Sừng sững trên cánh đồng lúa chiêm vùng bắc ngạn sông Đuống, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tụ hội năm ngọn núi khôi vĩ Ma Khám, Nguyệt Hằng, Đông Sơn, Bát Vạn và Lạn Kha. Lạn Kha dịch nghĩa là rìu nát, địa danh bắt nguồn từ sự tích người tiều phu lên núi đốn củi, tình cờ theo dòi một ván cờ tiên, cho đến khi cờ tàn, tiên đi mất, người tiều phu nhặt lại chiếc rìu mới khám phá cán rìu mục nát, còn mình thì cũng biến thành cụ già, lạc bước cô đơn về làng cũ. Núi Lạn Kha vì vậy còn có tên là Tiên Du, nổi tiếng với ngôi cổ tự Phật Tích, một tổ đình đã đào tạo bao đắc đạo cao tăng khắp các triều đại, nên quanh năm suốt tháng dập dìu tài tử giai nhân đăng sơn viếng chùa, ngoạn cảnh. Nguyệt Hằng đối diện với Lạn Kha, đường đi trắc trở cheo leo, phong cảnh xinh tươi hùng vĩ, cũng hiện hữu ngôi thiền viện cổ xưa, nhưng sơn môn nầy lại vắng vẻ tiêu điều. Nguyệt Hằng chỉ nổi tiếng về trà, trà "hoàng tước thiệt" do Thanh Hư thiền viện sản xuất được giới trà gia "cao thủ" xếp vào hạng lừng danh, chính vì vậy mà Nguyệt Hằng còn mang tên nôm na là núi chè. Giống trà nầy, như tên tự miêu tả, lá thon nhỏ như lưỡi chim sẻ, màu mạ non phơn phớt lớp lông tơ mịn óng ánh vàng. Trà "hoàng tước thiệt", phát xuất từ vùng núi non trùng điệp của tỉnh Triết Giang, Trung Hoa, mà theo truyền thuyết đã do vị cơ tổ, trong chuyến chiêm bái ngôi chùa Từ Thọ mang hạt giống về gieo trồng. Giống trà quý lại được chư sư chăm sóc cẩn trọng, tuyển lựa từng đọt trà, chỉ hái thuần búp non và một lá nhỏ, nên phẩm chất phải thanh cao đặc biệt. Trà cho nước màu xanh nhạt, thoang thoảng hương thanh nhẹ, vị hơi chát đắng mà tươi tỉnh, hậu dịu ngọt, khiến người uống trà cảm giác lâng lâng sảng khoái. Khoảng năm mươi năm về trước, thiền viện giữ tục lệ tổ chức hội trà vào tiết Thanh Minh, để chư Thiền sư thân hữu thưởng thức chung trà đầu mùa quý giá. Hình ảnh mấy mươi vị lão sư trang nghiêm nâng chung trà nghi ngút khói lên đỉnh sương mù mây trắng lửng lơ, vẫn còn được nhắc nhở.
"Khói trà quyện với ngàn mây…
Chung trà tỉnh thức đong đầy tam thiên…"
Theo đúng thanh qui của tổ Bách Trượng "nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực", ngoài hoa lợi vườn trà, thiền viện còn trồng vài loại màu phụ để có thể tự túc kinh tế. Do đó, chư tăng phải chấp tác không ngừng, nhứt là vào mùa xuân, tất cả nỗ lực đều phải tập trung vào việc sản xuất trà. Trà được hái từ sáng tinh sương, rồi mang về cho vào sàng xấy sơ, đoạn trộn đều và đánh cho mềm ra, kế đó, lại phải xấy khô ráo thì mới hoàn tất. Dù bận rộn như thế nào, chư tăng vẫn chuyên cần tọa thiền, và tụng niệm hai thời công phu đều đặn. Sơn môn tuy là một chi phái thiền, nhưng lại có truyền thống quan tâm đặc biệt đến lễ nhạc, phầm mà vài giới tu sĩ chê bai là "thanh âm sắc tướng". Theo sơ tổ, rung động của âm thanh có thể tạo nên những sự rung động sâu xa nơi tâm thức. Âm điệu tán tụng đúng mức có diệu dụng thức tỉnh kẻ mê đắm dục lạc, hóa giải tham sân si, trao truyền an lạc. Nhịp mõ khoan thai phá tan loạn động, hồi trống dồn dập triển khai tinh tấn, và tiếng chuông thanh thoát nhiệm mầu. Âm ba đặc thù của tiếng chuông : ngân nga, bàng bạc, trầm sâu, xoáy chuyển, có công năng thẩm thấu tận đáy nguồn tâm thức, vừa cao vút thông suốt tam thiên, vừa xuyên thủng cõi u minh địa ngục. Điều đó đã giải thích tại sao, tiếng thác đổ ầm ỉ, tiếng trời long đất lở, tiếng trống kèn rầm rập của ba quân… không lay chuyển chư thiền sư trong cơn đại định, nhưng một tiếng chuông nhỏ lại có diệu dụng thức tỉnh vị ấy. Tiếng chuông gắn liền với sự nghiệp giải thoát, phản ảnh trình độ tu tập của hành giả. Đạo đức càng cao thì tiếng chuông càng thâm trầm đạo vị. Lặng lẽ lắng nghe tiếng chuông của bậc giác ngộ, đôi khi người hành giả gặt hái được lợi ích hơn cả mấy năm chuyên cần tu tập. Do đó, tuy thiền tông tuyên bố là "bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền" và phủ nhận mọi hình thức lễ bái, mà tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khác, tiếng tụng niệm, tiếng hét… của chư thiền tổ đều hàm chứa một diệu dụng vô song.
