Giới thiệu
Trong khi viết quyển Persuasion (tên tiếng Việt Thuyết Phục), JaneAusten đang ngã bệnh. Đây là tiểu thuyết cuối cùng hoàn chỉnh của JaneAusten, được phát hành năm 1818.
Trong khi Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) thường được được xem là truyện nổi tiếng nhất của Jane Austen, một số người đọc cho biết họ thích nhất Persuasion trong số các tác phẩm của tác giả. Điều này cho thấy Persuasion có một chỗ đứng nhất định trong văn học.
Câu chuyện xoay quanh cô Anne Elliot, con gái thứ hai của Tòng nam tước Walter Elliot, bị ông bố và chị khinh rẻ (có ý kiến so sánh như là Cinderella!). Tám năm về trước, Anne và anh Wentworth tha thiết yêu nhau trong khi anh này còn nghèo, không có gia sản, chưa có sự nghiệp. Vì nghe theo lời thuyết phục của Phu nhân Russell, người đóng vai trò mẹ đỡ đầu của cô, cho rằng Wentworth không xứng đáng, Anne cắt đứt quan hệ tình cảm với Wentworth. Bây giờ, Wentworthtrở về sau khi hòa bình được tái lập, trong tư cách một đại tá với chiến công hiển hách và một gia sản to tát nhờ tiền thưởng trong cuộc chiến. Cùng lúc, ông bố đang lâm vào cảnh nợ nần do chi tiêu phung phí.Trong khi ấy, người thừa kế tài sản và tước vị của Ngài Wentworth là anh Elliot bắt lại mối quan hệ với gia đình ông và có ý muốn cưới Anne. LiệuAnne sẽ bị thuyết phục bởi viễn cảnh làm Phu nhân một tòng nam tước và cũng là bà chủ một gia sản to tát, hay cô lại bị Phu nhân Russell thuyết phục nhầm lẫn, hay cô sẽ thuyết phục anh Wentworth kiềm chế sự ghen tị và mặc cảm đối với anh Elliot mà nối lại cuộc tình?
Đôi nét về tác giả Jane Austen
Jane Austen 16/12/1775 - 18/7/1817) là một nhà văn nữ người Anh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Sense and Sensibility, Pride and Prejudice, Mansfield Park, Emma, Northanger Abbey, và Persuasion. Những bình phẩm về các vấn đề xã hội cùng văn phong tuyệt kỹ trong nghệ thuật dẫn chuyện và xây dựng những tình huống oái ăm đã đem tên tuổi của Austen vào trong số những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh. Những tác phẩm của bà lấy bối cảnh trong Thời kỳ Nhiếp chính (Regnecy Era) - từ năm1795 đến 1830, nổi bật với những đặc thù trong chính trị, văn hóa, và trang phục. Trong suốt cuộc đời mình, Janes Auten không bao giờ kết hôn. Nhưng những câu chuyện tình yêu lãng mạn phần nào được nhà văn khai thác từ chính cuộc tình của mình với Tom Lefroy.
Chào đời ngày 16/12/1775 tại Steventon, Hampshire, Anh, Jane Austen là con thứ bảy trong gia đình có tám người con của Mục sư George Austen (1731-1805), cai quản giáo xứ Steventon, và bà Cassandra (nhũ danh Leigh) (1739-1827). Người thân thiết nhất trong cuộc đời Jane Austen là cô chị Cassandra; cả hai không bao giờ kết hôn. Ông bố là một học giả luôn khuyến khích con cái tính ham học hỏi. Tuy thế, Jane không được tiếp thu nhiều giáo dục từ nhà trường mà chủ yếu được ông bố dạy học, và cũng có điều kiện đọc nhiều sách vở. Không khí gia đình sinh động, đầm ấm và đầy ắp tình yêu thương, cộng thêm những mối quan hệ rộng rãi với họ hàng và bạn hữu, đã cung cấp bối cảnh cho các tác phẩm của tác giả. Đây là môi trường tốt giúp phát triển năng khiếu văn chương của cô. Gia đình Austen thường cùng nhau diễn kịch, điều này giúp Jane có cơ hội ra mắt các sáng tác của mình. Họ cũng thường mượn các tác phẩm văn học từ thư viện địa phương, và những cuốn tiểu thuyết này đã ảnh hưởng đến văn phong của cô. Các thành viên trong gia đình thường khuyến khích Jane sáng tác, nhất là ông anh Henry, người cũng viết lách chút ít.
