Đã có cả ngàn lần xúc phạm của Fortunato đối với tôi, và tôi đã cố sức chịu đựng. Nhưng khi anh ta cả gan mạ lỵ tôi, tôi thề rửa hận. Là người rõ bản tính tôi, bạn sẽ không cho rằng tôi chỉ dọa suông. Chẳng chóng thì chầy tôi sẽ trả được thù; chuyện ấy đã hẳn - chính quyết tâm sắt đá của tôi trong việc trả thù đã loại trừ ý nghĩ rằng việc đó là liều lĩnh. Tôi không chỉ trừng phạt, mà còn phải trừng phạt sao cho không bị báo thù. Không thể uốn nắn một việc làm sai quấy nếu chính kẻ uốn nắn lại bị trả đũa. Cũng không thể uốn nắn một việc làm sai quấy nếu kẻ trừng phạt không cho người làm điều sai biết mình là ai.
Phải hiểu rằng tôi không hề làm Fortunato nghi ngờ thiện ý của tôi, dù bằng lời nói hay hành động. Tôi tiếp tục mỉm cười với anh ta như lệ thường, và anh ta không nhận ra nụ cười của tôi bây giờ là vì ý nghĩ tế sống anh ta.
Mặc dù trong những khía cạnh khác anh ta là người đáng nể, thậm chí đáng sợ, Fortunato có một yếu điểm. Anh ta tự hào về sự hiểu biết rượu nho của mình. Không có mấy người Ý có tinh thần bậc thầy thực sự. Phần lớn sự nồng nhiệt của họ được vơ vào cho phù hợp với thời thế và cơ hội, để thực tập lừa đảo bọn triệu phú người Anh và Áo. Về hội họa và đá quý, Fortunato là tay bịp như đồng hương của anh ta, nhưng về rượu nho lâu năm anh ta quả thật là tay tổ. Trong khía cạnh này tôi không khác anh ta bao nhiêu. Tôi sành rượu nho Ý, và mua hầu như bất cứ khi nào tôi có thể.
Một buổi chiều gần tối, trong sự điên rồ tột độ của mùa hội hè, tôi gặp anh bạn. Anh ta chào tôi với vẻ ân cần thái quá, vì anh ta đã uống nhiều. Trang phục theo lối hề, anh ta mặc bộ quần áo sọc bó sát, đầu đội mũ nhọn có gắn chuông. Tôi rất hài lòng gặp được anh ta, đến nỗi tôi tưởng mình không thể ngừng lắc mạnh tay anh ta.
Tôi bảo anh ta:
“Fortunato thân mến, gặp anh may quá. Hôm nay anh trông bảnh bao lắm! Nhưng tôi nhận được một thùng rượu nghe nói là Amontillado, và tôi hơi nghi ngại.”
“Thế nào?”, anh ta nói. “Amontillado? Một thùng? Không thể nào. Lại còn ngay giữa ngày hội?”
“Tôi có nghi ngờ”, tôi trả lời, “và tôi ngốc đến nỗi trả đúng giá Amontillado mà không hỏi ý anh. Tìm không ra anh, nhưng tôi sợ mất đi món hời”.
“Amontillado!”
“Tôi có nghi ngờ.”
“Amontillado!”
“Và tôi phải làm vừa lòng họ.”
“Amontillado!”
“Anh đã bận, tôi đi kiếm Luchresi vậy. Nếu có ai có tài phê bình, chính là anh ta. Anh sẽ bảo tôi...”
“Luchresi không phân biệt nổi Amontillado với Sherry.”
“Thế mà mấy tên khờ khạo lại bảo rằng tài nếm của anh ta ngang với anh.”
“Đi nào, mình đi.”
“Đi đâu?”
“Tới hầm nhà anh.”
“Bạn ơi, không được. Tôi sẽ không làm phiền lòng tốt của bạn. Tôi thấy bạn đã có hẹn. Luchresi ...“
“Tôi không có hẹn nào cả; đi nào.”
“Bạn ơi, không được. Không phải là chuyện hẹn, nhưng tôi thấy anh đang mắc phải bệnh cảm nặng. Hầm ẩm ướt chịu không nổi. Chúng phủ đầy quặng.”
“Dù sao đi nữa, mình cứ đi. Bệnh của tôi xoàng thôi. Amontillado! Anh bị lừa rồi; còn Luchresi, anh ta không đủ sức phân biệt Sherry với Amontillado.”
