Như mọi ngày, ông Tường thức dậy sớm. Ông nằm im, tay trái gác lên bụng, tay phải duỗi thẳng, song song cùng hai chân. Theo thói quen, ông Tường không mặc quần lót. Chiếc quần đùi đen duy nhất bao che một phần nhỏ da thịt, chừng như đang trống hốc. Không khí mát lạnh của trời đất sớm mai, thân mật thoa vào các ngõ ngách chân lông, nâng bổng cái cơ thể gần sáu mươi ký của ông Tường bay lơ lửng. Ông khép nhẹ hai mắt. Những sơi lông mi tìm nhau, thăm hỏi, rồi mở bùng ra cả vùng thanh thoát. Ông Tường tiếp tục nằm im. Ông ngủ trong cái thức. Ông thức trong cái ngủ, không mơ màng, không mộng mị. Tâm hồn ông trong suốt nhẹ nhàng. Trong cái tịch lặng mênh mông, ông nghe rõ hơi thở của mình. Tiếng thở ra phơi phới, cao vút. Nhịp hít vào lâng lâng sâu lắng. Cả hai chiều đi về của hơi thở là một kết hợp điều hòa, linh hiển trên hai mươi năm nay. Năm năm mươi của một người đàn ông bình dị yêu đời.

Ông Tường đặt nốt bàn tay phải lên bụng mình. Mười ngón tay lồng vào nhau. Nhịp máu luân lưu nghe như sức sống miên man của một giòng suối, vỗ mãi một thanh khúc hài hòa với đất trời. Ông Tường chợt phát hiện, ngoài nhịp máu, trong cơ thể ông, còn vang lên không ngớt những âm thanh thân quen, lộng lẫy. Này là giọng ngân hun hút của những tiếng chuông đồng thơm ngát trầm hương. Tiếng chuông ông đã tình cờ nghe được từ thời trẻ dại. Này là tiếng lúc thúc gọi nhau của đàn chim sẻ trên mái nhà, trong máng xối. Này là tiếng tình tự đong đưa oằn tàu cau của đàn chột dột. Này là tiếng vành khuyên, tiếng chim sâu nghệ, say mật líu lo trong bụi bông trang. Này là tiếng chào mào, tiếng chèo bẽo, tiếng chích chòe... chen nhau, lấn nhau đổ tràn ra giữa vườn cây xanh trái. Này là tiếng quậy của con cá tràu, tiếng móng giữa ao bèo của cá diếc, cá rô. Này là tiếng chao đảo dịu dàng của những chiếc lá, tiếng mở cánh nở thầm của những đóa hoa dại. Con chuồn chuồn bay, con châu chấu nhảy. Từng giọt sương tan. Từng hạt mưa rụng... cái nào không ngân lên một âm thanh độc đáo, riêng biệt. Và tất cả những nguồn âm thanh tuyệt hảo ấy đã tạo thành một thứ ngôn ngữ tha thiết, óng ả của đất, của trời, mà suốt chiều dài của cuộc đời được làm người, ông Tường đã may mắn được tiêu hóa, được thọ Ơn. Cơ thể của ông không chỉ là một khối thịt da tầm thường, mà là cả vũ trụ, chứa đựng, lưu giữ những âm thanh tinh khiết nhất của cuộc đời. Ông Tường nằm im, lắng lòng thưởng ngoạn. Khoan khoái cảm biết trái tim mình vẫn mãi mãi trẻ trung.

Ông Tường đang ở tuổi ngũ tuần, hơi ló ra một chút.

Buổi sáng êm ái mịn màn. Ông Tường chụm môi, định dùng hơi từ cổ họng, vãi lòng mình ra :"Ngày sáng tươi bên đời xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui tới..." lời hoan ca thanh khiết này đã sống kèm bên cuộc sống ông Tường hơn bốn mươi năm nay. Chúng là điểm tựa đặc biệt, đã vươn tay cho ông vịn đứng lên qua nhiều lần bị đời lấn ngã. Chúng là đám bạn hữu thân nhất, thường trực có mặt bên ông, để chia phần những nụ cười thật xanh, thật thơm mà lòng ông dành dụm được. Chúng đã dạy, và ôn mãi cùng ông một bài học căn bản, quan trọng :

lạc quan, yêu đời.