Đặc biệt quan tâm đến âm thanh, nên sư Viên Thắng đã đảm trách hai thời thỉnh đại hồng chung vô cùng thận trọng. Sư thong thả thỉnh một trăm lẻ tám tiếng chuông khuya. Vừa thỉnh chuông, sư vừa ngâm kệ phục nguyện "âm siêu, dương thới" cho pháp giới chúng sanh. Từ lầu chuông chót vót đỉnh núi, sư cất tiếng ngân cao vút thiết tha, thành khẩn mong hạnh nguyện mình nương theo tiếng chuông trôi xuống thôn xóm xa xôi dưới chân núi phổ độ dân làng. Sư Viên Thắng thường được các vị sư thúc khen ngợi có năng khiếu thiên phú về lễ nhạc. Khí cụ nào, dù là chuông, mõ, khánh… hay trống, trong đôi tay sư cũng chuyển biến thành những âm thanh nhịp nhàng, điêu luyện và tràn đầy đạo vị. Giọng của sư lại ấm và truyền cảm, nên khi xướng, tán hay tụng kinh âm điệu thoát tục cũng khiến người nghe lắng lòng nương tiếng kệ, mà thơi thới rủ bỏ hết mọi hệ lụy triền phược của cuộc đời. Sư thúc khuyến dụ sư mang sở trường xuống núi làm phương tiện hữu hiệu hoằng hóa chúng sanh, nhưng sư một mực chối từ. Sơn môn đơn chiếc, thương thầy già yếu và sư đệ dại khờ, sư Viên Thắng không mảy may nghĩ đến việc ra đi. Đêm nay, nhìn sang núi Lạn Kha, thấy hàng ngàn bó đuốc của khách hành hương sáng rực góc trời, hốt nhiên sư cảm thấy niềm hối tiếc vương vấn trong lòng. Sư bỗng ước mơ ngày sư có cơ hội thi thố tài năng tụng niệm của mình. Giây phút huy hoàng ấy, thỉnh thoảng vẫn được sư phát họa trong tâm, là cảnh tượng sư đang lẫm liệt uy nghi cử hành nghi lễ trọng thể cho những bậc vua chúa tại ngôi chùa vĩ đại chốn đế đô. Giấc mơ tương lai cứ vẩn vơ ám ảnh khiến sư trằn trọc bất an suốt đêm và thời tọa thiền cũng lơ mơ loạn động.
Sau thời công phu sáng, sư cụ Tịnh Chiếu nghiêm trọng gọi hai đệ tử vào tăng phòng dạy việc. Sự kiện bất bình thường khiến hai đệ tử Viên Thắng, Viên Thông lo lắng, căng thẳng chấp tay chờ đợi thầy quở trách. Bất ngờ, sư cụ biểu lộ vẻ tươi vui, rồi ngọt ngào lên tiếng :
- Thắng con ! Con hầu thầy hai mươi năm kể ra là quá đầy đủ ! Thầy dự định đến ngày rằm sẽ làm lễ hạ sơn cho con xuống núi đem sở học để hoằng dương chánh pháp !
Sư Viên Thắng nghĩ đến vọng tưởng hư đốn của mình vừa qua, vội vã dập đầu thành khẩn thưa :
- Bẩm thầy, con xin sám hối đã loạn tưởng buông lung khi hành thiền. Xin thầy thứ tha cho con được tiếp tục ở lại tu tập !
- Thắng con ! Hễ rời vọng tưởng chấp trước là chứng được chân tâm. Các pháp môn Phật giáo sai khác đều qui về một mối là chỉ bày hành giả phương pháp diệt trừ vọng tưởng mà thôi. Phương pháp thẳng, gọn của lục tổ là : "Vạn duyên buông hết, một niệm không sanh", nói khác, nếu biết buông bỏ toàn thân như người chết : căn trần thức tan biến, tham sân si diệt sạch, họa phước vinh nhục danh lợi chẳng màn, thì sao chẳng xa lìa được vọng tưởng, chân tâm chẳng hiển bày…
Lặng yên giây phút cho đệ tử lắng tâm suy gẫm, sư cụ Ôn tồn tiếp lời :
- Thắng ạ ! Con vốn có duyên hoằng pháp chốn đế đô, thầy nghĩ đã đến lúc con nên tùy thuận ra đi gánh vác Phật sự. Sư cụ chùa Trấn Quốc (#1), sư thúc tổ của con, bấy lâu nay khẩn thiết yêu cầu thầy giới thiệu một môn sinh tín nhiệm đỡ đần Phật sự, và thầy đã hứa cử con về hầu người. Nay mùa chè đã hoàn mãn, đến lúc con có thể lên đường nên thầy thông báo con chuẩn bị hành trang. Ngoài ra, nhân dịp nầy thầy cũng muốn cho hai con biết vài điều bí ẩn trọng đại của sơn môn ta. Sơ tổ, trong thời gian du phương cầu đạo tại Ngũ Đài Sơn đã được một vị thánh tăng vô danh tặng viên ngọc ma ni vô giá…
Sư cụ mở cái hộp gỗ lim để dưới bộ kinh Đại Bát Nhã, chỉ hai đệ tử xem viên kim cương lớn bằng trứng chim sâu long lanh sáng chói, rồi nói tiếp :
- Ngọc có đặc điểm là tùy tâm người cầm giữ mà ảnh hiện màu sắc. Tâm trong sáng thì ngọc trong sáng, tâm nhơ bẩn xấu xa thì ngọc cũng đen đủi xấu xa. Vì vậy, nên mới được gọi là như ý châu tức ma ni châu. Đây là tín vật chưởng môn, dành trao truyền cho người tiếp nối trụ trì ngôi Thanh Hư thiền viện.
Xây qua Viên Thắng, sư cụ dặn dò :
Con là đại đệ tử là người kế vị thầy tiếp nhận viên ngọc nầy, nhưng con còn duyên hoằng hóa chốn đế đô, nên ta đành đình hoãn mười năm, chờ ngày con trở về mới chuyển giao trách nhiệm môn phái.
Viên Thắng bùi ngùi :
Thầy hứa với sư thúc tổ thì con phải vâng lời đến chùa Trấn Quốc một thời gian. Tuy nhiên, con hy vọng trong vài năm, khi sư thúc tổ có người khác đỡ đần thì con xin về, chớ xa thầy đến mười năm thì lâu quá !…
Viên Thông cũng cất tiếng năn nỉ :
Thầy can thiệp với sư thúc tổ cho sư huynh trở về sớm thầy nhé !
