(Ký ức của một người thợ đình công)

Sáng hôm ấy, tuy tôi không phải đi làm, nhưng khi nghe tiếng còi tầm thét vang ở mạn nhà máy thì tôi cũng vội vàng trở dậy.

Dậy để làm gì?

Tôi nhớ mang máng hình như không để làm gì cả. Song tôi vẫn cứ dậy. Đó là cái thói quen của tôi, gần mười năm trời nay; sáng dậy với tiếng còi tầm của nhà máy, tối ngủ với chuyến xe hỏa cuối cùng ra Bắc.

Thế là tôi dậy. Mà không dậy thì cũng không sao ngủ được nữa. Bộ dạ dày lép xẹp của tôi đã ba ngày chưa được chứa chút gì, cứ thỉnh thoảng lại đưa lên mồm một ít nước vừa chua, vừa tanh ngắt. Thật là một thứ khổ hình đáng sợ hơn cả roi điện và đuôi cá sấu.

- Anh Hai ơi! Dậy đi làm thôi.

Tiếng rên rỉ của vợ tôi ở trong buồng đưa ra ghê rợn như tiếng gọi của tử thần làm cho tôi giật nẩy mình. Tôi chưa kịp trả lời, nhà tôi đã rên rỉ thêm:

- Mình đã dậy chưa?

- Tôi dậy rồi. Mình có ăn cháo để tôi đi nấu...

Nhưng tôi bỗng im bặt, vì chân tôi vừa đá phải cái thúng đựng gạo ở gầm chõng. Cái thúng rỗng không quay đi một vòng rồi lăn lại úp vào chân tôi. Tôi sợ hãi đặt chân ra như một kẻ bị tội tử hình vừa sờ phải lưỡi gươm của tên đao phủ. Cái thúng ấy là người bạn thân an ủi tôi trong những ngày đầu tắt mặt tối, bây giờ hình như hiện lên để trừng phạt tôi. Tôi muốn vứt nó vào một chỗ nào thật khuất để khỏi phải trông thấy nó, hay là để cố tưởng tượng rằng nó vẫn còn đầy cái chất nuôi sống người. Vì tưởng tượng chẳng là một cách lừa dối sự đau khổ hay sao? Tôi vội cúi xuống, và như một kẻ sinh tình nâng niu người yêu, tôi đưa hai cánh tay mệt nhọc ra bê nó lên. Nhưng một lần nữa, tôi lạnh toát cả người: cái thúng mà tôi có hy vọng vu vơ rằng nó sẽ nặng, thật nặng, thì trời ơi, nó chỉ nhẹ như một cái... thúng không. Tôi buồn rầu vất nó ra cửa rồi đứng dậy đi vào trong buồng.

Tôi lại gần giường nhà tôi khẽ nhắc lại câu hỏi ban nãy:

- Mình có ăn cháo để tôi đi nấu?

Tuy bây giờ tôi biết chắc rằng không còn tìm đâu ra một hạt gạo nữa.

Nhưng nhà tôi chỉ giả nhời bằng một tiếng thở dài não ruột. Tôi sờ tay lên trán nó thì thấy nóng như lửa. Tự nhiên ruột tôi cũng nóng lên đến nhiệt độ ấy.

Tôi ôm lấy đầu nhà tôi lo lắng:

- Mình ơi! Mình nóng lắm.

Nhà tôi vẫn không đáp. Tôi ngồi im nghe tiếng thở hổn hển của nó lẫn trong tiếng gió thổi lên mái nhà xào xạc.

Mười phút qua! Còi tầm lại thét vang lên lần thứ hai trong bầu không khí yên lặng. Vừa lúc ấy, thằng con nhỏ tôi ở nhà ngoài, tỉnh dậy, mếu máo khóc và đòi ăn cơm.

Nhà tôi rên rẩm bảo tôi:

- Mình ra bế con vào đây cho tôi, rồi mình đi làm đi cho kịp giờ.

Tôi bế con vào, nhưng tôi vẫn không đi làm.

Nhà tôi giục hai ba lần nữa, tôi mới giả nhời:

- Mọi người còn nghỉ cả, tôi đi làm với ai kia mình?

- Nhưng hôm qua mình đã hứa với người ta thế nào?

- Tôi có hứa gì đâu!

- Có, mình có hứa. Tôi nghe rõ cả rồi. Mình hẹn với viên bang tá hôm nay mình đi làm.

- Nhưng nếu tôi không đi làm?

- Người ta sẽ cho lính đến bắt như những người khác.

- Ai bắt được tôi kia mình? Tôi đi làm hay nghỉ là việc riêng của tôi với chủ xưởng, có can thiệp gì đến các nhà cầm quyền mà mình phải sợ.