Vừa nói, Fortunato vừa nắm lấy cánh tay tôi. Đeo một tấm mặt nạ lụa đen, quấn tấm roquelaire quanh mình, tôi để anh ta kéo vội đến dinh thự của mình.
Không có gia nhân nào ở nhà; chúng đã lén đi ăn mừng mùa hội. Tôi bảo chúng đến sáng tôi mới về, và dặn chúng hẳn hoi không được đi đâu. Tôi biết rõ mấy lời này đã đủ bảo đảm chúng sẽ biến mất ngay cả lũ ngay sau khi tôi vừa quay lưng.
Tôi lấy ở chân đèn trên tường hai ngọn đuốc, đưa một cho Fortunato, dẫn anh ta cúi đầu đi xuyên qua nhiều căn phòng đến cánh cửa vòng cung dẫn vào hầm. Tôi xuống một cầu thang dài uốn khúc, dặn anh ta cẩn thận khi đi theo. Cuối cùng chúng tôi đến chân thang, đứng bên nhau trên nền đất ẩm của khu hầm mộ dòng Montresor.
Bước đi của bạn tôi không vững, và mấy cái chuông trên mũ anh ta reo lên khi anh ta đi.
“Thùng rượu”,anh ta nói.
“Xa hơn nữa”, tôi nói; “nhưng hãy xem màng tơ trắng óng ánh trên những tường hầm.”
Anh ta quay về phía tôi và nhìn vào mắt tôi với hai con ngươi phủ mờ tiết ra chất nhờn của nỗi say sưa:
“Quặng?”, sau cùng anh ta hỏi.
“Quặng”, tôi trả lời, “Anh bị ho bao lâu rồi?”
“Hụ... hụ... hụ...”
Anh bạn tội nghiệp của tôi không trả lời được trong một lúc:
“Không có gì đâu”, cuối cùng anh nói.
“Đi nào”, tôi nói, cương quyết, “chúng ta quay về thôi; sức khỏe của anh là quý. Anh giàu có, được trọng vọng, ngưỡng mộ, yêu mến; anh vui sướng, như tôi trước kia. Mọi người sẽ nhớ anh. Với tôi thì không đáng kể gì. Chúng ta quay lại thôi; anh sẽ bị bệnh, tôi không thể gánh trách nhiệm. Vả lại, còn có Luchresi...”
“Đủ rồi”, anh nói; “Chứng ho xoàng đấy thôi. Nó không giết tôi đâu. Tôi sẽ không chết vì một chứng ho.”
“Phải, phải”, tôi trả lời, “quả tình tôi không có ý làm anh lo lắng vô ích - nhưng anh phải cẩn thận mọi bề. Một ngụm của loại Medoc này sẽ bảo vệ chúng ta chống cái ẩm.”
Đến đây tôi đập bể cổ một chai rượu tôi kéo ra từ một hàng rượu cùng loại nằm trên giàn.
“Uống đi”, tôi đưa rượu cho anh ta.
Anh ta nâng nó lên môi với vẻ láu cá. Anh ta ngưng lại và gật đầu thân mật với tôi, trong khi mấy cái chuông reo lên.
“Tôi uống để chúc những người chôn cất yên nghỉ quanh chúng ta”, anh ta nói.
“Và tôi chúc anh sống lâu.”
Anh ta lại quàng tay tôi, và chúng tôi tiếp tục đi.
“Hầm mộ này rộng quá”, anh ta nói.
“Montresor là một giòng dõi lớn và đông đảo”, tôi trả lời.
“Tôi quên mất gia huy của anh.”
“Một bàn chân người bằng vàng thật to, trên cánh đồng xanh; bàn chân giẫm lên một con rắn ngóc đầu, răng nọc của nó đâm sâu vào gót chân.”
Rượu nho lấp lánh trong mắt anh ta và mấy cái chuông leng keng. Trí tưởng tượng của tôi cũng ấm lên với rượu Medoc. Chúng tôi đi qua những bức tường dựng bằng xương chất đống, với những thùng rượu lớn nhỏ để lẫn lộn, vào khu sâu nhất của hầm mộ. Tôi ngừng lần nữa, và lần này tôi bạo dạn nắm cánh tay Fortunato, chỗ trên khuỷu.
“Quặng”, tôi nói, “xem này, nó nhiều lên. Nó bám như rêu trên hầm. Chúng ta đang ở dưới lòng sông. Giọt khí ẩm nhỏ qua đống xương. Đi nào, chúng ta trở lại trước khi quá trễ. Bệnh ho của anh...”
