, bàn tán. Truyện của chú ấy kể, nghe thì rất hữu lý, nhưng biết ông ấy nói thật hay nói đùa! Chú ấy “hắc” bỏ mẹ đi, thành thử thật hay đùa mình cũng chẳng hiểu ra sao nữa. Biết đâu, giờ này bố ấy chẳng đang chiếu ống viễn kính xem hai đứa đang làm cái trò gì, và chắc được một mẻ cười đau bụng trước khi phóng xe trở về Đà Nẳng.

Nói đoạn Khôi mím môi, hăm hở chèo tiếp. Thuận gió chiếc suồng của Khôi Việt lướt đi khá nhanh. Tuy vậy khi suồng tới bờ đảo Chàm, trời cũng đã xế chiều. Nắng úa dãi chếch trên các ghềnh đá và nhuộm sẫm màu đại dương. Khôi Việt rà sát theo bờ đảo, tìm một chỗ đậu thuyền. Bờ đảo toàn vách đá cheo leo, nhiều chỗ dựng đứng như tường thành. Loay hoay khá lâu, hai anh em mới tìm được một vụng nhỏ. Trong vụng có đậu sẵn hai chiếc thuyền.

Khôi, Việt neo suồng lại, khoác hành lý lên vai, đoạn rời suồng bước lên bờ. Đảo Chàm, vào buổi hoàng hôn, đẹp một vẻ hoang dại. Khôi có cảm tưởng như mình là nhà thám hiểm đặt chân lên đất mới, trong lúc Việt ngó nhìn lên đảo, miệng cười tủm tỉm.

Khôi hỏi :

- Cậu cười gì thế?

- Tớ thầm cảm ơn chú Triều Dương đã cho phép tụi mình ra đây chơi. Cảnh ở đây có vẻ thích hợp với tụi mình quá, và tớ có cảm tưởng như...

- Kha-luân-Bố khi tìm ra châu Mỹ!...

- Không, hơn thế nữa... Lưu, Nguyễn nhập Thiên Thai!

Khôi vỗ vai bạn, cười vang :

- Nhưng đảo Chàm chưa chắc đã là một bồng đảo vì cậu nên nhớ nó còn có tên là cù lao Khỉ nữa đấy nhé. Biết đâu lát nữa tiến sâu lên đảo, cậu chẳng được họ hàng nhà Khỉ nồng nhiệt tiếp đón!

Vừa nói, Khôi vừa nhăn mặt kêu mấy tiếng “khẹc, khẹc”. Việt cười, đẩy mạnh vai bạn, cùng tiến vào con đường mòn khúc khuỷu. Hình như dân đảo ít dùng tới con đường này và hai con thuyền đậu ở bến cũng ít khi được xử dụng tới. Hai bên đường cỏ sắc mọc đầy. Những bụi gai, lùm dứa dại lấn ra lối đi cứa xây sát chân Khôi, Việt. Con đường mòn như một thân rắn trườn mình bò lên dốc, uốn nhiều khúc ngoằn ngoèo. Qua mỗi khúc quẹo Khôi Việt lại dừng chân đứng thở và sau mươi lần đứng nghỉ, đôi bạn mới leo lên tới mặt đảo. Đứng trên nhìn xuống, bến thuyền và chiếc suồng đã bị che khuất sau ghềnh. Nhìn ra chỉ thấy mây nước chập chùng, và phía đất liền, thị xã Hội An với những mái nhà ẩn khuất, nhuộm ánh tà dương đẹp như một bức tranh thủy mạc.

Hoàng hôn bắt đầu nhuộm tím chân mây. Mưa rơi lất phất, báo hiệu một cơn giông sắp tới. Khôi, Việt bàn tính tìm chỗ trú, cần nhất là để hai túi hành trang khỏi bị ướt. Hai anh em rảo bước thêm. Càng đi sâu vào trong, cảnh trên đảo càng thêm kỳ bí. Năm ba mái nhà nằm trơ trọi bên một sườn đồi, giữa những nương rẫy được rào kín bằng những gióng nứa vát nhọn. Dân đảo có vẻ như tập trung ở đây, quây quần giữa lòng thung lũng, rừng chàm bao chung quanh. Xa xa, rải rác ít ngôi nhà đổ nát hoặc sụp đổ một phần, hoặc chỉ còn trơ nền. Con dường mòn dẫn vào khu xóm đó. Khôi Việt quyết định dựng lều ở gần đây, để có thể xuống xóm xin nước ngọt, hoặc mua chút ít thực phẩm.

Việt băn khoăn nói :

- Có lẽ những người dân trên đảo này chỉ có một nguồn tiếp tế ở bên phố Hội. Họ dùng con đường mòn này ra bến và chèo thuyền sang đó mua gạo muối...

Khôi quan sát :

- Nhưng chắc không thường xuyên vì đường xá gì mà gập ghềnh khúc khuỷu, lại gai góc mọc đầy.

- Thì trên đảo toàn là đồi núi hoang vu hiểm trở. Với dân số ít ỏi như kia, ai hơi sức đâu phá bụi đắp đường!

Việt vừa nói, vừa đưa mắt rõi theo một nhánh rẽ của con đường mòn chạy vòng theo một mỏm đá. Anh bước vào khúc đường đó, khuất dạng giây lát sau mỏm đá rồi bỗng nhô ra vẫy gọi :

- Có một cửa hang, Khôi ạ!

Khôi vội tiến đến, thắc mắc :

- Lạ thật, hang hốc phải ở dưới ghềnh đá mới đúng. Sao lại có cửa hang nổi ở trên này nhỉ?

- Biết đâu đây chẳng là lối vào của một thạch động, của một thế giới kỳ tú khác.

Khôi lắc đầu :

- Cảnh ở đây “thủy tú sơn kỳ” nên cậu cứ tưởng đâu như hai đứa mình là Lưu, Nguyễn thủa xưa, đang trên lối vào bồng lai tiên cảnh! Nhưng thôi, bất kể cửa hang này đưa tới đâu, hãy biết tạm thời mình có thể lợi dụng để trú mưa cái đã. Gió mạnh đã bắt đầu nổi, cơn mưa sắp ập đến bây giờ.

Quả nhiên mưa rào rào trút xuống. Gió biển thốc tới như muốn cuốn bay tất cả. Khôi hét :

- Chui vào ẩn đi, kẻo ướt hết bây giờ.

Việt chỉ bộ lều vải còn để trên hốc đá :

- Còn phải đem cái lều kia vào chứ?

- Để đó cũng được. Mình chỉ cần tạm trú một lát chờ tạnh cơn mưa thôi mà!

Hai anh em khom người chui vào cửa hang. Bên trong, hang phình ra khá rộng, và có nhiều kẽ hở phía trên, nên gió lùa vi vu và nước mưa chảy từng chỗ lõm bõm. Tuy vậy, Khôi Việt cũng thở ra khoan khoái. Cả hai hạ “ba lô” xuống ngồi nghỉ. Ý nghĩ đầu tiên của Khôi là đốt lên một đống lửa và ở lại trong hang qua đêm đầu tiên. Nhưng đang lúc mưa gió không thể kiếm đâu được cành khô làm củi. Hơn nữa gió lọt vào hang hun hút khó có thể nhúm nổi ngọn lửa lên được. Khôi lấy bao diêm, quẹt thử mấy que. Ánh diêm chưa kịp xòe lên đã tắt ngúm.

Việt hỏi :

- Cậu làm gì phí diêm vậy? Muốn soi sáng sao không dùng đèn bấm?

- Tớ muốn thử xem có nhóm lửa được không. Nếu cơn giông này kéo dài mãi, tất nhiên chúng mình phải ngủ lại ở đây đêm nay. Có đống lửa, mình yên tâm hơn. Với lại cũng phải nấu nướng cái gì ăn chứ!

Việt nói :

- Trời chưa tối hẳn mà đã lo gì. Mưa lớn thế này chắc cũng sắp tạnh. Cậu thử nghe gió rít trên trốc hang coi, hình như đang đổi chiều rồi. Trong khi chờ đợi mình thử bấm đèn lên soi cho rõ cái hang này thế nào?

Khôi đồng ý bằng cách lần mở túi “ba lô”. Anh lôi ra chiếc đèn bấm. Ánh pin lóe lên, quét một vòng. Hang không lớn lắm giống như những khe, hốc thường thấy ở miền duyên hải. Mặt đất mấp mô và trơn trợt rất khó đi. Thấy không có gì khác lạ, Khôi toan tắt đèn thì Việt chợt ngăn lại :

- Coi kìa, Khôi! Đầu kia còn một cửa hang nữa.

Ánh đèn được chiếu theo hướng trỏ của Việt. Một lỗ hổng đen ngòm, cao hơn mặt đất chừng một sải tay hiện ra. Không ai bảo ai. Khôi, Việt cũng mò mẫn bước lại. Việt vịn vào miệng hang tìm cách trèo lên. Nhưng vừa mới nhô đầu vào lỗ hổng, Việt đã quay lại bảo :

- Lạ lắm Khôi ạ. Cậu biết bên này đi tới đâu không? Thông sâu xuống lòng biển. Tớ nghe rõ cả tiếng sóng gầm thét bên dưới.

Khôi đưa chiếc đèn bấm cho Việt, và trèo lên theo. Việt nhắc chừng bạn :

- Coi chừng lộn xuống vực đấy nhé.

Cả hai bám sát mình trên miệng hang nhìn xuống. Một làn hơi nước lạnh lẽo nồng mặn bốc lên. Dưới sâu, sóng nước ì ầm, nghe ghê rợn. Việt chiếu đèn xuống, chỉ thấy khói sóng mịt mù cuốn lốc dưới vực thẳm.

Ánh đèn của Việt run rẩy, nhịp với hơi thở hồi hộp của Khôi. Để tự trấn áp, Khôi lên tiếng bảo bạn :

- Cầm đèn cho chắc, kẻo rơi!

Việt cũng muốn được vững dạ hơn, nên đổi tay cầm đèn. Nhưng lúng túng anh để chiếc đèn tuột mất.

Cả Khôi lẫn Việt đều kêu lên sững sờ, cố mở to mắt nhìn theo. Ánh đèn nhào lộn chập chờn rồi mất hút.

Việt hỏi :

- Liệu chúng mình có nghe được tiếng nó rơi không?

Khôi nghiêng tai nghe ngóng. Anh bỗng nắm chặt tay Việt :

- Có nghe thấy gì không Việt?

- Xuỵt! Im!

Từ dưới lòng vực, trong tiếng sóng ì ầm, Khôi, Việt vừa nghe có tiếng chuông văng vẳng vọng lên.

Khôi Việt tụt xuống khỏi miệng vực. Không ai dám nán lại thêm để nghe tiếng chuông kêu, vì anh nào cũng thấy sởn gai ốc. Hai người im lặng trở về chỗ cũ, ngồi xuống cạnh túi hành trang. Việt thầm nghĩ: Không còn hồ nghi gì nữa, rõ ràng là tiếng chuông kêu! Tiếng chuông nhịp nhàng, âm vang dưới sóng! Anh thì thầm vào tai bạn :

- Đúng là chuyện thần tiên! Tụi mình còn một đèn bấm nữa, cậu lấy nốt ra đi. Tớ ngán ngồi trong cái hang âm u này quá.

Cơn giông vẫn chưa dứt. Gió mưa quất loạn ngoài cửa hang. Việt không thể nào quên được tiếng chuông vừa nghe, âm thanh của nó văng vẳng, âm âm từ dưới lòng vực đã ám ảnh vào cân não Việt. Tự nhiên anh đưa mắt nhìn về phía đó, muốn lắng nghe xem tiếng chuông còn kêu nữa hay không. Nhưng ngồi đây Việt chỉ nghe có tiếng gió rít mưa gào.

Khôi lấy cây đèn bấm thứ hai. Ánh điện vừa lóe, Khôi đã chiếu tia sáng về phía cửa vực. Việt hỏi :

- Cậu có tin chắc vừa nghe tiếng chuông kêu không? Tớ thì cả quyết là có. Lạ thật! Tiếng chuông dưới đáy biển!

Khôi lẩm bẩm :

- Chú Triều Dương hẳn hết còn ngạo được mình nữa! Rõ ràng cả hai đứa đều nghe rõ. Chỉ hận là chưa chi đã rơi mất một cái đèn.

Giọng Khôi gần như càu nhàu. Nhưng Việt đã biết tánh của bạn. Đôi bạn từng sát cánh bên nhau trong các cuộc mạo hiểm, từng góp bàn ý kiến, chia sẻ mọi hồi hộp, nhưng chưa bao giờ gặp điều kỳ bí như lần này.

Bên ngoài mưa vẫn rơi tầm tã. Khôi tỏ vẻ bồn chồn. Anh đứng bật lên nói :

- Dù cái chuông có kêu thành tiếng thì nó cũng không làm gì mình được. Chẳng lẽ mình sợ nó cắn cấu hay nuốt trọn mình mà sợ! Tụi mình phải tỏ ra là tay “chì” mới được. Đừng có vác bộ mặt thất sắc, thiểu não về trình diện chú Triều Dương. Tốt hơn tụi mình nên đến bờ vực lắng nghe một lần nữa coi có khám phá thêm điều gì nữa không?

Việt đứng lên theo, cùng Khôi đến bên miệng vực. Nhưng lần này cả hai đều rất thận trọng sợ một sơ sảy vụng về là dám xuống chầu Long Vương lắm. Nhưng càng thận trọng, Khôi Việt càng thấy hồi hộp, tim đập trống ở trong ngực. Tiếng tim vang dội đến đỗi như lấn át cả tiếng sóng ầm ầm. Cố trấn tĩnh, lắng tai hồi lâu, Khôi Việt lại chợt nghe tiếng chuông gióng lên lần nữa, vẫn nhịp nhàng đều đặn, như tiếng chuông báo hiệu thánh lễ của một ngôi giáo đường. Tiếng chuông nương theo sóng dội, vẳng lên - lúc to lúc nhỏ - nhưng vẫn giữ nguyên nhịp điệu đều đều.

Khôi lẩm bẩm :

- Đúng là tiếng chuông, không thể nào nhầm được nữa!

Việt hỏi :

- Nhưng tại sao nó lại kêu? Và ai đánh cho nó kêu chứ?

Tiếng chuông gióng lên một hồi rồi ngừng bặt. Sự im vắng đột ngột đó càng tăng thêm vẻ dị thường, khiến Khôi Việt đâm hoảng sợ. Hai người lại vội rời bờ vực. Khôi hỏi :

- Mấy giờ rồi?

Việt chiếu đèn vào đồng hồ tay :

- Vừa đúng 6 giờ chiều.

- Kể ai đó ở dưới thủy cung cũng đúng giờ đấy nhỉ?

Việt cười, như để phụ họa với câu nói của bạn. Nhưng cả giọng cười của Việt lẫn câu khôi hài của Khôi đều không tự nhiên. Họ cất tiếng chỉ cốt để trấn áp sự hoang mang bối rối đang đè nặng trong lòng. Liền sau đó, Khôi đặt ngay giả thuyết :

Có lẽ cái chuông đó là của một chiếc tàu buôn bị đắm, rồi trôi kẹt dưới đáy vực. Giả thuyết này bị Việt bác ngay vì dù chuông đó có được những đợt sóng ngầm lay động nên phát tiếng kêu, nhưng phải giải thích làm sao khi nó kêu và ngưng dùng 6 giờ chiều?

Khôi cãi :

- Việc chuông đánh đúng giờ không có nghĩa gì cả. Có thể do ngẫu nhiên, và tại mình có ý nghĩ kỳ quặc coi giờ vào lúc ấy.

- Nếu thế mình thử nghe lại một lần nữa coi.

- Cậu đi mà nghe!

Không ai muốn trở lại bờ vực nữa. Khôi Việt lẳng lặng nhặt “balô” đeo lên vai. Khỏi cần tranh luận, cả hai đều đồng ý rời khỏi hang.

Cũng may cơn mưa lúc ấy đã ngớt. Bầu trời trở lại quang đãng. Ánh tà dương trước khi tắt lịm còn cố nhuộm ửng chân mây. Bên phía Hội An hiện hình chiếc cầu vồng, và xóm nhà giữa rừng chàm của dân đảo cũng bớt vẻ hoang liêu... Khôi Việt hy vọng dựng lều gần đấy, đốt lên một đống lửa trại, và có thể sẽ xuống gặp gỡ trò truyện với những chủ vườn nếu họ tỏ vẻ niềm nở.