Ơ ! Việc đó tùy duyên mà thu xếp, đề cập lúc nầy có phần quá sớm. Vả chăng, thầy muốn dành thời giờ kể hai con hiểu rõ nguyên nhân tục lệ lên xuống núi khắc khe của sơn môn ta, để mà suy gẫm. Truyền thống này liên hệ đến câu chuyện thầm kín từ năm mươi năm trước. Ngày đó, Thanh Hư đang thời hưng thịnh, tăng chúng hàng trăm vị, do tổ thứ tám, pháp danh Từ Nhẫn làm viện chủ. Tổ cao đức trọng, tuổi đã bảy mươi mà vẫn không ngừng phát triển sơn môn, đào luyện tăng tài. Một hôm, tổ khẩn cấp truyền gọi các đệ tử vân tập đến rồi long trọng cử người đại đệ tử kế vị viện chủ, sau đó tổ tường thuật họ nghe câu chuyện bí mật trọng đại của mình. Tổ tham thiền nhập định tự biết mình sắp nhập diệt, nên hai ngày trước, nhân đêm trăng sáng đã đi dạo quanh tu viện để giả từ. Vô tình tổ đi lần xuống chân núi, rồi dừng chân bên bờ suối, ngắm bóng trăng in trên mặt nước. Thình lình có cô bé, tuổi chừng đôi tám, te te đến bên giòng suối, yên chí đó là chốn không người, nên cổi phăng chiếc váy, thản nhiên xuống tắm. Diễn tiến xảy ra thật bất ngờ, không cách gì ngăn chận kịp, khiến tổ phải giữ yên lặng, cho cô bé đỡ thẹn thùng. Tổ nhắm mắt lại, nhưng không biết do oan nghiệp tự kiếp nào, trong một thoáng tổ bỗng mống niệm ý nghĩ hiếu kỳ là muốn nhìn cho rõ. Vọng niệm phát khởi từ sự tò mò tưởng chừng vô hại mà hậu quả nguy hiểm không phương cứu vãn. Trở về hậu liêu tọa thiền nhập định, tổ khám phá mình sẽ sớm lìa đời với cận tử nghiệp ác hại đeo đuổi khiến tổ phải đọa sanh làm thân con rận, sông trong chiếc váy cô bé để thỏa mãn vọng niệm nhìn cho rõ trước kia. Kết luận tổ khẩn thiết yêu cầu chúng đệ tử hoàn thành hai điều tâm nguyện giúp tổ sớm được siêu thoát (#2). Trước hết, tổ ủy thác người đại đệ tử, chờ đợi đúng ba ngày sau khi tổ mệnh chung, phải đích thân tìm đến nhà người tiều phu ngụ dưới chân núi mua chuộc chiếc váy cô bé đang mặc, đem về đặt bên cạnh thi thể tổ, luân phiên tụng kinh nghiệp báo bốn ngày, đoạn đem hỏa thiêu chung với nhục thân người. Thứ đến, tổ dặn dò chôn bình hài cốt tổ trên lối đi duy nhất lên xuống núi, hầu mỗi khi dẫm chân lên đó, chúng đệ tử sẽ nhớ đến oan nghiệp của tổ mà xa lìa vọng niệm sàm sỡ. Chúng đệ tử nghe thầy kể chuyện vừa kinh dị, vừa thương cảm, mà chỉ biết răm rắp tuân lời. Thương thầy, các đệ tử nghĩ đến việc hạn chế đi lại dẫm trên bình hài cốt thầy. Lệ không tiếp khác tăng lẫn tục và lệ ngăn cấm đệ tử chưa làm lễ hạ sơn chánh thức lên xuống núi được đặt ra.
- Thưa thầy ! chú Viên Thông bức rức lên tiếng, tổ Từ Nhẫn trọn đời tu hành chân chính, chỉ mống tí vọng niệm tò mò mà rơi vào ác đạo thật là khó hiểu?
Các con ạ ! Cận tử nghiệp là yếu tố quyết định hướng dẫn thân trung ấm trôi nổi theo lục đạo luân hồi. Giới tu hành thường nhắc nhở chuyện một vị lão hòa thượng, trọn đời tu hành chơn chất, nhưng khi sắp chết lại mống niệm tiếc rẽ bụi mía tươi tốt trồng mà chưa ăn được, nên đã đọa lạc làm thân con sâu mía để thỏa mãn nguyện vọng lúc lâm chung. Vào thời Đức Phật tại thế, có vị Tỳ kheo vừa được thí chủ cúng dường bộ y mới, chưa kịp mặc thì trúng gió chết, nên luyến tiếc chẳng rời. Cận tử nghiệp đó đã lôi kéo vị tỳ kheo nầy thác sanh thành ngạ quỷ lẩn quẩn bám giữ của. Biết rõ sự kiện trên, Đức Phật dạy chư tỳ kheo phải chờ đến bảy ngày, sau khi kẻ mạng chung nguôi ngoai lòng tham tiếc, thiện căn phục hồi thoát kiếp ngạ quỷ, thác sanh lên cõi trời, mới được phân chia tài sản người chết.
Viên Thông chống chế :
Thưa thầy ! Trường hợp của tổ không thể kể là cận tử nghiệp, vì sau đó tổ vẫn còn giữ vững chánh niệm để tọa thiền, để họp chúng kia mà !
Viên Thắng cũng góp ý :
Con lại tin tưởng câu chuyện nầy chỉ là một phương tiện, một khế cơ, mà tổ nhằm sử dụng để giáo huấn đệ tử !
Quan niệm của con rất hợp ý thầy. Đúng vậy ! ngay thời Đức Phật còn tại thế, chư thánh tăng đôi khi đã cố tình tạo điều lầm lỗi, hầu Đức Phật có cơ hội nhắc nhở, khuyên dạy và đặt giới luật ngăn ngừa kẻ phàm nhân vấp phải. Thuở ấy, đệ tử bản môn thường bị nữ sắc quyến rủ, do đó, có lẽ tổ đã cố tình tạo ra biến cố này, như một phương pháp "khổ nhục" để giáo hóa đệ tử tinh tấn tu tập, xa lìa vọng niệm mà thôi. Có điều tự phỉ báng thanh danh mình để làm bài học sống động cho kẻ hậu sinh, thì chỉ có tâm nguyện của bậc Bồ tát không còn chút ngã chấp mới hành xử nỗi !
