Bác Lý, anh Dần và một số đông dân làng Cẩm Thành đã hai ba đêm nay rồi, họ cứ tụ nhau ở bên hàng giậu bông bụt của nhà ông đội Giai. Ông này là đội mã tà thời Pháp đã về hưu, ông có tiếng là kẻ giết người không gớm tay. Tuy ngày nay ông không làm mã tà nữa nhưng dân làng chẳng có ai thiện cảm với ông.

Dân làng, họ sở dĩ tụ nhau trước nhà ông đội Giai không phải là không có duyên cớ. Bởi vì suốt năm đêm liền nhà ông đội Giai, có những tiếng chuông ngân lúc bỗng lúc trầm và đèn nến sáng trưng.

Anh Dần hỏi :

- Bác Lý ơi ! Bộ Ông ấy ổng cũng biết tu hay sao mà hổm rày nghe chuông đánh hoài vậy hỡ bác ?

- Tao cũng lấy làm lạ, không thấy ông thầy tu nào, mà không lẽ ông ta lại biết tu ! ?...

Bác Lý trả lời anh Dần mà rốt cục thành ra bác hỏi, mọi người !

Thằng Minh xen vào :

- Chắc ổng giỗ ông bà chứ gì ?

Bác Lý :

- Không phải đâu, giỗ quải thì phải có bà con nội, ngoại tới dự, chứ đâu lại vắng hoe như vậy được.

Trong khi đó thì cánh cửa ngỏ bỗng mở, và ông đội Giai đã lù lù xuất hiện. Hình như ông cũng đoán trước dân làng sẽ ngạc nhiên về sự có mặt bất thần của ông, nên ông vội lên tiếng.

- Bà con đừng ngại, tôi kính mời bà con vào trong nhà, dùng với tôi chén nước trà, rồi tôi sẽ kể vì nguyên do gì mà tôi, đội Giai ngày nay lại không phải là đội Giai ngày trước ; xin mời...

Tuy e dè lo ngại, nhưng vì tính hiếu kỳ, hơn nữa dân làng họ cũng muốn biết sự thay đổi khác lạ Ở nơi ông đội Giai, nên họ đồng thanh : dạ dạ, cám ơn Thầy đội, và cùng kéo nhau vào...

Sau khi phân ngôi chủ, khách, và mọi người an tọa xong, với một giọng trầm buồn, ông độ Giai bắt đầu kể :

- Thưa bà con, cô bác, Lẽ ra thì người Pháp họ cố giữ tôi để làm việc cho họ, nhưng tôi đã thức tỉnh và cương quyết nghỉ việc. Tôi nghỉ việc không cần ăn lương hưu trí; nhưng luật lệ của họ, mình không ăn, họ cũng đòi tới để họ cấp. Thôi thì cứ nhận, đem của ấy làm cái gì hữu ích cho làng nước chẳng hơn sao, ấy vậy là lưỡng toàn cả hai việc.

Còn vì lẽ gì mà tôi có thể trở nên một con người hiền lương ? (ông nhìn mọi người rồi tiếp) tôi tự hào là tôi hiền lương thật, như bà con đã nghe thấy sự sám hối của tôi...

Ông thở dài và tiếp :

- Cách đây một năm khi tôi còn tại chức, nghĩa là tôi còn làm thầy đội mã tà. Có một lần tôi đi săn bắn thú rừng. Tôi nói một lần đó là lần cuối cùng, chứ trước đó thì cả trăm ngàn lần tôi giết hại không biết bao nhiêu là thú vật, tệ hơn nữa là tôi đã giết hại cả người đồng bào của tôi bằng cách giao nạp cho ngoại bang (thằng Tây) hoặc tự tay mình ám hại để lấy đó làm công lao dâng cho kẻ dị chủng vui lòng, hầu kiếm chút quyền tước. Thật ngày nay tôi nghĩ lại, tôi còn thua loài cầm thú !

Đến đây ông ngừng nói, đôi mắt ông u buồn, mơ màng nhìn vào xa xăm, như hồi tưởng lại khoảng đời tội lỗi của ông...

Trong khi ấy thì mọi người nghe ông tự thuật một cách chân thành và tự trách như thế, họ đều có cảm nghĩ "tha thứ và gần gũi ông hơn". Vì họ được biết mục đích chính của ông là sau năm ngày sám hối thì ông sẽ phát chẩn cứu tế cho dân nghèo.

Ông đội Giai nhìn mọi người rồi tiếp với giọng thật buồn, đượm đầy vẻ tiếc thương, hối hận, vì một nguyên nhân làm cho ông thức tỉnh :

- Thưa bà con, năm ấy, vào tiếc trời trở gió sang đông, tôi cùng với vài người lính tùy tùng, mang súng đến một vùng rừng cấm thuộc quận Nghĩa Hành để săn thú. Từ sớm mai đến xế chiều, chúng tôi dẵm nát gần hết cả khu rừng, mà chẳng được một con mồi nào. Bấy giờ gió bấc thổi mạnh, mưa bắt đầu rơi lất phất, cái lạnh đầu mùa ở trong rừng tôi cảm thấy nó thê lương làm sao, tôi tính sắp sửa quay về thì bỗng nghe tiếng hú vang dài cả rừng núi; tôi biết đó là tiếng hú của loài vượn, mà đây là vượn cái chứ không phải vượn đực, (bà con đừng cho tôi là tài, vì quá quen rồi nên nghe tiếng là tôi hiểu ngay con thú ấy đực hay cái) tôi liền nghĩ; trời lạnh, nướng thịt vượn nhậu rượu đế thì ngon tuyệt. Nghĩ như vậy, tôi vẫy tay ra hiệu cho đồng bọn và bươn bả chạy đến nơi phát ra tiếng hú, thì chao ôi ! trong đời săn bắn của tôi, tôi chưa thấy con vượn nào to đến thế, đặc biệt con vượn này trong nách nó còn ôm một con vượn con nữa. Tôi thầm mừng : "một phát súng được hai mồi"; thế là tôi nhắm vào ngực con vượn mẹ lảy cò... đoàng...

Từ trên đọt cây cao con vượn mẹ rớt xuống... Tay nó vẫn ôm chặt con nó, máu trong ngực nó tuông ra có vòi, rớt xuống lá rào rào. Còn một tay và hai chân thì nó quay tít như chong chóng, khi rớt đến tàn cây lớp dưới thì con vượn mẹ nó bỗng níu được một cành rồi nó bám cứng vào đấy. Đáng lẽ theo thường lệ, thì tôi tiếp một phát đạn nữa, nhưng không hiểu sao trong lòng tôi hồi hộp quá, cả đến mấy thằng lính cũng như tôi, tay cầm súng lăm lăm mà cứ trân ra nhìn nó. Máu con Vượn vẫn tuông, thân nó đu đưa như chực sắp rớt; toàn thân con vượn con thì đỏ lòm cả máu. Mồm con vượn mẹ thì hú lên những tràng dài liên miên bất tận, cái giọng hú này nghe nó thê thảm quá, trong đời tôi có lẽ đây là lần thứ nhất nghe giọng hú này. Nghe giọng hú này mà chúng tôi bắt xây xẩm cả mặt này, chân tôi cơ hồ như đứng không muốn vững. Từ ngạc nhiên rồi phát sinh ra sợ hãi, tôi muốn bồi cho nó một phát đạn nũa, nhưng tay run quá, thì bỗng nghe từ đàng xa có tiếng hú dài đáp lại, giọng hú rất cấp bách vội vã. Rừng cây bỗng chuyển động, vì những tiếng ào ào lẫn tiếng hú...

Như vậy là đồng thời có hai tiếng hú, một lê thê ảo nảo, một cấp bách, hoảng hốt cùng phát ra.

A𯬠tàng cây bên cạnh rung mạnh, bỗng trước mắt chúng tôi xuất hiện một con vượn đực to lớn dị thường. Bấy giờ con vượn cái nó hú lên giọng đứt khoảng nhưng ít ảo não hơn, nếu không nói là đượm một chút vui mừng. Tiếp đó con vượn mẹ chỉ dùng hai chân nắm chặt vào cành cây, còn hai tay ôm con nó giở bỗng lên, và dùng hết tàn lực ném mạnh con vượn con bay sang bên con vượn đực. Con vượn đực hai chân nắm cứng trong cành cây, toàn thân nó đu bỗng ra ngoài dơ hai bàn tay lông lá đở lấy con vượn con rồi ôm chặt vào lòng, mình nó rung lên từng hồi, cả cái cây nó ngồi cũng rung theo. Con vượn con nhìn về phía mẹ nó kêu lên chi chóe và vùng vẫy như muốn vượt sang qua mẹ nó. Cả ba con vượn nhìn nhau mà nước mắt chảy xuống ròng ròng. Riêng đôi mắt con vượn mẹ thì đã trắng giã, đôi tay nó rủ xuống, nó mềm nhũn, và rớt ầm xuống gốc cây...

Trong khi đó, con vượn đực nhìn tôi bằng cặp mắt cầu cứu và rất hiền hậu, chứ không phải là oán hậu !

Tôi chạy đến chỗ con vượn mẹ rớt xuống thì nó đã chết rồi, mà trong đôi tròng mắt còn chứa đầy nước mắt. Tôi quay nhìn lên con vượn đực, nó vẫn cứ nhìn tôi mà nước mắt nó vẫn cứ tuông trào...

Trước cảnh tình ấy, lòng tôi xúc động vô cùng tim tôi như bị bóp thắc lại, một cảm giác tái tê từ trong nội tạng, dâng lên tận cổ làm tôi nghẹn ngào, tôi tối sầm cả mày mặt, tôi không tự chủ được, bởi niềm đau trắc ẩn hối hận, tôi quì xuống bên xác chết của con vượn, mà nước mắt tôi tự trào ra nhỏ dài theo đôi má ! Tôi thổn thức và miên man trong dày xéo của lương tri ! Một câu nói của nhà sư Phật-Giáo mà tôi không nhớ là đã nghe ở thời gian nào, lại nổi lên trong đầu óc tôi "Tình mẫu tử cũng như lòng tham sống sợ chết của loài súc sanh không khác gì với con người". Và hôm nay, cái chết của con vượn, của một sinh linh, nó, đã thực sự thức tỉnh tôi.

- Thầy đội thầy sao thế !

- Tôi giựt mình, vì hai người lính vừa lây vai vừa gọi tôi.

- Tôi thều thào; các anh giữ giùm cái súng cho tôi.

- Thôi các anh đừng bận tâm, chúng ta về :

Bây giờ tôi mới bừng hiểu : ai giết con tôi, vợ tôi, thì chắc tôi đau đớn vô cùng ! Đằng này con vật vẫn đủ tình nghĩa cao quí như thế, thì con người : còn phải hơn nhiều mới phải. Cớ sao tôi lại vì chút đỉnh chung nỡ đi bán rẽ đồng bào chủng tộc, tôi không phải loài thú, mà chính là loài người - người Việt Nam rõ ràng, tự sao tôi lại có thể bán đứng người Việt cho ngoại bang ? Còn tôi ? Chỉ vì tiền, vì chức mà an vui trên đau khổ của mọi người. Trời ơi ! tôi là thằng khốn nạn, đáng chết, à, còn một điều lạ nữa, là những người bị Oan khuất về tay tôi, họ có nhìn tôi bằng con mắt hiền hậu cầu cứu như con vượn ấy đâu ? Phải rồi, tôi hiểu rồi vì họ đúng là con người, con người có huyết thống, biết yêu nước thương nòi, biết khinh rẽ kẻ vong bản, nên họ không chịu cầu xin ở một người đã bán rẻ lương tâm như tôi ! Càng nghĩ tôi càng ăn năn khôn tả. Ông Đội Giai, quỳ trước dân làng và đưa tay lên cổ ông giựt mạnh chiếc giây chuyền bằng vàng mang hình dấu cộng bung ra khỏi cổ, ông nghiến răng : " Tại cái nầy, nó làm tôi trở nên con người mất gốc, chà đạp mẹ cha, ông bà tiên tổ, thờ theo lý thuyết thực dân của thằng tây đô hô... " Dân làng ôm ông cùng nhỏ lệ, giòng lệ "Thức Tỉnh" đích thực con dân Việt-Nam.

Trích từ tập Báo cũ 1970.

Hết