Hồi đó ông kiểm lâm “Rốp” được dân chúng thương mến lắm.

Ông Rốp có vài đức tánh mà các tay thực dân khác không có. Từ hồi đáo nhậm tại vùng rừng sông Gành Hào đến giờ, chung qui là hai năm nhưng ông Rốp chỉ đi “rỏn” có bốn lần. Mổi chuyến đi, mục đích của ông không phải là rình bắt các ghe xuồng chở củi lậu thuế. Vào rừng ông ngắm nghía từng lá cây, lắng nghe từng tiếng chim kêu, đập muỗi rồi xem giò, xem cánh từng con. Ông lại còn hái các loại ráng, dây bòng bong, dây choại, tầm gởi... đem về đồn phơi khô để nghiên cứu. Cây súng đem theo xuồng cũng chỉ để bắng khỉ, bắn lọ nồi; bắn mà chơi chớ không cần trúng đích.

Dân chúng trong vùng sông Gành Hào bàn tán qua lại để tìm hiểu ông Tây khác thường này:

- Ông “Rốp” hiền hậu quá! Bà con có biết tại sao không? Ổng thỏ thẻ với thầy hương quản rằng nhà ổng ở bên Tây nghèo quá mức. Nhờ lập công đánh A Lơ Măn hồi Âu châu đại chiến nên ổng được phong chức kiểm lâm qua xứ Nam kỳ này. Mẹ của ổng trồng nho ở cù lao “Cọt” cù lao “Kiệt” gì đó. Phen nọ, bà mẹ đốt đống lá khố, rủi cháy qua mấy vườn nho lân cận. Thiên hạ đòi bắt thường, kiện tới toà. Bên này, ông Rốp vô cùng sầu thảm vì không tiền dư gởi vể để cứu nguy, báo hiếu.

Người khác nói thêm:

- Phải! Phải! Cha nội nghèo thiệt, hèn chi muốn ở xứ này luôn, đòi ăn mắm sống, tập nói chuyện “An Nam” rành như tụi mình. Bà con giữ kín giùm chuyện này: phen đ1o thầy hương quản làm thịt chó rồi nói gạt là thịt nai, mời ổng tới nhậu. Ổng khen nức nở: thịt nai Cà Mau ăn sao mềm quá.

Một ông lão tỏ vẻ không bằng lòng:

- Ông Rốp là người mộ đạo. Gạt như vậy, tội chết. Nghe anh “bồi” nói lại trên lầu đồn kiểm lâm, ổng có treo tượng Phật. Kế bên là tủ sách văn chương đạo đức, toàn chữ Tây và chữ nho... Đêm nào ổng cũng thức đọc sách bằng đèn cầy, tới khuya.

Rốt cuộc họ kết luận: Ông Rốp là người nhơn đức, ít làm khó dễ dân chúng, lãnh trách nhiệm cầm chừng, tuy đang hành sự nhưng cũng như đã về hưu trí, ẩn sĩ qui điền. Họ càng yên tâm mà tiếp tục phát triển việc phá rừng, đốn củi lậu thuế.

Hôm đó, cha con của Tư Đức chở xuồng củi ngang đồn kiểm lâm.

Trời tối như mực, sắp chuyển mưa to, ngửa bàn tay cũng không thấy. Trên đồn yên lặng. Ánh đèn vàng vọt chiếu ra ngoài cửa sổ hé mở.

Bên bờ sông, một giọng lơ lớ, sửng sốt:

- Ghé lại! “Chéc” ghe hay là con “xấu”?

Tư Đức điếng hồn, nhận ra được giọng của ông kiểm lâm Rốp. Trời đất hỡi! Qúa nửa đêm giờ Tí rồi mà ổng còn làm gì dưới bến này? Chú Tư Đức nín tiếng, toan bơi lẹ cho qua khỏi ải. Ngặt ông Rốp trên bờ nói lần nữa:

- Con “xáu” hay là “chéc” ghe. Ông lớn bắn đà!

Đốn củi lậu thuế nào phải tội nặng đáng xử tử, lỡ bề gì, chết cũng lảng quá! Cực chẳng đã, chú Tư đành lên tiếng:

- Chiếc ghe, quan lớn ơi... Tôi đi rước mụ cho vợ đẻ. Xin quan lớn cho tôi đi.