Tuy vẫn ước mơ ngày hạ sơn vùng vẫy ngang dọc một phen, nhưng khi sắp ra đi, sư Viên Thắng vẫn cảm thấy bùi ngùi tấc dạ. Sư thương thầy, mến sư đệ chẳng rời. Sư quyến luyến tự viện, đỉnh núi, đồi thông. Sư tần ngần ngắm từng khóm đá, gốc trà, gốc đào, cội mai… tất cả đều chứa chan bao kỷ niệm ấm êm. Thời giờ trôi nhanh quá, lật bật đã đến ngày rằm, sư cụ Tịnh Chiếu cử hành lễ hạ sơn cho đệ tử, rồi đích thân tiễn đưa đệ tử thương yêu lên đường. Khi sắp chia tay nhau bên giòng suối Tiền Định, Viên Thắng bịn rịn thỉnh cầu thầy ban cho một lời ẩn ngữ làm hành trang tu tập sau cùng. Sư cụ lơ đảng nhìn cuộn mây trắng đong đưa bay đến, thò tay hí hoáy thảo vài nét vô nghĩa trong không khí, rồi khoác tay giã biệt. Sư Viên Thắng ngẩn ngơ quán sát thông điệp lạ lùng đó. Sư biết thầy vừa trao truyền cho mình một thứ công án thâm sâu, nhưng trong cơn xúc động xa thầy xa bạn, lòng dạ rối ren, tạm thnời sư chưa nghĩ ra được. Sư đành rưng rưng nước mắt, lặng lẽ quì lạy từ tạ thầy, rồi lấy hết can đảm, theo đúng tục lệ bản môn, khắc khoải lê gót dẫm lên bình hành cốt của tổ Từ Nhẫn mà ra đi.
*
* *
Sư cụ chùa Trấn Quốc có lẽ thiếu duyên lành nuôi đệ tử. Sư cụ dễ dãi thâu nhận đệ tử xuất gia khá đông, nhưng những kẻ tạm có tư cách, tinh tấn tu hành lại cứ rơi rớt lưới tình hoàn tục. Người đệ tử duy nhất mà sư cụ đặt trọn niềm tin, thì bất ngờ lại yểu mệnh. Sư Viên Thắng được thầy cho xuống núi về với sư thúc tổ thật đúng lúc. Sư cụ tuổi trên bảy mươi, bệnh hoạn yếu đuối, mà bấy lâu phải vất vả với bao Phật sự đa đoan nên sức lực mỏi mòn như ngọn đèn cạn dầu. Viên Thắng chững chạc đạo đức, mà kỹ thuật tụng kinh, sử dụng chuông mõ lại siêu việt, nên sớm thu phục cảm tình Phật tử các giới. Sư cụ liền chuyển giao lần lần công việc trụ trì cho sư Viên Thắng, để dành thời giờ lo phát họa kế hoạc tái thiết ngôi chùa thêm khang trang đẹp đẽ. Ngờ đâu, công tác xây cất chưa kịp khởi công, thì sư cụ trở bệnh nặng, nên chỉ biết ủy thác tất cả mọi việc cho Viên Thắng rồi lìa trần.
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ kính, dính liền với sự thịnh suy của đất nước. Chùa đã được xây dựng từ đời Lý Nam Đế, với danh hiệu Khai Quốc, tọa lạc tại bãi An Hoa, giáp sông Hồng Hà. Đến triều đại Hậu Lý, công nghiệp khai quốc, - dựng nước -, thuộc về chùa Cổ Pháp, nên ngôi chùa nầy được đổi tên là Trấn Quốc. Khi đất nước lâm cảnh ly loạn huynh đệ tương tàn, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, bờ sông Hồng lở khuyết làm sụp đổ chánh điện, chùa phải di tản về một giải đất nổi trong hồ Tây, tức Hồ Lăng Bạc, thuộc xã Yên Phụ, phía Bắc ngoại thành Thăng Long. Ngôi chùa tạm, mái tranh vách đất sơ sài, tọa lạc giữa vùng trời nước mông mênh, thanh nhã núp sau hàng cây anh đào, cội mai, khóm trúc… hiện hữu mờ ảo như cảnh mộng. Sư thúc tổ đã trụ trì vào thời điểm chùa suy sụp, nên bao nhiêu năm trời hành đạo, đã bền bĩ quyên góp, cân nhắc chi tiêu, tiện tặn từng đồng xu một, để tích lũy thành một số tiền to, hầu hoàn thành tâm nguyện phục hưng ngôi chùa cổ. Tiền của nầy đã gây phiền nhiễu cho sư cụ không ít. Sư cụ khổ sở lo lắng đám đệ tử thâm lạm, phí lạm của tam bảo nên không thích gần gũi ai. Sư cứ nghi ngờ đánh giá mãi nên không bao giờ tìm được một kẻ kế thừa vừa ý. Trường hợp sư Viên Thắng là một ngoại lệ đặc biệt. Có thể vì sư cụ không còn cách chọn lựa nào khác, mà cũng có thể vì Viên Thắng là một sơn tăng, quen nếp sống đạm bạc, lại là hậu bối bản môn, có căn bản tu học vững chắc, xứng đáng được tín nhiệm.