Từ tuổi nhỏ, Jane Austen đã bắt đầu viết những vở kịch ngắn và tiểu phẩm nhằm tạo vui thú trong gia đình, tiếp theo là một ít thơ và văn xuôi. Cô viết tác phẩm đầu tay từ năm 1789. Jane Austen đã sử dụng khung cảnh đời sống của mình - vùng nông thôn, giáo xứ, láng giềng và những thị trấn miền quê, cùng những chuyến thăm viếng đến các thành phố Bath và London để lấy chất liệu cho những tình huống, cá tính và đề tài trong các tác phẩm của mình.
Tác phẩm Sense and Sensibility được viết vào năm 1784 dưới tựa đề Elinor and Marianne, qua nhiều bổ sung và chuyển thể đến năm 1811 mới được xuất bản, chỉ ghi tác giả là "một phụ nữ", và với chi phí tác giả tự bỏ ra. Tương tự, truyện Pride and Prejudice được phác thảo trong thời gian 1796-1797 và xuất bản lần đầu tiên năm 1813. Thêm truyện Mansfield Park được xuất bản năm 1814, và Emma năm 1816. Một nhà phê bình văn học có uy tín đã ca ngợi "tác giả không tên" là ngòi bút tuyệt diệu của "tiểu thuyết hiện đại" trong truyền thống mới về hiện thực. Tất cả tác phẩm xuất bản lúc Jane Austen còn sống vẫn đề tên tác giả vô danh. Sau khi qua đời, lần đầu tiên tên thật của Jane Austen mới xuất hiện năm 1818, trên truyện Persuasion.
Năm 1802, Jane Austen dường như nhận lời kết hôn với Harris Bigg-Wither, 21 tuổi, nhưng cô thay đổi ý định. Không ai biết rõ về cuộc đời tình ái của cô ngoại trừ những mẩu chuyện mâu thuẫn nhau. Cô chị Cassandra luôn muốn bảo vệ chi tiết đời tư của em gái mình, nên sau khi tác giả qua đời, cô đã tiêu hủy rất nhiều thư từ của tác giả để lại. Nhưng các tác phẩm cho thấy tác giả thông hiểu kinh nghiệm của tình yêu và của tình tuyệt vọng.
Sau khi cha bà qua đời năm 1805, Austen cùng chị gái và mẹ đến sống tại Southampton với gia đình Frank, anh trai của Jane, trong vài năm trước khi dời đến Chawton trong năm 1809. Tại đây, Jane cùng mẹ và các chị gái sống tại một điền trang có nhà nghĩ thôn dã là tài sản của ông anh Edward giàu có. Ngôi nhà này, nay trở thành viện bảo tàng, là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch và những người yêu thích văn học. Trong những ngày sống ở đây, Austen đã viết những tác phẩm sau cùng của bà.
Năm 1816, Austen bắt đầu mắc bệnh. Tháng 5 năm 1817, bà đến sống ở Winchester để tiện cho bác sĩ chăm sóc. Tình trạng sức khỏe của bà ngày càng tồi tệ, đến ngày 18 tháng 7 năm 1817, mới 41 tuổi, Austen từ trần do bệnh Addison (thoái hóa tuyến thượng thận). Bà được an táng tại Đại giáo đường Winchester.
