Trong các ngày lễ truyền thống của Phật giáo, đối với Phượng, ngày Phật Đản là vui nhất. Năm nào gia đình nàng cũng lãnh phần giả lập vườn Lâm Tì Ni trước sân chùa cho gia đình Phật tử Thông Tuệ trình diễn vở kịch "Phật Đản Sanh." Lại còn lễ tắm Phật rất trịnh trọng, rất trang nghiêm.

Lần nào nhìn vẻ mặt cung kính của các vị sư đối trước bức tượng đức Phật sơ sinh mủm mỉm, tươi đẹp đứng trên hoa sen, Phượng không khỏi liên tưởng đến một hình ảnh rất khác biệt. Đó là hình ảnh của một chú bé Mỹ đen mà Phượng đã có dịp gặp gỡ và tiếp xúc cách đây bốn năm về trước, lúc nàng còn là một sinh viên...

*

Trời ơi! Nó đen thủi đen thui, đen như cột nhà cháy! Sự hiện diện bất ngờ của nó làm Phượng giựt mình. Lúc bà chủ nhà giữ trẻ (child care) dẫn nó vào, mới thoạt nhìn, Phượng phát sợ.

Nó mập ú, lùn xịt. Bà chủ cho biết nó mới 18 tháng mà Phượng đoán chắc rằng nó nặng gấp 2 lần mấy đứa bé 2 tuổi trong phòng Phượng phụ trách. Tóc nó đen và khô cứng, xoắn tít lại, chồm bồm như chưa bao giờ được chải gỡ. Cái trán vồ nhô ra, mũi xẹp và to, hai gò má nung núc thịt chảy xệ xuống còn cằm bành ra, có chiều hướng đưa về phía trước làm khuôn mặt nó như bị gãy làm đôi. Trông nó giống như một hình ảnh nào quen quen... Phải rồi, chỉ thiếu hai cái tai dài nữa thôi thì nó giống hệt con chó Bulldog, dấu hiệu của Mississippi State University, trường Phượng đang theo học.

Phượng đứng nhìn nó trân trân, nó cũng giương đôi mắt lồ lộ, trắng dã nhìn lại.

Bà chủ có lẽ hiểu được ý nghĩ của Phượng, bà vừa nói vừa trao cái túi cá nhân của nó cho nàng:

— Có cần tôi giúp gì cứ gọi nhé! Hoàn cảnh của nó cũng đáng thương. Mẹ nói mới 17 tuổi lúc sinh ra nó. Sinh xong, giao cho bà ngoại nó rồi bỏ đi mất biệt.

Phượng nghĩ thầm: "Con dại cái mang! Học sinh trung học ở Mỹ ăn chơi trai gái quá loạn thành ra nạn sinh sản bừa bãi tạo nên một vấn đề lớn cho gia đình, cho xã hội và là một gánh nặng cho chính phủ."

Vì đang theo lớp cao học ngành tâm lý giáo dục nhi đồng nên mùa hè nầy nàng phải làm việc với con nít tại nhà trẻ để ghi nhận những dữ kiện thực tế, chuẩn bị cho tiểu luận ra trường vào năm sau. Lúc mới vào, tuần lễ đầu hơi vất vả với tụi nhỏ vì chưa quen. Tuần thứ hai, nhờ quen việc và chịu khó bày trò chơi chung với đám trẻ nên tụi nó, 8 đứa nhóc tì, 5 trắng, 3 đen, đứa nào cũng khoái cô giáo Phượng lắm.

Khi bà chủ vừa quay lưng đi, năm sáu đứa bé ùa tới vây quanh người bạn mới. Đứa kéo áo, đứa sờ tay, nựng má làm cậu bé sợ, khóc òa lên. Nó khóc to như bò rống! Phượng phải nắm mấy đứa bé kéo dang ra xa, miệng la không ngớt: "Leave him alone! Leave him alone!" Nhưng dù người ta đã để nó yên, ai nấy đã trở về với mấy món đồ chơi của mình, cậu ta vẫn đứng đó khóc ồ ồ... Miệng nó như một cái loa, phát ra những âm thanh thật khó chịu. Nước mắt nước mũi chèm nhèm trên cái mặt đen bóng của nó. ƠŒ thành phố nầy, người da đen hầu như chiếm đa số nhưng thật tình Phượng chưa thấy ai có màu da hắc ín như vầy. Nàng đóng cửa phòng lại để tiếng khóc của nó không làm phiền những nhóm khác.

