Gọi là chuyện cổ tích, nhưng không bắt đầu từ hai chữ ngày xửa ngày xưa, vì nó là chuyện thời nay.

Ở tại một làng chài ven biển, có hai vợ chồng nhà nọ, sinh được hai đứa con- một trai, một gái. Ngày ngày, mỗi sớm tinh sương, người chồng theo bạn chài căng buồm ra khơi. Khi cánh buồm nâu căng phồng no gió chỉ còn là một chấm nhỏ xíu rồi mất hút phía chân trời xa, cũng là lúc người vợ gánh hàng ra chợ. Vốn xinh đẹp và khéo léo, bao giờ nàng cũng bán hết chỗ cá tôm mà người chồng được chia phần ngày hôm trước. Tan chợ, không bao giờ nàng quên mua quà cho hai đứa con đang mong ngóng mẹ về, khi là chiếc bánh đa, khi là đồng bánh đúc, bánh gai... và dĩ nhiên, cả quà cho chồng nữa : một cút rượu nhỏ ( nhỏ thôi- để chàng đủ sảng khoái nhưng không thiếp đi quá nhanh mà quên mất sự có mặt của nàng bên cạnh). Thứ rượu tăm nấu bằng nếp mới đục lờ lờ như nước gạo loãng, mùi thơm, vị cay ngọt, nồng nàn, cháy bỏng như đôi môi, ánh mắt của nàng.

Hoàng hôn vừa buông, khi ông mặt trời đỏ lừ như một gã say rượu háo sắc vội vã sà vào lòng biển đang rướn lên khát khao qua những con sóng cuồng nhiệt, là lúc thuyền cập bến. Những người đàn ông trở về. Những tấm lưng trần bóng nhẫy, những tảng ngực nâu vạm vỡ trắng loá muối biển. Họ đem về nào tôm , nào cá và nỗi nhớ đất liền... Cuộc sống của họ cứ phẳng lặng trôi đi theo tháng ngày, nhìn xấp tiền mặn chát vị biển được vuốt phẳng phiu ngày một dày thêm, người vợ vui sướng vô cùng. Nàng mơ đến một cuộc đổi đời.

Qua những buổi chợ, nàng có quen với một gã lái buôn người thành phố. Gã về các chợ vùng biển thu mua hải sản rồi chở ra thành phố bán lại. Nhìn như nuốt lấy thân hình nở nang, nước da đen giòn mạnh khoẻ của cô gái làng chài, hắn khen nàng xinh đẹp và tỏ ý tiếc cho "một bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu". Hắn bảo, với sắc đẹp , sức khoẻ và sự khéo léo ấy, lẽ ra nàng phải được sống trong nhung lụa, phải làm bà chủ. Hắn khuyên nàng vào thành phố buôn bán, hắn sẽ giúp cho vốn liếng và chỉ dẫn cách làm ăn. Nàng không hiểu hết những lời hoa mĩ của thằng buôn mắm tôm, nhưng thấy thinh thích, vì từ bé đến giờ, chưa có ai nói với nàng những lời tương tự. Đàn ông vùng biển vốn chỉ quen ăn sóng nói gió. Ngay như chồng nàng, dù rất yêu vợ, nhưng chàng cũng chỉ như con sóng ào ạt, mạnh mẽ, hoang dã lúc gần nhau, và lăn quay ra ngủ sau cơn biển động. Chàng không biết nói với nàng những lời âu yếm. Chàng không biết rằng phụ nữ thích nghe hơn thích nhìn.

