Thể Cúc ngồi trên tấm phản gỗ lim, trước mặt là chiếc thố bằng sứ cổ đựng nước trong. Ánh nắng ban mai xuyên qua những đường chạm trổ dưới mái hiên, vẽ thành những chấm sáng trong trẻo trên tóc, trên má nàng. Những chấm nắng trong ngời ấy khi đậu vào má Thể Cúc cứ làm rực lên một mầu hồng tươi tắn từ dưới làn da mỏng và trắng như lụa.

Bà phu nhân Trương Nguyên Cơ đang đứng cạnh đó, trông nom cho hai đứa hầu gái rim mấy thứ mứt trái cây. Thấy Thể Cúc cứ ngồi lắng nghe con hoàng yến đang hót trong lồng, phu nhân quở:

- Thể Cúc! Con gái, làm chi cũng phải chăm chỉ, ý tứ. Cái nết vừa làm vừa chơi, không nên đâu con.

Thể Cúc giật mình cười bẽn lẽn ý như biết lỗi. Nàng lại chăm chú xoi tim những hạt sen trắng, rồi đặt chúng trong thố nước mưa trước mặt. Hạt sen này, phu nhân phải cho người nói trước với quan Ngự Thiện trong cung mới có, bởi đó là giống sen bách diệp ở hồ Tịnh Tâm, vừa thơm vừa bổ, chỉ dùng riêng cho nhà vuạ Nhưng vua Tự Đức thường nghĩ đến anh em chú bác của người, nên với những đặc sản được dâng tiến vào Đại nội, người dặn rằng các phủ đệ ai cần thì cho phép nói trước với Ngự Thiện để dành phần cho.

Tối nay, rằm tháng sáu, Tùng Thiện Công mở tiệc xem hoa thưởng trăng trong Ký Thưởng Viên. Hơn một năm nay, kể từ ngày TùngThiện Công và Tuy Lý Công - hai ông hoàng nổi tiếng thơ hay - cùng nhau lập ra Mặc Vân thi xã, vườn hoa của hai phủ đã thay phiên nhau làm chỗ tao ngộ của giai nhân tài tử chốn kinh thành. Tài tử thì có Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... giai nhân thì hàng đầu phải kể đến ba nàng công chúa em cùng mẹ của Tùng Thiện Công là Mai Am, Nguyệt Đình và Huệ Phố. Tiếp đến là nàng họ Hà, thứ thiếp của Tùng Thiện Công: nàng có vóc người óng ả, lúc nào cũng chỉ mặc đơn sơ chiếc áo tơ tằm mầu nguyệt bạch, khuôn mặt không phấn son, chỉ vẽ qua nét mày thanh tú. Tùng Thiện Công sủng ái nàng, đặt cho nàng cái tên là Uyên Sồ - con chim uyên non. Theo người xưa thì chim uyên ương sống thành đôi tương đắc với nhau, con mái gọi là uyên, con trống gọi là ương. Một giai nhân tài sắc nữa. là Đẩu Nương, một danh cầm. Vốn nguyên Đẩu Nương là con một kép hát ở An Cựu. Xuất thân thấp hèn, nhưng ở đây, Tùng Thiện Công giao kết với bạn thi ca không dựa trên địa vị, mà chỉ căn cứ vào chữ tâm, chữ tài. Vì vậy Đẩu Nương là khách quý của công phủ, không buổi họp nào vắng bóng nàng.

Danh sĩ đến Ký Thưởng Viên vì quý mến Tùng Thiện Công, vì say tiếng hát, câu thơ, vì các giai nhân trong bữa tiệc xem hoa, nhưng còn vì một bóng hình chìm khuất bên trong những lớp cửa bàng khoa dày chắc: nàng Thể Cúc mười bảy tuổi, tiểu thư ngàn vàng của công phủ, nghe đâu vừa đẹp vừa hiền. Nhiều lần Tùng Thiện Công cao hứng lên định gọi con gái ra chào khách, mục đích là để khoe với danh sĩ ở kinh thành cô con gái rượu mà ngài cưng chiều như hoa như ngọc. Nhưng lần nào Tùng Thiện phu nhân cũng khăng khăng không chịu:

- Con gái khuê các, có đâu lại chường mặt ra giữa ba quân thiên hạ như thế!

Tùng Thiện Công cười:

- Phu nhân không biết ý ta đó thôi. Tiệc rượu thưởng trăng này quy tụ bao nhiêu danh sĩ của kinh thành. Ta nhân đây mà kén rể, lo gì chẳng gặp người tài tuấn.

Phu nhân vẫn cương quyết không đổi ý:

- Dù có Trạng Nguyên Bảng Nhãn tới đây đi nữa, cũng phải đủ sáu lễ nạp thái nghênh hôn rồi mới được thấy mặt con gái tôi. Ngày xưa tôi lấy ông, làm lễ tơ hồng mới nhìn rõ mặt. Xưa vậy thì nay cũng vậy, không bỏ phép nhà được đâu.

Tùng Thiện Công đành chiều ý phu nhân. Vì vậy trong khi giai nhân tài tử dập dìu bên tiệc hoa ngoài vườn Mặc Lan, thì Thể Cúc chỉ được quanh quẩn bên mẹ, trông coi cho thị nữ bưng nước, pha trà. Từ chỗ nàng ngồi, Thể Cúc có tò mò nhìn xuyên qua những cây dâu tiên và cây thanh trà xanh mượt trong vườn cũng chỉ thấy thấp thoáng nhưng bóng áo xanh, áo đỏ xa xa bên hồ vọng nguyệt.

*

Tàn tiệc, khách về rồi, Tùng Thiện phu nhân dặn Thể Cúc trông coi kẻ hầu dọn dẹp, rồi quay về phòng riêng nghỉ ngơi. Thể Cúc vâng dạ. Dọn rửa không phải là chuyện đáng lưu tâm, đã có người ăn kẻ ở nhưng Tùng Thiện phu nhân là người chu đáo đến mức nghiêm khắc trong việc nội trợ. Hơn nữa, trong số bát đĩa dùng trong tiệc có hơn bốn mươi chiếc là đồ sứ ký kiểu tận bên Tàu do Đức Thiệu Trị ngày trước ban cho.

Thể Cúc đang trông coi mọi việc thì cha nàng bước vào, trên tay cầm một tờ giấy hoa tiên. Vừa nhìn thấy, Thể Cúc đỏ mặt lên, nàng ngượng ngùng đưa hai bàn tay nhỏ nhắn lên che mặt. Tùng Thiện Công vuốt tóc con:

- Mấy câu này của con có khí vị phong nhã diễm lệ, cha đem cho Đẩu Nương ngâm, quan khách ai cũng khen, kể cả bà cô Mai Am của con vốn rất khó tính!

Thể Cúc càng đỏ mặt, nàng thỏ thẻ: "Ôi! Sao cha... Cha làm thế người ta cười con chết mất thôi. Mẹ con mà biết, thế nào người cũng rầy la con".

