Người xưa

Tác giả Đồng Sa Băng

TẢN MẠN VỚI TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN DẤU CHÂN NGÀY XƯA

Như vài dòng giới thiệu

Một ngày nọ, tạm gọi là tình cờ, tôi nhận được tuyển tập truyện ngắn DẤU CHÂN NGÀY XƯA của Đồng Sa Băng gởi đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Tôi tham lam đọc ngấu nghiến lần lược theo thứ tự của mục lục lục mà khi thấy cay mắt thì đã 2 giờ sáng! Cũng chính vì sự tham lam này mà tập truyện đã "cao chạy xa bay" ngay buổi sáng hôm sau khi tôi rời khỏi nhà. Thằng bạn ngủ "quá giang" hôm đó nó đã rinh đi mất, sau đó nó còn bị người khác rinh tiếp nên tập truyện chỉ quay lại tôi sau gần ba tuần với nhiều cuộc điện thoại "đòi nợ"!

Toàn tập truyện như một cuốn hồi ký về quê hương. Tác giả không có ý định xây dựng một nhân vật chính nào cả, tất cả đều "kể" ra rất thật. Thật như đời sống thường nhật, thật như những con người bình dị nói bằng ngôn ngữ của quê hương ruộng đồng. Truyện ngắn của Đồng Sa Băng không hề thấy sự trau chuốc từ ngữ, thậm chí không sửa các từ địa phương mà chúng ta thường cho rằng khó biết, khó hiểu. Và cũng chính vì điều này ta lại cảm thấy hương vị của hoa đồng cỏ nội lại ngào ngạt lang tỏa khi đọc tập truyện. Đọc truyện của Đồng Sa Băng tôi liên tưởng đến "Thằng quỷ nhỏ", "Buổi chiều window"... của Nguyễn Nhật Ánh mà ngày xưa tôi thèm đọc như người nghiện thèm thuốc.

Xin chân thành cảm ơn tác giả đã vẽ lại bức tranh về đồng quê xứ Quảng bằng cả ký ức và tấm lòng của một người xa xứ. Trong bức tranh này có bóng dáng người mẹ, có em thơ, có tiếng gà sớm trưa, có tiếng bình yên mỗi buổi tinh mơ của học trò rủ nhau đi học, có tiếng khóc cười của buồn vui cuộc sống. Ai lớn lên từ quê hương có đồng ruộng, có núi đồi, có sông nước có lẽ cũng sẽ thấy ít nhiều dấu chân của chính mình trong số các DẤU CHÂN NGÀY XƯA đã in hằn trên quê hương yêu dấu!

Ngô Hữu Đoàn

Sàigòn, 09.10.2006

XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU CÙNG CÁC BẠN

NGƯỜI XƯA

Rút trong tuyển tập truyện ngắn "Dấu chân ngày xưa" của Đồng Sa Băng,

Mới vừa năm giờ sáng chiếc xe khách đã len lỏi dưới ánh đèn mập mờ Saì Gòn, lách qua từng con đường lớn, con dường nhỏ, và âm thầm chạy đi trong giấc ngủ của người dân đô thị. Những bóng đèn vàng vọt, treo lẳng lơ trên đường phố, dường như đã mệt nhoài sau một đêm daì soi đường chỉ lối, bây giờ nhường lại cho ánh nắng bình minh để lui vào giấc ngủ. Chiếc xe đang chạy tự nhiên thắng lại kêu két két, bốn bánh xe vạch đường dài trên mặt lộ, và từ từ dừng lại trước một quán ăn bên lề đường. Trước khi nín thở nó lại xịt cho một tiếng thật to, rồi phun khói đen bay đầy trời. Người tài xế bước xuống đi vào quán ăn, tôi mở mắt nhìn ra ngoài, mặt trời mới vừa ló dạng và chiếc xe cũng mới vừa đến ngã ba Dầu Giây.

