Anh Mười!

Em được thư anh cùng ngày với thư em gửi xuống nơi ẩn cư cho anh. Như vậy hai lá thư đi ngược chiều nhau trên một con đường.

Xin lỗi, vì em đã cóp nguyên văn câu anh viết trong lá thư tỏ tình đầu tiên xưa kia anh gửi cho em: Anh được thư em cùng ngày đã viết thư cho em, như vậy hai lá thư đã gặp nhau trên cùng một con đường. Xin lỗi, vì em đã sửa đổi chữ gặp nhau bằng chữ ngược chiều.

Thư anh có kèm theo lá đơn đệ lên tòa án xin ly dị, yêu cầu em ký tên vào (nhớ ghi rõ ngày ký) gửi cho em để đường ai nấy đi.

Hạnh ngộ là ba đến thăm cháu ngoại của ông vào lúc này. Em đưa nội vụ cho ba xem. Ba em xưa này chắc anh cũng hiểu, trước mọi chuyện xảy ra ông thường ví von bằng ngụ ngôn để dạy con cháu. Hôm nay ông lại chế ra một tiểu phẩm và kể:

Ngày kia vợ hỏi chồng:

- Anh ơi, tại sao con bò cái sau khi sinh nở ai đến gần con bò con thì nó húc. Nhưng con bò đực chồng nó húc nhau với con bò khác, con bò cái lại dửng dưng?

Người chồng đáp:

-Tại vì nó là giống bò!

Vợ bèn hỏi thêm:

- Vậy tại sao con bò đực, khi vợ nó sinh ra con bò con, nó lại đi tìm con bò cái khác?

Chồng thuận miệng đápngay:

- Tại vì nó là giống đực!

Anh Mười thông cảm, ba em già rồi, thương ai ghét ai thường hay nói bóng gió, ít chịu gọi tên chỉ mặt nói đích danh, khi về hưu rỗi rảnh thích làm văn chương chữ nghĩa nên bịa ra, hư cấu thành cái tên nào khác, có khi mượn con mèo, con chuột để làm nhân vật nữa.

Nhà lúc này thường xuyên có khách, phần đông là bạn bè cùng khoa thời sinh viên. Nói là nhớ bé Huỳnh đến thăm, nhưng thực lòng các bạn muốn chia sẻ với em trong hoàn cảnh đổ vỡ. Chưa ai mở lời cho một đơn thuốc nào, vì chuyên khoa cũng là đỡ đẻ đỡ đau chứ có người nào tốt nghiệp cố vấn tình yêu hôn nhân gia đình mà dám bốc thuốc, châm cứu, kê đơn.

Ðôi bạn Thúy và Hiền vẫn vậy. Hằng ngày vẫn giờ làm việc theo chân bác sĩ đi visite từng giường bệnh, ngoài giờ cơm nước xong lại có nhau, mặn nồng lắm. Họ già dặn hơn em vì họ dò xét nhau kỹ lắm trước khi tiến tới hôn nhân, khác nào giữ cho thai nhi không sinh non, phải chín tháng mười ngày... hôn nhân mới khó đổ vỡ. Dường như những người sản khoa (obstétriciens) và những người chăm sóc bệnh đàn bà (gynécologie) giống tính nhau: bên ngoài họ rất chuộng vẻ quý phái, nhưng bên trong họ rất dễ thương.

Chúng ta lấy nhau sớm quá, non nớt quá, "tưởng cái giếng sâu nối sợi dây dài, ai ngờ...". Thôi đành rút dây lại thôi!

Linh cũng tới. Linh trước đây đã bị em "hớt tay trên" khi lấy anh, nay kẻ chiến bại trong một trận đánh lại thật lòng xót thương kẻ chiến thắng, còn tỏ lòng biết ơn rằng nhờ em mà bạn ấy khỏi phải nhầm lẫn rơi vào kẻ... như anh. Ðêm nào không phải ca trực, bạn ấy có khi ở lại nhà ngủ với em. Bạn ấy bảo vào ca trực đêm ở bệnh viện, cô ấy rất sợ thằng Ðịnh có họ với Bùi Kiệm (nguyên văn lời cô nói là "vì cửa nẻo không chắc"). Tay Ðịnh có lẽ rất sung sướng vì ngày ngày được chiêm ngưỡng dung nhan của người trong mộng, e rằng trái tim si tình của anh ta đến lúc nào đó sẽ đứt động mạnh chủ, không còn hồn vía đâu để làm việc.

Con người phúc tạp lắm, em đây cũng tự thấy lắm khi mình khá phức tạp, nghĩ vớ vẩn về những chuyện ấy rồi cũng rất phiền lòng.

Thư anh viết tự thú về những quan hệ với Yvette Phương - "tình cũ không rủ cùng đến" thơ mộng lắm vì đó là mối tình viễn dương - xem ra có chút nào đó anh Mười cũng thành thật: "Cô ấy nói rằng sau khi ra nước ngoài đi khắp trời Âu, á, Mỹ, Uỏc, Phi, trải qua đủ hạng người vàng, trắng, đen... về lại cố hương mới thấy không ai tuyệt diệu bằng anh..." Thân em như thể trái dừa, đãi người xa xứ, cặn thừa đãi anh! "Thơ mộng" đấy chứ!

Nhưng thật buồn cười khi anh quá ngây thơ cho rằng gần một năm qua em chưa hay biết gì.

Nhớ lại xem, có khi nào anh từng mua hai đồng hai chiếc bánh đa cho người đàn bà non trẻ trung già son phấn tại bàn bia?

Gần trung tâm thành phố có cây đa cổ thụ năm gốc giữa công viên. Cây bền lòng với đất, nước, nên rễ từ trên cành cao buông xuống, bám lại vào đất lâu năm thành gốc mới. Bên cạnh còn cây đa thứ hai có lẽ từ trái rụng của cây mẹ ươm lên, cành mẹ và cành con giao tán nhau bóng trùm mát rượi. Cảnh vật đượm vẻ trầm tư ấy, nếu được bên trong điểm một ngôi đình chùa hài hòa biết bao, nhưng thay vào nơi cô tịnh hiếm có ấy lại là những quán bia, bậc trí giả làm sao khỏi chạnh lòng nuối tiếc. Em không tin những lời đồn đãi nếu chưa mắt thấy tai nghe.

Tốn bốn mươi đồng thôi, mua mão của em gái nông thôn lên thành phố bán bánh đa - hai túm bốn mươi chiếc, còn mượn chiếc áo rộng che ngoài giữ cho bụi đời không làm bẩn áo sạch bên trong. Ao?o không cài hết nút đỡ nóng, kéo trễ cổ áo xuống lưng, hai vạt trước xếch lên, em mặc như thế để cải trang thành cô bán bánh đa. Chiếc nón lá mất vành và dây quai đeo buộc bằng khăn mùi xoa cho kín mặt mũi. Em tự hình dung mình lúc ấy như nữ hiệp hành đội rế phủ voan trong phim chưởng.

Với vai cô bán bánh đa, em vào quanh quẩn bên bàn của kẻ trộm tình mà ả và anh không hề hay biết, còn vẫy vẫy gọi mua hai chiếc bánh đa. Hai đồng bạc mua bánh ấy em để trong túi giấy bóng trong và một chiếc bánh đa vỡ đôi treo trên cây đinh treo lịch giữa nhà, vẫn còn để nguyên nơi ấy đến bây giờ. Thường tình gặp tình huống thế kia có hai cách phản ứng: tu tu khóc hoặc phản ứng đánh ghen, tung hê lên cho hả giận. Ðó là giải pháp thất học và bất cần lịch sự. May quá em đã diễn xuất không tồi, đủ trầm tĩnh để nhìn thiên hạ bẻ bánh đa nhai rôm rốp.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, lời tự thú để rẽ sang đường khác của anh chậm cả năm, nguội lạnh mất tính cập nhật rồi.

Anh Ðông tài xế vừa bị anh thải hồi có đến thăm. Hỏi "Sao lại bị đuổi?", anh chép miệng than anh chẳng có tội gì ngoài tội trung thành với chủ, tội biết quá nhiều và tội vô tình không đổi hướng cái gương chiếu hậu giữa cabin. Anh biết gì nhiều thứ? Công ty trách nhiệm hữu hạn của anh Mười có chi nhánh ở thủ đô nước láng giềng, mác dược phẩm là vỏ ngoài, thực chất là mượn cớ giao dịch qua lại để đổi quốc tịch xe ôtô con. Xe của họ sang nước ta, lý do qua lại làm ăn, qua biên giới rồi thay đổi màu sơn qua tay anh Mười thay biển vàng thành biển số trắng trở thành xe bản địa. Nghe nói lời mỗi xe cả trăm triệu tiền trốn thuế dễ dàng quá, nhưng em thật không ngờ anh thuộc hạng người ấy.

Bây giờ anh bảo em ký đơn ly hôn tự dưng trở thành đương sự trước tòa án, đặt mình vào cảnh ngộ bên này phải đổ tội cho bên kia, thử hỏi anh có vừa lòng cho em nêu câu chuyện do anh tài xế kể ra trước công đường để tự vệ cho mình không?

Tài xế còn kể với em, có một lần chiếc xe đời mới chạy trên đường Thủ Ðức tình cờ song song với chiếc xe hai bánh em đang đi, ngỡ rằng em đuổi theo để đánh ghen, ông chủ là anh vội vàng hối cô bồ quốc tịch nước ngoài gốc Việt quay kính lên để đề phòng bị tạt axít.

Thì ra trong mắt của kẻ ngoại tình, người yêu hồi nào nâng như trứng, hứng như hứng hoa, người vợ hiền dịu phút chốc hóa ra con quỷ cái, một tên sát thủ, một tên xã hội đen cần phải tránh xa.