Ông Tường đang ở tuổi ngũ tuần, hơi ló ra một chút.

Với một cơ thể chằng chịt bụi đời, nhưng ông Tường chưa già. Ông không có tuổi già. Ông chỉ có tuổi để yêu thương, tuổi để thưởng ngoạn âm sắc của đất trời. Dĩ nhiên cùng với thời gian đã đi qua, cái đau, cái oán, cái hận, cái buồn... cái nào cũng chưa ồn ạt đến công phá sức sống của ông. Nhưng tất cả những ngòi nổ ấy chỉ đủ lóe lên những nhắc nhở cần thiết để ông kịp thời tu bổ, chăm bón lại quan niệm sống hồn nhiên của mình. Từ hương sách vở, bàn ghế nhà trường, qua hương máu, hương lửa của mọi mặt trận cuộc sống, ông Tường không ngừng làm giàu mãi tấm lòng lạc quan vô địch của một người, biết sống giản dị, biết sống chân thật.

Sáng hôm nay, cũng như sáng hôm qua, cũng như sáng hôm kia, cũng như sáng ngày mai, ông Tường vẫn nguyện, vẫn xin, mãi mãi ở đúng vị trí khiêm tốn của mình :

con người có trái tim người.

Buổi sáng êm ái, mịn màn. Một bóng chim vào mái hiên. Ông Tường cảm biết hương mặt trời đang tới. Trong chốc lát, không phải chỉ có những tia nắng vàng óng mà nguyên cả cái hình dáng tròn trịa, phương phi của thái dương sẽ đi lọt vào cái cửa sổ mở sẵn này. Ông Tường nghe có tiếng cười trong bụng. Ông co cả hai chân. Hai ống quần đùi đùn dần lên háng. Đám lông lơ thơ hai bên bắp vế hoàn toàn tự do. Ông Tường thở nhẹ nhàng trong lúc hai lòng bàn tay úp xuống mặt chiếu hoa.

Buổi sáng mịn màn đang đến trên phần đất xấu nhất của lãnh thổ Việt Nam, Nước Mặn, Thừa Thiên.

Bà Tường nghe khô đắng cổ họng. Vói tay bưng tách nước pha sẵn, để cạnh đầu giường, bà Tường hớp một ngụm nhỏ. Vị đắng của nước chè lá xanh để qua đêm, còn đắng hơn những bợn nhớt trong miệng bà. Hơi nhăn mặt, bà Tường hớp ngụm thứ hai, và bắt gặp ngay cái dễ chịu. Vị đắng của nước chè nguội đã mau lẹ tẩy đi cái đắng khô từ cổ họng. Hơn thế nữa, bà Tường còn cảm thấy miệng lưỡi mình chợt trở nên ngọt nào. Trong cái khoan khoái bất chợt, bà Tường chợt nhớ lời ông chồng nhắc nhở. "Bà nên bỏ cái thói uống nước trà nguội vào buổi sáng, khi chưa súc miệng, không được hợp vệ sinh". Có sáng nào, bà Tường không thầm nghe lời khuyên đó vang trong đầu. Nhưng chưa có buổi sáng nào bà thực hiện được lời săn sóc của ông chồng thân yêu.