- Thế sao hôm nọ người ta bắt anh Trữ, không thấy mình dám nói gì?

Tôi toan cãi rằng anh Trữ là đại biểu, anh phải bắt là vì anh không chịu ký vào tờ cam đoan ép thợ phải đi làm, nhưng nhà tôi đã năn nỉ:

- Thôi mình nghe tôi đi làm đi! Mình thử nghĩ mà xem: đình công đến hôm nay là mười hai ngày rồi, mà chủ nó chưa ưng chuẩn cho một khoản yêu cầu nào thì còn hy vọng gì nữa. Nếu cứ gắng mãi thì chỉ thêm khổ mình, khổ con...

Nói đến đây, nhà tôi òa lên khóc:

- Khổ con tôi quá! Ba ngày hôm nay chưa được miếng gì vào mồm. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi phải ngoảnh mặt đi để nhà tôi khỏi nghe thấy những tiếng thổn thức từ trong đáy lòng tôi đưa ra.

Các bạn ơi! Nếu các bạn ở vào hoàn cảnh tôi lúc ấy, chắc, các bạn sẽ không nỡ kết tội sự hèn yếu của tôi.

Các bạn ạ! Vì nghĩa vụ, người ta có thể nhẫn tâm giết vợ, chứ không ai có can đảm đầy đọa một đứa con thơ.

Nhà tôi chắc cũng đoán được cuộc chiến đấu trong lòng tôi, toan tìm lời an ủi:

- Mình cứ đi làm đi, rồi tôi sẽ có cớ nói với anh em không thể trách mình được.

Rồi nhà tôi quay lại vỗ về con:

- Nín đi bé! Đến trưa thầy đi làm về, thầy sẽ mua cơm cho bé ăn.

Ruột tôi rối lên như mớ bòng bong, tôi cầm lấy hai bàn tay xương xẩu của nhà tôi, thở dài:

- Mình ơi! Mình đương đau yếu thế này, tôi bỏ mình ở nhà đi làm sao cho đành?

- Tôi đỡ nhiều rồi mình ạ! Nhưng nếu mình có thương tôi thì mình nên vào làm đi để lấy tiền thang thuốc cho tôi. Nếu có tiền, tôi chỉ uống độ dăm chén thuốc là khỏi hẳn.

Tôi còn từ chối làm sao được nữa. Khổ quá! Nếu cuộc đình công không vì một việc bất thình lình, bùng vào cuối tháng, thì tình cảnh của tôi cũng như của tất cả những người khác, làm gì đến nỗi khốn quẫn thế này! Tôi sực nhớ ra, chiều hôm trước viên bang tá nói với một anh đại biểu rằng nếu ai vào làm bây giờ thì sở sẽ giả ngay lương tháng trước, tính cả những ngày nghỉ.

Một tia hy vọng vụt bật lên trong óc tôi, và tôi bám chặt lấy nó như kẻ ăn mày vồ lấy đồng xu của khách qua đường bố thí cho.

Tôi liền vui vẻ nói với vợ tôi:

- Mình ơi! Tôi đã nghĩ được kế có tiền lấy thuốc cho mình và đong gạo cho con rồi. Tôi định bây giờ cứ giả vờ vào làm rồi hễ nó phát lương tháng trước cho xong thì lại nghỉ. Như thế có được không mình?

Nhưng nhà tôi đã lên cơn sốt mê man. Tôi đắp thêm cho nó một chiếc chiếu, rồi mở cửa đi ra. Thằng con nhỏ tôi lại gào lên khóc đòi ăn...

Bên ngoài, lúc ấy trời đã sáng hẳn. Những ánh nắng đầu tiên đã nhuộm vàng hoe ngọn cây cau trước cửa. Một đàn chim sẻ ở trên mái nhà bay ào ào xuống sân rồi lại vội vàng vụt bay lên.

Tôi lảo đảo bước đi bên hàng rào dâm bụt. Không hiểu sao tôi thấy như tôi sắp sửa làm một việc gì đê hèn lắm. Gặp ai tôi cũng tưởng họ đoán được ý định của mình, nên tôi lại cúi gầm mặt xuống đất. Tôi hồi hộp nghĩ đến cái lúc bước chân vào nhà máy dưới những con mắt hằn học và khinh bỉ của các anh em. Phải có luôn luôn ở trước mặt cái hình ảnh đứa con thơ gào đói và người vợ mê man trên giường bệnh, tôi mới nhắc nổi được chân.

Tôi vừa ra đến con đường sau ga thì gặp anh cai Hào ở đầu phố đi lại. Anh vỗ vai tôi nói đùa:

- Trời ơi! Tôi trông anh giống Thần đói hiện hình quá!

- Còn anh thì mới chui ở ngôi mồ nào lên đấy?

Chúng tôi nhìn nhau cùng cười. Cái cười chua xót của những người cùng chung cảnh ngộ đau thương...

Trời xanh và cao, báo trước một ngày nóng nực. Tôi nhìn những dải mây hồng lửng lơ trôi trên đầu mà cảm thấm thía thấy sự mỉa mai của tạo vật. Tôi nắm chặt lấy tay anh Hào mơ màng nói:

- Anh ơi! Nếu tạo vật có linh hồn, chắc không nỡ đem những ánh sáng tưng bừng như thế này soi xuống cảnh tối tăm của chúng tạ Vì đời chúng ta lúc nào cũng là đêm tối thì còn biết gì cảnh đẹp bên ngoài nữa.

Hào trố mắt nhìn tôi. Tôi nhận thấy vẻ kinh ngạc trong cặp mắt hấp háy của anh, nên tôi phá lên cười. Tôi quên mất rằng tôi đương nói chuyện với một người tuy đã làm cai thợ nguội, nhưng chưa cắp sách đến trường bao giờ và nhất là đến trường kỹ nghệ thực hành như tôi.

Chúng tôi khoác tay nhau loạng choạng đi như hai thằng say rượu. Khi đi qua cái quán bán nước ở cổng ga mà ngày thường thợ thuyền vào ra tấp nập, chúng tôi bùi ngùi đứng lại nhìn nó như nhìn một người bạn thân thiết đương thở hơi thở cuối cùng. Sự lạnh lẽo của nó làm lạnh cả lòng tôi. Tôi cảm thấy sự lạnh lẽo ấy ở tất cả mọi chỗ mà tôi qua, ở tất cả mọi vật mà tôi thấy.

Sinh hoạt như ngừng trệ lại.

Các cửa hiệu vắng ngắt như những nơi tĩnh thất để cho các cô tiểu thơ đọc tiểu thuyết ngôn tình, để cho các ông trưởng giả ngồi hút thuốc vặt hay đánh cờ "chiếu tướng" cho đỡ buồn.

Họa chăng lúc này những kẻ xưa nay vẫn nhìn chúng tôi bằng con mắt khinh bỉ, mới nhận thấy địa vị quan trọng của chúng tôi trong xã hội? Những cái vinh dự ấy vẫn chỉ có chúng tôi là nhận thấy rõ ràng hơn hết.

Cho nên, một cuộc đình công dù thất bại hay thắng lợi vẫn có ích cho thợ thuyền.

Tôi đương nói cho Hào nghe cái kinh nghiệm ấy thì một tờ giấy yết thị vàng chóe dán ở đầu phố Maréchal Foch1 đập vào mắt chúng tôi. Vì Hào không biết chữ nên tôi tiến lên trước đọc cho anh nghe:

"Quan Công sứ và quan Tổng đốc có lời hiểu thị cho tất cả thợ đình công biết rằng đến ngày 15 tây này, nếu ai không vào làm thì coi như là bỏ việc rồi, nhà máy sẽ tuyển thợ mới thay chân những người ấy. Còn ai vào làm từ hôm nay thì sẽ được lĩnh cả lương tháng trước, không phải trừ những ngày nghỉ... ".

Tôi đọc đến đấy, thất sắc đi. Vì tôi sực nhớ đến cái kế hoạch mà sáng nay tôi bàn với vợ tôi. Không hiểu sao, tôi lại quên lời hứa ấy một cách mau chóng thế? Nhưng nếu tôi còn nhớ thì chắc tôi cũng không dám đến nhà máy làm nào.

- Thôi, tôi đành cam lỗi đạo vợ chồng.

Tôi vừa thốt ra câu than thở hết sức "Quảng Lạc" ấy để cho mối khổ tâm của mình có chút thi vị thì Hào liền kéo tay tôi đi, lo lắng nói:

- Tình hình nguy lắm anh ạ! Từ hôm qua đến nay, số người vào làm mỗi lúc một đông. Trừ một ít thằng phản bội ra thì phần nhiều hoặc vì hoàn cảnh túng quẫn, hoặc bị áp bức phải đi. Chủ nó lại hết sức chiều chuộng những thằng vào làm: ngày nào cũng mổ bò, giết lợn cho ăn, hèn chi mà chẳng lắm đứa thoái bộ. Anh có phương pháp gì ngăn cản được họ đừng đi làm không?

Tôi vẩn vơ đáp như một kẻ mất hồn:

- Tôi thấy khó lắm. Trước cái đói nó xô đẩy, nhiều người không muốn mà phải bỏ hàng ngũ. Những người ấy thì thật đáng thương hại.

