Vậy là tôi phải ra đi. Ngay trong ngày hôm nay - rời khỏi căn phòng trọ mà tôi đã gắn bó suốt năm năm trời. Lão Hòa - Hòa "đại nhân" đã dùng thứ ngôn ngữ chỉ dành cho những kẻ ăn cắp vặt để đuổi tôi. Lão nghiến hàm răng sít rịt: "Cút! Sao tới giờ này mày chưa cút khỏi nhà tao, hả?". Chao ôi, cái thằng tôi vốn chịu nhục từ thuở làm thuê nhà người mà giờ họng tắc nghẹn, người run như động kinh. Ngày nay lão đã đuổi tôi tới ba lần. Thì thôi, còn hòng gì nữa!Thực ra tôi không còn là anh sinh viên "vắt mũi chưa sạch" nữa. Tôi ở trọ để trả nợ món cuối cùng. Nghĩ tình xưa nghĩa cũ, tôi mới ghé nhà lão, dẫu thừa biết lòng ruột lão từ lâu. Vả lại những nhà trọ xung quanh đã trở thành hàng xóm tốt, dù gì cũng thoải mái lời ăn tiếng nói. Và hơn nữa, mỗi khi không xu dính túi còn có chỗ mà ký nợ. ấy là quán tạp hóa của anh Phùng. Gây dựng được niềm tin đâu phải dễ. Có lần tôi đùa: "Anh cho tôi ký không sợ bị "xù" sao?". Anh Phùng tư lự "Một chú mày nữa tao cũng đâu có chết. Đời tao bị nhiều thằng lật lọng rồi. Quan trọng là cái tâm của mày nó có day dứt hay không?".Tôi soạn sửa hành lý. Chẳng có gì - vài cuốn giáo trình cũ, cái máy cát xét "ếch ộp" của Tàu, vài ba bộ quần áo... Cái duy nhất đảm bảo tư cách... thi lại cho tôi là chiếc thẻ sinh viên cũ mèm. Tất cả chỉ nằm gọn trong cái túi xách một quai... Hòa "đại nhân" là cái biệt danh do bọn sinh viên khóa chúng tôi đặt. Lúc đầu nghe láng máng lão giận lắm, sau dần lão đâm ra thích thú. Lão bảo: "Bọn trí thức nhãi ranh chúng mày nhìn người khá lắm!". "Đại nhân" tướng người béo ục ịch, trán hói, mắt ti hí; ngự trên cái môi dày cộm là hàng râu trê trông như quan nịnh thần. Mỗi khi tức giận hay khoái chí điều gì, hàng râu trê của lão ngọ nguậy như con bọ đen. Cánh sinh viên năm thứ nhất gặp lão cứ len lén như rắn mồng năm. Trừ tôi, tay sinh viên nào nhẫn nại lắm cũng chỉ trụ được ở nhà trọ lão một năm. Lại có chuyện "mê tín" thế này: không nam nữ sinh viên nào ở nhà lão mà có bồ (?). Không có chuyện ấy - tôi đảm bảo như vậy. Ngay cửa chính dẫn vào các phòng, lão Hòa xích con chó Ngao đen trũi, dữ tợn, sẵn sàng chồm lên kẻ lạ mặt. Mấy anh chàng tới thăm bạn gái một lần, đụng phải con Ngao là hát luôn bài "mười năm không gặp"!ấy thế mà lạ, hai chục phòng trọ của lão bao giờ cũng đầy người!Đã tới giờ Hòa "đại nhân" xích chó. Tôi xách giỏ đi ra. Con Ngao nhe răng gầm gừ. Tôi dấn thêm bước nữa, nó định chồm lên. "Đồ chó chết!" - tôi rủa thầm. Hòa "đại nhân" hạch toán:- Cậu ở hai tháng 13 ngày một đêm... , vị chi là 2 trăm 48 ngàn 5 trăm đồng, ấy là chưa kể cậu làm vỡ của tôi hai cái tô nhựa. Thế nào?Tôi ậm ừ:- Bác cho cháu nợ tới tháng sau cháu thanh toán, được không ạ?"Con bọ đen" của lão giật giật:- Không được! Cậu không thanh toán được tôi sẽ lên báo với Phòng Công tác sinh viên. Cậu không muốn ra trường để về quê mà báo hiếu à?