Nàng bàn với chồng mua một ngôi nhà trong phố. Hai vợ chồng sẽ mở cửa hàng bán các loại cá khô, nước mắm, đồ biển. Nàng sẽ thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Đêm đêm, khi chàng đang ở trên chín tầng mây nơi miền cực lạc thì nàng tỉ tê, vẽ ra cái viễn cảnh tươi sáng ấy. Thoạt đầu chàng ngần ngại, chần chừ, bởi tổ tiên chàng đã bao đời lập nghiệp bằng nghề chài lưới, đã ăn lộc của biển. Bản thân chàng sinh ra và lớn lên trong vòng tay biển bao la, được nuôi dưỡng bằng hồn biển dung dị, mạnh mẽ. Nhưng rồi nước chảy đá mòn, chàng dần xiêu lòng ( khi đang ở trên bụng một người đàn bà, người đàn ông nào mà chả sẵn sàng hái sao trên trời về kết hoa tặng nàng, ngắt mặt trăng về thả trong mắt nàng. Chàng cũng vậy!). Của đáng tội, đó cũng là thời điểm người dân vạn chài làm ăn khó hơn. Từ đâu xuất hiện những con tàu lạ dùng lưới cào, chà đi xát lại, cày nát cả một vùng biển, không tha từ con tôm, con cá mới nở. Chưa hết, chúng còn dùng mìn, bộc phá huỷ diệt cuộc sống của biển. Mặt biển rớm máu. Biển nổi giận! Biển trừng phạt con người! Biển không còn cho tôm, cho cá. Những người dân chài lương thiện phải đi tìm bãi cá mới ở một vùng biển xa hơn. Những chuyến ra khơi của họ kéo dài nhiều ngày. Đêm về, trong làng chài chỉ còn lại đàn bà và con nít. Những người vợ thắp hương cầu khẩn thần biển che chở cho chồng con họ trở về an toàn cùng thuyền cá trĩu nặng. Phụ nữ vùng biển ai cũng biết và phải tuân theo một thứ luật bất thành văn : „ khi chồng ra khơi, người vợ Ở nhà phải giữ mình trong sạch, không được để dục vọng cám dỗ. Nếu ai trái lời sẽ làm thần biển nổi giận và người chồng phải trả giá bằng mạng sống của mình”. Ở vùng biển có tục lệ : Sau đêm tân hôn, khi chú rể với khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi nhưng rạng ngời hạnh phúc đem ra chiếc khăn trắng có thấm mấy giọt máu ( bằng chứng cho sự trinh trắng của cô dâu) dâng mẹ đẻ và những người làm chứng của hai dòng họ đang đứng chờ sẵn ở cửa buồng, thì cũng là lúc cô dâu thắp hương, quì trước bàn thờ thần biển và thành kính nhắc lại lời nguyền. Người ta đem đốt chiếc khăn và rắc tro xuống biển. Sóng cuốn tro, nhấn chìm vào lòng đại dương bao la. Thần biển đã chấp nhận lời nguyền.

Người chồng dẫn vợ và hai đứa con vào thành phố, mua một căn nhà nhỏ ngay mặt đường. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở cho vợ con, chàng căn dặn vợ : “ Em ạ, mình là dân quê, cả đời chỉ sống bằng sức lao động, không quen buôn bán. Em hãy tìm hiểu xem cung cách làm ăn của người thành phố ra sao, sau vài tháng chúng mình hãy bắt tay vào việc. Tạm thời, em lo chạy giấy tờ để mở cửa hàng. Bây giờ anh phải trở về với biển, đi khơi thêm vài chuyến để kiếm tiền nuôi các con và chia tay bạn chài, thu xếp bán nhà, bán thuyền. Anh sẽ trở lại sau vài tuần trăng. Hãy đợi anh!” Nói đoạn, chàng từ biệt vợ con, lên đường.

Theo lời chồng căn dặn, người vợ ngày ngày ra chợ và đi đến những khu buôn bán xem cách làm ăn của người thành phố. Cả đời chỉ sống với biển, với những người dân chài chất phác, nàng thấy choáng ngợp, lẻ loi trong cái thành phố to lớn, xa lạ với lối giao tiếp xô bồ, ngôn ngữ chợ búa đầy những từ ngữ khó hiểu của dân buôn nơi kẻ chợ. Việc xin giấy mở cửa hàng, tưởng là đơn giản, nhưng sau bao lần đi lại, nàng cũng chỉ nhận được những lời hứa suông mà không có một kết quả nào. Chợt nhớ đến gã lái buôn quen biết, nàng tìm đến hắn mong một sự giúp đỡ.

Lại nói chuyện về gã lái buôn. Hắn hay về các chợ vùng biển, thu gom hàng hoá với giá bèo bọt rồi đem ra thành phố bán lại với giá cắt cổ. Trời phú cho cái miệng lưỡi dẻo quẹo, hắn kiếm không đến nỗi tệ. Vốn tính chim chuột, đi đến đâu hắn cũng buông câu nhử những người đàn bà bắt mắt, nhẹ dạ. Mỗi lần chinh phục được một con mồi mới, hắn lại nhặt cái vật rơi ra từ thân thể người đàn bà sau lần chung đụng, cho vào bộ sưu tập để rồi thỉnh thoảng đem ra ngắm nghía và khoe với lũ bạn. Trong số những người đàn bà hắn đã gặp và cho vào tầm ngắm, hắn vẫn hay nhớ về nàng- người phụ nữ có thân hình nở nang, rắn chắc, nước da đen giòn, nụ cười như hớp hồn kẻ đối thoại. Hắn đã hơn một lần ao ước được sở hữu, được dày vò cái tạo vật tuyệt mĩ đầy hương đồng gió nội ấy. Nhưng để đáp lại những lời ong bướm của hắn, nàng chỉ nhìn xa xăm về phía biển và ban cho hắn một nụ cười buồn đẹp mê hồn.

