Viết tặng các bà me.Thưở mẹ ruMẹ ru con ngu?Con ngủ trên mâyCon ngủ trên mâyTiếng khóc ban đầu (#1)Tiếng khóc ban đầu của tôi là niềm vui vỡ oà thành nụ cười rạng rỡ trên gương mặt ngời sáng hạnh phúc của mẹ, giây phút nhìn thấy tôi bằng hình hài một trẻ sơ sinh, da nhăn nheo, đang há cái miệng bé tí xíu, oe oe khóc tiếng khóc đầu tiên của kiếp người. Đang yên ổn, dễ chịu trong một môi trường ấm êm, đột ngột bị đẩy ra ngoài khoảng không gian lạnh ngắt, trống hơ, nhẹ hẫng, tôi hoảng sợ khóc thét. Theo bản năng tự nhiên từ sâu thẳm tiềm thức, tôi chới với hươ hươ đôi bàn tay, cuống cuồng tìm kiếm cuống nhau để ôm ghì lấy làm chỗ bám víu an toàn, như lúc còn ở trong bụng mẹ trước đó không lâu.Quãng thời gian dài đằng đẵng sống trong mong ước và chờ đợi của mẹ tôi, kết thúc bằng nỗi hân hoan choáng ngợp, kết hợp với trạng thái toàn thân đột nhiên nhẹ bẵng đi, thơ thới, khi bên tai người chợt vang lên tiếng reo của người nữ hộ sinh: "là một bé gái !". Lúc mẹ bắt đầu chuyển dạ sinh tôi, ba vắng nhà. Thời điểm đó, tình hình chiến sự không được ổn định, ba tôi túc trực gần như 24/24 trong đồn lính. Chỉ kịp nhờ người quen nhắn tin cho ba; dặn dò chị giúp việc trông nom nhà cửa và chăm sóc chu đáo cho bốn người anh của tôi đang ở độ tuổi năng động, ham chơi, mê nghịch phá; mẹ tôi nặng nhọc na cái bụng to tròn vo, xách theo cái giỏ mây đựng đầy áo quần, giày, vớ, mũ, nón, v.v... cho trẻ sơ sinh và vài thứ vật dụng cần thiết, rồi theo sự dìu đỡ của bác Ng., vợ của một đồng đội sống chết có nhau của ba từ những ngày còn độc thân nơi quê xưa, ra xe thẳng đến một viện bảo sanh tư gần nhà.Chiếc giỏ mây mẹ xách theo ngày đi sinh tôi đã được mẹ cẩn thận sắp đặt đâu vào đấy cả tháng trước. Trong đó, có những chiếc áo đầm nhỏ xíu, xinh xắn, mà mẹ tôi đã bỏ ra nhiều thời gian chăm chút, tỉ mỉ cắt may, gói ghém và gửi gắm biết bao tình thương, lòng trông đợi vào từng mũi chỉ đường kim, sáng tạo nên ngay từ lúc chuẩn bị sanh đứa con đầu lòng, là anh cả của tôi. Sinh anh thứ hai, anh ba, rồi đến anh kế, lần đi nhà bảo sanh nào cũng thế, mẹ tôi đều xếp theo mấy cái áo đầm mẹ may thưở trước, cùng với niềm hy vọng thiết tha âm thầm, là lần này, áo đầm sẽ được lấy ra khỏi giỏ để mặc vào cho một đứa bé gái. Ông bà Ngoại của tôi chỉ có mẹ là gái trong hết thảy bốn người con. Bà Ngoại mất sớm. Lúc đó, mẹ tôi chỉ mới ngoài hai mươi và đang theo chồng sống đời binh nghiệp rày đây mai đó, cách xa nhà. Đó là điều dễ dàng lý giải được tại sao mẹ tôi luôn khát khao, mong ước có được một đứa con gái. Dường như thông hiểu được hết ngọn nguồn, căn nguyên điều mơ ước của mẹ, nên các anh tôi (và ngay cả đứa em gái kế ra đời sau tôi hai năm cũng thế), suốt quãng đời thơ ấu, chẳng hề bao