- Thì tùy bác - Tôi đổ liều - Cháu chỉ còn cái xác không, bác giữ được cứ giữ!Lão điên tiết:- à, mày lại thách tao phỏng? Định chơi trò ăn vạ à? Trí thức tương lai mà giở giọng côn đồ? Ông thì cứ "113" xem mày còn dám láo không!Tôi khẳng khái lôi chiếc cát xét ra:- Thì tôi gửi tạm bác cái máy này làm tin vậy.Lão trợn ngược đôi mắt ti hí:- Cái thứ đồng nát ấy à? Liệu có đổi được vài cây kem? Cậu đưa cái thẻ sinh viên đây, khi nào có tiền tới chuộc.Còn khoảng một tháng nữa thi, thôi thì... Tôi móc thẻ đưa lão rồi đi thẳng. Con Ngao ve vẩy cái đuôi, Hòa "đại nhân" nghiến răng trèo trẹo.Tôi đi mà chẳng biết về đâu. Hai hàng thông già bên đường xâm xấp nắng chiều. Một con nhện to giăng tơ giữa trời. Tôi còn đang nghĩ ngợi mông lung thì có tiếng gọi giật:- Anh Duy, chờ em chút!Tôi ngoảnh lại. Là cô bé Châu, cùng nhà trọ. Thấy cái bộ dạng thất thểu của tôi, Châu nói:- Em mới từ giảng đường về, anh đi đâu vậy?- Bị đuổi rồi. Chẳng biết đi đâu nữa?Châu rất dễ xúc động, giọng em nghèn nghẹn:- Anh không còn ai quen nữa sao?- Còn. Ở khắp gầm trời này!Nước mắt Châu đã chảy dài hai má. Em nói nhanh:- Anh không chê, cầm của em mấy chục xài đỡ... Máu lãng tử của tôi nổi lên:- Cảm ơn Châu! Anh "nợ" nhiều rồi.Châu ôm mặt khóc tức tưởi rồi quay lưng bỏ chạy.Cái ngã năm hiện ra chặn bước chân tôi lại. Tôi nhìn từng tốp sinh viên bá vai nhau vào quán cơm mà lòng uất nghẹn. Cách nay vài năm tôi đâu đến nông nỗi này. Tôi sẽ tấp đại vào chỗ một thằng bạn nào đó, tá túc vài ba ngày là chuyện thường. Giờ thì chúng đã là thầy, là kỹ sư cả rồi. Lão Hòa "đại nhân" ơi, sao lão cay nghiệt thế? Còn khối kẻ dám nợ của nhà nước, mà lại quỵt nợ nữa kia kìa. Tôi đã bao giờ quỵt lão hào nào chưa?Mấy cô nàng sinh viên ăn mặc diêm dúa nhìn tôi tọ mọ, rồi bụm miệng cười. Tôi nhận ra mình đang đi đôi dép nhựa hai mầu, lại là hai chiếc cùng chân phải! Khổ chưa "ông sinh viên" mê thơ! Thơ với chả thẩn. Tự dưng tôi nhớ Chuân "già" ghê gớm. Anh Chuân học cùng lớp tôi nhưng vào hàng tuổi băm. Dạo đang làm kỹ thuật viên y tế ở một thành phố lớn chẳng hiểu mê mẩn kiểu gì lại bỏ ngang xương, thi vào ngành ngữ văn. Anh học luôn hai ngành, lại học giỏi, giật luôn học bổng... nhậu chơi. Mỗi lần rượu vào anh bình thơ rất thoáng, nghe như nuốt từng lời. Thế rồi tích lũy hàng đống tín chỉ vẫn không ra trường được, anh xung phong vào đội quân thanh niên tình nguyện vùng sâu... Thì ra bằng cấp có là gì đối với anh? Anh thường học cách nói của cổ nhân: học văn là học để