Dễ đã vài tháng, hắn không còn thấy nàng trong buổi chợ. Dò hỏi, hắn được biết nàng đã mua nhà và dọn vào trong thành phố. Hắn tiếc ngẩn ngơ. Những lúc ngồi buồn một mình, hắn luôn mơ tưởng đến nàng. Thế rồi đến một ngày, hắn không tin vào mắt mình khi nàng đến tìm hắn và ngỏ lời nhờ giúp đỡ. Mừng quýnh, hắn bỏ cả công việc làm ăn để hàng ngày được chở nàng đi các nơi ( Thực ra thì có gì mà phải xem với xét nhiều đâu, hắn chỉ mượn cớ để được gần nàng ). Hắn mua cho nàng những bó hoa, những đồ trang sức bằng vàng đẹp đẽ, tinh xảo.

Về phần nàng, nàng thấy hắn tốt quá. Hắn chiều chuộng nàng, luôn nói với nàng những lời ngọt ngào, êm dịu mà không phải lúc nào nàng cũng hiểu được hết. Hắn lại còn mua cho nàng cơ man tặng phẩm. Bây giờ nàng mới biết, ngoài vị mặn của biển, mùi tanh của tôm cá, còn có những bông hoa tươi thắm, có mùi thơm quyến rũ của những lọ nước hoa đắt tiền, có vẻ đẹp mê hồn của những đôi hoa tai, dây chuyền óng ánh, lấp lánh. Thoạt đầu, nàng không dám nhận những thứ quà tặng đắt tiền ấy. Nhưng thấy hắn van vỉ rồi làm mặt giận dỗi, nàng cũng hơi xiêu lòng. Vả lại, „người ta lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông”(#1). Mà nàng cũng chỉ là đàn bà như hàng triệu người đàn bà khác. Nàng cảm động lắm. Nàng cũng thấy hơi xao xuyến khi bắt gặp ánh mắt đắm đuối của hắn. Nhưng với bản năng tự vệ của người đàn bà đã có chồng, nàng luôn co mình, lẩn tránh những cử chỉ sàm sỡ khi bàn tay của hắn „vô tình” đặt lên đùi, lên ngực nàng. Đêm đêm, nàng vẫn nguyện cầu thần biển phù hộ cho chồng được bình an. Là người vợ, nàng nhớ chồng. Là người đàn bà mạnh khoẻ, nàng thèm khát chàng. Đã gần ba tháng rồi nàng không được gần chồng. Nhiều lần trong mơ, nàng đã thấy „biển động”.

Trong khi đó, gã lái buôn đã sắp phát cuồng. Từ chỗ chỉ có ý định chim chuột để thoa? mãn cái thú chinh phục của giống đực, hắn chuyển sang say mê nàng. Những lúc chung đụng với những người đàn bà khác, hắn cũng chỉ mơ tưởng đến nàng. Là một thợ săn lão luyện, hắn đã tìm mọi cách nhưng chưa hạ được con mồi. Những lần trước, chỉ giở vài chiêu, thấy con mồi có vẻ „ăn đèn” là hắn ra tay siết cò súng, con mồi ngã vật. Nhưng lần này, hắn đã sắp hết võ. Hắn sốt ruột, thời gian không còn nhiều, chồng nàng sắp trở về. Không, hắn quyết phải ra tay.

Một buổi chiều, nàng đang cho hai con ăn cơm thì tay lái buôn phóng xe máy đến. Hắn nói đã hẹn gặp được người có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh cho nàng. Lật đật gửi con cho bà cụ hàng xóm, nàng tất tưởi đi theo hắn. Gã lái buôn chở nàng về nhà. Pha cho nàng li nước cam, hắn lén rắc vào đó một ít bột trắng, đoạn bật video một vở chèo rồi bảo nàng ngồi đợi để hắn đi đón người kia. Còn lại một mình trong căn phòng sang trọng mờ ảo ánh đèn màu hồng, nàng ngả người trên chiếc ghế bành nệm mút êm ái, chăm chú theo dõi vở diễn mà nàng đã có lần được nghe qua đài. Chợt màn hình vụt tắt trong giây lát rồi sáng bừng lên. Nhưng thay vào chỗ những tiên nữ xiêm y thướt tha múa lượn giữa vườn thượng uyển là những gã đàn ông lừng lững trần truồng và đám đàn bà trên mình cũng không một mảnh vải che thân. Bất ngờ và xấu hổ quá, nàng vội lấy tay che mặt lại. Nhưng rồi tiếng rên la, tiếng thở hổn hển như bị bóp cổ của đám người kia không buông tha nàng. Tò mò và chợt nhớ là chỉ có một mình trong phòng, nàng yên tâm hí mắt nhìn qua kẽ ngón tay. Chao ôi, những gì mà nàng vẫn làm với chồng trong phòng kín thì nay phơi bày rõ như ban ngày trên màn hình vô tuyến. Nàng bỗng thấy khát nước. Vẫn giữ nguyên một tay che mặt, tay kia nàng vớ li nước cam, uống một ngụm lớn. Nàng như thấy có một luồng điện giần giật chạy khắp người, thân thể nóng bừng lên. Bàn tay che mặt rớt xuống. Có một cảm giác lạ lùng xâm chiếm lấy nàng. Nàng thấy mình đang sống những phút giây rạo rực bên chồng. Đôi bàn tay không còn là của nàng nữa, chúng đang đi theo tiếng gọi của vô thức. Nàng cảm thấy khó thở.

Thằng buôn mắm không đi đâu cả. Hắn chỉ giả vờ ra ngoài rồi lén quay lại ngay. Nhẹ nhàng, rón rén như một con hổ rình mồi, hắn ghé mắt nhìn qua khe hở cánh cửa phòng khách. Hắn đã thấy tất cả! Chờ đến lúc người đàn bà vật vã, đôi bàn tay tự tìm đến những chỗ kín trên cơ thể, hắn nuốt khan một ngụm nước bọt trong cổ họng rồi lao vào nàng như con hổ vồ mồi. Người đàn bà đã lả đi, đôi môi mềm mại khô khốc cuồng nhiệt tìm môi hắn, đôi bàn tay níu chặt lấy tóc hắn…Nàng bồng bềnh, êm dịu, mạnh mẽ như sóng nước đại dương…

Trong khi người vợ đang lả đi trong vòng tay thằng buôn mắm thì người chồng lênh đênh cùng bạn chài trên biển. Chàng vui lắm vì qua mấy tháng ra khơi, chàng và các bạn tìm được bãi cá lớn. Chuyến nào thuyền về cũng đầy ăm ắp. Cùng với số tiền bán nhà, chàng đã có một khoản kha khá dành dụm để làm vốn. Đây là chuyến đi biển cuối cùng. Chàng sắp được về với vợ con. Miên man với những suy tính về tương lai, chàng chợt giật mình khi thấy trời nổi gió, mây đen kéo về tối sậm cả bầu trời. Biển đang hiền hoà, yên bình là thế bỗng quay ngoắt giở chứng, gầm gào. Mưa như trút quất ràn rạt. Cuồng phong nổi lên dữ dội. Con thuyền chao đảo, tròng trành nhỏ nhoi như chiếc vỏ trấu giữa đại dương bao la. Đương lúc những người dân chài ghìm chặt mái chèo để giữ thăng bằng cho con thuyền thì sợi dây chão néo buồm bị gió thổi tung nút vuột ra. Chiếc buồm như con diều khổng lồ no gió bung vút lên bay phần phật. Con thuyền lắc lư, vặn vẹo, quăng quật. Nước tràn vào xối xả. Cái chết đã cầm chắc trong tầm tay. Không một chút do dự, chàng ngậm chặt con dao, thoăn thoắt leo lên chặt cột buồm. Những nhát chém vung lên như điên dại, hối hả. “Rắc”, chiếc cột buồm gãy gục quật ngay vào đầu chàng. Chàng buông tay chới với rồi rơi tòm xuống biển cùng đoạn cột buồm. Sóng gầm lên cuốn chàng mất hút. Những người trên thuyền bất lực, cắn răng bật máu nhìn biển cướp đi sinh mạng người đã cứu thoát họ khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc. Sau cơn thịnh nộ, biển trở lại hiền hoà- một vẻ hiền hoà man rợ đầy tử khí. Nước mắt chan chứa, những người bạn chài ném quần áo, bát đũa, đồ đạc của chàng xuống biển- theo phong tục của dân chài. Họ trở về đất liền, lòng nặng trĩu...

... Ngây ngất trong tột cùng của khoái cảm, người vợ lúc này đã nhận ra mình nằm trong vòng tay kẻ khác. Nhưng điều này chỉ càng làm nàng tăng thêm sự đê mê, khao khát. Trái cấm bao giờ cũng ngon. Hơn nữa, thằng buôn mắm không phải tay vừa. Hắn không có cái sức mạnh hoang dã, ào ạt của biển. Nhưng bù lại, hắn là một tay thợ săn lão luyện, một võ sĩ dạn dầy kinh nghiệm trên tình trường đã được tôi luyện qua hàng trăm lò võ. Vả lại, hắn chờ đợi ngày này lâu quá rồi. Hắn quyết đem hết sức lực ra thi thố. Hắn dốc hết vốn liếng xuống một tiếng bạc sinh tử. Người đàn bà chết đi sống lại bao lần trong vòng tay hắn. Bây giờ nàng mới biết, cuộc đời không chỉ có cá tôm và sóng biển!!!

Đêm. Nàng tỉnh giấc. Gã lái buôn gối đầu lên ngực nàng ngủ ngon lành. Hoảng hốt nhớ đến hai đứa con thơ gửi hàng xóm. Nàng vùng dậy. Gã lái buôn cuống quýt đưa nàng về. Đến đầu phố, hắn thả nàng xuống sau khi đã ôm hôn thắm thiết và hẹn ngày mai qua đón. Nàng khẽ gật đầu.