Không nhọc công nhìn ra hiên trước, bà Tường cũng dư biết chồng bà đã thức dậy từ lâu. Thói quen của ông già vui tính ấy đã bước qua năm thứ ba. Nằm im là một lối tập thể dục mới. Bà Tường đã từng nửa đùa nửa thật chê khéo ông. Lười biếng là cái bệnh của tuổi cao, có sao đâu phải bày vẽ. Nhưng lâu ngày, bà nghiệm thấy, chồng bà vẫn vui tính, vẫn trẻ trung, bà cũng có chút chút tin chồng. Và một đôi lần, bà đã thử tập theo đúng những tiết lộ khi vui miệng của ông. Nằm thật im. Thở nhẹ nhàng. Lắng nghe hơi thở của mình. Tâm hồn thả lỏng. Mắt nhìn xuống đầu sống mũi... Mọi động tác đều giản dị, dễ dàng nhưng chưa lần nào bà Tường thực hiện được quá cái mục nằm im. Đã mở mắt là phải nhìn vật này, vật kia. Đã mở mắt là phải suy nghĩ điều này, điều nọ. Làm sao mà ngó mãi sống mũi của mình, nhức đầu tức thì. Bà Tường bỏ cuộc trước những cái giản dị không giản dị chút nào. Theo bà, sống tới đâu hay tới đó. Làm lụng suốt ngày không là đã tập thể dục hay sao? Ngủ ra ngủ, thức ra thức; không có chuyện lập lững giữa hai trạng thái, nó làm mụ cả người. Tuy phương pháp giữ gìn sức khỏe, nhưng hai vợ chồng ông Tường luôn luôn có chung một ưu điểm:

lạc quan và yêu đời. Họ thương yêu nhau giản dị như yêu vồng khoai, như thương con gà, con vịt. Đàn con bốn đứa của ông bà đã lớn, đã ra riêng. Buổi sáng êm ái, mịn màn. Bà Tường quờ chân tìm đôi dép. Nền gạch nhà sớm mai thông báo nhỏ cùng bà, hôm nay trời nóng bức.

Tôi sà vào chái bếp, đứng vắt vẻo trên cây sào giữ vịt. Cây sào được bắt ngang từ một cọc tre đến cháng ba của cây khế lùn, mọc gần lu nước. Dạo này tôi hơi mập, nên khi phải đậu vào những cây trơn như cây sào đã-lên-nước này, thân thể tôi hơi chao đảo. Không sao, tôi lấy ngay được sự quân bình và nghiêng đầu dòm mình phản chiếu trên mặt nước trong lu. Tôi đẹp trai. Lông đen mượt, cổ thắt nơ, hai má bạc trắng. Tôi như vị luật sư nghiêm chỉnh. Trời đang ở giữa mùa hè. Cái nóng thức dậy theo từng ngọn lá vừa ráo sương. Cái nóng thức dậy từ mặt đất. Anh gà trống kiến màu mè đã gáy vang trên nóc chuồng. Tôi để ý, trong cái tinh khôi, nhung lụa của sớm mai, bọn gà trống đa dâm không mê làm tình hơn ca hát. Có lẽ anh chàng nào cũng thấy mình quan trọng trong cái vai trò niềm nở đón tiếp mặt trời. Tôi, loại chim núi, cũng vậy thôi. Ca hát không phải là nghề nuôi thân mà là cái thú, cái nghiệp. Không ca hát, không phải là chim, nhất là loại chim có giọng hát lừng lẫy, khướu bạc má như tôi. Ấy thế mà sáng nay tôi chưa mở miệng, khó tin hơn nữa là đã già một tháng tịnh khẩu như thế. Tôi đang tu? Không, tôi đang tập sống vì người khác. Giọng hát của tôi đã cực kỳ điêu luyện. Bài bản tôi sáng tác uyển chuyển, giàu nghệ thuật. Nhưng ai bảo đảm nguồn âm thanh kỳ diệu ấy không làm phiền những người đang tĩnh tâm? Tôi không chịu ơn ai. Nhưng thời gian chung sống bên con người, đã trồng tỉa trong tôi những tình cảm cao cả của một loại sinh vật, luôn luôn đứng hàng đầu dưới ánh mặt trời. Cắt giảm một vài giờ ca hát trong một ngày, tôi không những không bị giảm thọ, mà biết đâu người thân của tôi được trẻ ra vài tuổi. Hơn nữa, ca hát cũng cần phải đúng thời điểm, thích hợp cho mọi giới thưởng ngoạn. Âm nhạc luôn luôn là thuốc bổ của sự trẻ trung. Nhưng không nên cho con bệnh uống quá liều cần thiết.