“Chỉ xoàng thôi,” anh nói, “mình cứ đi tiếp. Nhưng trước hết, thêm ngụm Medoc nữa.”
Tôi đập bể một hũ De Grave và đưa cho anh ta. Anh ta nốc một hơi cạn sạch. Mắt anh ta ánh lên tia sáng dữ dội. Anh ta cười và ném cái chai lên với một cử chỉ tôi không hiểu.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta. Anh ta lập lại cử động - một cử chỉ cường điệu.
“Anh không hiểu à?”, anh ta nói.
“Không”, tôi trả lời.
“Thế thì anh không phải là anh em.”
“Sao?”
“Anh không thuộc những người xây cất.”
“Vâng, vâng,” tôi nói, “vâng, vâng.”
“Anh? Không thể nào! Người xây cất?”
“Người xây cất”, tôi trả lời.
“Một dấu hiệu”, anh ta nói, “một dấu hiệu.”
“Nó đây”, tôi trả lời, giơ ra một cái bay giấu trong nếp gấp mảnh roquelaire của mình.
“Anh đùa thôi,” anh ta kêu lên, lùi lại vài bước, “nhưng mình đi đến chỗ Amontillado đi.”
“Thì thế vậy,” tôi nói, cất lại dụng cụ dưới áo choàng và lại đưa tay cho anh ta nắm. Anh ta dựa mạnh vào đó. Chúng tôi tiếp tục con đường đi kiếm Amontillado. Chúng tôi xuyên qua một dãy vòm thấp, đi xuống, đi tiếp, lại đi xuống, đến một hầm mộ sâu, trong đó không khí tệ đến mức đuốc chúng tôi chỉ rực lên thay vì cháy sáng.
Cuối hầm mộ đó có một hầm mộ khác nhỏ hơn. Tường của nó phủ xương người chất cao tận vòm, theo kiểu những hầm mộ lớn của Paris. Ba mặt của hầm mộ phía trong này vẫn còn trang hoàng theo lối này. Mặt thứ tư xương đã bị ném xuống, nằm ngổn ngang trên đất, có chỗ tạo thành một đống nhỏ. Trong bức tường lộ ra vì xương đổ, chúng tôi thấy một hầm nhỏ hơn nữa phía trong, sâu khoảng 4 bộ, rộng ba bộ, cao sáu hay bảy bộ... Nó dường như được tạo ra không phải để dùng cho mục đích đặc biệt nào mà chỉ là khoảng giữa của hai cột to đỡ trần hầm mộ, dựa lưng vào một trong mấy bức tường đá cứng chung quanh.
Fortunato nhấc ngọn đuốc mờ của anh ta, cố nhìn vào bên trong hầm nhưng không thấy được gì. Ánh sáng yếu ớt không cho chúng tôi thấy tận cùng của nó.
“Tiến tục đi”, tôi nói; “đây là Amontillado. Còn Luchresi...”
“Hắn là gã ngốc”, bạn tôi ngắt ngang, lảo đảo tiến tới, trong khi tôi theo sát gót. Trong một thoáng anh ta đã đến cuối hầm và thấy bước tiến của mình đã bị đá cản lại, anh ta đứng sững với vẻ ngạc nhiên ngờ nghệch. Một thoáng sau tôi đã khóa anh ta vào đá. Trên mặt đá là hai vòng sắt, xa nhau chừng hai bộ bề ngang. Một trong hai vòng sắt này có đính một dây xích ngắn, vòng kia có ổ khóa. Quăng sợi xích quanh eo anh ta, chỉ cần mất vài giây để ràng khóa lại. Anh ta không chống chọi vì quá kinh ngạc. Rút chìa khóa ra, tôi lùi khỏi hầm.
“Rà tay lên tường, anh không thể không sờ thấy quặng. Thật sự không khí ẩm lắm. Một lần nữa tôi xin anh trở về. Không về à? Thế thì tôi nhất định bỏ anh lại thôi. Nhưng trước hết tôi phải tỏ cho anh hết sự ân cần trong khả năng của tôi.”
“Amontillado!”, bạn tôi kêu lên, vẫn chưa hết kinh ngạc.
“Phải”, tôi trả lời, “Amontillado.”