Chưa chi Khôi đã căn dặn :

- Mình không nên đả động gì đến chuyện cái chuông cả. Người ở miền này hình như không muốn dâng mình vào những chuyện rắc rối. Cậu có nhớ là sáng nay, người chủ chiếc xuồng cho mình thuê, đang chuyện trò cởi mở, đột nhiên im lặng khi nghe tụi minh nhắc đến tên thầy giáo Long không?

Việt cảm thấy vững tâm hơn khi bước ra khỏi hang. Anh cười nói :

- Biết đâu thầy giáo Long chẳng lò mò ra đây chơi và cũng khám phá ra miệng vực, rồi nhảy đại xuống xem ai đã đánh tiếng chuông kêu?

Khôi nói :

- Nếu thầy ấy lao xuống vực như chiếc đèn bấm đã lao xuống, thì chắc hết còn sống nổi!

Đến chỗ hốc đá để chiếc lều vải, Việt bỗng sửng sốt kêu :

- Ủa chiếc lều đâu rồi? Rõ ràng Việt để nó lại trong hốc đá này mà! Việt nhớ lúc đặt nó xuống có bị cụng đầu vào mỏm đá này!

Khôi cũng ngơ ngác, lẩm bẩm :

- Quái gở thật!

Cả hai chia nhau đi tìm. Nhưng vố ích, chiếc lều vải cùng với cột, cọc phụ tùng đã biến mất.

Việt nói :

- Hay là tụi khỉ...

Khôi bực mình, gắt :

- Khỉ nó lấy lều vải của mình làm gì! Ngày hôm nay thật không hên tí nào! Vừa mất cái đèn, giờ lại biến luôn cả lều nữa.

Tìm kiếm một hồi không thấy, Khôi Việt đành cho rằng trong lúc hai anh em trú mưa trong hang, có kẻ nào đi qua thấy cái lều đã nẫng luôn mất. Việt bàn :

- Mất lều rồi, tụi mình lấy gì cắm trại đây?! Không lẽ trở xuống bến, lấy xuồng chèo về Hội An!

Khôi nói :

- Việc ấy không thể được, vì trời sắp tối rồi. Chỉ còn có cách là tụi mình lần xuống xóm vườn dưới kia, kiếm chỗ ngủ tạm đêm nay vậy!

Việt gật đầu đồng ý, kéo bạn đi xuống một ngôi nhà gần nhất. Vấn đề tìm chỗ tạm trú qua đêm đã làm cả hai người quên lãng câu chuyện tiếng chuông kêu...

Trước khi cho phép Khôi Việt sang chơi bên đảo Chàm, chú Triều Dương đã cho hai anh em biết qua dân tình trên đảo. Họ là những người ở xa đất liền, ít tiếp xúc với thành thị, lại sống giữa vùng thiên nhiên hiểm trở nên tính khí có phần cứng cỏi và trầm kín.

Khôi Việt cảm thấy e ngại phải tới nhờ họ trong lúc này. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh bắt buộc hai anh em nghĩ không còn cách nào hơn, là tìm đến một trang trại gần nhứt. Cả hai định bụng sẽ vào hỏi thăm xem có ai thấy chiếc lều bị thất lạc giữa cơn giông bão. Bằng không, thì xin phép được ngủ nhờ qua đêm.

Tới nơi, cổng trại đóng kín, rào dậu kỹ lưỡng như không bao giờ mở. Khôi Việt phải vòng ra phía sau mới tìm thấy một cửa hậu, gài then bên trong nhưng trên cánh cửa có khoét một lỗ hổng đút vừa lọt bàn tay để người bên trong có thể nhìn ra, hoặc người bên ngoài, - nếu là người nhà - có thể tự mở then cửa. Khôi Việt đập cửa vừa ghé mắt qua lỗ hổng nhìn vào. Trong bếp có ánh lửa, và trên mặt bàn kê ở giữa gian kế cận đã bầy sẵn mâm bát. Cả gian trên và gian bếp đều không có bóng người.

Việt lẩm bẩm :

- Sao không ai trả lời nhỉ. Trong bếp có lửa đỏ tất phải có người chứ?

Khôi nói :

- Chắc họ ở ngoài ruộng, chưa về... Hay họ về rồi, vì mâm cơm đang chờ kia, nhưng có việc gì đó nên họ vừa ra khỏi nhà.

Khôi đẩy mạnh cánh cửa tiếp :

- Cậu xem này, cửa không gài then!

Việt gật đầu :

- Hay họ xuống dưới bến? Có lẽ họ xuống đó lúc tụi mình còn ngồi ở trong hang.

- Họ xuống bến làm gì?

- Xuống neo lại thuyền cho chắc vì sợ cơn giông vừa rồi.

Khôi có vẻ như chấp nhận lý luận của Việt. Anh bước hẳn vào trong sân lớn tiếng gọi :

- Có cô bác nào trong nhà không?

Không ai trả lời. Việt đưa mắt nhìn quanh. Mấy con gà thơ thẩn ngoài vườn đang lục tục rủ nhau về ổ. Tuyệt nhiên không một bóng người. Mưa lại lất phất rơi, và bầu trời tối xầm hẳn lại.

Khôi bàn :

- Chắc họ cũng sắp về tới. Trong khi chờ đợi chúng mình hãy vào ẩn đỡ trong nhà chứa rơm kia.

Dãy nhà chứa rơm và dụng cụ ở vào phía cuối vườn. Đây chỉ là một thứ nhà cầu trống trải, có mái lá che mưa cho khỏi ướt. Khôi Việt chọn một chỗ ngồi nghỉ và quyết định không nấu nướng gì vội khi chưa gặp chủ nhân của ngôi nhà. Hai anh em mở ba lô lấy bánh mì ra ăn đỡ, vừa moi rơm trải xuống đất dùng làm chỗ nghỉ lưng. Cả hai đều đói, mệt, nên không ai buồn nói lời nào.

Mưa nhỏ giọt ở đầu mái lá tí tách rơi xuống hòa lẫn với tiếng gió rì rào ngoài khóm chuối trong vườn nghe dìu dặt như một điệu ru ngủ. Việt ngáp dài, vươn vai nằm xuống, tay quờ quạng vào đống rơm, với ý định bứt lấy một nắm để được ngửi mùi thơm của lúa. Nhưng Việt bổng ngồi nhổm dậy. Trong nắm rơm vừa bứt, có lẫn một mảnh giấy vo tròn. Mở ra coi, Việt gọi bạn :

- Ê Khôi, tớ vừa tìm được cái này. Tụi mình chắc nắm được đầu mối rồi!

Khôi càu nhàu :

- Đầu mối gì? Hiện thời tớ chỉ mong tìm lại được cái lều, hoặc được ông chủ nhà tiếp đón vồn vã. Nhưng cậu nhặt được cái gì thế?

- Một cái phong bì cũ, trên có đề :

Thầy NGUYỄN ĐÌNH PHONG

Trường tiểu học HỘI AN

Việt vuốt thẳng chiếc phong bì tiếp :

- Như vậy là thầy Phong có mặt ở đảo. Không biết thầy ấy có nghe thấy tiếng chuông không?

Khôi bồn chồn nhìn quanh :

- Chắc thầy ta đã vô đây nằm ngủ, và nằm cũng chỗ cậu đang nằm.

Việt lật chiếc phong bì xem xét, thấy mặt sau có mấy giòng chữ ghi bằng viết chì, nhưng vì trời tối không đọc được nên anh bảo Khôi :

- Hình như thầy Phong có viết gì đằng sau chiếc phong bì này. Cậu bật đèn bấm lên xem...

Những giòng chữ viết của thầy Phong rất khó đọc, giấy bị vò nhầu, lại nhét vào đống rơm nên có chỗ đọc được, chỗ không. Rõ nhất là giòng chữ ghi trên đầu góc phong bì: GHI CHÚ VỀ ĐẢO CHÀM.

Phía dưới Khôi Việt chỉ đọc được :

... phần đất bị chìm của phố Hội cũ. Xem bản đồ V.N thế kỷ XVII ở thư viện quốc gia. Tìm lối đi bí mật dưới gềnh đá... báo động cho cảnh sát...... nguy ngập... tôi khó thoát...

Khôi ghé sát vào tai Việt :

- Chắc có điều gì khả nghi rồi đây Việt ạ. Tớ đoan chắc với cậu là thầy Phong viết những chữ này trong lúc cấp bách, và bị ngăn trở đột ngột nên mới nhét mảnh giấy vào đống rơm để giấu đi.

