Chương 1

Nhịp tay theo điệu nhạc từ trong máy phát ra, Thảo Nguyên cho xe rẽ vào con đường trải sỏi trước mặt. Đến biệt thự “Phương Lan”, cô xuống xe, lấy đôi kính đen mang vào để che bớt một phần khuôn mặt, rồi đưa tay bấm chuông.

Một hồi chuông dài ngân vang, lát sau một người phụ nữ phúc hậu xuất hiện sau cánh cổng. Nhìn chiếc xe hơi màu trắng sang trọng đậu trước cổng, bà Phương Lan chủ ngôi biệt thự mở rộng cửa.

Thảo Nguyên lễ phép:

– Thưa cô, cháu xin lỗi đã làm phiền.

Bà Phương Lan cười hiền:

– Không sao. Tôi có thể giúp gì cho cháu đây?

Thảo Nguyên trình bày:

– Thưa cô, cháu ở xa mới đến thành phố này nên không biết khách sạn ở đâu, cô làm ơn chỉ giúp với.

Bà Phương Lan niềm nở:

– Hóa ra cháu là khách du lịch à? Chổ cô còn rộng, nếu cháu không chê thì có thể trọ lại đây cũng được.

Thảo Nguyên reo vui:

– Ôi, thế thì tốt quá! Cháu cám ơn cô.

Vừa quay lưng định lái xe vào sân thì bất ngờ đầu cô lãnh một cốc đau điếng. Thảo Nguyên xoa đầu nhăn nhó:

– Ui đang! Út đâu cần phải mạnh tay dữ vậy? Lủng “gáo dừa” con rồi.

– Dám bày trò phá Út, trị thế là vẫn còn nhẹ đấy.

Bà Phương Lan đẩy rộng cánh cửa cho Thảo Nguyên lái xe vào sân. Vừa loay hoay mở cốp xe lấy vào ly quần áo, cô liến thoắng:

– Tưởng Út quên con rồi, thế mà Út vẫn nhận ra, phục Út luôn. Mà sao Út biết là chiều nay con lên?

Bà Phương Lan chống nạnh thở ra:

– Út của con chẳng tài giỏi gì đâu. Sáng giờ, “mẩu hậu” con gọi điện cả chục lần rồi đó, con liệu thần hồn.

Thảo Nguyên cười như mếu:

– Vậy là chuyến “đào tẩu” của con bị bại lộ rồi, lại sắp nghe mẹ con ca bài “Tình anh bán chiếu” nữa rồi. Chán ghê!

Bà Phương Lan phì cười:

– Con có gan “đào tẩu” thì bây giờ phải cố mà nghe, than thở cái gì.

Vừa lúc đó chuông điện thoại reo vang, Thảo Nguyên nhăn mặt:

– Cho con xin hai cục bông gòn đi Út.

Miệng nói thế nhưng Thảo Nguyên cũng nhanh tay bắt máy:' – Vâng, là con đây mẹ ạ!

– ...

– Con xin lỗi mẹ.

– ...

– Hai tháng được không mẹ?

– ...

– Thôi thì tháng rưỡi vậy.

– ...

– Vâng, con biết rồi.

– ...

– Dạ, con nhớ. Con chào mẹ ạ!

Thảo Nguyên bỏ máy xuống. Bà Phương Lan nhìn cô, tủm tỉm:

– Sao bài “Tình anh bán chiếu” ngắn vậy hả con?

Thảo Nguyên cười như mếu:

– Dạ, mẹ bảo kho nào con về, mẹ sẽ ca nốt phần sau ạ.

Bà Phương Lan phì cười:

– Thôi, con đi tắm đi. Út nhờ vú dọn cơm rồi dì cháu mình cùng ăn.

Thảo Nguyên nhanh nhẹn mang va ly về phòng, lát sau cô trở lại phòng ăn gọn gàng trong bộ quần áo soọc Jeans với áo thun lửng hai dây. Bà Phương Lan trợn mắt:

– Sao con mặc phong phanh vậy? Đà Lạt lạnh lắm chứ không phải như Nha Trang đâu.

Thảo Nguyên thản nhiên:

– Chẳng thấm vào đâu so với mùa đông ở Paris, Út ạ.

Ngồi vào bàn ăn, bà Phương Lan hỏi:

– Thế ở Mỹ có lạnh lắm không con?

Xới cơm vào chén, Thảo Nguyên trả lời:

– Ở đâu cũng lạnh cắt da hết Út à, vì mùa đông ở đó có tuyết rơi mà.

Gắp miếng rau cần xào thịt bò cho vào chén Thảo Nguyên, bà Phương Lan nói:

– Lần này con ở với Út lâu lâu một chút rồi kể Út nghe chuyện bên đó. Hôm xuống Nha Trang đón con về, Út lật đật về ngay vì nhà cửa trang trại trên này không ai trông coi.

