Thay Lời Phi Lộ
Nếu độc-giả say mê truyện Kim Dung và đã đọc hết 15 tác- phẩm của tiên-sinh, ắt sẽ biết ngay “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” dù là một tuyệt-phẩm, nhưng không phải là “Kim Dung Chi Bảo” của nhà văn trước tác võ-hiệp ‘có một không hai này’. Sự thật, nó chỉ chiếm một địa vị rất khiêm tốn trong số 15 bộ truyện của Kim Dung tiên-sinh mà thôi. Sau khi thử làm một cuộc thăm dò ý kiến với trên 100 nhân vật sành điệu tương đối rất có trình độ về văn-học, thì đây là thứ tự 15 bộ truyện được xếp hạng: 1/Thiên Long Bát Bộ (bộ dịch chia ra 2 phần:) A-“Thiên Long Bát Bộ” [2 quyển] B-“Lục Mạch Thần Kiếm [6 quyển] 2/Ỷ Thiên Đồ Long Ký (bộ dịch là: “Cô Gái Đồ Long”) 3/Xạ Điêu Anh Hùng Truyện (bộ dịch là “Anh Hùng Xạ Điêu) 4/Tiếu Ngạo Giang Hồ 5/Lộc Đỉnh Ký 6/Hiệp Khách Hành 7/Thần Điêu Hiệp Lữ (bộ dịch là “Thần Điêu Đại Hiệp) 8/Phi Hồ Ngoại Truyện (có 2 bộ dịch lấy tên khác nhau là:)1-“Lãnh Nguyệt Bảo Đao” 2-“Thần Đao Hồ Đại Đởm” 9/Tuyết Sơn Phi Hồ10/Thư Kiếm Ân Cừu Lục (bộ dịch là “Hồng Hoa Kiếm”)11/Bích Huyết Kiếm12/Liên Thành Quyết (bộ dịch là “Tố Tâm Kiếm”)13/Uyên Ương Đao14/Bạch Mã Khiếu Tây Phong15/Việt Nữ Kiếm Như vậy, “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” chỉ được xếp vào hạng thứ 10 trong số 15 tác-phẩm của Kim Dung. Tuy nhiên, bộ “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” này là viên gạch đầu tiên được đặt lên trong công việc xây ‘Đài Danh Vọng’ cho Kim Dung. Và chính nhờ tác-phẩm “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” này, Kim Dung đã chính-thức trở thành ‘Vua Không Ngai’ trong làng võ-hiệp để mở đường cho những tác phẩm bất hủ sau này của tiên-sinh từ những cuốn tiểu-thuyết giúp vui độc giả trở thành những bộ sách quý giá vào bậc nhất trong lịch-sử văn-học Trung-Quốc, không thua kém các “Tài Tử Thư”. “Thư Kiếm Ân Cừu Lục”, mà bản dịch của Điền-Trung-Tử lấy tên là “Hồng Hoa Kiếm” theo thời-gian đã quá mờ, nên có nhiều chữ không thể nào đọc được nữa. Do đó, dù khả năng kém cỏi, tôi xin mạo muội viết lại một số câu, chỉnh lại một số chữ, thêm bớt một vài từ-ngữ cũng như thêm vào phần phụ chú sẵn có đôi chút, nhưng quyết không làm biến đổi đi nội-dung của cốt truyện một mảy may. Tôi rất mong được độc-giả bốn phương chỉ dạy thêm cho, và phụ giúp thêm cho. Bản dịch “Hồng Hoa Kiếm” (Thư Kiếm Ân Cừu Lục) của Điền-Trung-Tử cũng có một vài chi-tiết vẫn còn được đặt trong nghi-vấn. Điển hình là phần mở đầu. Từ đoạn thơ “Chinh Phụ Ngâm Khúc” cho đến thân thế, gốc gác của nhân vật Lý-Khả-Tú, không biết có phải thực sự là của tác-giả viết hay không, hay là do dịch-giả thêm vào, hoặc có thể biến đổi đi chút đỉnh để ‘Việt-Nam hóa’ phần nào tác-phẩm này? Nhưng việc đó tôi xin dành cho các nhà bình-luận cùng các nhà nghiên-cứu văn-học có đầy đủ thẩm quyền hơn. Tôi chỉ mong được chia sẻ và mua vui cùng độc-giả kiếm-hiệp bốn phương mà thôi. Và tôi cũng tha thiết xin mời độc-giả bốn phương, cùng nhau chúng ta cố gắng hoàn tất bộ truyện cuối cùng của Kim Dung tiên-sinh chưa được ‘thảo lại’ trên ‘mạng’.Tháng 6 năm 2004,Dương Hồng Kỳ