- Chợt nghe có tiếng động, Khôi tắt vội ánh đèn, còn Việt vo viên chiếc phong bì nhét vào túi. Tiếng động do chân bước - không biết người hay vật - dẵm trên mặt đất ẩm ướt ở ngoài sân. Khôi Việt thu mình ngồi nép sau đống rạ, chờ cho tiếng động chân đi xa.

- Từ lúc bắt được mảnh giấy với những ghi chú của Thầy giáo Phong hoàn cảnh bỗng nhiên đổi khác. Mới đây Khôi Víệt khua động ầm ĩ, kêu gọi người trong nhà và nóng lòng muốn được gặp họ. Nhưng bây giờ thì cả hai đều câm miệng, cố lẫn tránh mọi con mắt có thể nhìn thấy được mình.

- Hai anh em bàn nhỏ với nhau nên rút lui đi nơi khác. Khôi đứng canh chừng cho Việt thu dọn. Trong đời Việt, có lẽ chưa bao giờ anh xếp túi hành trang chớp nhoáng đến thế.

- Tuy nhiên, Việt cũng vẫn cẩn thận bấm đèn soi quanh, xem có bỏ sót lại cái gì không, và lấy chân hất gọn chỗ rơm anh vừa nằm cho mất hết dấu vết.

- Khôi đeo “balô” lên vai :

- - Chúng mình chuồn đi thôi và dông cho lẹ.

- Víệt rời dãy nhà chứa chạy vụt ra cổng. Thoát ra ngoài Việt đứng chờ Khôi trên con đường mòn. Sương đêm đã bắt đầu lan nhẹ trên đảo. Bầu trời thấp thoáng ánh sao và phía xa xa ánh đèn dầu được thắp lên trong các trại lân cận. Việt băn khoăn với ý nghĩ: “Đi đâu bây giờ? Đã không hy vọng tìm thấy chiếc lều thì biết ngủ vào đâu đêm nay? Không lẽ đã tránh trại này, để lại chạy sang trại khác xin ngủ nhờ, trong khi chưa biết người ở đó sẽ tiếp đãi mình ra sao!”

- Khôi cũng đã ra tới nơi. Hắn chỉ nhảy có ba bước là tới chỗ Việt đứng, và lôi Việc chạy đi ngay :

- Họ đã về. Tất cả có chừng mươi người. Một nửa trở vào nhà, còn một nửa hình như đang đuổi theo tụi mình.

- Giữa lúc ấy Việt nghe có nhiều tiếng bàn cãi sôi nổi vang lên. Không kịp suy nghĩ gì hơn, Khôi Việt dồn hết tốc lực để chạy trốn. Chiếc balô đeo sau lưng Việt vì chưa kịp nịt chặt cứ rình tuột khỏi vai. Việt vừa chạy vừa xốc quai túi nên thoáng thấy bóng người đuổi phía sau. Anh chỉ nhận được hắn mặc áo mưa có mũ che kín cả trên đầu.

- Khôi chạy dẫn đầu đã tiến đến một hàng rào giây kẽm gai. Anh chạy dọc theo và gặp được mô đất cao liền phóng mình nhảy qua. Đây không phải là lần đầu Khôi Việt bị lùng đuổi. Trong nhiều dịp mạo hiểm trước đây, đôi bạn đã từng phải tẩu thoát trước cuộc săn đuổi của đối phương, nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm.

- Thấy Khôi nhảy qua bên kia hàng rào kẽm gai, Việt chạy thẳng và báo cho Khôi biết bằng tiếng hú. Khôi đoán được mưu kế của Việt cũng hú lên đáp lại để đánh lạc hướng người đuổi.

- Quả nhiên cái “mẹo vặt” ấy rất có kết quả. Việt nghe tiếng chân chạy theo phía sau như có vẻ lưỡng lự. Rồi Víệt thấy Khôi tiếp tục phóng mình chạy. Lần này, Khôi là người bị đuổi theo, nhưng giữa người đuổi và người chạy trốn bị hàng rào giây kẽm cản trở.

- Việt chọn một khoảng giây rào đã chùng, tìm cách chui qua. Nhưng khi Víệt vừa cúi xuống thì chiếc balô vuột qua đầu kéo Việt ngã chúi theo, một mấu kẽm gai móc vào túi quần “short”, mấu nữa xé rách ống quần, mấu thứ ba vạch xước một vệt dài trên bắp đùi.

- Vết xước cày trên đùi làm Việt đau điếng. Anh nghiến răng tìm cách gỡ người ra khỏi hàng rào, nhưng lui lại thì không được, vì chiếc balô vướng trên đầu đã làm nửa thân Việt mắc cứng ở bên kia rào. Việt đưa tay bám chặt đám cỏ cố trườn mạnh người sang. Chiếc quần Short của Việt rách toạc, mắc lại ở giây kẽm.

- Còn đang lúng túng Việt đã thấy người mắc áo mưa chạy tới, giọng nói của hắn cất lên tự đằng xa.

- - Thong thả, đồ ngốc! Nhè nhẹ kẻo rách hết người ra chừ!

- Việt không thể chần chừ hơn nữa. Nếu không thoát khỏi sợi kẽm gai chắc chắn anh sẽ bị hắn tóm cổ. Việt vùng mạnh, một chân chống được xuống đất và nhất quyết rứt đứt mọi vướng mắc. Chiếc quần xoạc rách thêm vướng lại một mảnh trên mấu kẽm.

- Lúc Việt đang lồm cồm đứng lên, anh cũng nghe hơi thở hổn hển của hắn tới gần. Việt vừa toan vùng chạy nữa, thì “hắn” giận dữ nói :

- - Răng mà cứ cắm cổ chạy thục mạng rứa!

- Giọng nói trong trẻo làm Việt sửng người lại. Anh chợt nhận ra người đuổi theo mình là một cô gái!

- Cô gái đứng thở trước mặt Việt. Nếu không có mớ tóc dài xõa sau vai, và giọng nói thanh bai trong trẻo thì chẳng ai nhận được cô ta là gái, vì chiếc quần bó ống và chiếc áo mưa khoác ngoài!

- Việt ngoái nhìn lại phía sau. Khôi đã biến mất dạng. Anh chàng nếu biết đã chạy trốn trước một cô gái chắc sẽ hận lắm! Cô gái tuy lớn tuổi hơn Khôi Việt nhưng dù sao, cả hai “đấng nam nhi” hoảng hốt bỏ chạy như thế cũng kỳ. Nhất là Việt, hiện đang đối diện với cô ta, mà nửa thân quần bị xé rách còn mắc cứng trên giây kẽm!

- Bị bẽ mặt, Việt nổi cáu. Anh hạch hỏi cô gái sao lại đuổi theo anh làm gì? Cô ta đáp :

- - Tui chỉ muốn theo kịp các cậu, vì hai cậu chạy cùng một đường với tui.

- - Thế sao chị không nói?

- - Nói chi được! Không thấy tôi thở mệt muốn đứt hơi hay sao?

- Cô gái nhắm mắt lại, đưa tay lên ngực như muốn đè nén xúc động.

- Việt biết các cô gái mỗi khi nhắm mắt là nước mắt sắp sửa trào ra. Các cô khóc có thể là vì buồn, vì giận, vì sợ, hay cũng có khi chỉ là đóng kịch. Trường hợp cô gái này là gì đây?!

- Cô gái không phải hạng người nhút nhát, cũng chẳng có vẻ đau buồn. Vậy một là cô ta đang tức giận, hai là đang mưu tính sự gì. Việt lui lại một bước dè dặt :

- - Nếu chị là dân trên đảo, chị sợ gì ai mà phải chạy theo chúng tôi?

- Cô gái đáp:

- - Rứa sao các cậu cũng cắm cổ chạy trối chết Và cuống lên đến nỗi đâm bổ vào dây kẽm gai làm rách mất cả quần!... cậu muốn biết tui sợ gì ư? Ở đây cái chi cũng làm cho tui sợ hết...