Hào vội ngắt lời:

- Thương hại cái gì? Chẳng có đứa nào vào làm bây giờ lại đáng thương hại hết! Đã tranh đấu mà không chịu vất vả, không chịu nhục nhằn, đói khát thì thắng lợi làm sao được? Anh xem: trong năm ngày, tôi chết mất hai đứa con, tôi có cần gì đâu. Đã đành chúng nó chết vì bệnh, nhưng chính cái đói đã sinh ra bệnh. Giọng nói cương quyết và tấm gương hy sinh của anh làm cho tôi phấn khởi tinh thần. Và một khi người ta đã có tinh thần thì cũng đỡ bị xâu xé bởi những mối tình thê tử. Tôi chép miệng thở dài: "Thôi thì cũng liều", rồi tôi hỏi Hào:

- Anh có biết tại sao mấy hôm nay không nhận được món tiền ủng hộ nào không?

Anh tròn xoe mắt đáp:

- Tại mấy thằng đại biểu chó chết để lọt vào hàng ngũ bọn phá hoại, nên hôm chủ nhật vừa rồi mới xảy ra việc mất cắp quỹ cứu tế. Có hơn 200 đồng ở ngoài Bắc gửi vào thì mất ráo: anh tính còn gì nữa?

Hào vừa nói dứt lời thì bỗng nghe thấy tiếng kêu vang động ở đằng Cửa Tả. Người ta bảo chúng tôi có cuộc mét tinh của thợ đình công nhóm ở đây. Nhưng chúng tôi vừa đến nơi thì cuộc mét tinh đã bị các nhà chuyên trách giải tán rồi, và một toán lính cảnh sát đương cầm dùi cui xô đuổi thợ thuyền chạy tán loạn ra các ngả đường. Chúng tôi không được dự cuộc mét tinh cũng phải cắm cổ chạy. Khi họ không đuổi nữa, tôi mới ngoảnh lại thì không thấy Hào đâu nữa rồi. Còn tôi thì đứng ở trước cửa chợ.

Lúc ấy, chuông nhà thờ vừa điểm mười giờ. Nắng đã bắt đầu gay gắt, và mặt tôi như một cái bọt bể ũng nước, mồ hôi cứ trào ra hết dòng này đến dòng khác, chảy xuống ướt đẫm cả cổ áo. Mắt tôi mờ đi. Tôi trông cái gì cũng thành ra đảo ngược hay lóe ra thành hai ba cái.

Tôi đứng nép mình vào cổng chợ một lúc rồi lại đi. Nhưng đi đâu? Các xóm thợ thuyền người ta đều canh phòng cẩn thận. Lúc nào cũng có lính đi tuần, chỗ nào cũng có lính gác: Lính - một người cùng quyền lợi với thợ thuyền - đã bị người ta dùng làm khí cụ chống lại giai cấp cội rễ của mình. Thật là một hiện tượng hết sức buồn.

Tôi vẫn lảo đảo bước lên đằng trước mặt. Khi đi qua hiệu thuốc tây, tôi bỗng nảy ra một ý kiến. Rồi chẳng cần soát lại trong túi có tiền hay không, tôi ung dung bước vào trong hiệu hỏi mua một lọ thuốc ngủ. Không biết nét mặt tôi lúc ấy gớm ghiếc đến thế nào, mà cô bán hàng nhìn tôi trừng trừng từ đầu đến chân, rồi hốt hoảng bảo với người đàn ông mặc quần áo tây ngồi trong:

- Anh ơi! Có lẽ người này muốn tự tử. Anh nên gọi cảnh sát đưa hắn ra Cẩm.

Tôi trợn mắt lên nhìn cô bé, tức uất lên cổ, nhưng vì không muốn có việc với Sở Cẩm, tôi phải lủi thủi cắp nón đi ra.

Rồi từ đấy đến chiều, tôi không biết tôi đã đi những đâu và làm những gì. Tôi chỉ còn nhớ mang máng khi tôi về đến cổng nhà tôi thì trời đã nhá nhem tối. Tôi bước vội qua cái sân đất nhỏ, hẹp, đi thẳng vào buồng vợ tôi. Trong buồng tối như bưng. ánh sáng lạt lẽo của một ngày sắp tàn lọt qua khe vách, không đủ soi rõ một vật gì. Một luồng khí lạnh ở dưới đất đưa lên làm cho tôi rùng mình. Tôi lại bên giường nhà tôi gọi luôn ba tiếng mà vẫn không thấy thưa. Tôi sờ tay lên trán, thì trời ơi, tôi chỉ còn đứng trước một cái xác cứng đờ.

Mặt mày tôi tối sầm lại. Tôi cố gượng lần ra đến cửa thì ngã gục xuống đất.

Tiếng cuối cùng mà tôi nghe thấy trước khi ngất đi là tiếng một chiếc lá cây rơi trên mái nhà.

Báo Tin tức, năm 1938

Hết