Chương 1

“Darcia, ta nghe nói dì của con muốn con ngày mai đi Paris thăm bà ấy.”

“Vâng, thưa mẹ bề trên.”

“Con có biết là ta không chấp thuận học sinh của mình đi Paris hay có bất cứ liên quan nào đến thành phố đó không?”

“Vâng, thưa mẹ bề trên.”

“Ta nghĩ là con phải giải thích chuyện này với dì con, thay vì con đến thăm bà ấy, dì của con có thể đến nhà dòng gặp con.”

“Thưa mẹ bề trên, có lẽ dì con thấy chuyến đi vất vả quá.”

Căn phòng trở nên yên lặng khi vị tu viện trưởng nhìn cô gái bên kia bàn với tia nhìn dò xét. Từ khi cô chuyển đến đây học với bà, cô đã trổ mã thành một cô gái đẹp.

Có lẽ điều này khiến bà do dự, rất do dự, mặc dù bà không thể giải thích tại sao, để cho phép cô đi từ nơi tu hành yên tịnh đến một chốn từng được nhắc đến khắp châu Âu như “thành phố náo nhiệt nhất trên thế giới," ngay cả khi được tháp tùng chặt chẽ.

Nhưng nói gì đi nữa thì bà cũng phải công nhận cô là một học sinh gương mẫu trong đủ mọi lãnh vực. Cô học chăm, thật sự chưa có một nữ sinh nào đạt được thành tích học tập xuất sắc như cô. Dù là học sinh người Anh duy nhất cô được bạn bè mọi chủng tộc yêu thích, và đặc biệt là một học sinh ưu ái của các vị giáo sư nữ tu. Bà thấy mái tóc ánh sắc đỏ và đôi mắt lục phớt nâu của Darcia quả là đặc điểm có một không hai trong hàng trăm cô gái từng qua tay bà đào tạo.

Bà thích tính cách của cô gái này lúc đang xin phép đi thăm dì mình mà không hề nài nỉ vì hoàn cảnh riêng, hay tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi chuyến đi bị chậm trễ, mặc dù cô chưa bị từ chối hay được chấp thuận.

Cuối cùng thì soeur bề trên cũng đưa ra quyết định.

“Đươc rồi, Darcia, con có thể đi Paris, dì con có nói sẽ phái người xuống đón con, như vậy đỡ cho ta phải lo liệu cho con. Nhưng con nên nhớ rằng ta không hài lòng lắm với cách sắp đặt này.”

“Thưa soeur con nhớ, và cám ơn soeur đã cho phép con được nhận lời mời của dì con.”

“Người đưa tin đang ở bên ngoài, con nên viết vài dòng cho dì con ngay đi.”

“Cám ơn soeur. Nói xong, Darcia nhún chân chào trước khi đi ra.”

Ngay khi đóng cánh cửa văn phòng lại cô khẽ nhảy lên hớn hở và chạy theo kiểu mà soeur viện trưởng cho là quá hấp tấp thiếu tề chỉnh đến lớp học lúc này đang vắng hoe.

Cô mở bàn viết, kéo ra quyển sổ bìa da, lấy giấy thảo vài dòng.

Mẹ bề trên sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu bà đọc được những cái mà Darcia viết.

Người yêu dấu,

Tôi không thể nào đợi nổi đến ngày mai và sẽ tới gặp người rất mau.

Gửi đến người yêu thương và ngàn cái hôn,

Darcia

Cô dán phong bì, rồi khép nép đi đem thư ra tiền sảnh. Ở ngoài đó một vị soeur trực phiên tiếp lấy phong thư và trao cho mã phu đang đợi bên ngoài.

Khi nhìn hé qua cánh cửa nửa khép, Darcia thấy ông ta cưỡi ngựa tới, loại ngựa giống tốt và chắc chắn là chạy rất nhanh.

Rồi cô chạy lên lầu để định xem ngày mai sẽ mặc đồ nào khi đến viếng Paris lần đầu tiên sau hai năm trời.

-o0o-

Cỗ xe tới đón Darcia sáng sớm hôm sau vô cùng tiện nghi, chạy rất êm, nhưng thuộc loại ẩn danh vì cửa xe không sơn ấn ký hay huy hiệu, hay yên cương trên bốn con ngựa cũng chẳng mang phù hiệu nào.

Xà ích và mã phu ngồi trên khoang lái, còn người giao liên đang kính cẩn đợi ngoài cửa tu viện là người đàn ông lớn tuổi tóc bạc, ông ta cúi chào Darcia khi cô xuất hiện.

Cô cúi đầu nhưng không cất tiếng trong lúc bước vào xe.

Người đàn ông già ngồi đâu lưng về phía mấy con ngựa, và khi xe lăn bánh Darcia nhổm tới trước vẫy tay với vị soeur đang trông theo họ trước khi bà đóng cửa tu viện.

Chỉ đến lúc ấy Darcia mới thoải mái ngả người ra sau và nói với người ngồi đối diện:

“Chú có khỏe không, chú Briggy?”

“Gặp được cô thì còn gì bằng, cô Darcia!” ông đáp. “Cô lớn hẳn và thay đổi rất nhiều trong hai năm vừa qua đến độ tôi ngờ là ngài chủ sẽ nhận ra được cô.”

“Tôi rất mong thấy ba!” Darcia nói bằng giọng dịu dàng. “Không có ba bên cạnh tôi, hai năm trời qua rất, rất ư là dài.”

“Cô Darcia, tôi hiểu cô đã cảm thấy thế,” ông Briggs đáp. “Nhưng ngài chủ nhất quyết phải để cô ăn học đàng hoàng.”

“Tôi bị nhồi đầy chữ với nghĩa,” Darcia trả lời, “đến nỗi đôi lúc tôi có cảm giác mình cứ như là cái nồi đựng đầy ba tê gan ngỗng không chừng.”

Cả hai cùng bật cười.

“Ba tôi ra sao rồi?”

“Ngài vẫn khá,” ông Briggs đáp, “nhưng cô Darcia, tôi không cần phải nói cho cô biết là ngài ấy vẫn không biết giữ gìn sức khỏe.”

“Ba còn làm được chuyện gì khác đây?” Darcia hỏi, “nếu ba làm được thì mới là lạ.”

“Quả đúng là lạ.”

“Chú đang nói gì vậy? Tôi nghĩ nhà mình ở Paris đã đóng rồi chứ.”

“Chúng tôi vừa mở lại, cô Darcia, đặc biệt để lão gia có thể gặp cô ở đó, và chuyện quan trọng là tôi phải cho cô biết rằng không hề có ai thấy được cô hay biết là cô sẽ tới thăm ngài.”

Darcia trông ngạc nhiên, nhưng trước khi cô kịp lên tiếng ông Briggs nói tiếp:

“Ngài chủ bảo tôi đưa cho cô tấm mạng này để choàng lên nón của cô khi cô bước từ xe vào nhà. Ngài không muốn gia nhân biết cô từ đâu đến, còn xà ích đã hứa là giữ bí mật. Vì anh ta đã ở với chúng ta lâu rồi, nên xem ra anh ta không phải là người nhiều chuyện.”

Darcia thích chí bật cười khẽ.

“Thiệt đúng là ba mà, nhưng tại sao? Vì lý do nào phải giữ bí mật như thế và tôi phải bị tàng hình?”

“Cô Darcia, cô chắc chắn không cần phải thế,” ông Briggs trả lời, “và nếu cô không nghĩ tôi nói năng thất thố, thì đó là vì cô đã trở thành đẹp đến nỗi ngài chủ phải ngạc nhiên tột độ.”

“Tôi hy vọng là vậy, rất hy vọng như vậy,” Darcia nói. “Từ thuở nhỏ tôi lúc nào cũng biết là ba thích phụ nữ xinh đẹp, và mỗi tối tôi thường cầu rằng khi lớn lên tôi sẽ đủ đẹp để cho ba hài lòng.”

“Lời cầu nguyện của cô chắc chắn đã được đáp ứng rồi, cô Darcia.”

“Cám ơn chú, chú Briggs, thật đúng là cái tôi muốn nghe.”

Darcia đã nói thực khi bảo rằng cô luôn biết ba mình thích phụ nữ đẹp, còn họ thì thích, hay nói đúng hơn là “yêu” ông.

Khổ một nỗi là họ đến và đi nhanh chóng đến độ cô chưa kịp quen với bóng hồng quyến rũ nào đó trong nhà và hiển nhiên là có quan hệ rất ư riêng tư với ba cô thì vị trí của cô ta đã bị kẻ khác thay thế, rồi lại thêm một người khác nữa chiếm chỗ.

Nghĩ lại, cô thấy khó mà nhớ nổi tên của họ hay phân biệt được nét mặt của người này với người kia.

Vì mong muốn được ngài Rowley tuấn tú, hào hoa, phong lưu yêu mến, họ đều có chung một điểm là nuông chiều đứa con độc nhất của ông hết chỗ nói.

Nhưng lạ là việc này lại không hề ảnh hưởng đến tính cách của Darcia.

Ngay từ lúc còn rất bé cô đã nhận thấy rất nhiều điều họ nói với cô đều không thành thật và sự ưu ái họ tỏ với cô chỉ là diễn kịch để tạo ấn tượng với ba cô.

Cô hiểu được cảm giác của họ vì đối với cô không có người nào thu hút hơn, quyến rũ hơn – có lẽ cái từ chính xác phải là “thôi miên” hơn người đàn ông được mọi người diễn tả như là phong lưu nhất của thời đại.

Khi lớn hơn Darcia thông minh nhận thấy trước tuổi là ba mình đã sinh lầm thời.

Vào thời kỳ Georgian tự do trác táng có lẽ ông đã gặp đúng môi trường, một kẻ dẫn đầu của các đại gia vây quanh “ông hoàng ăn chơi”, là vị nhiếp chính vương về sau trở thành vua George đệ tứ.

Thay vì thế, trong triều đình trịnh trọng khuôn khổ cứng nhắc của nữ hoàng Victoria, ngài Rowley bị xem là lập dị là kẻ đã đi lệch qũy đạo và trên thực tế đã trở thành con ghẻ trong cái xã hội đạo đức giả đó.

“Miễn đừng để bị tóm cổ” là phương châm của dân luồn lách ăn chơi miễn đừng làm làm phật lòng “vị quả phụ Windsor” (nữ hoàng Victoria) là được.

Điều này có nghĩa là phải hành động chừng mực thận trọng, nhưng ngài Rowley lại chả bao giờ biết đến cái gì là thận trọng. Ông xem thường lề thói xã hội cho đến khi Anh quốc trở nên quá phiền toái khó chịu sống không nổi khiến ông phải ra ngoại quốc, và để tỏ thái độ đoạn tuyệt ông dẫn luôn một nữ quan được nữ hoàng sủng ái đi theo, người đã khờ khạo lầm tưởng rằng tình yêu là tất cả trên đời.

Chuyện đó đã gây ra phản ứng dữ dội khiến ngài Rowley cảm thấy mình phải làm cái gì đó cho con gái.

Sau khi lùng kiếm khắp nơi để đặc biệt tìm một ngôi trường thứ nhất là không có nữ sinh Anh và thứ nhì có tiêu chuẩn giáo dục thật cao, một tháng trước sinh nhật mười sáu tuổi, Darcia được đưa vào tu viện de Sacré-Coeur.

Darcia không chất vấn quyết định của ông, từ nhiều năm qua cô đã biết có hỏi cũng hoài công, nhưng cô khá là ngạc nhiên khi ông bảo cô đã được nhận vào trường dưới cái tên “Darcia Rowell.”

Trước khi cô kịp hỏi thì ông đã giải thích với tia mắt lấp lánh hóm hỉnh.

“Thứ nhất, nếu họ biết cha con là ai thì ba không chắc là họ sẽ nhận con, và thứ hai từ đây trở đi con phải sống riêng và đừng để việc liên hệ với ba làm con bị bôi nhọ.”

“Thưa ba, con không cảm thấy bị bôi nhọ,” Darcia tức tối đáp. “Con hãnh diện, rất hãnh diện là con gái của ba. Trên thế giới không có đứa con gái nào có được người cha độc đáo, thú vị, hay là làm cho cuộc sống vui nhộn như ba đâu.”

“Nếu con là con trai thì được,” ngài Rowley nói, “nhưng con yêu, con là con gái, và ba hy vọng là cô gái rất đẹp. Đấy là vì sao ba phải cho con cơ hội để làm chủ bản thân, và đây là bước đầu tiên.”

Ông băng qua căn phòng tráng lệ trước khi nói thêm.

“Khi con lớn hơn ba sẽ giải thích rõ hơn về những khó khăn mà con sẽ gặp phải, nhưng hiện thời ba muốn con trở nên không những đẹp đẽ mà còn thông minh nữa, trong khi hầu hết phụ nữ đều ngốc. Đó là nguyên nhân đàn ông dần dà cảm thấy dễ chán họ sau một thời gian ngắn.”

“Con nghĩ cô Dolores – con không nhớ nổi họ của cô ấy – mà từng ở với mình đó – có phải cách đây tám tháng không? – thì có đầu óc hơn mấy cô kia.”

Ba cô bật cười trước khi trả lời:

“Cô ta có khuyết điểm khác, nhưng đây đâu phải là chuyện ba nên bàn thảo với con.”

“Tại sao hả ba?”

“Bởi vì, khỉ thật, con là con gái của ba và còn là một tiểu thư.”

Nét mặt ba cô trở nên nghiêm nghị khi ông bảo:

“Ba sẽ đưa con đi khoảng hai năm.”

Darcia hốt hoảng kêu lên, ông gằn giọng nói thêm:

“Ba không nói tới nói lui về chuyện này nữa. Ba làm vậy là vì con, chỉ có Chúa mới biết ba sẽ nhớ con ra sao! Nhưng ba biết như thế là đúng.”

Sau đó cuộc tranh cãi chấm dứt, và dẫu còn trẻ Darcia nhận rõ ông mong muốn gì ở nơi mình và nhất định khiến mình phải làm cho ông hài lòng.

Phần lớn phụ nữ đi qua đời ông đều là phụ nữ qúy tộc, và nếu có người từ giới khác, vì cô từng nghe nói là có, thì ông chưa bao giờ đưa họ về nhà.

Các vị phu nhân đó xuất thân cao, nhiều người lấy chồng có địa vị quan trọng trong xã hội. Họ đã bị lôi cuốn và khơi động bởi lòng say mê không cách chi đè nén nổi đến nỗi hành xử liều lĩnh ngu ngốc.

Ngoài vấn đề đó ra, theo Darcia thì chuẩn mực của họ nói lên họ là những người xuất thân qúy phái. Cô biết ba mình sẽ không khoan dung những cách cư xử tồi tệ hoặc bất cứ điều gì mà ông cho là bất nhã nơi những người kề cận ông.

Ở tu viện, Darcia nhận thấy có rất nhiều môn học đặc biệt mà cô chắc ba mình sẽ chấp thuận.

Các nữ sinh không những có giáo sư riêng dạy khiêu vũ và cưỡi ngựa, và nếu họ muốn thì còn có thể học đánh kiếm, dù ngạc nhiên là ít người chịu học. Môn này thì mẹ bề trên thật sự không tán thành nhưng một số phụ huynh người Ý đã một mực yêu cầu, họ tin rằng môn đó tạo cho con gái họ sự lanh lợi và phản ứng nhanh chóng y như họ đòi hỏi nơi con trai.

Ngoài học kiếm, Darcia còn thành thạo trong các môn dương cầm, hát, và tất nhiên là hội họa, dù cô nài nỉ được học vẽ bằng sơn dầu thay vì màu nước là món được xem như có vẻ tiểu thư hơn.

Cô hết sức chuyên tâm vào mọi cái mình có thể học đơn giản là vì đấy là điều cha mình mong muốn và cô nhất quyết khiến ông vui lòng.

Ngài Rowley có lẽ là dân phong lưu trác táng, nhưng cũng vô cùng thông minh.

Ông nói thạo năm thứ tiếng, và trông ông dường như không có vẻ là người chuyên cần đèn sách, nhưng ngạc nhiên thay ông lại có bằng cấp của trường Oxford. Và ngoài việc am hiểu không kém về phụ nữ ông còn sành về ngựa.

Ông đua ngựa và thắng tất cả cuộc đua hàng đầu, và do phong cách hào hoa khiến ông được công chúng ưa thích, nên ông nhận được hoan hô còn lớn hơn bất kỳ thành viên hoàng gia nào mỗi khi ông xuất hiện tại trường đua.

Lại thêm lần nữa trước sự bất bình của hoàng gia, ông công khai đề cao hình tượng của mình bằng cách chọn màu vàng cho hầu hết mọi cái mình sở hữu.

Các xe thồ trong điền trang, xe song mã, xe tứ mã, và xe du lịch toàn màu vàng, còn ông thì người ta chưa bao giờ thấy ông không cài hoa cẩm chướng vàng trên áo.

Công chúng mến mộ và gọi ông là “Rowley phong lưu.”

Bạn bè vay tiền ông, bào chữa cho lối ăn ở ngông cuồng của ông, và hết lòng trung thành với ông cho đến khi làn sóng bất bình nổi lên khiến cho họ cảm thấy không cách nào tiếp tục.

Duy chỉ có các giai nhân của ngài Rowley là chưa bao giờ dao động đã thế lại còn yêu ông mỏi mòn ngay cả khi ông đã bỏ rơi họ.

Khi cỗ xe chở Darcia đến gần Paris, cô cảm thấy lòng mình thoáng lo âu, lỡ như sau bao công sức bỏ ra để làm hài lòng ba cô, sau bao công lao chăm chút diện mạo mình ông lại thất vọng thì sao.

Cô đã tập tành mọi cử chỉ, mọi động tác của đôi tay để cố trở nên uyển chuyển như vũ công ballet. Cô đã luyện giọng hát mình nghe sao cho du dương mới thôi.

Cô không lúc nào quên cha mình đã có lần nhận xét về người đàn bà đang đeo đuổi ông:

“Giọng cô ta nghe như gà nước kêu! Nếu phụ nữ muốn người ta nghe mình nói thì phải có giọng như chim sơn ca.”

Ngoài tiếng Pháp, Tây Ban Nha, và Ý cô cũng kiên trì học tiếng Đức, dù đây là công việc thật khó khăn.

Giờ đây cô đã nói thạo hết thảy các ngôn ngữ này, duy chỉ có cái cô không chắc là tiếng Anh của mình vẫn còn rành rẽ.

Khi xe chạy ngang đường Bois cô háo hức chồm tới trước; rồi nhớ lại ba cô không muốn ai thấy mặt cô, cô lại ngồi xuống.

Khi họ tiến vào con đường rộng có nhiều căn nhà lớn sang trọng, ông Briggy chìa tấm mạng ra nhưng không nói lời nào. Darcia thú vị nghĩ thật đúng là thứ mạng mà ba sẽ đưa cho mình, màu sắc không u tối hay xấu xí nhưng là loại mềm và mịn như tơ nhện. Tấm mạng màu xanh dương có những chấm li ti màu xanh rải rác nhằm để ngụy trang.

Cô choàng nó lên chiếc mũ bonnet nhỏ, và để mạng buông xuống chấm vai, thực sự trông vừa duyên dáng vừa kích thích.

Cô mặc bộ áo đầm mua dạo trước nhưng áo đó quá cầu kỳ để mặc ở trường. Bởi một điều là chiếc nơ phía sau váy lớn hơn cái nữ sinh được phép mặc, và thân áo bó sát trên vòng eo thon phô ra thân dáng tuyệt hảo sẽ làm phật lòng soeur viện trưởng.

Darcia từng ngắm nghía bộ áo này đăng trên tạp chí Pháp và thuyết phục một cô bạn đặt mua giùm mình khi cô này về nhà nghỉ lễ.

“Đặt áo ở nhà may đó đắt lắm,” bạn cô nhắn nhe.

“Không sao đâu,” Darcia đáp. “Mình phải có bộ áo mặc để khỏi ngượng nếu họ hàng mời tới chơi nhà họ.”

“Bạn đang mong có người mời sao?” bạn cô hỏi. “Darcia à, sao họ chưa khi nào tới đây còn bạn cũng chưa bao giờ về nhà nghỉ lễ.”

“Họ hàng tôi sống bên Anh,” Darcia trả lời, “họ muốn tôi học hành xong rồi hẵng về thăm.”

Có vài học sinh khác cũng có cùng hoàn cảnh như cô. Một cô là người Hy Lạp, còn cô kia đến từ Teheran.

Do đó Darcia không trải qua ngày lễ cô độc, nhưng cô lúc nào cũng mừng khi thấy các học sinh đi học lại và trình tự trường lớp thường ngày lại bắt đầu.

Cỗ xe dừng trước cánh cửa trước đồ sộ và Darcia thấy nhiều gia nhân mặc sắc phục đang đứng hầu.

Bậc tam cấp trải thảm đỏ, khi cô bước vào ngôi nhà mà mình chưa từng gặp lại hơn năm năm, cô cảm giác nơi đây chứa đầy phong vị của cha cô, cho dù nếu không gặp ông ở đây cô cũng nhận ra được là nhà cha mình.

Các bức họa và đồ đạc tráng lệ đều phản ánh thân thế của ông trong mọi ngôi nhà ông sở hữu. Cũng như bình hoa lớn trang hoàng trong tiền sảnh và phòng khách thơm ngát mà cô vừa được mời vào.

Nhưng trong khoảnh khắc Darcia không để tâm đến bất cứ cái gì ngoài người đàn ông đang đứng ở cuối phòng.

Nhấc tấm mạng lên, cô khẽ kêu lên mừng rỡ và chạy về phía ông.

“Ba! Ba ơi, gặp ba thật tuyệt biết mấy!”

Cô hầu như nói không nổi, tuy nhiên từ ngữ dường như tự động tuôn ra và giọng cô ngân lên hớn hở.

Ngài Rowley ôm chầm lấy cô và hôn lên hai má cô rồi bảo:

“Búp bê của ba, đã lâu không thấy con. Nào để ba nhìn con xem sao.”

Ông giữ cô ở tầm tay, hình như hơi mắc cỡ trước tia nhìn săm soi của ông Darcia tháo quai nón và ném nó xuống rồi tiến lại gần hôn ông liên tục.

“Con thật là đẹp!” Ngài Rowley hài lòng bảo, “trông y hệt như mẹ con khi ba gặp mẹ lần đầu. Nước da mẹ trắng hơn con, nhưng con có nét giống mẹ và ba từng nghĩ khi lớn lên con sẽ đẹp. Ba lại bắt trúng ngựa nữa rồi.”

Darcia phá lên cười.

“Ôi, ba, ba có biết là nghe được tiếng và cách nói lúc nào cũng tiếu lâm của bà con thấy tuyệt lắm không! Nhưng con không phải là ngựa đâu nha mà là cô gái đã trưởng thành rồi, giờ con có thể về sống với ba không?”

Cô biết đấy là câu mình nóng lòng muốn hỏi và đã ở trong tâm trí mình từ lúc nhận được lá thư mà mẹ bề trên bảo là “bà dì” muốn gặp mình. Khi nghe thế, cô hiểu ngay là thư do ai gửi đến bởi lẽ cô biết chẳng có bà dì nào sẽ quan tâm tới mình và không những thế ở góc tờ thư còn có ký hiệu bí mật mà cha con cô đã thỏa thuận với nhau hai năm trước.

Về phía cha cô là chữ “R” thật nhỏ, còn Darcia thì vẽ một trái tim tí hon vì cô cho là nó rất xứng với ông.

“Đó là chuyện mà ba đến Paris để bàn với con,” lúc này ngài Rowley cất tiếng. “Nhưng trước hết kể cho ba nghe về con đi.”

“Ba biết là con đâu có chuyện gì kể cho ba nghe, con đã viết hết mọi cái xảy ra trong mấy lá thư chán ơi là chán mỗi chủ nhật cho “chú Rudolph” và gửi đến văn phòng luật sư của ba ở London rồi.”

Ngài Rowley bật cười.

“Ba thú thật là thư khó hiểu quá, trừ mấy lá mà con gửi lén cho ba.”

“Con chỉ có thể gửi ra được khi bạn học mà con tin cậy nhờ người nhà của bạn ấy đem ra ngoài hay bạn ấy về nhà nghỉ lễ thôi. Nếu không thì các souer sẽ xét nét từng li từng tí xem thư có viết đàng hoàng không hay là có phàn nàn gì không.”

“Con có không?”

“Thưa không,” Darcia đáp. “Trường này đúng là cái ba ưng ý mà! Tụi con bắt buộc phải học tập, và linh hồn bất diệt của tụi con được chăm lo không ngừng nghỉ.”

Ngài Rowley bật cười khi gia nhân mang một chai champagne vào phòng.

“Ba nghĩ là,” ngài Rowley bảo, “mình phải uống chúc mừng cha con mình hội ngộ dù là trong thời gian ngắn.”

“Ngắn hả ba?”

Ngài Rowley không trả lời nhưng đợi cho gia nhân ra khỏi phòng. Rồi ông cất tiếng:

“Ba từ Tangier về đặc biệt để thu xếp cho tương lai của con.”

“Ba từng ở chỗ đó sao? Con cứ thắc mắc ba đang ở đâu.”

“Ba ở chỗ đó suốt mùa đông,” ngài Rowley bảo, “nhưng giờ trời ấm hơn ba nghĩ sẽ đi Hy Lạp.”

“Ôi ba, cho con đi với ba đi!” Darcia năn nỉ. “Con học được chút tiếng Hy Lạp và chỗ đó sẽ giúp ích cho việc học của con.”

“Việc học chữ nghĩa thì giờ đây xem như xong rồi.”

“Vậy được, cho con đi đi vì con muốn ở chung với ba. Con thương ba mà, con đếm từng tháng, từng ngày, từng giây một cho đến lúc cha con mình lại ở chung.”

Mắt ngài Rowley ánh lên dịu dàng mà rất ít phụ nữ gợi lên được.

Đã năm mươi nhưng trông ông vẫn trẻ hơn cả chục tuổi, và rất đẹp trai, nhưng đó không những là nét làm cho ông thu hút mà còn là ánh mắt gian hùng, kiểu uốn môi hơi châm biếm, và thái độ bất cần đời mang lại cho ông quyền năng như nhân vật Pied Piper (nhân vật trong truyền thuyết Đức, dùng tiếng tiêu để dụ trẻ con bỏ nhà đi).

Ông nhấp một ngụm champagne rồi nói:

“Ba không muốn làm con buồn, con yêu à, nhưng kế hoạch của ba khác với của con, có lẽ con sẽ cảm thấy khó tin nhưng ba chỉ nghĩ cho con chứ không phải cho ba.”

Darcia lo lắng nhìn ông. Rồi cô khẽ cất giọng:

“Có phải ba đang nói là ba không... cần con không hở ba? Con sắp mười tám tuổi và không thể ở lại trường lâu hơn nữa.”

“Ba hiểu rõ chuyện đó.” Ngài Rowley đáp, “đừng nói là ba không cần con ở chung với ba, ba muốn cái đó còn hơn là con tưởng. Nhưng lúc này ba phải nghĩ đến con.”

“Nếu ba nghĩ cho con thì hãy để con vui, ba biết là con không bao giờ xen vào chuyện của ba. Hồi trước con chưa bao giờ làm ba vướng bận kia mà.”

“Dạo ấy con còn nhỏ,” ngài Rowley nhận xét. “Nào hãy nghe ba nói, Darcia, vì đây là chuyện quan trọng.”

Ông ngồi xuống sofa kế bên cô và cô biết ông đang lựa lời cẩn thận trước khi bắt đầu:

“Ba yêu mẹ con hơn bất cứ ai trên đời. Mẹ con không những là người đẹp nhất ba từng gặp mà còn là người rất thông minh.”

Giọng ông trở nên mỉa mai trong lúc tiếp tục:

“Nếu mẹ con còn sống thì sẽ không bao giờ có ‘anh chàng Rowley phong lưu.’ Nhưng mẹ con đã mất và ba không bao giờ cho ai thế chỗ mẹ con.”

“Đó có phải là lý do ba không tái giá nữa không hở ba?” Darcia hỏi rất khẽ.

“Là lý do đó,” ngài Rowley đồng ý, “và trên thực tế là ba chưa tìm được ai như mẹ con, còn con là ngoại lệ.”

“Con mừng là con giống mẹ.”

“Bởi vì con giống mẹ, và bởi vì ba thương con,” ngài Rowley nói tiếp, “ba sẽ dành cho con thứ tương lai mà con muốn có.”

“Mẹ yêu ba, vì vậy mẹ tất nhiên muốn con sống chung với ba,” Darcia đáp nhanh.

Ba cô lắc đầu, và cô cảm thấy tinh thần sa sút.

Trên đường đến Paris cô đã từng chắc chắn đấy sẽ là khởi đầu cuộc sống mà cô hằng mong, một cuộc sống đầy màu sắc và phấn khích, đầy ắp tiếng cười niềm vui mà ba đã dành cho cô khi cô còn nhỏ.

“Giờ thì những cái mà ba sắp xếp,” ngài Rowley đổi giọng, “là để con khỏi bị dính dáng với ba bất cứ giá nào, để con có thân thế khác nhằm tiến vào thế giới thuộc về con, mà không bị cản trở vì vết nhơ là con gái của ba.”

“Con không xem đó là vết nhơ!” Darcia giận dữ đáp.

“Con yêu,” ngài Rowley đáp, “ba không ngu đâu. Ba biết rõ thiên hạ nghĩ sao về ba, trong khi chuyện này làm ba thấy thú vị và ba cam đoan với con là ba không phiền hà gì cả thì ba biết là nó có thể hủy hoại cơ hội của con và khiến con tổn thương đủ mọi kiểu mà ba không đành lòng nghĩ đến.”

