Tin Mai đòi ly dị Sơn quả thật là trái bom nổ bùng trong đại gia đình Cúc. Một trái bom nặng mùi, khó ngửi và sức tàn phá ảnh hưởng đến cả đời ông, đời cha, cố tổ nội ngoại xưa nay của nàng.
Thật vậy, tuy chẳng phải dòng dõi quý tộc nhưng về tai tiếng thì chưa hề một ai trong họ dám đủ can đảm đứng mũi chịu sào cho mọi người công kích. Danh giá gia đình họ Nguyễn mấy mươi đời vẫn là tờ giấy trắng tinh, trắng đến nỗi đã được lộng trong khung kính và đóng ấn ngay tủy não mỗi người từ thế hệ này sang thế hệ khác, kể cả những kẻ chưa đủ trí khôn hoặc vừa mới lọt lòng mẹ.
Nó cũng là giá trị tạo nên những khuôn mẫu mà những kẻ sinh sau đẻ muộn chẳng hiểu rõ về nghiêm luật chỉ tuân theo như giáo điều, khắt khe hay quá gay gắt, chỉ như lớp sóng sau đổ tràn theo lớp sóng trước để rồi gồng mình chịu trận, như con trâu kéo cày, kéo trả nợ kiếp sống cho xong bổn phận, trách nhiệm hoặc nói cho đúng, dẫu có kéo lê kiếp thân tàn, dẫu cuộc đời vùi dập thì cũng là chuyện bình thường, như muôn triệu người chung quanh để rồi cho đến muôn đời vẫn không bao giờ dám tìm cho mình một lối thoát.
- Chị tính sao bây giờ?
Hương, con em út gọi cho Cúc nhắc lại hung tin, giọng bực dọc lẫn lo âu.
- Chắc nó dọa chứ gì?
- Chuyện động trời mà chị bảo dọa? Dọa để được gì với người chồng hiền như bụt? Xưa rày chị ấy muốn gì chả được thì cần chi dọa dẫm, yêu sách?
- Không lẽ chuyện ly dị chú ấy cũng bằng lòng nốt?
- Không muốn cũng chẳng xong.
- Vô lý quá.
- Vô lý nhưng có thật. Đúng là thứ ác quỷ.
Hương lấy chồng được hơn một năm, còn quá mới mẻ với gia đình chồng nên nó giận dữ là phải, giận dữ vì mặc cảm có người chị chả ra gì, vì e cái vỏ danh dự của mình bị lấm bùn, vì lo sợ tương lai hạnh phúc mình cũng sẽ gẫy đổ bởi ảnh hưởng dây chuyền rau nào sâu nấy, chị như thế thì em khác gì... Mỗi khi biểu tỏ tận cùng của sự tức giận nó cũng hay dùng tiếng ác quỷ, ngôn ngữ nơi xứ người càng lúc càng nghèo nàn, cằn cỗi.
- Cho chị biết lý do tại sao Mai lại đòi ly dị?
- Có lý do thì còn nói làm gì đàng này chị ấy bảo là tại không có hạnh phúc thì níu kéo, ràng buộc chỉ khổ cho cả hai. Chị không tin hỏi lại mà xem, nghe tức cành hông. Ai cho ly dị mà đòi với chả đòi cơ chứ!
Ai cho ly dị? Câu này Cúc đã nghe và nghe rất nhiều lần. Thoạt đầu, từ khi nhận thức được quyền làm người, nàng đã tự hỏi điều luật này bắt nguồn từ đâu, từ một quyền lực nào, từ một sự khống chế nào và lấy lý do gì để tạo cho nó quyền quyết định trên số phận dòng tộc mình? Nhưng càng tìm tòi, càng đi sâu vào lễ giáo, phong tục tập quán Cúc càng thấy mình đi dần vào những ràng buộc vô hình, tự trói trong khuôn phép không thể gỡ vì nó không phải là kết tinh của tình cảm mà là sản phẩm của cả muôn triệu khối óc khô cứng, chế tạo ra những nghiêm luật khắc nghiệt tạo thành guồng máy chạy một chiều, chạy mải mê không ngừng, mà nàng đang là một trong những bộ phận của máy móc, đầu máy chạy, tất cả mọi bộ phận phải chạy theo. Cũng đôi lúc, chỉ một thoáng, khi lòng thanh thản và khi tâm hồn lấy lại quân bình, thì cái đạo luật Cúc cho rằng khắc nghiệt chính là bóng mát che lúc trời bỏng rát, là gốc là rễ tuy bám chằng chịt lẫn nhau nhưng đã nuôi sống thân cây. Mỗi cây là một đại gia đình, gốc rễ mạnh, lan ra xa hấp thụ những dinh dưỡng thì cây mới tươi tốt, đâm hoa kết trái. Hoa lá là biểu thể của sức mạnh, là nguồn sống của cây giống như bộ mặt con người được biểu tỏ bằng lễ giáo, luân lý. Có điều nàng luôn tự hỏi, tại sao loài người không biến thành cây cỏ, khi vui reo đùa cùng gió, khi buồn ủ rũ sầu não và khi không còn nguồn sống, tự nó, nó sẽ chết, không liên lụy đến cây con, cây già, cây khô chung quanh như gia đình nàng bây giờ đang sống ràng buộc, vạ lây vì nhau.
- Mày thử gọi cho nó xem sao, chị Tài phóng thêm một tin nổ, ai đời lấy nhau mười năm mà đã chín năm không hề thêm một lần ăn nằm, mày có tin con lẻo mép này không?
Tin chứ! Kẻ ở trong chăn mới biết chăn có rận, kẻ có đói khổ mới cảm nhận được cái đói khổ của người khác và kẻ sống không hạnh phúc mới biết rằng có những cặp vợ chồng chỉ trên danh nghĩa nhưng thực tế coi nhau còn thua kẻ xa lạ.
- Lựa lời mà nói nghe Cúc. Hình như nó đang điên, chó điên hay cắn càn.