Con đường từ đây lên Ban Mê Thuột còn xa quá, tôi mới vừa ló đầu ra xe thì: “Bánh bao đây, bánh bao đây, bánh bao đi chú.” “Bán cho chú hai cái đi.” Tôi cũng chẳng buồn mở cái bánh ra, ngã mình trên ghế xe, tôi thèm giấc ngủ còn hơn đứa bé thèm cây cà lem của mẹ về chợ. Trong nháy mắt tôi lại nghe tiếng rao văng vẳng bên tai: “Miá ghimmm đây, mía ghimmmmm…” và bao nhiêu tiếng chân người bước đi trong gió.

Năm đó tôi vào lớp mười hai trường Văn Học, ngồi nghe Nguyên Sa nói về người Saì Gòn mà cười muốn bể bụng. Nhưng tôi đâu có phải người Saì Gòn đâu.

Ngày đó tôi cũng khăn gói, lất lư chạy theo cha mẹ tản cư nhiều lần lắm, chạy đi, chạy về, rồi lại chạy đi. Nhưng cuối cùng không còn chổ chạy về nữa nên tôi mới lọt vào cái trường Tư Chánh B nầy. Những ngày tháng tản cư ngắn ngũi sống ở trường Tư Chánh B tôi thấy vui lắm. Tôi thường lang thang phía sau trường, băng lên khu nhà thương và lên lò bánh mì Chí Thành ở thị xã Quảng Ngãi. Tôi thấy Quảng Ngãi rộng lớn quá, mà tấm thân tôi đến chiếc xe đạp cũng chưa biết cởi, nên suốt ngày chỉ biết lanh quanh ở khu Tư Chánh B nầy.

Chiều về, những đứa bé tạm cư kéo nhau ra đầy sân trường nô đùa chạy nhảy, con gái thì nhảy dây, con trai thì tạt lon. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn, những chiếc dép Nhật sức đai, những lon sửa bò móp méo, và những sợi dây thừng đứt tả tơi bây giờ nằm chơi vơi trên sân trường.

Những đứa trẻ theo gia đình mỗi người đi một ngã, còn tôi thì lại trôi dạt vào cái xứ Sài thành.

Mà một người tản cư thì tôi cũng như bao nhiêu người con xứ Quảng khác, phải biết đi làm để đóng tiền trường. Tôi phụ và học việc tại một tiệm sửa đồng hồ của một người cùng quê. Những giờ không có lớp học tôi thường đạp chiếc xe đạp cộc cạch đến tiệm sửa đồng hồ ở Tân Qui Ðông. Từ bến đò Long Kiển, Hương Lộ 24, chạy vào một khoảng đường bốn năm trăm thước là khu thương mại bỏ túi. Cái tiệm sửa đồng hồ của anh Ba nằm trong nhà bà Ðạt và bên cạnh là tiệm may của mấy người con gaí bà Ðạt.

Hôm nay có một người thợ may mới về trong tiệm, làm cho không khí tự nhiên ồn ào và náo nhiệt hơn.

Những chiều cuối tuần bến đò Long Kiển trở nên tấp nập hơn, người từ phương xa tay xách, nách mang, những bó hoa, những bộ quần áo thật màu sắc, đổ về ngôi mộ bà Ana trong Tân Qui để tặng bà, và xin một vài điều may mắn gì đó. Hay cầu xin bà cho một con số để chiều nay đánh số đề. Trong số những người đến viếng thăm mộ bà Ana có cả những chàng bạch diện thư sinh, và những tà áo nữ sinh bay phất phới trong gió. Họ về đây để xin bà Ana chứng kiến lòng thành của họ, và cầu xin bà cho thi đổ kỳ thi nầy. Nhìn những khuôn mặt khẩn trương, và hớn hở đi trên đường mới biết niềm tin thật là mảnh liệt! Tôi nguyện cầu cho họ.

Ở đâu có đám đông thì ở đó có chợ búa nổi lên. Cho nên bến đò Long Kiển bây giờ cũng mọc lên cái chợ chồm hổm. Cái chợ chồm hổm nhỏ chút vậy mà cũng đông người ghê.

Tôi xuống xe dắc bộ chen lấn đi vào cửa tiệm đồng hồ.