“Vậy thì ba đừng nghĩ đến mấy cái đó nữa,” Darcia van nài. “Con sẽ không bị tổn thương đâu ba. Con biết hạng người nào đàm tiếu ba, nhưng con tin họ chỉ là ganh tị vì ba muốn làm gì thì làm cái nấy, còn bạn bè của ba con biết họ sẽ tử tế đối với con như lúc con còn bé.”

“Bạn bè ba sẽ đối xử tử tế với con,” ngài Rowley đồng ý. “Nhưng vì con là con gái của ba, cửa của các nhà mà ba muốn con được mời vào, những cánh cửa mà bình thường sẽ mở ra tiếp đón con vì xuất thân của con, thì giờ sẽ đóng kín.”

“Họ không quan trọng.”

Ngài Rowley lắc đầu.

“Đấy là những nơi mà mẹ con từng được đón nhận, và đúng ra sẽ thuộc về con nếu con không bị dính líu với ‘Rowley phong lưu’. Như con biết đấy ‘đời cha ăn mặn thì đời con khát nước’.”

Giọng ông trở nên nghiêm nghị đến nỗi cô không cãi nữa. Cô chỉ đành hỏi.

“Điều ba đang nói là cái ba muốn con làm sao hở ba?”

“Ba đã thu xếp tương lai cho con lâu rồi,” ngài Rowley đáp. “Ba tuần nữa là hết niên học khi rời trường con sẽ tới gặp nữ hầu tước de Beaulac tại nhà bà ấy ở Paris.”

“Bà ấy là ai?” Darcia hỏi.

Mặt cô tái ngắt bởi những điều ba cô vừa nói là một cú sốc, nhưng cô cố trấn tĩnh và giọng cô bình tĩnh trong lúc hỏi ba mình.

“Nữ hầu tước de Beaulac,” ngài Rowley trả lời, “là người con có thể tin cậy, bà ấy là người duy nhất biết được lai lịch thật của con.”

Ông dừng lại như đợi Darcia cất tiếng, nhưng thấy cô vẫn im lặng ông tiếp tục:

“Nữ hầu tước là bạn cũ của ba. Bà ấy là vợ góa của cựu đại sứ Pháp tại triều đình St. James. Bà biết tất cả mọi nhân vật quan trọng ở London, và ba không nghĩ ra được ai thích hợp hơn để giới thiệu con ra mắt lần đầu trong xã hội London.”

Darcia hơi gắt giọng, “con đoán chừng nữ hầu tước chắc phải có lý do hay ho mới chịu làm vậy?”

Ngài Rowley mỉm cười.

“Cha con mình suy nghĩ y hệt nhau,” ông bảo, “ba không cần phải nói với con là ngài cố đại sứ là người rất xa hoa.”

“Con đoán ra được,” Darcia nói, “ba nói tiếp đi.”

“Từ lâu rồi ba tự hỏi có cách nào để làm cho con nghe có vẻ quan trọng mà không cần sử dụng đến danh hiệu của con, đặc biệt là vì ba muốn con ra mắt bên Anh.”

“Ba đã quyết định như thế nào?”

“Một năm trước ba có dịp mua một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía tây của Pháp từ một người Pháp đang gặp khó khăn. Trên bản đồ thì nó trông còn nhỏ hơn đầu kim, nhưng quyền sở hữu của hòn đảo Sauze đó đi kèm với tước hiệu bá tước de Sauze do đế quốc La Mã ban cho người chủ trước cách đây trên năm trăm năm.”

Dựa vào nét mặt của Darcia ngài Rowley biết cô hiểu được câu chuyện của cha mình sẽ kết thúc ra sao.

Ông bảo, “vì vậy con sẽ trở thành nữ bá tước de Sauze, và ba bảo đảm với con về điểm này thì không có gì phải ái ngại hết. Vị bá tước này là người cuối cùng trong giòng họ và lúc ba gặp thì ngài đã trên bảy mươi tuổi và đã mất cách đây hai tháng.”

“Đương nhiên là tiện cho ba rồi,” Darcia cất tiếng, giọng cô có vẻ chế giễu.

“Ba luôn luôn gặp may,” ngài Rowley trả lời đơn giản, “và đó là điều duy nhất ba hy vọng sẽ xảy ra trước khi con cần dùng đến danh hiệu.”

“Vậy giờ đây con trở thành phụ nữ Pháp.”

“Chỉ phần nào thôi,” ngài Rowley bảo, “đối với bên ngoài thì cha con là phân nửa dân Pháp còn mẹ con là dân Anh, ba đã kiếm một phổ hệ trông hoàn toàn đứng đắn cho con, phổ hệ đó là của giòng họ Graysons hình như đã tuyệt hậu từ giữa thế kỷ, bắt nguồn từ triều đại của vua Charles đệ nhị.”

Ngài Rowley ngừng lại trước khi nói thêm:

“Trong người con sẵn mang dòng máu của ba, thì ba nghĩ có thêm tí xíu máu của “Hoan Lạc vương” (vua Charles được mệnh danh là ông hoàng khoái lạc) là thích hợp nhất.”