- Việt bối rối đứng yên. Không lẽ anh lại thú thật rằng chính cô gái đã làm anh hoảng sợ. Anh cũng không thể “bật mí” lý do anh và Khôi phải vội vàng rời khỏi trang trại vừa rồi. Phiền hơn nữa là nước mắt cô gái bắt đầu trào ra. Cô nức nở khóc và lấm lét nhìn quanh. Việt cảm thấy mình thật là lố bịch, đứng trơ trơ với chiếc quần rách, trước mặt một cô gái đang khóc mà không biết phải an ủi cô ta bằng cách nào.

- Để cứu vãn tình thế, Việt đành hỏi tên tuổi cô ta. Cô gái cho biết tên là Lan và hơn Việt chừng ba hay bốn tuổi.

- Việt hỏi cầu may :

- - Chị có thấy ai nhặt được cái lều vải nào không?

- - Không! Của các cậu à?

- - Phải, vì chúng tôi có đem theo cái lều để cắm trại, mà không biết bị ai lấy đâu mất.

- Lan nhớn nhác nhìn quanh nói :

- - Có lẽ họ lấy đó. Tui nghe một người trong bọn họ nói có nhặt được cả chiếc đèn bấm nữa.

- Việt tái mặt :

- - Tụi tôi có đánh rơi một cái đèn...

- - Nếu vậy thì chính họ rồi...

- Lan chợt im bặt, cuống cuồng bảo Việt :

- - Cậu hãy cẩn thận! Họ đang tới đó kìa. Chạy mau theo bạn cậu đi, và ẩn vào chỗ căn nhà bỏ hoang ở đằng kia. Tôi sẽ đến gặp các cậu sau nếu anh tôi...

- Việt không kịp nghe tiếp câu cuối của Lan, cắm cổ chạy theo hướng Khôi vừa mất dạng. Anh nghe ở phía sau có tiếng người kêu réo tên Lan.

Trời đã tối hẳn. Cơn mưa vẫn chưa dứt. Việt vừa chạy, vừa ngã. Đất ướt trơn trượt, gai góc cứa vào hai ống chân sây sát. Cũng may, Việt đang thất vọng tưởng lạc mất bạn thì Khôi đã có sáng kiến dùng đèn bấm ngầm báo hiệu cho Việt biết hướng tìm đến.

Khôi đang ở trong một căn nhà hoang, tường vách hư hỏng quá nửa, nhưng còn một cái gác xép có thang tre trèo lên dùng tạm được.

Khôi an ủi bạn :

- Cắm trại kiểu này không được lý tưởng lắm nhưng có chỗ ngủ đêm nay là may lắm rồi Việt ạ. Điều may hơn nữa là ở trên cái gác xép này tụi mình có thể ngủ thẳng một mạnh không sợ ai quấy rầy... cậu biết vì sao không?

Việt nhìn chiếc thang tre. Khôi vỗ vai bạn tiếp :

- Chắc cậu đoán ra rồi! Nhờ cái thang tre này! Tụi mình leo lên trên rồi rút luôn cả cái thang này theo là yên trí lớn.

Khôi nói cũng đúng. Vả Việt quá mệt nên không còn muốn bàn cãi gì hơn. Anh leo lên nằm soải chân tay trên sàn ván. Sau khi soát lại cẩn thận một lượt, không còn vật gì sót lại ở tầng dưới. Khôi cũng lên theo và kéo chiếc thang để nằm bên cạnh.

Đêm không tối lắm. Mưa đã tạnh và ánh trăng ẩn hiện trên rừng chàm.

Khôi Việt tưởng có thể nằm xuống là ngủ ngay, ngủ mê mệt, vì cả hai đều thấy thân thể mỏi rời. Tuy nhiên Khôi cứ ngáp hoài, và trăn trở luôn, làm Việt không thể nào nhắm mắt. Việt thở dài nói :

- Chịu! Không thể nào ngủ được. Ngày hôm nay nhiều chuyện xảy ra quá.

Khôi đáp :

- Nhiều thì không đáng kể, song có lắm sự lạ.

- Chẳng những lạ mà thôi, tớ còn cho là quái dị nữa.

Việt hồi tưởng lại những việc xảy ra trong ngày. Hai anh em chỉ định sang đảo Chàm cắm trại vài hôm. Mới đặt chân lên đảo, đã rơi mất cây đèn bấm, và biến luôn cả cái lều. Rồi khi chạy vào trong hang trú mưa, lại nghe tiếng chuông kêu dưới đáy biển, mà sự lạ đó thật khó giải thích được.

Khôi cả quyết sẽ tìm ra manh mối, nhờ mấy giòng chữ ghi vội trên chiếc phong bì của thầy giáo Phong. Thật vậy, mấy giòng chữ đó chứng tỏ thầy Phong không mất tích như người ta tưởng, mà thầy hiện đang có mặt trên đảo.

Một đám mây lướt qua, mặt trăng lu mờ chốc lát, rồi lại bừng sáng. Khôi nói :

- Ngủ không được, hay tụi mình lấy mảnh giấy của thầy Phong ra xem lại?

- Phải đấy! Nhưng... chết cha rồi!

Việt vừa trực nhớ ra chiếc phong bì đó nằm trong túi quần bị vướng ngoài giây kẽm gai. Anh nói cho Khôi biết điều ấy. Khôi rên rỉ :

- Trời ơi! Có mỗi một tài liệu quí giá như vậy mà cậu cũng để mất chỉ vì chạy trốn một cô gái!

Việt cãi :

- Bộ chỉ có mình tớ chạy trốn thôi đấy! Cậu cũng chạy có cờ mà! Nhưng mình sẽ lấy lại tài liệu đó. Biết đâu nó chẳng giúp mình khám phá ra được nhiều truyện. Tớ nhớ là thầy Phong có nói về phần đất của Phố Hội xưa bị chìm dưới biển. Điều đó cũng đáng chú ý lắm chứ, phải không Khôi?

- Thầy ấy nói đến cả một đường hầm, ăn sâu dưới ghềnh đá...

- Và việc báo cho cảnh sát biết nữa...

Thực ra, lúc nhặt được mảnh giấy của thầy Phong giấu trong đống rơm, Khôi Việt chưa kịp xem kỹ, đã phải hấp tấp bỏ chạy. Và chưa ai có nổi một xét đoán trong đầu.

Việt nói giọng hối tiếc :

- Thôi được, để sớm mai tụi mình sẽ ra kiếm lại mảnh quần rách ngoài giây kẽm gai.

Khôi càu nhàu :

- Chỉ mong lấy được tấm giấy của thầy Phong là đủ. Còn cái quần của cậu thì kể như bỏ đi rồi, còn mặc gì được nữa. Những điều ghi chú của thầy Phong mới quan hệ, chúng ta phải giữ kỹ hoặc nếu cần thì học thuộc lòng những điều thầy đã viết.

Víệt nói sang truyện Lan. Nhờ Lan đôi bạn mới biết có người đã nhặt được cái đèn bấm Việt đánh rớt từ trên miệng vực xuống. Vậy thì người bắt được tất phải ở dưới lòng vực.

Lan đã làm Khôi Việt hoảng sợ. Song chính nàng hoảng hốt không kém. Nàng chạy theo Khôi Víệt chỉ là do sự ngẫu nhiên gặp nhau trên một con đường. Và những người mà nàng nhắc đến hầu như đã làm nàng sợ hãi. Việt sẵn sàng tỏ ra có thiện cảm với Lan, nhưng Khôi thì nhất định cho rằng một cô gái mau nước mắt không giúp ích được việc gì.

Bàn bạc mãi tới khuya hai anh em mới thiếp ngủ đi lúc nào không rõ. Đến khi bừng tỉnh thì trời đã tờ mờ sáng. Vừa mở mắt, Khôi thấy ngay bóng chiếc thang tre đứng dựng ở mé tường. Có ai đã lấy xuống đặt trả vào chỗ cũ.

Khôi nhỏm người dậy, nhưng Việt đã nắm vai bạn kéo ngược lại. Phía dưới, có tiếng chân người đi. Khôi Việt nín thở nghe ngóng. Đầu thang chợt rung động và thân thang chuyển răng rắc. Người đang leo thang hẳn phải to lớn nặng nề.

Việt ép người nằm nghe và tính trước đến hoàn cảnh phải đối phó. Anh nghĩ: mình không làm thiệt hại đến ai cả, chỉ nằm ngủ đây thôi, vậy có gì đáng lo sợ? Bất quá nếu phải người chủ căn nhà hoang này tới đây, thì họ cũng chỉ rầy mình sao không xin phép trước là cùng! Nhưng nhà bỏ hoang biết ai là chủ mà xin phép?