Thế là chỉ xuống núi trong một thời gian ngắn sư Viên Thắng đã nghiễm nhiên thừa hưởng trọn vẹn cơ nghiệp cả đời của sư thúc tổ. Không phụ lời ủy thác của sư thúc tổ, sau khi lo tang ma cho người, sư Viên Thắng liền nghĩ đến công cuộc trùng tu toàn diện ngôi chùa. Thoạt đầu, sư âm thầm tiến hành việc xây dựng cổng tam quan uy nghi, lộng lẫy nên danh hiệu Trấn Quốc tự màu hoàng kim, với những câu đối hàm súc ý đạo. Mái tam quan ba từng uốn cong phơn phớt, lợp ngói âm dương sơn đỏ au, trên có cặp rồng xanh biếc tranh ngọc, vừa cổ kính vừa đẹp xinh. Cổng tam quan nổi bật giữa vùng trời nước Hồ Tây tạo tiếng vang khá sâu rộng. Phật tử khắp huyện Thọ Xương đồng tán thán công đức vị sư trẻ, rồi đua nhau tận lực yểm trợ công của cho chùa. Từ đó, bao năm trời liên tiếp sư chỉ cần cù lo kiến thiết chùa. Vừa hoàn thành chánh điện khang trang, mái ngói, vách gạch, cột gỗ chạm trổ công phu, sư đã nghĩ đến việc tu bổ hậu đường, tòa thiên hương, bảo tạng, gác chuông, gác trống… Âm vang bàng bạc của chuông chùa Trấn Quốc đi sâu vào lòng người, thoát thành tiếng hát dân gian :
Để tạo thêm nét trang nhã, sư cũng sắp xếp lại khu vườn cây kiểng phía trước, tô điểm vài cụm lan, trồng hàng cây si lá xanh mướt dọc bờ hồ, thả sen mọc chen chúc, hoa trắng, hoa đỏ nở nhởn nhơ tỏa hương thoang thoảng. Chùa càng xinh đẹp thì khác hành hương càng rộn rịp. Phật tử của chùa không còn thu hẹp trong phạm vi Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch nữa, mà còn lan rộng đến nội thành. Rồi giới danh gia vọng tộc cũng lục tục hướng về qui ngưỡng. Khi Chúa Trịnh Sâm thích cảnh chùa, hàng tháng tổ chức du ngoạn hồ, sư liền cho xây cất ngôi thủy đình rộng rãi để Chúa có nơi đón gió mát trăng thanh. Để thỏa mãn nghệ thuật thưởng thức trà Tàu của Chúa, sư cũng nhờ bọn lái buôn tìm cho được loại ấm Nghi Hưng vô giá, tuyển mua loại trà Long Tĩnh thượng hảo hạng giá mắc hơn vàng, mà cung phụng. Sư cũng lo thủ sẵn loại rượu "mai quế lộ" đặc biệt để tươm tất hầu Chúa. Nhờ gần gũi với Chúa mà uy danh của sư Viên Thắng và chùa Trấn Quốc lấn áp các ngôi tự viện đồ sộ trong nội thành. Chùa sung túc, tiền cúng dường thu được tràn ngập, mà việc tái thiết chùa đã hoàn mãn, khiến sư Viên Thắng không tìm phương pháp gì tiêu xài cho hết. Sư ăn xài phong lưu, chỗ xây cất nào không vừa ý thì đập phá làm lại, nếu phải đập phá nhiều lần cũng chẳng ngại ngùng. Từ lâu, sư đã chuyển giao mọi công tác Phật sự cho đám đệ tử phụ trách, sư tiêu dao nhàn nhã tháng ngày. Sư chỉ phải bận bịu tíu tít một cách thích thú khi tiếp đãi giới cao sang quyền quí. Gần gũi họ sư cảm thấy cũng phải tự sửa sang, tô điểm hình tướng đôi chút. Sư tung tiền cho đám thương gia qua tận Trung Hoa thỉnh cho sư một xâu chuỗi cẩm thạch màu thiên thanh to tướng, mấy bộ y hậu gấm nhung trang bị khoen móc y hậu vàng chạm trổ tinh vi, mũ hiệp chưỡng gấm thêu, cùng với chiếc chăn vô giá thêu trọn bài "Tâm kinh bát nhã"… Ngoài ra, tuy mới hơn bốn mươi tuổi, sư tự chăm sóc sẵn sàng phần hậu sự : tích trữ tấm đà la ni và trầm hương dược liệu lẫn liệm đắc giá, đồng thời cũng xây dựng một bảo tháp nguy nga cho chính mình. Một hôm nhìn thấy viên kim cương đính trên mũ chúa Trịnh lóng lánh, bất giác lòng sư rúng động. Sư bỗng ao ước trên mũ hiệp chưỡng của mình cũng hiện hữu viên ngọc tương tợ. Điều nan giải là tuy sư đã vận dụng đủ mọi cách nói úp úp mờ mờ mong đệ tử tại gia cúng dường ngọc mà đợi hoài vẫn chưa tìm ra được thí chủ đáp ứng. Sư dự định nhờ bọn lái buôn mua giúp, nhưng lại lo sợ tiếng xấu đồn xa là sư mua nữ trang cho gái nên đành thao thức thèm thuồng. Sư đang buồn rười rượi thất vọng, thì bỗng vụt nhớ đến viên ngọn ma ni trấn sơn của Thanh Hư thiền viện ngày trước. Sư mừng khấp khởi thầm nhủ : "Bản sư Tịnh Chiếu đã hứa khả trao truyền viên ngọc chưởng môn cho ta kia mà !. Viên ngọc ma ni đó "chễm chệ ngự" trên mũ hiệp chưỡng thật danh chánh ngôn thuận, nó tạo nên nét quyền quí cao sang của hàng vương giả mà cũng phô trương được đạo đức ngất trời của bậc tôn sư".
*
* *
Sư Viên Thắng rộn ràng, tiền hô hậu ủng, thẳng đường quay trở về núi Nguyệt Hằng. Mười lăm năm trước, dưới chân núi chỉ lấp ló vài chiếc lều tranh xệch xạc của bọn tiều phu, không ngờ ngày nay quanh chân núi lại là một thôn xóm trù mật, với những căn nhà xinh xinh ngăn nắp xúm xích bên nương khoai, nương sắn. Điểm lạ lùng nhất là nhà nào cũng trồng trà, những vườn trà xanh um thẳng tắp trải dài lên tận sườn núi, đỉnh đồi. Tần ngần trước một ngã ba vắng vẻ, sư Viên Thắng đảo mắt tìm người hỏi thăm đường, chợt nghe tiếng trẻ con văng vẳng hát ca :
Nhìn qua hàng dậu thưa, sư khám phá ra cảnh vui nhộn của đám trẻ con đang cười giỡn, ca hát với một thanh niên áo nâu, đầu trọc. Thanh niên cũng chợt nhìn thấy đoàn người xa lạ vội chấp tay kính cẩn chào. Bất ngờ, sư Viên Thắng nhận diện ngay được người quen, vội vàng lên tiếng :
- Phải chú Viên Thông đó không ?