- Ðể xe đụng dơ quần tui rồi, dơ hết trơn rồi, mắt dịch.

- Em nói tui mắt dịch hả?

- Hổng lý tui nói tui mắt dịch. Thấy quần người ta bị dơ hông?

- À, xin lổi, đưa đây tui phủi cho.

- Thôi, thôi, đừng có dzô dziên.

- Lần sau em đừng nói qua mắt dịch nghe hông.

- Hí, lần sau, có lần sau nữa sao, thiệt là.

Người con gái có vẽ bực bội, xách cái giỏ đi chợ bước vào tiệm may, nàng không quên quay đầu lại liếc tôi một cái muốn loì con mắt ra ngoài.

Tôi dắt chiếc xe đến cửa tiêm, dựng ngoaì hiên rồi vào trong lấy mấy caí hoá đơn để lên Chợ Củ mua thêm ba đồ phụ tùng về sửa.

Từ đây lên Chợ Củ nếu không muốn đi bằng đò thì phải chạy xe dọc theo bờ kênh Tẻ để về cầu Tân Thuận Ðông, rồi bắt qua đường Trịnh Minh Thế đi lên. Ðường đi xa quá nên tôi thường lấy con đò Long Kiển qua cho lẹ.

Ðứng bên bờ sông, nhìn chiếc xuồng cập bến tôi lại nhớ con đò An Chỉ ngày xưa. Ngày đó quê tôi nằm bên đây bờ sông Vệ, bên kia bờ là làng An Chỉ. Dọc theo hai bên bờ sông là những cụm tre già ngỗn ngang. Từ làng tôi qua làng bên phải đi bằng một con đò, con đò An Chỉ. Từ sáng tinh sương cho đến chiều hôm, ngày nào ông Ðàn, ông lái đò, cũng đưa khách sang sông. Con đò ông Ðàn đan bằng nan tre, trét dầu rái đen bóng, và lớn gấp ba gấp bốn lần những con xuồng ở bến đò Long Kiển nầy. Những lúc vắng khách, đò ông Ðàn thường cập bến bên cạnh buị tre già. Rồi một tiếng “ông lái đoooò” từ bên kia sông, là đò ông lại khoan thai rẽ sóng với cây sào bằng tre, dài, từ từ chuyển mình rời bến.

Ngày đó tôi thường theo mẹ trên con đò An Chỉ qua sông cho kịp buổi chợ chiều.

Bây giờ nhìn những con đò chạy bằng máy đuôi tôm lướt mình trên sông, hình ảnh ông lái đò ngày xưa hình như đã chìm lỉm trong dòng sông.

Chiếc xuồng đã cập bến, tôi vội vã bước lên xuồng qua Khánh Hội để lên Chợ Củ.

Tôi vừa làm vừa học nghề ở tiệm sửa đồng hồ nầy cũng gần một năm nay. Anh Ba, người cùng quê tôi, sau ngày chiến tranh, mất làng mạc, anh cũng chạy tứ tung, rồi anh học được cái nghề sửa đồng hồ đâu ngoài Ðà Nẳng. Sau nầy anh vào Saì Gòn lập nên cái tiệm sửa đồng hồ nầy. Thật sự ảnh cũng không có vốn để lập nên cái tiệm nầy đâu, nhưng vì ảnh có tay nghề giỏi mà ông bà Ðạt thì có nhiều con gái lớn chưa có chồng con, nên ông bà Ðạt mới đồng ý cho anh Ba đặt cái tủ nhỏ trong tiệm tạp hoá ổng bả để sửa đồng hồ, và chỉ cho thằng Lượm con ổng bả làm nghề. Vì chổ cùng quê nên tôi cũng được anh Ba chỉ cho cái nghề nầy luôn.

