Mẹ xây tháp cho tôi từ năm tôi mười ba, chớm tuổi dậy thì. Năm tôi mười lăm, tháp xây xong, vừa lúc con gái nhà người ta kén chọn lang quân. Thân tháp bằng đá đen lởm chởm, loại đá có những điểm lấp lánh nhỏ dễ làm người ta nghĩ đến con mắt loài ma trơi đi tìm xác người trong đêm tối. Đỉnh tháp cao vượt khỏi những ngọn đồi thấp chung quanh, chạm ngà voi. Nghe nói có thể nhìn thấy màu trắng dịu dàng của nó lẫn trong màu lá xanh từ khúc quanh của con sông Mân đỏ đục phù sạ Người tò mò đến gần hơn, sẽ nhìn thấy khung cửa nhỏ, và tôi.

Mẹ không muốn cho tôi lấy chồng. Bọn đàn ông chỉ rặt một lũ háo sắc, ham vui. Không hời hợt cũng vũ phụ Không ngốc dại thì bạc bẽo. Không đáng bận lòng vì chúng đâu, con ạ. Mẹ giải thích như thế giữa câu chuyện kể về chiếc tháp vừa bắt đầu. Rồi mẹ đi lấy chồng, người xứ Vang, xa tít phiá bên kia sông. Tôi không đếm nổi những lần mẹ đi lấy chồng. Vài tháng, lâu nhất một năm, mẹ sẽ quay lại tìm tôi, thề hận thề ghét đàn ông suốt đời. Bao nhiêu thất vọng cay đắng của những lần hôn nhân đó, mẹ đem vào lời lẽ nửa tâm sự nửa đe doa. thủ thỉ vào tai tôi trong những khoảng thời gian ngắn ngủi trái tim bà không điên đảo vì một người đàn ông. Mẹ đã vướng vào vòng tục lụy, bà nói, như con mồi mắc vào lưới nhện, muốn gỡ cũng chẳng được nào. Con cố mà giữ lấy sự trong trắng yên ả của riêng mình. Bọn đàn ông ấy, chúng sẽ tìm mọi cách xao xuyến lòng con. Chúng thích tiếm đoạt, thích chinh phục, thích khoe khoang. Chúng sẽ dùng sắc đẹp của con như vòng hoa chiến thắng, tình yêu của con như men rượu liên hoan. Sự đam mê của chúng bồng bột và dễ tan như pháo bông. Không có gì bền lâu trong tim chúng, ngoại trừ bản năng chiếm hữu. Những lời của mẹ, nhiều khi sắc như lưỡi dao mới mài, nhiều khi lảm nhảm như kẻ mất trí, qua năm tháng như giòng nước mòn ruỗng lòng tin của tôi vào con người. Tôi không muốn nọc độc của chúng thấm vào tim tôi, nhưng không nhiều thì ít, chúng góp phần thành hình tâm trí tôi.

Tôi không yêu mẹ. Trái tim của tôi không cảm thấy tình yêu của mẹ dành cho tôi, và trí óc tôi không tin vào sự sáng suốt của mẹ. Tin làm sao được người đàn bà nhẹ dạ, trôi nổi từ hôn nhân này sang mối tình khác thoăn thoắt như những chuyến đò ngang sông Mân ? Mẹ không hiểu những người đàn ông mình yêu, không biết giữ tình yêu của họ, và không kềm được sự yếu đuối của chính mình. Tôi đoán mẹ muốn thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn yêu rồi chán/hận của bà, nhưng không thoát ra được đam mê của mình. Bà đổ lỗi cho bà ngoại tôi khi xưa vội vã gả con lấy số tiền thách cưới làm của dưỡng già. Mẹ tôi không yêu chồng, mang tôi trốn theo người láng giềng. Khi người ấy cưới thêm nàng hầu, mẹ tôi bỏ đi. Những người tình, người chồng sau đó, tôi không được biết. Mẹ tôi gửi tôi cho người vú nuôi, dựng căn nhà nhỏ ở bìa rừng cạnh sông Mân, xa nhà cha tôi hơn hai trăm dặm vì sợ cha tìm đến bắt tôi về. Mỗi lần ghét hận đàn ông, bà lại nhớ đến con. Bà tạt ngang căn nhà nhỏ, ở lại vài ngày, cho đến khi màu hồng trở lại trên đôi má bà, và ánh mắt trong trẻo không còn vẩn lên những sợi chỉ đỏ ngầu nước mắt. Bà như đám mây trên trời, lúc tụ lúc tan, lúc trắng ngát, lúc xám đen.

