Chương 1
Cách Dùng Chìa Khóa Số I
Viết cuốn này tôi muốn cho độc giả thấy rằng ba điều kiện căn bản cho sự thành công là có lương thức, ham hoạt động và sức khoẻ. Nếu chỉ có hai trong ba điều kiện đó thôi thì cũng có thể đi khá xa được; nhưng phải có đủ cả ba mới tiến xa, xa lắm được. Có ngoại lệ nào để chứng minh quy tắc đó không? Tôi chỉ thấy có mỗi một trường hợp có thể coi là ngoại lệ, trường hợp Franklin Delano Roosevelt. Roóevelt là một danh nhân mà sức khoẻ thật là tệ hại. Nếu ông không mắc một bệnh nặng thì chắc gì ông đã thành một vĩ nhân. Trái lại, trong suốt cuộc đời thành công kỳ dị của Huân tước Winston Churchill, luôn luôn ta thấy ông có đủ ba chìa khoá đó: một lương thức vững vàng, một sức hoạt động dồi dào, một thể chất gang thép. Nhìn lại cuộc đời Churchill, ta thấy rằng tuy ông bẩm sinh đã có sẵn những điều kiện đó, nhưng ông đã biết luyện tập thêm để cải thiện lương thức, tăng cường sức hoạt động và giữ gìn sức khoẻ. Nếu chúng ta, ngay từ hồi trẻ, quyết tâm tu luyện những đức đó, thì chắc chắn có thể thành công rực rỡ trong nghề mình đã lựa. Trong đời không có gì chua xót bằng sự thất bại. Sở dĩ nó chua xót nhất là vì dường như bao giờ cũng xảy ra do một sự lầm lỡ mà ta có thể tránh được. Sự thất bại không phải là do tiền định. Ai cũng có thể thành công trong cuộc đời của mình. Đáng buồn là trong đa số các trường hợp, phải mất nhiều thì giờ, bỏ qua nhiều dịp may rồi chúng ta mới tìm thấy được xu hướng tự nhiên của chính mình. Do đó mà có lầm lỗi. Một thanh niên có thể lựa một nghề không hợp với mình mà hóa ra thất bại nhưng cũng có thể lựa được một nghề hợp với mình mà cũng vẫn thất bại vì không được hoạt động trong một lĩnh vực thực hợp với mình, thành thử bị chủ đánh giá thiếu khả năng, không giúp được gì hoặc giúp rất ít cho hãng. Thanh niên đó có thể tự chấp nhận sự thất bại của mình, điều đó mới đáng lo nhất, vì một khi chịu nhận rằng mình thất bại thì đã thành con người bỏ đi rồi. Nhưng bất kì người nào hồi trẻ lao tâm mệt trí một cách vô ích để làm một việc không hợp với mình đến nỗi thất bại, cũng có thể đổi nghề mà thành công rực rỡ trong một lĩnh vực hoạt động khác. Tôi xin kể một thí dụ thực tế: nghề bán hàng cần nhất đức lạc quan; nhưng chính cái đức lạc quan đó có thể bất lợi cho một hãng buôn nếu đem dùng nó vào công việc tài chính. Vậy một hại trong ngành tài chính có thể đưa bạn tới thành công trong ngành bán hàng. Cho nên đừng thấy một thanh niên mới thất bại lần đầu mà đã vội bảo rằng con người đó bỏ đi. Cho người đó thử một việc khác, biết đâu người đó chẳng thành công. Huân tước Reading mới đầu tập sự thủy thủ trên một chiếc tàu. Chắc ông không phải là một thủy thủ giỏi. Tôi ngờ rằng xếp của ông phải lắc đầu phàn nàn: "Chú em này làm việc dở. Không bao giờ nên thân đâu". Mà sự thực, nếu cứ ở trong ngành thuỷ quân thì ông tất đã chẳng làm nên công trạng gì hết. Nhưng ông đã bỏ ngành thủy quân và ông đã tiến tới đâu? Tới chức Trưởng quan Tư pháp của Anh rồi tới chức Phó vương ấn Độ. Trong mọi việc, sự thành công một phần là do định mệnh, một phần là do ý chí tự do của mình. Chúng ta không thể tạo ra được thiên tài, nhưng có thể bồi bổ hoặc tiêu diệt nó. Những điều kiện nào đưa tới thành công? Tôi xin lặp lại lời đáp của tôi: lương thức, tức óc phán đoán (sáng suốt, thực tế), hoạt động và sức khoẻ. Quan trọng nhất là lương thức. Bất kì trong công việc nào, cũng cần có lương thức trước hết. Nhiều người xây dựng được những lí thuyết rất hay, nhưng không thực hiện nó được. Thiếu lương thức thì những ý tưởng tố đẹp của họ chỉ đưa họ tới sự sụp đổ. Nhờ có tài năng thiên phú, người ta có thể đi thẳng vào trung tâm vấn đề, như một mũi tên nhắm trúng đích trong khi cả ngàn mũi khác bắn trượt ra ngoài hết; nhưng phải có lương thức thì ta mới ghi nhận được những điều ta cần phải học hỏi ở trong xã hội, để biết rõ hơn về xã hội và có định hướng hoạt động mà ảnh hưởng lại tới xã hội. Lương thức vừa là khả năng tiêu hóa tri thức vừa là khả năng ứng dụng những tri thức đó. Nhưng có lương thức mà thiếu đức hoạt động thì cũng không có kết quả. Cũng như cối xay bột, phải đổ gạo vào, nó mới xay thành bột được. Hoạt động tức là đổ gạo vào cối. Cho nên luôn luôn phải chú ý, sẵn sàng. Có thể trong một lúc bỏ lỡ một cơ hội rất tốt và chỉ cần sơ ý một chút là mắc một lỗi lầm không thể tha thứ được. Văn hào Kipling bảo: “Ai muốn làm César ở bất kì chỗ nào thì phải biết rõ mọi điều ở khắp nơi”. Người nào biết rõ một điều ở khắp nơi thì không để lỡ một cơ hội nào hết. Bẩm tính con người hầu hết là biếng nhác, vô hi vọng hoặc hoạt động một cách tuyệt vọng. Hoàn cảnh có thể hướng họ về phía này hay phía khác, nhưng không có người nào bị cấm làm việc. Tài trí cần được sử dụng một cách có ý thức, vì vậy mà sự hoạt động phải được lương thức nâng đỡ. Muốn hoạt động có hiệu quả cao, thì phải biết tập trung; thuật tập trung mà ta có thể học bằng nhiều cách, là một điều kiện quan trọng nhất cho sự thành công. Nếu đã luyện được đức hoạt động rồi, thì đừng bao giờ để cho nó phân tán. Nhưng sức khoẻ mới là nền tảng của cả lương thức lẫn hoạt động, và do đó, là nền tảng của sự thành công. Không có sức khoẻ thì việc gì cũng hóa khó. Nếu sáng dậy người ta đã quạu quọ thì làm sao trong ngày, óc có thể sáng suốt được, và có thể tỏ ra có lương thức được? Bị một bệnh nan y thì ai là người có thể làm việc tích cực được? Tương lai thuộc về những người chịu tập thể dục mỗi buổi sáng miễn là đừng quá độ. Không một thương nhân nào có thể hi vọng thành công được nếu không rèn luyện cơ thể đúng phương pháp, nhưng phải coi chừng đấy, đừng như hạng lực sĩ tưởng rằng hễ thắng được mình là thắng được thế giới; niềm tin đó nguy hiểm lắm. Hạng lực sĩ không bao giờ nghĩ tới sự sẵn sàng làm việc mà chỉ nghĩ tới chuyện thắng kẻ khác trong một cuộc đua nào đó thôi. Lúc nào óc họ cũng có thể đưa họ tới sự thất bại, sự chán chường, bất lực. Sự đeo đuổi khoái lạc cũng có tính chất phù du không kém. Thời gian và thói quen đều diệt cái thú của mọi sự tiêu khiển. Thú vui buổi tối đâu có đủ bù cái khổ nhức đầu sáng sớm hôm sau. ở tuổi trung niên người ta thường mới thành công trong công việc hàng ngày; đó là tuổi dễ chịu nhất trong đời người vì những gắng sức trong tuổi thanh xuân tới lúc đó mới chín muồi. “Thú vui thoảng qua như mây nổi”. Tôi không rưa những thứ phù vân và tôi cho rằng đời sống phải là một sự phối hợp điều hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, hoan lạc. Tôi có thể nói chắc rằng trong sự phối hợp đó, nếu có một yếu tố nào phải lấn yếu tố kia, thì yếu tố đó chính là lao động. Lao động nhiều quá không có hại bằng hoan lạc nhiều quá. Chưa bao giờ như lúc này, thế giới rộng mở bát ngát đến tận chân trời với rất nhiều cơ hội cho những ai có khát vọng thành công, mong muốn được làm việc một cách bền bỉ, kiên trì và sáng tạo, có ý thức. Không một trở ngại nào từ phía con người có thể ngăn con đường của họ. Không có gì cấm họ từ cảnh nghèo hèn mà leo lên được những đỉnh cao của giàu sang và quyền thế. Cần luôn nhắc lại hoài rằng kẻ nào chịu khó thì có thể cải thiện lương thức, rèn luyện đức hoạt động và giữ gìn sức khoẻ của mình được. Đó là nền tảng của sự thành công.