Chương 1
Ngày hôm ấy, thầy Cử Sinh chán nản việc đời. Mài thoi mực đen, cắn đầu bút thỏ, thầy viết. Thầy viết cổ thi, kim phú, ngón tài hoa bay nhẩy lối Lan đình. Viết xong, thầy đọc, đọc rồi thầy xé, xé rồi thầy đốt. Thú làm thơ khôn tiêu tán nỗi lòng tức bực, thầy Cử xách nón đi chơi; không khí chiều thu êm dịu, thầy ngắm cảnh trời xanh trăng bạc, dường như nhè nhẹ cơn sầu. Bóng cây chiếu thẳng giữa đường, trông tựa mấy giọt mực đen, rải rắc trên tờ giấy trắng.Say cảnh tiêu điều, tịch mịch, thầy Sinh nghĩ ngợi bâng khuâng; bụi tre cằn lẩn mầu chiếc áo lương thâm, khiến hình ảnh thầy trộn lộn với hình ảnh chung của Tạo vật. Bồi hồi, thất vọng, thầy Cử nhớ lại cuộc đời dĩ vãng, một nỗi buồn vô hạn tự nhiên chan chứa trong lòng.Khoa Mão hồi trước, cũng như mọi nhà hàn sĩ, thầy Sinh lều tráp đi thi. May nhờ phúc ấm tổ tiên, thầy được dự tên chót bảng. Không đến nỗi thẹn với hai mươi năm đèn sách, thầy Sinh lấy thế làm mừng. Trên bước vu quy, thầy những mong chen lọt vào lầu hoa, gác thắm, thanh vân nhẹ bước công hầu. Có ngờ đâu thời thế lại đảo điên, mà mệnh đồ nhiều nỗi khó! Nghĩ đến cảnh Lý Quảng nan phong, Phùng Đường dị lão, thầy đâm ra chán hẳn cuộc đời. Thôi thì: "Quân tử an bần", thầy cũng chả thèm bôn tẩu, nhất tâm nằm dạt xó nhà, ngâm thơ uống rượu; dẫu bị cảnh bần hàn thanh bạch, thầy không màng kiếm miếng đỉnh chung!Vì thế, quan huyện Thanh Hồ, nghe nói thầy người chí khí, thân hành đến đón tận nhà. Võng lọng linh đình, thầy Cử về nha dạy học; có nhẽ số phong lưu nhàn hạ, ngày nay đã theo thời vận, cứu thầy khỏi bước nghèo nàn. Một quãng thời khắc cỏn con, thầy Sinh đã nghiễm nhiên ra mặt con nhà mô phạm! Rồi, thơ chặt túi, rượu lưng bầu, mặc sức nhà nho lỡ vận rung đùi mà ta thán nhân tình thế thái, hoặc ngậm ngùi cảm khái, ngâm nga những khúc tiêu tao!Trông bóng trăng thu, đã nhiều phen, thầy Cử lên giọng đắng cay chua chát, nghe ai oán như tiếng trùng than dưới cỏ, lâm ly như hạt móc đập cành tiêu, khiến tàn canh sực tỉnh giấc cô miên, bà lớn huyện những xúc cảm, sụt sùi bên gối phượng... Bà lớn, từ xưa, vẫn có tiếng là người hay chữ; không những làm ăn khéo léo, đi đứng nhu mì, đến nghề thi phú văn chương, bà lớn thực là tài nữ. Yêu thú làm thơ, bà lớn thường đặt ra những khúc não nùng, tiêu sái, lẳng lơ như hoa lả gió, buồn bã như cảnh thu tàn, sành xem văn đến như cụ Bảng Châu Giang, cũng phải phục bà lớn là một thi nhân lãng mạn.Thầy Cử, từ ngày về huyện, trà sớm, đèn khuya, chăm nom hai thằng cháu bé. Hai cháu học mỗi ngày một khá, quan lớn rất đỗi vui lòng, bà lớn cũng thường đẹp dạ. Vì thế, cơm tám, rượu sen, chả thơm, canh ngọt, ông thầy thong thả thời cơm; yêu con nên trọng đến thầy, bà lớn là người khéo xử. Vui cảnh xuân tàn, quan lớn thì câu thơ chén rượu; khách thâm nho may lại gặp tay đồng chí, tài nào không ý hiệp, tâm đầu! Trong hoàn cảnh tương kính, tương thân, thầy Cử không đến nỗi thẹn với những kẻ, tình thế giống thầy, mà chịu cúi luồn theo khuôn phép những nhà quyền quý. Kể ra, thầy cũng thực là sung sướng: được chỗ an nhàn ngồi giảng sách, còn gì hơn trong lúc khốn cùng này?Tuy nhiên, gặp những buổi gió vàng gieo lá rụng, không tài nào thầy tránh khỏi mối bi thu. Đối cảnh thu sơ, thầy trông cúc nở, sen tàn, bất giác thương thân mình chịu mai mòn theo tuế nguyệt. Giọt móc rụng nhịp nhàng trên khóm trúc, lại khiến thầy đau đớn phận tha hương. Sẵn mối hoài cảm chứa chan, thầy không đủ sức đè nén nổi con tâm thổn thức. Gióng bóng trước ngọn đèn le lói, thầy buồn rầu ngâm nga những khúc "Ly tao". Giọng thầy não nuột, du dương, lúc canh khuya phẳng lặng êm đềm, thường réo rắt vang suốt trong ngoài huyện lỵ. Dư âm man mác như bay lượn nhẹ nhàng trong bóng tối, như giục lòng ai ngây ngất suốt đêm trường... Trên gối phượng, đôi phen, bà lớn giật mình tỉnh giấc. Cám cảnh trăng tà gió lạnh, bà lớn xót phận mình, ngao ngán, những hờn duyên. Lại vẳng nghe giọng ai oán, thiết tha, hồn thi sĩ nào tránh khỏi lúc bâng khuâng, tê tái? Dưới chăn loan, bà lớn bất giác ngậm ngùi tuôn lệ ngọc; mà, nằm co ro trong thư viện, thầy Cử vẫn nghêu ngao vẳng ra những khúc não nùng... Than ôi! Cái nghiệp văn chương! Nó thường bắt người phải cảm hoài, ảo não, tủi cảnh mình nghĩ thương ai chung hội, mà bẽ bàng trông bóng suốt năm canh!...