Dù sao chăng nữa, những lời gần như độc thoại bà nói không dứt mỗi lần ghé thăm tôi là những tiếng nói hiếm hoi tôi nghe thấy. Vú nuôi của tôi ít học, ít lời. Căn nhà nơi bìa rừng không có mấy ai qua lại, mà tôi lại không được phép gặp người lạ. Cô độc, tôi hay thẩn thơ vào rừng chơi. Những con thú nhỏ trong rừng không thích làm bạn với người, nhưng chúng có thể thích những mẩu bánh khô tôi mang theo.

Năm mười tám, tôi theo mẹ vào tháp. Người vú nuôi cũng dọn vào chung, vẫn lo phần chợ búa bếp núc cho tôi như thuở nào. Những ngày đầu, tôi vui thích chạy quanh lòng tháp tròn, lên xuống những bậc thang xoắn ốc, ngắm nhìn khung cảnh xoay chung quanh những khung cửa sổ che rèm mỏng. Trong căn phòng của tôi trên đỉnh tháp, tất cả nệm gối, màn cửa... đều màu trắng. Mẹ gọi tôi là cô công chúa nhỏ, bắt tôi ngồi giữa chăn nệm cho mẹ ngắm. Mẹ cũng ở đây chứ, tôi hỏi. Hỏi cho có lệ, vì năm đó tôi đã hiểu mẹ muốn cho tôi có cuộc sống bà mơ mộng đến nhưng không hẳn muốn nhận cho riêng mình. Như đa số con người muốn được vào cửa thiên đàng nhưng không muốn làm nhà tu khổ hạnh.

Năm sau, tôi bắt đầu chán cảnh tù túng trong tháp. Tôi nghĩ mình muốn được chạy nhảy, hái hoa bắt bướm như xưa. Bà vú thoạt tiên không bằng lòng, sợ mẹ tôi mắng. Nhưng bà nuôi tôi từ nhỏ, thương tôi còn hơn mẹ, nên cuối cùng bà cho tôi chiếc chià khoá nhỏ. Khu rừng vẫn xanh lá, mùa xuân rộn ràng hoa bướm, nhưng tôi không còn thích như trước. Tôi nghĩ mình đã quen cuộc sống trong tháp. Cũng không phải. Có một điều gì đó sai lạc đi mất rồi. Tôi thấy mình nhớ mẹ, nhớ giọng cười tiếng nói của bà ngân nga trong lòng tháp. Bà vú ít lời quá, sự im lắng chung quanh mỗi ngày càng nặng nề hơn, trì trệ đến bước chân, cử động, đến cả hơi thở của tôi. Bà vú hoảng hốt báo tin cho mẹ. Không thấy bà đến, chỉ có một mảnh lụa đen. Tiếng bà vú la khóc làm tôi bật dậy trên giường. Mau lên cô ơi, sợ không kịp nữa... Tôi choàng vội chiếc áo, băng mình qua rừng, qua sông, đến nơi mẹ Ở. Khi tôi đến, trời vừa nhá nhem tối. Cổng nhà mẹ đóng kín, nhưng then buông, khoảng sân rộng không có một ánh đèn. Tôi bước vào căn nhà lạnh lẽo, tối như bưng. Gọi không ai trả lời, tôi đi tìm nến thắp lên. Thảm dưới sàn, lụa gấm bọc ghế, tường chạm hình mây phượng, chỗ ở của mẹ đẹp như lâu đài. Dãy hành lang ngun ngút, mỗi cánh cửa tôi ghé vào tìm mẹ. Cuối hành lang, căn phòng bên tay phải, tôi nhìn thấy chiếc giường lớn phủ voan trắng. Một cánh tay mẹ thõng ra ngoài, rơi xuống mép nệm. Tôi rón rén đi đến, sợ phá giấc ngủ của bà. Sau làn voan mỏng, trong ánh nến chập chờn, khuôn mặt mẹ nhìn nghiêng gầy hơn nhiều từ dạo tôi gặp bà lần cuối. Tôi đặt ngọn nến xuống, cầm cánh tay bà nâng để lên giường. Bàn tay bà lạnh giá.