Suốt mấy hôm liền, nàng như sống trong mơ. Cứ tầm chiều nàng lại đem con sang gửi cụ hàng xóm tốt bụng và mong ngóng chờ hắn đến. Sang hôm thứ tư, có một đoàn người mặt mũi hốc hác, đi trong đau khổ đến tìm nhà nàng. Nhìn vẻ tiều tuỵ của họ, nàng đã linh cảm có điều chẳng lành xảy ra. Họ báo tin chồng nàng đã chết. Đến lúc này, nàng mới nhớ đến lời nguyền của thần biển :” khi chồng ra khơi, người vợ Ở nhà phải giữ mình trong sạch, không được để dục vọng cám dỗ. Nếu ai trái lời sẽ làm thần biển nổi giận và người chồng phải trả giá bằng mạng sống của mình”.

Nàng vật vã than khóc. Nàng ân hận. Nàng hiểu là chàng đã chết do lỗi lầm của nàng. Nàng muốn được chết theo chàng. Nàng lao ra đường, đâm đầu vào bánh xe ô tô. Nhưng người ta kịp giữ nàng lại. Không, số nàng chưa chết. Thần biển chưa cho nàng chết. Ai ai cũng động lòng thương cảm trước nỗi đau của nàng. Người ta xúm vào giúp đỡ nàng chăm sóc hai đứa con thơ. Luôn có người túc trực bên nàng để trông chừng, đề phòng nàng khỏi làm liều lần nữa. Tất nhiên, trong số đó có thằng bán mắm. Hắn không tiếc tiền bạc, thời gian. Hắn cúc cung tận tuỵ hầu hạ, thuốc thang cho nàng chóng hồi phục. Hắn yêu nàng. Hắn biết rằng đây là cơ hội trời cho để hắn có được nàng mãi mãi.

Nỗi đau nào cũng nguôi dần theo thời gian. Sau ba tháng trời, nàng đã gượng đi lại được. Đến lúc này, nàng đã tự hiểu, rằng khóc lóc cũng chỉ vô ích, rằng cuộc đời nàng ngoài hai đứa con chỉ còn lại thằng bán mắm. Nàng thấy hắn thực sự yêu nàng và cảm thấy an ủi được rất nhiều khi có hắn ở bên. Nàng vui vẻ trở lại. Nàng đã có da, có thịt và nhờ được bồi bổ thuốc thang, nàng còn đẹp hơn xưa. Nàng lại muốn sống.

Gã lái buôn đã chạy cho nàng đầy đủ giấy tờ để kinh doanh ( những thứ mà trước đây nàng mất hàng tháng trời để xin xỏ thì hắn chỉ bỏ ra ít tiền làm trong một tiếng đồng hồ). Hắn trở về với công việc cũ. Hàng hoá thu gom được hắn đem về cho nàng bán. Nhờ sắc đẹp trời phú và sự khéo léo cùng nguồn hàng dồi dào, phong phú chủng loại, cửa hàng của nàng ngày càng đông khách. Nàng làm ăn phát đạt lắm. Nàng vui lắm. Nàng đã thay da đổi thịt, nàng sắp trở thành người kẻ chợ. Quanh nàng đã xuất hiện những bóng đàn ông nhăm nhe, dập dìu đi lại. Gã bán mắm đã hơn một lần phải dùng nắm đấm để bảo vệ hạnh phúc của mình. Nàng đã hẹn với hắn, đợi đoạn tang chồng. Nghĩa là còn hơn hai năm nữa nàng mới trở thành vợ hắn. Tạm thời, hắn phải vui lòng với kiểu sống già nhân ngãi non vợ chồng. Hắn chỉ phiền một nỗi, hai đứa con nàng ghét hắn ra mặt. Mặc cho hắn giở mọi ngón mua chuộc, chúng không bao giờ chịu gần gũi hắn và luôn mồm khóc gọi cha.

* * *

Lại nói chuyện về người chồng. Chàng bị hất ngã, và bị sóng biển cuốn đi nhưng tay vẫn bám chặt đoạn cột buồm. Sóng xô dạt chàng vào một hòn đảo nhỏ. Một buổi sớm, người dân trên đảo thấy chàng đang thoi thóp bên bờ cát, cạnh khúc cột buồm nằm lăn lóc. Họ đưa chàng về chạy chữa bằng thuốc lá. Chàng bị cảm lạnh, hai phổi tràn đầy nước. Sau hơn nửa năm trời chiến đấu với tử thần, chàng được cứu sống nhưng chỉ còn một bên phổi. Người chàng ốm yếu gầy gò, không còn đâu gã trai làng chài vạm vỡ thuở nào. Khi đi người cứ lệch về một bên. Thuyết phục mãi, người ta mới giữ được chàng ở lại dưỡng bệnh thêm vài tháng, vì chàng nằng nặc xin trở lại đất liền với vợ con. Dân trên đảo quyên góp tiền bạc và gửi chàng về đất liền theo một chiếc tàu buôn.

Chàng về thành phố khi trời đã nhá nhem tối. Khó khăn lắm chàng mới nhận ra được ngôi nhà của mình. Thay vào căn nhà nhỏ khi xưa là một cửa hàng bề thế, sang trọng sáng ánh đèn. Vợ chàng đeo vàng đầy tay, đầy cổ đang thoăn thoắt đếm tiền và tươi cười với một gã đàn ông nào đó. Đứng co ro bên gốc cây, chàng ngỡ ngàng tưởng mình nhầm nhà. Nhưng đúng rồi, người đàn bà kia đúng là vợ chàng, dù nàng có đẫy đà, xinh đẹp hơn xưa. Không thể nhầm được, vì có lúc nào chàng lại không nghĩ về nàng, kể cả trong giấc ngủ chập chờn ngoài đảo vắng. Hít một hơi dài nén xúc động, chàng run run đi về vùng ánh sáng. Chàng bước qua ngưỡng cửa, đứng im. Người đàn bà dừng tay đếm tiền, ngẩng lên ngỡ ngàng nhìn chàng. Chợt nàng rú lên kinh hãi, vứt xấp tiền chạy như bay về phía chiếc bàn thờ ở gian trong, lập cập rút bó hương, châm lửa, lia lịa khấn vái. Gã đàn ông sững sờ, liếc nhìn chiếc ảnh trên bàn thờ và lờ mờ hiểu sự việc. Gã cũng đứng im như trời trồng. Lặng đi, nghẹn ngào trông giây lát, chàng chạy ùa vào nhà trong, dang hai tay : “ Em, em không nhận ra anh sao? Anh đã về với em đây mà!”. Trong lúc người vợ run bắn, bán tín bán nghi thì hai đứa con nhảy bổ vào ôm chặt lấy chàng, đồng thanh gọi : “ Cha!” và khóc nức nở. Người vợ vứt bó hương, nhào đến. Chợt nàng khựng lại, khuỵu xuống, hai tay ôm mặt khóc như mưa. Gã đàn ông lẳng lặng bỏ đi.

Cái tin chồng nàng tưởng chết mất xác giữa biển khơi sau gần một năm đã trở về loan ra khắp phố. Bà con lối xóm tấp nập kéo đến chia vui. Nhà nàng đông như hội. Vui nhất là hai đứa con, chúng không chịu rời cha một bước, suốt ngày líu lo như hai con chim nhỏ. Duy chỉ có nàng và một người nữa buồn. Niềm vui đoàn tụ qua nhanh như cơn gió thoảng, đọng lại trong nàng nỗi buồn khôn tả. Chàng trở về khi hình bóng của chàng đã chết trong tim nàng. Tình yêu, sự say mê, nàng đã dành cho kẻ khác, đối với chàng, chỉ còn lại lòng thương hại. Chàng trở về thân tàn ma dại. Chàng không còn là con sóng biển mạnh mẽ hoang dã khi xưa. Và nàng cũng không còn là cô gái làng chài ngây thơ, chân chất. Nàng đã trở thành người đàn bà dạn dĩ hừng hực ham muốn. Chàng không đáp ứng đủ cho nàng. Chàng không phải là đối thủ của gã lái buôn.

Cảm nhận được cái hố ngăn cách giữa mình và vợ, người chồng buồn vô hạn. Chàng tìm mọi cách để lấp nó đi, nhưng không nổi. Khi người đàn ông không tự khẳng định được mình trên giường, anh ta chỉ là một thằng trẻ con lớn tuổi. Hiểu được điều ấy, chàng chua xót, đau đớn chấp nhận một cuộc tình tay ba. Chàng trả lại tự do cho nàng. Chàng dồn hết tình thương cho hai đứa con. Chúng là lẽ sống duy nhất của đời chàng.

Cái điều phải đến, đã đến. Một đêm, nàng pha nước mời chồng dậy để nàng thưa chuyện. Linh cảm có điều chẳng lành, chàng hồi hộp lắng nghe. Nàng nói sẽ theo chúng bạn đi làm ăn ở một nơi xa lắm, tận Ba lan, độ vài ba năm. Nàng sẽ cố dành dụm một số tiền để sau này về nước nuôi con ăn học. Nàng còn nói gì nữa, nhiều lắm, nhưng chàng đâu có nghe hết được. Chàng ngồi lặng, chết đứt từng khúc ruột. Chàng hiểu rằng, chàng sẽ mất nàng mãi mãi. Nàng sang đó đâu phải chỉ vì tiền. Nàng đi tìm một sự giải thoát.

Nàng ra đi ngay trong đêm ấy. Hôn như mưa lên đầu, lên mặt hai đứa con đang ngủ say. Nước mắt đầm đìa, nàng đi như chạy khỏi căn nhà của mình. Người chồng tựa cửa, đầu gục xuống. Bóng chàng liêu xiêu hắt một vạch dài lên vách.

* * *

Thấm thoắt đã ba năm trôi qua, người vợ chưa trở về. Thời gian đầu, nàng hay biên thư. Nàng kể về cuộc sống, công việc làm ăn vất vả nơi xứ người và nỗi nhớ quặn lòng hai đứa con thơ dại. Nhưng rồi theo dòng thời gian, thư cứ thưa dần, thưa dần. Chàng và hai con mỏi mắt ngóng trông.

Lại hai năm nữa trôi đi, người vợ vẫn chưa về. Tóc người chồng bạc trắng. Chàng ốm yếu lắm, lá phổi còn sót lại sau lần chết hụt phát bệnh, hành hạ đêm ngày. Nhớ vợ, chàng đưa hai con về quê cũ mong tìm lại một chút bóng hình xưa. Làng chài đã tan hoang. Không còn đâu cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, chàng chỉ thấy dăm mái tranh nghèo tả tơi, liêu xiêu trên bờ cát. Người làng chài đã bỏ đi tứ xứ kiếm ăn. Dẫn hai con ra trước biển, ba cha con chàng khẩn cầu thần biển phù hộ, để nàng sớm trở về. Đáp lại họ, chỉ có sự im lặng ghê rợn của đại dương bao la và tiếng gầm gào của những con sóng vô hồn.

Biết mình không đủ sức đợi nàng trở về, chàng trăn trở nghĩ về hai đứa con. Chúng còn bé quá, chúng sẽ ra sao, khi chàng nằm xuống? Chàng quyết định dẫn con đi tìm mẹ. Chàng bán nhà, nhờ người móc nối tìm đường sang Ba lan.

Vào một chiều đầu đông giá lạnh, lẫn trong đoàn người háo hức đi tìm miền đất hứa, có người đàn ông gày gò lặng lẽ như một chiếc bóng dắt theo hai đứa con thơ. Họ lên đường sang Nga.

Trái với những gì người ta hứa hẹn trước lúc đi, sang đến xứ tuyết cha con chàng phải ăn chực nằm chờ gần ba tháng trời trong điều kiện sống cơ cực, thiếu thốn. Hai đứa trẻ thiếu ăn, gầy rộc, nhưng chúng vui lắm, vì cha nói rằng chúng sắp được gặp mẹ. Hai anh em bảo nhau nhường phần thức ăn ít ỏi cho cha đang ốm nằm liệt một góc phòng. Nhưng cha chúng nào có ăn được gì , chàng đã yếu lắm rồi. Chàng như ngọn đèn hết dầu đang cháy dần vào bấc. Trong cơn mê sảng, chàng luôn gọi tên nàng. Nàng lúc ẩn, lúc hiện như một bóng ma. Đuổi theo chiếc bóng chập chờn ấy, chàng kiệt sức, ngã gục và tỉnh giấc bởi những giọt nước mắt nóng hổi của hai đứa con. Nghe tiếng hét thất thanh, hai anh em sợ quá nâng cha dậy, lay gọi liên hồi.

Chàng và hai con vượt rừng vào một đêm cuối năm cùng với hơn chục người nữa. Tuyết bay trắng xoá đầy trời, gió gào thét. Đoàn người lầm lũi đi trong im lặng. Hai anh em dìu cha đi trên con đường đóng băng trơn như đổ mỡ, thỉnh thoảng một người trượt chân kéo theo hai người kia ngã nhào. Họ phải cố theo kịp để khỏi bị bỏ rơi. Chàng lên cơn sốt, người nóng hầm hập, mồ hôi ướt đẫm. Cắn chặt hai hàm răng va vào nhau lập cập, chàng lê từng bước khó nhọc bằng nghị lực. Sắp đến đích rồi. Chàng sắp được gặp nàng…