Tùng Thiện Công khoát tay: "Ôi, mẹ con cũng là người mê thơ, ngại gì? Mê thơ đến nỗi cách nấu mấy món ăn bà ấy cũng đem soạn thành thơ tứ tuyệt!" "Cha ơi, thơ ngâm hoa vịnh nguyệt, mẹ con không thích! Đêm qua thấy trăng sáng quá, con cảm hứng viết đôi lời, không ngờ cha nhìn thấy".

Tùng Thiện Công nắm tay con dắt lên thư phòng. Thể Cúc khép nép đứng hầu cha bên chiếc trường kỷ, nhưng Tùng Thiện Công nhất định bắt con ngồi xuống cạnh mình.

Ngài lấy mấy tờ giấy hoa tiên khác, đưa cho Thể Cúc:

- Có mấy bài họa lại đây, con hãy xem thử, bài nào con đắc ý nhất.

Thể Cúc thẹn thò: "Ôi, con biết gì đâu, xin cha giảng giải cho con!" Tùng Thiện Công chỉ cười, rồi khoát tay ra hiệu cho con lui. Thể Cúc nhẹ chân rón rén cầm mấy tờ hoa tiên xuống thềm rồi khoan thai đi ngược hành lang về phòng khuê.

Đêm ấy nàng cứ trăn trở không sao yên giấc. Trăng soi qua rèm thưa, chiếu sáng lên chiếc giường phủ lụa thơm. Ánh trăng đủ sáng để Thể Cúc đọc tới đọc lui mấy vần thơ của ai đó. Như có cơ duyên, nàng vừa đọc đã như nhìn thấy người ấy ngay trước mắt...

Tùng Thiện phu nhân là người ít ngủ, đêm nào cũng trở dậy vài lần đi xem xét khắp dinh cợ Nghe tiếng trở mình trong phòng con gái, bà bước vào, vén bức rèm the:

- Thể Cúc, con chưa ngủ sao?

Thể Cúc giật mình giấu vội tờ thơ dưới gối. Nàng nũng nịu:

- Cây hoa mộc ngoài vườn thơm quá, làm con không sao nhắm mắt, mẹ Ơi!

*

Cả công phủ rộn rịp tưng bừng, tiếng đàn tiếng hát véo von đón mừng quan khách. Hôm nay là ngày cưới của Thể Cúc! Hoa đèn kết rực rỡ từ ngoài cổng vào đến thềm tòa nhà Bạch Bí, nơi ở của đàn bà con gái trong phủ. Ai nấy đều hớn hở vui cười, riêng Tùng Thiện phu nhân vẻ mặt rầu rầu suốt từ sáng đến giờ chẳng hé miệng. Tuy không được vui lòng, nhưng vốn là người nghiêm cẩn, bà vẫn gượng giấu vẻ buồn.

Khi Tùng Thiện Công quyết ý gả con cho Đoàn Trưng bà đã vâng lời ngay, không lời ra tiếng vào. Bà nghĩ việc gả bán con là quyền của chồng, đức ngài lại rất yêu con gái, ngài đã chọn ai tất phải là người xứng đáng. Hơn một năm kể từ ngày nạp lễ vấn danh, cứ mỗi lần kỵ giỗ, có mặt đầy đủ phu nhân các vương công đại thần ở điện Phụng Tiên là bà phải nghe những lời thì thầm:

- Lệnh Công và phu nhân nghĩ sao lại gả tiểu thư cho anh chàng thư sinh mặt trắng ấy? Thiếu gì Trạng Nguyên, Bảng Nhãn ước ao mong làm rể quý phủ. Phu nhân mà không vội nhận lời người ta, thì tôi đã đứng ra làm mối tiểu thư cho cậu Cả con quan tam phẩm Trương Cửu Nghi...

Phu nhân Tùng Thiện Công chỉ cười cảm tạ:

- Cảm ơn phu nhân có lòng thương cháu. Nhưng việc này Đức Ngài đã quyết phu xướng phụ tùy, tôi đâu dám bàn ngang.

Trong thâm tâm bà cũng một lòng một dạ nghĩ như chồng: chàng họ Đoàn ấy tuy là con nhà dân dã, nhưng tướng mạo khôi ngô, tài học lại thông tuệ, nhất là chí khí tỏ ra hơn người. Thế còn hơn trao con vào một tay công tử cậy quyền cậy thế, hư đốn rong chơi, hay một cử nhân, tiến sĩ chỉ biết tầm chương trích cú, khiếp nhược cầu danh? Cứ cách ba năm lại có khoa thi, Đoàn Trưng đã có tài thì lo gì tương lai không rộng mở?

Trong khi Tùng Thiện phu nhân yên lòng theo ý chồng thì Uyên Sồ lại lo lắng. Có lần nhân khi chén rượu cuộc cờ, thấy Tùng Thiện Công vui vẻ, nàng khéo gợi chuyện hôn nhân của Thể Cúc rồi thăm dò:

- Kể về trai tài gái sắc thì họ Đoàn với Thể Cúc xứng đôi vừa lứa. Chỉ e là...

- E là sao? Nàng cứ nóiđdi, đừng ngại.

Uyên Sồ mỉm cười. Tùng Thiện Công lúc nào cũng thích nghe giọng nói của nàng, giọng của con uyên non.

- Thiếp chỉ e nhà họ Đoàn ấy thanh bạch quá, Thể Cúc quen an nhàn nơi công phủ về đó e không chịu nổi vất vả...

Tùng Thiện Công đón lấy tách trà bát tửu từ tay người đẹp nhấp một ngụm rồi gật đầu:

- Nàng lo thế là phải. Nhưng ta có ý của tạ Đoàn Trưng rất có tài, chỉ tội nhà không giàu có, lại ở quê xạ Ta dựng nên mối nhân duyên này là cốt để hai anh em họ Đoàn có chỗ dựa mà dùi mài kinh sử, chờ dịp tiến thân với đời. Vì vậy, hắn sẽ ở rể tại nhà ta, chứ đời nào ta để con ta về nhà họ!

Quả thực Tùng Thiện Công không hiểu sao lại có một tình cảm sâu đậm với chàng trẻ tuổi này từ khi mới gặp. Sinh trong cung vua, cả đời sống trong nhung lụa, nhưng ông hoàng tử này lại có tấm lòng gần gũi với những người dân nghèo lam lũ. Một lần trong tiệc thơ, ông đọc bài thơ Tiền trầu của mình:

Thân tuy còn, nhà đã tan

Mình ra khỏi ngục, vợ sang nhà người

Miệng nhai trầu, bế con côi

Cùng chồng ly biệt lệ rơi bên đường!

Cả tiệc thơ ai cũng chau mày thương cảm, xót xa cho cảnh ngộ người đàn bà trong thợ Chỉ riêng chàng trai họ Đoàn nghe xong đã không buồn thương, lại còn cười khanh khách. Uyên Sồ bắt bẻ:

- Chàng trai kia, người có lòng sắt dạ đá hay sao, nghe cảnh thương tâm thế mà còn cười được?