– Lâu là bao lâu hả Út? Lúc nãy mẹ con bảo con chỉ được phép chơi một tháng rưỡi nữa thôi. Nếu út muốn con ở lại, Út cứ trình bày với mẫu hậu con.

– Chừng đó hẵng tính. Bây giờ nói Út nghe, con ở Mỹ bao lâu?

Nuốt gọn miếng thịt bò, Thảo Nguyên đáp:

– Từ lúc con lên tám tuổi đến hết trung học phổ thông.

– Thế con ở Paris được mấy năm?

– Con ở Pháp sáu năm, bốn năm đại học và hai năm con làm việc linh tinh.

Bà Phương Lan cười:

– Việc gì là việc linh tinh?

Thảo Nguyên nghiêng đầu nheo mắt tinh nghịch:

– Út định phỏng vấn con à?

– Ừ, thì coi như Út phỏng vấn con đi. Sao, nói Út nghe đi việc linh tinh gì?

Thảo Nguyên cười to:

– Không có phóng viên nào như Út hết, chưa hỏi tuổi thơ đã hỏi bao giờ anh chết? Con là tổng biên tập, con sẽ cho Út nghỉ hưu sớm.

Bà Phương Lan phì cười:

– Con nhỏ này dám ngạo Út. Nếu Út là phóng viên, chẳng đời nào Út hỏi bao giờ thì anh chết đâu? Hỏi như vậy coi chừng chạy mất dép đó.

Hiểu lời Út nói nhưng Thảo Nguyên vờ ngơ ngác:

– Ủa! Sao lại phải chạy mất dép hả Út?

– Thì người ta vác gậy rượt chứ sao!

Thảo Nguyên cười, bà Phương Lan cũng cười theo. Bữa ăn kết thúc. Thảo Nguyên dọn chén bát giúp vú rồi lên phòng khách. Bà Phương Lan mang đĩa trái cây lên, bà cười:

– Nào, ta tiếp tục buổi phỏng vấn nhé.

Thảo Nguyên hóm hỉnh:

– Vâng! Rất sẵn sàng mời quý bà!

Bà Phương Lan ôn tồn:

– Gần mười năm sống trên đất Mỹ, ngoài việc học ra, cô làm những gì?

– Ngoài việc học ra, con làm rất nhiều việc, nhưng nổi bật nhất là học võ.

– Học võ? - Bà Phương Lan tròn mắt kinh ngạc.

Thảo Nguyên thản nhiên:

– Có gì mà Út la toán lên thế. Chỉ là học võ thôi mà.

– Ông bà nội có biết không?

– Sao lại không! Nói cho Út biết nha, cô đoạt giải vô địch tiểu bang hạng cân nữ đó nghe.

Bà Phương Lan lẩm bẩm:

– Thế thì lạ thật, ông bà nội con vốn phong kiến lắm mà.

– Dễ hiểu thôi Út ơi. Tại ông bà sống ở nước ngoài đã lâu, tư tưởng ít nhiều cũng đổi mới. Chính ông bà nội đã cổ vũ và động viên con tích cực nhất đó.

Bà Phương Lan gật gù:

– Xem ra ông bà nội cưng con hơn vàng rồi còn gì. Sao con không học đại học ở Mỹ mà qua Paris chi vậy?

Thảo Nguyên phụng phịu:

– Út biết rồi còn làm bộ hỏi khó con. Cả hai bên nội ngoại chỉ mỗi mình con là cháu gái, nên ai cũng chèo kéo. Ông bà ngoại thỉnh thoảng lại qua Mỹ dụ con qua Paris.

Bà Phương Lan phì cười:

– Ông bà ngoại mà nghe được câu nói này của con chắc là buồn lắm.

Thảo Nguyên mơ màng:

– Thật ra thời gian ở Paris, con làm rất nhiều việc có ích hơn.

Châm thêm trà vào tách, bà Phương Lan hỏi:

– Là những việc gì, Út biết được không?

Thảo Nguyên cười tươi:

– Con chỉ nói với Út thôi đấy, ngay cả ba mẹ của con cũng không hề biết việc con làm.

Bà Phương Lan cười tủm tỉm:

– Út được vinh dự vậy sao?

– Đúng vậy! Út phải giữ bí mật cho con nghe.

– Ừ, con kể tiếp đi.

– Bốn năm con học quản trị kinh doanh, bên cạnh đó con có học thêm thiết kế thời trang và học nhạc nữa.

Bà Phương Lan trợn mắt:

– Trời đất! Con học chi dữ vậy, rồi học sao nổi?