Trong giây lát Darcia cố chống lại nụ cười và ánh mắt tinh quái của ông vì cô ghét mọi cái ông đang nói. Nhưng rồi cô đột nhiên phá ra cười.

“Ôi, ba, ba vẫn tính nào tật nấy! Sao mà ba có thể tưởng tượng ra được cái điều phi thường như vậy?”

“Trái lại, ba lại nghĩ chuyện rất đơn giản.” Ngài Rowley bảo, “ba đã cố bới lông tìm vết trong kế hoạch của ba, nhưng ba cam đoan với con, phải là nhà ảo thuật mới gỡ rối nổi cái mớ bòng bong này.”

Darcia hãy còn cười.

“Toàn bộ chuyện này đều hoang đường, nhưng dẫu sao con cũng cảm động, rất cảm động vì ba đang nghĩ cho con.”

Cô khẽ phẩy tay.

“Khổ nỗi con không muốn trở thành một cô gái đến tuổi cập kê thanh lịch để diện kiến nữ hoàng theo hoạch định của ba – hay gia nhập vào cái giới mà thiên hạ gọi là ‘giới thượng đỉnh.’ Con chỉ muốn sống chung với ba thôi.”

Cô mỉm cười trong lúc tiếp tục:

“Con không nghĩ ra được điều nào tuyệt hơn khi nghe ba bảo: ‘ba ngán chỗ này đến tận cổ rồi! Sáng mai mình lại đi tiếp,’ thế rồi cả nhà lại lục tục thu dọn đồ đạc trong khi chẳng biết chỗ sắp đến là chỗ nào: một cỗ xe thồ băng ngang sa mạc Sahara, hay là quảng trường ở Venice.”

“Đừng khích tướng ba nữa,” ngài Rowley lên tiếng. “Giống như đàn bà, con luôn luôn muốn cái ngoài tầm tay. Không được, con yêu, dù bây giờ con không nghĩ thế nhưng có ngày con sẽ cám ơn ba, bởi vì ba thú nhận đây là lần đầu ba hành xử đúng với vị thế mà người cha nên làm.”

“Ba không bảo vệ con mà ba đang làm con khổ!” Darcia tuyên bố. “Ba ơi, mình từng sống chung vui vẻ lắm mà, và con rất thương ba!”

“Chính vì ba thương con nên con phải nghe lời ba!” Ngài Rowley bảo.

Ông nói cương quyết đến độ Darcia biết thực ra ông đang bị cám dỗ, rất ư cám dỗ để nhượng bộ cô.

Cô luôn biết mình có thể đóng vai trò quan trọng trong đời ông mà không có một phụ nữ nào khác làm được, và tiến sát đến trái tim ông, trái tim chân thực họ không bao giờ tìm thấy.

Thế rồi trong lúc cô ngập ngừng, phân vân có nên ôm lấy cổ ông năn nỉ hay khéo léo thuyết phục ông thì ông kéo cô đứng dậy và dẫn cô đến bên tường có treo tấm gương lớn khung mạ vàng.

Khi họ đứng trước gương cô không thể dằn lòng nghĩ rằng cả hai người họ đều trông quyến rũ.

Đứng kế bên ông cô trông rất nhỏ bé, nhưng rõ là về mặt nào đó trông họ mang máng giống nhau.

Ở cô đường nét thanh thoát hơn, gương mặt toát lên vẻ non nớt, ngây thơ trong trắng ắt hẳn không thấy được nơi vẻ mặt tuấn tú, châm biếm của ngài Rowley. Sau đó ông nói khe khẽ.

“Hãy nhìn con đi. Darcia, con xinh đẹp và ba không đành lòng gây tội nghiệt thấy con phí hoài nhan sắc khi sống theo kiểu của ba, lối sống đó là sai lầm, vô cùng sai lầm đối với con.”

“Nếu như con không cho là vậy thì sao...?” Darcia lên tiếng.

Ông đặt ngón tay lên môi cô để ngăn cô nói.

“Vì con thương ba, con phải làm những cái ba muốn con làm, và chính vì ba thương con ba phải dứt con ra khỏi đời ba, ít ra cho đến lúc con cần ba vì một lý do hoàn toàn khác cái mà con đang đề nghị.”

Cô hiểu ý ông và thở dài.

“Con... thực... phải làm chuyện này sao ba?”

“Con phải làm vì ba yêu mẹ con, vì ba thương con và vì, dù mình giả vờ như thế nào đi nữa, thì cả hai chúng ta đều biết phân biệt đâu là phải trái.”

Trong khoảnh khắc mắt họ giao nhau trong tấm gương trước mặt, Darcia biết mình đang chiến đấu cuộc chiến thầm lặng.

Rốt cuộc rõ ràng là ba cô đã thắng, và cô cay đắng nghĩ mình đành phải đầu hàng.

Cô không cần phải nói, nhưng bằng trực giác ông hiểu được cô đã buông vũ khí và ông là kẻ chiến thắng.

Ông choàng vai cô.

“Nào, cho đến hết tối nay,” ông chuyển giọng, “cha con mình cùng nhau vui, vui thả cửa, vui đến điên luôn, cho đến khi con về tu viện.”