Ba em hỏi: "Con xử sự thế nào đây?". "Con thản nhiên từ trước rồi! Ai khóc cũng được, nhưng người bác sĩ khi cầm con dao mổ không được khóc. Việc gì đến sẽ đến". Người có trí phải biết vượt lên trên hoàn cảnh. Tự khẳng định mình là sự bình thản (impassible) ấy. Em mượn câu chuyện trong quyển sách nào đó để phụ họa với tiểu phẩm của ba em: Con bò cái sau khi sinh nở nó chỉ biết con bò con, nó quên phứt con bò đực...

Ba em khác với những người thích can gián chuyện ly hôn, sợ để khổ cho con cái. Ông bảo đừng để cho cháu ngoại ông sau này lớn lên, có hiểu biết, nó sẽ phải ân hận khi biết được mẹ nó phải khổ suốt đời mang nặng trong tim cuộc sống chung miễn cưỡng là vì nó.

Anh đã tự dẫm đạp lên tính pháp lý của tờ hôn thú rồi, sao giờ đây lại còn lôi em ra trước pháp lý để gọi là làm thủ tục ly hôn? Em dứt khoát từ chối đến công đường tự dưng thủ vai đương sự vì lý do cần biết tự trọng. Không phải em cản trở. Sao lại phải cản trở khi anh Mười đã ở ngoài cuộc đời của em rồi. Cứ để họ xử vắng mặt, quyết định ra sao em cam kết không lo lắng, không luyến tiếc, không buồn không vui, không quan tâm, không phản ứng, trừ quyết định buộc em trở lại chung sống với anh. Nghĩa ở đời không có, tính có giá trị gì?

Ngôi nhà cho dù em đứng tên và bản thân ngôi nhà cũng vô tội, nhưng em không muốn lưu lại nơi ấy vì nó gợi lại những kỷ niệm xấu. Vả lại không có gì lố bịch hơn ngăn vách ra, đã chia tay nhưng ở chung nhà làm chuyện đầu lưỡi cho miệng đời dị nghị. Nếu là nghề kịch thì giống như hai bệnh nhân bệnh truyền nhiễm nằm ngược đầu chung một giường. Hai mẹ con em đã dọn về nhà ông bà ngoại, ông cụ lại thích vì được ngày ngày dắt cháu đi chơi.

Sung sướng thay những ai hoàn cảnh cho phép phát hiện sớm để khỏi phải dắt nhau ra tòa. Như cậu X. nhà cách hai căn phố. Ðến cận giờ làm lễ thành hôn, sực nhớ chưa có bó hoa tình nhân, vội vàng phóng xe đi để xảy ra tai nạn giao thông què chân suốt đời. Khi quá say sưa với hạnh phúc, con người trở nên bất cẩn. Bây giờ ngày ngày ngồi bên trong cửa sổ nhìn ra thấy cô vợ hoãn cưới ngồi trên yên sau xe người khác chạy qua chạy lại mà chép miệng than: "May quá, tình là thế...".

Xã hội ngày nay không còn phải lo nhiều về chuyện không chịu đổi mới, chỉ sợ đổi cũ thôi: trước chung thủy nay bạc tình, liêm chính trung thực đổi thành tham ô buôn lậu, ngày xưa bình đẳng nay "chơi cha"... May quá, con người ngày nay đủ trí tuệ và tấm lòng biết cầm con dao giải phẫu, biết tỏng là khối u phản bội và vô lương tâm thì cắt bỏ đi để tránh hoại tử, dẫu biết rằng còn phải qua nhiều ca trực.

Vợ chồng tay lái xe ba gác ở con hẻm sau nhà đánh nhau, lại lôi nhau ra ủy ban phường xin cắt đứt chỉ vì tay bán kẹo kéo rủ rê cô vợ đi du hí, không nấu cơm bỏ con đói. Em lại không muốn họ bỏ nhau và tán thành cách hòa giải của phường. Cảnh ngộ và số phận! Nhưng đó là vì họ thất học, họ nghèo, bỏ nhau thì khổ con cái, khổ cuộc đời. Chúng ta lại khác, có ăn học, có đủ sức nuôi sống bản thân, có thể xử sự một cách có văn hóa là nhẹ nhàng đường ai nấy đi một khi đã biết tình yêu giả hiệu, nghĩa ở đời không có. Tội gì suốt đời ôm lấy hàng phế thải.

Ông lão hàng xóm, bạn già của ông cụ, đem sang kheo một bài thơ vừa sáng tác. Cụ đi vắng nên đưa cho em đọc bảo có lời bình. Thơ của ông lấy văn vần nói ý không có hồn, ông làm thơ bằng đầu óc không xuất phát từ con tim, em muốn nói với ông cụ rằng đó là mượn thơ chứ chưa là thơ. Nhưng may quá em kịp nghĩ lại nên giữ miệng không nói ra, vì gẫm lại mình thời gian qua chẳng đã nhầm lẫn cho rằng kẻ mượn tình là tình yêu đó sao.

Tình yêu màu mè, thơ quảng cáo có khác gì nhau. Âởy thế vẫn có nhiều người bị lừa gạt. Ðời là vậy đó.

Thôi nhé! Vĩnh biệt!

Hết