Thảo Nguyên cười hiền:

– Được chứ Út. Ăn thua là biết cách sắp xếp thời gian thôi. Thực ra lúc đầu cũng mệt lắm nhưng sau thì quen dần. Sau khi con ra trường, chỉ có ngành quản trị kinh doanh và âm nhạc là được áp dụng ngay, còn thiết kế thời trang thì mãi vẫn chưa có dịp thực hiện.

– Có phải sau khi học xong, con về phụ giúp cậu con không?

– Chỉ thỉnh thoảng thôi, vì mấy ông anh họ của con cũng rất tài giỏi. Phần lớn thời gian con đàn piano cho dàn nhạc giao hưởng của nhà hát, rồi tham gia chương trình giai điệu quê hương. Con vừa đánh đàn tranh vừa hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca cho cộng đồng người Việt nghe, mục đích là quyên góp thành lập quỹ từ thiện gởi về giúp đỡ các trẻ mồ côi ở quê mình. Nhưng cũng không thường xuyên lắm, vì con bận làm người mẫu quảng cáo nữa.

Bà Phương Lan giật mình:

– Con nói con làm người mẫu à?

– Vâng! Tình cờ con được làm người mẫu độc quyền cho một hãng mỹ phẩm. Cũng có nhiều nơi mời con làm người mẫu thời trang nhưng con không làm, chỉ thỉnh thoảng tham gia quảng cáo cho vài công ty vàng bạc đá quý thôi.

Bà Phương Lan cười vui:

– Vậy thì tiền con để đâu cho hết?

Thảo Nguyên cười buồn:

– Út nói phải! Quả thật con có rất nhiều tiền, nhưng con không có khoảng thời gian nào sống cho riêng mình cả. Công việc cứ cuốn lấy con. Nhiều đêm đang ngủ, con choàng dậy hỏi “đến giờ quay phim rồi à?”.

Bà Phương Lan thở dài:

– Nếu đã vậy thì con nên nghỉ, có ai ép con đâu.

Co chân lên ghế, vòng tay ôm đầu gối, Thảo Nguyên đều giọng:

– Chính vì vậy mà con quyết định quay về Việt Nam khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Đối với công chúng yêu âm nhạc, con là ngôi sao trong dàn nhạc giao hưởng. Trên sân khấu, con là một người mẫu sáng giá. Út nói xem, con quyết định về Việt Nam như vậy có ngốc không?

Bà Phương Lan dịu dàng:

– Mỗi người đều có lý tưởng và sự lựa chọn của riêng mình, con ạ. Út không nói con khôn ngoan hay ngu ngốc. Út chỉ muốn con nhớ rõ một điều, ngành con theo học chính thức là quản trị kinh doanh.

– Con hiểu Út muốn nói gì rồi. Cảm ơn Út.

Bà Phương Lan đứng lên:

– Thôi khuya rồi, con về phòng ngủ đi.

– Chúc Út ngủ ngon!

Cuộn mình trong tấm chăn bông, Thảo Nguyên ngủ một giấc say sưa. Cô sẽ còn tiếp tục ngủ nếu không có tiếng gọi cửa cùng với giọng bà Phương Lan bên ngoài:

– Dậy đi Thảo Nguyên! “Nướng” gì mà khét lẹt hà.

Ló đầu ra cửa, Thảo Nguyên che miệng ngáp:

– Còn sớm mà Út. Mới có tám giờ hà.

– Trời! Tám giờ mà sớm. Con gái mà ngủ như con, coi chừng ở giá đó.

Quay lưng trở vào, Thảo Nguyên đáp tỉnh:

– Con có định lấy chồng đâu mà giá với hẹ.

Bà Phương Lan xua tay:

– Út không cãi với con. Mau rửa mặt đi rồi xuống ăn sáng!

– Vâng, con biết rồi. Út xuống trước đi.

Bà Phương Lan hỏi khi Thảo Nguyên ngồi vào bàn ăn:

– Ăn xong, con có định đi đâu không?

Lặt rau cho vào tô phở, Thảo Nguyên đáp:

– Có chứ Út.

– Thế con định đi đâu?

– À! Con đi dạo quanh đây. Có lẽ là qua trang trại làm quen với ... mấy con ngựa.

Bà Phương Lan nghiêm giọng:

– Nè! Con định làm gì mà làm quen với ngựa vậy hả?

Thảo Nguyên thản nhiên:

– Cưỡi chứ làm gì. Út hỏi kỳ ghê.

Bà Phương Lan hốt hoảng:

– Không được đâu, mẹ con biết được là chết.

Mặt Thảo Nguyên tươi rói:

– Tưởng gì! Út không nói, con không nói thì làm sao mẹ con biết được. Thôi, con về phòng thay đồ đây.

