Lời giới thiệu
Với chủ đề nổi bật trong toàn bộ tác phẩm là đạo đức và trách nhiệm của người thầy thuốc, “Thành trì” mô tả một cách sinh động cuộc sống và đấu tranh của một bác sĩ trẻ tuổi tài năng, có lương tâm và nhiệt huyết, say mê làm việc vì khoa học và sức khỏe của người bệnh. Đây là cuộc đấu tranh chống lại sự dốt nát lạc hậu ngự trị trong ngành y và tổ chức y tế cổ hũ ở nước Anh đương thời, chống lại những lối làm ăn tắc trách, bất lương của những thầy thuốc coi rẻ tính mạng con người. Đây cũng là cuộc đấu tranh với bản thân, chống lại sự cám dỗ của tiền tài và danh vọng.Trong cuộc vật lộn không cân sức ấy, những người xốc nổi, bồng bột, ít từng trải như bác sĩ En- đru Men-sân đã nhiều phen mắc phải sai lầm, nếm mùi thất bại và không tránh khỏi có lúc sa ngã. Cuốn sách mô tả những bậc thang sa sút ghê gớm về đạo đức và tinh thần của một con người mà bản chất tốt đẹp đã bị những thế lực bạo tàn của chế độ tư bản làm mai một và tiêu tan.Tác giả A-cơ-ban Giâu- đớp Cơ-râu-nin là một bác sĩ trở thành nhà văn. Quãng đời bác sĩ của ông có những chặng đường giống nhân vật En- đru Men-sân. Tốt nghiệp đại học y khoa, ông về làm việc tại một vùng mỏ miền Nam xứ Uên rồi ra Luân Đôn ở hơn mười năm. Sau đó tình hình sức khỏe buộc ông phải từ bỏ nghề y.Trong những năm làm bác sĩ, Cơ-râu-nin đã có dịp tìm hiểu cuộc sống và lao động của những người thợ mỏ, và đồng thời nhìn thấy tường tận những mặt trái của ngành y ở nước Anh. Những cảm xúc và những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian đó thôi thúc ông viết và chúng đã đem lại cho tác giả những trang sách vô cùng chân thực và sinh động. Tác phẩm đầu tay “Lâu đài người thợ mũ”, ra đời năm 1931, đã đưa ngay Cơ-râu-nin lên một vị trí nổi bật trên văn đàn. Tiếp đó là các cuốn “Dưới các vì sao” (1935) và “Thành trì” (1937).Các tác phẩm của Cơ-râu-nin đều đậm tính hiện thực, chan chứa tình cảm nhân đạo và giàu tình tiết hấp dẫn. Một nhà phê bình văn học đã gọi ông là “Đich-ken mới của Anh”.