làm người. Thành phố này còn anh ở lại tôi sẽ không có những ngày vô gia cư... Tôi lục lọi trí nhớ cố tìm một tay "cựu binh" nữa. Đúng rồi, ký túc xá! Ký túc xá gắn liền với cái tên "quân sư" Lê Khâm mà tôi đã hơn một lần đối ẩm. Quân sư Lê Khâm quê Quảng Nam, rất nổi tiếng. Anh được "chiến hữu" tôn vinh là "quân sư" bởi lắm mưu, nhiều kế. Cũng bởi tuổi anh cao nhất, học nhiều ngành nhất và... lâu ra trường nhất! Ba cái nhất ấy được "tôi luyện" trong khoảng thời gian gần... mười năm!Quân sư Lê Khâm là người rất hay "chiêu hiền đãi sĩ", đệ tử anh giờ có người làm tới chức giám đốc. Chuyện kể rằng, có lần quân sư đang tay nải lang thang ngoài đường thì gặp đệ tử ruột. Anh này ngồi xe hơi sang trọng, thấy quân sư "áo rũ cơ hàn" thì vô cùng ái ngại. Xe công cán mà mời quân sư lên thì không thể được. Anh ta đành "thi lễ", rồi rút tập tiền ấn vào tay quân sư với lời hẹn tao ngộ. Quân sư Lê Khâm không lấy gì làm tự ái, lại vừa đi vừa hát "cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao"... Đoạn quân sư ta ghé đại lý gạo bảo chở một tạ lên dãy B1, tầng 2, phòng không số ký túc xá. Số "lương thảo" ấy đủ nuôi chiến hữu trong vòng một tháng.Ký túc xá về chiều phức hợp những thanh âm. Bên khu dành cho nữ phảng phất mùi xào nấu. Dãy của nam bập bùng tiếng ghi ta, tiếng dội nước. Khu trung tâm, cái loa nén đang phát ra nhạc hiệu chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi làm bộ thản nhiên bước qua cổng bảo vệ. May, anh trực ca đang nghe điện thoại : Kia rồi, dãy B1 của nam. Tôi nhướng mắt: tầng 2, phòng không số. Tiếng một nàng nào đó ới lên: "Nở ơi, anh Chí của mày lên thăm kìa!". Đùa dí dỏm lắm. Càng phục cụ nhà văn Nam Cao!Tôi thận trọng bước từng bước lên bậc tam cấp, những tưởng chỉ cần phát ra tiếng động mạnh là cả ký túc xá đều biết. Thấm thía sao cái hành tung vụng trộm. Thế mới biết bọn ăn cướp, bọn biển thủ, bọn giết người bỏ trốn gan to đến nhường nào!Không có phòng không số nào cả. Chỉ có phòng số bị xóa đi thôi. Tôi lừng khừng gõ cửa căn phòng ấy. Đáp lại là tiếng quát: "Ai, vào đi!". Tôi sẽ sàng đẩy cửa. Trước mắt tôi có tới gần chục "hảo hán" đang đánh trần, ngồi xoay quanh một chậu cải bắp trộn mì tôm. Thì ra các vị đang nhậu. Tôi nhận ra ngay quân sư Lê Khâm đang ngồi kia. Tóc anh xõa vai nom như đạo sĩ. Tôi chưa kịp nói gì thì một anh có tướng người hộ pháp bực bội:- Đi tán gái nhầm phòng rồi mi ơi! Vô làm ly.Lúc ấy quân sư Lê Khâm mới duỗi cái cổ dài nhìn chằm chặp vào tôi:- Phải chú Duy không? Mới quê lên sao? Đi mô lâu chừ không thấy? Vô đi.May, anh vẫn nhận ra tôi. Lúc đã yên vị, quân sư nâng ly giới thiệu: "Đây là chú Duy, học khoa Văn, ngó vậy chớ dễ thương