Ông Tường ra đến lu nước thì chạm mặt con khướu bạc má thân mến. Ông mỉm cười mắng yêu. Mẹ mày, dậy sớm thế, sao không lên tiếng? Miệng lưỡi có trục trặc gì không? Cả tháng nay không nghe mày trổi giọng sớm? Ngừng một lát, ông Tường nhìn con khướu đang trố mắt ngắm ông. Ông xòe bàn tay trái, con khướu từ cây sào tre sà xuống. Mấy ngón chân nhọn của nó bám chặt lấy bàn tay ông. Ái chà, ngón chân mày đã dài quá, phải cắt bỏ bớt đi thôi. Vừa nói, ông Tường vừa quay lên nhà trên. Con khướu hí hửng lắc lư trên tay người đàn ông đang ở tuổi ngũ tuần.

Đã ba năm rồi, người bạn của ông Tường đã đi xa, giao lại cho ông nuôi dưỡng con chim có tình có nghĩa này. Con chim mà ông Quỳnh, bạn ông, đã tự tay tìm bắt về, đã chăm nom, săn sóc suốt ba bốn năm; để rồi tự tay mang nó trả lại cho rừng núi khi cực chẳng đã phải rời quê hương. Nhưng lạ lùng thay, con chim núi không chịu về với rừng, với suối. Nó lẩn quẩn bay quanh ông Quỳnh, rồi tự nguyện chui vào lồng cũ. Ông Quỳnh đưa nó trở về, nhưng không thể mang đi theo, ông đành giao nó cho ông Tường nuôi dưỡng. Tuy không đam mê như ông Quỳnh, nhưng ông Tường cũng rất thích nuôi chim, nhất là một con chim đã nổi tiếng khắp vùng. Hơn nữa, trong buổi tiễn chân, ông Tường đã nhìn ra từng cử chỉ vuốt ve trên lưng chim của bạn mình. Tình thương mến, sự quyến luyến giữa người và vật chỉ được nói bằng những ngón tay, những ánh mắt mà vô cùng đậm đà, tha thiết. Con chim được đổi chủ trong cùng một lúc nhiều triệu người đổi đời. Cái hạnh phúc của nó vẫn là tiếp tục được ở bên cạnh một người có lòng.

Ông Tường dùng bấm móng tay, cẩn thận cắt bỏ bớt những móng nhọn của con chim. Con chim bị nằm lật ngửa, hai mắt lim dim, chứng tỏ rất hài lòng. Cả hai bàn chân nó sần lên những lớp vẫy. Ông Tường mỉm cười. Có tuổi rồi đây nghe con, để tao sửa sắc đẹp cho mà bay nhảy cho nhẹ nhàng. Con chim vẫn mơ màng bất động. Hơi nóng của thân thể nó không ngớt truyền qua bàn tay chai cứng của ông Tường. Nó nghĩ gì lúc này? Trong cái im vắng tinh khiết của buổi sớm mai nơi thôn xóm hẻo lánh, ông Tường dường như nghe thật rõ từng nhịp thở của con chim. Ông tự hỏi trái tim nó ra sao? Những hình ảnh nào đang được lưu giữ trong bộ phận nuôi dưỡng sự sinh tồn ấy? Và hẳn nhiên, nó phải biết nó đang được thương yêu. Tại sao nó không chịu trở về nơi đã được sinh ra? Quê hương nó, đồng bào nó, anh em nó, chẳng lẽ lại từ chối về nguồn? Quê hương nó ở đâu? Xa lắm chắc? Đôi cánh tự do hiện nay của nó chưa đủ để về tới? Bất ngờ, ông Tường thở ra. Có tiếng bà Tường gọi ông dưới nhà. Tiếng đàn ngỗng lục đục sau vườn. Ông Tường đặt con khướu nằm trên mặt bàn, vuốt lưng nó rồi buông tay. Thôi bay ra ngoài sân mà hót. Hót mệt đến cành thầu đâu đó mà ăn, đã thay nước thay bột mới cho con rồi đó.