Tôi chưa bao giờ thấy người chết hay đi dự đám tang. Sự chết, với tôi, là cánh hoa tàn dưới gốc cây, là xác con chim mục ở góc rừng. Tôi không yêu mẹ lắm, nhưng tôi đang mong nhớ bà, đang cảm thấy sự chán chường không nguyên cớ day dứt đêm ngày, nên cầm bàn tay lạnh lẽo của mẹ, tôi oà khóc. Tôi đến đây tìm bà, vì bổn phận cũng có, mà vì ích kỷ cũng có. Tôi muốn hỏi bà nhiều lắm, những câu hỏi mập mờ tôi chưa từng đặt thành lời về cuộc sống trong tôi và chung quanh. Tôi lớn lên như cây cỏ, ngỡ là đơn giản thuần khiết mãi mãi, nhưng giờ đây, mười chín tuổi, tôi chợt thấy mình không còn chấp nhận ngày tháng hồn nhiên như xưa. Những thắc mắc vẩn vơ gợn lên trong trí, những khao khát xa lạ vẩn lên trong tâm hồn. Sự hiện hữu của tôi, do mẹ mang đến, nhưng nó có ý nghĩa, mục đích gì khác chăng? Mẹ đặt tôi vào cuộc sống, nhưng chưa bao giờ giải thích cho tôi biết thế nào là sống. Mười chín tuổi, tôi không còn tin sống chỉ là ăn, ngủ và thở.

Tôi khóc cho đến khi ngọn nến gần lụi tắt, vẫn ủ bàn tay mẹ trong hai tay mình. Đó là sự gần gũi sâu xa nhất giữa mẹ và tôi từ trước đến naỵ Bà ít khi chạm vào tôi, ngay lúc cần lau mặt cho tôi bà cũng gọi bà vú nuôi. Cầm bàn tay bắt đầu cứng của bà, tôi cảm thấy một sự liên hệ khác hẳn sự liên hệ giữa bà và tôi từng có, sự liên hệ thân thiết, rõ rệt đến nỗi tôi tần ngần không muốn buông bàn tay của bà xuống.

Tôi ngủ lại trong căn phòng mẹ nằm, dưới chân giường. Ngày hôm sau, tôi trở về gọi bà vú để bà thu xếp ma chaỵ Căn nhà không phải của mẹ tôi, mà của người đàn ông cuối cùng bà sống chung. Bà vú bảo tôi dọn vài thứ của mẹ tôi muốn giữ mang về tháp. Tôi mở tung những ngăn tủ lớn ăm ắp y phục của mẹ. Lụa là, gấm vóc rực rỡ, ướp hương trầm chẳng làm tôi rung động. Giữa những lớp áo quần, tôi tìm thấy một phong thơ gói trong tấm khăn lụa. Mặt lụa mềm, trơn ngát vẽ hình đôi chim hạc đùa ánh trăng. Tôi nhớ mang máng mẹ có quàng chiếc khăn này một lần đến thăm tôi thuở bé. Trong phong bì, không có lá thư nào, chỉ có tấm hình của mẹ và một người đàn ông.

Tôi biết ngay người ấy không phải là cha tôi, phải là một trong những người đàn ông mẹ từng yêu. Trong hình, bà đứng dựa vào ông ta, mặt nép vào cánh tay ông ta vòng quanh người bà. Đột nhiên, tôi tưởng tượng đến chính tôi nép mình sát vào một người đàn ông nào đó, và má tôi nóng bừng lên. Tôi nhớ cảm giác thân mật khi tôi cầm bàn tay lạnh lẽo của mẹ buổi tối tôi tìm đến. Tôi chợt hiểu tại sao mẹ bôn ba suốt cuộc đời đi tìm tình yêu của một người đàn ông. Tôi chợt hiểu điều mẹ tôi chưa bao giờ nhắc đến, những cảm giác của một người đang yêu và được yêu. Dĩ nhiên tôi chỉ hiểu như một người thấy pháo bông giữa ban ngày. Tôi có thể hình dung vẻ rạng rỡ của nó trên nền nhung đen của đêm, cũng như đoán được sức tàn phá của nó, nếu lỡ tôi để những tia lửa nhỏ kia bắn vào. Như chiếc bánh vàng ươm trong cửa tiệm làm người nhìn nhớ ra mình đang đói, vẻ mơ màng, say đắm của mẹ trong tấm hình gợi tôi nhớ đến nỗi khao khát mơ hồ của riêng mình.