Một năm sau khi anh Ba dọn về làm ở đây, ảnh cưới cô Bốn con gái ông bà Ðạt làm vợ. Ngày đám cưới tôi làm phụ rể cho anh Ba, tôi nói thôi, đám cưới nó vui tưng bừng, ông bà Ðạt mừng có được rể có tay nghề, dìu dắt đám con ổng cùng nhau làm ăn. Còn cô Bốn thì mở tiệm may sát nhà luôn. Tiểu hỷ, đại hỷ rồi tân gia hồng phát giống như rồng gặp nước vậy!

Tôi ghé mấy tiệm bán đồ phụ tùng đồng hồ ở gần Chợ Củ, mua ít đồ xong tôi đi thẳng đến trường học luôn.

Chiều về, tan trường tôi lấy xe chạy thẳng về bến đò Long Kiển để qua sông về tiệm sửa đồng hồ. Tôi dựng xe, bước vào tiệm và đưa cho anh Ba những gì ảnh nhờ tôi mua sáng nay. Tôi mới vừa ngồi xuống thì chợt thấy người con gái hồi sáng tôi làm dơ quần cổ, cổ cũng có mặt trong tiệm. Nàng đang nói chuyện với bà chủ nhà, và coi có vẽ thân thiện lắm. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn nàng rõ hơn, nàng cũng bình thường như bao nhiêu người con gái khác. Chiếc áo bà ba với mái tóc dài xỏa ngang lưng.

Sáng nay tôi bị người ta xô đẩy đụng vào nàng, bây giờ thì gặp nàng ở đây, tôi muốn nhào vô làm quen với nàng ngay. Nhưng tôi không biết mình phải bắt đầu làm sao, nói cái gì? Tồi đành quay qua hỏi anh Ba:

- Cô kia là ai vậy anh Ba?

- Cháu bà chủ nhà đó.

- Có phải cô thợ may sáng nay mới vô đó không?

- Ừ, mà sao hôm nay chú hỏi tui chi kỷ vậy?

- Thì thấy lạ hỏi thôi, anh biết nhỏ tên gì hông?

- Nhị.

Anh Ba người thật thà, hiền lắm, nhưng có cái bịnh nặng tai, cũng vì vậy mà anh sinh ra cái tật nói lớn tiếng, cái gì cũng nói như la làng lên. Người con gái đang nói chuyện với bà Ðạt nghe tiếng Nhị liền quay qua chổ tôi đang ngồi, nàng liếc mắt nhìn tôi một thoáng rồi quay đi. Tôi quay qua nói nhỏ anh Ba:

- La gì to dữ vậy cha nội.

- Hả, chú hỏi tui cái gì?

Ổng lại la lên nữa. Khổ quá! Người con gái quay về phía tôi, xong đi thẳng ra về tiệm may luôn. Ông nầy ổng phá bể mánh tui rồi, nhưng tui đâu dám nói lớn nói nhỏ gì ổng được đâu, ổng là ông thầy của tui mà!

Tôi phụ anh Ba chùi dầu cái đồng hồ xong tôi lấy xe ra về. Khi ngang qua tiệm may, tôi liếc vô nhìn nhưng không thấy bóng dáng nàng đâu hết.

Ra tới bến đò Long Kiển trời đã ngã bóng về chiều. Nước sông đang lên, mang theo lục bình, rác rến đua nhau chạy về miệt cầu Rạch Ông. Cảnh người nhộn nhịp của chợ chồm hổm buổi sáng bây giờ đã vắng chỉ còn lại mấy con đò nằm trên bến đợi khách sang sông. Tôi bước xuống chiếc xuồng con. Cái máy đuôi tôm vừa nổ tạch tạch xong là chiếc xuồng cũng sắp đưa chúng tôi ra giữa dòng sông. Nhìn những đám lục bình trôi vội vàng trên sông sao tôi lại nhớ ánh mắt và mái tóc xỏa ngang lưng của Nhị.

Nhưng rồi những con tóan, và hình ảnh những bài vở của ngày mai lại xâm chiếm suy nghỉ của tôi.

Ở tuổi nầy tôi cũng biết mộng mơ rồi. Có những lúc đứng trước những bóng hồng, lòng tôi cũng biết bâng khuâng hồi hộp, ước mơ được dìu nhau đi dưới những hàng me xanh mát, hay nắm tay nhau đi bên cạnh bờ sông trong những buổi chiều tắt nắng. Nhưng mà thật tế vẫn là thật tế, những bài vở, những kỳ thi, và những lo toan của cuộc đời vẫn luôn hiện hữu trong tâm tư của người học sinh thời loạn.

Những tháng ngày cuối của năm lớp mười hai tôi ít xuống tiệm sửa đồng hồ anh Ba.

Mỗi ngày sau bửa ăn tối, tôi vào căn nhà nhỏ ôn bài cho kỳ thi sắp tới. Thỉnh thoảng tôi ghé tiệm anh Ba để mua đồ phụ tùng dùm ảnh. Mỗi lần ghé tiệm sửa đồng hồ tôi thường qua tiệm may của vợ anh Ba chơi. Ngày xưa ít khi tôi vào cái tiệm may nầy đâu, nhưng từ ngày có người thợ may mới tôi lại thường qua chơi. Riết rồi tôi cũng làm quen được với người thợ may mới nầy. Nhà Nhị ở tận ngã ba Cây Thị, Gò Vấp, xa quá nên Nhị ở ngụ tại tiệm may vợ chồng anh Ba.

- Sao mấy nay không thấy anh xuống sửa đồng hồ? Nhị hỏi.

- Anh đang học thi nên không có thì giờ nữa. Hôm nào Nhị về trên nhà cho anh đi theo với được không?

- Thôi, anh lo học thi đi, theo em về trên đó làm gì.

- Anh muốn biết chổ Nhị ở mà.

- Không được đâu, má em biết thì chết em đó.

Quen biết Nhị mấy tháng rồi mà tôi không dám hẹn hò rủ Nhị đi chơi, có lẽ tôi sợ gia đình bà Ðạt biết, rồi sẽ đến tai gia đình tôi, và nhất là mẹ tôi. Tôi sợ bao nhiêu công lao mẹ tôi dành cho tôi mà kỳ thi Tú Taì nầy không đậu thì chắc khổ lắm. Cho nên mối tình thầm kín của Nhị có lẽ chỉ có Nhị và tôi biết thôi.

Còn hai tháng nữa là ngày thi, lúc nầy tôi tự cắm trại một trăm phần trăm, không còn lên xuống tiệm sửa đồng hồ và cũng không có thì giờ gặp Nhị. Và kỳ thi đó tôi đã đỗ. Ngày đi coi kết quả tôi âm thầm ra đi một mình, khi biết đã đậu tôi vội vàng về báo cho mẹ, và anh chị biết, rồi chạy xuống tiệm may tìm Nhị. Trên đường đi tôi nghĩ chắc Nhị sẽ vui thật nhiều khi biết tôi đỗ kỳ nầy.

Có lần tôi nhớ Nhị nói: “Anh rán thi đậu đi để khỏi bị xa em. Mấy người thi rớt đi lính hết, xa lắm, biết làm sao gặp.”

Mọi ngày con đò Long Kiển chạy lẹ lắm, sao hôm nay tôi thấy nó chậm quá. Qua bên kia bờ tôi liền chạy như bay vào tiệm may của vợ chồng anh Ba, mọi người vẫn còn đó nhưng sao không thấy Nhị. Tôi hỏi anh Ba thì biết nay Nhị không còn ở và may đây nữa.

Tôi dấu trong tâm tư một cảm giác thật buồn, những hớn hở vui mừng lúc trước bây giờ chợt bay mất.

Tôi hỏi nữa thì mới biết nhà của Nhị trên Gò Vấp bị hỏa hoạn cháy thành than rồi. Nhị phải về trên đó để giúp đỡ má Nhị, tôi nghe thấy buồn cho Nhị và cũng thấy đỡ lo.

Những tháng ngày mệt mỏi học thi bây giờ đã qua rồi, tôi thấy mình thật vui đời, không còn bận bịu gì nữa. Tôi đi tìm Nhị.

Gò Vấp thì rộng lớn, chứ ngã ba Cây Thị thì có là bao nhiêu, tôi nghĩ như vậy. Và tôi đã đến ngã ba Cây Thị. Vợ anh Ba nói Nhị may cho một tiệm may nào đó ở ngã ba Cây Thị. Tiệm nào tôi đâu có biết, vậy là tiệm may nào trên ngã ba Cây Thị tôi cũng thò đầu vào xem, cuối cùng tôi cũng tìm được Nhị. Nhị rất ngạc nhiên, và rất vui mừng khi biết tôi thi đỗ.

Từ buổi hôm đó tôi không còn sợ gia đình bà Ðạt biết nữa, và cũng từ buổi hôm đó tôi và Nhị thật vui bên nhau.

Sau ngày tôi vào đại học, những ngày cuối tuần tôi thường lên thăm Nhị. Nhị may cho tôi một bộ đồ bà ba màu nâu, cái áo có hai cái túi. Có những ngày đẹp trời tôi đưa Nhị dạo chơi trong Thảo Cầm Viên.

Mỗi lần lên thăm Nhị ít khi nào tôi gặp người gia đình Nhị lắm. Tôi hỏi:

- Ba em đâu?

- Ba đi bán muối rồi, nhà chỉ có má và em thôi.

Có những buổi chiều, tôi ngồi trên đi-vân nhìn Nhị may áo, những tiếng mưa rơi lách tách trên mái hiên, tôi thấy cuộc đời thật hạnh phúc. Rồi tôi lại ngồi bên em, những cánh tay cuộn tròn với nhau, tôi nghe mùi thơm của tóc và ngoài sân, hột mưa vẫn rơi.

Thời gian trôi qua, mỗi ngày thứ Sáu ra khỏi trường Ðại HọcKhoa Học tôi chạy lên ngã ba Cây Thị thăm Nhị.

Nhưng rồi chiến tranh đến ngày gay cấn, khắp bốn vùng chiến thuật khói lữa điêu tàn. Và rồi tháng Tư cũng đến, Sài Gòn nằm trong hổn loạn, trường trại đều đóng cửa, mọi người nhôn nháo chạy tứ tung. Tôi cũng ham vui và nghĩ rằng cơ hội để con chim sổ lồng bay xa tìm hiểu và khám phá. Nhưng ra đi bỏ Nhị lại tôi thấy buồn lắm, cho nên vào giờ chót, hay là cái giờ thứ 25 tôi chạy lên ngã ba Cây Thị tìm Nhị.

- Anh đang tìm đường đi ra nước ngoài đó, em đi với anh nhe.

- Ý, không được đâu, còn má em bỏ lại đây một mình sao?

- Thì em nói má đi chung luôn.

- Không được, má em không đi đâu.

- Sao vậy, sao không đi. Người ta đi đầy trời có sao đâu.

- Nhưng má không đi được. Anh đi một mình đi nha.

- Ba chết rồi, chỉ còn có em và má thôi, anh sẽ dẫn em và má đi luôn.

- Em nói không được đâu mà, anh đi một mình đi.

- Nếu em không đi thì anh không đi đâu, em đi nhe.

Tôi năng nỉ và nói hết nước miếng nhưng cuối cùng Nhị vẫn nhất quyết ở lại.

Hôm đó trời tháng Tư, không nhiều mây. Tôi ngồi chơi với Nhị cả buổi sáng. Những ngôi làng xa xa ngoài Gò Vấp tiếng súng nỗ đì đùng. Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng sao tôi không thấy má Nhị đâu hết, có lẽ bà còn đi làm chăng!

Những lời thắm thiết tôi đã trao cho Nhị, cuối cùng Nhị đi bộ cùng tôi qua một cái gò để ra bến xe Cây Thị. Tôi nói với Nhị nếu Nhị không đi tôi sẽ không đi, nhưng hình như trong lòng tôi đã quyết định. Tôi bước đi bên cạnh, những bước chân thật buồn, tôi sợ có lẽ từ đây sẽ cách xa ngàn dặm cho nên tôi không muốn đi mau. Tôi muốn níu kéo thời gian lại để được gần Nhị thêm vài giờ, nhưng rồi tôi sợ bị trể chuyến xe. Con đường từ nhà ra bến xe cỏ may ngập lối đi, những bông cỏ may đan đầy ống quần của tôi và Nhị, mà sao nó không đan hai tôi lại luôn!

Tôi lên chiếc xe đò trở về Saì Gòn. Nhị đứng đó nhìn tôi, vẫy tay chào. Rồi chiếc xe từ từ lăng bánh, hình bóng của Nhị xa dần, xa dần trong gió bụi.

Hai ngày sau tôi lên một chiếc tàu Hải Quân, rời Căn Cứ Chuyễn Vận Kho 18 lúc 20h10 ngày 29 tháng Tư.

Cũng từ buổi chiều hôm ấy tôi bôn ba bên xứ người. Gia đình và người yêu đã là xa xí.

Mãi đến hai năm sau tôi mới nhận lá thư đầu tiên của gia đình. Và tôi mới biết ba Nhị không đi “bán muối”, ngoài ra Nhị còn một người chị nữa, nay đã về đoàn tụ, Những thắc mắc tại sao trong những ngày bom đạn má Nhị không có ở nhà, và tại sao má Nhị quyết định không cho Nhị đi với tôi, bây giờ tôi mới hiểu. Và rồi những lá thư kế tiếp, tôi biết Nhị bây giờ đã lập gia đình với một cán bộ miền Bắc.

Vậy là không còn trông đợi gì nữa. Tôi vào trường và tìm quên lãng bên những thằng bạn “mồ côi” như tôi.

Ðến nay đã 25 năm qua rồi, 25 năm xa nhà, xa quê hương, hôm nay tôi trở lại. Tôi muốn tìm lại dấu chân ngày xưa, những kỷ niệm thật êm đềm mà tôi gói gắm mang theo.

Con đò Long Kiển ngày xưa đưa tôi đến chợ chồm hổm Tân Qui, và bến xe Cây Thị bây giờ vẫn còn đó, tuy có một ít nhiều thay đổi. Nhưng Nhị không còn ở ngã ba Cây Thị nữa.

Tôi theo đoàn xe du lịch đi Ban Mê Thuộc, du lịch cao nguyên.

Tôi đang mơ màng thì đoàn người trở lại xe sau khi ăn sáng. Những tiếng động đã đánh thức tôi dậy, tôi vừa nhìn ra cửa sổ xe thì: Mía ghimmm đây, mía ghimmm đây… rồi chiếc xe từ từ lăng bánh.

Hơn một tiếng đồng hồ sau xe đã đến Gia kiệm. Ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo ngày nào vẫn nằm sừng sững bên mặt đường. Hai bên đường là những líp thuốc lào được phơi ngay hàng thẳng lối. Những quần xanh áo trắng kéo nhau đến trường.

Từ đây xe chạy mãi về hướng cao nguyên, qua con sông La Ngà rồi Ðịnh Quán với ba hòn đá chồng. Xa xa lên nữa là ngã ba Bão Lộc, và rồi cuối cùng đoàn xe cũng vượt bao nhiêu đèo cao để đến Ban Mê Thuộc. Ở đây du khách đi chơi tứ phía, cởi voi, cởi ngựa, vân vân. Tôi đứng ngắm những cảnh hùng vĩ của núi đồi cao nguyên mà nhớ lại quê tôi.

Những ngày kế tiếp tôi vào thành phố để tìm người anh, anh Ty, ngày xưa người cùng làng tôi và sau này anh lên dạy học ở đây. Cũng mấy mươi năm rồi mới gặp lại, anh nói thao thao bất tuyệt về những này sống chung ở chợ Cây Quéo, Sài Gòn. Rồi anh Ty còn cho tôi biết nữa là anh Ba, người thầy dạy sửa đồng hồ cho tôi cũng ở Ban Mê Thuộc nầy. Vậy là không hẹn mà gặp, tôi tìm đến gặp anh Ba.

Lâu rồi ai mà không thay đổi, tôi gặp anh Ba trong ngỡ ngàng và nếu không giới thiệu có lẽ anh cũng không nhìn ra tôi. Anh Ba dẫn tôi đi thăm rừng cà phê của ảnh, và hỏi tôi rằng:

- Chú vê đây để tìm một người phải không?

- Tìm ai đâu, tui chỉ đi du lịch lên đây chơi, và biết anh Ty ở đây, tìm tới thăm rồi lòi ra anh đó chớ tìm ai.

- Thiệt không?

- Nữa, đã nói như vậy rồi mà.

- Ðược, nếu như vậy thì ngày mai chú trở lại đây gặp tui nghe hông.

- Cái anh nầy có cái bịnh nặng tai, sinh ra cái tật nói lớn tiếng, rồi mấy năm không gặp, lại sinh thêm cái tật ấp ấp mỡ mỡ nầy nữa. Có gì thì nói hụych tẹt mẹ nó ra đi.

- Không, bây giờ tối rồi, ngày mai chú trở lại đi. Anh cười khúc khích, đưa hai hàm răng khểnh ra trông như cái nạo dừa.

Ngày hôm sau tôi trở lại, anh Ba đẫn tôi đến một tiệm tạp hóa nọ. Ðến nơi anh Ba nói:

- Ðó, cái tiệm đó có người chú muốn gặp đó. Tui sẽ đợi chú ngoài đầu ngõ kia.

Thế rồi anh đi, bỏ một mình tôi đứng đó, đến đây rồi tôi phải vào cho biết.

Trời nắng quá ,tôi đeo đôi kiến râm và bước vào cửa tiệm tạp hóa. Một thiếu phụ đứng tuổi đang ngồi trông nôm cửa tiệm bên trong, bên ngoài là một thiếu nữ cỡ tuổi đôi mươi.

Mới vừa thoáng nhìn người thiếu nữ tôi giật mình và súyt la lên. Trước mắt tôi là Nhị của 25 năm về trước! Tôi không tin con mắt của tôi, Nhị không còn trẻ như vậy đâu. Nhưng sao giống qúa! Tôi hỏi người thiếu nữ:

- Cháu tên gì?

- Cháu tên Vân.

Tôi bước vào bên trong mua một ít đồ dùng, đứng trước người thiếu phụ, tôi hỏi:

- Chào cô, cô buôn bán đây lâu chưa?

- Từ năm 75 tới giờ anh. Anh người ở đâu, hình như không phải ở vùng nầy. Anh tên gì?

- Tui người nơi xa đến đây thăm chơi. Tên tui là Vân. Chị có quen ai tên Vân không?

- Vân. À có. Nhưng lâu rồi không biết ảnh ở đâu.

Người thiếu phụ nhìn tôi rồi quay qua người con gái:

- Vân, con vô gọi ba về ăn cơm đi con.

Ðúng rồi, đây là Nhị, giọng nói đó, khuôn mặt đó, tuy thay đổi nhiều nhưng làm sao tôi quên được!

Nhưng buồn thay, nàng không nhìn ra tôi!

Tôi bước ra ngoài mua năm ba viên kẹo, viết lên miếng giấy nhỏ vài lời và gọi người thiếu nữ lại. Trao cho cô tờ giấy gói một nửa viên kẹo, bảo cô trao dùm cho má cô, rồi tôi bước ra cửa tiệm.

Một lát sau, tôi đã đi gần khuất bóng, tôi quay lại thì thấy, người thiếu phụ đứng ngóng theo.

Người con gái hỏi: “Chú ấy nói cái gì với Má vậy?” Người thiếu phụ không trả lời mà chỉ đưa tờ giấy gói nửa viên kẹo cho người con gái:

“25 năm về trước, ngã ba Cây Thị, hai người hôn nhau và cắn vỡ viên kẹo cho mỗi người một nửa.”

“Tên của con là tên của người ấy.” Người thiếu phụ nói nhỏ rồi bước vào bên trong.