(Theo Wikipedia)
Chương 1
Ngài Walter Elliot, ở Dinh thự Kellynch thuộc Somersetshire, là người cảm thấy vui mà nhận ra rằng mình không bao giờ phải đọc quyển sách nào ngoại trừ quyển Danh bạ Nam tước, qua đấy ông có thể nhàn nhã cả giờ mà vẫn xem đây là công việc phải làm, cảm thấy được an ủi trong tình cảnh khổ sở; qua đấy những tài năng của ông được khơi dậy thành sự ngưỡng mộ và trọng vọng khi suy ngẫm những gì còn lại trong cuộc đời thành tựu của mình trước kia. Cũng qua đấy ông cảm nhận đôi điều không như ý, lần giở qua những sáng tạo hầu như không ngớt trong thế kỷ qua, ông thấy người ta thương hại và khinh miệt những sự vụ trong gia đình mình - mà đấy lại là lẽ tự nhiên. Cũng qua đấy ông đọc lại lịch sử đời mình mà không hề suy giảm mối quan tâm. Đây là trang của quyển sách được yêu thích mà ông luôn mở ra đọc:
Walter Elliot sinh ngày 1 Tháng Ba năm 1760, ngày 13 Tháng Bảy năm 1784 cưới Elizabeth, con gái của Ông James Stevenson ở South Park thuộc hạt Gloucester, với người vợ này (qua đời năm 1800) có con gái Elizabeth sinh ngày 1 Tháng Sáu năm 1785, con gái Anne sinh ngày 9 Tháng Tám năm 1787; con trai chết non ngày 5 Tháng Mười Một năm 1789, con gái Mary sinh ngày 20 Tháng Mười Một năm 1791
Đấy chính xác là đoạn văn trong tay nhà in lúc đầu, nhưng sau ngày sinh của Mary, Ngài Walter đã thêm thông tin cho ông và gia tộc dòng chữ sau: "ngày 16 Tháng Mười Hai năm 1810 cưới Charles, người thừa kế của Ông Charles Musgrove ở Uppercross, thuộc Hạt Somerset" . Ông cũng viết thêm chính xác ngày vợ mình qua đời.
Tiếp theo là lịch sử và sự thăng tiến của một gia tộc có gốc gác lâu đời và được trọng vọng: những sự kiện trong thời gian đầu định cư ở Cheshire; những chi tiết ở Dugdale lúc giữ chức cảnh sát trưởng, đại biểu nghị viện qua ba nhiệm kỳ liên tiếp, những biểu hiện của lòng trung thành, và phẩm giá của một tòng nam tước, trong năm đầu của triều đại Charles II, cùng với tất cả những người thân trong hai họ thông gia của Mary và Elizabeth. Các sự kiện lấp đầy hai trang giấy đẹp đẽ, rồi cuối cùng kết thúc bằng huy hiệu của tước vị và dòng chữ: "Chủ nhân Dinh thự Kellynch, thuộc Hạt Somerset," và thêm dòng chữ viết tay của Ngài Walter:
Người thừa kế theo pháp luật, Ông William Walter Elliot, chắt của Ngài Walter thứ hai.
Thói phù hoa bao trùm phong cách của Ngài Walter Elliot, phù hoa về cá nhân và địa vị. Lúc còn trẻ ông khá điển trai, đến tuổi năm mươi tư vẫn còn đẹp người. Ít phụ nữ nào chú ý quá đáng đến ngoại hình của mình như ông; ít người hầu của một nhà quý tộc nào mới được phong tước cảm thấy hãnh diện hơn với địa vị ông nắm giữ trong xã hội. Ông xem ngoại hình là ân phúc chỉ kèm ân phúc của tước vị tòng nam tước. Ngài Walter Elliot tụ hội cả hai ân phúc ấy, thế nên ông luôn đặt trọng tâm nơi sự trọng vọng và lòng tận tụy sốt sắng nhất.