Xong tang lễ của mẹ, tôi không trở về tháp, bảo bà vú tôi sẽ du ngoạn ít lâu. Bà vú không ưng ý, nhưng chỉ thở dài. Tôi mang theo tấm khăn choàng và hình của mẹ. Oái oăm thay, cô con gái mẹ hết lòng dạy dỗ phải ngờ vực và ghét bỏ đàn ông lại lên đường đi kiếm tìm một người. Và tôi, từng thấy mẹ điên rồ vì tình yêu, bây giờ lại muốn bước chân vào.

Đàn ông nhìn tôi như nhìn món quà. Có loại mê thích lớp giấy bọc lộng lẫy bên ngoài. Loại kia nghĩ đến những công dụng ???? tôi có. Cho nên nếu có người muốn chiếm lấy sắc đẹp của tôi, cũng có người muốn bắt tôi làm lụng hầu hạ họ suốt ngày. Phần tâm linh của tôi, dường như chẳng ai nghĩ đến. Họ tán tụng tôi vì ngỡ tôi cũng cần được vuốt ve tự ái như họ, mua chuộc tôi vì tưởng tôi cũng ham mê vật chất như họ, cũng có lúc đe doa. vì nghĩ tôi yếu đuối dễ e sợ. Họ yêu những giá trị thực dụng của tôi nhưng không màng đến suy nghĩ và cảm xúc của tôi. Cho dù thảng hoặc họ ân cần hay dịu ngọt, đó cũng chỉ là lớp đường bọc ngoài những viên kẹo bột vô vị nhạt nhẽo. Họ gợi tôi nhớ lại lời mẹ trước kia mỗi lần thất vọng hay chán ngán một người trong số họ. Có thể mẹ đã đúng. Họ có thể toàn lọai ngu ngốc hoặc bạc tình, chẳng đáng phải hoài công. Mẹ suốt đời đuổi bắt tình yêu, cuối cùng chết một mình không có người tình nào bên cạnh. Cũng có thể mẹ không biết chọn ngọc thử vàng đấy thôi. Lẫn trong lớp cát thô thiển bên giòng suối, biết đâu có những hạt vàng. Tôi không biết mình có đủ khôn ngoan để tìm ra hạnh phúc đời mình không. Tôi chỉ biết rằng ai cũng phải tự chọn, tự vạch lấy con đường của mình, phải đặt lòng tin vào một con người nào đó, phải tự thu nhặt những bài học trả bằng giá đắt kinh nghiệm. Tôi cũng đủ tự tin để nghĩ rằng mình sẽ thắng ván bài tình cảm, sẽ sáng suốt và lý trí hơn mẹ, sẽ không dễ bị quyến rũ như mẹ, sẽ nhìn được chân giá trị của một người của lý lẽ tuyệt đối của tình cảm.

Tôi đi, đi mãi, mang theo lòng tin rằng nếu Thượng Đế đã tạo nên nỗi đơn côi, ngài sẽ kèm theo kết hợp. Vì tôi thấy thiếu thốn, nên tôi sẽ tìm ra trọn vẹn. Tôi đi, dõi từng khuôn mặt, lắng nghe từng giọng nói để tìm ra những rung cảm gần với trái tim mình. Tôi hẹn với mình sẽ không màng tất cả, bề ngoài, của cải, thân thế. Chỉ mong một nhịp tim trùng.

Đã tìm, thường sẽ gặp. Một buổi chiều, mệt nhoài sau những ngày lang thang, tôi trở về sông Mân, định sẽ qua mùa đông trong chiếc tháp. Định mệnh hình như bao giờ cũng kỳ lạ, cho nên người tôi đi tìm cùng trời cuối đất lại ở đây, nơi tôi gọi là nhà. Chàng là người đưa đò, đơn giản và nghèo túng. Da sạm nắng, nét mặt thô kệch, áo quần bạc màu, chàng như bao nhiêu người quen lam lũ, cuộc đời gần với tai ương hơn hoan lạc. Buồn rầu, ngã lòng, tôi không chú ý đến chàng, dàu dàu ngồi nhìn giòng nước đục bên mạn thuyền. Vắng khách, đò trống, chàng buông chèo giữa sông, hát âm ư bài ca rất lạ. Giọng ca không hùng, không mạnh, vu vơ như tiếng gió qua bờ lau lách. Trái tim tôi thắt lại, gần như đau đớn. Và tôi biết, cuối cùng, mình đã yêu.

