Tựa

Nghiên cứu về Rimbaud

     Đúng một trăm năm trước đây, vào tháng Mười vừa qua, Rimbaud ra đời. Tại Pháp, lễ tưởng niệm đệ bách chu niên được tổ chức một cách ngoạn mục. Những nhà văn lừng danh khắp thế giới đều được mời đến để dự cuộc hành hương tới Charleville, nơi chôn rau cắt rốn của chàng. Những buổi lễ mang tính chất quốc gia đại sự. Về phần Rimbaud, có lẽ chàng cũng trở mình trong mộ. Từ ngày mất đi, phần lớn tác phẩm vĩ đại của Rimbaud đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Bengali. Ở bất cứ nơi nào còn biết cảm thi ca và phiêu đãng, tên chàng là một tiếng nói cửa miệng. Trong những năm gần đây, sự sùng bái của những tín đồ Rimbaud đã lên đến những kích thước dị thường và sách biên khảo về cuộc đời và tác phẩm chàng gia tăng bằng những bước nhẩy vọt. Không một thi sĩ nào của thời hiện đại có thể nói là đã nhận được sự chú ý và tôn kính nhường ấy.

 Từ Một mùa địa ngục và Thần cảm, chỉ có một số ít thơ của chàng tìm được đường vào ngôn ngữ chúng ta. Ngay cả số lượng dịch thuật ít ỏi này cũng đã cho thấy một sự sai biệt sâu xa và không thể tránh được trong cách diễn dịch. Tuy nhiên, dù bút pháp và tư tưởng khó khăn và bất khả lãnh hội đến mức nào chăng nữa, Rimbaud không phải là không thể dịch được. Khu xử công bình tác phẩm chàng lại là một chuyện khác. Tuy vậy trong Anh ngữ, chúng ta phải tạo ra được một thi sĩ nào khả dĩ có thể làm cho Rimbaud điều mà Baudelaire đã làm cho thơ của Poe, hay Nerval đã làm cho tác phẩm Faust, hoặc Morel và Larbaud đã làm cho Ulysses.

 Tôi muốn làm sáng tỏ sự kiện rằng thiên nghiên cứu mỏng manh này, được viết mười năm về trước, là kết quả của một cuộc dịch thuật thất bại có chủ định cuốn Một mùa địa ngục. Tôi vẫn còn nuôi hy vọng phiên dịch bản văn này bằng một ngôn ngữ sát với ngôn ngữ “mọi đen” của Rimbaud hơn nữa. Những tác giả Really the Blues, hay như Lord Buckley [1] , gần Rimbaud hơn những thi sĩ đã tôn sùng và bắt chước chàng, dầu họ không thể ý thức về điều đó.

 Điều Rimbaud đã làm cho ngôn ngữ, chứ không phải chỉ riêng cho thi ca, mới chỉ đang bắt đầu được hiểu. Và theo tôi, dường như được hiểu bởi độc giả nhiều hơn nhà văn. Ít ra là trong xứ sở chúng ta. Hầu như tất cả những thi sĩ Pháp hiện đại đều chịu ảnh hưởng chàng. Quả thực người ta có thể nói rằng thi ca Pháp hiện đại vay mượn Rimbaud tất cả. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có người nào vượt nổi chàng – trong sự táo bạo hay sáng tạo. Một đương kim thi sĩ duy nhất có thể cho tôi bất kỳ điều gì từ tựa sự thích thú và kích động của Rimbaud là St. John Perse. (Cuốn Vents của ông, đầy đủ một cách kỳ dị, đã được Hugh Chisholm cũng ở tại Big Sur này, dịch).

 Bản văn trong sách này tái bản nguyên văn đã xuất hiện trong hai phần trong tác phẩm hàng năm của nhà New Directions, số 9 và 11. Từ đó nó được xuất bản bằng Pháp và Đức ngữ, cả hai ấn bản đều được in tại Thuỵ Sĩ, [2] một xứ sở kém khả năng giao kết với thiên tài Rimbaud nhất. Trong ấn phẩm này, thứ tự hai phần đã bị đảo ngược. Có lẽ tôi phải nói thêm rằng, mới đầu, tôi định viết thêm hai phần nữa, nhưng tôi đã bỏ ý định ấy.

 Tôi thành tâm tin tưởng rằng, giờ đây Hoa Kỳ cần phải làm quen với khuôn mặt thần thoại này hơn bao giờ hết. (Cũng như phải làm quen với một thi sĩ Pháp dị thường khác đã tự tử vào tháng Giêng một trăm năm trước đây; Gérard de Nerval). Chưa bao giờ có một thời đại nào mà đời sống của thi sĩ bị đe doạ hơn ngày nay. Những chủng loại Hoa Kỳ, quả thực, đang ở trong hiểm hoạ tuyệt diệt hoàn toàn.

 Khi Kenneth Rexroth được tin Dylan Thomas mệnh yểu, ông vội vàng viết một bài “Tưởng niệm” nhan đề Người sẽ không được giết người. [3] Được viết trong một trạng thái cảm xúc cùng cực, và không có ý định đem ấn hành, tuy nhiên lập tức được lưu hành và chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng. Nếu người nào còn hồ nghi bất cứ điều gì về số phận mà xã hội chúng ta dành cho thi sĩ, hãy để hắn đọc bài “Tưởng niệm” người thi sĩ xứ Welsh, người viết cuốn Chân dung của nghệ sĩ như một con chó con.

 Địa vị và tình cảnh của thi sĩ – tôi dùng chữ theo nghĩa rộng cũng như nghĩa hẹp - hiển nhiên phát lộ trạng thái đích thực sức sống của một dân tộc. Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Phi châu nguyên thuỷ, ở đây, thi ca hãy còn không thể tuyệt căn được. Điều mà rõ ràng chúng ta thiếu trong xứ sở này, điều mà chúng ta hãy còn chưa thể ý thức, ngay cả được rằng chúng ta thiếu, ấy là kẻ mơ mộng, một cuồng nhân cảm hứng. Với xiết bao hoan hỉ quái đản, khi đến lúc chôn vùi con người ấy, chúng ta chỉ chú mục vào sự “bất khả thích nghi” của cá nhân đơn độc này, kẻ phản kháng đích thực duy nhất trong một xã hội ruỗng nát! Tuy vậy chính những khuôn mặt này đã mang lại cho từ ngữ “bất khả thích nghi” bị lạm dụng một ý nghĩa.

 Trong một bài bào về “Baudelaire chính trị” trong tờ Beaux-Arts, số ngày 25 tháng Giêng, 1955, Maurice Nadeau viết như vầy: “Dans Mon Coeur mis à nu il veut ‘faire sentir sans cesse (qu’il se sent) étranger au monde et ses cultes. C’est le monde de la bourgeoisie dont ‘la morale de comptoir’ lui ‘fait horreur’, ‘un monde goulu, affamé de matérialités, infatué de lui même et qui ne s’apercoit pas qu’il est entré en décadence, un monde que dans une singlière prophétie il voit de plus en plus ‘américanié’, ‘voué à l animalité, où tout ce qui ne sera pas l ardeur vers Plutus sera reputé un immense ridicule.”

 Nét nổi bật của những thi sĩ dẫn đạo của thế kỷ Mười chín và của thế kỷ Hai mươi cũng vậy, là khuynh hướng tiên tri của họ. Khác với Blake và Whitman mà tác phẩm đầy ắp sự xuất thần nhập diệu của một viễn tượng vũ trụ, những thi sĩ của chúng ta sau này trú ngụ trong tận thâm sơn cùng cốc. Sự quyến rũ của muôn năm trường trị đã ám ảnh những linh tưởng gia như Joachim de Flore, Hieronymus Bosch, Pico della Mirandola, và ngày nay cấp bách một cách khiêu khích hơn bao giờ, đã bị thay thế bởi tình trạng nô lệ sự hư vô hoá hoàn toàn. Trong xoáy nước của đêm tối và hỗn mang đang tới - một thứ hỗn độn thực sự - thi sĩ ngày nay rút lui, tự ướp mình trong một thứ ngôn ngữ bí hiểm càng ngày càng trở nên bí hiểm thêm lên mãi. Và vì họ lần lượt tắt ngấm nên những xứ sở sản sinh ra họ nhất định lao đầu xuống dốc.

 Việc giết người, vì đúng nó là như vậy, chẳng bao lâu sẽ đi tới chung cục của nó. Vì tiếng nói của thi sĩ trở nên tắc nghẹn, lịch sử mất ý nghĩa của nó và hứa hẹn thế mạt luận bừng lên như một bình minh mới mẻ và đe doạ lên ý thức con người. Chỉ bây giờ, bên mép bờ vực thẳm, người ta mới có thể nhận thức được rằng “tất cả mọi điều người ta dậy chúng ta đều sai lầm”. Bằng chứng của lời phát biểu phá hoại này có thể chứng minh được mỗi ngày trong mọi lãnh vực: trên chiến trường, trong phòng thí nghiêm, trên báo chí, trong trường học, trong nhà thờ. Chúng ta hoàn toàn sống trong quá khứ, được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng chết, tín đều chết, hiểu biết chết. Và chính quá khứ nhận chìm chúng ta chứ không phải tương lai. Tương lai bao giờ cũng đã và cũng sẽ thuộc về - thi sĩ.

 Có lẽ trong khi chạy trốn khỏi thế giới, Rimbaud gìn giữ tâm hồn chàng khỏi một số phận hẩm hiu hơn số phận dành cho chàng ở Abyssinie. Có lẽ La Chosse Spirituelle, nếu có luôn luôn được khai quật lên, sẽ cung cấp một đầu mối hiện bây giờ đang thiếu. Có lẽ - biết đâu? – nó sẽ cho chúng ta một sợ dây nối liền Một mùa địa nguc và “Giáng sinh trên trần gian” đó mà xưa có lần đã là thực tại cho chàng thanh niên mơ mộng.

 Trong ngôn ngữ tượng trưng của tâm hồn, Rimbaud mô tả tất cả những gì hiện đang xẩy ra ngày hôm nay. Theo ý tôi, không có chút tương phản nào giữa viễn tượng của chàng về thế giới và về cuộc sống vĩnh cửu, với viễn tượng của những nhà cải cách tôn giáo vĩ đại. Chúng ta được khích lệ đi khích lệ lại nhiều lần sáng tạo một viễn tượng mới về thiên đàng và trần gian, bắt đầu lại lần nữa, để người chết chôn người chết, sống như huynh đệ ruột thịt, biến Giáng sinh trên trần gian thành một thực tại. Và liên tiếp chúng ta được cảnh tỉnh rằng trừ phi ước vọng về một cuộc sống mới trở thành một xác tín sinh động cho mỗi và tất cả mọi người chúng ta, cuộc sống trần gian không bao giờ có thể là gì hơn một Lò luyện tội hay một Địa ngục. Một vấn đề và vấn đề duy nhất đối đầu với chúng ta là - chúng ta có thể trì hoãn cái không thể tránh được bao lâu nữa?

 Khi chúng ta suy tưởng rằng người xách tai thế giới chỉ là một cậu bé con, chúng ta ăn nói làm sao bây giờ? Chẳng có chút gì tỷ như kỳ diệu trong sự xuất hiện của Rimbaud trên trái đất này như trong sự giác ngộ của Đức Cồ Đàm, hay trong sự chấp nhận Thánh giá của đấng Christ, hay trong sứ mệnh giải thoát khó tin của Jeanne d’ Are sao? Tha hồ bạn muốn diễn dịch tác phẩm chàng thế nào cũng được, muốn giải thích cuộc đời chàng thế nào cũng xong, song le không có gì cho phép quên chàng. Tương lai là của chàng tất cả, dẫu rằng bây giờ chưa có tương lai.

 Henry Miller.

Big Sur, California 1955.

 Nguồn: Henry Miller, The Time of the Assassins - A Study of Rimbaud, New Directions 1955.

Bản Việt ngữ của Nguyễn Hữu Hiệu: Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud. Hồng Hà, 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả.