Những ngày còn bé ấy đã xa mờ lắm trong trí tôi. Tôi chỉ còn nhớ mang máng như vào một buổi chiều. Lúc ấy trời đã sẩm tối. Tôi đi chơi với trẻ hàng xóm về, thì thấy trong nhà trên đã thắp đèn, và có tiếng đông người nói nhốn nháo. Tôi nhát, sợ đông người lạ nên tôi chạy ngay xuống bếp. Dưới bếp, hôm nay, cũng đông người, nhưng là những người nhà cả: thằng Giang, thằng ở nhà tôi, thím Ninh, người vẫn đến cấy, nhổ cỏ cho nhà tôi, anh Vũ, người anh con bác "Đoàn", bác ruột tôi. Bếp bừa bãi rác đun, và sanh, nồi, rế, dao, cũng còn để bừa bãi cả. Tôi hiểu là hôm nay nhà tôi đã lại "có cỗ". Anh Vũ nhìn, cười bảo tôi:

- "Chú" Tâm này, hôm nay "cúng nhà khai tâm" cho chú đấy!

Tôi không nói sao, thì anh ấy đã nói tiếp:

- Chú có biết "khai tâm" là gì không? Là... người ta sẽ "mổ bụng" chú ra, để nhét chữ vào bụng chú! Mổ bụng như ba mươi Tết nhà vẫn mổ lợn ấy!

Nghe thấy mổ bụng tôi không nghĩ là vô lý mà lo sợ hoang mang. Rồi trời tối thật. Bóng tối đen như mực ở ngoài sân. Tôi thấy tiếng thầy tôi xuống bếp. Thầy tôi đem tôi lên chỗ ông nội tôi ngồi. Ở đấy, hôm nay, thắp chiếc "đèn bầu" to, sáng rực. Một quyển giấy bản, thầy tôi đã viết sẵn, để đấy. Ông nội tôi ngồi tựa vào một chiếc gối xếp cao. Thầy tôi ngồi cạnh tôi, mở sách ra; ông tôi, đọc lên, đọc chữ nào thầy tôi trỏ cho tôi chữ ấy: Thiên, tích, thông, minh, thánh, phù, công, dụng. Quyển sách ấy là quyển "Tam Tự Kinh". Tôi học theo thầy tôi hai ba lượt, rồi xuống nhà với u tôi.

Thế là từ hôm sau, tôi bắt đầu học. Mỗi sáng thầy tôi dạy cho ba bốn câu "Tam Tự", học vội vàng rồi đi chơi ngaỵ Tôi hãy còn học "chơi bời". Được mấy tháng sau thì tôi mới không học như thế nữa. Tôi phải lên quê mẹ tôi theo học ông ngoại tôi. Ông tôi bấy giờ mở trường dạy học ở làng.