lắm". Tôi hơi chờn chợn bởi ánh mắt có vẻ hằn học của một anh có tên Lâm "voi". Anh Khâm vỗ trán:- Mà chú mày học tới năm thứ mấy rồi? ở đây rặt "cựu binh", thằng nào bét nhất cũng năm thứ 6. Thôi, quên đi. Học tài thi phận mà. Nào, vô cái mừng chú nó?Xong tua đầu tiên, tôi cảm thấy đã ổn, định bụng "trình bày hoàn cảnh". Như đọc được nỗi niềm ấy, quân sư Lê Khâm phẩy tay:- Nhìn chú Duy, kinh nghiệm cho anh thấy, chú đã bị người ta quăng ra ngoài đường rồi. Khỏi phiền, cứ ở lại đây. Mọi "thủ tục nhập cư", mai anh sẽ dàn xếp. Còn nợ trường phải không? Yên tâm lo học mà thi, khi nào hứng thì cảm tác. Nói chung, "giang sơn" giao cho chú, bọn anh còn phải "hành". Nào, vô đi!Được lời như mở tấm lòng, tôi cạn ly, lòng ấm lại. Phía góc trong cùng, Lã Tuân ngồi cụm rụm, mặt rất khổ, anh đọc thơ, giọng sang sảng: "Ta trở về khi lương tâm qua thời kỳ khủng hoảng/ Vốc cát trên tay mịn màng mười năm ở lại nơi này... ".** *Tôi trở thành dân "ngụ cư bất hợp pháp" của ký túc xá. Ngẫm cứ thấy vô lý thế nào ấy? Mình cũng là công dân tốt mà. Oái oăm thay, mỗi sáng mở cửa, tấm biển kẻ khẩu hiệu "Sống và làm việc theo pháp luật" án ngữ ngay tầm mắt.Ngày thi sắp tới, tôi không moi đâu ra tiền để chuộc lại tấm thẻ sinh viên lão Hòa "đại nhân" đang giữ. Người tôi kỳ vọng nhất là quân sư Lê Khâm đeo tay nải đi biệt nửa tháng chưa về. Tôi mong anh tới cháy ruột. Anh Lã Tuân trấn an:- Chỉ nay mai là "ngài" hiện, xưa nay vẫn vậy.Hai ngày sau quân sư về thật. Anh bảo mới đi thăm thằng bạn dưới miền Tây. Người quân sư đầy bụi đường. Không cần rửa ráy, anh bày luôn gói khô sặt với chai rượu Gò Đen ra bắt nhậu, nghe kể chuyện giang hồ mây nước. Sẵn dịp, tôi gợi ý chuyện cái thẻ. Nghe chưa đứt đoạn, anh lim dim mắt, giọng bình thản:- Hề chi! Mai anh sẽ nguyện làm "thuyết khách" cho chú một chuyến.Tôi mừng hú, ngồi nghe thơ Lã Tuân, nghe giọng hát Phú "cận" trong cảm giác lâng lâng... Tối ấy tôi thấy quân sư ngồi thừ trước mấy tấm bìa các tông vẽ chằng chịt những hình rất kỳ quặc, trông giống Vạn Lý Trường Thành. Chuông nhà thờ ngân vang, tôi vẫn thao thức. Quân sư còn ngồi đó, tay áo xắn cao, hươ bút lông thảo chữ Hán.Trời sáng bảnh, quân sư gục đầu ngủ giữa đống giấy bừa bộn. Tôi đập anh dậy. Anh vươn vai ngáp, miệng vẫn thoảng mùi rượu. Sợ anh quên chuyện tối qua, tôi nhắc khéo. Anh đi thẳng tới cái vòi nước rửa mặt, súc miệng qua loa, rồi kéo tôi ra quán cà phệ Hẳn là anh có tiền. Một buổi sáng đẹp. Ngồi chưa ấm chỗ đã thấy mấy tay quen lượn lờ qua lại. Chẳng phải mời, tay Quang mập và Huy "Ăng lê" thấy tín hiệu tốt đã tấp vào. Quang mập và Huy "Ăng lê", đều ở tầng 3. Quang hiền lành nhưng gây ấn tượng ở cái dáng "em chã". Huy "Ăng lê" nổi tiếng bởi tính... phớt tỉnh Ăng lê, vì vậy chết tên. Hắn rất thích cái biệt danh ấy.Xong chầu cà phê, anh Khâm bảo:- Chú Huy rảnh, chở anh đi có chút việc.Huy "Ăng lê" có chiếc 67 rất nòi, hắn chạy xe vào hàng "sát thủ". Tôi nhìn quân sư Lê Khâm đoán già đoán non. Không hiểu anh đi có phải vì việc của tôi không? Nếu thật, hình dong anh thế kia quá là bất tiện. Bộ quần áo không còn ra mầu gì nữa, tóc tai anh lại bù xù mà lão Hòa "đại nhân" rất ưa hình thức. Làm thế nào để thuyết phục anh tắm được. Cắt tóc ngắn thì đừng bàn. Chuyện quần áo không phải lo nhiều lắm.Nhưng rốt cuộc, tôi lo bò trắng răng. Trước khi đi, anh lục tay nải moi ra bộ quần áo còn khá tươm, lại nhảy lò cò trong phòng... hai vòng, ra bể tắm. Thằng Quang mập thấy anh tắm "chay" bèn chạy qua phòng em Trinh làm thêm bên tiếp thị, mượn chai dầu gội đầu mang về. Anh Khâm cầm chai dầu gội đầu đưa lên mũi ngửi, rồi nhăn mặt lẩm bẩm:- Thứ này không bằng một góc nồi nước lá của mẹ tao ở quê!Quân sư tắm xong, "diện" vào nhìn phong độ không ngờ, lại hao hao như nghệ sĩ chơi nhạc đồng quệ Anh ra tới cổng, mấy nàng nhìn giáp mặt mới nhận ra... chú Khâm. Quân sư lên đường làm "thuyết khách" cho tôi rồi!Tôi nằm vắt tay lên trán hình dung cảnh quân sư Lê Khâm đối mặt với Hòa đại nhân. Để xem, có "danh bất hư truyền hay không"? Thằng Toản "còm" đánh tiếng cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi. Toản còm ở trên tầng 3, dáng người cao lòng khòng, đi đứng như bộ xương di động. Hắn học khoa Sử, ngành Khảo cổ học. Hắn đến bên bàn cầm ca nước uống luôn một hơi. Mắt hắn lơ đãng nhìn mấy vật dụng trên bàn, rồi ngừng lại thật lâu trước cái phiếu cơm. Cái phiếu cơm của anh Khâm vừa đưa cho tôi, mới gạch hết phân nửa. ánh mắt dài dại của hắn chuyển dần sang long lanh, nó dường như nhuốm chút khát khao.- Anh Duy kỳ này ăn cơm phiếu tới 200 ngàn tháng à? - Giọng hắn ngượng nghịu.- Có đâu mày! Của anh Khâm đó.Tôi đã rơi vào trường hợp này. Nỗi khổ sở không thể nói thành lời của những anh biết phép tế nhị. Tôi mở đường "máu" cho hắn:- Gần trưa rồi, mày cầm phiếu đi ăn trước, tao đợi anh Khâm.Hắn lí nhí cảm ơn. Loáng cái đã thấy cái dáng cao kều của hắn dưới đường. Có tiếng xe gắn máy. Tôi thò đầu ngó ra. Sao thằng Huy lại về một mình? Có chuyện chăng?Huy "Ăng lê" xộc thẳng vào phòng lục lọi trong mớ bút, lấy ra cây bút lông với hộp mực Tàu rồi đi ngaỵ Hắn chỉ nhếch mép để lại một câu như tiếng cú mèo báo điều chẳng lành: "Chuyện khó lường. Hồi sau sẽ rõ!".Đầu óc tôi rối như tơ vò, mồ hôi ra lấm tấm. Thằng Toản còm đi ăn cơm về. Thấy hắn, tự dưng tôi nổi đóa. Hắn đứng im thít, người như chùng xuống. Tôi kịp trấn tĩnh, nghĩ thương Toản quá. Hắn đến bên tôi, tay run run đưa trả phiếu cơm. Bối rối một hồi hắn mới nói lên lời:- Anh Duy, em... em xin lỗi đã... gạch hai suất. Một suất ăn ngay, còn một "gạch" em đổi mấy gói mì để dành ngày mai!Tôi nhìn hắn, họng đã nghẹn... Qúa trưa quân sư Lê Khâm mới về. Miệng anh thơm thơm mùi rượu lạ. Tôi hồi hộp chờ kết quả. Thật không ngờ, ngoài sức tưởng tượng, anh Khâm mang được thẻ về cho tôi; và nữa, lão Hòa đại nhân tuyên bố xóa cả nợ!Thì ra lúc đến nhà Hòa đại nhân, quân sư thấy trong gian giữa treo rất nhiều bức Hán tự và câu đối cũng chữ Hán, chữ viết thường thường, nghĩa chẳng sâu xa; anh mới làm ra vẻ nghiêm cẩn lẩm bẩm dịch nghĩa, Hòa đại nhân trố mắt nhìn quân sư như gặp được "cao nhân" xuất thế, bởi thực ra lão chỉ ậm ọe được dăm ba chữ "thánh hiền", nhưng rất thích chơi. Quân sư liền bắt bài làm lão tâm phục khẩu phục. Hòa đại nhân ta liền hô nhi hoán tửu đãi vị cao nhân trẻ tuổi! Lại lấy giấy hồng điều nhờ quân sư viết hộ đôi câu đối nói về thú nhàn cự Quân sư nhắp rượu sâm cúc, vén tay áo viết ngaỵ Nét chữ thảo bay bướm, khoáng đạt làm Hòa đại nhân thích chí vô cùng... Quả thực, "danh bất hư truyền".** *Cuối năm tôi hoàn thành chương trình học. Dẫu chậm mất một năm nhưng vẫn vui như trẻ con được mặc áo mới. Những "cựu binh" khác đều có cơ hội "vinh quy". Riêng quân sư Lê Khâm vẫn vậy. Anh đang "nghiên cứu thị trường" hàng Tết, còn dự định viết một cuốn sách về "hội chứng tâm thần"!Cuối năm. Cái lạnh ùa về nhẹ nhàng, thanh khiết. Đó đây mưng mưng chồi non. Hoa cỏ vô danh cũng kiêu sa đến lạ. Dòng người ngược xuôi đã thêm khăn thêm áo.Ký túc xá thể hiện sự bình lặng, ồn ào khác ngày thường. Niềm vui và nỗi buồn man mác đan xen. Đó đây đã rải rác những cuộc chia taỵ Cánh sinh viên năm nhất tất bật và háo hức. Bước ra khỏi phòng thi môn cuối cùng là xênh xang phố xá. Những câu chuyện xoay quanh mua gì, đi chuyến xe nào. Tết quê nhà với họ chắc chắn sẽ vui hơn với những câu chuyện về những ngày tháng đầu tiên sống trong môi trường sinh viên. Cánh sinh viên năm thứ hai trở đi điềm tĩnh hơn. Họ đã quen với những giây phút ấy rồi. Lớp cựu binh chúng tôi gần như bình chân như vại, về hay ở chỉ là chuyện bình thường. Nhưng tất nhiên đố ai tránh khỏi cảm giác trống vắng, tủi thân. Tết mà?Tối nay quân sư Lê Khâm mở tiệc chiêu đãi. Tôi, Trần Duy được giao nhiệm vụ bếp trưởng. Em Hường béo, em Phượng "xê dịch" phụ việc. Vật liệu làm bếp đã tập kết đủ từ trưa. Cũng thường thôi, chục cái bắp cải, vài ký khoai tây, cà rốt, xương heo và bún. Món sang nhất là gà công nghiệp xé phaỵ Tất cả mọi chi phí đều do quân sư "tài trợ".Hóa ra cái việc "nghiên cứu thị trường" của quân sư là có thật. Lần "chào hàng" đầu tiên anh đã vớ bở. Những tưởng xã hội hiện đại người ta chỉ quan tâm tới những thói chơi sang, ai ngờ họ đổ xô tìm về cội nguồn dân tộc, triết lý phương Đông... Quân sư Lê Khâm dựng một tấm bình phong nơi hàng phố hẹp, mình diện trang phục giống như cụ đồ xưa, lại mượn được cái lư đồng của Hòa đại nhân, bỏ giác trầm lấy từ xứ Quảng vào đốt, mùi thơm phảng phất tiềm thức khách du xuân... Chỉ đơn giản vậy thôi mà đố anh nào dám nghĩ, dám làm! Quân sư ta ngồi "bán chữ" rất thanh nhàn. Chữ Hán viết theo lối thảo bay bướm mà khoáng đạt. Khách xem, mua đông nườm nượp, có cả khách Tây.Gần chiều mọi thứ đã xong, tôi chợt nhớ bé Châu. Bao sự cố dồn dập làm tôi quên bẵng em. Tôi định bụng mượn xe Huy "Ăng lê" đến chỗ Châu. Nhưng không biết Huy chạy đâu mất biệt từ sáng tới giờ. Hay lại đi với nàng Họa Mỉ Mới đây bọn bạn nó xì xào chuyện nàng Họa Mi, bồ nó ôm eo một chàng nào đó trên chiếc xe đáng giá mấy ngàn đô! Nó nhếch mép: "Tao cũng thấy. Chịu!". Hơi đâu mà chờ cái thằng "Ăng lê", tôi mượn xe đạp của Toán "còm" cho nó chắc. Chiếc xe đạp "quá khổ" cao như xe của Tây, mỗi lần nhấn bàn đạp, tôi cứ phải lệch hẳn người như trẻ con!Nhà Hòa đại nhân đang được trang hoàng đón Tết. Tôi vẫn ngại chạm mặt lão. Nhưng không, vì mùa xuân hay vì "uy tín" của chàng cao nhân trẻ tuổi mà Hòa đại nhân nhìn tôi đầy thiện chí. Con chó Ngao đã được xích ở đầu vườn hoa cây cảnh. Tôi gõ cửa phòng bé Châu. Im lặng. Vài lần gõ nữa. Có tiếng nấc nghẹn. Cửa mở. Sao lại thế này? Bé Châu nằm úp mặt trên giường, tóc xõa xượi, em nghiêng mặt thấy tôi thì khóc tức tưởi.- Có chuyện gì vậy em? Dậy nói anh nghe. Sinh viên năm hai mà còn khóc nhè sao? Nhớ nhà hả? Thì mai mốt về rồi.Em ngồi dậy vẫn thút thít. Nhìn quanh phòng thấy đồ đạc vẫn y nguyên, tôi hiểu em chưa chuẩn bị gì cho chuyến về quệ Quê em tận Huế.Nhỏ to một hồi, Châu nói trong nước mắt:- Anh Duy, em khổ lắm! ở quê còn một mình ngoại và hai đứa em, giáp tết còn chưa lo đủ ăn, lấy chi gửi tiền cho em về! Tiền học bổng tháng này chỉ đủ trả bác Hòa... Mắt tôi cay caỵ Sao năm nay mắt tôi cay nhiều đến thế? Tôi khỏa lấp:- Bé Châu vui lên đi. Mừng cho anh "vượt cạn" chớ. Thôi, lên chỗ tụi anh dự liên hoan luôn. Rồi anh sẽ lo cho Châu về với ngoại.Bé Châu vốn dễ mềm lòng, em "ứ ' rất nũng nịu, rồi phụng phịu: "Ai thèm lấy tiền của anh? Cám ơn. Em "nợ" nhiều rồi!".Thì ra em vẫn trách yêu tôi cái vụ khi xưa... ** *Tiệc đã được bày ra. Đủ mặt "anh tài". Quân sư Lê Khâm ngồi chủ tọa. Lã Tuân ngồi cạnh em Hường béo, mặt đầy hào khí. Phú cận cẩn trọng chỉnh dây đàn ghi tạ Toán còm phải đổi chỗ vì hễ ngẩng đầu lên là chạm phải cái thành giường. Huy "Ăng lê" kề vai em Phượng "xê dịch", mặt mũi ngây ngây thế nào, rất lạ! Bé Châu gần như nép vào tôi đến tội nghiệp. Lâm "voi" án ngữ cửa ra vào, cạnh Quang mập. Hai thân hình hộ pháp như thể nói rằng không còn người khách nào nữa.Quân sư Lê Khâm nâng ly:- Nào, các anh em, tiễn hết một năm trong ly này.- Hưởng ứng. Cạn!Lã Tuân chêm vào, ý chừng muốn tìm hưng phấn để đọc thợ Lê Khâm hiểu điều ấy, anh đề xuất:- Tất cả im lặng. Xin mời Lã Tuân đọc thơ xuân!Lã Tuân e hèm:... Một buổi tinh mợ Một sớm đọng sươngHạt ngọc của trời phối hôn cùng chồi biếcNhưng nhức nụ xuân e ấp vàng mai... - Thơ hay! Thơ hay - quân sư khen.Lã Tuân thi sĩ phải "trả giá" bằng ba ly dốc ngược. Hường béo là dân học hóa, nghe Lã Tuân đọc thơ, bảo: "Khổ cho các bố làm thơ"!Cả phòng ôm bụng cười lăn.Hường béo lom khom qua chỗ Lâm "voi" nãy giờ ngồi tư lự, tự rót, tự uống. Lúc qua chỗ Toán còm, bộ ngực "quá khổ" của Hường gạt ngang đầu hắn làm hắn co rút người, cổ rụt xuống như con gà rù.Hường béo từ lâu để ý Lâm "voi", nhưng anh chàng này dường như vô cảm. Gắp một miếng gà xé phay cho Lâm, Hường rụt rè :- Anh Lâm ngày nào về?Mắt Lâm đọng vẻ chán chường, hắn cộc lốc:- Về đâu?- Thì về nhà ăn Tết. Anh say rồi à?- Say cái con khỉ! Mẹ... - Lâm "voi" nổi nóng. Hường ngồi xịu mặt. Nàng nghĩ mình bị xúc phạm. Chỉ anh Khâm hiểu nỗi đau của Lâm.Lâm quê Quảng Trị, mới đây không rõ nguyên cớ gì, cha mẹ hắn ly dị sau 30 năm chung sống. Hai người bán hết gia sản chia đôi, mỗi người tìm một khoảng trời riêng... Bé Châu chắc ít gặp cảnh này, ngồi im như con mèo hiền, thỉnh thoảng lại véo tôi ý chừng đòi về. Chưa, em chưa thể về được khi mà tôi chưa làm tròn lời hứa với em. Nhất định tôi sẽ nhường lại tấm vé của tôi cho em về với ngoại. Tôi còn cơ hội bươn chải những ngày giáp Tết bên anh Khâm. Tôi sẽ phụ giúp anh bán chữ cho người. Chiều 30 về còn kịp.Phú cận đã dạo đàn. Hắn chơi không điệu nghệ nhưng chuẩn về nhạc lý. Không đợi yêu cầu, hắn hát: "Không hiểu vì sao ta có buổi chiều naỵ Gặp lại nhau và bỗng dưng em khóc. Giọt nước mắt anh làm sao ngăn được... Em bây giờ như xa một tầm tay... Em bây giờ như xa một tầm tay... ".Giọng Huế của hắn trầm trầm, len lỏi tận tâm can những nỗi lòng đang yêu, đang giận... Cả phòng im phắc. Phú cận hát chưa hết điệp khúc, Huy "Ăng lê" đã òa khóc, khóc thật tình! Tiếng khóc của thằng con trai mới đau đớn làm sao! Nó không thoát ra được, nó cuộn mãi vào trong đến xoắn ruột, cào tim... Nàng Họa Mi xinh xắn không còn "hót" riêng cho hắn nữa. Nàng đã chia tay hắn ngay trong chiều nay.Anh Khâm vừa cười chua chát, vừa lắc đầu như muốn nói: Đời còn nhiều nỗi mất mát lắm các em ơi... !Đà Lạt 2002