Bà Phương Lan chỉ biết lắc đầu và thầm khấn vái từ đây đến ngày Thảo Nguyên về, đừng có chuyện gì xảy ra với nó, nếu không bà chẳng biết nói sao với bà Nguyệt Cầm chị bà. Thảo Nguyên đứng trước mặt bà trong bộ quần Jeans trắng, áo sơ mình vàng, hai vạt áo được cô buộc lại. Bà Phương Lan trố mắt:

– Trời! Con mặc đồ gì mà ngầu quá vậy.

Thảo Nguyên xoay một vòng, hớn hở:

– Con lại thấy gọn gàng và rất thoải mái. - Rồi cô liến thoắng - Út biết không, đồ si-đa, con chẳng biết đồ gì, nhào vô thấy rẻ, con gom một mớ. Nhờ thế mà mấy tháng nay trong giới kinh doanh, không ai biết con là tiểu thư của họ Lê Trần, mặc dù hằng ngày con vẫn vào công thường.

Bà Phương Lan ngẩn ngơ. Con gái thôn quê chừng ấy tuổi đã một nách hai con, còn Thảo Nguyên nó còn hồn nhiên quá, thảo nào mà bà Nguyệt Cầm cứ hay than thở. Bà chép miệng:

– Ít ra con cũng nên mặc váy hoặc đầm, ai lại mặc đồ gì, trông bụi quá.

Xỏ chân vào đôi guốc, Thảo Nguyên càu nhàu:

– Út giống hệt mẹ con hà. Con đi đây.

Nói xong, cô vọt lẹ ra cửa. Bà Phương Lan gọi với theo:

– Thảo Nguyên! Mang dù theo, kẻo mưa ướt hết ...

Nhưng bóng Thảo Nguyên đã khuất sau cánh cổng.

Rời nhà, Thảo Nguyên lang thang khắp nơi từ quầy sách, nhà bán hàng lưu niệm ... Nhìn ngắm chán mắt, Thảo Nguyên quay về, định bụng sẽ lên trang trại.

Bất chợt trời đổ mưa, Thảo Nguyên nhanh chân chạy qua đường tìm chỗ trú.

Vừa chạy được vào mái hiên ngôi nhà đối diện thì mưa đổ xuống như trút nước. Đứng nhìn mưa rơi, một mùi hương xộc vào mũi làm cô hắt hơi liên tục.

Chàng trai và cô gái đang đứng trú mưa bên cạnh trố mắt nhìn Thảo Nguyên.

Từ lúc cô chạy vào hàng hiên, cô cứ hắt hơi mãi, càng lúc càng nhiều. Chàng trai bước đến gần Thảo Nguyên ân cần:

– Cô à! Cô không sao chứ?

– Ách ... xì ... tôi ... ách ... xì. .... không sao.

Chàng trai nén cười hỏi tiếp:

– Thế sao cô ...

Câu hỏi chưa tròn câu, anh đã hốt hoảng chồm tới đỡ cô gái đang lảo đảo muốn khuỵu xuống:

– Nè! Cô làm sao vậy?

Thảo Nguyên thều thào:

– Mùi ... nước hoa ... Tôi bị dị ứng với mùi nước hoa.

Thảo Nguyên thở dốc vì mệt.

Chàng trai mốc túi lấy khăn tay, hứng nước mưa cho ướt đặt vào tay Thảo Nguyên ân cần:

– Cô dùng cái này bịt vào mũi, chắc sẽ dễ chịu hơn đó.

Cô gái đi chung với chàng trai lúc này mới dẩu môi lên tiếng:

– Đúng là đồ nhà quê!

Mặc dù mệt đứt hơi, trước mắt Thảo Nguyên là sao bay đầy trời, nhưng cô cũng không tránh được thường tình con gái. Cô gằn giọng:

– Lý do gì cô gọi tôi là nhà quê?

Cô gái nghếch mặt:

– Không phải sao. Mùi nước hoa dịu dàng quý phái thế này mà cô không biết thưởng thức, còn không chịu nhà quê.

Hắt hơi thêm mấy cái, Thảo Nguyên đáp tỉnh:

– Một chiếc áo không làm nên thầy tu, không ngửi được mùi nước hoa chưa chắc người ta nghèo khổ, mùi hương quý phái của nước hoa chưa chắc người ta giàu có.

Dứt lời, Thảo Nguyên bước ra đường khi cơn mưa ngừng rớt hạt. Nhận thấy tay mình còn chiếc khăn, cô ném ngược về sau:

– Tôi gởi lại anh. Cảm ơn lòng tốt của anh nhé!