Tôi càng yêu hơn khi nhận ra chàng không nhận ra sắc đẹp của tôi. Chàng nhận tiền qua đò từ những ngón tay nuột nà của tôi cũng bình thản, ơ hờ như nhận từ bàn tay già cỗi của người đàn bà gồng gánh hàng ra chợ. Mắt chàng không khao khát phả hơi nóng ham muốn vào thân thể tôi. Đứng nép qua một bên cho những người khách xuống đò, tôi hỏi chàng tên gì. Giang, chàng nói. Nếu cô cần qua sông, nhà tôi cuối xóm chài kia. Câu mời chào thông thường của những người đưa đò.

Tôi qua sông thường hơn trước, mỗi tuần hai lần vào phiên chợ. Đôi khi, không thấy Giang ở bến đò, tôi tìm đến nhà chàng. Căn nhà nhỏ, lạnh lẽo như bếp lửa nguội trọ Chàng không ngại sự nghèo túng của mình, không áy náy thấy gấu áo hoa của tôi lấm bùn trên bậc cửa. Nhưng chàng dần dà biết đến sự có mặt của tôi, không phải như người khách, mà như một cảm giác tươi mát của mùa xuân. Như sự hiện diện của chàng đối với tôi. Lần đầu tiên tôi đặt tay mình vào tay chàng, mắt chàng nhìn tôi say đắm. Anh không ngờ được em nghĩ đến anh. Lúc ấy, bừng bừng trong cơn sốt hạnh phúc, tôi chỉ còn biết mỉm cười rạng rỡ. Chỉ khi còn một mình, ôn lại từng lời, từng cử chỉ, từng thay đổi nhỏ trên nét mặt chàng, tôi mới ngờ ngợ tự hỏi câu nói của chàng thực ra có nghĩa gì ? Chàng không ngờ cô gái dáng vẻ trau chuốt như tôi yêu người đàn ông không địa vị tiền của, hay chàng nghĩ chàng không xứng với nhan sắc của tôi ? Hỡi ơi, những thứ chẳng bền lâu như vẻ bề ngoài hay danh vọng lại hay làm con người điên mê say đắm. Tôi đã nhận đủ những lời tán tụng và lòng si mê, tôi chỉ khao khát chàng nhìn thấy những khía cạnh khác của tôi, không hào nhoáng hay thực dụng, có thể hoàn toàn không cần thiết hoặc thậm chí dư thừa, nhưng chúng vẫn là tôi. Lúc trước mắt chàng không nhìn thấy tôi. Bây giờ, chàng nhìn thấy gì ? Liệu chàng có yêu tôi chăng, nếu tôi không có đôi mắt đẹp và mái tóc mượt ?

Những câu hỏi, thoạt tiên như những vết cấu nhẹ, nhồn nhột của móng tay, dần dần sắc hơn như chiếc răng nanh gậm nhấm lòng tôi, cho đến khi sự yên vui và hạnh phúc càng lúc càng như một ảo ảnh không nắm bắt được. Chúng choán hết ý nghĩ của tôi, những lúc xa chàng, những lúc gần chàng, những lúc yêu thương, những lúc mong nhớ. Chúng như những mắt lưới, ngày càng cuốn chặt tôi vào, và tuy tôi vùng vẫy thoát ra, tôi lại chính là kẻ dệt nên những mắt lưới kia. Sự nghi ngờ và e sợ thắt lấy tim tôi, giục giã tôi tìm ra lời đáp của những nghi vấn nung mủ trong lòng.

Phương cách thử nghiệm hình như rất dễ dàng. Tuy trí óc chàng khuất sau mái tóc, và tim chàng khuất sau lồng ngực, hình ảnh của chúng phản chiếu trong đôi mắt, thái độ của chàng. Như trong trò chơi, tôi ghi nhớ và phân tích từng cử chỉ, câu nói của chàng. Tôi sắp xếp chúng theo thứ tự, tìm con đường ngắn và hợp lý nhất nối liền từ lời lẽ này đến nét mặt kia. Nhưng hỡi ơi, ngôn ngữ, dáng vẻ không hợp lý và bất biến như những con số và phương trình toán học. Mỗi lý lẽ đều có hai chiều. Mỗi suy đoán đều dẫn đến hai kết luận. Tôi lạc vào mê hồn trận của những thí nghiệm, luân cứ của chính mình. Hạnh phúc như ảo tưởng, tình yêu mơ hồ hư thực. Một đêm, thao thức không ngủ được, tôi nhìn khuôn mặt chàng hồn nhiên bên gối. Tôi không ngờ vực tình yêu của chàng đối với tôi. Tôi ngờ vực xuất xứ, căn nguyên của tình yêu đó. Tôi như kẻ khát nước gặp giòng suối nhưng không dám uống vì sợ đầu nguồn không sạch. Tại sao tôi lại tự dày vò mình như thế? Tại sao tôi không bình thản chấp nhận, an hưởng mối tình tôi đang có?