Nghĩ đến đấy thì người trèo thang vừa nhô lên, trên vai có khoác một bị lớn. Ánh đèn bấm ở tay hắn lóe lên chiếu thẳng vào chỗ Khôi Việt.

Liền đó, người vừa lên thang bỗng cất tiếng cười làm Việt lui lại, trong lúc Khôi vùng dậy với tư thế sẵn sàng đối phó.

- Nom các cậu tức cười quá! Y như một cặp thỏ luống cuống dưới ánh đèn.

Việt nhận ngay được giọng nói của Lan. Anh không khỏi bực mình bị Lan chế diễu, nên cự nự :

- Sao chị không lên tiếng báo cho chúng tôi hay trước?

Đoạn quay sang Khôi, Việt nói :

- Chị Lan đấy. Chị ấy có hẹn sẽ tới kiếm tụi mình.

Lan ngưng cười :

- Xin lỗi hỉ. Chắc các cậu bị một mẻ sợ!

Khôi cáu kỉnh :

- Sợ gì! còn lâu tụi này mới sợ! chỉ bực mình vì bị khua dậy đột ngột thôi.

Lan dịu giọng :

- Dù tôi có muốn gõ cửa báo trước, thì căn nhà hoang này làm gì còn cửa mà gõ!...

Đoạn nàng mỉm cười tiếp :

- Tối qua tui thấy các cậu chạy về ngả này. Nhưng dĩ nhiên là không biết các cậu chọn chỗ nào để ngủ. Tui đến đây để cất giấu chiếc “sắc” này, (Lan thận trọng đặt chiếc túi xuống) rồi tính đi tìm các cậu sau - Tui thường dùng căn gác xép này làm nơi trú ẩn và không ngờ lại gặp các cậu ngay ở đây.

Lan ngồi xuống cạnh cái túi của nàng, đưa mắt nhìn Khôi, và trầm giọng nói :

- Chúng mình nên là bạn với nhau, vì có lẽ đang cùng chung một hoàn cảnh.

Khôi lầu bầu :

- Tôi không rõ chị đang ở trong hoàn cảnh nào và có điều gì phiền toái nhưng rất sẵn lòng coi chị như một người bạn. Chị ở trên đảo này?

Lan nhìn Khôi như để trả lời, và quay sang Việt nói :

- Tui ở trên đảo... nhưng lại không phải là dân đảo!

Khôi gật gù :

- Hừ, lại thêm một điều bí ẩn nữa!

- Các cậu đã gặp ai ở đây chưa?

Khôi nghĩ đến mảnh giấy của thầy Phong, đáp :

- Chưa hẳn là đã gặp ai cả, nhưng có biết tin!

Mắt Lan sáng lên :

- Chính vì thế mà tui cần sự giúp đỡ của các cậu.

Nàng mở dây buộc túi :

- Nhưng trước khi bàn vào việc, tui tưởng các cậu nên dùng đỡ những món này đã.

Lan lôi ở trong túi ra mấy củ khoai, nửa chục trứng đã luộc chín và nửa nải chuối.

Khôi Việt đưa mắt nhìn nhau. Hai anh em đang đói bụng. Tuy vậy cũng cần tỏ ra đôi chút lịch sự nên Việt nói :

- Cám ơn chị đã săn sóc chu đáo đến chúng tôi... Nếu chị thấy cần chúng tôi giúp đỡ việc gì...

Khôi tuy vẫn còn ấm ức, cũng đỡ lời :

- Dĩ nhiên chúng tôi sẵn sàng giúp chị. Mà chị kiếm đâu ra được những thức ăn ngon lành này?

Lan chia đều hai phần thức ăn, nói :

- Tôi chỉ cần dậy sớm, nấu chín trước khi mọi người thức giấc là có đủ. Chừ mời các cậu ăn đi, để tôi kể cảnh ngộ của tôi cho các cậu rõ.

Khôi Việt vừa ăn vừa nghe truyện Lan. Nàng kể :

- Tui ở bên phố Hội qua đây chơi với cậu tui là ông Chế Bảo, chủ cái trại mà chiều qua các cậu đã tới đập cổng.

Khôi không khỏi giựt mình khi biết Lan là cháu ông chủ trại mà hai anh em đã bỏ trốn. Anh tò mò hỏi :

- Nói vậy thì chị là dòng dõi của người Hời?

Lan gật đầu tiếp :

- Phải, nhưng là họ ngoại. Đất Quảng Nam xưa kia là lãnh thổ của người Chiêm Thành, và hiện thời vẫn còn một số người hậu duệ của các dòng họ Ông, Ma, Trà, Chế khi xưa. Bên ngoại tui thuộc dòng họ Chế. Ngôi nhà hoang mà chúng ta đang ngồi đây là nhà của ba mạ tui.

Truyện cha mẹ Lan qua đảo Chàm lập nghiệp là một thiên tình sử. Bên nội Lan trước đây hình như đã ngăn cản không cho cha nàng lấy mẹ nàng, một thiếu nữ thuộc dòng họ Chế. Nhưng hai ông bà đã nghe theo tiếng nói của con tim, bất chấp mọi cản trở, đưa nhau qua đảo xây dựng hạnh phúc.

Từ ngày mẹ Lan chết đi, cha nàng buồn rầu bỏ cơ nghiệp đã tạo dựng trở về quê nội. Lan được gửi cho bà cô bên phố Hội nuôi nấng. Còn Minh, anh của nàng - Lan có hai anh em -, vì một lý do nào đó ở lại đảo với ông Cậu. Ngôi nhà của cha mẹ Lan trở nên hoang phế. Mỗi lần qua đảo chơi, Lan thường tới ngôi nhà cũ tìm lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Hồi còn tuổi học trò, Minh cùng với các con ông cậu đều sang học bên phố Hội. Bởi vậy, tuy hai anh em người ở với cô người ở với cậu, cũng vẫn có dịp gặp nhau luôn. Lớn lên, Minh rời nhà trường, và không muốn sống trên đất liền vì anh rất thích nghề đi biển, nên ở lại trên đảo với gia đình cậu. Phần Lan vẫn sống với bà cô. Do sự xích mích nội ngoại từ ngày cha mẹ Lan làm bạn với nhau, cô nàng không ưa những người thuộc dòng họ Chế. Tuy vậy bà cũng vẫn cho phép Lan - một cách miễn cưỡng - được sang chơi với Minh mỗi năm vài lần.

Lan được gia đình cậu niềm nở tiếp đón nên rất mong chóng tới kỳ hạn được sang chơi. Nhưng càng lớn lên, mỗi lần sang thăm gia đình cậu, Lan lại càng có cảm tưởng như bầu không khí trên đảo có vẻ gì khác lạ. Hình như mọi người đều muốn che giấu một điều gì bí ẩn.

Lan bắt đầu băn khoăn vì điều đó, và tìm đủ mọi cách để tìm hiểu. Nàng tự hỏi: Ngoài những ngày đi biển đánh cá, gia đình cậu nàng không chú trọng mấy đến việc canh tác, nên hoa lợi trong trại không thu hoạch được bao nhiêu.

Có lần Lan hỏi mợ nàng tại sao không trồng trọt chăn nuôi thêm như khi xưa cha mẹ nàng đã làm thì bà nói: “Tại bọn “giặc khởi” phá phách nên không muốn làm!”

Việt ngẩn mặt rồi vỗ đùi cười :

- Giặc khởi! Phải chị định nói là bọn khỉ đó hả?

Lan gật đầu :

- Phải, ở đây ai cũng kiêng không gọi chúng là khỉ mà kêu là khởi!

Chúng có họp bày phá phách thật. Song lý do mợ Lan nại ra chưa hẳn đã đúng. Bởi vì theo chỗ nàng nhận xét, trừ những ngày đi biển, còn những ngày khác nếu không ra ruộng rẫy lo việc nông tang thì những người trong gia đình cậu đi đâu mà cũng vắng mặt suốt ngày.

Hơn nữa, dân trên đảo có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vậy mà thỉnh thoảng vào buổi sáng tinh sương hoặc buổi chiều nhập nhoạng Lan có cảm tưởng như dân số bỗng nhiên tăng lên, với những con người lạ hoắc.

