Nó có một khuôn mặt bất cần, lại mang chút kiêu kiêu. Ai mới gặp nó lần đầu đều có cảm giác vừa khó gần lại vừa khó quên. Tôi sống cùng nó và hai đứa ở Thái Bình - cuộc sống của bọn sinh viên năm thứ nhất bỡ ngỡ và háo hức... Bọn ở lớp kháo nhau nhà nó giàu lắm, nổi tiếng cả một thị xã nhỏ với gia sản kếch xù. Mà nhìn nó thì cũng biết, tất cả quần áo, giầy dép... đều thuộc loại "xịn", lương cả tháng của bố mẹ cũng chẳng đủ để mua một trong số cả đống giầy của nó... Nhưng hình như nó chẳng quan tâm lắm đến điều đó!

Nó học giỏi nhất lớp. Môn tiếng Anh, bọn "nhà quê" chúng tôi thường lẹt đẹt, chẳng thấm vào đâu so với những đứa gốc Hà Nội. Thế mà nó vẫn hơn tất cả. Nghe chúng tôi kêu ca, nó chỉ bảo:

- Chi học từ bé nên mới được thế, chứ cũng chẳng giỏi giang gì đâu.

Tôi biết nó nói thật những suy nghĩ của mình. Nó không biết nói dối, và càng không bao giờ kênh kiệu...

Nhưng cái làm chúng tôi phục nhất là tài làm thơ của nó. Có lúc rãnh rỗi nó có thể viết hàng chục bài, mà bài nào cũng hay, song tôi sợ đọc thơ nó. Có cái gì đó trúc trắc, già dặn, đôi khi cả tàn nhẫn nữa. Tôi bảo, nó chỉ cười buồn:

- Biết sao được! Chi không thể viết khác, mà cũng không bao giờ muốn viết khác.

Thơ nó đăng trên hầu hết các báo, có tiền nhuận bút nó sắp xếp lại tuyệt nhiên không động đến. Những tờ báo biếu, tôi chẳng bao giờ thấy nó đọc, xếp ngay ngắn trên giá sách, không có vẻ là coi thường nhưng cũng

không có vẻ là nâng niu. Mà thơ nó, chúng tôi chép tay, đôi khi mở ra xem nó cũng chẳng nhớ là của chính mình. Cứ như là, làm thơ đăng báo, nó chỉ có một mục đích để kiếm tiền. Mà có bao giờ nó thiếu thốn đâu... Đầu tiên tôi thấy lạ nhưng lâu dần cũng thành quen, chỉ thầm ước giá mình cũng có dù chỉ một quyển báo như nó mang về, chắc cu Hoan nhà tôi sẽ chạy khoe khắp xóm...

- O O o -

Con Hạnh nói thầm: "Mẹ Chi lên đấy, xinh lắm!" Tôi vào phòng ngượng nghịu chào. Quả thực, tôi thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của người đàn bà trước mặt. Một vẻ đẹp quý phái và quyến rũ đến nao lòng khó có thể có ở tuổi 45. Bà ăn nói nhỏ nhẹ và rất hấp dẫn cuốn hút người nghe... Nhưng hình như chỉ có bà nói và nói... Chi ngồi im lặng vẻ mặt vẫn bình thường, không buồn cũng chẳng vui. Mãi đến khi bà đứng dậy về, nó mới lí nhí:

- Con chào mẹ!

Hạnh bảo tôi:

- Nhà Chi gia giáo quá nhỉ!

Tôi thì nghĩ khác, tôi có cảm giác hình như giữa hai me con Chi có một cái gì đó, nhưng tôi chịu không thể diễn tả nổi...

Đêm. Ký túc xá mất điện. Chờ mãi chẳng có. Cả phòng im ắng, có lẽ chúng nó đã ngủ cả. Cũng phải hơn 12 giờ rồi còn gì! Cố nhắm mắt mà đầu óc cứ căng ra. Tôi ngồi dậy mò mẫm tìm diêm châm nến. Tôi giật mình, Chi vẫn đang ngồi bất động. Thấy sáng, nó ngẩng lên, khuôn mặt nhòe nhoẹt nước. Chưa bao giờ nó khóc cả, tôi hỏi khẽ:

- Chuyện gì vậy?

Nó lắc đầu nhè nhẹ, không đáp. Tôi nghĩ chắc lại nhớ mẹ, cười trêu:

- Mẹ vừa về xong đã lại "nhè" rồi. Sáng mai sưng mắt, lớp phó xót xa phải biết!