- Ô ! không ngờ lại là sư huynh ? sư huynh hồng hào và sang trọng quá ! nên em nhìn không ra…
Mấy ngày đi đường, hồi tưởng thuở hàn vi, Viên Thắng chợt nảy sinh chút tình huynh đệ, thầm dự định sẽ đua sư đệ về thành đô mà an hưởng giàu sang, nay diện kiến cảnh sự đệ quê mùa, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, chẳng lộ chút uy nghi đức độ của giới tu hành, nên đại sư ngao ngán đổi ý…, tuy vậy, người vẫn vui vẻ lên tiếng :
- Ta về thăm sư phụ và sư đệ đây !
- Sư huynh ơi ! Thầy đã thị tịch gần hai năm rồi ! Em có nhờ người đưa tin cho sư huynh mà !
Thật ra, thì Viên Thắng cũng được báo tin, nhưng thời gian đó Chúa Trịnh thường tổ chức du ngoạn Tây Hồ, sư cần phải chầu chực đón rước Vương gia đâu rảnh rang rời thành đô về lo tang ma thầy được. Sư dửng dưng đáp :
- Thế à ! Ta co hay biết gì đâu ! Thôi lỡ rồi thì ta đành lên núi, lạy mộ thầy sám hối vậy… Đệ hướng dẫn huynh lên đường nhé !
Viên Thông ngại ngùng nhìn phái đoàn hành hương, rồi ấp úng đáp :
- Vâng ạ ! nhưng chắc sư huynh vẫn nhớ truyền thống dè dặt tiếp đón khác của sơn môn…
Thiếu thốn kẻ hầu hạ thật khó chịu, nhưng về đến chốn nầy, Viên Thắng không thể bất chấp tục lệ xưa, đành phải sắp xếp cho đám tùy tùng chờ đợi dưới chân núi, rồi uể oải bước theo chân sư đệ.
Trên đường đi, Viên Thắng thuật cho pháp đệ sự nghiệp của mình tại Thăng Long thành, đồng thời cũng hỏi han tìm hiểu những diễn biến của sơn môn sau ngày sư giã biệt :
- Lạ nhỉ ! Chỉ mười mấy năm mà vùng núi đồi nầy đã biến thành vườn chè xanh tốt !
- Gia chủ những vườn chè đó nguyên là những gia đình nghèo lam lủ dưới chân núi ngày trước. Thời gian sau khi huynh rời núi, sư phụ Ốm yếu liên miên, nên đệ thường xuống núi lo thang thuốc nhờ vậy mời tiếp xúc với họ. Nhận thấy đời sống họ kham khổ, tăm tối, chỉ biết an phận với nghề đốn củi hoặc bẫy thú rừng sống qua ngày, đệ khuyên họ phá rừng núi làm rẫy, thỉnh cầu thầy ban cấp cho họ hạt giống, rồi hướng dẫn họ phương pháp trồng chè, hái và xấy ướp chè… Thoạt tiên, mỗi gia đình trồng vài khoảnh chè nho nhỏ làm thí điểm, gặt hái được hoa lợi khả quan nên họ thi đua nhau bành trướng thêm mãi. Dân chúng vùng khác cũng lục tục kéo đến lập nghiệp, nên chẳng bao lâu vùng nầy đã biến thành xóm làng thịnh vượng… Vào những ngày mà dân làng đổ xô lo vụ mùa, đệ thường xuống núi trông nom dùm con cái họ, và nhờ vậy hôm nay mới may mắn đón gặp sư huynh…
Ai đời thiền viện chỉ độc quyền về trà, mà thằng bé vô dụng bày vẽ hết cho người ngoài thật là quá đổi khờ khạo. Bực bội người pháp đệ ngu xuẩn Viên Thắng im lặng chẳng thèm hỏi han gì nữa. Vả chăng, đường núi cheo leo, đại sư lại quá đẫy đà và bẵng một thời gian không vận động, nên chỉ đi một phần ba đoạn đường là kiệt sức. Sư thở chẳng ra hơi nên đâu còn bụng dạ nói năng đối đáp nữa. Mệt quá, sư muốn bỏ cuộc, quay xuống núi ngay, nhưng nghĩ đến viên ngọc vô giá, sư đành gắng sức lê lết. Nhờ Viên Thông hết lòng nâng dắt và cuối cùn cõng vác một đoạn đường dài, khi vầng thái dương vàng ửng trời tây thì ngôi Thanh Hư thiền viện bắt đầu xuất hiện.
Viên Thắng được sư đệ đưa vào tăng phòng của sư phụ ngày trước nghỉ ngơi. Sư vừa đó vừa mệt, nằm lả người rên rỉ. Bỗng Viên Thông mang vào một khay nhỏ chỉ có vài củ khoai mì gầy guộc, rồi lên tiếng :
- Mời sư huynh sơi sắn đỡ đói !
Tưởng không thể ngóc dậy nỗi, không ngờ mấy củ khoai mì lại có giá trị như loại sâm thượng hạng, khiến sư cảm thấy khỏa khoắn trở lại. Đúng lúc đó, sư đệ lại mang vào chung trà nghi ngút khói.
- Sư huynh sơi chè nhé !
- Sư đệ cứ tự nhiên. Ta nào phải là người lạ mà phải khách sáo ! Đệ ạ ! Trời sắp tối mà huynh cũng nhọc mệt, có lẽ ngày mai mình mới ra thăm mộ sư phụ được !
- Vâng ạ !
- Nầy sư đệ ! bỗng dưng sư huynh muốn nhìn lại những kỷ vật của thầy ! Ơ! viên ngọc chưởng môn cất nơi nào vậy đệ !
- Sư phụ vẫn giữ trong hộp gỗ dưới bộ Đại Bát Nhã đó huynh !