Chẳng lẽ đứng "chiêm ngưỡng" bức chân dung xấu xí nầy mãi, Phượng thở dài, lấy một nắm khăn giấy lau mặt nó. Mấy ngón tay của nàng không dám ấn mạnh xuống vì sợ dính cái hợp chất nhầy nhụa của nước mắt, nước mũi và dãi nhớt. Phượng nhìn vào túi xách của thằng bé, thấy có bánh đựng trong bịch ni lông, vội lấy một cái đưa cho nó, hi vọng có thể tắt đài phát thanh chát chúa nầy.

Thằng nhỏ hay thiệt! Nó đang nhắm mắt hả họng bắt đầu "hát" đợt 2 nhưng khi bánh chạm vào tay, nó chụp liền rồi thồn nguyên cái vào miệng, nhai ngồm ngoàm; phân nửa rơi rớt ra ngoài, nó ngồi xuống, đưa hai bàn tay dầy cộm, tròn húp mà vồ lấy. Phượng vội đưa cho nó thêm một cái nữa, hi vọng kéo dài thời gian im lặng quí báu nầy.

Nàng quan sát túi cá nhân của thằng bé, thấy đề tên Dustin ở bên ngoài. Cái túi vừa cũ lại vừa dợ Bên trong có mấy tấm tã, một hộp nhỏ đựng khăn giấy ướt, một áo thun trắng đã ngả màu cháo lòng và cái núm vú cao sụ Phượng đoán biết một phần nào về thằng Dustin nầy: nó háu ăn và hay khóc. Thế là nàng thủ sẵn cái núm vú nhựa, chờ cậu ta bắt đầu mở máy phát thanh "bò rống" thì trám vào miệng nó liền.

Khi Phượng xoay lại nhìn Dustin, nàng càng thêm ngao ngán. Bây giờ cả cái mặt chừ bự của nó bê bết những bánh và dưới thảm, chung quanh cậu ta, bánh vụn rơi rải đầy. Đã vậy thôi sao, mấy đứa trẻ thấy Dustin được ăn, vội rời các món đồ chơi, chạy a tới đứng vòng quanh cậu bé; một vài đứa cúi xuống lượm các miếng bánh vụn, giành nhau chí chóe. Nó lại cất tiếng khóc và tụi trẻ con, một vài đứa cũng mè nheo đòi ăn. Phượng giơ cả hai tay lên, lắc đầu chịu thuạ Nếu ngày nào cũng tái diễn cảnh nầy, nàng sẽ bỏ việc!

... Loay hoay rồi cũng sắp sửa tới giờ ăn trưa. Phượng lo rửa tay và mang choàng cổ cho từng đứa, giúp chúng sắp hàng ngay ngắn chờ được dẫn ra phòng ăn. Nhưng thằng Dustin đang ngủ (đáng lẽ không được cho nó ngủ trước bữa ăn nhưng trường hợp nầy hơi đặc biệt.) Dù sao cũng phải đánh thức nó dậy. Giờ nầy mà mở "đài tiếng nói bò rống" của nó lên thì phiền lắm vì đây là lúc mọi người đang bận rộn lo cho tụi nhỏ ăn uống.

Phượng thủ sẵn cái núm vú cao su rồi lấy tay khều khều. Chẳng ăn thua gì! Nàng lắc vai nó, đỡ nó ngồi dậy nhưng Dustin vẫn ngủ khò. Cuối cùng, nàng lấy khăn ướt lau mặt nó, lau thật mạnh nó mới chịu mở mắt ra. Khi cặp mắt vừa mở thì cái miệng cũng hả ra cùng một lúc, Phượng nhét vội cái núm vú cao su vào, nó lại nhăn nhó, nhả ra. Nguy rồi! Nhìn cái mặt nó vào lúc nầy thật dễ ghét: cái mặt thịt xề xệ đen thui, vừa lừ đừ vừa quạu quọ. Nếu nó là em của Phượng, Phượng chờ nó cất tiếng khóc là bóp miệng ngay, cho đỡ tức.

Nàng chợt nhớ lại bài học về tâm lý nhi đồng: "Trẻ con nhạy cười lắm. Gặp trẻ con, mình nên chào nó bằng một nụ cười, nó sẽ vui vẻ cười trả lại. Thậm chí lúc nó té, sắp khóc, mà thấy mình cười, nó cũng cười theo, quên khóc." Thế là Phượng chành miệng, nhăn răng ra, làm động tác cười. Gọi là động tác cười vì đó không phải là nụ cười phát xuất từ bên trong, đó chỉ là một cái cười giả tạo.

Thế mà mầu nhiệm thay, nó cười trả lại! Thật là bất ngờ! Cái cười của nó thật trọn vẹn: cả mặt mày tươi hẳn lên, hàm răng nhỏ xíu trắng ngần làm cái miệng của Dustin trở nên xinh đẹp, cặp mắt nó cũng sáng lên theo nụ cười. Tự nhiên Phượng cảm thấy xấu hổ, như là một người dùng tiền giả đi mua vàng thật!

Nàng đỡ Dustin đứng lên và dẫn nó theo các bạn tiến về phòng ăn. Vừa đi, Phượng vừa ngẫm nghĩ: "Mình là một Phật tử, được đọc kinh sách Phật, được học giáo lý nên biết rằng con chó cũng có Phật tánh, vậy mà đối với thằng bé nầy mình lại khi dễ nó, bạc đãi nó, thật là bậy! Cho dù nó xấu xí như một con chó đi nữa, mình cũng không nên vì cái dị tướng của nó mà quên đi tính chất hồn nhiên rất đáng yêu của trẻ thợ"

Mỗi đứa trẻ có một phần ăn đựng trên cái dĩa giấy và một ly sữa. Thằng Dustin quả là một đứa bé ham ăn, hèn chi nó mập ú. Vừa đặt nó ngồi xuống là cậu ta quơ tay chụp lia, làm đổ cả ly sữa. Phượng nhăn mặt, đi vào nhà bếp tìm cái nùi giẻ trước những cặp mắt thông cảm và thương hại của các bạn đồng nghiệp. Khi nàng trở ra, thấy nó được đặt ngồi trên "high chair", miệng vừa nhai vừa ngốn.

Bà chủ giải thích:

— Thằng bé nầy không thể ngồi chung bàn với mấy đứa khác. Nó giựt đồ ăn của người ta và gây xáo trộn.

Rồi bà dặn Phượng:

— Nó háu ăn quá, em phải coi chừng nó bị mắc nghẹn. Dustin không chịu dùng muỗng như những đứa bé khác. Nó dùng cả hai tay bốc lấy thức ăn. Khi đồ ăn gần hết, không thể bốc được nữa thì nó ập mặt xuống dĩa và liếm. Phượng biết Dustin còn đói, nàng vào bếp lấy thêm. Khi nàng xớt khoai tây cho, mắt nó sáng lên và lộ vẻ biết ơn. Dustin ăn gấp đôi người ta! Trông cách nó ăn, dù không đói bụng, mình cũng thấy thèm! Nó ăn một cách say sưa, chăm chú. Ví dù có bom nổ hay động đất đâu đây chắc nó cũng không quan tâm.

Giờ ngủ. Trẻ con nằm sắp lớp trên sàn nhà, mỗi đứa có một tấm nệm mỏng. Chúng đã quen với kỹ thuật nên dù không ngủ, chúng cũng giữ im lặng. Thằng Dustin thì không. Có lẽ giấc ngủ ngắn vừa rồi làm nó chưa buồn ngủ. Dustin không chịu nằm im, cứ lồm cồm ngồi dậy. Hễ đè nó nằm xuống, cậu ta la ơi ới. Phượng phải dỗ dành, xoa lưng, hát nho nhỏ Dustin mới chịu yên. Nếu đối với cô bé April yêu dấu của Phượng thì nàng làm công việc này với sự trìu mến và thích thú nhưng với "con chó Bulldog" nầy, Phượng tức lắm. Nàng phải dằn xuống mới khỏi véo nó một cái cho hả giận vì mỗi khi nàng ngưng tay, thôi hát là nó cất tiếng khóc. Dustin khôn lắm, nó biết tiếng khóc của mình có hiệu lực.

Gần nửa giờ sau thằng Dustin mới chợp mắt ngủ, cũng là lúc Phượng được ra ngoài ăn trưa và nghỉ ngơi. Tiếng đồng hồ sau, nàng trở lại nhà trẻ với sự bình tĩnh và tự tin hơn. Phượng nhớ lại bài học cũ: "Trẻ con chưa biết nói, phải dùng tiếng khóc để bày tỏ sự bực dọc, nhu cầu. Phải hiểu và giải quyết kịp thời, nó sẽ là đứa bé ngoan."

Giờ nầy tụi nhỏ bắt đầu thức dậy. Cô giáo nhóm nào lo vệ sinh cho nhóm nấy rồi dẫn chúng về phòng mình. Nhóm của Phượng có vài đứa còn mang tã, Phượng thay cho tụi nó xong thì nhớ tới thằng Dustin. Nó còn ngủ. Cũng phải thức nó dậy. Phượng rán ẵm cái bị thịt ấy lên, đặt lên bàn thay tã. Chao ôi, tã của nó ướt mem, nặng trịch!

Buổi chiều, Dustin không khóc. Nó bắt đầu làm quen với đồ chơi và các bạn. Trẻ con vốn hồn nhiên, vô tư nên Dustin được các bạn cho nhập bọn cùng chơi chung, không hề có chút gì kỳ thị, khinh rẻ. Điều đó làm Phượng suy nghĩ: "Tâm hồn trẻ thơ vốn không phân biệt nên chúng mới dễ hòa nhập với nhau. Còn người lớn, hễ gặp nhau thì đánh giá đối phương trước: hiền dữ, tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn, thông minh ngu dốt... Chính đó là cái hàng rào ngăn cách."

Thấy tụi nhỏ chơi tự do một lúc đã bắt đầu chán, Phượng bày trò chơi nắm tay nhau đi vòng vòng, vừa đi vừa hát, tới cuối bài phải ngồi xuống, giả bộ té. Vậy mà chúng nó thích thú lắm, cả phòng đều vui vẻ. Cậu Dustin cười ra tiếng. Thấy nó vui, Phượng cũng mừng. Phải làm cho chúng nó mệt đừ chúng mới chịu ngồi yên. Đó là "kinh nghiệm chiến trường" của Phượng sau hai tuần "chiến đấu" với bọn trẻ.

Khi chúng bắt đầu thấm mệt, Phượng kéo bàn ghế ra bảo tụi nhỏ ngồi yên chờ nàng đi lấy nước giải khát và bánh ngọt. Trở lại, thấy bọn con nít vẫn còn ở vị trí cũ, Phượng hài lòng. Nhưng cùng lúc đó, Phượng nghe mùi nồng nặc, một mùi xú uế rất nặng. Nàng đảo mắt nhìn quanh: mặt thằng Dustin còn sượng ngắt. Nó là "tác giả" rồi!

Phượng rầu rĩ phát bánh cho tụi nhỏ rồi dẫn Dustin vào phòng vệ sinh. Hỡi ơi! Khi Phượng vừa tháo một bên tã ra thì chất sền sệt xám xanh như bùn non từ từ tràn ra ngoài. Mùi hôi thúi bốc lên làm nàng ho sặc sụa. Phượng gài tã lại, miệng kêu bà chủ ơi ới, nhờ bà giải quyết cái vụ này. Nàng chịu thuạ Nếu không gặp bà chủ tốt bụng và dễ thương như vầy chắc Phượng bỏ việc ngay hôm nay!

Còn thằng Dustin sau khi giải quyết xong "bầu tâm sự" thì trở về phòng với dáng điệu sảng khoái lắm. Thấy phần bánh chờ sẵn, mắt nó sáng rỡ, hả miệng cười toe rồi chạy a tới. Từ đó tới chiều, nó vui vẻ luôn.

*

Tối hôm đó, Phượng bỏ cơm, nằm lì trong phòng. Sự mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả kèm theo sự giằng co trong nội tâm làm nàng đuối sức. Chẳng lẽ chỉ vì thằng Dustin mà nàng bỏ việc, bỏ dự án sắp làm. Nếu tiếp tục thì sao? Mệt nhọc quá và thấy gớm quá, nếu mỗi ngày nó làm một tã như bữa nay...

Mẹ bước vào phòng. Bà Lan sờ trán con, lo âu hỏi:

— Con bịnh à?

— Dạ không sao đâu, chỉ hơi mệt thôi!

Rồi không dằn được, Phượng nói luôn:

— Phòng con mới thêm một đứa bé da đen.

Bà Lan cười:

— Ờ, thì trắng đen gì cũng là một trẻ thơ.

— Mà nó xấu lắm, dị tướng má à. Mặt nó như con chó Bulldog vậy đó!

Mẹ vuốt tóc con gái yêu, giảng giải:

— Mình là con nhà Phật đâu nên khi dễ ai. Nếu thấy kẻ nghèo kém con khởi lòng thương thì đối với người xấu xí mình cũng phải thương như vậy. Chẳng qua chỉ vì nghiệp báo thôi chớ xét cho cùng đâu có gì hơn kém, xấu đẹp, sang hèn trong Phật tánh Chơn như.

Phượng vốn tự ái. Cô là người học trò giỏi trong các lớp giáo lý, thường đứng lên trùng tuyên sau các thời giảng của thầy, ai cũng nể nang, vậy mà nay bị mẹ "lên lớp", cô cảm thấy khó chịu. Giáo lý đầy một bụng, cô đáp lại ngay:

— Con biết rồi! Kinh Kim Cang nói: "Lìa tất cả tướng tức Như Lai" nhưng mình còn phàm phu mà, đâu thể không phân biệt, không dính mắc.

Bà Lan làm thinh vì biết nếu nói thêm, con gái bà sẽ nổi quạu. Tánh Phượng tuy tốt nhưng phải cái cộc cằn và tự cao. Hi vọng với thời gian và những va chạm trong thực tế, con bà sẽ tự sửa đổi dần.

Thấy Phượng nằm xây mặt vô vách, bà kéo mền đấp cho con rồi lặng lẽ đi ra.

Mấy hôm sau thì tình hình trong nhà trẻ trở nên dễ chịu hơn vì thằng Dustin đã quen với bạn bè và các sinh hoạt chung. Nhưng nó ăn nhiều quá, hôm nào nhà bếp không dư thức ăn để cho Dustin thêm một phần nữa thì cả buổi chiều, nó gây gổ càu nhàu mãi. Vì vậy Phượng phải thủ sẵn một hộp bánh để phòng khi nó đói.

Dustin vui vẻ được ăn thêm nhưng đến ngày thứ ba thì nó không muốn ăn nữa. Dustin lừ đừ như bịnh. Phần ăn trưa nó cũng không dùng hết. Chiều, Phượng đút bánh vào miệng Dustin, nó đẩy ra. Nàng cho bà chủ hay.

Vốn giàu kinh nghiệm, bà hỏi ngay:

— Mấy hôm nay thằng bé có "đi ngoài" không mà chẳng thấy em gọi tôi giúp?

Phượng trả lời với một chút xấu hổ:

— Không thấy nó đi!

Bà Karen gật gù tỏ vẻ hiểu biết:

— Tôi sẽ liên lạc với bà ngoại nó và trả lời cô sau. Người Mỹ có thói quen tốt. Chuyện gì chưa biết chắc chắn họ không bao giờ đoán chừng rồi nói đại. Họ luôn luôn tìm hiểu rõ ràng rồi mới kết luận.

Hôm kế tiếp, thằng Dustin cũng đến nhà trẻ với dáng điệu lừ đừ, mệt mỏi. Bà chủ cho biết: "Vì bà ngoại Dustin cho nó uống thuốc tiêu chảy nên bây giờ nó bị bón." Rồi bà dặn Phượng: "Hôm nay phải ép nó ăn cam và uống nhiều nước vào."

Nhưng cả buổi sáng nó không chịu ăn gì cả. Đút cam tận miệng nó cũng nhả ra. Phượng dỗ dành mãi Dustin mới chịu uống chút nước cam.

Nó lại không thích chơi chung với ai. Đứa bé nào tới gần, nó gầm gừ như con chó. Cô bé Jackie dễ thương của Phượng vừa đưa tay sờ vào chiếc xe hơi Dustin đang cầm, nó há miệng định cắn, may mà nàng xô nó ra kịp.

Bữa ăn trưa hôm nay, nó ngồi bốc thức ăn mà chơi. Phượng kiên nhẫn dụ mãi, nó uống được nửa ly sữa.

Bà Karen lắc đầu:

— Con nít không nên cho uống thuốc bừa bãi. Tai hại như vậy đó!

Trưa hôm ấy, Phượng đi làm đem theo mấy trái chuối. Trúng tủ rồi! Dustin chịu ăn. Phượng cho nó mỗi lần một trái và nó ăn hai lần như vậy. Nó ăn rồi, nàng chờ hoài cũng không nghe rục rịch gì hết. Có lúc nghe mùi, Phượng mừng rơn, tưởng là nó nhưng xét lại là của đứa khác.

Mãi đến xế chiều, đang lúc cả lớp tập tô màu, nàng thấy mặt Dustin đỏ rần và nó bắt đầu vận dụng sức để tống ra. Một lần, hai lần rồi ba lần. "Chắc xong rồi!" Phượng mừng húm, dẫn nó vào phòng vệ sinh.

Phượng hơi thất vọng vì thấy chỉ có ba cục bi tròn, chặt cứng. Rồi nàng nhớ lại lần đầu tiên... Phải bây giờ nó xổ ra như lần đó chắc Phượng vui hơn là gớm. Bởi vì nàng thấy rõ trong phẩn hôi có tiếng cười, có sự thoải mái của đứa bé và hạnh phúc tầm thường của nó ảnh hưởng đến Phượng, đến mọi người chung quanh.