Không bao giờ tôi quên được cái cảm giác buổi đầu tiên tôi đến nhà ông ngoại tôi. Đó là một cảm giác mát rượi, và đẹp như thợ Đi qua cái cổng ngói chắc chắn, đã cũ, phủ đầy rêu, thì vào một lối lát đá xanh to, hai bên lối đi hoa bưởi hoa xoan thơm nức. Rồi đến cổng trong, trên có chòi canh, đến những sân gạch rộng thênh thang, những chiếc "huân" ngói to lớn, một vườn hoa ở giữa xây một cái bể đựng nước mưa có một cây ngâu rườm rà và một khóm trúc đào hoa đỏ thắm. Chung quanh tất cả là một chiếc ngòi chạy dài theo một lũy tre, nước ao trong vắt, cầu ao bắc bằng những bậc đá xanh tọ Từ thuở bé, ở nhà, tôi chỉ được thấy một cái sân đất nhỏ một mái nhà tranh thấp bé, nay lên nhà ông tôi, tôi thấy lòng tôi vui thích quá và lạ lùng bỡ ngỡ như lạc lõng vào một động tiên. Sau này, rồi lớn lên, đi đó đây, tôi đã vào nhiều nhà giầu khác, cũng giầu chẳng kém gì ông tôi, có phần giầu hơn nữa, nhưng không nhà nào có được cái "phong thể" ấy nữa. Không nhà nào cho tôi được cái cảm giác mát rượi và đẹp như thơ ấy, cái "phong thể" của một nhà giầu mà lại sang trọng một cách qúy phái, thanh nhã. Là vì - tôi về hỏi, u tôi đã bảo cho tôi - Ông tôi là một nhà Nhọ Là con một ông Đốc học, ông tôi đã đỗ Tú tài từ năm 17 tuổi. Ba năm sau ông tôi lại đỗ lần thứ hai Tú tài. Rồi ông tôi không đi thi nữa, ở nhà quyết chí làm giầu. Ông tôi bảo: "... chỉ làm một ông nhà giàu xứ quê là hơn cả. Phong lưu mà chẳng phải luồn lụy một ai". Với tiền một năm "đi ngồi" làm vốn, và với sự quả quyết, ông tôi đã làm nên sân gạch, tường hoa, lũy tre, ao cá... Ngày tôi lên ở với ông tôi, ông tôi còn dạy học, là chỉ để truyền bá cái học chữ nho đương tàn mà ông tôi ngậm ngùi mến tiếc...

Tôi chỉ học chữ nho ở nhà quê có vài năm, rồi ra tỉnh học chữ Pháp. Ở tỉnh, ông tôi cũng có nhà. Tôi ra ở đấy: cũng đồ sộ như sự nghiệp ở nhà quê, nhà của ông tôi ở tỉnh là một cửa hiệu to, ở một phố đông nhất trong tỉnh. Hiệu buôn hàng tấm theo lối những gia đình cổ. Tôi nghe những tiếng hàng rong inh ỏi suốt ngày, và nhìn những xe cộ đi lại nhộn nhàng không ngớt. Những tấm màn che cửa viết bằng chữ nho to của những hiệu Khách bay phấp phới, những xe bò tải sợi đi nghênh ngang...

Trong cái thời kỳ học ở tỉnh ấy, tôi nhớ nhất về ông tôi, vào kỳ nghỉ hè, mùa thu bắt đầu động gió heo may, mây trời và ánh sáng trắng trong như bạc, những hàng bồ kếp hai bên con đường dắt đến trường gió thổi dạt cả về một chiều; ông tôi và hai thằng cháu - tôi và cháu nội - đi thong thả trên đường, râu và tóc ông tôi bay bạc phơ trong ánh sáng. Ông tôi thân dắt chúng tôi đến trường để uỷ thác cho thầy giáo. Tôi cũng nhớ những ngày sắp thi Sơ học yếu lược. Ông tôi bắt hai đứa chúng tôi học thi nhau, và học đi học lại chương trình thị Ông tôi chỉ ngại chúng tôi thi hỏng thì sẽ chậm mất một năm trong đời học. "ông còn sống thì ông săn sóc cho mà học đến nơi đến chốn; sau này hy vọng kiếm được miếng mà ăn; thời buổi này một ngày một khó; ông chỉ ngại khi ông nhắm mắt đi rồi mà các con chửa thành thân". Ông tôi đã săn sóc đến sự học của chúng tôi một cách băn khoăn, lo lắng.

Tôi về, kể những chuyện ấy với u tôi. U tôi bùi ngùi trông lên trời, lặng đi một giây, rồi thở dài bảo tôi:

- Con không biết, ông như thế là ông khổ tâm lắm đấy!

...

U tôi với cơi giầu, lấy một miếng ăn, rồi lại bảo:

- Trước kia, ông cũng có định ra tỉnh ở đâu. Ông đã quyết gây dựng ở nhà quê hết. Ông vẫn bảo thời loạn, thì ở ẩn. Nhưng ông đang làm giầu, thì một bận cướp nó vào, nó lấy hết gần nửa cơ nghiệp. Nó lại còn dọa nó "vào" nữa. Ông mới nghĩ ra rằng ở nhà quê không yên, và ra tỉnh ở... Con có trông thấy một cái thềm nhà bỏ không ở trên nhà ông đấy không? Chỗ ấy, trước là cái nhà ngói. Sau khi mất cướp thì ông bán chiếc nhà ngói đi. Ông bán cả hai chiếc huân ở đằng phía đông, chỗ bây giờ là vườn rau lang ấy...

U tôi đưa vạt áo lên chấm nước mắt...

Từ đấy, không hiểu sao, mỗi lần lên quê ngoại, trông đến những thềm nhà cũ, đến nay đã thành vườn thì cái lòng con trẻ của tôi lại thấy phảng phất buồn tênh.

Nhưng tôi cứ lớn dần lên và đi học ở ngoài tỉnh. Những đường phố cái tỉnh nhỏ ấy vẫn nhộn nhịp những hàng rong và kềnh càng những xe cộ. Những tấm màn cửa đề những chữ to tướng của các hiệu Khách vẫn phấp phới. Nhất là mỗi buổi trưa, lúc tôi đi học sáng về, tôi thấy nó đầy cả trong ánh nắng. Ông tôi thì cứ đến mùa gặt lại về thu lúa ở nhà quê chừng một tháng rồi lại ra tỉnh, tối đến ông tôi uống rượu với lạc rang và kể những chuyện Liêu Trai cho chúng tôi nghe...

Cái tuổi nhỏ dại của tôi chỉ được thấy trong nhà bấy giờ người ra vào nhiều lắm. Nhiều người chú ý đến mợ Hai tôi nhất, mợ tôi ở góa, và hãy còn trẻ đẹp. Một đôi khi, có tiếng ông và bà tôi nói về việc nhà, về cậu Ba tôi, về việc cậu tôi chơi bời, buôn bán lỗ...

Một tối con vú Lân, người đầy tớ mà ông tôi đã cẩn thận mang tự nhà quê ra, bỗng trốn đi đâu mất. Hôm sau thằng bếp Hứa cũng trốn đi. Người ta mách ông tôi rằng hai đứa nó đã chửa với nhau - ngay ở trong nhà - và nay đã gần đến tháng đẻ, nên chúng nó phải trốn đi. Dạo ấy tôi đã được thấy ông tôi sống những ngày đau khổ lắm. Cả ngày ông tôi uống rượu rất nhiều, và cúi mặt xuống suy nghĩ. Trong nhà như giá lạnh lại. Chúng tôi len lét, không dám đi mạnh, không dám nói tọ Như thế trong một ít lâu thì ông tôi nhất định không buôn bán nữa, dọn trở về quệ Sau này, ông tôi nói rằng sở dĩ dọn về quê thế là vì ông tôi đã thấy rằng, cái hoàn cảnh phồn hoa của tỉnh thành tất nhiên sẽ đem lại trong gia đình những cơn dông tố. Mà cái việc "chửa hoang" của đầy tớ trong nhà, mới chỉ là một cơn gió mạnh báo hiệu đầu tiên...

ông tôi, trở về quê, phá cái chỗ vườn hoa trước đi để xây lên một nhà gác. "Làm nhà gác thì không còn sợ cướp nữa" là ý ông tôi. Từ đó, cứ đến nghỉ hè tôi về, đi qua cái cổng cũ đã phủ rêu, và lối lát đá xanh vào trong sân tôi không còn được thấy cái cây ngâu um tùm lá mọi khi, và khóm trúc đào đỏ thắm hoa nữa. Chỉ có một nếp nhà cao, trống trải và lạnh lẽo thế nào... Ông tôi tha thẩn đi đi lại lại trong hiên, bà tôi lủi thủi cả ngày ở dưới bếp; nhà vắng tiếng người; khu đất ở lại rộng thênh thang và những cây cối cũ um tùm lá lại chặt đi để giồng một lớp mới, thành ra cái vắng vẻ như mênh mông trong ánh sáng.

Một bận nghỉ lễ Pâques, tôi về đến nhà thì trời đã tối. Ông tôi đang ngồi uống rượu ở trong nhà gác. Tôi vào chào ông tôi, ông tôi mừng rỡ và vui vẻ:

- A! Con đã về đấy à?

Rồi ông tôi hỏi ngay:

- Này hôm nọ thằng Văn nó cưới vợ, nó có mời con không?

Tôi ngạc nhiên quá. "Văn" là tên một ông bác họ xa tôi. Làm sao bác ấy cưới vợ mà bác ấy lại phải mời đến tôi? Tôi đứng nhìn ông tôi đăm đăm, thì ông tôi lại nhắc lại:

- Hả con?

Tôi trả lời:

- Thưa ông không mời ạ!

ông tôi giận dữ:

- Hừ! Cái thằng ấy thế thì nó bất nhân quá! Con mà nó không mời, thì nó còn xem ông ra cái gì đâu!

ông tôi kể tội bác Văn, mắng bác, nhiếc bác cho tôi nghe đến nửa giờ đồng hồ. Tôi cứ ngồi im. Tôi tưởng là ông tôi đã saỵ Nhưng từ hôm sau ông tôi cứ lẫn như thế mãi: ông tôi gọi con gà ra cái quạt, gọi bát nước ra ông giăng, gọi cây sung ra ống... vối. Gặp ai, ông tôi cũng níu lại nói chuyện, nói những chuyện chẳng ai hiểu được gì, nhưng chen vào những mẩu vu vơ, người ta nhận thấy luôn luôn những mẩu về cuộc đời dĩ vãng, bỏ thi, làm giàu, ra tỉnh... của ông tôi.

ông tôi mất đi...

... Cái dinh cơ rộng rãi, chỉ còn một mình bà tôi ở. Nó càng vắng vẻ buồn teo. Cái nhà gác nay chỉ khóa để không. Cả ngày bà tôi âm thầm không nói. Có ngày không có một tiếng động tọ Chỉ thỉnh thoảng về buổi trưa, một tiếng gà dậy lên, vang ra xa xôi rồi tắt đi để lại một cái quạnh hiu nặng trịch. Mà trong mười năm trời như thế.

Rồi bà tôi mất, cậu tôi về. Thấy lớp dinh cơ to quá, không ở hết, những nhà chỉ bỏ phí không, cậu tôi bán và phá bớt đi. Những sân gạch cậu tôi dỡ lên làm vườn rau. Cái nhà gác trước cậu tôi phá bỏ đi, cái cổng cũng phá bỏ, ao nước lấp lại... Cậu tôi chỉ còn giữ lại một cái nhà gỗ để ở, và một cái bếp để thổi. Những thềm nhà xưa nay trơ ra dưới nắng với những đống vôi vụn và chân móng tường còn lại, bên cạnh những vườn rau, trước là những sân gạch thênh thang. Tất cả cái cảnh tường hoa ao cá trước kia, ngày bé đã gợi trong tâm hồn tôi cái cảm giác mát rượi, bây giờ đã đổi khác cả đi, không còn một chút gì!

Tôi thấy như ở trong cái cảnh phá bỏ ấy, có một cái gì buồn thấm thía. Bao giờ thì một sự tàn phá cũng buồn. Nhưng cái buồn ở trường hợp này nó có một cái vô cùng thấm thía. Tôi tưởng đến tất cả sự nghiệp của một đời ông tôi,

... Người ta như một ngọn dầu hết đêm, càng cố sức cháy lại càng chóng tàn, chóng đi đến cái độ đường cuối cùng là đêm tối...

1938

Trích từ tập truyện ngắn

Thềm nhà cũ, 1941

Hết