Tôi không bay. Tôi nhảy từ mặt bàn xuống sàn nhà. Những viên gạch nâu già thô cứng dưới chân tôi. Với những móng chân đã được cắt, tôi đi có vẻ nhẹ nhàng hơn hôm qua. Vừa đi vừa ngó xuống bàn chân mình, ngó xuống những viên gạch. Tôi không thấy gì cả. Nhưng hình như tôi cảm biết, tôi vừa gởi gắm một cái gì đó trên những viên gạch vô tri bất động này, dấu chân của tôi, hơi hám của tôi. Tôi ngửi thấy mùi thơm của người đàn ông vừa âu yếm săn sóc tôi; cả mùi thơm của vợ Ông ta nữa. Tất cả hương vị thân quen đang bàng bạc trong căn nhà. Tôi mổ ăn vài hạt gạo đỏ rơi sát ngạch cửa. Đây là sự vô ý đánh rơi của người đàn bà. Gạo không phải là thức ăn hợp khẩu của tôi. Con người ăn cơm gạo để sống còn, tôi thỉnh thoảng lượm vài hột khi vui miệng. Cái quyến rủ của thức ăn, do con người chế tạo cho tôi hưởng dụng có thật sự là ghê gớm? Tại sao tôi không bay khỏi căn nhà này? Tại sao tôi không tìm về với rừng xanh, nơi tôi đã được ra đời? Cái lý do đích thực đủ giải thích cho việc lưu cư không đúng chỗ của tôi nhất định không phải là miếng ăn. Bởi vì, giản dị, bột có thơm tho đến thế nào cũng khó bằng những miếng mồi tươi từ thiên nhiên. Vậy thì vì cái gì? Ai biết. Tôi cũng không hiểu tôi. Cũng không muốn hiểu tôi. Thôi đụng nên thắc mắc. Hãy sống thảnh thơi, hãy sống hồn nhiên, ở bất cứ vị trí nào đang đem lại sự thỏa mái cho chính mình. Quê hương, nhất thiết phải là nơi đã được ra đời, đã khôn lớn? Nếu vậy thì quê hương của tôi đang ở xa tôi lắm. Nó ở tuốt luốt trên cánh rừng Trường Sơn ngút ngàn cây xanh. Ở đó, có một thời tôi đã bay lượn, đã ca hát, đã làm tình. Ở đó, có một thời tôi đã quyết định phải ra đi để thỏa mãn ước nguyện :

tò mò nhìn cho biết đó đây. Cái giá tôi phải trả cho quyết tâm tuyệt vời của mình là mất tự do. Tôi đau đớn bị bắt. Rồi vừa lòng được bị nhốt. Trạng thái tâm lý thay đổi theo sự suy nghiệm trưởng thành về cuộc đời của tôi. Con người tán thưởng tôi. Họ khai thác tài năng tuyệt hảo của tôi. Họ không mang tôi ra để quay thịt, thì sao không lợi dụng cơ hội để được phổ biến đến đại đồng sinh vật nguồn âm thanh giàu có, và bản tính yêu đời thanh thản của mình. Quê hương của tôi ở trên một cánh rừng rất xanh. Và cánh rừng đó ở đâu không có? Tôi nhìn thấy khắp nơi. Dưới ánh mặt trời, nơi nào không là quê hương tôi? Cái đẹp lộng lẫy của thiên nhiên không thể gò bó trong cái nhìn biết thẩm định, biết thưởng thức lần đầu tiên. Còn tự do? Trong nhiều năm liền, tôi co ro thở hít trong cái diện tích chật hẹp. Phải bỏ gần hết những thói quen. Phải đoạn tuyệt với những giấc mơ bay xa, nhảy cao, khổ biết bao nhiêu. Cũng may, tôi còn giữ lại cho mình một trái tim. Một trái tim biết ca hát. Thân thể tôi không thể vụt bay nhưng hơi thở của tôi theo lời ca không bao giờ dừng lại. Tôi chợt tìm được một sự tự do mới, hay đúng hơn là nền tảng đích thực của tự do :

sự thảnh thơi của tâm hồn. Giữa con người và loài vật như chúng tôi chắc có sự khác biệt nhau?