Đoàn Trưng nghe vậy chẳng áy náy, còn cười to thêm. Chàng bảo:

- Lệnh công ngồi trong đền vàng, lâu lâu ra ngoài nghe kể đôi chuyện nên mới chau mày rơi lụy. Còn tại hạ là kẻ thường dân sống nơi thôn dã, chuyện quan lính, hào lý bức hiếp dân xảy ra như cơm bữa, nếu mỗi lần nghe mỗi lần khóc thì e đến nay tại hạ đã tan thành nước rồi! Xin hỏi phu nhân, ta ngồi đây, chung quanh toàn là kỳ hoa dị thảo, chén bát toàn là đồ trân quý, bánh trái, rượu trà toàn thức hảo hạng, ta cứ làm thơ mà giúp dân bớt khổ được sao?

Uyên Sồ không ngờ chàng trai lại nói dõng dạc như thế, chưa biết đối đáp như thế nào để vừa trị cho chàng ta cái tội láo xược, mà vừa khỏi mang tiếng là không quý khách. Những người trong tiệc đều có ý không bằng lòng, chỉ quan Hàn Lâm Nguyễn Hàm Ninh là cả cười, gật gật đầu: "Hắn ta nói cũng có lý đấy chứ?" "Nhưng mà vô lễ quá!" Một người khác chen vào. Giữa lúc mọi người còn xôn xao thì Tùng Thiện Công đã đứng dậy, lại gần... Ông rót một chén rượu, tự tay mời chàng trai, mặt ông phảng phất một nụ cười hiền từ... Ông bảo: "Khổng Tử đã dạy "Hậu sinh khả úy", nên sợ kẻ sinh sau! Này chàng trẻ tuổi, nghe thơ ta hôm nay, chỉ có mình anh là hiểu được lòng ta!"

Ý định gả Thể Cúc bắt đầu nảy sinh trong lòng Tùng Thiện Công từ đó. Về sau này, ông thường xuyên cho lính về An Truyền mời chàng lên phủ chơi. Mỗi lần đến chàng chỉ mặc bộ áo nâu buộc thắt lưng gọn gàng, tay xách theo một cút rượu làng Chuồn, nồng và đượm, từ lâu đã nổi tiếng ngon trong dân gian.

Điều mà Tùng Thiện Công lẫn phu nhân không nghĩ tới là nhà họ Đoàn không chịu gửi rể! Không ngờ Đoàn Trưng ngang tàng phóng khoáng thế mà lại có bà mẹ rất nghiêm khắc. Lần đầu đến công phủ bà chỉ mặc một chiếc áo vải mầu nâu đơn giản, vẻ mặt nghiêm nghị, chẳng tỏ vẻ gì vui mừng quỵ lụy vì được kết thông gia với một nhà quyền quý bậc nhất trong cả nước. Điềm đạm bà bảo:

- Đức ngài và phu nhân có lòng thương mến con trai tôi, muốn kết duyên lành, tôi đâu dám không lãnh ý. Nhưng xưa nay theo đạo thường, gái phải theo chồng mới hợp lẽ. Gia cảnh chúng tôi tuy bần bạc, nhưng quyết không để con trai tôi nương nhờ quý phủ, để mang tiếng với người đời là trai ở nhà vơ...

Đoàn mẫu vì lễ phép mà dừng lời ngang đó, nhưng cũng để người ta nhớ đến câu tục ngữ Trai ở nhà vợ như chó ở gầm chạn. Đoàn mẫu về rồi, cả khu nhà Bạch Bí xôn xao. Bà Tiểu Bạch, vợ thứ của Tùng Thiện Công, vừa nghe câu chuyện đã chau mày, nhả vội miếng trầu đang nhai vào chiếc ống phóng đồng:

- Cha chả, cái bà ấy chẳng biết chi là trời cao đất rộng. Họ đã làm bộ làm tịch thế, chúng ta cần chi mà phải cầu! Cái gã thư sinh ấy thì có đáng kể gì so với nhà ta?

Người buồn nhất chắc chắn là bà Nguyên Cợ Bà không muốn xa con, không muốn con làm dâu vất vả trong nhà người. Giữ đạo vợ nên bà không dám trái ý chồng, nhưng cũng thầm mong đức ngài bãi bỏ chuyện hôn nhân kia. Ai ngờ, Tùng Thiện Công chỉ vuốt râu cười:

- Thế mà người ta thường bảo: "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Ta thấy bà mẹ này thật có khí phách hơn người, ta rất trọng nể! Xuất phủ về nhà họ Đoàn thì đã sao? Lấy chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo. Từ xưa đã thế!

Vậy là đám cưới Thể Cúc vẫn y theo ngày đã định.

Tùng Thiện phu nhân hầu như giao cho bà Tiểu Bạch lo toan mọi việc. Hơn hai tháng trước ngày nghênh hôn, bà bắt Thể Cúc luôn ở bên mình, chăm lo, rèn sửa cho nàng từ nết ăn, nết ở. Phần lớn thời gian còn lại bà ở trong phòng, chẳng biết làm gì mà cứ thui thủi một mình.

Hôm nay thì Thể Cúc sắp đi rồi! Dưới bến sông, chiếc thuyền rước dâu đang chờ sẵn. Tùng Thiện phu nhân vào phòng con. Thể Cúc đội khăn vành, khoác áo gấm xanh, khuôn mặt non tơ lần đầu được trang điểm phấn son. Thấy mẹ vào, nước mắt nàng chảy quanh.

- Đừng khóc con ạ! Gái lớn thì phải xuất giá, ai chẳng thế? Mẹ dặn con, đã đi lấy chồng thì phải trọn đạo vợ. Bổn phận làm dâu thì trước hết phải thờ cha mẹ chồng cho trọn vẹn! Nay mẹ cho con, trong gói này là số vàng hồi môn của con, trên đường đi nhớ giao cho con Hồng cất giữ, tính nó cẩn thận, chu đáo. Còn đây là cuốn Thực phổ bách thiên, gần một trăm món ăn mẹ soạn thành một trăm bài văn vần để con dễ đọc dễ nhớ. Mấy tháng nay mẹ cố hoàn thành cho kịp ngày con vu quỵ Mẹ mong sao đây là cuốn cẩm nang để giúp con sau này lo cho chồng, cho mẹ chồng, rồi truyền dạy cho con cháu mai sau!

Thể Cúc đón lấy cuốn sách từ trong tay mẹ, nàng xúc động khóc ngất đi, hai tỳ nữ phải kèm hai bên dìu ra nhà ngoài làm lễ. Pháo nổ vang, xác pháo hồng rơi rắc khắp khu Tiêu Viên tráng lệ. Xong lễ, đoàn người đưa dâu với đèn lọng rực rỡ đi qua Ký Thưởng Viên rồi xuống thuyền hoa ngược ra sông Hương xuôi về làng An Truyền.