Bà chị vẫn còn cay cú chuyện vài năm trước. Bà lấy chồng đã ba mươi năm và thua ông gần hai mươi tuổi. Ông ta làm ở thượng nghị viện khi xưa, trí thức, đẹp trai, hào hoa lại thêm máu đa tình nên bồ bịch vợ bé vợ mọn cả tá. Sang đến bên này vẫn chứng nào tật nấy, vợ con đi làm đày đày, ông ở nhà hết chính chị chính em lại nghển cổ ôm nhân tình hồi tưởng lại dĩ vãng thời vàng son.
- Sư đời chúng nó, đàn ông trăm vợ ngàn con thì không sao đến khi mình mở mồm đòi ly dị thì bị người ta xúm vào chửi là đua đòi, là thứ lăng loàn trắc nết, là thứ gái thập thành...
Bà đã có thời cay đắng bầm dập, tự vùng lên rồi cũng tự xẹp xuống vì không đủ sức mạnh và nghị lực để vượt thoát được miệng đời và nghiêm luật khắt khe của gia đình.
- Sao chị không mang kinh nghiệm bản thân kể lại may ra nó nghe?
- Tao chán rồi, chuyện mình, mình giải quyết không xong thì khuyên thế nào được. Có nể lắm nó chỉ ừ hử cho qua như vịt nghe sấm.
Bà chị buông tay, đứa út đẩy Mai sang cho Cúc mà nàng là cái quái gì để có thể khuyên bảo được nó? Xưa nay Cúc chỉ là một đứa chết nhát, trốn chạy sự thật. Chung quanh đây ai mà chẳng nói vậy?
- ... Chị sống như vậy thì đừng nên sống, chẳng những trốn chạy trách nhiệm mà còn ích kỷ hẹp hòi, đê tiện cả tư tưởng lẫn tiền bạc. Chị không xứng đáng làm chị, rúc ở một xó ôm cái hạnh phúc hôi thối để mặc chung quanh muốn ra sao thì ra.
Chung quanh là bốn đứa em theo vợ chồng Cúc qua đây từ năm bẩy mươi lăm với một xách lớn tiền đô và một va-li vàng nặng trĩu. Của cải ăn cả đời không hết nhưng kẻ lệ thuộc vào chồng, sợ chồng, sợ gia đình chồng như nàng thì sẽ làm được gì để bảo bọc chúng, nhất là vấn đề sinh kế?
- Em không hiểu tại sao chị lại có thể sống được với con người bần tiện và ác độc như thế?
Lấy chồng gần bẩy năm, đây là lần đầu chúng sống với nàng, dưới một mái nhà để nhận ra bộ mặt thật của Kha tận tường hơn.
- Em đề nghị chị bớt sợ anh ấy một chút, cái điện thoại để làm gì? Số 911 có ma quỷ hay sao mà chị không dám nhấn nút?
Đó là lần cuối cùng Mai hét lên khi thấy chị mình vẫn bất lực để chồng đánh đập như tội nhân. Tuần sau Cúc dọn nhà ra riêng vì không muốn nghe những lời bàn chị phải thế này, phải thế kia. Trước mắt chúng từ đầu đến cuối Cúc chỉ là đứa sợ chồng mà không cần biết lý do tại sao xảy ra tình trạng đó? Dọn đi, thoát cho nàng đối diện sự thật, khỏi phải sợ lũ em uất hờn khi mãi chứng kiến nhân phẩm của chị mình bị chà đạp nhưng trong nàng mặc cảm tràn đầy. Cúc mặc cảm vì đã phủi bỏ trách nhiệm để các em bơ vơ giữa xứ người nhưng rồi lại tự an ủi vỗ về bằng sự nhận thức một chiều là mía nào chẳng có đầu mấu và khóm nào chẳng có mắt nhưng khốn nỗi dù mía hay khóm thì nàng cũng cố đắp bột như đã đắp những danh từ hoa mỹ lên người Kha. Các em Cúc không phải là những đứa ngu dốt. Chúng chưa ăn phải bả hôn nhân nên vẫn còn tỉnh táo nhận định, thế mà không hiểu sao Cúc lại cứ mãi bưng bít.
- Im đi. Cúc gạt phắt. Đã bao nhiêu lần nàng đều quát lên chặn họng khi chúng tỏ ý công kích chồng mình.
- Sợ thì cũng sợ vừa vừa...
Hừ! Chúng chỉ nghĩ mình sợ chồng, cũng may và thà thế còn hơn là bị thương hại. Kẻ nghèo đói có ai dám tự nhận mình thiếu thốn không thể trả được khi đi hỏi mượn nợ? Kẻ không hạnh phúc có dám tự gào khi biết chắc rằng tiếng kêu khóc của mình không có tác dụng? Kha là gỗ là đá không tình cảm, là rắn là rết luồn lách với dòng máu lạnh, là thứ cỏ dại cỏ hoang mọc đầy vườn mà nàng chỉ là người đàn bà khiếp nhược vẫn câm lặng đứng nhìn nó lan tràn như một chấp nhận. Cúc biết mình đang đầu độc thân xác bằng lối nhận thức ngu xuẩn này nhưng vùng dậy sẽ được gì? Như chị Tài, cả ngàn mũi tên đã cắm phập vào tim bà với tiếng cười mai mỉa. "Trai năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng".
- Mày nghe chưa Cúc? Gái chính chuyên chỉ có một chồng, trong nhờ đục ráng mà chịu. Tao cầu cho thằng chồng dê xồm khốn kiếp đang du dương với mấy ả nhân tình bị thượng mã phong chết liền tại chỗ...