Khi bộ tiêu hóa của chú Dustin hoạt động bình thường trở lại, mỗi ngày Phượng phải thay cho bé một cái tã dơ, mà nàng không gớm nữa, không cần gọi bà Karen giúp... Bởi vì bây giờ nó dễ thương quá!

Sáng sáng, khi ngoại nó vừa dẫn vào tới cửa, Dustin chạy lăng quăng vào lớp tìm Phượng. Nhìn dáng nó chạy, ai cũng buồn cười: cái đít diêu diêu, cái đầu lúc lắc. Khi Dustin thấy Phượng, nó chạy lại, sà vào, ôm lấy chân nàng. Nó ôm như vậy mãi cho đến khi Phượng ngồi xuống ôm con chó con ấy vào lòng rồi vỗ vỗ vào lưng bé mấy cái, Dustin mới chịu rời ra. Những lúc ấy, Phượng không thấy nó đen đúa xấu xí, nàng chỉ cảm nhận nỗi xung sướng cùng ánh mắt tin yêu của nó trao cho nàng. Điều đó làm nàng hạnh phúc.

Thằng bé thích hoạt động và nhớ dai. Một lần, Phượng mở nhạc lên dạy cho đám trẻ chơi trò đánh nhịp theo nhạc trưởng. Thế là mỗi lần nghe nhạc hay nghe nàng cất tiếng hát, hai tay tròn ủm của nó đưa lên đưa xuống rồi lúc lắc cái đầu, ngún nguẩy cái mông, miệng cười toe toét. Phượng kêu bà Karen vào xem, bà cười thích chí và tiến đến ôm bé, nó ngã vào tay bà một cách trìu mến.

Trong các trò chơi hay những lúc chạy nhảy ngoài sân, rủi bị té, nó lồm cồm ngồi dậy, nhìn Phượng rồi nhoẻn miệng cười. Nó là đứa bé ngoan chứ không là em bé nhè hay khóc như Phượng dự đoán trước kia.

Có hôm nó giận Phượng. Số là trong lúc Phượng loay hoay chuẩn bị đất sét giả cho tụi trẻ nặn hình chơi thì có tiếng bé April khóc ré lên. Nàng ngẩng nhìn lên: thằng Dustin đang cầm con búp bê mà thường khi cô bé April vẫn ấp nựng nịu. Không kịp suy nghĩ, Phượng bước tới, giựt con búp bê trên tay thằng Dustin trao cho cô bé April mủm mỉm của nàng.

Từ đó đến chiều, Dustin buồn thỉu buồn thiu. Nàng đưa món đồ chơi khác cho nó, nó phủi ra; Phượng đưa bánh, nó quay mặt. Dustin không khóc. Nọ lặng lẽ ngồi ở góc phòng, không hưởng ứng trò chơi nào cho đến lúc ra về. Điều đó làm Phượng áy náy.

Bữa sau, Phượng đối xử với Dustin có phần đặc biệt hơn, như là để chuộc lỗi. Mỗi khi nàng ngồi xuống, nàng cho nó ngồi trong lòng. Từ đó, Dustin độc quyền nơi vị trí ấy, không đứa nào dám giành "ngôi vị" đó vì nó mạnh quá, không ai đẩy nó ra được.

Dustin rất thích được vuốt ve âu yếm. Mỗi khi nàng xoa đầu nó, nó lim dim mắt và ngả ngớn trong đôi cánh tay của nàng. Nhiều lúc không có chuyện gì làm, Phượng véo vào hai gò má nung núc thịt của nó, bé cũng ngồi yên cho Phượng nựng. Dustin thích dang hai tay xây bồ bồ, quây vòng vòng cho đến khi té xuống, nó nằm im hồi lâu rồi nhỏm dậy xây tiếp. Đôi khi nó lộn mèo. Mấy đứa khác bắt chước làm Phượng đứng tim, cứ sợ tụi nó gãy cổ. Ngày nào Dustin nghỉ, Phượng thấy nhớ vô cùng. Vắng nó, lớp học như không còn sinh động.

Bà Lan không nghe Phượng than phiền về thằng nhỏ Mỹ đen nữa, tò mò hỏi:

— Cái thằng "chó con Bulldog" gì đó còn ở nhà trẻ không? Sao má không nghe con than thở gì nữa?

Phượng mỉm cười:

— Bây giờ nó ngoan lắm! Con lại thấy nó dễ thương mới là lạ chớ!

Bà Lan không ngạc nhiên:

— Mình cực với đứa nào nhiều thì lại mến nó nhiều hơn mấy đứa khác. Hồi còn đi dạy, đứa học trò nào hay phá phách má lại nhớ nó lâu.