Ngày hôm nay, thân thể tôi không còn bị ràng buộc. Tôi đứng nhìn cái lồng tre đã nhốt tôi hơn bảy năm với một niềm trìu mến lạ lùng. Ở đó, từng nan tre, từng mắc chỉ đã vướn hơi hám, phân dãi tôi. Có cả một phần đời chín chắn nhất ở nơi này, bỏ đi sao? Bầu trời xanh, sau bảy năm có lẽ vẫn vậy, nhưng rõ ràng lòng tôi nhìn thấy nó nhỏ lại, hẹp lại, hay không chừng giọng hát của tôi đã vươn quá cao. Không thiếu chi con người chưa biết tin:

cuộc đời thơm vì những tiếng chim. Nhưng không sao, tôi vẫn hát, ít ra là cho tôi, cho cặp vợ chồng chân chất, đang cùng ở vào cái tuổi ngũ tuần hơi ló ra một chút này.

Bà Tường lót nón, ngồi trốn nắng dưới hàng cây xanh. Ông Tường đùng một bên, vấn thuốc rê. Nắng đầy mặt đất. Tiếng chim đầy mặt nắng. Thôn xóm bình yên, bát ngát hương khói rơm. Từ ngày có điện, có nước thường xuyên về đến đây, ông bà Tường đỡ vất vả trong công việc canh tác phần đất hương hỏa, vừa được nhà nước cứu xét trả lại. Những năm cùng cực, chịu khổ chịu nhục, cứ kể như sẽ dần dà đi qua. Cái ăn cái mặc coi ra đã có khá lên chút ít. Và chắc chắn những cái hung tàn, độc tài trong cuộc sống, dù chậm đến mấy cũng sẽ đến ngày tự nó phải đào thải, cáo chung.

Ông Tường chợt thảng thốt nhìn về hướng quốc lộ 1, từ phía Huế đổ vô, một chiếc xe honda nữ đang lướt tới phía nhà ông. Tim ông Tường như thắt lại. Mắt ông mở lớn, dõi theo dáng người đang lái xe. Ông thầm nghĩ :

Chú Quỳnh. Không. Cả xe và người vừa vụt qua khỏi cổng nhà ông một cách vô tư. Ông Tường dụi mắt, khẽ lắc đầu. Bà Tường cũng ngó vọng theo, ngơ ngác hỏi :

ai thế ? Ông Tường thở ra rất kín :

xì, ai biết đâu. Trong thâm tâm ông, rõ ràng đầy ắp bóng dáng người bạn thân. Thì chú ấy chớ ai. Bà không thấy vẫn nụ cười và cặp mắt đi đến trước hay sao? Ông Tường không dám xua đuổi giấc chiêm bao giữa ban ngày. Ông hy vọng và tin tưởng sẽ có ngày tay bắt mặt mừng người bạn xưa. Sao không? Chú ấy vẫn thường thực hiện những việc bất ngờ. Huống chi lúc này, thiếu chi người ở phương xa về thăm quê hưương. Ông Quỳnh đi vào cuộc sống ông Tường với nhiều vai. Lúc thì em, lúc thì bạn, lúc thì thầy. Em khi so với tuổi đời. Bạn trong cuộc chơi. Và thầy trong cuộc phấn đấu bằng súng đạn với cuộc sống. Dù em, dù bạn, dù thầy, họ luôn luôn tương kính và thương mến nhau. Có gần một năm nay, ông Tường không nhận được thư của ông Quỳnh. Không rõ chú ấy có chuyện gì không ? Cái chứng nhức đầu và mất ngủ kinh niên của chú ấy đã trị được chưa? Ông Tường băn khoăn tự hỏi. Trong thư nhận lần trước, chú ấy có nhờ thu gởi cho chú một cuộn băng tiếng hót con bạc má. Nhưng hồi đó cả nhà ông chưa sắm nổi cái máy cassette. Nghĩ đến đây, ông Tường chợt bảo vợ:

- Má thằng Hai, chiều mai, nhớ ghé nhà con Út, mượn cho tôi cái máy thu băng nghe.