*

Ba năm sau... Nhà họ Đoàn từ ngày có nàng dâu cành vàng lá ngọc cũng vẫn nếp sống như xưa. Tùng Thiện Công và phu nhân đã cho con gái nhiều của hồi môn, ý định cho đôi vợ chồng dùng của ấy mà xây cất lại nhà cửa khang trang, cho Thể Cúc khỏi phải chịu kham khổ vì nơi ăn chốn ở. Nhưng Đoàn mẫu khăng khăng không chịu. Tính bà vốn khí khái đến mức có khi gàn dở. Tuy Thể Cúc không phải con vua, nhưng ở làng An Truyền xa xôi này, người ta xem nàng tôn quý chẳng khác gì bà chúa. Mà cái cảnh ngộ những nhà quan cưới công chúa về làm dâu thì ai cũng biết rồi, dân gian đã đặt câu vè để giễu: Chân giày, chân dép vô ra. Kêu dâu cũng lỡ, kêu bà khó kêu. Đỏng đảnh như tinh đầu đèo... Huống chi, nhà họ Đoàn là nhà bạch đinh! Cũng vì mấy câu vè ấy ám ảnh mà Đoàn mẫu quyết không để cho người trong xóm trong làng cười chế mình là kẻ cầu danh hám lợi.

Thể Cúc cũng chiều ý bà, từ cảnh nhung lụa trong công phủ nàng vui vẻ chấp nhận sống trong căn nhà tranh ba gian hai chái. Những nữ tỳ theo hầu, nàng cũng chiều theo ý mẹ chồng cho về phủ hết, chỉ giữ lại con Hồng để đỡ tay đỡ chân nhất là khi nàng sinh đứa con đầu lòng. Theo lệ con so về nhà mẹ nên Đoàn mẫu vui lòng cho nàng về công phủ để sinh nở. Con đầu lòng của nàng là con trai. Nàng muốn Đức vương đặt tên cho nó, nhưng ngài bảo cha phải đặt tên cho con thế mới đúng. Đoàn Trưng ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

- Ta đặt tên con là Khởi, nghĩa là đứng dậy. Tùng Thiện phu nhân nghe cái tên của cháu ngoại, chẳng hiểu sao chợt hồi hộp, phấp phỏng không yên. Bà bảo:

- Lệ thường khôn lớn mới gọi bằng tên, nay cháu còn nhỏ, ta hãy đặt một cái tên xấu xấu, để cho quỷ thần chê mà không quở đến.

Thế rồi người nhà gọi thằng bé là Ngáo.

Hết ba tháng mười ngày, Thể Cúc thu xếp đưa con về lại nhà chồng. Từ giã cảnh giàu sang về nơi thanh bần đạm bạc, nhưng lần này nàng dường như nóng ruột muốn về... Thấy mẹ cố giấu làn nước mắt rưng rưng sau vẻ mặt trang nghiêm, nàng thương mẹ quá. "Mẹ Ơi! Đừng lo cho con, con sống nơi dân dã đã quen rồi!" Nàng nói như an ủi mẹ. Tự thâm tâm, nàng nghĩ: "Giờ đây ở nơi nào đi nữa, khổ bao nhiêu ta cũng thấy vui sướng, miễn là được sống bên chàng!"

Giờ thì cu Ngáo sắp lên bạ Nàng đưa thằng bé cho con Hồng bế đi chơi trong xóm. Phần nàng đang ở trong bếp, chế biến mấy món ăn mà Đoàn Trưng yêu thích. Thể Cúc bây giờ đã thuộc nằm lòng những câu nói vần trong cuốn sách mà mẹ nàng trao tặng. Canh bầu mùi thích lá hanh hao. Cho biết rau hành bỏ bí đao. Hầm mít lại ưa sân với lốt. Bí ngô thời phải tỏi gia vào. Có lẽ dự đoán trước con gái mình sẽ sống thế nào, Tùng Thiện phu nhân chỉ soạn ra có hơn ba mươi món là thức ăn sang trọng dùng trong ngày lễ tiệc kỵ giỗ, còn lại là tất cả món ăn thường trong dân gian. Hồi chiều, nghe chồng bảo đến tối có anh em bạn bè của chàng đến chơi nên Thể Cúc lo soạn sẵn cơm rượu. Chỉ có mấy món đơn sơ, nhưng nàng nêm nấu thực kỳ công, mong sao chồng được vui lòng.

Bày dọn sẵn, nàng lui vào phòng trong, dỗ con ngủ rồi lên ngồi cạnh mẹ chồng. Đoàn mẫu dạo này đã yếu lắm rồi, mắt nhìn không rõ nữa, nhưng tai vẫn rất thính. Bà sờ soạng cầm tay Thể Cúc, nhướng mắt lên:

- Con à, mẹ thấy có tiếng ai lạ phải không? Tiếng thằng Trưng, thằng Trực, thằng Ái, sư Quý, sư Viên thì ta nhận ra rồi. Còn giọng ai mới tới nữa?

Thể Cúc nhỏ nhẹ:

- Dạ, có hai người lạ. Con không ra phía trước nên không biết là ai. Bữa qua con nghe chồng con nói, mới kết giao được hai người bạn là Tôn Thất Cúc, quan Hữu quân ở điện Càn Thành và Nguyễn Tăng Hựu hình như làm chức Suất đội thì phải.

Đoàn mẫu nghĩ ngợi một lúc rồi bảo:

- Con ta xưa nay rất ghét bon chen kết thân với chỗ quan quyền, sao nay lại quen với người của triều đình? Ta nghe nói lão Hựu này là quan trông coi dân phu xây lăng vua ở Vạn Niên. Bọn quan lại ấy rất tàn độc, người làng ta bị chúng bắt đi, hành hạ đánh đập rất dã man, nhiều người chịu không nổi mà chết oan.

Thể Cúc vừa đấm lưng cho Đoàn mẫu vừa kể: "Nghe chồng con nói, quan Suất đội bảo là lệnh Hoàng Thượng truyền xây lăng trong sáu năm, nhưng vì quan Thống Chế Nguyễn Văn Chất muốn lập công cứ khăng khăng tâu lên vua là chỉ cần ba năm cũng đủ. Vì vậy mà dân phu phải làm đêm làm ngày không nghỉ. Việc này, có lẽ chính Hoàng Thượng cũng không được biết!

Đoàn mẫu thở dài. Một đời làm dân bà đã chứng kiến biết bao nhiêu điều cơ cực. Nhưng chưa bao giờ dân khổ bằng lúc này! Bà bảo:

- Mỗi khi về thăm, con nên bẩm với Đức Ngài đem những nạn ách của dân mà tâu lên Hoàng Thượng, họa chăng Người nhìn thấu mà mở lượng cho dân được nhờ.

Thể Cúc ngập ngừng, không nói. Thực ra từ trước, khi triều đình chưa khởi công xây Vạn Niên Cơ, Tùng Thiện Công đã biết được nhiều nỗi cay đắng của người dân. Không cay đắng sao được, người Pháp đã đánh vào miền nam, ba tỉnh miền đông đã cắt đứt cho chúng. Ba tỉnh miền tây, vựa lúa của cả nước cũng đang trở thành miếng mồi thơm, chẳng biết còn mất lúc nào. Tiền tài vật lực đều dồn cho việc chiến trận, trăm thứ trăm thiếu, giặc giã nổi lên như ong... Chứng kiến bao nhiêu cảnh ngộ nhưng Tùng Thiện Công vốn bản tính hiền hậu, ông chỉ biết đưa tấm lòng mình vào thơ chứ chẳng dám tâu trình với vuạ Mà muốn tâu trình e cũng khó, vì từ thời Đức Minh Mạng lên ngôi, ngài lại muốn hạn chế quyền lực của các hoàng thân nên đã đặt ra lệ các hoàng thân quốc thích tuyệt đối không được giữ binh quyền, làm quan chức, không được tham dự, bàn tán vào việc triều chính. Trải mấy đời lệ ấy đã thành quen, không ai dám trái.

Đêm ấy Đoàn mẫu ngủ yên giấc rồi, Thể Cúc trở về nằm bên con thao thức. Tiếng Đoàn Trưng và các bạn của chàng nói chuyện ở ngoài vườn xa, nàng chẳng nghe được gì. Nhưng nàng cũng nhận ra là hôm nay họ không ngâm thợ Uống rượu mà lại chẳng ngâm thơ, chẳng biết họ nói với nhau những gì mà quá canh ba tiệc vẫn chưa tan?

Xa xa đã có tiếng gà mới thấy Đoàn Trưng trở vào ngả lưng bên nàng. Thể Cúc trở dậy, giặt khăn nước mát lau mặt cho chồng. "Hôm nay chàng uống nhiều quá!" Nàng khẽ trách, giọng nàng dịu dàng, âu yếm. Đoàn Trưng nằm yên, chàng nắm lấy tay vợ, nhìn thẳng vào mắt nàng như muốn nói điều gì quan trọng lắm. Thể Cúc cầm quạt, quạt mát cho chồng, khẽ hỏi:

- Có việc gì sao chàng chẳng nói cho thiếp nghe?

Đoàn Trưng mỉm cười, chàng lắc đầu. Rồi chợt chàng cầm chiếc quạt nan trong tay vợ, kéo nàng nằm xuống bên mình:

- Để anh quạt chọ Em đã vất vả cả ngày rồi. Mấy hôm nay mạ yếu mệt có làm khó cho em lắm không?

Thể Cúc cười sung sướng. "Không, mạ thương em nhiều lắm". Luồng gió từ tay chồng quạt mát cả tâm can nàng, nàng chìm dần vào giấc ngủ.

Nhưng đến gần sáng thức dậy, nàng thấy Đoàn Trưng đang ngồi quay mặt ra vườn, đăm đăm ngó ánh trăng tàn ngoài liếp cửa.

Thì ra suốt đêm, chàng không ngủ! Thấy chồng đăm chiêu, nàng không dám gọi, chỉ len lén bước tới sau lưng chàng. Vừa lúc đó như nghĩ đến một việc gì, chàng nghiến răng buột miệng nói lớn:

- Tàn bạo!

Chàng đập mạnh tay vào án thư bên cạnh làm cái nghiên mực nẩy lên, mấy tờ giấy bay xuống đất.

Thể Cúc sợ quá, nàng run rẩy, cúi xuống nhặt mấy tờ giấy. Trên những dòng chữ thảo đang được viết dở, nàng đọc thấy mấy chữ Trung nghĩa ca.

*

Đoàn mẫu gắt, giọng khàn khàn:

- Đã bảo đưa thằng cu vào đây cho bà!

Thể Cúc bảo:

- Không được đâu mẹ ạ! Nó mà vào nó lại phá không cho mẹ yên đâu! Mà con lại đang bận tay đây này...

- Nhưng nó khóc đòi, bà nóng ruột lắm!

Đoàn mẫu nằm sấp trên giường, áo kéo lên để lộ tấm lưng gầy với làn da khô héo lấm tấm đồi mồi. Thể Cúc ngồi cạnh, cầm bình nước nóng áp lên lưng mẹ chồng. Mấy hôm nay Đoàn mẫu lại bị chứng khớp từ vai xuống lưng đau nhức. Trong người ê ẩm nên bà sinh ra khó tính, gắt gỏng luôn. Thể Cúc thấy con khóc mếu ầm ĩ, vội quay ra bảo:

- Hồng! Bồng em ra vườn mau lên!

Con Hồng dỗ dành cu Ngáo, ôm thốc nó lên đưa đi, nhưng thằng bé không chịu, giãyđdành đạch, oằn mình kêu ầm lên. Thể Cúc vừa lăn bình nước nóng vừa bảo:

- Mặc nó, cứ đi đi, mau lên!

Không ngờ Đoàn mẫu quay lại, hất mạnh tay nàng ra, gắt:

- Ta đã bảo đem nó vào, sao các người chẳng đếm xỉa gì đến ta thế! Các người chẳng coi ta ra gì nữa sao?

Thể Cúc ôn tồn:

- Xin mẹ bớt nóng, mẹ đang yếu trong người, không thể để cháu vào quấy quả được

Đoàn mẫu càng giận:

- Phải rồi! Quyền ở cô! Cô là bà chúa, cô muốn làm gì thì làm!

Lời nói cay chua của mẹ chồng làm Thể Cúc khựng lại, nàng không ngờ lại bị đối xử bất công như thế. Tủi thân quá, nàng òa lên khóc.

Đoàn Tư Trực, em Đoàn Trưng, vừa đi đâu về, nghe thấy tiếng ồn ào liền chạy vào, can mẹ:

- Mẹ khó tính thế? Chị cả có lỗi gì đâu mà mẹ cũng bắt ne bắt nét.

Đoàn mẫu đang giận, thấy con nói ngang, cơn giận càng bốc lên như lửa. Người đang mệt, tinh thần bị tổn thương, thế là giây lát trợn mắt, chân tay run cầm cập, ngất đi.

Thể Cúc và Tư Trực sợ quá xúm vào lay gọi. Con Hồng cuống quýt chạy đi mời Đoàn Trưng về. Cả nhà ra sức xoa bóp chân tay, giật tóc mai. Mãi Đoàn mẫu mới hồi tỉnh dần. Tư Trực bảo:

- Mẹ bệnh, giận vui bất thường, hay là chị tạm lánh mặt một lát.

Thể Cúc gật đầu xuống bếp ngồi sắc thuốc. Nàng cũng xúc động quá, bưng mặt khóc tỉ tệ Thấy chồng bước xuống, Thể Cúc phân trần:

- Thiếp không có ý ngỗ ngược, mẹ trách oan cho thiếp.

- Làm cho mẹ chết đi sống lại mà gọi là oan sao? - Đoàn Trưng gằn giọng.

Thể Cúc không dám tin ở tai mình nữa. Sao có thể thế được? Người chồng hết mực thương yêu nàng sao giờ này lại hồ đồ và lạnh lùng với nàng như thế? Nàng nức nở:

- Tôi ở với chàng bao nhiêu năm nay, tôi ăn ở có phải đạo không lẽ nào chàng chẳng biết? Sao hôm nay lại nói ép cho tôi? Hay là chàng đã thay lòng đổi dạ không còn thương thiếp nữa?

Đoàn Trưng vẫn lạnh lùng không nói. Chàng đến bên giường Đoàn mẫu. Bà đã tỉnh lại, cơn đau khớp vẫn hành hạ bà, cộng thêm cảm giác bực bội sau cơn xô xát. Bà nói dấm dẳn:

- Thôi anh không phải lo cho tôi nữa. Tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa đâu!

Đoàn Trưng an ủi bà:

- Xin mẹ tha thứ, đừng giận con mà thêm mệt mỏi trong người. Vợ con có lỗi bất kính với mẹ, không thể dung được, ngày mai con xin đưa trả về phủ.

Đoàn mẫu tuy khó tính nhưng không phải là người ác tâm, bà chưng hửng nghe con trai nói. Nó nói thật hay là nói để cho bà vui lòng? Bà vội can:

- Thôi con, việc nhỏ trong nhà, sao đến nỗi phải làm to chuyện như thế?

Nhưng Đoàn Trưng đã quyết, chàng khăng khăng không đổi ý. Thể Cúc sững sờ... cả trời đất đảo lộn trước mắt nàng. Nàng quỵ xuống, ôm mặt hồi lâu mới nói được mấy tiếng nghẹn ngào:

- Chàng đã có ý ruồng bỏ, thiếp dù có gắng phân trần cũng chẳng ích gì, chỉ xin chàng cho thiếp đưa con theo về ngoại. Con còn nhỏ quá, để thiếp chăm lọ Đến bao giờ lớn lên thì quyền ở chàng!

Nước mắt nàng ràn rụa ướt má. Cuộc hôn nhân của một thiên kim tiểu thư ở kinh thành, ai ngờ lại kết thúc bẽ bàng như thế! Đoàn Tư Trực động lòng, đưa mắt nhìn anh.

Đoàn Trưng vẫn lạnh lùng không nói.

Mấy hôm sau Thể Cúc ngược thuyền về dinh.

*

Từ hôm về lại phủ, Thể Cúc như người mất hồn, cứ thờ thẫn hết ra lại vào chẳng thiết làm gì mà cũng chẳng muốn nói năng với ai. Đã lấy chồng là thể giá ở nhà chồng, người đàn bà bị chồng bỏ, đem trả về cho cha mẹ, chẳng những không còn mặt mũi nào nhìn ai, mà cả cha mẹ cũng tủi hổ lây... Giá mà cha mẹ nàng cũng hống hách như các nhà quyền thế khác thì họ Đoàn khó mà ăn yên, ở yên cho được! Nhưng Tùng Thiện Công là người phúc hậu, không bao giờ vì hiềm riêng mà sinh thù oán. Ngài chỉ âm thầm buồn! Người đời vẫn thường bảo: "Gái chồng rẫy chẳng chứng nọ thì tật kia". Hay là con gái mình cậy thế xuất thân phú quý, xúc phạm đến gia tộc bên chồng? Trong lòng ông thầm trách chàng rể gàn, có gì sao không dạy vợ mà đang tay ruồng rẫy như thế!

Tùng Thiện phu nhân thì tin chắc con mình không bao giờ là người không giữ đạo vợ, bà thầm trách chồng sao không có cặp mắt tinh đời, đem đứa con ngàn vàng gả cho thằng rể gàn dở nhẫn tâm! Tuy bà chẳng nói ra lời, nhưng Tùng Thiện Công vẫn cảm thấy sự trách cứ âm thầm của vợ, lòng ông vì thế cũng không nguôi. Giá cái đêm rằm tháng sáu ấy ông không bỗng dưng nghĩ đến việc chọn Đoàn Trưng làm rể, biết đâu duyên phận của Thể Cúc sẽ khác đi, yên ả hơn, an nhàn hơn!

Hôm nay cũng đêm rằm... Tùng Thiện Công trong lòng miên man buồn, ngài lững thững bước xuống hành lang rộng nối sang khu Bạch Bí. Một bóng ai gầy gầy ngồi dựa cột, lặng thinh nhìn trăng. Ngài nhìn lại: chính là Thể Cúc.

Nàng ngồi bó gối, tóc vẫn dài trùm lưng, trong tay cầm cuốn giấy đầy những chữ thảo. Tùng Thiện Công cầm lên, ánh trăng sáng đủ để ngài nhìn rõ. Ngài nhận ra nét chữ của Đoàn Trưng.

- Trung nghĩa ca - Ngài lẩm bẩm rồi giở tiếp vào trang trong. Tùng Thiện Công đọc một lúc, bụng bảo dạ:

- Chết chưa nó lại dám bình luận về việc của Hoàng thượng sao? Thể Cúc con không nên đưa cho ai đọc bài ca này. Để ta cầm về cất giữ cho con.

Thể Cúc không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn theo cha đang cầm cuốn giấy trở lên nhà, đôi mắt ảo não của nàng đầy vẻ tiếc nuối. Đó là những vần thơ của chồng nàng, khi chia tay nàng đã đem theo làm kỷ niệm. Dù chàng đã xử tệ, thì nàng cũng không thể quên con người chàng trong bao năm qua, con người mà nàng vừa yêu thương vừa kính nể.

Đêm ấy Tùng Thiện Công thắp nến, đọc lui, đọc tới bài cạ Đôi vai gánh đá xương mòn. Mông trôn roi đánh chẳng còn mảnh dạ Thì ra dân các vùng phụ cận kinh thành đang chịu cảnh khổ sở thế này đây! Vốn có lòng nhân hậu, Tùng Thiện Công suốt đêm không sao nhắm mắt.

"Nước nhà còn nghiêng ngửa, dân đói nghèo, thiên tai đeo đẳng, đã thế còn bày cảnh ức hiếp dân... Một khi dân không chịu nổi nữa, họ nổi lên thì liệu cả hoàng thất có yên được mà ngồi trên thiên hạ hay không? Mà sao ta khiếp nhược thế, không dám tâu lên Hoàng Thượng!".

Canh năm chưa rạng, Tùng Thiện Công đã trở dậy, gọi người hầu lấy nước súc miệng, rửa mặt. "Lấy cho ta chiếc áo chầu, ta muốn vào cung xin bệ kiến Hoàng Thượng".

Ngài vừa xỏ tay vào chiếc áo rộng mầu đỏ thêu rồng bốn móng thì chợt nghe tiếng huyên náo ồn ào, rồi Uyên Sồ xô cửa chạy vào. Nàng Uyên Sồ thường bước đi êm như ru, vậy mà giờ đây chân đi lính quýnh, mặt tái ngắt không còn giọt máu:

- Bẩm Tướng Công, nghe nói Đoàn Trưng nổi loạn, đêm qua đã kéo người vào cung xâm phạm Hoàng Thượng!

Tùng Thiện Công kêu lên một tiếng hãi hùng. Trời tối sầm trước mắt. Ông chỉ kêu được một tiếng rồi ngã quỵ. Uyên Sồ chạy đến đỡ, nhưng rồi nàng cũng khuỵu xuống cạnh ông...