Ngày xưa, mẹ yêu, rồi ghét, rồi hận, có phải vì mẹ bị lầm lẫn, bị phụ bạc, hay mẹ cũng như tôi, tự trói mình vào vòng lẩn quẩn của những câu hỏi và hoài nghỉ Tôi không bao giờ biết được câu trả lời, và tôi biết mẹ cũng không bao giờ tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi của bà. Trái tim tôi, đã run lên vì băn khoăn, se lại khi nhớ đến cái chết cô đơn của mẹ. Rồi tôi sẽ ra sao? Tôi có thoát được số phận hẩm hiu đó chăng? Nếu tôi mãi lăn xuống con dốc mờ mịt này. chắc chắn tôi sẽ chỉ còn một mình, trói chặt trong phiền muộn day dứt, cho dù tôi vẫn giữ được chàng bên cạnh. Tôi phải nghĩ ra cách giải đáp.

Năm hai mươi bảy tuổi, tôi trở về chiếc tháp mẹ xây cho tôi, và không bao giờ rời nó nữa. Bà vú đã già đi nhiều, vẫn ít nói như ngày nào, nhưng nét mặt vui hẳn lên khi nhìn thấy tôi. Choàng tay ôm lấy bà, vùi mặt vào mái tóc điểm bạc, tôi nghĩ: đây là một tình yêu tôi không cần phải hạch hỏi hay cật vấn. Bà không hỏi về những năm tôi xa cách, về những gì tôi đã trải qua, ngay cả những vết sẹo bên má phải của tôi.

Cuối cùng, tôi đã có câu trả lời của mình, tuy nó không hoàn toàn giống hẳn những giả thuyết tôi từng nghĩ đến. Để thử thách tình yêu của chàng, tôi tự dùng dao rạch một bên mặt của mình. Chàng thét lên khi nhìn thấy tôi. Ai đã làm ra chuyện này? Tôi nói dối, bảo là một gã cường bạo lỡ gặp phải trên đường. Chàng ôm tôi vào lòng, thương xót. Nước mắt người đàn ông hiếm hoi rơi xuống như những hạt ngọc trên vết cắt chưa kịp lành. Chàng yêu tôi, chàng yêu tôi không phải vì sắc đẹp. Tim tôi ca hát như vậy, và nỗi đau đánh mất nhan sắc dịu xuống. Tôi yên ngủ trong vòng tay chàng, đắm trong lời ca âm ư chàng hay hát lúc chèo đò.

Nếu tôi chết đi trong giấc ngủ đó, chắc hẳn hạnh phúc của tôi đã là vĩnh cửu. Nhưng tôi thức dậy. Chàng đang đăm đăm nhìn tôi, vẫn cái nhìn thương xót. Tôi bỗng hiểu ra câu trả lời: chàng không còn yêu tôi nữa. Chàng yêu tôi vì sắc đẹp, và đó là tình yêu thực. Bây giờ, điều thực duy nhất là sự thương hại. Tôi khóc, nhiều hơn lúc cầm dao rạch vào mặt mình, nhiều hơn lúc mẹ chết. Vì tôi biết chắc rằng mình cũng sẽ chết cô đơn.

Chàng chăm sóc tôi hết mực chu đáo, còn có phần hơn xưa. Nhưng chàng không dấu được sự lãnh đạm trong cái nhìn, cho dù nó che khuất dưới vẻ ân cần của một người cảm thấy bổn phận đòi hỏi mình phải đền bù. Tôi muốn nói chàng không cần phải thương hại hay lo lắng, mà nên bỏ mặc tôi. Người ta ai cũng nên đi theo trái tim của mình. Sự giả dối sớm muộn gì cũng lộ ra, với chính mình và với người khác. Nhưng tôi không nói nên lời. Kiệt lực sau tất cả mọi chuyện, tôi ngã bệnh nặng. Trong những giấc mơ chập chờn, tôi thấy mẹ, vẻ oán hận, khinh thị, cay đắng khi bà nhắc đến "lũ đàn ông".