- Ông mượn mần chi?

Rồi như sực nhớ, bà Tường hỏi tiếp :

- Ông mượn để thu tiếng hót con khướu cho chú Quỳnh phải không?

Ông Tường không trả lời. Ông đang lắng lòng theo giọng khướu từ trong sân nhà vọng ra. Đầu ông bay lượn cả trăm vóc dáng ông Quỳnh. Bà Tường nói nhỏ như than thở với chính bà :

- Khổ, ở cái xứ gì không có một con khướu. Cả một đời ghiền như thế, thật tội.

Tôi hót say sưa đến phân khúc chung cây thì khựng lại. Không phải tôi hụt hơi. Tôi chợt mất hứng. Trong lòng tôi đang có cái gì đó bất ổn. Tôi tung cánh bay vút lên một cành mít. Đứng giữa một đám lá dày rậm rạp, tôi đảo mắt nhìn khắp khu vườn, tìm một thế đứng thỏa mái. Có rồi. Đầu ngọn tre kia. Tôi bay đến. Cặp nhân tình chào mào hoảng sợ cất cánh. Tôi nhìn theo, sửa lại thế đứng. Trời trong xanh. Vào những ngày đẹp trời như thế này của hai ba năm trước, tôi không phải ở đây. Dĩ nhiên là tôi vẫn đang hót. Hót cuồng nhiệt. Hót mê man, hót để chiêu dụ đồng loại tôi chui đầu vào cùng hoàn cảnh với mình. Tôi độc ác? Tôi nhỏ mọn, ích kỷ? Tôi trả hận đời? Làm sao tôi có thể giải thích hợp lý về những gì mình đã hành động? Nông nỗi, điên cuồng... có thể, có thể... tất cả mọi lỗi lầm. Nhưng thật sự tôi không hối hận khi tôi đã trở thành thân thiện với một con người mà chính ông ta đã dùng mọi phương cách để bắt tôi, rồi cù rủ, dạy tôi chơi cái trò phỉnh dỗ đồng loại mình giam đời vào lồng tre ca hát. Cái người ấy với lòng say mê và tử tế kỳ lạ của ông thật sự đã làm tôi mê muội, để rồi một ngày ông đành đoạn bỏ tất cả mà ra đi. Phải chăng có những bất ổn của cuộc đời luôn luôn thúc ép con người một lúc nào đó phải thay đổi hoàn cảnh sống?

Người đàn ông, tóc bồng, mắt sáng ấy bây giờ đang ở đâu? Có biết rằng trong cổ họng tôi vẫn còn phảng phất hương nước bọt nồng nồng của ông đã mớm cho tôi thay nước, trong một lần vượt đoạn đường rừng, ông đã sơ ý té ngã, làm đổ tất cả những nước mang theo cho tôi và cho cả ông ta. Bây giờ ông sống như thế nào? Ông nhớ nhung ra sao? Cái mùi vị xa quê hương nó hành hạ Ông đến đâu? Ông có đủ lạc quan như tôi, để nhìn nhận :

dưới ánh mặt trời, nơi nào cũng là quê hương nếu ta đầy lòng yêu thiên nhiên. Và ông có được nghe chim hót? Ở nơi nào mà không có chim? Có tiếng chim nào mà không ngát thơm hoan khúc? Tôi lại sửa lại thế đứng và bắt đầu trổi giọng. Nguồn âm thanh này tôi xin gửi đến một người mà tôi biết chắc mỗi một ngày ông đều có đôi phút ngước nhìn trời xanh.

Hết