giờ than phiền về sự thiên vị của mẹ giành cho tôi, ngược lại còn chăm sóc, cưng chìu, nhường tôi hết mực, như là một cách thưởng công cho sự có mặt trên cõi đời của tôi mang lại biết bao niềm vui cho mẹ. Mẹ kể, sinh con gái... khoẻ hơn (?), có lẽ là vì con gái "có ý", chứ không "vô tâm" như con trai ở lỳ trong bụng, kéo dài cơn đau xé da xé thịt mà mẹ đang phải vật vã, oằn người chịu đựng. Cho nên, lúc ba tôi trong bộ quân phục, ào vào nhà bảo sanh như một cơn lốc, gương mặt đầy vẻ lo âu, hối hả, thì đã thấy mẹ với nụ cười tươi như hoa hàm tiếu nở trên gương mặt còn đọng lại một ít vẻ mệt nhọc, sung sướng khoe tôi, với ba, lúc đó đang được quấn kỹ trong một tấm vải mỏng, bên dưới lớp vải là chiếc áo đầm bông, chấm nhỏ li ti do mẹ may ngày nào. Đêm đầu tiên tôi ra đời, mẹ vui mừng khôn xiết, đến quên cả ngủ và nghỉ ngơi. Mẹ tôi lén các y tá, chốc chốc lại ngồi lên say sưa ngắm tôi ngủ trong chiếc nôi kê cạnh giường, và khi nhìn thấy tôi bất chợt giật mình ngọ nguậy, người vội vàng bế tôi lên, hát nho nhỏ bài hát ru quen thuộc mẹ hay hát mở đầu cho mỗi lần ru các anh tôi trước đây:Ru em cho thét, cho muồiCho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầuMua vôi chợ Quán, chợ CầuMua cau Nam Phổ, mua trầu chợ DinhChợ Dinh bán áo con traiTriệu Sơn bán nón, Mậu Tài bán kimĐó là ru khúc đầu tiên tôi được nghe trong ngày đầu đến với cuộc đời. Thưở ấu thơ, chắc hẳn ai cũng từng có được diễm phúc nghe hát rụ Kỷ niệm thời thơ ấu đẹp nhất, êm đềm nhất của tôi là được nghe mẹ ru hời đêm đêm bằng những làn điệu dân ca, khởi nguồn từ vùng quê hương cổ kính, khô cằn sỏi đá của mẹ, "mùa đông thiếu áo, hè thì thiếu ăn", nhưng không kém phần thơ mộng, huyền bí và trữ tình. Nơi đó, có giòng Hương Giang, còn mang một tên gọi bình dị khác mà mẹ tôi thường hay gọi một cách thân thương là Sông Thơm, êm đềm trôi, bắt nguồn từ điểm tiếp giáp của hai giòng Tả Trạch và Hữu Trạch. Sông Thơm - bức tranh thiên nhiên diễm tuyệt được chấm phá bởi một vài con đò nhỏ trôi lờ lững trên mặt sóng trắng li ti như dát bạc, vào những đêm trăng thanh êm ả - như trôi từ cõi mơ màng hư ảo đến gần với cõi trần hơn, khi bất chợt vọng lên từ mặt sông giọng hò mái nhì của ai đang ngân nga, du dương trầm bổng giữa đêm trường thinh lặng. Giòng sông ấy là nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận của bao nhiêu thi nhạc sĩ từ bao đời nay, và sẽ mãi mãi là giòng sông tâm ảnh, in đậm trong ký ức của mẹ tôi.Sông Hương một mảnh nguyệtLai láng sầu cổ câmChuyện xưa mồ cỏ biếcThu mới tóc hoa râmCó hình thân phải khô?Không bệnh lưng vẫn khòmBến Lam Giang ngoảnh lạiBầy âu vui sớm hôm (#2)Bài thơ Hương Giang Hành dưới đây được Văn Bình Tôn Thất Lương sáng tác vào năm 1941 có nói đến