Điều làm Lan lo ngại hơn hết là Minh. Từ ngày mồ côi mẹ, hai anh em Lan rất thương yêu nhau. Tình anh em bây giờ cũng vẫn như cũ, nhưng rõ ràng là Minh có giấu Lan điều gì.

Minh bận việc cả ngày, có khi cả đêm. Đối với một người làm nghề chài lưới việc vắng nhà một vài đêm là chuyện thường. Tuy vậy, hễ sương đêm phủ mờ trên đảo, là Lan thấy hoang mang nghi ngại, tự hỏi có chắc giờ này Minh đang thả lưới hay không? Lan sợ rằng anh nàng, cũng như mọi người thân quyến trong gia đình ông cậu đang làm việc gì mờ ám mà vì sợ sệt Minh không dám cho em hay.

Sự nghi ngờ này reo rắc vào tâm hồn Lan từ đầu mùa xuân. Nàng có lệ sang đảo chơi mỗi năm hai kỳ, vào dịp Tết Nguyên Đán và kỳ hè.

Kỳ này là kỳ thứ hai trong năm. Trước đó Minh có nhắn Lan không nên sang chơi trong vụ hè này vì xem ý cậu mợ nàng không muốn.

Bà Cô Lan bên phố Hội nghe biết lấy làm tức giận, bảo :

- Từ nay thằng anh mi, có nhớ em thì qua bên ni mà thăm, chớ mi thì khỏi cần sang đó nhận họ hàng cậu cháu làm chi nữa!

Rồi bà kể cho Lan nghe đủ mọi tin dồn, mà chắc chắn đã được nhiều người thêu dệt thêm lên, về những điều bí ẩn liên quan đến tập tục của dòng dõi người Hời.

Nhưng tin đồn làm mọi người ở phố Hội xôn xao nhất là truyện Thầy giáo Phong đột nhiên mất tích.

Lan là bạn thân của Thầy Phong. Nàng biết thầy Phong không phải là hạng người nông nổi. Tuy nhiên, thầy thường hỏi nàng nhiều điều về đời sống trên đảo Chàm. Và cũng chính vì thế mà hai người quen nhau.

Tin thầy Phong mất tích được người ở phố Hội đưa vào những truyện huyền thoại của người Hời. Họ đồn thổi rằng thầy Phong đã nhặt được một thỏi vàng Hời, và rồi thầy bị ma lực của thỏi vàng ấy thu hút, mê hoặc đưa thầy tới một vùng thâm sơn cùng cốc nào đó, thuộc đất Lâm-ấp khi xưa và bị thần Civa chôn sống dưới ngôi cổ mộ.

Không ai ngờ thầy Phong đã sang đảo Chàm. Lan cũng vậy.

Mãi sau nhờ một may mắn tình cờ nàng mới khám phá ra được sư mất tích của Thầy.

Hồi còn nhỏ mỗi lần sang đảo, Lan thường theo Minh ra chơi ngoài ghềnh đá lúc thủy triều hạ thấp. Bờ đảo chằng chịt những hốc đá, hang động, nên hai anh em mặc sức len lỏi, bắt cua câu cá. Đôi khi mê mải bị nước triều dâng lên ngập lối nhưng hai anh em vẫn không nao núng vì đã tìm ra được nhiều ngách đá đưa thoát lên mặt đảo.

Gần đây Lan khôrg còn cái thú ấy nữa. Vì Minh chẳng những từ chối không chịu cùng đi chơi với nàng như hồi còn nhỏ, mà anh còn ngăn cản nữa.

Cậu Lan cũng ngỏ ý không muốn Lan ra “xục xạo” ngoài ghềnh đá, vì theo lời ông nói: sợ nhỡ gặp tai nạn hiểm nghèo. Lan chỉ được phép dạo chơi trên các con đường ở giữa lòng đảo mà thôi.

Lần này sẵn có định kiến, muốn dứt khoát với bao ngờ vực nhen nhúm ám ảnh Lan suốt từ đầu mùa xuân tới giờ, nàng đòi Minh đưa nàng ra chơi ngoài ghềnh đá hoặc cho nàng theo anh đi biển. Minh nhất mực từ chối. Bực mình Lan lén xuống bờ biển một mình. Lâu ngày quên lối, nàng lạc vào một hang sâu mà hồi nhỏ chưa từng bước chân tới. Hang rộng có nhiều kẽ hở, ánh sáng từ những kẻ đó chiếu xuống long lanh trên vách đá nom thật đẹp. Lan tò mò đi sâu vào trong, thấy hang có nhiều ngách hẹp vừa một người đi. Nàng đang tự hỏi khôrg biết những ngách thông nhau nầy đưa tới đâu, thì nàng chợt thấy phía trên cao có một bóng người.

Thoạt tiên Lan chưa nhận rõ, tới khi bóng đó thấy Lan liền vội kêu :

- Lan! Lan! Lan!

Tiếng gọi của người ấy bị sóng biển át đi, may nhờ có tiếng vọng trong hang mà Lan nghe được. Nàng sửng sốt hỏi :

- Ai đó?

Tiếng nói của Lan thốt ra như trong cơn mộng mị, không vang vọng một âm hưởng nào. Nàng nhìn quanh thử tìm xem có lối nào đưa lên chỗ người ấy đứng. Còn đang phân vân, lại nghe tiếng gọi khẩn thiết hơn :

- Lan! Lan ơi!

Lan nhìn lên. Lần này bóng người đã nhô hẳn ra vùng ánh sáng và nàng không khỏi kinh hoàng nhận ngay ra người đó chính là thầy giáo Phong.

Cùng lúc ấy có bóng hai người khác trong ngách đá chạy ra. Một người đưa tay bịt miệng thầy Phong lại còn người kia bẻ quặt tay thầy ra sau lưng đẩy đi.

Lan chỉ kịp nhận thấy một trong hai người đã áp đảo thầy Phong là Minh, anh nàng...

Thấy Khôi, Việt tròn mắt nhìn mình, Lan cười nói :

- Ủa, ăn đi chứ! Sao ngồi ngẩn mặt ra rứa?

Quả thật những lời Lan vừa thuật lại Khôi Việt không thể nào ngờ tới: Thầy giáo Phong bị bắt giữ trong một hang động bí mật và người kềm giữ thầy lại chính là Minh, anh của Lan.

Việt bàng hoàng hỏi :

- Rồi chị làm gì sau đó?

Lan tiếp :

- Tui đứng lại trong động và tiếp tục gọi. Nhưng tiếng gọi của tui bị sóng biển át đi. Tui muốn đi sâu thêm vào trong hang nhưng không kịp nữa...

Khôi ngắt lời :

- Chắc tại nước triều lên, nên chị sợ bị bịt lối?

Lan gật đầu :

- Phải. Tôi để ý những rong rêu bám trên hai vách đá và biết là mực nước có thể dâng lên tới quá nửa hang. Ở phía trên, chỗ thầy Phong vừa xuất hiện lại không có lối lên.

- Thế còn anh Minh, khi gặp chị anh có nói gì không? Tất anh phải biết lúc ấy có chị ở trong hang vì thầy Phong đã kêu tên chị?

- Anh không nói gì hết. Anh chỉ cười khi nghe tui nói có thấy anh ở trong hang và làm như không biết thầy giáo Phong là ai cả!

Khôi cau mày :

- Theo tôi thì anh ấy...

Lan cướp lời :

- Đừng vội xét đoán về ảnh. Chưa bao giờ anh nói dối tôi điều gì, và hiện chừ tui vẫn tin anh rất ngay thẳng.

- Nhưng rõ ràng chị thấy anh ấy trên ngách hang cùng với thầy Phong đó thôi?

- Đúng thế! Tui cả quyết là đã thấy hai người. Song tui chắc vì một lẽ chi đó mà anh không muốn nói cho tui hay. Vì thế chiều qua, cậu mợ tui bảo tui về bên phố Hội, tui đã lánh mặt không về.

- Họ không muốn cho chị ở đây à?

- Cậu Chế Bảo muốn tui đi ngay từ chiều qua. Nhưng tui vờ sang trại bên cạnh chơi mãi gần tối mới về nên cậu nổi giận đi tìm và la hét om sòm. Đúng lúc ấy thì tui gặp hai cậu. Bây chừ tui quyết ở lại trên đảo tìm cách khám phá bằng được những điều bí ẩn đang được che giấu.

- Như thế có nguy hiểm cho chị không, chị Lan?