Chợt một phát pháo sáng bay vút lên, ánh đèn pin loang loáng. Tên đưa đường gằn giọng rít khẽ : “ Lộ rồi, chạy tản ra, mau!”. Tức thì, mạnh ai nấy chạy túa ra. Chỉ còn lại chơ vơ ba cha con. Thoáng thấy bên đường có một cái rãnh, chàng kéo hai con nhảy đại xuống, nằm nép sát mặt vào tuyết. Ba cha con run rẩy ôm nhau dưới lòng hố, tuyết rơi dày, phủ kín lên họ. Trên mặt đất, tiếng quát xì xồ, tiếng la hét, tiếng chó sủa rộ lên rồi thưa dần. Ba cha con lập cập chui lên. Yên ắng. Tĩnh lặng. Chỉ có một mình họ trong mênh mông tuyết trắng và rừng cây câm lặng. Tuyết vẫn rơi mỗi lúc thêm dày. Gió hun hút thổi, lạnh buốt. Không có ai quay lại tìm họ. Mất phương hướng, ba bóng người tả tơi, liêu xiêu dò dẫm trong vô định. Người cha bảo hai con : “ Các con ơi, cha con mình cùng hét lên thật to. Nếu người ta nghe thấy, họ sẽ đến cứu.”. Cứ thế, vừa đi, họ vừa hét lên. Tiếng kêu cứu tuyệt vọng của họ chìm vào và mất hút trong màn đêm. Người cha đã kiệt sức, không thể nhâng bước. Chàng ân hận, đau đớn. Giá như chàng không kéo các con nhảy xuống hố thì chắc chắn người ta đã bắt chúng đi, và chúng sẽ không phải bỏ xác giữa rừng. Ngã gục xuống, sức cùng lực kiệt, chàng gào lên, bất lực : “ Trời ơi, sao tôi khổ thế này? Tôi đã làm gì nên tội? Ông trời ơi, hãy cho tôi được chết thay các con tôi. Chúng còn bé lắm, hãy cho chúng sống hết kiếp người!”. Nói đoạn chàng quay sang hai đứa con, nước mắt đầm đìa : “ Các con ơi, cha đã hại các con rồi. Hãy mặc cha. Đi đi! Đi về phía mặt trời lặn. Mẹ của các con ở đó. Hãy nói với mẹ rằng : cả đời cha yêu mẹ, đợi chờ một ngày mẹ quay về với cha. Cha tha thứ cho mẹ. Hãy hóa thành cánh chim, bay đi, bay đi… vĩnh biệt các con…!”. Chàng nấc lên, trân trối nhìn hai đứa con rồi tắt thở.

Ôm chặt xác cha vào lòng, hai đứa con khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Chúng lăn lộn, vật vã giữa cánh rừng mênh mông trong cơn bão tuyết mịt mù. Kiệt sức vì đói và lạnh, chúng chết gục bên xác cha. Tuyết vẫn rơi đều, phủ lên thành một đống mộ lớn.

Nơi người cha nằm đùn lên một tảng đá mang hình người co quắp. Hai đứa con biến thành hai con chim, một trống, một mái. Ngày ngày hai con chim chỉ quanh quẩn kiếm ăn trong khu rừng và tối về ngủ trong cái hốc nhỏ phía dưới tảng đá. Mỗi buổi chiều tà, hai con chim ngoảnh mặt về phía hoàng hôn, cất tiếng hót – nghe như tiếng khóc gọi “ Mẹ Ơi!”, nước mắt rơi lã chã. Một hôm, chim anh bảo em : “ Em ơi, chúng mình đi tìm mẹ, nói mẹ đón cha về.”. Rồi chúng nhắm hướng tây bay mải miết.

* * *

Vác sa va một đêm cuối đông.

Phía sau khung cửa sổ căn phòng nhỏ còn le lói ánh đèn, có hai người đang mê mải yêu nhau. Đang háo hức, cuồng nhiệt, chợt họ buông nhau ra vì nghe tiếng lạch cạch đập vào khung kính. Tiếng đập mỗi lúc một gấp gáp, dồn dập. Gã đàn ông ngẩng lên : “ Ồ, hai con chim! Chắc nó rét, muốn vào đây sưởi ấm. Kệ nó!”. Gã trấn an bạn tình rồi lại hăng hái. Nhưng người đàn bà không còn bụng dạ nào. Tiếng động làm nàng mất hứng thú. Trườn ra khỏi vòng tay người đàn ông, nàng tiến về phía khung cửa sổ, tay hươ hươ như xua đuổi. Khi cái thân thể lõa lồ đến sát khung kính, chim em nghẹn ngào, thảng thốt thét lên : “ Mẹ!” rồi ngã người, xuội cánh rơi từ tầng cao. Chim anh căm hờn nhìn người đàn bà rồi cuống cuồng nhào theo, cặp gáy em , nhằm hướng đông, nơi có tảng đá trong khu rừng bay mải miết; bỏ lại người đàn bà đã yên tâm tiếp tục cuộc vui vì không bị ai quấy rầy đằng sau khung cửa sổ.

Thỉnh thoảng, hai con chim lại trở về. Chúng vẫn lang thang trên các bậu cửa sổ, gõ mỏ lộc cộc vào khung kính để tìm mẹ.

Nếu bạn có gặp, xin đừng xua đuổi chúng!!!

(1-) : Ngạn ngữ Ba tư.

Warszawa 08-2001.

Hết