*

Đoàn Trưng không phải người nhất thời manh động, chàng đã sắp đặt trước rất chu đáo về việc lật đổ vua Tự Đức để phò Đinh Đạo, con trai của An Phong Công Hồng Bảo lên ngôi (*) Thật ra việc tôn phò Đinh Đạo đã nhiều người nghĩ tới, họ vốn là thủ hạ của An Phong Công ngày trước; Tự Đức lên ngôi đồng nghĩa với phái An Phong Công thất thế, lòng họ tất nhiên không khỏi uất ức. Cái án xử giảo dành cho An Phong Công làm xúc động nhiều quan chức trong triều, vì vậy trước đây những ai có cảm tình với Hồng Bảo thì nay lại có thiện ý với Đinh Đạo - con trai Hồng Bảo, sau khi cha chết đã bị buộc đổi sang họ Đinh là họ mẹ. Đoàn Trưng xuất thân dân dã, không phải thủ hạ của Hồng Bảo, chưa từng chịu ơn ăn lộc của nhà ai, chàng và các anh em đồng chí của chàng tôn phò Đinh Đạo vì đó là cách duy nhất để gạt Tự Đức ra khỏi guồng máy quốc gia. Cũng như phần lớn kẻ sĩ trong nước, chàng đã thất vọng vì thái độ nhu nhơ, khiếp nhược của hoàng đế đương thời trước sự hàm dọa của giặc Pháp. Càng thất vọng hơn khi guồng máy dân chủ ngày càng quan liêu, dân chúng khổ cực trăm đường. Nói gì đến những nơi xa xôi, ngay làng Dương Xuân cách kinh thành chưa đến nửa ngày đường, dân phu ở Vạn Niên ngày ngày tắm mình trong máu và nước mắt mà ở kinh thành vua quan nào ai để mắt đến!

Chỉ có một cách: Thay đổi người cầm đầu đất nước. Mà muốn thực hiện điều đó thì phải dùng bạo lực.

Nghĩ thế nên từ khi giao kết với Tôn Thất Cúc, người trông coi cấm binh trong Hoàng Thành, Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực thường xuyên đến gặp Nguyễn Tăng Hựu, Lê Văn Cơ, hai vị quan ở công trường Vạn Niên. Hai người này tuy làm quan nhưng thấy bọn Nguyễn Vân Chất, Nguyễn Văn Xa đày đọa dân phu quá tàn độc, họ rất căm phẫn! Cả hội cùng nhau chích máu ăn thề, quyết tâm làm việc lớn: Cứu nạn cho dân, mà cũng xoay chuyển luôn vận nước!

Nửa đêm mồng tám tháng tám năm Bính Dần, dưới sự chỉ huy của nhóm Đoàn Trưng, Đoàn Trực, toàn bộ dân phu đói khổ ở Vạn Niên Cơ nhất tề nổi dậy, bắt trói Thống Chế Xa rồi mỗi người cầm một cái chày giã vôi, chạy thẳng vào cung cấm, quyết hạ bệ Tự Đức, phò hoàng tôn lên ngôi. Đã bao ngày bị đè đầu cỡi cổ, nay đã vùng lên được họ reo mừng rầm trời, xông thẳng vào cửa Ngọ Môn, khí thế như vũ bão. Hữu quân Tôn Thất Cúc làm nội ứng, mở cửa Đại Cung Môn, nhờ vậy quân khởi nghĩa nhanh chóng kéo nhau đến điện Càn Thành.

Nghe tiếng hò la vang trời, Tự Đức trở dậy. Cung nữ, thái giám nhớn nhác chạy đến:

- Nguy lắm rồi xin bệ hạ tạm lánh ra phía sau cung rồi tìm đường thoát đi.

Tự Đức lật đật chạy vào sau nội tẩm. Người hầu đóng sập cửa Tả Sương lại, vừa đúng lúc quân nổi dậy ập vào:

- Hôn quân trốn rồi, bỏ chạy rồi!

Có tiếng ai đó nói lớn bên ngoài. Lại có tiếng một người khác:

- Quân ta vây chặt bốn phía y chạy đường nào cho được? Chắc chỉ tạm trốn sau tẩm cung mà thôi!

Đó là tiếng Đoàn Tư Trực đang chỉ huy quân khởi nghĩa.

Tiếp đó là tiếng reo hò, tiếng chân người rầm rập, rồi hai cánh cửa bị xô thật mạnh. Tự Đức vẫn lánh phía sau, chỉ cần cánh cửa bật ra là một vương triều thay chủ. May sao cho Tự Đức, một thị vệ liều thân đứng chắn, hai tay ra sức đè hai cánh cửa, cố cưỡng lại sức xô từ ngoài vào. Hai cánh cửa lúc xô vào, lúc bật ra. Người thị vệ đang chắn cửa vẫn cố hết sức chống đỡ. Bỗng trong một phút cánh cửa hé ra rồi bật vào, một tai của chàng trai bị kẹp vào giữa hai cánh cửa, máu ứa ra ròng ròng nhỏ giọt.

Nhà vua từ chỗ ẩn nấp nhìn ra trông chừng, thấy vậy hô vội mấy tên thái giám chạy ra giúp sức. Người thị vệ ấy thật dũng cảm, vành tai bị hai cánh cửa kẹp đứt lìa, máu tuôn ướt áo, vậy mà vẫn nghiến răng chịu đau đè chặt cửa không buông.

Mấy cung nữ còn lại quanh vua xanh xám cả mặt mày. Bên ngoài đảng nghịch thì đông, chúng cứ nhất định phá cửa thì làm sao số người ít ỏi bên trong chống lại cho nổi? Cái chết đã đến gần trong gang tấc.

Bỗng bên ngoài có tiếng huyên náo, có tiếng đao kiếm va chạm loảng xoảng, hơn nửa canh giờ chưa thôi. Rồi có tiếng ai đó quát lớn:

- Bên trong hãy mở cửa ra! Chúng tôi là lính Kim Ngô đến cứu giá, đã trừ xong đảng giặc!

Nhận được tín hiệu quen thuộc, chàng đội trưởng thị vệ buông tay, ngã lăn xuống đất ngất đi. Lúc này nhà vua mới nhận ra đó là Hồ Oai, Chưởng vệ đội quân Long Vũ trấn giữ Càn Thành.

Trong thời gian hai bên giằng co trong ngoài cánh cửa, hai cánh quân Kim Ngô và Dực Trảo đã kịp đến vây đánh phía sau những người nổi dậy. Vốn là những người nghèo khổ, ốm yếu, không hề được tập luyện, họ không thể chống nổi sự đàn áp của quân lính, người chết tại chỗ, người chạy tháo thân. Đoàn Trưng và các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa đều bị bắt!

Cái tai bị đứt của Hồ Oai đã cứu vãn một triều vua.

*

Từ rạng sáng ngày mồng chín, dân kinh thành ai đi qua cửa Chính Đông đều nhìn thấy một ông già mình mặc áo xô, đầu chít khăn xô đang quỳ giữa đường, đầu đội sớ, mặt quay về phía hoàng cung. Đó là Tùng Thiện Công Miên Thẩm đang quỳ xin chịu tội: các án mà Đoàn Trưng gây ra không nhỏ, đó là tội phản nghịch, theo luật thì phải tru di ba họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ.

