Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh người con gái với suối tóc thề êm ả ngồi trong giảng đường Văn khoa. Tôi thấy nàng cao sang đài các làm sao! Tôi thấy nàng dịu dàng trân quí làm sao! Ai bảo gái Sài Gòn dữ như những bà chằn! Dưới cặp kính cận là đôi mắt mà không cần nhìn rõ người ta cũng nhận thấy cái lôi cuốn thu hút đến ngàn trùng. Phải, ngàn trùng. Trên đầu nàng, những chiếc khăn tím nhạt hay vàng nhạt thay nhau ôm ngang vỗ về suối tóc. Tôi có lần ước ao. Phải chi bàn tay ta là chiếc khăn kia! Thằng bạn trời đánh bên cạnh cười đểu. Thôi khứa, bàn tay khứa chai như đá mà thay chiếc khăn lụa chắc tóc người ta rụng hết. Mẹ mày, thằng trời đánh. Tay tao khi cần mềm mại thì còn mềm mại hơn bất cứ chiếc khăn “voile” nào nghe mày! Tôi muốn làm quen với nàng nhưng sao lại nghe ngại quá. Hễ đứng trước mặt nàng là lưỡi tôi cứng lại như ướp nước đá, tay chân tôi như chẳng còn sợi gân nào. Tôi thấy bất cứ động tác nào của mình cũng dư thừa, bất cứ lời nói nào của mình cũng nhạt nhẽo. Tôi nhờ Cẩm Vân, cô bạn cùng xứ Nha Trang của tôi giúp đỡ. Thôi đi ông, ông mà còn nhờ ai giúp! Đúng vậy, hồi còn học ở Nha Trang, tôi vẫn nổi tiếng là tên phá phách, nghịch ngợm. Những buổi chiều thứ bảy, tôi thường chở Hóa (sau tự nguyện đi Thủ Đức, lên đến thiếu tá thiết giáp rồi bị thương, giải ngũ) chạy dọc theo đường Duy Tân, dùng ná cao su bắn những viên đạn bằng rễ đa vào đùi các cô gái. Đau lắm nhưng đâu có cô nào dám đưa tay thoa! Những đêm học bài khuya đến một, hai giờ sáng, tôi rủ Lê Thanh Sơn (sau làm Dự Thẩm Ba Xuyên) đạp xe ngang nhà Cảnh Tịnh, Cẩm Tâm... nhấn chuông rồi chạy. Thế đó mà giờ tôi lại líu lưỡi trước một nàng con gái hiền lành thì quả là khó hiểu! Tôi nhất định phải làm quen với nàng mới được. Nhờ Cẩm Vân không xong, tôi nhờ Lê cũng là người cùng xứ. Cũng không xong. Thôi thì tự lực cánh sinh vậy. Tôi bắt đầu bằng cách qua lại trước mặt nàng. Cũng chẳng ăn thua gì. Tôi không chịu bỏ cuộc. Cô gái tóc thề ơi, tôi sẽ quen cô, tôi sẽ có can đảm làm quen với cô mà! Tôi tự nhủ như thế trong lòng. Mỗi ngày tôi đi học thật sớm để giành ghế, không chỉ cho tôi mà cho cả nàng và chị của nàng. Thằng bạn trời đánh bảo tôi dại gái. Mày hèn quá mày ơi! Khi xưa mày chọc trời khuấy nước, mày từng đứng ngay ngã tư Bá Đa Lộc và Nguyễn Công Trứ để ghẹo những cô bé trường nữ trung học đi ngang, mày có hèn thế đâu! Kệ mẹ nó nói gì thì nói, tôi vẫn làm theo con đường tôi đã vạch. Tình yêu mà. Tình yêu làm sao giải thích được? Thằng bạn lại cười. Yêu một chiều, yêu gì nhanh thế? Không giải thích được mày ạ. Làm sao giải thích được cái thay đổ của nhịp đập trái tim của tao mỗi khi thấy nàng? Làm sao giải thích được cái buồn khổ mỗi khi thấy nàng nói chuyện với một thằng phải gió nào khác? Làm sao giải thích được những đêm tao nằm trằn trọc nhớ mái tóc thề của nàng - mà tao vẫn chưa biết đầy đủ tên tuổi - hả mày? Tại mày chưa biết tình yêu là gì đấy thôi. Tình yêu thanh cao lắm. Tình yêu rồ dại lắm. Không rồ dại thì đâu phải là tình yêu. Đồ trần tục. Tôi chửi thằng bạn như thế. Nó cười. Kệ nó. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Lúc đầu nàng còn e ngại khi tôi giành sẵn cho nàng và cả chị nàng hai chiếc ghế trên hàng đầu. Tôi dành cho chính tôi cái ghế hàng sau. Để tôi được nhìn nàng, được nhìn mái tóc mịn màng như suối nước trên đồi. Lời thầy Phạm Việt Tuyền, lời thầy Nguyễn Duy Cần... tôi bỏ ngoài tai. Văn chương gì, triết đông triết tây gì cũng không bằng mái tóc mỹ nhân. Chị Phương nói đúng. Tình yêu là cho. Cho là chính chứ không phải là nhận. Chị Phương nói sai. Trên đời nầy vẫn có tình yêu. Chỉ vì chị chưa đi qua, thế thôi. Sau gần hai tuần, tôi mới được biết cả tên cả họ của nàng. Nàng thỏ thẻ cám ơn khi tôi lấy cuốn tập trên ghế để nàng ngồi. Tôi nhân dịp hỏi vội. Tên cô là gì. Nàng đỏ mặt, thỏ thẻ. Tôi sướng đê mê. Tôi biết tên nàng. Tôi chưa biết tuổi nàng. Nhưng cũng đủ rồi. Cần gì. Chiều nay về phòng trọ, tôi sẽ khắc tên nàng lên bàn, lên ghế. Tôi sẽ trang trọng mỗi khi nói đến chữ ấy. Trang trọng. Một hôm, thầy Thanh Lãng bận việc bất ngờ không đến dạy được, tôi mới có dịp nói chuyện với nàng nhiều hơn. Sao cô người Sài Gòn mà hiền thế? Nàng bật cười. Sao anh biết tôi là người Sài Gòn? Mà người Sài Gòn không hiền được sao? Tôi ú ớ. Phải rồi, mình cũng đi học ở đây mà đâu phải người Sài Gòn. Thằng bạn trời đánh của mình đâu phải người Sài Gòn mà sao dữ thế! Tôi cười chữa thẹn. Xin lỗi cô. Nàng lại cười. Tôi chẳng biết làm sao nàng lại cười. Chị nàng từ xa nhìn chúng tôi làm tôi nghe ngứa ngáy trong người. Sau này tôi mới biết là vì tôi gọi nàng bằng “cô”. Gọi bằng gì bây giờ. Bằng em được không? Tôi muốn gọi như thế lắm chứ. Nhưng liệu em có cho không? Tôi nghĩ trong bụng như thế. Cuối cùng rồi tôi cũng làm quen được. Quen theo nghĩa đủ thân để tâm sự, chuyện trò. Trước chỉ là biết nhau thôi. Anh người ở đâu mà nói giọng nửa Bắc nửa Nam vậy? Tôi hơi lo. Thì ra giọng nói của tôi lai căng thế đó sao? Tôi trả lời tôi không phải là người Bắc nhưng vì mấy ông thầy phần đông là người Bắc nên ảnh hưởng. Tôi nghĩ là nàng chê nhưng nàng lại khen. Giọng anh ngộ. Đêm nay về nhà không ngủ được, tôi đâu ngờ giọng nói của tôi hay! Tôi khẽ ngâm lên như thế. Anh làm thơ hả? Tôi lắc đầu, ù ừ cho qua. Và đêm đó về nhà, tôi thật sự đã không ngủ được. Có lẽ những giờ học với bà Méot đã giúp tôi chiếm được cảm tình của nàng nhiều hơn. Mặc dù tôi học trường Việt nhưng nhờ theo học thêm cours Pháp văn ban đêm với thầy Hoàng Tường ở Nha Trang nên vốn tiếng Pháp tôi không tệ. Với bà Méot, tôi tranh luận, bàn cãi từ đầu đến cuối. Có lẽ nhờ vậy mà nàng chú ý đến tôi hơn. Rồi tôi đánh bạo hỏi quê nàng ở đâu. Bình Dương. Thảo nào nàng quyến rũ như một vườn cây đầy trái. Trái chín đỏ trên cành chưa kịp hái, mà tình anh đã rụng rớt trong vườn. Thơ của tôi đó. Mê ly không? Thằng bạn trêu tôi. Sao mày không nói nàng rủ lên “giường” chơi? Đừng nói bậy nghe mi. Lần nầy tao yêu thiệt tình đứng đắn đó. Nó cười đểu giả rồi bỏ đi. Mẹ mi. Đoạn trường mi chẳng qua cầu sao hay! Bình dương, xứ của cây trái, của những vườn chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Những cuối tuần lúc bấy giờ, với tôi, những cuối tuần ở Sài Gòn vô nghĩa lạ. Trưa trưa thứ bảy là nàng đã theo cô về Bình dương. Còn lại mình tôi với nhung nhớ, cô đơn. Tôi biết là nàng không còn ở tại nhà của người cô trên đường Gia Long, nhưng chủ nhật nào tôi cũng phóng xe đi ngang, liếc nhìn vô thử. Cửa đóng then cài. Trời mưa. Mưa nắng gì thì tôi cũng đi qua. Rồi những lần hẹn hò. Eden. Rex. Lê Lợi. Pôle Nord. Nơi nào cũng ghi lại những hình ảnh của nàng. Em yêu dấu ơi, anh hãnh diện được có em bên cạnh. Anh hãnh diện khi những thằng con trai khác nhìn anh ghen tị. Anh thấy đời anh đã rẽ sang một hướng khác. Tình yêu. Tình yêu có thật trên đời chứ không như chị Phương đã nói. Tình yêu có thật nhưng chẳng phải là gì to lớn vĩ đại cả. Tình yêu chỉ là một cái nhìn lo lắng cho nhau. Tình yêu chỉ là một cái mỉm cười thông cảm trao nhau. Tình yêu chỉ là một vài phút đợi chờ mà lòng nghe hồ như dài cả mùa thu khắc khoải. Tôi còn nhớ lần đầu tôi hẹn nàng đi ciné. Hôm đó thứ năm, chúng tôi không có lớp chiều. Buổi trưa, khi tôi đưa nàng từ trường về, để nàng xuống tại góc Thủ Khoa Huân và Gia Long, tôi mời mọc. Anh - tôi đã xưng anh với nàng - mời T. đi ciné ở Eden chiều nay, phim hay lắm. Phim gì hở anh? Tôi ú ớ vì thật tình chẳng biết phim gì. Tôi quanh co. Phim gì mà chẳng hay, Eden chiếu là hay rồi! Không được đâu anh, em chưa học bài cho ngày mai. Thế thì chiều mai em nhé? Không được đâu anh, chiều mai thứ bảy, cô Ba sẽ xuống rước tụi em về Bình Dương. Tôi chơi một nước xì phé. Chẳng sao, đúng 5 giờ chiều nay anh sẽ đợi em ở góc Gia Long - Thủ Khoa Huân, em đến hay không đến thì anh cũng đợi. Nói xong, tôi bỏ đi, không để cho nàng kịp trả lời. Hơn 4 giờ một tí, tôi đã có mặt. Tôi đi qua đi lại. Tôi thấy hình như tôi là cái gai cho những người ngồi trong quán nước góc đường. Tôi lại lên xe chạy một vòng xuống Lê Thánh Tôn, quẹo phải Trương Công Định rồi quẹo phải một lần nữa trên Gia Long. Nhà nàng vẫn cửa đóng then cài im thin thít. Tôi lại đến góc đường đợi tiếp. 5 giờ 10 rồi 5 giờ 15, rồi 5 giờ 20. Nàng đến. Thấy ghét! Anh bắt nạt em lắm đó nghen! Anh có bảo em đến đâu! Giả như em không đến anh cũng có trách gì đâu. Thôi đi anh, làm bộ hoài! Thế là tôi đã thắng ván bài với lá tẩy là con 2 trọc! Hôm đó là hôm đầu tiên chúng tôi trao hôn cho nhau. Em yêu dấu ơi, một ngày nào đó mình phải xa nhau, anh làm sao quên em được! Đôi môi em ngon như chùm nho chín mọng. Hơi thở em thơm như hương rừng buổi sáng. Tình yêu mầu nhiệm thật! Em sẽ nhớ anh mãi mãi nếu mai này mình phải chia xa? Điều đó có cần thiết để anh tiếp tục nhớ đến em mãi mãi hay không? Tình yêu có cần hai chiều hay không? Trong trí tôi bắt đầu manh nha sự sợ hãi phải mất nàng. Tình yêu là thế đấy ư? Thế đấy, thế mà tôi lại bỏ ra đi. Ra đi xa lắm. Phía bên kia bờ Thái Bình Dương. Nàng đưa tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất. Nàng khóc. Tôi khóc. Một bên là cái háo hức rạo rực của một thằng con trai mới lớn trước cái quyến rũ của những nước Tây phương, của tương lai, sự nghiệp. Thôi mày ơi, mày đừng buồn làm chi, sau này mày về nước có sự nghiệp thì thiếu gì người đẹp! Thằng bạn nối khố của tôi khuyên tôi thế đó. Mi tầm thường quá mi ơi. Mỗi con người là mỗi thế giới, mỗi hành tinh. Không có hành tinh nào giống hành tinh nào trong vũ trụ này mày ạ, chẳng thay thế được nhau đâu. Tôi yêu em không chỉ vì nhan sắc, mà vì đời không một người nào khác thay thế được em. Mi có nghe chưa hả mi! Triết lý gàn. Thằng bạn lại chửi tôi thế đấy. Kệ nó nghe em. Nó làm sao hiểu được tình yêu chúng mình, em nhỉ? Em ơi, anh sẽ muôn đời nhớ mãi những buổi hẹn hò, những nụ hôn nồng cháy, những giận dỗi quay cuồng. Em ơi, anh sẽ muôn đời mang theo trong trái tim anh ánh mắt ngàn trùng thu hút. Của em. Chiếc máy bay mang tôi vào bầu trời mênh mông. Tôi nhìn lại Sài Gòn càng lúc càng bé dần phía dưới, nơi đó nàng chắc đang nhìn theo. Tôi nghe như vừa đánh mất một nửa cuộc đời. Tôi òa lên khóc. Người nữ tiếp viên nhìn tôi mỉm cười. Tôi không còn biết hổ thẹn là gì, khóc tức tưởi. Cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường Vancouver, tôi hướng nhìn về phía bên kia bờ đại dương. Tôi còn gì bên ấy? Bên kia trời, ngoài những người thân thuộc, tôi chỉ còn nàng như chứng tích của tình yêu. Tôi chỉ còn một suối tóc thề để nhớ để thương. Suối tóc không một gợn sóng nhưng đủ để làm tôi chơi vơi. Suối tóc ấy, giờ đây, xa ngút bên trời.