Đưa tay đón lấy, chàng trai ngẩn ngơ. Lạ thật! Không quay đầu lại mà cô ném quá chuẩn. Phần Thảo Nguyên, cô biết thế là bất lịch sự, nhưng nếu quay lại, xương sườn của cô sẽ bung ra mất quá. Thật là cô hết chịu nổi, quả là một buổi sáng kinh hoàng.

Nhìn mặt Thảo Nguyên còn đỏ gay như gà chọi, bà Phương Lan hốt hoảng:

– Con sao vậy Thảo Nguyên?

Thả phịch người xuống ghế, Thảo Nguyên đáp:

– Con bị dị ứng chút thôi, không sao đâu Út đừng lo.

– Con dị ứng cái gì vậy, có cần đến bác sĩ không?

Đúng là “nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Thảo Nguyên rất ghét cái kiểu hở tí là bác sĩ, là thuốc nên cô nhăn mặt:

– Chỉ là dị ứng sơ thôi, với lại con có thuốc rồi.

Bà Phương Lan vẫn chưa yên tâm lắm:

– Nếu thấy khó chịu thì báo ngay với Út nhé.

– Dạ, con biết rồi.

Buổi chiều. Rút kinh nghiệm từ sáng, Thảo Nguyên đút vào túi quần lọ thuốc xông mũi chống dị ứng mà trước kia khi còn ở nước ngoài, nó là bùa hộ mạng của cô. Thảo Nguyên lững thững qua trang trại. Sau khi chào hỏi chú Tư người trông coi trang trại cho dì Út cô, Thảo Nguyên lân la lại gần chú ngựa trắng, trông rất phong độ. Sau một hồi đút cỏ vuốt ve làm quen, con ngựa tỏ vẻ thân thiện.

Thảo Nguyên thì thầm:

– Mày có muốn đi dạo không? Đi cùng tao nhé!

Cô tháo dậy dắt nó ra khỏi chuồng. Vuốt ve nó, cô nhỏ nhẹ:

– Tao đặt tên mày là Tiểu Bạch nhé. Tiểu Bạch, đi với chị nào.

Bị nhốt trong chuồng, giờ được thả ra nó rất thích thú nên đi rất nhanh. Thảo Nguyên cùng Tiểu Bạch dạo khắp ngọn đồi.

Chiều xuống, cô mới cho Tiểu Bạch về, lòng mừng khấp khởi vì con ngựa tỏ ra rất thân thiện với cô. Thế là mỗi chiều, cô sẽ được cùng nó rong chơi khắp thảo nguyên tươi xinh này rồi.

Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Đúng lúc Thảo Nguyên thích thú với ý tưởng cưỡi ngựa trên thảo nguyên mỗi chiều, thì trời lại đổ mưa liên tục, nên Thảo Nguyên đành nằm nhà, tuy nhiên cô vẫn dành ra một tí thời gian qua trang trại cho ngựa ăn và chải lông cho nó.

Sáng nay, trời hửng nắng nên Thảo Nguyên lò dò theo vú ra chợ. Vốn thích dâu tây nên cô mua một mớ khiến vú phải kêu trời. Ghé siêu thị mua một tí đồ để làm bánh, cô gọi tắc-xi ép vú lên xe về vì bà chỉ thích đi bộ.

Phụ vú nấu đồ ăn xong, Nguyên giành lấy căn bếp để làm bánh, loay hoay suốt rồi cũng xong. Cô hài lòng ngắm nghía tác phẩm của mình. Bà Phương Lan bảo chiều nay bà đi họp mặt bạn bè, Thảo Nguyên định tặng dì mỗi thứ hai cái.

– Thảo Nguyên à! Con đâu?

– Con đây. - Tiếng Thảo Nguyên từ bếp vọng ra - Có việc gì không Út?

– Bây giờ Út đi họp nhóm bạn bè, con có đi cùng Út không?

– Dạ thôi, Út đi một mình đi. À! Con có cái này tặng Út nè.

Mở nắp chiếc hộp vuông to được Thảo Nguyên cẩn thận cột rất đẹp, bà ồ lên:

– Ôi! Đẹp và trông ngon quá. Là bánh gì vậy Thảo Nguyên?

Chỉ vào chiếc bánh hình chiếc lá, Thảo Nguyên nói:

– Cái này là bánh ngọt dâu tây, cái còn lại là bánh dâu tây. Hai loại bánh này con làm đãi dì Út đấy.

– Út không ngờ con khéo tay ghê. Cảm ơn con nhé. Bạn của Út sẽ bất ngờ lắm đây.

Bà Phương Lan đi rồi, Thảo Nguyên mở tủ lạnh lấy mỗi cái bánh một nửa cho vào hộp, cô nhanh nhẹn thay quần áo để qua trang trại. Bà vú hỏi:

– Con định ra ngoài hả, Thảo Nguyên?

– Dạ, con qua trang trại một chút. Vú ở nhà nghen, con để phần bánh của vú trong tủ, vú ăn rồi cho nhận xét nha.

Bà vú cười hiền:

– Khỏi ăn, vú cũng biết nó ngon rồi.

Thảo Nguyên cười tươi:

– Vú làm con phổng mũi rồi nè. Con đi nha vú.

Vừa nhìn thấy ông Tư làm vườn, cô cất giọng trong trẻo:

– Con chào chú Tư!

Ông Tư ngẩng lên:

– Cô chủ mới qua.

Thảo Nguyên phụng phịu:

– Chú gọi con là Thảo Nguyên được rồi, cứ cô chủ hoài, con giận cho coi.

Ông Tư cười hiền:

– Ừ, thì Thảo Nguyên, con đi đâu đây?

– Qua thăm chú. - Đưa hộp bánh cho ông Tư, cô tiếp - Là bánh con tự làm, chứ ăn với con lấy thảo.

Ông Tư chớp mắt cảm động. Quả thật ông rất quý cô bé rất hiền ngoan. Là con gái của một tỉ phú nhưng cô rất lễ phép, biết trân trọng mọi người.

– Chú cảm ơn con nhé. Chắc chắn là nó rất ngon.

– Chú Tư ơi! Con muốn cưỡi ngựa một lát được không ạ?

– Con cưỡi được không? Hay là chú đi cùng con nhé.

Thảo Nguyên cười:

– Hổng có sao đâu chú, con cưỡi được mà.

Thảo Nguyên dắt ngựa ra. Chú Tư nhìn cung cách của cô thì biết chẳng những cô biết cưỡi ngựa mà còn cưỡi rất thành thục. Thảo Nguyên cưỡi ngựa dạp khắp ngọn đồi. Thấy ngựa đã mệt vì chạy nhiều, cô nhảy xuống cho nó nghỉ ngơi.

Thảo Nguyên ngã người trên thảm cỏ, vòng một tay ra sau làm gối nhìn lên bầu trời xanh với những đám mây trắng lững lờ trôi. Gió thổi mát rượi, Thảo Nguyên chìm sâu vào giấc ngủ. Cô ngủ thật say cho đến khi cô cảm giác nhột nhạt, cô mới mở choàng mắt dậy. Trước mặt Thảo Nguyên là một gã con trai với nụ cười thật dễ ghét.

– Công chúa dậy rồi à?

Tự nhiên có gã con trai lạ hoắc nhìn trộm mình trong giấc ngủ khiến Thảo Nguyên đổ quạu:

– Nhìn trộm không biết xấu hổ sao còn cười. Đồ vô duyên!

Anh chàng cà rỡn:

– Ấy! Tôi nhìn công khai chứ có nhìn trộm bao giờ đâu.

Biết là càng cãi càng đuối lý. Nhác thấy bóng con ngựa của mình, Thảo Nguyên bỏ đi sau khi buông một câu đầy bực tức:

– Đồ khó ưa!

Chàng trai chưa kịp trả đòn thì Thảo Nguyên đã nhảy phóc lên lưng ngựa như bay xuống đồi, mái tóc cô bay bay trong gió chiều thật đẹp khiến chàng trai nhìn theo ngẩn ngơ nuối tiếc ...

Quang Huy vừa bước ba nhà thì bị Lam Hằng, cô em họ chận lại:

– Từ chiều giờ, anh biến đâu vậy? Bạn anh kiếm quá trời kìa.

Đẩy Lam Hằng qua một bên, Huy càu nhàu:

– Kệ tụi nó, anh đâu phải là bảo mẫu của tụi nó đâu, hơi tí là kêu réo om òm mệt quá.

Lam Hằng trố mắt ngạc nhiên. Chắc ông anh cô hôm nay uống lộn thuốc rồi.

Mọi lần nhắc đến bạn trai là hai mắt sáng như đèn ô tô, sao tự nhiên hôm nay nổi cáu bất tử thế nhỉ.

– Mẹ em muốn làm sao cũng được, anh không có ý kiến.

Lam Hằng chưng hửng nhìn theo. Huy vào phòng buông mình xuống nệm, anh hình dung lại khuôn mặt cô gái anh gặp lúc chiều. Trong bộ đồ trắng nổi bật trên nền cỏ xanh, mái tóc đen dài xõa tung trên thảm cỏ, cô gái ngủ thật say.

Gương mặt trong giấc ngủ thật hiền hòa và dễ thương đến lạ. Huy lặng ngắm nàng hàng giờ không chán mắt.

Hàng trăm câu hỏi xuất hiện trong đầu không tìm ra lời giải đáp.

Lam Hằng đẩy cửa phòng bước vào với ly cam vàng trên tay.