Nó lau nước mắt, mím chặt môi, lạnh lùng:

- Chi không bao giờ biết khóc vì nhớ mẹ cả.

Tôi ngạc nhiên thật sự nhưng không muốn hỏi. Xâm phạm đến thế giới riêng của người khác không phải lúc nào cũng tốt...

Dò dẫm mãi, cuối cùng tôi cũng đến được nhà người bạn thân của mẹ. Dì (tôi vẫn quen gọi thế) ra mở cửa thấy tôi không giấu nổi vui mừng:

- Sao bây giờ mày mới đến hả con? Vào đây, tao mong mãi... lớn quá! Y chang mẹ mày ngày xưa.

Dì cứ xoắn xuýt hết vuốt tóc lại xoa má tôi, cứ làm như tôi còn bé lắm vậy! Dì nghèo nhưng sống tình cảm nên tôi rất quý trọng. Dì bảo:

- Nhà tao chật, chứ không mày đến ở luôn đây với tao cho vui. Chú mày cứ đi biền biệt, lắm khi buồn muốn chết...

Có tiếng ho sù sụ cắt ngang câu chuyện, từng cơn dài không dứt. Tôi nhìn quanh, hỏi:

- Chú bị Ốm hả dì?

- Không, ông hàng xóm đấy! - rồi tiếp luôn - Rõ khổ!

Nhà máy giảm biên chế phải về mất sức. Con vợ xinh xắn bạc bẽo bỏ luôn theo thằng cha nào giàu lắm, ở mãi dưới tỉnh lẻ cơ. Chán đời quá, suy sụp nên ngã bệnh.

Tôi thắc mắc:

- Thế không có con sao dì?

- Có một đứa con gái, nhưng theo mẹ. Ông ấy nuôi thân cũng chẳng đủ chứ nói gì đến nuôi con. Nhưng con bé thỉnh thoảng cũng đến, nó cho tiền mới đủ sống đấy. Khổ! Đã không có cho con, lại phải ngửa tay nhận của con...

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, dì đứng dậy lục túi lấy ra một gói lá đã héo, bảo tôi:

- Sáng đi chợ, thấy mấy người nói chuyện bảo lấy những lá này về uống thì dứt cơn ho. Tao mua thử cho ông ấy xem sao. Mình ở gần cũng thấy động lòng. Hiền chết đi được ấy mà!

Tôi theo dì sang căn hộ bên cạnh. Một người đàn ông khắc khổ gầy còm đang ngồi trên giường ôm ngực. Nhìn thấy dì và tôi, ông nở nụ cười hiền lành. Dì giới thiệu tôi rồi đưa gói lá cho ông, giảng giải cách sắc uống... Thấy cuốn sách trên đầu giường, thuận tay tôi cầm lên xem. Một tấm ảnh rơi ra. Trông quen quen, chắc là con gái ông hồi nhỏ. Cái miệng xinh xinh... hình như tôi đã gặp ở đâu, nhưng chịu không tài nào nhớ nổi... Tôi mở quyển sách, thì ra là một tập thơ. Giọng thơ trong trẻo hồn nhiên lại thiết tha xúc động. Thấy tôi chăm chú đọc, ông giải thích với một giọng nói có chút tự hào sung sướng:

- Của con gái bác đấy! Nó đang học đại học. Tập thơ ấy nó sáng tác từ ngày còn học cấp II kia, ngày ấy...

Ông chợt im bặt như vừa lỡ lời chạm phải một cái gì đau đớn lắm. Không khí chùng hẳn xuống. Tôi gấp quyển sách lại định trả về chỗ cũ, hàng chữ in tên tác giả chợt đập vào mắt tôi: Dương Vương Hương Chi! Không lẽ... cái tên khá đặc biệt, có lẽ không có đến hai người... Tôi thảng thốt:

- Chi là con gái bác sao?

- Cháu quen Chi nhà bác à?

- Ồ không! là cháu... cháu thích đọc thơ của Hương Chi thôi.

Tôi đành nói dối mặc dù cũng chẳng biết nói thật thì có hại gì. Nghĩ đến khuôn mặt bất cần của Chi, đến giọng thơ lạnh lùng già dặn, nghĩ đến những đống tiền nhuận bút mà Chi thường xếp ngay ngắn, và cả những bài thơ Chi viết ngốn ngấu mà không bao giờ đọc lại... tôi chợt thấy cay cay mắt...

Hết