giống cây Thạch Xương Bồ, mọc hai bên bờ của hai giòng Tả, Hữu Trạch, là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm, mọc nhiều nên nước sông trở nên thơm, vì vậy nên mới có tên sông Hương (sông Thơm). Hương Giang HànhCỏ thơm có giống Thạch Xương BồSanh ở hai nguồn Tả Hữu TrạchHơi thơm dầm nước, nước trong veoHọp thành sông thơm chảy róc rách (#3)Tôi biết ơn mẹ tôi vô vàn, đã bằng hết khả năng của mình, tần tảo và vén khéo, cho anh em chúng tôi được sống trọn vẹn với tuổi thơ ngà ngọc. Mẹ đã ươm xanh mướt tâm hồn tôi bằng những điệu ru dân giã qua những câu hò mái nhì, mái đẩy, chân phương và hiền lành, dù rằng những năm thơ dại của tôi, chiến tranh trên quê hương đang đến hồi đau thương, khốc liệt nhất. Trong khi các thế hệ đi trước, trong đó có mẹ tôi, phải đương đầu với vô số hệ luỵ của cuộc chiến tương tàn gây ra, từng ngày từng giờ, khắc khoải chờ mong đến lúc quê hương thanh bình, thì tôi hồn nhiên, vô tư lự, ngủ yên trong vòng tay thơm và giọng ru ấm áp của mẹ. Những ru khúc của mẹ như là những vỗ về, dỗ dành, vuốt ve đầu đời, cho tôi một nơi trú ẩn bình yên tuyệt đối. Dù đến tận bây giờ, đã nhiều năm rời khỏi thế giới tuổi thơ, trong những giây phút đi qua những gập ghềnh của đời sống, tôi vẫn khát khao được quay về sống lại quãng đời hạnh phúc, an toàn ấy. Và cũng chính những bài hát mẹ ru thời thơ ấu, đã theo tôi suốt chặng đường đời dài nhất, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nảy mầm trong tôi lòng yêu thiên nhiên thanh bình, yêu những câu ca dao ngọt lịm, đượm tình quê dưới mái tranh nghèo, yêu những câu mái nhì, mái đẩy trên sông Thơm quê mẹ, và trên hết tất cả là lòng yêu thương giành cho gia đình và cho tha nhân.Chim xa bầy, thương cây nhớ cộiNgười xa người tội lắm người ơiNỏ(#4) tha không biết thì thôiBiết nhau mỗi đứa một nơi, răng đành !*Gió đưa ông đội lên dinhMụ đội thương tình cắp nón chạy theoMụ đội đòi cưới ba heoÔng đội đòi cưới con mèo cụt đuôi*Câu mô cao cho bằng cầu Danh VọngNghĩa mô trọng cho bằng nghĩa Tào Khang*Một vũng nước trong, mười dòng nước đục,Một trăm người tục, chưa được một người thanhBiết ai tâm sự như mình ?Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân*Con chuồn chuồn nhởn nhơ trên mặt nước,Tiếng ve kêu vang động cả phương trờiCon còng còng dại lắm ai ơi !Cong lưng xe cát, sóng dồi lại tanTiền tài như phấn thô?Nghĩa trọng như thiên kimLe le mấy thưở chết chìmNgười ân nhân ở bạc, thôi cũng nỏ kiếm tìm làm chi*Sen xa hồ, sen khô hồ cạnLựu xa đào, lựu ngã đào nghiêngVàng cầm trên tay rớt xuống không phiền Phiền người bội nghĩa, biết mấy niên cho hết sầu !*Bến chợ Đông Ba tiếng gà eo ócBến chùa Thọ Lộc tiếng trống sang canhGiữa sông Hương rợn sóng khuynh thànhĐêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng*Con chim phượng hoàng bay ngang biển BắcCon cá ngư ông móng nước ngoài khơiGặp nhau đây xin phân tỏ một đôi lờiKẻo mai kia con cá về sông VịnhCon chim nọ đổi dời non Nam*Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịchNon xanh nước biếc, điện ngọc đền rồngTháp bảy tầng, Thánh Miếu, Chùa ÔngChuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Toà*Đứng bên ni sông ngó qua bên tê sông, người đông như hộiEm đây tức mình muốn lội sang sôngNhưng em sợ sông dài nghỉn(#5) ngắn, tiếc công ơn mẹ già*Mạ Ơi ông chánh đòi hầuMua chanh chùm kết gội đầu cho thơm*Mẹ già tham việc tiếc côngCầm duyên con lại Thu Đông mãn rồiMãn rồi cai đội hồi hươngTrai thì làm ruộng, gái bán buôn nuôi mẹ già*Tiếc tiền mua cá không tươiMua rau, rau héo, mua người lửng lơ*Chiều chiều ra đứng bờ aoTrông về quê mẹ ruột đau chín chiều*Mẹ già như chuối ba hươngNhư xôi nếp một như đường mía lauMía lau vừa ngọt vừa mềmKhông dao mà tiện, không tiền mà muaMẹ già như chuối ba hương ! Ôi, những thoáng chớp mắt của thời gian, vô tình cuốn trôi đi tuổi thanh xuân của mẹ tôi giữa giòng sông cuộc đời. Suối tóc mây dầy xanh thắm, thoang thoảng hương bồ kết, xoã dài xuống chân ghế trong những buổi trưa hè mẹ ngồi chải tóc dưới mái hiên nhà cho đến khi óng mượt, nay chỉ còn là một huyền thoại đẹp đẽ đọng lại trong trí nhớ của tôi. Giòng tóc ấy hôm nay, ở những năm tháng cuối đời của mẹ, là một giòng sông sương tuyết gầy gò, như thân cò trắng gầy gò, lặn lội sớm hôm nơi ruộng cả ao sâu, một đời tận tuỵ vì con. Vẫn biết đó là quy luật bất biến, bất khả kháng của thiên nhiên, nhưng tôi vẫn không sao tránh khỏi có những giây phút chạnh lòng, hốt hoảng với ý nghĩ dại dột, nếu lỡ may một ngày nào đó mẹ sẽ không còn hiện hữu ở bên tôi nữa. Con người chỉ thực sự trưởng thành khi không còn có mẹ, có lần tôi đọc đâu đó như thế. Ít nhất hơn một lần trong đời, tôi từng ao ước có được một khả năng siêu nhiên là níu giữ được thời gian, để tôi mãi mãi còn được trẻ dại, mãi mãi không bao giờ trưởng thành, và mãi mãi được sống bình yên, vô ưu, trong vòng tay mẹ chở che, cùng những ru khúc quê hương êm đềm, đằm thắm, của ngày thơ. Lời mẹ ru như tiếng hát trên trờiRu con ru mãi (i…i…a... )Nên người mẹ vui Ru bạc tóc thôiĐời mẹ ru con mây kia cũng buồnNên mây xa đường trầnCon ngủ giấc hồngCho mẹ tròn lưng (#6).Chú thích: (1-) - Trích từ nhạc phẩm Lời Mẹ Ru của Trịnh Công Sơn(2-) - Bài thơ Thu Chí nguyên tác của Nguyễn Du do Quách Tấn dịch(3-) - Trong cuốn Cố Đô Huế của học giả Thái Văn Kiểm(4-) - không(5-) - hơi(6-) - Trích từ nhạc phẩm Lời Mẹ Ru của Trịnh Công SơnMùa Vu Lan - 2002Biển dâu sực tỉnh giang hàCòn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh BG