– Mẹ bảo mang lên cho anh nè.

Đón ly cam trên tay em, Huy thăm dò:

– Em biết trang trại bên kia của ai không?

– Biết chứ sao không.

Huy hỏi dồn:

– Là của ai?

Hơi ngạc nhiên nhưng cô cũng đáp:

– Của dì Phương Lan bạn thân của mẹ em. Đừng nói là anh muốn mua nó nhé, dì ấy không bán đâu.

Huy phì cười:

– Ai nói với nhỏ là anh sẽ mua trang trại đó?

– Không mua, anh hỏi làm gì?

– Vì tò mò không được sao? - Rồi làm như vô tình Huy hỏi tiếp - Dì ấy sống có một mình à?

– Chứ với ai. Có mỗi đứa con trai thì anh ta đi du học nước ngoài rồi.

Huy nhíu mày. Rõ ràng cô gái hồi nãy cưỡi ngựa vào trang trại mà. Định lên tiếng hỏi tiếp nhưng anh kịp thời dừng lại.

Lam Hằng ra khỏi cửa lẩm bẩm:

– Ông này bị trúng tà hay sao ấy. Lạ ghê!

Huy vào rửa mặt rồi xuống phòng ăn. Bà Cẩm Hà hỏi khi Huy ngồi vào bàn ăn.

– Sinh nhật con sắp tới, con định tổ chức sao đây Huy?

Vừa cầm đũa, Huy đáp:

– Đơn giản thôi cô, vì con định qua sinh nhật sẽ về Sài Gòn điều hành công ty.

– Cô tùy con muốn sao cũng được. À! Chừng nào thì ba mẹ con về bển?

– Con không biết. Nghe ba mẹ con nói ở lại để tìm bạn của ba mẹ hồi xưa.

– Chà! Người bạn nào mà coi bộ ba mẹ con quý dữ.

Huy cười:

– Còn phải nói! Ngày xưa con gái của người đó gọi mẹ con là mẹ, nên bây giờ bà cứ mong tìm lại cô gái đó.

Bà Cẩm Hà ngừng đũa:

– Nhắc con gái, cô mới nhớ. Sao con không chịu lấy vợ đi, ba mươi rồi còn gì?

Huy cười thảm:

– hôn nhân của con bây giờ con đâu còn quyền quyết định. Chuyến về nước lần này là ba mẹ muốn tìm vợ cho con đấy.

Lam Hằng láu táu:

– Hay quá! Em có mấy nhỏ bạn có thể lọt vào danh sách ứng cử viên đấy.

Huy trợn mắt, lắc đầu:

– Thôi thôi! Nhỏ làm ơn làm phước tha cho anh được nhờ.

Bữa ăn kết thúc, Lam Hằng tò mò đi sau. Quang Huy bực mình, Huy gắt:

– Em làm trò gì vậy?

– Em thấy anh lạ lắm nghen.

Huy nạt:

– Thôi đi “bà Tám”! Anh thấy mình vẫn vậy có gì lạ đâu.

Lam Hằng vẫn ngoan cố:

– Từ chiều đến giờ, anh ngẩn ngơ hoài. Bộ có chuyện gì không ổn à?

Huy phì cười:

– Em đúng là đa nghi hơn Tào Tháo. Lo học bài đi nhỏ, kẻo thi rớt là ốm đòn đấy.

Tuy ấm ức vì chẳng khai thác được gì, nhưng Lam Hằng vẫn bỏ đi. Cô tự nhủ sẽ để mắt triệt để đến ông anh này mới được.

Lột găng tay và khăn choàng cổ thảy lên bàn, Thảo Nguyên buông người xuống ghế. Bà Phương Lan hỏi:

– Mới sáng sớm, con đi đâu về vậy?

– Dạ, con đi cưỡi ngựa về.

– Con vào ăn sáng đi, Út có chuyện muốn nhờ con.

– Chuyện gì vậy Út?

– Thì con cứ ăn xong đi đã.

Thảo Nguyên vào bếp, nhanh chóng thanh toán phần ăn sáng của mình. Mở tủ lạnh bốc vội chùm nho, cô trở lên phòng khách.

– Út nhờ con chuyện gì?

– À! Cũng không có gì. Ngày mai bạn của Út làm sinh nhật cho đứa cháu vừa ở nước ngoài về, nên ... - Giọng bà Lan trở nên ngập ngừng.

Thảy quả nho vào miệng, Thảo Nguyên thản nhiên:

– Út nói tiếp đi, con đang nghe đây.

– Chuyện là thế này. Hôm nọ con làm bánh, bà ấy thấy lạ miệng và khen ngon, nên bà ấy nhờ con làm giúp chục cái để đãi khách.