Chờ Viên Thông bước ra ngoài, Viên Thắng bồn chồn mở hộp lấy ngọc. Viên ngọc biến mất, và bị thay thế bằng hòn sỏi nhỏ đen đen. Liên tưởng đến lời ca khoe ngọc mà đám trẻ ca hát, Viên Thắng tin chắc rằng sư đệ đã tráo ngọc, tuy vậy sư chẳng chút bối rối. Sư sớm tiên liệu trường hợp nầy, nên đã chuẩn bị kế hoạch vẹn toàn đối phó mọi bất trắc. Sư vốn bon chen chốn phồn hoa đô hội, nắm vững uy lực của đồng tiền, nên đã mang sẵn một số tiền khá to nhằm lung lạc sự đệ, mua chuộc ngọc. Ngoài ra, trong trường hợp không sử dụng được phương thức mềm mỏng, sư cũng dự phòng phong thơ gởi gấm của Chúa cho viên Tri Phủ địa phương. Do đó, nếu cần đến biện pháp mạnh, nhờ thế lực của triều đình hỗ trợ, sư vẫn vận dụng được. Điểm Viên Thắng hơn khó chịu là cảm giác bị sư đệ lường gạt, "hắn" giả dạng khù khờ quá tài tình khiến sư lầm lạc tin là kẻ thật thà chân thật. Sư vội đóng hôﰠlại, nhỏ nhẹ mà lạnh lùng, cất tiếng :
- Nầy sư đệ ! dường như viên ngọc nầy có điểm gì khác lạ phải không đệ ?
Viên Thông trở vào phòng, mở hộp gỗ, chỉ cho Viên Thắng thấy viên kim cương sáng chói lóng lánh màu sắc, lễ phép thưa :
- Em chẳng thấy điểm nào khác lạ cả ! Vẫn viên ngọc ngày xưa mà huynh !
Viên Thắng sửng sờ nhìn viên ngọc long lanh, gượng gạo đáp :
- Ờ ! Ờ !
Chờ cho sư đệ bước ra ngoài, Viên Thắng mới dám cầm hộp gỗ xăm xoi viên ngọc lần nữa, và đúng như sư lo sợ, viên ngọc lại biến đổi thành viên sỏi đen như trước…
Viên Thắng choáng váng chết lặng người. Sư không muốn tin mắt mình, không tin viên ngọc ma ni kỳ quái lại ảnh hiện tâm sư tối đen như vậy ? Bấy lâu nay sư luôn luôn được mọi người tranh đua nhau cung thỉnh, tán tụng sư là bậc chân tu, đạo cao đức trọng. Sư cũng yên chí mình đạo đức ngất trời, dẫu đi, đứng, nằm, ngồi, hay phán dạy điều gì cũng không ra ngoại đạo, nên chẳng hề thấy có nhu cầu tu sửa tâm gì nữa. Sư bối rối ngồi bệt xuống giường, hồi tưởng lại những hành vi của mình trong mười mấy năm qua. Ngày mới về chùa Trấn Quốc, sư luôn thực hành lời dạy của chư tổ là đề cao cảnh giác không để tâm buông lung theo trần cảnh, một niệm tham sân si vừa khởi là sư đã thấy rõ chân tướng nên không bị cuốn lôi theo vọng niệm thường tình. Thấm nhuần gia phong thiền viện, sư sống khiêm cung đạm bạc, một mảnh cơm vụn dính vào chén còn không dám phí phạm, huống chi hoang phí của tín thí. Sự tận tụy chăm lo hoằng dương đạo pháp, đào tạo tăng tài, đồng thời, cũng kiên trì tiến hành công cuộc đại trùng tu ngôi cổ tự. Sư đã tha thiết tu tập đến thế, nhưng chẳng biết lý do gì, nếp sống tu hành của sư lại rẽ sang hướng khác ? Sư phân vân tìm hiểu nhưng mù mịt chẳng hiểu rõ nguồn cơn ? Làn gió nhẹ xua đuổi chùm mây trắng len vào khe cửa, nhắc nhở sư áng mây tan loãng bởi nét chữ vô nghĩa của thầy trong buổi chia tay ngày trước. Hốt nhiên, một tia sáng vụt lóe lên xóa tan trọn vẹn mối hoài nghi trĩu nặng. Sư thầm thở than : "Ôi ! Thầy dạy mình nghệ thuật buông bỏ như người viết chữ trên nước, trên mây… mà ta, lại ôm ấp, dính mắc như kẻ khắc chữ vào đá (#5). Mới bước đầu thuận duyên, được chút danh vọng hư ảo thì ta bám chặt vào, để rồi tự cao, tự mãn mà lơ là quán sát tâm tánh, nên tam độc tham, sân, si… có điều kiện âm thầm bành trướng. Tham, sân, si dấy lên đó, lúc đầu ta cũng thoáng tự phát hiện được, nhưng ta lại lấp liếm viện dẫn chiêu bài "vì đạo pháp" bao che, hầu được an tâm "say men chiến thắng", đến nỗi buông lung như người thế tục…
Càng suy tư, càng hổ thẹn, về những hành vi lố bịch ngày trước. Sư bức rức bồn chồn, thao thức suốt đêm không chợp mắt được. Gần sáng, vừa thiêu thiêu ngủ bỗng sư cảm giác như có điều gì đang biến chuyển lạ lùng tại chánh điện, nên vội choàng dậy rón rén mò ra tìm hiểu.
Sư đệ Viên Thông đang long trọng lễ Phật. Thời công phu sáng diễn ra tại Thanh Hư thiền viện là thông lệ bình thường, nhưng lần đầu tiên trên đời, Viên Thắng bỗng chứng kiến được khóa lễ tụng sống động nhiệm mầu. Viên Thông chỉ chấp tay cung kính rồi lễ xuống nhẹ nhàng vậy thôi, thế nhưng Viên Thắng lại trực nhận được sự tươi mát, an lạc tỏa rộng ra từ động tác chân thành tha thiết đó. Lạ lùng hơn nữa, là dường như cả thế giới cũng chuyển mình đổi khác. Đồi núi cỏ cây trở nên lung linh sống động, tiếp xúc cảm thông với hành giả trong từng nhịp thở. Và tượng Phật bỗng sáng rực hào quang, mỉm cười từ ái đáp ứng lòng dạ trong sáng của người hành lễ.
Đọc truyện một vị tổ xưa, thuyết pháp cho đá nghe mà lòng dạ chân thành cũng khiến những viên đá cảm ứng đối đáp vang rền, Viên Thắng không cho là thật, không ngờ ngày nay, sự tương ưng "tình dữ vô tình" lại hiện hữu rõ ràng trước mắt.