Hoàng Đế Tự Đức vừa thoát nạn lớn, khí chất ngài vốn ốm yếu lại bị xúc động mạnh nên ngày hôm ấy mình rồng không yên. Lại thêm đám loạn vừa dẹp tan, hoàng cung nhốn nháo, các quan vào ra xin thánh chỉ, nhà vua không lúc nào rảnh mà nghĩ tới tình cảnh ông chú ruột. Mãi đến chiều tối, trống thu không đã điểm, Tùng Thiện Công nhức nhối cả thân mình, muốn ngất đi mà không dám ngất, mới thấy một quan Thái Giám từ trong cung cỡi ngựa ra. Viên Thái Giám không đem chiếu chỉ của vua, chỉ truyền lệnh:

- Hoàng Thượng truyền Hoàng Thúc cứ về nhà tạm nghỉ, công tội đâu đó sẽ định đoạt sau.

Tùng Thiện Công gạt lệ, run run đứng lên, hai tay dâng sớ nhờ quan Thái Giám về dâng lên Thánh Thượng.

Mấy ngày sau cả tòa phủ đệ ngập tràn không khí tang tóc. Ký Thưởng Viên lặng lẽ, hoa lá bơ phờ không ai chăm tưới. Trong khu nhà Bạch Bí luôn nghe tiếng khóc thút thít, trên những mặt người võ vàng là những đôi mắt sâu trõm vì lo sơ...

*

Quan tam phẩm Trương Cửu Nghi cỡi ngựa tiến vào, hai bên là đội quân thị vệ đội nón đỏ, mặc áo đỏ nẹp vàng. Cổng phủ mở rộng. Trong sân, cả nhà Tùng Thiện Công Miên Thẩm quỳ trước hương án, chờ nghe chiếu vua.

Trương Cửu Nghi chưa vội truyền đọc, nhìn quanh một lượt xem có đủ mặt con trai con gái trong phủ không. Ông hắng giọng, nhìn quanh:

- Có vợ và con của nghịch Trưng ở đây không?

Tùng Thiện phu nhân đang quỳ, ngẩng mặt lên thưa:

- Bẩm tiện nữ là vợ của kẻ nghịch, đã là tội nhân của triều đình nên chúng tôi đã cho trói giam riêng một nơi. Còn cháu thì đang ở đây chờ lệnh.

Bà đưa mắt nhìn cu Ngáo đang được một thị tỳ bế quỳ bên cạnh. Thằng bé chẳng biết gì, hai tay cầm một chiếc ngù lông mầu xanh, vừa nghịch vừa cười. Ả thị tỳ vội giữ cái nắm ngù, nắm tay thằng bé chắp lại. Thằng bé ngước lên nhìn, đôi mắt hạt nhãn tròn xoe đen láy.

Quan tam phẩm Trương Cửu Nghi truyền:

- Cho gọi vợ nghịch Trưng ra quỳ nghe chiếu thư.

Lát sau hai thị nữ xốc nách Thể Cúc ra. Nàng mặc áo trắng xõa tóc trên mặt chẳng còn chút khí sắc nào. Hai thị nữ vừa lơi tay thì hai đầu gối nàng sụm xuống, nàng quỳ gục đầu trên mặt đất.

Trương Cửu Nghi bắt đầu truyền đọc chiếu vua:

"... Nghịch Trưng đem lòng hung bạo, toan phạm đến Thánh Thể, tội ác ấy thực tày trời không thể nào dung thứ" Lòng người ai cũng oán ghét y, dù có mười lần đem giết cũng chưa xứng tội. Trẫm vốn lòng khoan thứ không muốn chấp kẻ vô loài nhưng phép nước rành rành, không thể để loạn mối giềng xã tắc. Nay theo Tam Pháp Ty nghị án, xử nghịch Trưng và đồng đảng thật nặng để làm gương.

Đinh Đạo tuy không trực tiếp chủ xướng việc ác nghịch nhưng để cho đảng phạm lợi dụng, nay xử cho thắt cổ. Mẹ, vợ và các con cũng đều phải thắt cổ cho tuyệt mầm họa.

Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực cùng bè đảng 13 người đều phải xử lăng trì, bêu đầu, gia sản sung vào công quỹ.

Toàn gia họ Đoàn từ già đến trẻ đều xử trầm hà, không để sót ai. Riêng vợ của nghịch Trưng vì đã bị y đuổi về, tình nghĩa vợ chồng đã dứt nên tha cho tội chết. Tùng Thiện Công kén rể không tinh cũng đáng trách phạt. Lẽ ra thì phải cách hết chức tước, tịch thu gia sản. Nhưng Trẫm nghĩ tình hoàng thúc là người nghiêm cẩn, phúc hậu, vậy đặc cách tha cho mọi tội, chỉ cắt hết lương bổng trong tám năm. Vậy đủ thấy lòng thương mến của Trẫm đối với cốt nhục trong hoàng thất... "

Chỉ truyền ra, cả nhà Tùng Thiện Công như trút được mối lo, ai nấy dập đầu bái tạ. Chỉ một mình Thể Cúc khóc rống lên, lết về phía quan truyền chiếu:

- Xin đại quan bắt thiếp đi, cho thiếp được chết!

Giờ đây nàng đã hiểu vì sao Đoàn Trưng đuổi nàng về phủ. Chàng đã lo trước những tai họa có thể xảy ra, và đã nghĩ đến con đường sống cho nàng! Nàng khóc nấc lên uất nghẹn:

- Trời cao đất dày ơi? Chồng tôi trung nghĩa mà chết, tôi còn cầu sống làm chi nữa!

Quan truyền chỉ cau mặt, hừ một tiếng:

- Làm giặc mà còn tự xưng trung nghĩa! - Thấy Thể Cúc lê đến níu vạt áo mình, ngài rẫy mạnh ra, quát:

- Ai chết, ai sống đã có lệnh vua! Tưởng muốn chết là được sao?

Uyên Sồ và mấy thị nữ chạy ra lôi nàng lui.

Họ kéo nàng đến trước án thư, sợ sệt khuyên nhủ:

- Nhà vua tha tội chết cho tiểu thư, phải dập đầu tạ Ơn Thể Cúc lắc đầu sặc lên khóc. Bỗng nàng nghe tiếng Tùng Thiện phu nhân tha thiết van lơn:

- Con ơi, con thương cha, thương mẹ thì gắng quỳ xuống dập đầu đi con!

Tiếng nói của mẹ nàng làm nàng tỉnh trí lại một chốc. Nàng gắng gượng khấu đầu lạy, Tiểu Bạch và Uyên Sồ dìu hai bên, đỡ nàng đứng lên, quỳ xuống, họ nói giùm nàng:

- Tội nhân là Thể Cúc xin tạ Ơn khoan hồng của Thánh Thượng!

Như cái máy, nàng cũng nói theo: "... Tạ Ơn khoan hồng của Thánh Thượng!" Rồi nàng khấu đầu lần cuối, và chợt thấy đất tối sầm như mở ra, sâu hút dưới chân nàng.

Khi đứng dậy, Thể Cúc không còn nhớ gì nữa. Nàng đã mãi mãi trở thành một con người khác.

Nhiều năm sau, đêm đêm những người sống gần tòa phủ thường nghe xa xa tiếng ru con rất thảm thiết. Họ thường đồn nhau là tiếng của ma cây đào, vì nghe chẳng giống tiếng người.

Không ai biết đó là tiếng một người đàn bà điên được nuôi riêng trong một biệt phòng nơi khu nhà Bạch Bí.

Hết