Ông Rốp càng trầm tĩnh:

- “Chéc” ghe thì ghé lại! Thầy đội đâu rồi! Đem đèn xuống coi thử...

Bước lên bờ, chứ Tư Đức năn nỉ ỉ ôi, xin tha tội một phen, thề nếu tái phạm thì ở tù rục xương cũng cam đành. Ông Rốp lắc đầu, ra lịnh quăng củi lên bờ, kéo xuồng vào tận “phú de” sát vách đồn. Đêm đó, báo hại hai cha con chú Tư Đức phải ngủ trần, tay đập muỗi lia lịa, trí óc buồn đã nhớ đến ngày mai đen tối thiếu gạo nấu. Và đứa con trai đang đau bịnh rét rừng.

Sáng hôm sau, ông Rốp bảo chú Tư Đức cứ về nhà, chờ ngày trát đòi đến đóng tiền phạt vì đây với là lần phạm tội đầu tiên thôi. Chú Từ bèn làm núng:

- Chết thì tôi chịu chớ tôi thề không đi về. Cha con tôi không có nhà cửa gì ráo.

- Vậy chớ mọi khi chú ăn cơm tại đâu, ngủ tại đâu?

- Dạ thưa ăn tại xuồng này, ngủ tại xuồng này. Nó là cái nhà của tôi.

Như động lòng trắc ẩn, ông Rốp suy nghĩ rồi nói:

- Xứ này thiếu gì cây để cất nhà, thiếu gì lá để lợp nhà. Chú làm biếng, không chịu tạo lập.

Chú Tư Đức cố nén cơn giận:

- Bởi vì tôi không có đất, quan lớn thương dùm. Tôi đã cất nhà nhiều lần rồi mà ở không yên. Ban đêm hai cha con tôi phải thức quá khuya, quan lớn cũng thấy. Chịu đựng mưa gió muỗi mòng, đâu phải là làm biếng sợ cực!

Có lẽ nhờ câu nói khảng khái ấy mà cha con Tư Đức được ông Rốp cho ở đâu tại nhà dưới của đồn kiểm lâm, cơm ăn không tính tiền, bù lại hai cha con phải làm cỏ, quét nhà. Tội nghiệp thằng nhỏ con trai của chú Tư! Mấy viên “ky ninh” của ông Rốp không chặn được cữ rét hằng ngày hoành hành nó. Nó khóc đồi trốn về rừng. Buổi trưa không ngủ, nó lấy than bếp vẽ lên vách tường nào là hình xe hơi, hình con chim, hình cọp, hình sấu... báo hại chú Tư phải lau chùi sạch sẽ, e ông Rốp thấy mà bị rầy to.

Đứa con trai khóc sụt sùi:

- Mình phải về, ba à!

Chú Tư chép miệng:

- Ở đây có cơm ăn qua ngày. Con đừng lo. Ổng đuổi mình, mình cũng không thèm về.

Thằng bé không hiểu cha nó đang suy nghĩ mưu kế gì.

Lâu ngày rồi quen, hằng đêm chú Tư Đức được phép lên phòng riêng của ông Rốp để châm nước pha trà. Ngạc nhiên làm sao, trong phòng nọ toàn là sách vở, tranh ảnh! Trên vách treo nào là sừng nai, da cọp, cây tằm gởi, hình Phật Thích Ca ngồi thiền dưới cội bồ đề. Ngay trước mặt ông Rốp là tấm bản đồ lớn, ghi nhiều mũi tên xẹt qua lại. Bên dưới bản đồ có tấm hình hai người mặc áo rộng màu vàng: họ quì gối đâu mặt lại, chắp tay xá lẫn nhau.

Đoán sự tò mò của chứ Tư Đức, ông Rốp hỏi:

- Biết hình gì đây không? Qúi lắm đó.

Chú Tư Đức đáp:

- Dạ, chưa biết vì hồi nào tới giờ tôi không được vô trường mà ăn học.

- Chú theo tín ngưỡng nào?

Chú Tư suy nghĩ hồi lâu:

- Tôi chưa hiểu hai tiếng tín ngưỡng nghĩa là gì. Tôi tin Trời, tin Phật, thờ cha kính mẹ, quí mến ông già bà cả. Lại còn việc cúng vái mấy ông cọp, ông sấu. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá.