Sư nín thở theo dõi từng tiếng chuông, từng tiếng mõ, từng lời tụng niệm của sư đệ. Càng lúc sư càng tiếp xúc sâu xa với trạng thái thần bí nhiệm mầu, đến nỗi nước mắt sư ràn rụa.
Chờ cho sư đệ chấm dứt phần công phu, Viên Thắng chấp tay vái sư đệ, rồi nói :
Xin cảm tạ sư đệ đã trao cho huynh kinh nghiệm an lạc ngày hôm nay. Chẳng hay, đệ có bí quyết tu hành đặc biệt nào mà đạt được những thần thông cái thế như vậy ?
Đệ chỉ biết sông với tâm bình thường rỗng rang không dính mắc, lấy việc gánh nước, bửa củi làm thần thông diệu dụng vậy thôi…
Trong trạng thái ray rức vì đã buông lung đánh mất công án "nét vẽ tan loãng theo mây" của sư phụ, kế đó lại bàng hoàng chứng kiến thời khóa tụng niệm nhiệm mầu, Viên Thắng cực kỳ xúc động tìm hỏi sư đệ với tất cả nỗi khẩn thiết trong lòng. Câu trả lời giản dị bất ngờ cũng xoáy quanh mấu chốt buông bỏ và dính mắc khiến Viên Thắng sửng sờ. Đúng thời điểm đó, Viên Thông lại ngâm nga :
Sư Viên Thắng mỉm cười. Bao ngày qua, sư giống như người cùng tử trong kinh Pháp Hoa, lăn lộn ganh đua tranh dành báu vật bên ngoài, mà quên mất viên kim cương trong nhà. Khám phá ra kho tàng của mình, sư tràn ngập niềm vui, cất tiếng ca hát mênh mang :
"Ta có thần châu một hạt
Lâu nay bụi mờ che khuất
Giờ đây sạch bụi sáng trưng
Soi thấy nghìn trùng non nước."
Tháng 4 năm 1992
-------------------
Ghi chú
(1-) Chùa Trấn Quốc khởi dựng từ triều Lý Nam Đếm tại bãi An Hoa, giáp sông Hồng Hà, với tên Khai Quốc. Chùa phải đổi danh hiệu là Trấn Quốc vào thời Hậu Lý. Năm 1615, đất chùa bị lở sụp nên phải dời về địa điểm ngày nay. Vào triều Nguyễn, Hà thành không còn là kinh đô, danh hiệu Trấn Quốc ngấm ngầm gợi đến triều đại cũ, nên lại bị dèm siểm. Vua Thiệu Trị ra lệnh đổi tên chùa là Trấn Bắc, bảng hiệu chánh thức sửa đổi, nhưng dân chúng vẫn thích gọi tên chùa là Trấn Quốc như cũ. Chùa Trấn Quốc phong cảnh thanh lịch, nên đôi khi bị các vị Vua Chúa sử dụng làm chốn ăn chơi tiêu khiển; lầu chuông, nhà thủy tạ trở thành địa điểm đờn địch xướng ca, và những vị tu sĩ đôi khi cũng phải chạy theo kẻ quyền thế bợ đỡ để sống còn… Có lẽ đó là lý do mà Bà Huyện Thanh Quan, nhân khi viếng cảnh chùa Trấn Quốc, đề thơ vịnh cảnh đã buông lời mỉa mai giới tu sĩ. Chùa Trấn Quốc
Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Một tòa sen tỏa mùi hương ngư.
Năm thức mây phong, nếp áo chầu.
Lớp sóng phế hưng coi đã rộng
Hồi chuông kim cổ, lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ đâu đâu tá !
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu !
(2-) Tại Huế, cũng có một trường hợp tương tự xảy ra cách nay vài mươi năm trước. Vị lão hòa thượng, trụ trì chùa TT, là một tu sĩ giới hạnh nghiêm minh, khi lâm chung, lại dặn dò đệ tử tìm đến nhà gia đình nông dân nghèo ngụ cách chùa không xa, để xin mảnh quần đen của cô bé 15 tuổi về đấp mặt Ôn khi liệm, hầu giúp Ôn siêu thoát !!!…. Tác giả tin tưởng rằng câu chuyện nầy chỉ là một phương tiện mà tổ sử dụng nhằm răn dạy chư đệ tử xa lìa nữ sắc mà thôi.
(3-) Câu ca dao tương tợ cũng xuất hiện tại Huế, chỉ có khác tên chùa mà thôi :
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
(4-) Kệ của ngài Úc sơn chủ tại Đồ Lăng. Nguyên văn :
Ngã hữu thần châu nhất lõa
Cửu bị trần lao cơ tỏa
Kim triêu trần lận quang sinh
Chiếu kiến sơn hà vạn đóa.
Bài kệ đắc đạo của sơn chủ phát xuất từ câu chuyện như sau :
Một hôm sơn chủ hỏi một thầy tăng về lời dạy của tổ sư Dương Kỳ, vị tăng đó đáp :
- Tổ sư tôi thường hỏi môn đệ : "Có một thầy tăng hỏi Pháp Đăng : Trăm thước đầu gậy làm sao bước tới ? Pháp Đăng chỉ đáp : Á… "
(Trăm thước đầu gậy phát xuất từ bài kệ của Tổ Trường Sơn Cảnh Sầm :
Gậy đầu nghìn thước chẳng lung lay
Dù đã lên đây chưa thật đây
Chót gậy nghìn tầm còn bước nữa
Mười phương thế giới thiệt thân nầy)
Người đã lên đến chót vót đầu gậy làm sao bước tới nữa, đó là một nghi vấn ám ảnh Úc sơn chủ ngày đêm.
Một hôm, sơn chủ cỡi lừa đi ngang qua cầu, lừa kẹt chân vào một cái lỗ, hất sơn chủ té nhào. Sơn chủ bất giác la lên "Á", rồi hốt nhiên ngộ đạo, nhân đó đã làm bài kệ ghi trên.
(5-) Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy có ba hạng người :
- Hạng người như chữ khắc trên đá
- Hạng người như chữ viết trên đất
- Hạng người như chữ viết trên nước
(trích từ Nhặt Lá Bồ Đề, Hòa thượng Thanh Từ)
(6-) Kệ của Sơ Tổ Trúc Lâm (Vua Trần Nhân Tông), nguyên văn chữ Hán: