Lời vào tập

Tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Đêm giã từ Hà Nội, tiếp theo là cuốn thứ nhì, Tháng Giêng cỏ non, cũng thể đoản thiên, được in ra lần thứ nhất cách đây đã mười lăm năm. Tuy mỗi cuốn sách, như một đời người, đều có một hình dáng, một định mệnh riêng tây, nhưng hai tập truyện này, trong ý nghĩa một liên tục hoà nhập, cũng có thể được coi như một.

Xuất bản năm trước năm sau liền sát, với những sáng tác cùng được viết ra trong một trạng thái tinh thần và một khí hậu tình cảm đồng nhất, đứa chị đứa em chỉ khác nhau ở ngày sinh tháng đẻ, còn thì đều đánh dấu đậm đà cho con người, tâm trạng, thái độ, đời sống và loạt tiếp nhận thứ nhất của tôi, bấy giờ là khoảng thời gian tôi thoạt dời khỏi Hà Nội, vừa đặt chân xuống cái địa chỉ và vùng định cư mới là thành phố Sài Gòn.

Như tựa đề của tập truyện, Đêm giã từ Hà Nội do đó thể hiện gần như trọn vẹn trong nó hình ảnh một chuyến đi, một bỏ lại. Nghĩa là một lên đường, một giã từ trong đêm, lúc đêm đã nghiêng nhiều về sáng. Và Tháng Giêng cỏ non, cũng vậy, ý nghĩa cũng hiện rõ trong tựa đề của sách. Đêm lên đường đã tàn, những chùm sao của đêm giã từ đã lặn, ngày vừa dựng, đất mới tới, năm mới mở, tháng Giêng đây, cỏ non đồng mùa xuân, sau một đứt lìa, máu lại chảy trong thân người và trong lồng ngực tim người lại đập.

Cũng từ cái ý tưởng một liên tục mới hoà nhập vừa nói, hai tập truyện tưởng là hai điểm rời cách của hai đầu không gian xa thẳm kỳ thực chỉ là hai trạng thái quá độ phát sinh từ một tiến trình cảm xúc tổng hợp, mà những hiện tượng đối nghịch nhất vẫn nằm trong một cấu thành chung bởi đã từ nhau và vì nhau mà có. Một ban mai có vì một đêm kia đã hết. Hạt vui nở vì trái sầu đã rụng. Có vượt biển mới thấy bờ bến mới. Bởi một thất vọng nào mà một hy vọng hiện diện dần lên. Và sống, là những bước chân lại bước sau một đứt ngừng chốc lát. Tôi nói ở trên rằng Đêm giã từ Hà NộiTháng Giêng cỏ non tuy hai là một là vì thế. Chúng thở chung một hơi thở, đứng chung một góc đường, là cái lưng phía sau cái ngực phía trước của cùng một thân người, được viết ra bằng cùng một ngòi bút, trên cùng một loại giấy. Chúng là hai cái nhịp đỡ dưới một cây cầu, tuy những đề tài, những cốt truyện, những nhân vật được nói đến trong Tháng Giêng cỏ nonĐêm giã từ Hà Nội hoàn toàn khác biệt nhau.

Người đọc tôi đã hiểu tại sao, cơ sở xuất bản Văn, vì cảm tình đặc biệt dành cho người viết, hơn là cho giá trị tự thân của tác phẩm – tôi thành thực muốn nghĩ vậy – khi lựa chọn một số truyện ngắn đã in của tôi để in gộp lại thành tập truyện này, đã chỉ chọn trong Đêm giã từ Hà NộiTháng Giêng cỏ non. Mà không mở rộng thêm lựa chọn sang những tập khác. Như Bầy thỏ ngày sinh nhật hay Dòng sông rực rỡ. Người đọc tôi cũng đã hiểu tại sao, tôi quyết định để nguyên như lần in đầu, không sửa chữa lại văn chương cho những truyện này. Mặc dù, trên phương diện bút pháp và từ ngữ, có rất nhiều đoạn thật ra phải được sửa chữa lại.

Mai Thảo
(9-1970)



  • Nhà mới
  • Mưa núi
  • Một chiều qua Cửu Long
  • Chiếc xe hàng cũ
  • Tháng Giêng cỏ non
  • Người bạn đường
  • Giai đoạn chị Định
  • Đêm tân hôn
  • Đêm giã từ Hà Nội

    Phượng nhìn xuống vực thẳm.
    Hà Nội ở dưới ấy.

    Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.

    Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.

    Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.

    Phượng nhìn xuống lòng đường. Trong bóng tối, mặt nhựa lầm lì không nói gì. Những hình cây đổ nghiêng trên những tấc đất đá câm nín. Bí mật dàn ra những bề phẳng, những đường dài như một dòng sông ngăn chia hai bờ, và Phượng đã đứng ở bên này mà nhìn sang một bờ bến bên kia. Bên kia có Hà Nội. Bên này có anh. Có tập thể. Có những bạn đường. Có một chuyến đi về Hà Nội.

    Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.


    Anh nhớ đến Thu. Thu cũng còn ở dưới ấy, trong Hà Nội. Cái mái nhà cũ kỹ bên kia, chính là mái nhà Thu, lại cũng chính là ở bên ấy, Thu sẽ đến với anh, ở bên này. Từ một mái nhà của Hà Nội đêm nay, đến bờ đường anh đứng, chỉ có một đoạn ngắn, nhưng Phượng biết rằng đêm nay, nó chứa đựng tất cả ý nghĩa của một đoạn đời. Và Thu, Thu phải đặt cả đời Thu vào một chuyến đi, thì Thu mới vượt được đoạn đường ngắn ngủi ấy, và Thu mới sang được với anh. Như anh, như hàng nghìn hàng vạn con người Hà Nội đêm nay, Thu sẽ ở lại hay sẽ vượt lòng biên giới cũ. Giữa những phút giây Hà Nội đang rắn lạnh lại trong chuyển đổi chính thể đã bắt nguồn, đứng bên này đường, Phượng mới cảm thấy rằng ở bên kia Hà Nội, Thu đã ở thật xa anh. Cái cảm giác ớn lạnh mỗi khi anh đứng trước một dòng sông lại nổi lên. Con sông biên giới đêm nay lại hình như con sông Hồng chảy qua một bờ Hà Nội. Trong Phượng, sóng lòng của chuyển dịch chưa kịp nổi lên mà những ngọn sóng của dòng sông cũ đã nổi dậy. Âm thanh oà oà. Lòng đêm Hà Nội chứa đựng những tiếng đổ vỡ đang xô chen trong bóng tối đặc quánh.

    Qua bóng tối, Phượng nhìn thấy những hình khối của Hà Nội bên kia: một cửa ô đoạ đầy. Một hàng mái cũ. Những lớp phố phường sa đoạ. Những ánh đèn nhạt tái trên những bờ tường câm đen. Bóng tối chính thể đổ xuống làm nghiêng ngả những sự kiện này.

    Bên kia, Hà Nội vẫn đang lặng lẽ đổi màu. Người Hà Nội dựng cửa tắt đèn để mà đổi thay trong bóng tối. Phượng thấy thương Hà Nội. Thương những người Hà Nội. Những người còn ở lại dưới những hàng mái cũ kỹ kia vì những vướng bận đau khổ.

    Đêm khuya dần. Từ một cửa ô, Hà Nội bắt đầu ngây ngất dấy lên những ngọn gió núi rừng thổi về. Gió rừng hoang về qua cửa ô, đi thẳng vào tâm can của người Hà Nội. Ngọn gió tiền phong này đến trước chính thể, đang lọt dần qua cửa ô Yên Phụ, Kim Liên như một điển hình của hoang lạnh rộng lớn. Cả Hà Nội run lên, tê đi. Trước phút bỏ đi mà Phượng cũng như giá buốt cả cơ thể. Hà Nội đã bắt đầu đón nhận ấn tượng. Ngày mai, Phượng ở miền Nam rồi, Hà Nội sẽ phải còn đón nhận những sự kiện, những con người bên ngoài. Sau ấn tượng hoang vắng đêm nay, sẽ là sự thật tàn nhẫn ngày mai. Nhưng chỉ đón nhận ấn tượng, Phượng cũng đủ thấy Hà Nội không còn gì. Hà Nội chỉ còn là một thứ thuộc về bên kia. Hà Nội chỉ còn là một thứ thuộc về bên kia. Bên kia như Đêm. Như Bóng tối. Như Sa đoạ. Như Tù đày.

    Trên đầu Phượng, những ngọn lửa nhìn xuống. Ấy là những con mắt đau yếu của một Hà Nội không ngủ. Những ánh lửa tròn, nhợt nhạt, bé nhỏ, bị giam chặt giữa bóng tối. Phượng nghĩ đến những vì sao xa xôi đứng chết ở một góc trời cũ. Hệ thống ánh sáng Hà Nội đã hết bay múa. Bóng tối dềnh lên những đường lung linh. Từng điểm lửa gục đổ. Đêm nay, Phượng chỉ còn mong chúng có đủ ánh sáng để soi đường cho Thu đến được với anh. Phượng chỉ còn mong có thế thôi. Vì anh biết ngày mai những điểm lửa ấy sẽ không sáng nữa. Hà Nội sẽ không sáng nữa.

    Buổi chiều, hồi năm giờ, gặp Thu ở cuối nhà Thuỷ Tạ, anh đã nhắc Thu đến một ngả đường. Đúng hơn đến một chuyến đi. Anh lại nhắc cả Thu đến một hạn định: Hôm nay là ngày cuối cùng người ta được tự do rời khởi Hà Nội.

    Phượng bảo người yêu: “Hôm nay đã là ngày chót rồi, Thu ạ! Mười hai giờ đêm nay, chuyến xe cuối cùng sẽ đi qua cầu Long Biên. Anh sẽ đi chuyến ấy. Việc lớn việc nhỏ, anh đã thu xếp tạm yên cả rồi. Chưa yên hẳn, nhưng cũng đành vất bỏ hết. Việc đi khỏi Hà Nội trước hạn định cần hơn. Anh sẽ đến đợi em ở đầu phố tối hôm nay. Chúng mình sẽ cùng vào trong Nam”.

    Phượng nói vắn gọn có thế. Bao nhiêu lần gặp trước, kể từ ngày có hiệp định chia đôi, anh và Thu đã bàn với nhau nhiều. Bàn đi bàn lại, nhưng vẫn chưa ngã ngũ ra sao cả. Vấn đề chỉ mới giải quyết xong về phần anh thôi. Trước sự lựa chọn một thái độ và trước những mưu toan xây dựng một cuộc sống tay đôi ở bên kia vĩ tuyến của hai con người cùng gắn bó đến những cái cao đẹp của đời sống, những gió bão của chiến thời ở đây lại có thêm những thảm trạng của đất nước bị chia rẽ. Sự ngăn chia đến cả từng cuộc đời. Đất nước ngăn cách làm hai miền, thì những cuộc đời cũng chia về hai phía. Như đêm và ngày. Bên này, bên kia. Biên giới oán thù dựng lên ở giữa.

    Cho đến nay, Thu vẫn chưa quyết định. Thời hạn được ấn định cho di chuyển trong khu vực Hà Nội cứ vợi mãi trong phân vân lưỡng lự của người thiếu nữ. Phượng cũng hiểu cho người yêu. Anh khác, Thu khác. Cuộc sống mấy năm gần đây của anh trong Hà Nội cứ an định một chỗ, chỉ một ngụm gió nổi lên là cũng đủ đưa anh ra ngoài cửa ô. Di chuyển là một cần thiết cho đời sống của Phượng trong ngày cũ, bây giờ lại là một hành động của tự do. Cứu cánh của người Hà Nội hôm nay nằm trong sự thoát khỏi phố phường cũ.

    Nhưng Thu, Thu chỉ là một người đàn bà. Vây quanh lấy đời Thu, Phượng cũng đoán thấy không biết cơ man nào là những sợi dây nối kết cuộc đời của Thu với Hà Nội. Như lúa với đất. Đi khỏi được, ít ra Thu cũng phải cắt đứt được bằng hết những sợi dây ấy. Chúng là những rễ lớn rễ con đã bám chặt lấy đời Thu từ tuổi thơ. Trên mái tóc suối chảy của người thiếu nữ, bóng dáng một mái nhà cổ kính đổ xuống. Những nếp nhăn trên trán người mẹ. Những sợi tóc bạc trắng của người cha. Đi thoát được mái nhà cũ, hành động của Thu sẽ là một hành động quyết liệt. Nó đòi hỏi nhiều đau khổ, nhiều mất mát. Lòng người vẫn phải rách nát vì những đau khổ, những mất mát ấy.

    Phượng biết thế, nên người anh hùng cũng không giục giã người yêu. Mặt khác, anh muốn rằng trước thử thách này, Thu sẽ hành động, sẽ quyết định một mình. Như một con người tự do hành động và quyết định. Phượng vẫn thường có quan niệm rằng chính kiến của con người như một thứ hướng đi, tuỳ theo sự lựa chọn chân trời riêng. Đối với Phượng trái đất này có hàng triệu ngả đường thì con người cũng có hàng triệu hướng đi, trên đó đua nở những hoa cỏ cùng là rung động những tình cảm của người trước cuộc sống. Thảy đều mênh mộng, không bến bờ. Nhẹ thoáng như không khí. Bay múa như nắng.

    Nếu không, thì trái đất không còn là trái đất nữa. Con người không còn là con người nữa.

    Mấy ngày gần đây, Hà Nội của Phượng đã hết nắng. Hà Nội đã thiếu không khí, thiếu hơi thở. Bên kia tả ngạn Hồng Hà, bên này năm cửa ô, ngay trong nội tâm Hà Nội, những sự kiện mới mai đây sẽ về ngự trị trên Hà Nội đã như những tảng bóng tối mịt mùng dâng lên. Bóng núi bóng rừng chấp chới. Tim phổi người choáng váng, rức buốt. Những mạch đời ngừng nghỉ. Những màu sắc lộng lẫy nhất cũng nhạt tái lần lần.

    Trên những sân ga, bến tàu, từ những trạm hẹn, những con người có sẵn thái độ như Phượng đã hướng vào chuyến đi. Những cuộc đời như đời Thu, rách nát vì mâu thuẫn, giờ phút này đang trải qua một cuộc tranh đấu quyết liệt với bản thân. Chúng là những miền còn tranh tối tranh sáng. Sau hết, là những người ở lại. Ở lại với Hà Nội. Vì hoàn cảnh vướng bận.

    Chưa bao giờ Phượng lại cảm thấy Hà Nội chứa đựng nhiều khía cạnh, nhiều thời gian tính đến thế. Đứng trước cuộc đổi đời, Phượng va chạm với những con người đang lựa chọn để nắm lại trong dĩ vãng hay đi vào tương lai. Từ một bản hiệp định chia đôi, chói lên những phút giấy thử lửa. Thái độ của từng người phân định dần mãi. Như thế cũng hay. Lại hơn. Đằng nào cũng một lần.

    Từ ngày Hà Nội thay đổi sắc thái, Phượng thấy cái việc giã từ Hà Nội của anh không đến nỗi sầu thảm như anh tưởng. Nhìn sang một lớp sự kiện còn nằm lại bên kia, đêm nay, Phượng, trong một cảm thông cụ thể, như đã sờ mó thấy trên đầu ngón tay cái lành khoẻ rộng lớn của một khối đời anh sẽ dựng lên sau chuyến đi. Dựng lên bằng niềm tin. Trong tập thể. Niềm tin này, riêng đêm nay, đã đốt cháy được hộ Phượng những sợi dây gắn bó với đời cũ. Với bên kia. Với Hà Nội. Theo anh, Hà Nội cũng không còn gì. Những người như anh lên đường đã mang theo Hà Nội vào chuyến đi.

    Thanh toán cho xong được những chua xót lúc đầu, lòng người đi vậy là đã ổn định.

    Duy có một vấn đề là Thu. Đối với Phượng, Thu đi hay Thu ở lại, việc ấy đã ra ngoài cái lãnh vực thường rất bé mọn của tình cảm. Anh yêu Thu, qua những rung cảm của tình yêu, còn có những nỗi niềm hết sức bao la, hết sức sâu nặng của con người anh gửi đến một người bạn cùng đường. Thêm Thu tập thể thêm đông, và đời Phượng cũng vui thêm trong xây dựng.

    Chiều xuống dần. Hai người yên lặng bước đi. Buổi chiều cuối cùng ở lại Hà Nội, Phượng chỉ còn tìm thấy ở Thu một sự kiện lành mạnh gần gụi, khi mà tất cả những sự kiện khác đã sa đoạ, đã đổi màu.

    Anh nhìn Thu: Mái tóc dài chảy xuống một bờ vai gầy. Hàng mi nghiêng nghiêng. Và con mắt sâu đen của Thu thì nhíu lại trong suy nghĩ. Phượng nhìn lâu lâu vào đôi mắt ấy, tận trong, đôi mắt u uẩn hình như đang thăm dò một ngả đường, trong đêm tối. Anh không biết Thu đang nghĩ ngợi gì. Nhưng anh đoán Thu đang đau khổ nhiều. Trong nội tâm người thiếu nữ cũng đang có những sự kiện vừa nằm xuống, vừa chìm lặn, cùng một lúc với những sự kiện đang đi lên, đang sinh thành. Bóng tối và ánh sáng chấp chới trên những mâu thuẫn chưa ổn định. Trong Thu đã có một ngả đường? Cháy một niềm tin? Đường mũi dài, đôi môi trang nghiêm của Thu in lên một nền nhờ xanh của sương mù, của buổi chiều. Bên kia, thấp thoáng những hàng cây, những mái nhà Hà Nội.

    Một lát yên lặng. Phượng châm một điếu thuốc.

    Thu nói với anh: “Em thì em cũng định đi rồi. Một phần vì Hà Nội. Cơ sự đã xảy ra thế này, cũng chẳng ở được nữa. Một phần vì em không muốn xa anh. Xa nhau, biết đến bao giờ mới gặp lại? Em sợ thay đổi lắm. Nhưng anh cũng biết, còn gia đình em đấy! Thầy me em già rồi. Me em đang đau nặng. Thầy em thì chỉ biết có lũ chậu hoa cây cảnh. Hồi này ông cụ chán đời cứ thở dài suốt ngày”.

    Phượng hỏi Thu:

    “Thầy me không bằng lòng cho Thu đi ư?”

    “Không, thầy me em bằng lòng. Chính vì thế mà em phân vân. Anh hiểu cho em chứ?”

    Phượng cúi đầu không nói gì. Hai người lại yên lặng bước đi. Phượng nhìn đồng hồ. 7 giờ 35. Anh bảo bạn:

    “Thôi, anh đưa Thu về. Đêm nay, trên đường tới trạm di chuyển, anh sẽ đi qua nhà em. Em về nhà nghĩ lại đi. Cố thu xếp xem có được không?”

    Thu đáp, tiếng nói bé nhỏ:

    “Vâng, em sẽ cố gắng thu xếp. Dù sao, anh cũng đến, anh nhé!”

    Hai người chia tay. Và Phượng, đúng 11 giờ đêm, đã xách va ly đến đợi Thu ở đây, bên này đường. Bên kia là Hà Nội.

    Đêm Hà Nội càng về khuya càng lạnh buốt. Mặt nhựa loáng ướt. Những ánh đèn lu xanh một màu xanh hoang vắng trong sương. Trước mắt Phượng con đường Trần Nhật Duật chạy dài, một đầu phố nhạt nhoà mất hút về phía chân cầu Long Biên. Vắt qua lòng sông Hồng, những ánh lửa nơi chân cầu đổ về một hướng Gia Lâm. Gia Lâm, Phượng nghĩ đến những vùng cỏ tối bên ấy, nơi phi trường. Lát nữa anh sẽ vượt Hồng Hà, tới phi trường và ở đó, anh sẽ giã từ Hà Nội.

    Lòng Phượng lắng đọng lại trong suy tưởng, trong đợi chờ. Những ý nghĩ nhẹ thoáng nhất cũng đều có những sắc thái rất mênh mông. Nhãn giới Phượng bắt gặp những hình khối của Hà Nội đang ngược đường về trong dĩ vãng, và lòng Phượng thì đã thơm rồi, những nhành hoa của xây dựng trên luống đất tương lai. Ngày mai, anh đi khỏi, tập thể xa rồi, Hà Nội sẽ ra sao? Những con người ở lại Hà Nội sẽ ra sao? Trong đêm giã từ, ba mươi sáu phố phường đi dần vào những tầng lớp của ký ức. Nhìn Hà Nội, Phượng bỗng liên tưởng tới những thành phố khác của thế giới, của thời đại. Hán Thành, Bá Linh. Những thủ đô đổ nát vì chiến tranh, bây giờ lại chứa đựng những ấn tượng buồn thảm của chia cách, hờn oán. Bên này, bên kia. Giã từ Hà Nội. Những con người cúi đầu. Một khung cửa đen câm. Những ngả đường ngoại thành hoang vắng. Những hàng mái đau yếu. Thu, Thu của anh.

    Đứng một mình trong đêm dài, trước một Hà Nội ngủ thiếp, Phượng nghĩ đến những người bạn đường đã vượt Hồng Hà, đã bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc trước anh, vượt vĩ tuyến về tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, cho con người, trên phần đất nước còn lại. Anh biết rằng thời đại, trong ngày tới sẽ nối kết con người bằng một ý niệm một hệ thống tự do. Tâm trạng của Phượng đêm nay cũng là tâm trạng của một người thợ máy Đức, một người dân cầy Triều Tiên, đang ngày đêm vượt khỏi những vĩ tuyến tù đày để tìm một hướng đi, một chân trời có không khí và ánh sáng. Năng lực đấu tranh của con người nằm trong những cạnh khía bay múa ấy.

    Cái ý nghĩ cuối cùng của Phượng, gửi đến Thu. Anh nhìn sang bên kia đường. Vẫn không thấy gì. Có lẽ Thu đã ở lại. Phượng nhìn đồng hồ: Chiếc kim dạ quang chỉ đúng mười hai giờ đêm. Phượng cúi xuống nhấc va ly, bước đi.

    Sau lưng anh, bống có tiếng gọi nhỏ: “Anh!”.

    Phượng quay lại. Đôi mắt anh sáng lên trong tối. Từ bên kia bờ đường, từ bên kia Hà Nội, một bóng người bé nhỏ đang vượt lòng đường đi sang anh. Thu. Bóng Thu xiêu xiêu vội vã. Một thoáng, Thu đã đứng bên cạnh anh. Đôi mắt Thu còn ngấn lệ. Phượng đỡ lấy va ly Thu.

    Tiếng thu vang lên trong đêm Hà Nội:

    “Em được đi rồi. Cả thầy me cũng đi nhưng đi sau.

    Và kéo tay Phượng.

    “Chúng mình đi đi thôi anh ạ!

    Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể, của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Sự đấu tranh cho tự do khởi thuỷ ngay cả ở chỗ ấy, nơi con người phải đấu tranh quyết liệt với chính mình, chịu đựng những mất mát, lìa bỏ ruộng đất, phố phường, để đến những miền tự do. Sau Thu, rồi còn hàng ngàn người như Thu, cũng chiến thắng được hoàn cảnh, cũng sẽ lên đường. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về.

    Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội.

    Bóng Phượng, bóng Thu nhoà dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai.

    Hà Nội – 100 ngày, sau Hiệp định Genève