Ngoại hình và địa vị xã hội giúp ông có một mối lương duyên tốt lành, vì nhờ đó ông có một người vợ với đủ tố chất cao cả cho tương xứng với ông. Phu nhân Elliot là một phụ nữ giỏi giang, nhạy cảm và dễ mến. Người ta có thể bỏ qua trí tuệ và phẩm hạnh của bà vì nỗi mê đắm thời tuổi trẻ vốn giúp cho bà trở thành Phu nhân 1 Elliot, nhưng sau đấy bà không hề có sự buông thả nào: bà trêu đùa nhẹ nhàng hoặc làm nhẹ hoặc che giấu những khuyết điểm của chồng, và suốt mười bảy năm luôn tôn trọng ông. Dù không phải là người hạnh phúc nhất thế gian, bà vẫn gắn bó với cuộc đời qua những nhiệm vụ, bạn bè cùng con cái, và làm cho họ nuối tiếc khi bà phải xa rời tất cả. Ba người con gái - hai người đều mười sáu và mười bốn tuổi - là di sản lạ kỳ mà một bà mẹ phải để lại, một nhiệm vụ lạ kỳ thì đúng hơn, nếu giao phó cho một ông bố kiêu ngạo và ngốc nghếch. Tuy nhiên, bà có một người bạn rất thân, một phụ nữ nhạy cảm, xứng đáng, vì mến bà mà đến ngụ gần bà, trong ngôi làng Kellynch. Phu nhân Elliot chủ yếu trông cậy vào lòng tử tế và dẫn dắt của bà này để có sự giúp đỡ và bao bọc tốt nhất cho hai cô gái nhằm truyền đạt những nguyên tắc và lời khuyên bảo đúng mực.
Người bạn này và Ngài Walter không kết hôn với nhau, cho dù người ta có kỳ vọng ra sao chăng nữa. Mười ba năm trôi qua sau cái chết của Phu nhân Elliot, hai người vẫn là láng giềng thân thiết, mỗi người vẫn sống trong cảnh góa bụa.
Phu nhân Russell thuộc độ tuổi và tư cách chín chắn, có kinh tế rất khá giả, không cần nghĩ đến cuộc hôn nhân thứ hai, thế nên bà không cần phải giải thích với ai cả về việc này, vì nếu bước đi bước nữa thì hẳn người ta sẽ không hài lòng tuy là vô lý. Những cần giải thích việc Ngài Walter vẫn tiếp tục sống cảnh góa bụa. Nên biết rằng Ngài Walter, giống như một người cha tốt (sau khi đã có một, hai trường hợp thất vọng do đối tượng không tương xứng), cảm thấy tự hào vì sống một mình để lo cho các cô con gái. Đối với con gái lớn, ông cam chịu hy sinh tất cả vì cô, nhưng thật sự ông chưa cần cố gắng làm việc này. Ở tuổi mười sáu, Elizabeth đã tiếp thu được mọi điều hay từ bà mẹ. Cô lại còn đẹp người và rất giống cha, nhờ đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng, và hai cha con rất hạnh phúc bên nhau. Hai cô con gái còn lại bị cho là kém cỏi hơn. Mary tạo được vị thế quan trọng giả tạo khi trở thành bà Charles Musgrove. Riêng Anne có đầu óc tao nhã và tính tình hiền dịu vốn đáng lẽ được người có hiểu biết đánh giá cao, nhưng đối với ông bố và người chị thì cô không là ai cả: tiếng nói của cô không có trọng lượng, tính tình hiền dịu luôn khiến cho cô phải nhượng bộ - cô chỉ là đứa con gái mang tên Anne.
Thật ra, đối với Phu nhân Russell, Anne là đứa con nuôi thân thiết và được quý trọng nhất, là người tri kỷ. Bà yêu mến cả ba cô; nhưng chỉ đối với cô bà mới tỏ ra như là người mẹ sống lại.
Vài năm về trước, Anne Elliot rất xinh xắn, nhưng vẻ thanh xuân đã sớm tàn tạ. Ngay cả lúc cô xinh xắn nhất, ông bố vẫn không thấy cô có gì nhiều cho mình khen ngợi (vóc dáng mảnh mai và đôi mắt hơi đậm hoàn toàn khác biệt với ông), thế nên khi sắc diện cô nhạt phai và vóc dáng cô gầy đi thì ông lại càng không thấy gì có thể khơi dậy lòng quý mến. Lúc trước ông không hy vọng nhiều - bây giờ lại mất hết hy vọng - được đọc tên cô trên trang nào khác của quyển Danh bạ. Do Mary đã được gả cho một gia đình nông thôn lâu đời, được trọng vọng và có tài sản lớn, qua đó đã từ bỏ mọi danh vọng sẵn có và sẽ không nhận được danh vọng nào thêm, thế nên yếu tố môn đăng hộ đối chỉ còn trông mong nơi Elizabeth: một ngày nào đấy Elizabeth sẽ có cuộc hôn nhân xứng đôi vừa lứa.
Đôi lúc có trường hợp xảy ra là một phụ nữ ở tuổi hai mươi chín lại trông đẹp hơn mười năm về trước. Tựu chung, nếu không có bệnh tật hoặc nỗi muộn phiền nào, thì đấy là quãng đời mà vẻ hấp dẫn chưa mất đi nhiều. Đấy là trường hợp của Elizabeth, vẫn còn là cô Elliot xinh đẹp như người ta gọi mười ba năm về trước. Vì thế mà có thể lượng thứ cho Ngài Walter vì ông đã quên bẵng tuổi tác của cô, hoặc ít nhất vì tỏ ra khá ngốc nghếch khi thấy rõ những người khác dần tàn tạ. Anne trở nên tiều tụy, Mary khô cằn, mọi gương mặt láng giềng đều xuống sắc, hai thái dương của Phu nhân Russell có thêm những nếp nhăn - tất cả đều khiến cho ông buồn rầu từ lâu.
Elizabeth không có thái độ tự mãn như ông bố. Cô đã là cô chủ Dinh thự Kellynch trong mười ba năm, chủ trì và điều khiển mọi công việc với sự tự tin và chuẩn xác so với độ tuổi. Trong mười ba năm cô đã mang lại danh dự cho gia đình, sắp đặt lề luật trong nhà, đưa đón khách khi họ lên xuống cỗ xe ngựa, và tháp tùng ngay theo sau Phu nhân Russell ở những buổi hội họp trong vùng. Trong mười ba mùa đông cô đều đến khai mạc các buổi dạ vũ mà vùng láng giềng thưa thớt kham được và mười ba mùa hè cô cùng với ông bố đi London để vui chơi ít tuần mỗi năm. Cô vẫn còn lưu giữ trong ký ức tất cả những chuyện này, cô có ý thức về tuổi hai mươi chín để cảm thấy đôi chút tiếc nuối và lo lắng; cô hoàn toàn hài lòng với vẻ bề ngoài xinh đẹp như bao giờ nhưng cảm thấy mình đang tiến đến những năm tháng đáng lo ngại, và hẳn cảm thấy vui nếu biết chắc chắn trong một hoặc hai năm nữa được một người thuộc dòng dõi quý tộc ngấp nghé. Lúc ấy, cô có thể hào hứng như thời tuổi trẻ mà cầm lên quyển sách đáng giá nhất trong số tất cả các sách, chứ bây giờ cô không thích làm việc này. Cô ghét quyển Danh bạ ấy vì nó ghi ngày sinh của mình mà không có ngày thành hôn ngoại trừ ngày thành hôn của em gái út. Đã hơn một lần, khi ông bố để quyển Danh bạ mở ra trên mặt bàn kế cận, cô ngoảnh mặt đi, gấp quyển sách lại rồi đẩy nó rời xa mình.
Cô còn thất vọng thêm vì quyển sách này - và đặc biệt lịch sử của chính gia tộc cô - khiến cho cô luôn nhớ đến một điều. Người thừa kế theo pháp luật - chính là anh William Walter Elliot, với những quyền lợi mà cha cô rộng lượng chấp nhận - đã làm cho cô thất vọng.
Khi còn rất trẻ, cô đã được hứa hôn với anh, là người sẽ được phong tòng nam tước nếu cô không có em trai. Cha cô vẫn luôn có ý định tiến hành cuộc hôn nhân này. Khi anh còn nhỏ, gia đình cô không quen biết anh, nhưng chẳng bao lâu sau khi Phu nhân Elliot qua đời, Ngài Walter tìm cách làm quen với anh. Dù không được đáp ứng nồng hậu, ông vẫn kiên nhẫn duy trì mối quan hệ, sẵn lòng lượng thứ cho anh vì tuổi trẻ có khuyết điểm của anh. Trong một chuyến đi của Elizabeth ở London khi cô vừa trở thành thiếu nữ, anh Elliot bị bắt buộc được giới thiệu.
Lúc ấy, anh còn rất trẻ, mới bắt đầu học luật. Elizabeth thấy anh rất dễ mến, và mọi hẹn ước với anh đều được xác nhận. Anh được mời đến Dinh thự Kellynch; cho đến cuối năm ấy mọi người đều bàn tán về anh và trông chờ anh, nhưng anh không hề đến. Mùa xuân năm sau, gia đình cô gặp lại anh ở thành phố, thấy anh vẫn dễ mến, rồi gia đình cô lại cảm thấy phấn khởi, lại mời anh và trông chờ anh, và một lần nữa anh lại không đến. Tin tức kế tiếp cho biết anh đã kết hôn. Thay vì chờ đợi vận may của người thừa kế 2 trong dòng họ Elliot, anh đã mua lấy sự độc lập kinh tế bằng cách cưới một phụ nữ giàu nhưng có địa vị thấp kém.
Ngài Walter phẫn nộ vì chuyện này. Với tư cách trưởng tộc, ông nghĩ rằng đáng lẽ mình phải được tham khảo ý kiến, đặc biệt là sau khi ông đã công khai tỏ ý với anh trai trẻ. Ông nhận xét:
- Người ta hẳn đã thấy họ bên nhau, một lần ở khu chợ Tattersall 3, hai lần trong hành lang tòa nhà Nghị viện.
Ông đã thốt lên lời phản đối, nhưng hiển nhiên ít ai để ý đến. Anh Elliot không hề có ý xin lỗi, lại không tha thiết được gia tộc để ý đến, trong khi Ngài Walter xem anh là người không đáng cho gia tộc để ý đến. Quan hệ giữa hai bên chấm dứt.
Sau vài năm, Elizabeth vẫn còn tức giận về vụ việc rầy rà với anh Elliot, vì bản thân cô đã mến anh, càng mến anh hơn vì anh sẽ là người thừa kế của cha cô, lại thêm niềm hãnh diện mạnh mẽ về gia tộc khiến cho cô thấy anh xứng đôi vừa lứa với con gái đầu lòng của Ngài Walter Elliot. Cô thấy không có một tòng nam tước nào mang tên từ A đến Z xứng đôi với mình, Tuy thế, anh đã đối xử quá tệ hại, cho đến nỗi tuy rằng vào lúc ấy (mùa hè năm 1814), cô mang dải băng đen để tang cho vợ anh, cô thấy anh không đáng cho mình nghĩ đến nữa. Có lẽ nếu anh không làm điều tệ hại hơn thì nỗi nhục nhã do cuộc hôn nhân đầu tiên của anh đã nhạt phai vì không có lý do gì cho rằng nó sẽ trường tồn cho đến đời sau. Nhưng anh lại làm điều tệ hại hơn, vì qua những người bạn tử tế cho biết, anh đã có lời lẽ thiếu tôn trọng đối với gia tộc cô và đối với những vị thế vốn từ lúc ấy trở đi thuộc về anh. Việc này thì không tha thứ được.
Đấy là những tâm trạng và cảm nhận của Elizabeth Elliot; đấy là những mối quan tâm có tì vết, những giao động thay đổi, tính đơn điệu và thanh lịch, tình trạng khá giả và hư vô trong khung cảnh sống; đấy là những cảm nghĩ hướng đến cuộc sống miền thôn dã lâu dài và an bình, để lấp đầy những thời khắc rảnh rỗi mà không có thói quen sử dụng thời giờ nơi khác, không có tài khéo tay gì đặc biệt để bận rộn trong nhà.
Bây giờ, bắt đầu có thêm chuyện bận tâm và quan ngại. Cha cô đang gặp khó khăn thêm trong vấn đề tiền bạc. Khi ông được phong Tòng nam tước, cô biết việc này sẽ khiến cho ông khinh suất mà không màng gì đến những hóa đơn cao giá của thương nhân làm ăn với ông, và đến những lời nói đầy ẩn ý của ông Shepherd, người đại diện cho ông. Bất động sản Kellynch có giá trị, nhưng không đáp ứng kịp yêu cầu của Ngài Walter đối với mức sinh hoạt của chủ nhân. Khi Phu nhân Elliot còn sống, đã có cách thức tiết chế và dè sẻn để giữ ông tiêu pha có chừng mực theo lợi tức cho phép, nhưng khi bà qua đời thì mọi cung cách phải chăng đều mất theo, và từ lúc ấy chi tiêu luôn vượt mức thu nhập. Ông không thể chi tiêu ít hơn; ông đã không làm gì ngoại trừ những mục mà Ngài Walter Elliot bị yêu sách một cách độc đoán để ông phải chi tiêu. Dù không bị phiền trách, ông không những càng lún sâu vào cảnh nợ nần mà còn phải nghe nói nhiều thêm về hoàn cảnh này, cho đến nỗi khó mà che giấu - dù là một phần - với cô con gái được nữa.
Vào mùa xuân rồi ở thành phố, ông đã ngụ ý với cô về việc này. Ông còn đi xa hơn khi nói với cô:
- Liệu chúng ta có thể hạn chế chi tiêu được không? Con nghĩ xem chúng ta hạn chế được trong việc gì?
Công tâm mà nói, trong sự nhiệt thành đầu tiên của bản chất phụ nữ, Elizabeth đã nghiêm túc suy nghĩ có thể làm việc gì, và cuối cùng đề xuất hai việc tiết kiệm: giảm bớt các khoản từ thiện không cần thiết, và hoãn lại việc mua đồ nội thất mới cho phòng khách. Thêm vào đó, cô còn có ý nghĩ vui vui là sẽ không tặng quà cho Anne theo thông lệ hằng năm. Nhưng những biện pháp này, dù là tốt, vẫn không đủ để cải thiện tình hình tồi tệ, mà sau đấy Ngài Walter bắt buộc phải nhìn nhận với cô Elizabeth không thể đề xuất biện pháp nào hữu hiệu hơn. Cô cảm thấy mình bất lực và vô phúc như cha mình; và không ai nghĩ ra được cách nào giảm các khoản chi tiêu mà không phương hại đến phẩm giá gia đình hoặc không phải từ bỏ lối sống xa hoa mà gia đình đã quen từ khi sinh ra.
Ngài Walter chỉ có thể bán được một phần nhỏ trong bất động sản của mình, nhưng dù cho ông chuyển nhượng tất cả đất đai thì vẫn không thể tạo sự khác biệt. Ông đã hạ mình để cầm cố đến mức có thể, nhưng không bao giờ muốn hạ mình để bán đi. Không, ông không bao giờ chịu bị ô danh đến thế. Bất động sản Kellynch phải được sang tay toàn bộ như lúc ông tiếp nhận.
Hai người bạn thân tín được mời đến để giúp cho ý kiến: ông Shepherd, sống ở thị trấn thương mại gần đấy, và Phu nhân Russell. Có vẻ như cả hai cha con đều trông mong phải làm cách nào đấy hầu giúp gia đình đỡ mất thể diện và giảm chi tiêu mà không phải hy sinh mức độ hưởng thụ hoặc niềm kiêu hãnh. --------------------------------
1 | Phu nhân (Anh ngữ: Lady): danh xưng của phụ nữ có chồng được phong tước, được gọi theo họ của chồng, khác với danh xưng của chồng "Ngài" thường được gọi theo tên. |
2 | Chờ đợi vận may của người thừa kế: nếu cưới Elizabeth thì anh Elliot phải chờ đến khi Ngài Walter qua đời mới được làm chủ gia sản của ông, trong khi ông này, như trên đã ghi, chỉ mới năm mươi tư tuổi. |
3 | Tattersall: ở Công viên Hyde, thủ đô London, là khu chợ mua bán ngựa nổi tiếng, và cũng là nơi giao dịch cá độ đua ngựa vào thời này là nơi giới thượng lưu và quý tộc hay lui tới. |