Tiếng nguyền rủa của chị Tài vừa thê lương vừa uất hận như vang vọng từ chín tầng địa ngục. Chị tưởng chỉ có mình chị là kẻ bị ông tơ bà nguyệt ghen hờn bắt phải đau khổ mà quên rằng thế gian còn muôn vạn người cũng mang tâm trạng giống chị, cũng khóc, cũng than thở, có điều Cúc là kẻ giỏi câm nín. Nàng đã bưng bít, vá chiếc áo rách tả tơi bằng ngàn thứ vải xanh đỏ đẹp mắt, đã chịu mọi sự nguyền rủa miệt thị để vinh thăng chồng mình thành một thứ người hùng, một thứ tướng tài nhưng trong lòng cay đắng muôn vàn. Người hùng hay kẻ gian hùng? Tướng tài hay tướng cướp? Biết đặt dấu hỏi là đã có sự nhận định và so sánh nhưng bới ra để làm gì? Tướng cướp hay gian hùng thì hắn vẫn là chồng Cúc. Hãy vẽ một hình nhân đẹp đẽ đi bên cạnh hơn là phô bày một thằng cùi hủi chống gậy, hãy để mọi người kính nể ngưỡng mộ Kha hơn là phỉ nhổ xa lánh. Chồng mình vẫn là chồng mình, của mình và muôn đời là mình, là một phần trong cái sĩ diện của mình nên dù thế nào đi nữa, dưới áp lực phong hóa gia đình cũng không bao giờ dứt bỏ được...
Cúc tự đầu độc mình và chết lần mòn trong lối bưng bít ngu xuẩn ấy nhưng làm thế nào để đổi mới được con người nhất lại là càng không thể dứt bỏ hoặc ly dị chồng như thay một cái áo. Trông gương chị Tài thì biết, trông gương dì Vĩnh thì hay. Dì lấy phải người chồng cờ bạc nên bao nhiêu của cải, tài sản của bố mẹ vợ để lại ông đều nướng vào sòng bài. Tiền hết, nợ nần tứ phía ông tự tử và được cứu sống, từ đó cắt tay uống máu thề nhưng cứ tái phạm và tái phạm mãi. Nợ càng nhiều ông càng khôn ra và tự biến thành thứ quỷ ám trong nhà. Bà dì tuy đau khổ vì phải cáng đáng mọi chuyện nhưng lại là người vợ hiền thục gương mẫu, nhẫn nhịn và chiù chồng đủ điều đến nỗi căn nhà lá cũng không còn để ở. Cũng may ông bị bắn chết vì cờ gian bạc lận. Bà dì thoát ách mừng quá khóc rưng rức. Dì thoát ách nợ khi tuổi bốn mươi tám. Chị Tài cũng gần xấp xỉ tuổi ấy nhưng ông anh rể còn dai sức có chết cũng phải trên vài mươi năm nữa nên dù thoát ách thì tuổi già cũng đã đến, như nàng bây giờ, chẳng những con người cằn cỗi mà trái tim cũng già nua khô héo.
Cúc nhu nhược sống lây lất như loại trâu kéo cày để chỉ được bó rơm khô và nhẫn nhục nuốt cay đắng như loại ở đợ còn muốn giữ thể diện nên không hề hé môi than thở. Chính vì thế mà Kha càng được dịp lấn át, đè bẹp vợ để tỏ uy quyền. Cúc biết mình đang làm điều ngu xuẩn, biết cuộc đời mình rõ hơn ai hết nhưng làm thế nào để thoát ách hay cũng chỉ cầu xin trong lòng như ý nguyền rủa của chị Tài. Làm thế nào để có thể vùng lên khi biết chắc mình không có nghị lực phấn đấu để rồi sẽ đi theo bước chân dang dở của chị mình?
Chuyện của Mai, Cúc hoàn toàn không có ý bênh vực hay bào chữa vì bất cứ sự phê phán nào của người đời cũng không ngoài mục đích bảo vệ quyền lợi của họ hoặc hạn chế những sa đọa trước chiến dịch ly dị đang lan tràn nhưng Cúc không thể phủ nhận rằng nàng đã phục Mai sát đất. Phục vì nó dám đứng lên đạp đổ dư luận trong khi đã tốn phí chín năm che đậy. Phục vì nó là người đầu tiên dám bôi bẩn vào gia phả, làm con thiêu thân dẫn đầu cho ngàn vạn con khác đứng ngoài đang ngấp nghé muốn lao vào. Có con thiêu thân nào lao vào ánh đèn mà không chết? Nó muốn làm một phút huy hoàng rồi vụt tắt; nó muốn đổi mới cuộc đời nhưng quên rằng món nợ dây chuyền, "một con chim khôn nuôi đàn chim dại, một con chim dại hại cả đàn chim khôn" luôn dính chùm. Nó quên rằng dù đúng hay sai thì mọi người sẽ chống đối việc làm của nó, vì ích kỷ bảo vệ quyền lợi danh giá của mình cũng có, vì đứng xa trông rộng biết trước cuộc đời cũng có, và vì ngấm ngầm ghen tuông cũng có. Ai mà chẳng muốn có người cùng chung số phận như mình để nhìn nhau và tự an ủi? Con thiêu thân Mai rồi sẽ cay đắng đau khổ gấp trăm ngàn lần với bản án gia đình hơn là sống lạnh lẽo hờ hững bên chồng.
Ngày xưa đọc thơ của T. T. KH. Cúc cảm phục bà vô vàn, không phải vì thơ hay, thơ có hồn mà vì bà dám nói lên sự thật. Bà dám phơi bày nỗi lòng, tâm trạng của bà, của những người vợ đã sống dở chết dở bên người chồng không thương yêu vì bị gả ép. Khi nói là đã tự chọn cho mình một lối thoát, lối thoát của khắc khoải tâm hồn nhưng bù lại phải chịu sự thiệt thòi về phía dư luận. Thời ấy một phụ nữ dám xả thân rên xiết chuyện gia đình thì không phải là chuyện vừa. Tiếng than khóc từ địa ngục, từ tận cùng tuyệt vọng đã làm xúc động và bao nhiêu người đã khóc theo. Họ khóc thương bà, khóc thương mình và khóc cho cả những người vợ bất hạnh. Cúc phục bà nhưng không bằng phục Mai bây giờ. Chín năm không ăn nằm với chồng đối với người già nua tình cảm như nàng là chuyện thường nhưng với nó, hai mươi tám tuổi, mỗi năm là mỗi tuổi xuân trôi đi mà nó đã bỏ phí chín năm để rồi bây giờ mới bật thốt lời than thở. Cúc phục vì nó vẫn hơn nàng, có bao giờ nàng dám biểu tỏ điều ấy với ai, ngay đến mẹ là người hiểu và gần gũi nhất. Để làm gì chứ? Mình đau khổ chưa đủ hay sao còn kéo thêm người khác vào?