Khỏi bệnh, tôi trở về tháp, không cho chàng hay biết. Chẳng ích lợi gì, tôi nghĩ. Tôi chăm chăm đi kiếm một câu trả lời, và tôi đã kiếm ra. Bây giờ, là lúc phải trả giá. Bước ra khỏi căn nhà nhỏ chung sống với chàng, tôi cảm thấy mình như đã chết rồi. Tôi đứng lặng rất lâu bên bậc cửa, gói hành trang tuy không bao nhiêu nhưng trĩu nặng trên taỵ Những đứa trẻ hàng xóm nhìn tôi, có đứa nhìn lén, có đứa nhìn chăm không dứt. Cô bé thường đến chơi mỗi ngày lảng đi khi chạm vào tia mắt tôi. Tất cả tình cảm đều phù du thế sao, tôi tự hỏi. Con đường về tháp không dài lắm, nhưng tôi phải ngừng lại luôn vì quá mỏi mệt. Đến bên giòng suối cách tháp nửa dặm, tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh tháp chạm ngà, lòng đông lại như tảng băng. Đó là nơi tôi sẽ gọi là nhà, khối đá đen lởm chởm kia. Cuối cùng, tôi cất bước băng qua giòng suối. Lúc cúi xuống tìm chỗ đặt chân, tôi nhìn thấy bóng mình. Giòng nước trong trẻo chảy qua, trả lại hình ảnh tôi lấp loáng. Gói hành trang rơi xuống nước, cuốn đi xạ Từ lúc tự huỷ một bên mặt của mình, tôi chưa bao giờ soi gương. Những vết sẹo nửa đỏ nửa tím, làn da bơ phờ vì bệnh, mái tóc biếng chải. Chẳng trách cô bé hàng xóm lảng đi. Chẳng trách chàng thay lòng. Hình bóng trong làn nước trong veo này có còn là tôi đâu?

Năm sau, khuôn mặt tôi đã tròn lại, những vết sẹo mờ đi nhờ bà vú mua thuốc chăm nom. Những người đàn ông men theo giòng suối tìm đến, ngẩng cổ hàng giờ ngóng cô gái bí mật trong khung cửa sổ trên đỉnh tháp ngà. Tôi vẫn là món quà trong mắt họ, sự tò mò thú vị hay chút hương vị thoáng qua trong cuộc đời. Đôi khi, nhìn thấy bóng một người đàn ông lẫn trong màu lá xanh, tôi bâng khuâng tự hỏi có phải là chàng? Những vết sẹo trong lòng tôi cũng đã dịu lại, mờ nhạt đi như những vết sẹo một bên mặt. Câu trả lời của tôi cũng thế, không còn bầm nát cay đắng như trước. Bây giờ, tôi biết tình yêu không hoàn toàn tách rời những thứ bề ngoài dễ thay đổi. Những thứ ấy, dầu không quan trọng mặc lòng, vẫn là một phần của một người. Khi người ta yêu, người ta yêu cả một sản phẩm, trọn vẹn từ màu da, mái tóc đến tư tưởng cảm xúc. Sẽ không ai biết được tình yêu bắt đầu từ đâu, gồm những yếu tố nào. Tôi đã lầm lẫn, đòi mổ xẻ, phân tích tình yêu, như người cầm dao chẻ nước. Tôi đã ngu dại, tự xoá đi chính mình trong mắt người yêu. Bây giờ, tất cả đã muộn màng, vì tôi không thể nào xoay ngược lại thời gian, vì những vết sẹo trong tim tôi, dù nhạt phai, vẫn là những vết sẹo.

Trong ngọn tháp ngà mẹ xây cho tôi, tôi tìm ra câu trả lời cuối cùng: chân lý, sự thật, dù gọi bằng cái tên đẹp đẽ nào đi nữa, cũng không thể nào thay thế hạnh phúc. Và, với tôi, cuộc đuổi bắt đã chấm dứt. Năm tháng trôi đi, bình lặng, suông sẻ, trong chiếc tháp tôi chọn là nấm mộ.

Hết