... Còn hai tuần nữa thôi, Phượng phải từ giã đám trẻ để trở về với sách vở. Sẵn dịp vừa lãnh lương, Phượng xuống phố mua quà cho bà Karen và định bụng tìm vài bộ đồ cho thằng Dustin. Tội nghiệp, quần áo của nó quá cũ. Nàng chọn được một bộ lính thủy và một bộ đồ có dấu hiệu Bulldog của trường với hai màu truyền thống: màu đỏ rượu chát đi với màu trắng. Phượng tưởng tượng lúc nó mặc bộ Bulldog vào thì cả người nó trở thành "con chó" bằng xương bằng thịt chớ không phải là hình vẽ trên áo thun.

Nghĩ cũng lạ, hồi mới đến học ở trường MSU, Phượng sợ không dám nhìn dấu hiệu Bulldog của trường vì mặt con cho dữ dằn dễ sợ! Thế mà sau mấy năm gắn bó với trường lớp và những sinh hoạt của trường, Phượng lại yêu mến dấu hiệu ấy và thích mua những vật dụng có in hình con chó.

Đối với thằng Dustin cũng vậy. Lúc mới gặp, Phượng cũng ngán bộ vó và mặt mày của chú nhưng bây giờ sắp sửa chia tay, nó là người nàng quyến luyến hơn hết. Có lẽ Phượng sẽ nhớ nó nhiều hơn những cô bé xinh đẹp như Jackie, April, hay mấy chú bé Mỹ trắng với mặt mày sáng sủa, ăn bận tươm tất đàng hoàng... Tại bé Dustin có duyên hay vì kỷ niệm buộc ràng?

Phượng cầm hai bộ đồ trên tay, đứng im lặng, đăm chiêu. Bỗng nàng đổi ý. Phải về xem kỹ lại coi nó đang mặc số mấy rồi mua trừ hao, như thế chú có thể mặc được lâu hơn. Vì nó ăn tợn và lớn như thổi nên bà ngoại nó sắm đồ không kịp.

... Buổi chiều, trẻ con trong lớp Phượng đã được cha mẹ đón về gần hết. Trong khi hai đứa bé kia say mê với chiếc xe cảnh sát vừa chạy vừa hú còi, thằng Dustin ngả ngớn đùa với Phượng. Nó vuốt tóc, bẹo má Phượng rồi vỗ vỗ lưng nàng như Phượng thường làm cho nó. Nàng cảm thấy sung sướng. Có lẽ khi nàng âu yếm nựng nịu các em bé, chúng cũng hạnh phúc y như vầy, trong tình thương của nàng.

Bà ngoại Dustin đến đón nó. Hôm nay bà tới sớm hơn thường ngày. Sau lưng bà là một cô gái trẻ, cao lớn. Cô mặc quần jean bó chẽn, áo thun trắng ngắn ngủn phơi bày một vòng bụng đen bóng. Tóc nhuộm vàng chóe, xịt đầy keo làm sợi nào sợi nấy cứ phải đứng yên một chỗ. Trên cái mặt phấn son đậm loét, hai khoen tai bằng đồng nặng và to sáng lấp lánh.

Bà già lên tiếng giới thiệu:

— Đây là mẹ của Dustin, còn đây là cô giáo. Tôi nó cho mẹ nó biết cô thương thằng Dustin lắm nên mẹ nó đến đây cám ơn cô.

Cô gái cười, hỏi:

— Nó ngoan không?

Phượng đáp:

— Nó ngoan, thông minh và dễ thương.

— Tôi cũng biết như vậy. Mẹ tôi hãnh diện vì nó. Nhưng nó sắp đi xạ Hôm nay là ngày cuối Dustin ở đây. Tôi cám ơn cô đã săn sóc cháu rất chu đáo.

Phượng giựt mình, hỏi lại cho kỹ:

— Cô đem nó đi theo cô?

— Phải. Tôi đem nó về New York. ƠŒ đó có người nhận Dustin làm con nuôi. Họ giàu, tương lai nó sẽ tốt đẹp hơn. Như bị những mũi kim châm vào tim, Phượng đứng lặng người, buồn xọ Bà ngoại thằng Dustin trao cho nàng cái nhìn thông cảm rồi nhún vai, không nói gì.

Cô ta bước vào phòng, ngồi xuống, giơ hai tay ôm thằng bé. Nó vùng vằng đẩy ra, chạy lại níu áo Phượng. Nàng ẵm Dustin lên, ôm chặt lấy nó, vỗ vỗ vào lưng cậu bé. Nước mắt nàng ứa ra tự lúc nào. Nàng giận mình sao hồi trưa không mua hai bộ đồ để bây giờ nó có thể mang theo... Mà ba má nuôi của nó giàu, sẽ mua cho nó nhiều quần, lắm áo. Nhưng liệu nó có sung sướng không?

Phượng trao đứa bé cho mẹ nó. Dustin vùng vẫy như bị bắt cóc. Mà nó bị bắt cóc thật. Người đàn bà lạ mặt đó sẽ đem Dustin ra khỏi tổ ấm của nó từ bấy lâu naỵ Tổ ấm dệt bằng những cọng rơm nghèo nàn nhưng nó luôn luôn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc trong tình thương của bà ngoại, thêm vào sự săn sóc ân cần của cô giáo.

Dustin khóc thét lên. Tiếng khóc của nó xé lòng nàng. Cô gái ẵm Dustin đi thẳng ra xe. Phượng tự an ủi: "Người ta nhận nó làm con chắc họ phải thương nó. Bây giờ đâu còn chế độ nô lệ như xưa, đâu có nạn mua bán người."

Bà ngoại Dustin còn đứng nán lại, khều Phượng nói nhỏ:

— Mẹ nó ham 30 ngàn, đem con cho người tạ Tôi ước gì có số tiền đó để giữ thằng bé lại.

Phượng cũng tiếc rẻ:

— Nếu mẹ Dustin cực khổ với nó từ nhỏ chắc bây giờ một bước cũng không muốn rời nói gì giao con cho người khác!

Bà ngoại Dustin vừa xây lưng đi vừa nói:

— Tôi mới là mẹ của Dustin, phải không cô?

Phượng biết bà đau khổ lắm khi thốt ra câu ấy. Có lẽ bà muốn nguyền rủa con gái bà cho hả giận nhưng trái tim người mẹ không nỡ làm như vậy. Mai đây, nhớ thằng cháu ngoại, bà không thể tìm thăm nó, sẽ không còn có dịp ôm nó vào lòng để nựng nịu, hôn hít thỏa thuệ Rồi Dustin lớn lên, đành rằng nó không biết tới người mẹ ruột vô tình của nó vì huyết thống dù là nhân tố thiêng liêng nhưng nếu không được nuôi dưỡng bằng tình thương và trách nhiệm, sẽ loãng dần thành nước lã nhưng Dustin cũng sẽ không nhớ gì hết về bà ngoại, người đã nuôi dưỡng nó từ lúc sơ sinh với tâm tình mẫu tử. Bà sẽ mất nó vĩnh viễn.

Chiếc xe đã rồ máy vọt đi. Phượng đưa tay gạt nước mắt. Bà Karen cũng bước vào với cặp mắt đỏ hoe...

*

Vườn Lâm Tì Ni được hoàn tất xong thì trời đã hoàng hôn. Mọi người vào chùa lo rửa tay để dùng cơm chiều, Phượng còn đứng tần ngần dưới gốc Anh Đào. Vào cuối mùa Xuân, cây chỉ toàn lá xanh nhưng Phượng đã gắn vào đấy những chùm bông làm bằng giấy màu trắng để giả làm hoa Vô Ưu, đứng xa nhìn lại trông cũng đẹp mắt. Cuốn phim về thằng Dustin vừa diễn ra trong ký ức làm nàng nghĩ ngợi miên man. Nàng tự hỏi: "Chẳng biết cuộc sống của Dustin bây giờ ra sao? Ba má nuôi của nó có vì hình tướng xấu xí của đứa bé mà ghét bỏ Dustin không?"

Đầu óc Phượng bỗng lóe lên một tia sáng: "Ờ, hồi mới gặp nó mình cũng thấy ghê làm sao, vậy mà khi tình thương phát sinh, nó trở nên duyên dáng, ngộ nghĩnh lạ lùng. Phải chăng với đôi cánh của tình thương, con người có thể vượt qua được bức tường ngăn cách phân biệt của ý thức? Phải chăng các đức Phật, các Bồ Tát chỉ cần sống trọn vẹn với lòng từ bi với sự hỉ xả thì hoa Vô Ưu nở mãi trong tâm hồn?

Phượng vịn tay kéo một cành hoa. Nàng hiểu ra rằng đâu phải chỉ một mình hoàng hậu Ma Gia mới có thể làm đản sanh một đức Phật. Buông bỏ hết mọi sự chấp trước phân biệt thì một vị Phật ra đời. "Lìa tất cả tướng tức Như Lai" là vậy.

Hết