- Mai, chuyện gia đình của em, chị không được nghe cặn kẽ lắm. Có thể kể từ đầu đến cuối để may ra chị giúp được gì không?
Cúc biết có hỏi cũng bằng thừa nhưng muốn nghe nó nói, nói được sẽ trút bớt ấm ức và nói được tức là đang muốn có người cùng chia sẻ. Im lặng hơi lâu như thể nghe ngóng và hình như nó đoán ra sự ngấm ngầm tấn công của người chị thứ ba. Giọng nó nhát gừng, khô cứng, điệp khúc được nhắc lại:
- Có gì đâu, sống không có hạnh phúc thì ly dị.
Cúc thở dài. Nó lại giống nàng, vẫn còn che đậy dấu diếm, muốn mở hũ mắm nhưng lại không muốn bốc mùi hôi thối. Bảo vệ tai tiếng cho chồng là điều tốt nhưng ly dị mà không có lý do chính đáng khác nào quệt bùn trên mặt mình đi rảo khắp cùng thiên hạ.
- Em quan niệm thế nào là hạnh phúc?
- Chị hỏi một câu quá thừa với người đàn bà đã làm vợ gần chục năm. Sống không hợp, không thương yêu, không làm vừa lòng nhau tức là không có hạnh phúc. Mai gằn từng tiếng một.
- Em trả lời bao quát quá. Chị muốn nói ít ra cũng phải có lý do nào đó.
- Đã không còn thương thì cần lý do nào khác?
Không thương, không hạnh phúc. Những từ ngữ mới mẻ, văn vẻ đâu ai ngờ lại chính là những ung nhọt đang lan tràn, bành trướng trong mỗi gia đình hòa theo làn sóng ly dị mạnh mẽ. Các luật sư dựa vào đó để vẽ voi vẽ rắn, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm theo ý thân chủ và cũng làm hài lòng túi tham của mình nên không cần biết hậu quả xảy ra thế nào. Ly dị chỉ làm đẹp cuộc đời khi đáp ứng đúng lý do, đàng này không thương, không hạnh phúc thì chẳng những miệng đời mà ngay đến đạo luật nếu có miệng cũng phải gào lên là đã bị lạm dụng.
- Xứ Mỹ văn minh nên có nhiều cái hay nhưng cũng lắm cái dở. Cái dở là những hưởng thụ quá trớn để đi đến sa đọa. Không thương không yêu sao ngày xưa lại kết hôn? Có ai ép gả hai người đâu?
Nói thì nói thế chứ Cúc biết con người ta ai chẳng có những lầm lỡ và chóng thay đổi, ngay cả trong ý nghĩ mới nay thế này mai đã thế khác nói gì đến hành động.
- Em lấy Sơn là vì muốn có người lo cho mình ăn học chứ không phải vì thương yêu, chính anh ấy cũng biết và chấp nhận như thế!
- Bây giờ khi đã đỗ đạt thành tài thì em bỏ người ta hóa ra chỉ là kẻ lợi dụng?
- Em chẳng lợi dụng ai cả và chính em nói cho Sơn nghe luôn rằng có thể bỏ anh ấy bất cứ lúc nào.
- Tại sao em không nghĩ rằng Sơn vì quá yêu và quá tin tưởng là tình mình sẽ cảm hóa được vợ chứ chẳng ai ngu lấy một người khi biết chắc họ sẽ bỏ mình. Hãy nhìn lại em xem có tốt lành gì đâu mà định bỏ chồng để tìm sự tốt lành nơi người khác? Không thương mà cứ lấy thì đâu phải là người biết suy nghĩ và cũng đâu cần hạnh phúc hôn nhân mà phải tốn công kiếm tìm. Chị bảo thật hạnh phúc không phải từ trời rơi xuống và không phải ai cũng có cả đâu. Muốn có nó phải tự kiến tạo.
- Người ta bảo có bột mới gột nên hồ, không thương yêu mà xây dựng hạnh phúc chỉ hoài công, khác nào dã tràng làm nhà trên cát. Chín năm đã chứng minh...
- Mai, em bảo chín năm chứng minh nhưng chín năm đó em đã làm những gì để xây dựng? Biết đâu lại chẳng đi sai đường...
- Một kẻ ăn mày không thể đứng thuyết trình trên bục cao để nói về sự giàu có sang trọng thì kinh nghiệm của người không hạnh phúc chỉ là con số không rỗng tuếch. Chị định khuyên em những cái chị không thể làm được, chị định nhồi nhét trong em những tư tưởng chấp nhận an phận ngu xuẩn.
Mai không ngu như nàng tưởng, chẳng trách một mình nó dám xông xáo đương đầu với tất cả mọi người mà Cúc, một công tố viên với lời buộc tội quá yếu ớt, một quan tòa không đầy đủ chứng cớ để tuyên án. Cũng có thể tại vì tình cảm Cúc nặng nề nên không dám gay gắt ai ngờ Mai phản công quá mạnh.
- Hôn nhân đâu phải là nhà ga mà ghé một vài giờ rồi lại tiếp tục đi. Đã lấy nhau là phải có trách nhiệm, hôn nhân tự chọn lựa thì phải chấp nhận những hậu quả của nó.
Còn lời buộc tội nào gớm ghê và khắc nghiệt hơn nhưng Cúc phải làm cái máy phun chất phóng xạ để giết chết những tư tưởng quá mới đang đầu độc tâm não em mình. Có lý do để ly dị đã là một điều khó nói, khó làm thế mà chỉ vì không thương yêu mà nó dám khai quật nấm mồ tổ tiên thì làm sao có thể chấp nhận được. Mọi ý nghĩ cảm thông, che chở trong đầu Cúc trước khi gọi điện thoại đã bị đánh tan vì nếu lấy tình thương yêu giải quyết là nàng sẽ tự giết nó.
- Chín năm em bị dằn vặt đau đớn trong cái tự chọn cũng quá đủ để nhận lãnh hình phạt.
Mai nhắc đi nhắc lại như thể chín năm là bằng chứng của sự suy nghĩ chính nhắn nhưng nó quên rằng giòng họ Cúc, có người không dám quyết định hoặc chẳng làm lầm lỗi gì cả mà vẫn phải nhận lãnh sự trừng phạt thì còn gì bất công hơn. Sự so sánh làm mặt nàng nóng bừng:
- Hồi xưa lấy Sơn em không nghe lời khuyên của mọi người đã là điểm sai. Bây giờ nếu em cứ nhất định khăng khăng ly dị không nghe lời bàn của ai hết là thêm một lần lầm lẫn. Đã có lần thứ hai chắc chắn sẽ có lần thứ ba và cuộc đời em cứ đạp từ lầm lẫn này lên lầm lẫn khác thì làm sao sống ngước mặt nhìn mọi người? Mai nên nghe những lời của người đi trước mình, dù sao kẻ đứng bên ngoài vẫn sáng suốt hơn.
- Sáng suốt như chị để chấp nhận làm con chó rúc gầm chạn cho ấm cật?
Cúc cố nín nhịn vì vẫn nhớ rõ mục đích của mình:
- Nhưng ít ra chuyện tày trời như thế cũng nên bàn soạn kỹ lưỡng...
- Lắm thầy thối ma, chuyện gia đình em tự em giải quyết; hạnh phúc em tự hưởng thì đau khổ cũng tự em lo.
- Nhưng mày đâu phải từ đất nẻ chui lên.
Cúc ngu ngốc quá, muốn khuyên người là phải tự mở lòng mình ra trước. Mở lòng ra để cho nó thấy mình đang đứng ở vị trí khác, chẳng phải quan toà cũng không phải công tố viên. Hãy đóng vai kẻ bàng quan ngồi dưới hàng ghế cuối cùng nghe xong rồi hãy phê phán. Mày chưa nghe nó nói gì hết mà!
- Mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Chị không thể mang chuyện ông X ra áp dụng với trường hợp của Sơn. Cũng không thể mang cái phong kiến cổ xưa cứng ngắc khô khan ra áp dụng với em, con người đang sống trong xã hội văn minh.
- Vậy tao đang ở trong rừng rú chắc? Cúc cảm thấy khó chịu vì vẻ gay gắt của em mình.
- Chị là lớp người xưa quen cảnh gông cùm. Kẻ cả đời bị trói buộc đâu biết tự do như thế nào mà thèm khát với mơ ước? Kẻ nghèo đói cả đời chỉ mơ cơm sắn no đủ chứ biết thế nào là cao lương mỹ vị? Chị Cúc ạ! Cái hạnh phúc đối với người khô cằn như chị có thể là trò khôi hài, trò xiếc như những ông thầy bói mù đi xem voi, nhưng với em không được thỏa mãn ái ân cũng có thể ly dị huống hồ gì một giống đực nằm chung với một giống cái trên giường mà không hề mảy may rung động xác thịt. Tình yêu nuôi sống thể xác, làm cho nó biết đi, biết đứng và biết thở. Không có tình yêu con người chỉ là một xác chết.
- Không có tình yêu cũng không hợp sinh lý thế sao mày còn đẻ con ra làm gì?
Cúc không thể kềm chế được sự bực dọc mặc dù biết rằng những lời nói của mình hoàn toàn không có ý xây dựng mà chỉ ép Mai vào trong một cái khuôn cứng ngắc.
- Em có nó ngoài ý muốn.
- Ngoài hay trong thì cũng nên nghĩ đến con cái mà hy sinh đi cái hạnh phúc cá nhân. Em không nên ly dị nếu chú Sơn không làm điều gì lầm lỗi.
- Đâu cần phải có lỗi mới ly dị. Nói tóm lại em đã chán cảnh sống giả tạo che đậy. Quá chán rồi!
Càng nói Mai càng đưa Cúc vào những chuyện kinh hoàng không thể tin được. Như vậy tại nó hay tại xã hội Mỹ tự do khiến tình cảm đi quá trớn? Phải chặn đứng ngay tư tưởng suy đồi này, Cúc gay gắt:
- Bảo rằng xứ Mỹ văn minh nhưng nhìn lại mà xem, những người có rễ nguồn cả đời cũng không nói đến chuyện ly dị, còn hạng lang bang nay thay vợ mai đổi chồng thì cuộc đời của họ có ra gì, họ là loại nào, hạng nào trong giai cấp xã hội? Trong hôn nhân đừng đặt cái tôi nặng nề quá mà làm bia cho mọi người cười.
- Em không muốn văn minh cũng chẳng muốn sống hưởng thụ mà chỉ muốn đưa lên một thảm trạng gia đình. Thử hỏi chị chín năm không ăn nằm...
Nó khóc rống lên làm Cúc cũng gào theo như bò thọc tiết:
- Chuyện vợ chồng không ăn nằm với nhau là thường, như mọi người...
Tiếng rống của Cúc mới thê lương hãi hùng làm sao, hình như nàng đã rống cho chính mình. Đừng đầu độc em mày bằng lối bào chữa ngu xuẩn, như mày, có là chuyện thường không? Mày có thản nhiên ra vô trong cái gọi là tổ ấm mà còn lạnh lẽo hơn bãi tha ma? Tại sao không như Kh. la lên, hét lên:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người.
Tim Cúc không có bóng người để giữ, để ôm ấp, để thấy lòng ấm áp mà chỉ có cái bóng, cái bóng của hạnh phúc. Cái bóng... cái bóng...
- Em không thích nói chuyện với những người sống giả hình.
Con bé biết rõ Cúc hơn ai hết; nó tấn công trong tiếng khóc:
- Em không tin rằng có người coi hạnh phúc nhỏ hơn bản thân. Một là sợ dư luận, hai là vì tiền, mà em, cả hai thứ đều không đáng để lưu tâm.
Mai đã ngang nhiên khai chiến với hai chị của nó. Cúc vì tiền còn chị Tài vì dư luận vậy thì nó? Không phải vì tiền, vì muốn có người nuôi nên mới lấy Sơn hay sao? Nhưng thôi, dù đúng hay sai bây giờ không phải là lúc đôi co hơn thua với nhau.
- Em còn trẻ lắm, như con nghé con ngông nghênh gặp ai cũng muốn húc mà quên rằng sừng mình chưa nhú khỏi đầu để có thể chống đỡ. Trí khôn em chưa đủ và cũng chưa từng trải nên chưa thấm thía nỗi cay đắng của cuộc đời. Hôn nhân bừa bãi giết chết tình yêu lẫn sự mơ mộng, còn lại chỉ là trách nhiệm và bổn phận.
- Lại giọng điệu của mấy bà già nhà quê chưa bao giờ ló đầu ra khỏi ngưỡng cửa nên nghĩ tổ chuột của mình là tổ ấm. Em bảo thật sống như chị và chị Tài thì thà làm loài gỗ đá vì tình yêu còi cụt thì con người không còn là con người, hãy chết đi làm phân bón cho cây cối tươi tốt...
- Con hỗn láo...
Cúc chỉ quát lên được có thế rồi nhanh tay gác ống điện thoại. Nói cho đúng nàng trốn chạy nó, trốn chạy sự thật đau lòng đã chôn và cố tình chôn. Sống như thế thì đừng nên sống, đừng nên sống nhưng có chết được đâu và có muốn chết cũng chẳng thể chết được vì chết như thế là chết hèn. Sống để xem sức chịu đựng của mình đến đâu và sống để nhìn chung quanh xem có ai làm con thiêu thân mà còn sống sót.
Hôm sau Cúc gọi cho chị Tài nói về những thất bại của mình. Bà cười khẩy:
- Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, đứa nào có thân đứa nấy lo. Cứ để cho nó vùng lên, vùng không được cũng đành phải rũ thôi.
Dẫu biết chị Tài giận nên nói lẫy nhưng Cúc không thể phủ nhận rằng trong đó có những ích kỷ riêng tư. Chính ra chị em phải khuyên bảo lẫn nhau để tránh những lầm lỗi đáng trách vì người trong cuộc bao giờ cũng rối trí và hay làm bậy. Cúc không muốn em mình đào cái huyệt chôn nó, như mình, nhưng cũng không muốn vì những lời khuyên ngu dốt làm chết cuộc đời còn sót lại. Cúc không muốn nó làm bia cho mọi người cười và càng không muốn nó làm con trâu lạc khỏi bầy, khỏi ràng buộc luân lý gia đình. Phải tìm một biện pháp khác dung hòa cả hai bên. Phải cần một thời gian yên tĩnh để nó nhìn ra nó, nhìn ra những điều đang làm và cái cần thiết nhất là nó đang muốn gì và thực hiện để làm gì? Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ly dị?
- Mình nên cho nó thời gian. Cúc buột miệng.
- Mày nghĩ như vậy là sai. Sự im lặng của mọi người là hình thức gián tiếp chấp nhận. Chị Tài nói bằng giọng chắc nịch và cả quyết.
- Vậy thì chị gọi đi.
- Tại sao lại tao?
Cúc đành đẩy chuyện của Mai sang cho cô em kế để may ra có thêm ý kiến gì không. Gia đình nó tương đối hạnh phúc, cũng có thể sống giả dối hình thức bề ngoài như nàng.
- Em gọi rồi, vừa nghe giọng em câu đầu tiên chị ấy hỏi là: "Trả lời rồi hãy vào đề, mày ở phe nào, chống hay thuận?" thế có tức không. Em cố nín nhịn trả lời: "Nếu chị làm đúng chắc chắn mọi người sẽ bênh vực chị." "Dựa trên căn bản nào để biết đúng hay sai?" "Mình làm điều gì không áy náy với lương tâm là đúng". Vậy là chị ấy chụp ngay câu đó giảng cho em một hơi, lôi cả chị và chị Tài ra chứng minh. Rốt cuộc thay vì nghe em khuyên giải chị ấy lại khuyên ngược em.
- Bây giờ mới biết con Mai nỏ mồm, không lẽ mình không còn cách gì hết?
- Theo em mình nên làm tròn bổn phận của người trong gia đình, còn nghe hay không là quyền của chị ấy. Không ai có quyền quyết định số phận hôn nhân của người khác.
Cúc không buông tay vì sợ con thiêu thân phải bỏng, vết bỏng sẽ thành cái thẹo cay đắng như chị Tài bây giờ.
- Hay cứ để nó muốn làm gì thì làm may ra lũ chồng mình mới sáng mắt. Cúc chợt đưa ra ý kiến táo bạo khi gọi cho chị Tài..
- Sáng mắt hay dựa vào đó nguyền rủa vợ con?
Chị Tài nói đúng. Mấy hôm nay Kha đã bắt đầu tiếng chì tiếng bấc.
- Nó đã ly dị đâu mà anh kết án dữ vậy? Dòng họ anh cũng đâu trọn vẹn hết cả sao em không hề đả động tới? Ai làm thì người đó chịu đừng lôi người này người kia vào.
- Nhưng mọi người đều phải có trách nhiệm liên đới.
- Anh cũng là người trong gia đình, nếu bảo phải trách nhiệm thì anh đâu có thoát.
- Rể là người dưng...
Kha như vậy đó, có nên tranh luận với người đầu óc hẹp hòi, thiển cận không? Cúc chua chát:
- Chính vì rể là người dưng nên anh mới coi vợ như đầy tớ, vừa được làm chủ, được làm thầy chỉ tay năm ngón, vừa được làm chồng, làm cha mà không cần đến trách nhiệm và tình thương yêu. Nếu anh coi vợ là con ở thì nên giải phóng cho nó vì xứ Mỹ tuy là nguồn gốc của dân buôn bán nô lệ nhưng đã bị đánh bại...
- Câm cái mồm thối tha lại, em nào chị nấy, chưa gì mà đã muốn làm đĩ Mỹ...
Cùng một luận điệu, cùng một lối nguyền rủa miệt thị như nhau, có điều Kha bây giờ không còn dám đánh đập vợ nữa, hàng xóm đã gọi cảnh sát lần thứ ba, lần cuối cùng tự động bị lôi cổ ra khỏi nhà mà không cần nghe lời phân bày phải trái. Hắn không gờm vợ nhưng gờm cảnh sát, mỗi lần vung tay lên, nắm đấm từ từ bóp lại và tự động buông thõng đủ để lộ cái hèn kém của loại cá lớn chuyên môn nuốt cá bé chợt run rẩy rồi xuội đơ khi thấy một con cá lớn hơn mình đang trờ tới. Hắn không dám đánh vợ đã đành nhưng cũng không dám thẳng tay đập phá nhà cửa để thị oai. Hắn sợ hàng xóm, sợ cả con chó chung quanh buông tiếng sủa vu vơ. Hắn đã biết sợ...
Cảm ơn Thượng Đế, nhờ vậy con mới dám nói những uẩn ức trong lòng và nói những mơ ước khao khát của một đời làm vợ, nhưng tiếng nói câm nín từ hai mươi năm qua đã không còn là tiếng ngọt ngào mà pha toàn cay đắng. Xin cho con xóa bỏ được hận thù, lấy tình thương tha thứ cho người đã đối xử tệ bạc với con và xin cho con có tình người, có tình thương với người chồng gỗ đá khô khốc...
Cầu xin thì cứ cầu xin chứ Cúc không hy vọng Kha sẽ sửa đổi. Bản tính con người dễ bị hòa nhập trong máu nếu không biết thức thời, không nhận nơi mình những khiếm khuyết. Cầu xin để bám lấy hy vọng cũng như tự nàng đã lừa mình để can đảm kéo lê kiếp trâu cày chứ làm sao có thể biến mảnh đất sỏi đá thành khu vườn mầu mỡ mà không cần phân bón? Làm sao có thể có hạnh phúc gia đình một khi đã mang nặng khinh khi và làm sao bây giờ? Như Mai? Làm thế nào để khuyên ngăn nó?
Mẹ Cúc biết được chuyện động trời, cũng là người sau cùng trong gia đình. Cúc nhìn vai mẹ rung lên, đôi môi trở màu trắng bệch và cứ thế từ từ đổ xuống. Lũ em xúm quanh hò hét khiêng mẹ lên giường, còn Cúc vẫn đứng yên bất động với hình ảnh hãi hùng của hai mươi năm về trước lại tái diễn. Hai mươi năm trước mẹ cũng ngã đổ như thế và Cúc đã buông xuôi cuộc đời, đầu hàng chấp nhận hôn nhân do mẹ tự chọn, cái tự chọn quá độc đoán khi cho rằng những gì tốt đẹp theo mình nghĩ là sẽ tốt đẹp cho con mình. Mẹ thích sầu riêng, chỉ cần nhìn lớp vỏ lởm chởm gai cũng có thể tưởng tượng ra được mùi thơm và vị ngọt béo của nó nhưng Cúc thì không. Trái lại cầm trái xoài tượng xanh mướt, Cúc nghĩ ngay đến chén nước mắm đường và chất chua chua ngọt ngọt mà nước miếng ứa tự chân răng. Mẹ chọn rể theo một đường hướng nhìn, một góc cạnh, một mặt phẳng mà không hề nghĩ đến những khúc quanh co, đến bề trái của nó. Mẹ chọn rể trong khoảnh khắc ngắn ngủi như người nội trợ chọn lựa con gà, con vịt về ăn liền mà quên rằng con mình sẽ phải sống suốt đời với kẻ đó. Vì suốt đời nên không thể dựa vào sự béo tốt hoặc sung mãn mà phải nhìn từ cái biết sống và cho ra sống. Muốn sống và cho ra sống phải đặt trên căn bản tình yêu và sự hiểu biết. Không hiểu biết làm sao đắp xây được hạnh phúc mà hạnh phúc chỉ được nảy sinh từ tình yêu. Trăng, gió không được thi sĩ tô điểm chải chuốt nó không thể có hồn, không thể sống, không thể hòa nhập vào lòng người thì tình yêu vợ chồng cũng thế. Kẻ có tình yêu nhìn thấy hạnh phúc biến dạng muôn màu mà mẹ, người đã được hạnh phúc chỉ biết ước đoán hạnh phúc con cái qua lăng kính hồng chật hẹp của mình.
- Chị Cúc ơi! Gọi bác sĩ Phùng nhanh lên. Đứa em út kêu hoảng.
Cúc không thể nhấc chân lên được. Cái xác ba mươi sáu ký, khô héo nhẹ tênh như có đá trì kéo. Cái xác tưởng rỗng ruột chỉ chờ một cơn gió thoảng là ngã xuống, là lăn kềnh ra, là được đặt vào cỗ áo quan sáu tấm, là được nghe tiếng khóc tiễn đưa cuối cùng mang về Niết Bàn chấm dứt cuộc sống muộn phiền. Một đời sống khổ khi chết nàng sẽ được đền bù. Một đời sống đơn lạnh khi chết nàng sẽ mỉm nụ cười sung sướng vì thoát được cõi trần gian không mấy ưu ái mình.
- Chị Cúc ơi... Chị Cúc ơi...
Cúc không còn nghe thấy gì hết ngoài tiếng vẳng khóc điệu đưa ma. Tự dưng nàng thèm được chết, hai mươi năm trước giá được nằm xuống thì bây giờ chẳng phải chứng kiến khúc phim tra tấn dã man này. Rồi con Mai sẽ lại như nàng, sẽ bó tay trước ý định vì thương mẹ mình. Mẹ... Mẹ... Cúc bật khóc, tiếng khóc không phải từ thương yêu, lo lắng như mọi người chung quanh. Tiếng khóc lạc lõng? Đúng! Cúc nghe rõ như thế vì nó mang đầy trách móc. Cúc trách mẹ mình không đủ nghị lực chống trả để ảnh hưởng đến người khác. Cúc trách mẹ, người đàn bà chất phát, hiền lành đến độ mê muội khi cho rằng đã là vợ chồng thì phải thương nhau, như bố mẹ đã thương nhau. Mẹ chỉ biết lấy mình ra dẫn chứng "Xưa kia bố mẹ lấy xong rồi mới yêu và đẻ ra lũ chúng mày". Mẹ là người đàn bà được sinh ra trong lớp bọc điều. Mẹ là người có phước nhất trần đời nhưng cái phước của mẹ lại là cái họa cho đám con vì đàn ông trăm người xấu chỉ có một người tốt với vợ mình. Mẹ đã lầm lẫn... Mẹ đã lầm lẫn...
- Chị Cúc ơi...
Tiếng của đứa nào kêu lên rất nhỏ như gió xoáy vào lỗ tai, Cúc phát cười sằng sặc:
- Cúc, Cúc, Cúc, Cúc, Cúc cái gì?
Thế là nàng được yên thân. Chúng biết Cúc có máu điên từ khi qua Mỹ, từ khi nhìn thấy trước mắt nhan nhản những đôi vợ chồng già, trẻ quấn quyện bên nhau, chia sẻ ngọt bùi và âu yếm nhau như đôi bồ câu. Họ bộc lộ cử chỉ ở khắp mọi nơi, một cái nắm tay, một tia mắt nhìn, một đôi vai dựa, chỉ bằng đó cũng có thể biết lòng họ đang tràn ngập yêu thương hạnh phúc. Còn vợ chồng nàng cũng ra công viên, cũng con cái đùm đề nhưng mỗi đứa ngồi mỗi nơi. Cũng đi ăn ngoài trời nhưng ăn xong vội vã kéo nhau về như đoàn quân chết no. Đôi khi Cúc tự hỏi mình đã tắt hẳn nụ cười từ lúc nào, từ lúc lấy chồng hay từ lúc được tin phải lấy chồng, mắt đã kéo màng từ khi nào để không bao giờ nhìn thấy nơi Kha một ánh mắt trìu mến tha thiết, một tia nhìn nồng nàn gắn bó và có phải đôi bàn tay cùi cụt, rụng ngón để không còn cảm giác hoặc mơ ước là sẽ có ngày nào đó được chồng nắm lấy tay mình truyền hơi ấm, truyền sức mạnh và truyền cả sự thương yêu...
- Chị Cúc, mẹ gọi vào kìa!
Mẹ đã tỉnh sau khi bác sĩ chích cho mũi thuốc khoẻ. Con nhà giàu đứt tay có khác, cái đứt tay của con nhà giàu bằng đứa nhà nghèo đạp phải mìn cụt chân. Lũ chị em Cúc là con nhà nghèo còn mẹ, mẹ giàu quá, mẹ giàu nên không hề biết cái đói lạnh, cái khao khát hạnh phúc của đám con mình.
Năm mươi năm làm vợ, mẹ sát cánh với bố như con Kăn-gu-ru bé nhỏ được bỏ vào cái túi đeo trước ngực. Mẹ như con chim non được bố tha mồi về mớm mỗi ngày. Đi đâu bố lại chẳng mua quà bánh về cho mẹ và cho dù mỗi ngày, mới sáng đó, chiều đó, bố đã dấu ái mẹ như lâu ngày không gặp. Chỉ cần nhìn khóe môi mẹ cười, nhìn đôi mắt chan chứa thương yêu là biết lòng mẹ đang tràn ngập hạnh phúc. Có đứa con nào nhìn thấy hình ảnh đó mà không thầm mơ ước cuộc sống mình sau này? Thế mà đám con của mẹ không ai được hưởng một phần cái hạnh phúc mẹ đã có.
- Chị Cúc, mẹ gọi kìa! Thằng em trai sốt ruột nhắc lại.
- Tao đang mệt.
Cúc nói thế để tránh cuộc họp vĩ đại do sự giàn xếp của chị Tài. Bà chị sợ trách nhiệm của con chim đầu đàn:
- Đấy nhé, một con chim khôn dẫn một đàn chim dại, còn nó, một con chim dại, chim giữa đàn, thì để mẹ giải quyết.
Mẹ giải quyết bằng nước mắt, bằng sự van xin con mình, bằng khuyên nhủ chấp nhận và an phận, bằng dẫn chứng cuộc đời phải tự tạo mới có hưởng và bốn tiếng "không được ly dị" vẫn luôn nhấn mạnh trong mỗi câu nói. Cúc không tin rằng mẹ đang đổ nước xuống hàng lá khoai dù mắt Mai vẫn mở lớn. Nó không nhìn và cũng chẳng cầu cứu đến một ai. Giờ phút này mọi người mới thấy rõ sự quyết liệt của nó.
- Mẹ đừng khuyên con nên tự sát kiểu vô nhân đạo như vậy...
Vậy là nó đã nhìn ra sự lầm lẫn của mẹ. Đâu phải cứ chấp nhận an phận mới xứng đáng là vợ hiền dâu thảo. Đâu phải cứ cần cù nhẫn nại mới giữ vững được mái ấm gia đình. Mà có đi chăng nữa cũng chỉ là thứ hạnh phúc giả tạo, gượng ép, một chiều, như những bức tượng rỗng vá víu bằng thứ nước hồ đã vữa, như khung nhà mục nát chỉ chờ cơn gió nhẹ là đổ xuống.
- Mày bị quỷ nhập rồi con ơi.
Mẹ chỉ nói được có thế rồi lại tru lên khóc. Thằng em đứng vụt dậy vì sự kiệt quệ của mẹ mình. Hình như bất cứ điều gì khiến mẹ phiền muộn nó đều cho là sai trái. Con trai tính nóng, nó để cả hai tay lên đầu Mai như thể vận nội công đánh đuổi tà ma đang ẩn náu trong đó:
- Trong người chị có quỷ, em phải vật nó chết tươi.