- Cần chi! Tui muốn ở lại cho biết số phận của thầy Phong và cả anh Minh của tui nữa.

Khôi Việt vừa ăn vừa lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Cả hai đều có chung một quyết định song chưa ai muốn nói trước ý kiến của mình. Nghe Lan kể xong và hiểu rõ ý định táo bạo của nàng, Khôi Việt cảm thấy cần phải giúp Lan, không thể để nàng liều lĩnh một mình được, nên cùng thốt :

- Chúng tôi sẽ ở lại giúp chị.

Lan cảm động chớp nhanh đôi mắt. Nàng vẫn chờ đợi câu nói ấy, nên thở ra nhẹ nhõm :

- Nếu vậy chúng ta hãy bàn tính ngay cách hành động.

Dáng điệu và giọng nói đơn sơ nhưng đầy cả quyết của Lan làm Khôi Việt khâm phục. Hai anh em liền kể lại truyện của mình, những điều tai nghe mắt thấy cùng những nghi vấn chưa tìm ra manh mối.

Tuy sống ở trên đảo lâu năm, Lan chưa từng được nghe tiếng chuông kêu. Lan chỉ nghe người ta đồn thổi, và coi câu truyện về phố Hội cổ xưa chìm dưới đáy bể như một huyền thoại. Về việc thầy Phong mất tích, khỏi nói, cả Lan lẫn Khôi Việt đều biết, duy nguyên nhân sự có mặt đột ngột của thầy trên đảo Chàm thì chưa ai đoán được. Mảnh giấy của thầy viết mà Việt nhặt được thì lại nằm trong túi quần vướng ngoài rào giây kẽm gai.

Lan lên tiếng :

- Thực không thể hiểu tại sao một cái chuông lại kêu được ở dưới đáy biển, cũng như việc thầy Phong đột ngột hiện ra trong ngách hang! Cả hai việc đều bí mật cả. Nhưng theo ý tui, thì điều cần hơn hết là nên tìm dấu vết thầy Phong trước đã. Tài liệu quí nhất có liên quan đến thầy ấy thì cậu Việt đã để vướng ở ngoài rào rồi! Bây chừ làm sao lấy lại được?

Việt ân hận đã để rớt mất mảnh giấy đó, nên hăng hái nói :

- Nếu chị còn nhớ chỗ đó ở phía nào, chị chỉ vẽ đường lối tôi sẽ đi lấy về. Trời còn đang tối chưa sáng hẳn.

- Nhưng phải cẩn thận mới được.

- Ai cấm tôi lấy lại chiếc quần rách mà sợ?

Khôi đưa ra một nhận xét :

- Việt nên nghe lời chị Lan đi. Mình cần lấy tờ giấy đó mà đừng cho ai thấy phải không chị?

Lan gật đầu :

- Hai cậu đừng để lộ hình tích là tốt hơn cả. Tui cũng làm như chưa gặp các cậu khi mô hết.

Việt nói :

- Được rồi! tôi sẽ đi lấy mảnh giấy ấy ngay bây giờ. Rồi sau đó mình đi đâu?

Lan ngăn Việt lại :

- Khoan chút đã, để tính kỹ lại coi.

- Chỉ sợ họ thấy xuồng của mình họ giấu luôn, như hôm qua họ đã giấu cái lều vải thì mất đường về.

- Chắc họ chưa để ý tới đâu. Vả họ cũng không ngờ là có các cậu sang đảo bằng xuồng và neo ở ngoài bến.

Khôi nói :

- Nếu vậy, để tôi xuống bến sửa soạn trước. Khi nào lấy được mảnh giấy, chị Lan và Việt cứ đi thẳng xuống bến là đã có tôi chờ sẳn. Chúng mình sẽ trở về phố Hội ngay.

Nhưng Lan lắc đầu :

- Không được! Tui còn phải trở về trại đã. Tui còn muốn gặp anh Minh và để khỏi có ai nghi kỵ. Với lại, hiện giờ nước triều còn thấp phải quá trưa mực nước mới lên tới 2 phần 3. Tui muốn lợi dụng lúc đó chúng mình vô trong hang coi may ra có khám phá thêm được điều gì chăng. Hai cậu hãy chờ đúng ba giờ, chèo xuồng đến chỗ ghềnh đá gần ngọn hải đăng chờ tui với nghe.

- Xong rồi chị cùng về phố Hội với chúng tôi chứ?

- Vâng. Tui muốn lợi dụng triệt để thời gian mình còn lưu lại đây. Cũng may chiều qua tui không chịu trở về phố Hội, và vì thế mà may mắn gặp được các cậu để cùng nhau chung sức lại.

Việt đề nghị :

- Trong khi chờ đợi tới giờ nước triều lên, tụi tôi giấu xuồng một chỗ, rồi vào trong hang thăm thú trước nhé.

- Các cậu không thể tìm ra cửa hang đó mô. Ngoài ghềnh đá có thiếu chi hang hốc tương tự như nhau vì sóng biển soi mòn. Các cậu chỉ nên chờ đúng giờ nước triều lên, chúng mình sẽ vô tuốt trong hang vì mực nước lúc ấy sẽ dâng cao quá nửa. Hy vọng mình có thể tìm đường leo lên trốc hang được.

- Sao! Chị định vào trong hang bằng xuồng à?

Lan thản nhiên đáp.

- Chớ răng nữa!

- Nhỡ bị kẹt trong đó thì sao?

- Không can chi mô. Tui đã quan sát kỹ rồi. Dù mực nước lên cao nhất cũng vẫn có đủ khoảng trống để chúng mình cho xuồng len lỏi trong đó. Và khi nước rút, xuồng mình cũng rút theo. Tui có đủ kinh nghiệm rồi mà!

Khôi đưa mắt nhìn Việt như ngầm bảo bạn nên tin theo lời Lan. Nàng có vẻ “trội” hơn, thông thạo hơn Khôi Việt trong vụ mạo hiểm sắp tới này.

Lan tiếp :

- Miễn là các cậu có một cái xuồng thiệt tốt!

Như vậy là chương trình hành động đã được hoạch định xong. Lan nhất định gặp lại anh nàng, cố thuyết phục xem anh có chịu giải thích cho nàng biết rõ hơn chăng. Nhưng dù Minh nói hay không, Lan cũng vẫn sẽ tới ghềnh đá, cùng Khôi Việt vào hang dò xét trước khi trở về phố Hội.

Vừa bàn tính, Khôi Việt vừa thu dọn túi hành trang. Lan chỉ dẫn đường đi, theo đó thì Khôi sẽ men theo bờ biển, tìm con đường mòn xuống bến. Còn Việt thì đi ngược trở lại, tìm đến chỗ có hàng rào dây kẽm gai để lấy mảnh giấy còn trong túi quần rách vướng ở đó.

Cả hai đều phải lợi dụng lúc sương mù chưa tan, và cẩn thận núp lén đừng để cho ai bắt gặp.

Chia công tác xong, Khôi đặt ngay ngắn chiếc thang tre và giữ đầu thang cho Lan xuống. Nhưng Lan nói :

- Các cậu đeo “balo” nặng nên xuống trước. Để tui giữ thang cho.

Lan nói thật đúng. Chiếc thang đã ọp ẹp, lại khuyết mất vài bậc, nên muốn xuống phải rất cẩn thận.

Khôi dục :

- Việt xuống trước đi vậy, mau mau kẻo trời sáng mất.

Việt hấp tấp bước xuống. Chân anh vừa đặt vào bực thang, chiếc ba lô nặng đeo trên vai đã làm Việt mất thăng bằng, tuột tay ngã xuống.

Do bản năng tự nhiên, Việt rụt đầu lại hy vọng khi rơi xuống đất có chiếc balô che đỡ. Nhưng Việt không rơi xuống nền đất cứng, mà lại rơi vào hai cánh tay của một người đàn ông đang lớn tiếng gắt:

- Đi mô mà hấp tấp rứa?

Chú thích:

[1] Lối giải thích của Việt có lẽ mập mờ, không đúng. Theo ông Thái văn Kiểm thì vào thế kỷ thứ V tên con sông Thu Bồn chảy ngang qua Hội An ra biển, có tên là Hoài giang. Do đó Hội An xưa được gọi là Hoài Phố, và người Trung Hoa cư ngụ từ từ trước đã đọc trại ra là Phai Phô hoặc FaiFo.