Thảo Nguyên ngã đánh rầm xuống ghế. Bà hốt hoảng:

– Thảo Nguyên! Con làm sao vậy?

– Xỉu chứ còn sao nữa.

Bà Phương Lan phì cười:

– Con nhỏ này làm Út hết hồn. Sao, con chịu giúp Út không?

– Chuyện này con không thể giúp Út được.

– Nhưng Út lỡ hứa với người ta rồi.

– Thì Út cứ nói con về Nha Trang là được chứ gì.

– Không được đâu. Út nói con chơi một tháng nữa mới về.

– Trời ơi là trời!

Bà Phương Lan xuống giọng năn nỉ:

– Con cố giúp Út đi mà! Con mà không giúp thì còn gì uy tín của Út.

Thảo Nguyên càu nhàu:

– Bạn của Út đúng là kỳ cục. Bánh ngoài tiệm có khối sao không chịu mua lại bày trò nhờ vả.

Biết cháu đã xiêu lòng, bà Phương Lan dỗ ngọt:

– Ở ngoài tiệm đâu có bán loại bánh đặc biệt đó đâu, bởi thế nên người ta mới nhờ mình chứ con.

Thảy tiếp một quả nho vào miệng, Thảo Nguyên hỏi:

– Bao giờ thì tiệc sinh nhật được tổ chức?

– Chiều mai.

Trái nho trong miệng vừa nhai chưa kịp nuốt đã bị phun phèo ra:

– Chiều mai?

– Ừ.

– Làm một chục cái?

Bà Phương Lan lại gật đầu:

– Ừ.

– Ôi trời ơi! Thế này thì có chết con không chứ.

Bà Phương Lan ngọt giọng:

– Út sẽ phụ với con.

– Là Út nói đó nha.

Thấy Thảo Nguyên bỏ đi, bà Phương Lan hỏi:

– Con đi đâu đấy?

– Đi mua nguyên liệu làm bánh chứ còn đi đâu. Phen này ba má hết nhận ra con luôn. Đúng là cái tài làm hại cái thân.

Nghe cháu than thở, bà Phương Lan thoáng buồn. Chỉ là làm cái bánh thôi có gì đâu mà nó than thở ghê thế không biết. Đến khi Thảo Nguyên bày vật liệu để làm thì bà mới biết để làm món bánh này, nó không đơn giản như bà nghĩ.

Nhìn bà Phương Lan xớ rớ chẳng biết làm gì, Thảo Nguyên lau mồ hôi trán:

– Út đi nghỉ đi, để con làm cho.

Bà Phương Lan áy náy:

– Út xin lỗi, chẳng giúp con được gì.

– Không sao đâu. Thực ra món bánh này rất cầu kỳ. Quý Út lắm, con mới làm cho Út ăn, chứ ngay cả nhà hàng người ta cũng hạn chế món này, vì nó khá cầu kỳ nên mất nhiều thời gian chế biến.

Vất vả mấy rồi cũng xong, Thảo Nguyên cẩn thận cho vào hai chiếc hộp thật lớn có buộc dây rất đẹp. Ngắm nghía tác phẩm mà phải mất một ngày rưỡi mới hoàn thành, Thảo Nguyên tính chuyện về Nha Trang trước khi bà bạn nào của dì Út nhờ cô làm bánh nữa.

Bà Phương Lan mừng rỡ:

– Út cảm ơn con nghe. À! Mà con có đi dự sinh nhật cùng Út không?

– Con không đi đâu. Cô chợt nhỏ giọng - À, Út nhớ đừng có ăn bánh nha.

Bà Phương Lan ngạc nhiên:

– Sao lại đừng ăn?

– Tại con bỏ thuốc xổ trong đó rồi. Út mà ăn vào là chạy không kịp đó.

Bà Phương Lan há hốc mồm:

– Con nói giỡn hay thật vậy Thảo Nguyên?

– Con giỡn với Út làm gì. Tội người ta làm khổ con cả ngày trời, con cho họ chạy vắt giò một phen.

– Ôi trời ơi! - Bà Phương Lan kêu lên thảng thốt.

Thảo Nguyên phì cười:

Đùa với Út thôi, chứ con đâu có ác dữ vậy.

Bà Phương Lan thở phào nhẹ nhõm:

– Nhóc con làm Út lên ruột nãy giờ.

Thảo Nguyên cười nắc nẻ:

– Lần này con bỏ qua, chứ lần sau thì hãy đề phòng đó.

Bà Phương Lan lắc đầu:

– Thôi, Út mang bánh qua sớm cho người ta dọn đây.

Bà Phương Lan đi rồi, Thảo Nguyên cũng về phòng thu dọn hành lý để sáng mai về Nha Trang sớm.