Trong khi nói tôi bận lục trong mấy đống xương tôi đã nhắc đến. Quăng chúng sang bên cạnh, tôi tìm ra ngay một số đá xây và vữa hồ. Bằng số vật liệu này và với cái bay, tôi bắt đầu ra sức xây tường bịt ngõ vào hầm.
Chưa lát xong hàng đá đầu tiên, tôi khám phá rằng Fortunato đã tỉnh rượu nhiều. Dấu hiệu đầu tiên tôi có là tiếng rên nho nhỏ từ đáy hầm. Nó không phải là tiếng kêu của người say. Sau đó là sự im lặng dài bướng bỉnh. Tôi đặt lớp đá thứ nhì lên, rồi lớp thứ ba, rồi lớp thứ tư; và tôi nghe tiếng xích rung loảng xoảng. Tiếng động kéo dài nhiều phút, trong thời gian đó tôi ngừng tay và ngồi xuống đống xương để lắng nghe cho thỏa thích. Cuối cùng khi tiếng leng keng dịu xuống, tôi lại cầm cái bay, và kết thúc lớp thứ năm, thứ sáu và thứ bảy không bị gián đoạn. Bức tường bây giờ gần tới ngang ngực tôi. Tôi ngưng lần nữa, giơ ngọn đuốc trên công trình đang xây cất, rọi vài tia sáng yếu ớt vào cái hình dáng bên trong.
Một chuỗi dài tiếng kêu thét chói óc bật ra bất ngờ từ cổ họng của hình dáng bị xiềng dường như đẩy mạnh tôi lùi lại. Trong một thoáng tôi ngập ngừng - Tôi run lên. Rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, tôi bắt đầu dùng nó dò quanh hầm; nhưng trong chốc lát một ý nghĩ làm tôi yên lòng. Tôi đặt tay lên trên kiến tạo vững chắc của hầm mộ và cảm thấy thỏa mãn. Tôi trở lại gần bức tường. Tôi trả lời kẻ đang gào thét. Hắn gào, tôi cũng gào, tôi phụ họa với hắn, tôi gào to hơn và dai hơn hắn. Tôi làm thế, và tiếng gào im bặt.
Bây giờ là nửa đêm, công việc của tôi đã gần xong. Tôi đã hoàn tất lớp thứ tám, thứ chín, thứ mười. Tôi đã làm xong một phần của lớp thứ mười một và là lớp chót; chỉ còn chỗ để đặt một viên đá duy nhất vào và trát lại. Tôi vất vả với sức nặng của nó; tôi đặt nó một phần vào chỗ dành cho nó. Nhưng bây giờ từ trong hầm vọng ra một tiếng cười trầm trầm làm tóc trên đầu tôi dựng lên. Tiếp theo đó là giọng nói buồn rầu tôi khó nỗi nhận ra của Fortunato cao quý. Giọng nói bảo:
“Ha Ha Ha! Hì hì, quả là một trò đùa thực hay - một trò cười xuất sắc. Chúng ta sẽ cười rất vui vì nó ở dinh thự - hì hì hì! - trong lúc uống rượu - hì hì hì!”
“Amontillado!”, tôi nói.
“Hì hì hì! - vâng, Amontillado. Nhưng không phải khuya rồi sao? Không phải họ đang chờ chúng ta ở dinh thự sao, phu nhân Fortunato và tất cả? Chúng ta đi nào.”
“Phải”, tôi nói, “chúng ta đi nào.”
“Vì tình yêu Thượng Đế, Montresor!”
“Phải,” tôi nói, “vì tình yêu Thượng Đế.”
Nhưng tôi lắng nghe mà không thấy tiếng trả lời. Tôi sốt ruột. Tôi gọi lớn:
“Fortunato!”
Không có tiếng trả lời. Tôi lại gọi:
“Fortunato!”
Vẫn không có tiếng trả lời. Tôi đẩy ngọn đuốc qua kẽ hở còn lại và để nó rơi vào bên trong. Chỉ có tiếng mấy cái chuông reo trả lời. Tim tôi mệt mỏi - vì sự ẩm ướt của hầm mộ. Tôi vội vã làm cho xong công việc. Tôi ấn viên đá cuối cùng vào chỗ; tôi trát vữa lên. Tôi dựng lại bức thành xương tựa vào công trình xây cất mới. Nửa thế kỷ rồi chưa có người trần nào làm phiền đến chúng. In pace requiescat! (#2)
Chú thích:
(1-) Không kẻ nào khiêu khích ta mà tránh khỏi sự trừng phạt.