- Nhiều thứ quá vậy. Tôi hỏi cái đạo kia. Chú theo đạo gì?

- Dạ, theo cha mẹ tôi nói lại thì người “an Nam” mộ đạo Phật. Tôi cũng như cha mẹ tôi.

Ông Rốp cười đắc chí:

- Nghĩa là chú Tư theo đạo Phật. Tốt lắm. Theo đạo Phật mà sao không biết hình này? Đó là ông vua Hy Lạp tên Mi Lanh Đa hỏi kinh với pháp sư Ấn Độ tên Na Ga Sơ Na. Vua Hy Lạp phục tài của thầy tu Ấn Độ, thầy tu Ấn Độ phục tài của vua Hy Lạp. Hai người chắp tay xá lẫn nhau. Họ đối đáp hay lắm, ghi lại thành một bộ kinh đây này...

Ông Rốp bèn rút trong tủ hai ba cuốn sách hơi dày mà nói tiếp:

- Chữ Phạn gọi nó là “Mi lanh đa băng ha”. Chữ nho dịch lại... là Na Tiên Tỳ Kheo Kinh. Na Tiên là dịch âm lại tên thầy tư Ấn độ Na Ga Sơ Na.

Mấy tiếng “Băng ha, xơ na” khiến chú Tư Đức rối trí quá. Chú cố gắng nhớ lại trong chuyện Tàu những đoạn nói về Ấn Độ, tứ là nước Thiên Trúc.

- Sao trong Tây Du không nghe nói vậy ông?

- Trước Tây Du của thầy Huyền Trang cỡ tám chín trăm năm lận! Hồi 150 năm trước Thiên Chúa, phía bắc Ấn Độ có mấy ông vua Hy Lạp cai trị, giống như người Pháp cai trị An Nam bây giờ. Hồi đó, người cai trị với người dân bổn xứ thương nhau.

- Tại sao vậy, quan lớn?

- Tại người dân bổn xứ tài giỏi quá, đâu phải như người An Nam bây giờ. Bây giờ không còn cảnh đó nữa! Thí dụ tôi là vua Hy Lạp từ Âu Châu tới, chú là thầy tu Ấn Độ bị tôi cai trị. Chú có điều gì giỏi hơn tôi đâu mà hàng dạy lại tôi.

Chú Tư Đức buồn bực vô cùng khi thấy ông kiểm lâm Rốp khinh rẻ người Việt Nam ra mặt. Phận vậy, đành chịu vậy, biết sao bây giờ! Cãi lại thì rất nguy hiểm, ngoài tội ăn cắp cây rừng của nhà nước, chú có thể mang thêm tội làm “quốc sự”!

o0o

Hằng đêm, ông Rốp thức đến canh ba để đọc sách.

Đưới này, chú Tư gác tay lên trán suy nghĩ liên miên. Ông Rốp có mòi mến chú hơn trước, bằng có là ổng bố thí cho cái mùng và chiếc áo bành tô cũ! Lúc đứa con trai ngủ say, chú Tư thường ra sân, nhìn trở lại ngọn đèn cầy mà ông Rốp đốt lên để đọc sách trên lầu. Chú lẩm bẩm, phì cười một mình:

- Tại ổng thức đêm đọc sách Phật cho nên mình mới bị bắt giam như vầy. Đêm đó, có lẽ ổng suy nghĩ một chuyện xưa tích cũ “ga xơ na, ma lanh đa” gì đó. Suy nghĩ không ra, ổng mới đi dạo như mình đang đi bây giờ. Rồi ma đưa lối, qui? dẫn đường, ổng nhè gặp xuồng củi lậu của mình. Cái việc cầu đạo của ổng có hại cho bá tánh vì dục vọng của ổng còn quá nhiều.

Gió thổi hiu hiu. Dừa nước bên bờ sông uốn éo, vang lên rào rạt. Đằng xa, một vật gì từ từ nổi lên, đi ngược giòng nước đang chảy xiết. Chú Tư Đức nghĩ:

- Thằng cha nào ngu quá! Xe trước gãy bánh, xe sau phải tránh. Đêm trước, cũng vào giờ này mình đi ngang qua đây bị rình bắt. Bộ họ chưa hay biết sao vậy kìa?

Nhưng dường như vật nó không phải là chiếc xuồng; khi thì nó thối lui, cập vào bờ, khi thì tiến tới, day ngang qua, chậm chạp. Khúc cây chăng? Thây ma chăng? Vô lý! Nếu vậy thì nó theo nước xuôi, mất dạng rồi. Đằng này, nó từ từ trôi ngược. Chú Tư Đức cố nhướng mắt chấp chóa như muôn ngàn con đom đóm đậu khít nhau. Và trước mũi của chiếc xuồng quái dị nọ. Hai tia sáng xanh ngời rọi tới như hai cái đèn “bin”. Nghi ngờ gì nữa! Nó là con sấu lửa mà chú Tư thường nghe mấy người đóng đáy nói lại. Hồi đó, chu Tư không tin. Bây giờ chú đã thấy tận mắt con sấu thần đó.

Thiên hạ nói sấu ấy đi có cặp. Tu luyện hàng trăm năm rồi, nước mặn đóng trên da nó một lớp dày, sáng chiếu lên như nước biển, đêm có trăng. Người thì cãi lại, bão rằng đó là ánh sáng của các cô hồn bị sấu ăn thịt.

Chú Tư Đức phập phồng trong dạ, vừa mừng vừa sợ. Có lẽ ông Rốp đã nghe nói đến cập sấu thần này nên quá bị ám ảnh, hôm nọ Ông hỏi chú: “Chéc” ghe hay là con “xáu”! Chú vào đồn kiểm lậm, lập tức đốt đèn lên. Chú lục mấy cái hũ để tìm nếp. Không có nếp, chú hốt tạm vài nắm lúa, bắc chảo lên bếp nhúm lửa mà rang.

Lúa nổ ra trắng phếu, nhảy tưng bừng trong chảo, văng tứ phía.

Chú Tư Đức bước ra sân, khấn vái lâm râm rồi thảy mấy hột nổ ấy khắp tám hướng đen ngòm:

- Ngay cô hồn các đẳng. Sống thì khôn, thác thì thiêng. Những ai xa cây, xa cội, xa nhành, đầu bãi cuối gành, hùm tha sấu bắt... Tôi tên là Đức, họ Trường, tuổi Dần.

o0o

Thầy hương quản tất tả chạy vào đồn mà hỏi rối rít:

- Ông kiểm đâu rồi? Có ở nhà không?

Chú Tư nói:

- Dạ có, ổng đọc sách trên lầu.

Tức thời, thầy hương quản đến chào ông Rốp rồi trình bày:

- Sấu cỡ này lộng quá rồi! Hôm kia nó đập đuôi nhận chiếc xuồng trên đó có hai mẹ con. Mẹ mất xác, đứa con gái bị táp cụt chưn.

Ông Rốp hoảng hốt:

- Dữ quá vậy! Con “xáu” là thú dữ. Bên Phi Châu, bên Ấn Độ cũng có nó. Người Ai Cập hồi xưa sợ con “xáu” ăn thịt nên tôn thờ nó.

Thầy hương quản nóng ruột quá:

- Nhưng mà bên nước mình, tại sông Gành Hào này, nó giết người.

Ông Rốp cảm thấy áy náy:

- Nó giết người dưới sông. Thầy hương quản nên ra lịnh khuyên dân chúng tạm ngưng việc lưu thông dưới sông. Như vậy tiện hơn.

Thầy hương quản nói:

- Dạ không được. Không lui tới dưới sông, dân chúng phải chết đói hết. Lại còn ghe xuồng từ xứ khác tới, làm sao họ biết mà đề phòng. Người ở trên bờ cũng bị sấu táp nữa kì.

- Sấu chạy lên bờ à?

- Hôm qua, sấu nổi lên lần nữa. Cô gái nọ ngồi rửa chén dưới bến, bị sấu táp, rinh luôn cái cầu thang. Hồi lâu, sấu nhả ra, cô nọ tỉnh trí lội vào bờ.

- Làm sao bây giờ, thầy hương quản?

- Khó lắm, ông kiểm ơi! Dân chúng trông cậy sự bảo hộ của nhà nước Tây trong lúc này. Mình phải giúp họ.

Ông Rốp nhìn mấy cuốn sách bìa da mạ chữ vàng trong tủ rồi lắc đầu, thở dài:

- Trong sách không có nói tới. Mình cứ bắn nó thử. Cây súng của thầy đâu rồi? Bì đạn còn không? Tôi cho thầy mượn cây súng trận của tôi.

Thầy hương quản tỏ vẻ thất vọng. Thầy dư hiểu rằng súng đạn khó mà bắng lũng da con thú nọ. Không khéo, nó bị thương rồi trở nên hung tợn hơn trước. Hơn nữa làm sao mà bắn nó? Phải đứng dưới ghe. Nghĩ tới đó, thầy sợ quá, muốn nhường vai tuồng anh hùng nọ cho ông Rốp:

- Tôi bắn dở lắm, ông kiểm lâm à. Ông từng đánh giặc A Lơ Măn, cầm súng giỏi hơn tôi, ông phải trổ tài mới được. Hồi nào tới giờ tôi chỉ quen cây “cà líp xây”, nó yếu lắm.

- Chiều nay, tôi sẽ tính.

Ông Rốp tạm trả lời như vậy để tống khô thầy hương quản một cách khéo léo. Ông rất sợ sấu, đó là nhược điểm của trời phú cho. Đó cũng là nguyên nhơn khiến cho ông ít dám đi “rỏn” bắt củi lậu thuế; do đó dân làng tưởng lầm rằng ông là kẻ nhơn từ.

Đứng trước tình trạng khó xử đó, ông chợt nghĩ đến Tư Đức, hy vọg rằng “muôi quân ba tháng, dụng quân một ngày”.

Chú Tư Đức nói với ông:

- Việc đó không khó cho lắm. Từ mấy bữa rày, tôi có ý mong chờ để ra tay. Có hồn đã hiện về báo tin cho tôi biết. Dè đâu, sấu này dữ tợn quá vậy!

- Chú hay trước à? Chú có phép? Tôi không tin.

Tư Đức bèn dẫn ông Rốp ra sân, chỉ mấy hột nổ rải ra khắp hướng, đêm hôm trước.

Ông Rốp gật đầu hỏi tiếp:

- Bây giờ mình làm thế nào?

Tư Đức hỏi ngược lại:

- Tôi là kẻ quê mùa. Ông cần dạy tôi trước chớ!

- Tôi kiếm chiếc ghe thật lớn. Chú Tư chèo sau lái; tôi đứng trước mũi, rình bắn nó. Được không?

Chú Tư Đức mỉm cười:

- Sấu lâu lâu mới nổi lên một lần. Biết nó nổi ngay khúc sông nào, đúng giờ phút nào mà rình. Chứng hay được thì nó lặn mất. Nếu nó không lặn mất thì...

Chú Tư cố tình không nói dứt. Ông Rốp nhướng mắt:

- Thì sao?

- Thì nó quật đuôi, ghe phải chìm. Sấu này dài ít nhứt năm thước. Đứa con nít có thể ngồi chàng hảng cưởi trên đuôi của nó được. Lớn lắm! Nó nhai luôn cây súng của ông. Sấu đội đèn mà!

Ông Rốp hoảng hồn, chú Tư Đức nói tiếp:

- Để đó cha con tôi trị nó. Miễn là hương chức làng giúp chừng vài trăm cây tre là bè. Mồi thì dùng heo, chó. Dân “An Nam” xưa nay bắt sấu không cần súng đạn, họ bắt sấu từ hồi Tây chưa qua lận kìa! Phải là thứ sấy nhỏ, tôi lặn xuống sông, bắt lên trong nhấp nháy cho ông coi chơi.

- Cách nào?

- Tôi móc con vịt cô lưỡi câu rồi tôi đúng dưới nước, cầm đầu sợi dây. Chừng sấu lại ăn mồi vịt, tôi lặn xuống đáy sông, đi vô bờ, ghịt đầu dây vào gốc cây mà kéo con sấu nọ lên. Cặp sấu dưới sông kỳ này lớn lắm. Ông cho phép tôi về rừng đem vài món đồ nghề lại. Ông nhắc thầy hương quản cho tôi xin chừng bảy trăm cây tre và bốn người dân phụ sức.

Tre đốn về, Chú Tư Đức nhờ bà con kết một cái bè thật to, trên dựng hai cái thang, cao chừng ba thước.

Năm sáu lưỡi câu sắt đã buộc vào chung quanh; trên sàn bè, chú Tư xây cái chuồng nhỏ trong có để hai con heo, một con chó. Nóc chuồng có rơm, lá dừa che lại kỹ.

Hai hôm sau, chú nói:

- Mời quan lớn, thầy hương quản và anh em quen biết xuống bè làm lễ. tới giờ rồi.

Ông Rốp hỏi:

- Lễ gì?

- Dạ, lễ cúng cô hồn.

Heo nọ thọc huyết ra để tế cô hồn. Chú Tư rảy hột nổ khắp sàn và trên mặt sông. Nhang đen tỏa nghi ngút. Chú bèn đánh lên ba hồi mõ. Xác con heo nọ bị móc vào lưỡi câu, thả xuống.

- Bây giờ thì mời quan lớn lên bờ. Nếu quan lớn muốn đi theo cũng được.

Ông Rốp nói:

- Thôi... tôi ở trên bờ ghi chép. Bậy quá! Ở đây mình không có máy chụp hình, tôi muốn chụp làm kỷ niệm để gởi về bên Tây. Cái bè này sao giống chiếc tàu binh ở Âu Châu quá. Hai cái thang bắc cao lên coi như cây cột dây thép gió.

Ông Rốp, thầy hương quản lần lượt vỗ vai, “bủa xua” hai cha con chú Tư. Chú hút thuốc rồi hỏi đứa con trai:

- Thúng cơm khô con có đem theo không?

Nó đáp:

- Dạ có.

- Nhiều hay ít vậy con?

- Nhiều lắm. Đủ ăn ba bốn người. Con có mua chịu cho cha một lít rượu.

Đứa bé trao chuyền qua Tư Đức bốn cái ống tre đựng đầy ngọn mun (lao sắc). Phần nó thì cầm cái mỏ bằng tre.

o0o

Ngày qua, ngày lại.

Chiếc bè trôi lên trôi xuống theo nước lớn nước ròng. Hai cha con Tư Đức ngồi cú rũ bên chuồng nọ. Thỉnh thoảng, chú nhắc chừng thằng bé, bảo nó chọc cho con heo, con chó kêu lên.

Trên này, ông Rốp mãi theo dõi, nhưng lần lần thất vọng. Qua ba ngày sau, miếng mồi (con heo) đã sình nổi lên, diều quạ, kên kên bu lại kêu ỏm tỏi, chú bèn thọc huyết con heo còn lại mà thay vào.

Con chó sủa ngày một thỏn mỏn, vì mệt, vì đói.

Đã đến ngày thứ tư. Mặt trời chưa mọc, ông Rốp bỗng giựt mình thức dậy vì tiếng mõ nổi lên inh ỏi.

Ông lập tức xuống lầu, chạy lại mé sông nhưng nào thấy gì đâu! Sương mù chưa tan, chỉ nghe dưới sông tiếng ồ ồ như bầy trâu đang lôi. Ông thủ cây súng trận nạp đạn vào nòng, chờ bóp cò.

Thầy hương quản đã đến:

- Ông kiểm ơi! Nó mắc câu rồi! Ông có nghe tiếng mõ không?

Rồi thầy quát to:

- Hương ấp đâu? Hương tuần đầu? mấy người chạy khắp xóm mà truyền rao mỗi nhà phải đánh mõ, đánh trống lên... Không thì đập xuống ván ngựa, đánh vô mâm thau, nồi đồng gì cũng được. Mình phải tiếp sức với hai cha con Tư Đức!

Nắng lên cao.

Tiếng mõ dưới sông càng thúc giục. Rõ ràng cha con Tư Đức đang đứng chót vót trên hai cái thang, lú khỏi mặt nước. Chiếc bè đâu không thấy. Hai cái thang nọ chạy tới hàng trăm thước, đứng sựng lại rồi vụt chạy lui, nhanh hơn tàu đò.

Tư Đức cầm ngọn lao, hờm sẵn. Đứa con đứng kế bên gõ vào mõ lia lịa. Hai cái thang lắc qua lắc lại như cột buồm ghe bị bão, vậy mà họ không té. Chập sau, cách chiếc bè chừng năm mươi thước, con sấu mắc câu bỗng nổi lên thoi thóp, dài như chiếc ghe độc mộc.

Chiếc bè từ từ nổi lên.

Dân chúng hai bên bờ la lớn:

- Nó kìa! Trời ơi! Làm sao giết nó mau.

- Mình phải tiếp sức với Tư Đức.

- Trời thần ơi! Thằng nhỏ con của Tư Đức gan dạ quá. Thiệt cha nào con nấy!

Ông kiểm lâm Rốp liền nói với thầy hương quản:

- để tôi bắn con sấu!

Thầy hương quản vô cùng e ngại:

- Không nên! Quan lớn đừng làm vậy! Sấu hoảng hồn chạy mạnh quá đứt dây đỏi thì sao?

Một người phía sau nói với tới:

- Sợ bắn không trúng con sấu mà nhè bắn trúng sợi dây! Báo hại công trình của người ta chịu cực mấy ngày rày.

Thầy hương quản day lại:

- Đứa nào đó? Đừng nói bậy. Ông kiểm lâm ổng buồn.

Hằng chục người, một tiếng thét to:

- Giết chết nó đi!

Mặc dầu bị nước văng lên, mình mẩy ướt loi ngoi lóp ngóp, chú Tư đức vẫn tỉnh táo phóng xuống lưng con sấu một ngọn lao.

Sấu nó hụp xuống, ghì chiếc bè khuất dưới nước.

Hai cha con Tư Đức đứng cheo leo trên thang mà chờ, ngọn lao khác hờm sẵn nơi tay. Ông Rốp há miệng, nói với thầy hương quản:

- Hay quá! cái bè này giống chiếc tàu lặn đó. Khuất hết chỉ còn hai cái thang.

Chưa dứt lời, sấu nó nổi lên, uốn éo đập đuôi đùng đùng. Ngọn lao ghim trên lưng nó khi nãy đã văng đâu mất!

Tư Đức hươi tay lên phóng xuống ngọn lao khác. Rối không đợi nó lặn xuống, nhanh như chớp, chú phóng thêm ngọn nữa, cũng ngay lưng.

Sấu ta lại chìm.

Nhưng từ phía xa, một con sấu lạ hiện ra, lội nhanh tới sát hai cái thang của cha con Tư Đức. Ai nấy rú lên:

- Sấu đực chạy lại tiếp sấu cái. Coi chừng nó nghe chú Tư!

Thầy hương quản la lớn:

- Đánh trống, đánh mâm thau cho nó sợ. Bà con mình cứ đứng co hoài, quên hết phận sự. Tệ quá!

Một mình mà đối phó với hai con sấu! Tình thế của chú Tư Đức càng nguy nan! Lợi hại nhứt là con sấu mạo hiểm vừa xuất hiện đến cứu bạn. Nó còn sung sức, dám đánh bạo lại sát bè. Miệng nó đỏ hói, hàm răng dài như lưỡi cưa. Bình tĩnh, chú chờ nó lại gần.

Hai cây lao phóng xuống.

Sấu ta quay mình lại, đập đuôi thật mạnh vao hai cái thang. Hai cha con Tư Đức đề phòng kịp thời nên không té nhào.

Con sấu lạ nọ lại nổi lên đằng xa, quậy nước rồi lặn mất.

Trong khi ấy, bè tre từ từ nổi lên. sợi đỏi dài rung rinh. Nơi đầu dây đằng kia, con sấu bị mắc câu đã quá mệt mỏio, nằm lé đé.

Mấy cây lao còn lại trong ống tre đã lần lượt phóng xuống, sấu ta không còn đủ sức để hất mấy mũi sắt đó nữa. Nắn lắc lư cái đầu rồi khuất dạng như chiếc tàu chìm.

Phen này, chiếc bè không bị ghì xuống như trước.

Chú Tư vô cùng mừng rỡ, đoán chừng sấu nọ chịu chết. Đứa con trai của chú ngưng tiếng mõ. Chú lấy khăn chùi mấy giọt nước trên mặt rồi quơ khăn lên, làm dấu hiệu:

- Bà con đâm xuồng ra mau để kéo bè này vô bờ! Tôi mệt quá rồi!

Hằng chục chiếc xuồng va 2ghe biển đâm ra. Ai nấy buộc đỏi vào bè rồi cố sức kéo. Họ vừa mừng vừa cảm động. Trên bè, không có một món gì ráo; chuồng heo, thúng cơm khô, chai rượu đều văng mất. Nhiều nuột mây bị đứt, chiếc bè dường như sắp rã ra từng cây tre nếu cuộc chiến đấu kéo thêm vài giờ nữa.

Vừa bước lên bờ, chứ Tư Đức liền gặp ông kiểm lâm Rốp. Ông ôm chú và thằng bé nọ vào lòng rồi nói tiu tít:

- Giỏi quá! Chú Tư giỏi quá! Thằng nhỏ gan quá! Nó bị bịnh rét mà cón mạnh quá! Tôi mời hai cha con vô đồn.

Chú Tư Đức nhìn lại xác con sấu mà mỉm cười:

- Để tôi ở lại coi nó.

Ông Rốp nói:

- Thầy hương quản ơi! Trước khi mổ bụng con sấu, thầy phải cho tôi hay nghe. Tôi dẫn chú Tư vô đồn uống rượu ấm, thay quần áo để chú Tư ngừa bịnh.

Vào đồn, ông Rốp bắt buộc chú Tư phải nằm xuống nghỉ mệt, thay quần áo ka ki mới, đắp mền.

- Rượu “cổ nhác” bên Tây nè! Uống đi chú Tư. Rượu này của mẹ tôi bên cù lao “Cọt” gởi riêng qua cho tôi.

Chú Tư hớp một miếng:

- Được rồi, quan lớn.

Ông kiểm lâm nói:

- Uống hết đi! Tôi rót nữa cho.

Miệng nói, tay của ông thoa bóp lia lịa dùm chú Tư:

- Hết sức giỏi! Người “An Nam” hết sức giỏi. Chú Tư câu được bao nhiêu sấu rồi? Học nghề với ai vậy?

Chú Tư nói:

- Dạ, nghiệp của ông bà truyền lại. Bây giờ con cháu noi theo.

Ông Rốp gật đầu:

- Phải! Bữa nào chú nói kỹ lại cách thức câu sấu để tôi viết thành cuốn sách, gởi về bên Tây cho mẹ tôi được biết. Rồi chú rán câu con sấu còn lại. Chừng đó tôi đi theo, đứng trên cái thang đánh mõ thử một lần.

Chú Tư suy nghĩ:

- Không được đâu!

- Con sấu kia lợi hại lắm. Phải trừ cho hết. Tôi đọc trong sách thấy rằng loại sấu lớn thường ở nơi yên tịnh, luôn luôn đi hai con đực và cái.

- Ông lớn nói đúng. Nhưng mình giết một con đủ rồi, giết hết mình có tội với Trời Đất.

- Tội gì vậy, chú Tư?

- Tội sát sanh. Để con còn lại cho nó đi tu. Đạo Phật của ông bà có nói lại như vậy đó.

Ông Rốp mãi suy nghĩ, vuốt râu:

- Dân “An Nam” giỏi quá, hiền từ quá. Chú Tư họ gì, mấy tuổi. Để tôi chạy tờ về quan Tham biện chủ tỉnh xuất số tiền về thưởng công lao cho chú. Chú muốn làm lính kiểm lâm không? Tôi cho chú làm chức “bếp”, ăn lương mỗi tháng mười lăm đồng bạc.

Chú Tư Đức cười:

- Vì đất nước chớ đâu phải vì danh vì lợi. Sách có chữ: “Kiến nghĩa bất vì vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Công việc của tôi đã làm tròn. Tôi ao ước hương chức làng mình cất một cái miễu lá, thờ cái đầu con sấu nọ. Bất luận là sấu hay cọp, hễ nó hại mình thì mình giết. Hễ giết được rồi, mình nên thờ...

- Chi vậy?

- Để tỏ rằng mình sợ nó nhưng mà cũng... không sợ nó. Phải để cho nó tu tâm dưỡng tánh trong kiếp sau. Tôi không ưa sát sanh. Tôi muốn làm nghề khác.

- Nghề gì?

- Nghề đốn củi. Chừng hết củi thì đào kinh, làm ruộng. Phen này tôi mừng vì cứu được vong hồn mấy người đã bị sấu ăn thịt. Theo lời tục truyền: họ thành cô hồn, sống vất vưởng trên lưng sấu. Lần lần cô hồn nọ bị sấu mê hoặc nên dẫn đường dắt nẻo cho sấu đi sát hại kẻ đồng loại. Bây giờ sấu chết, bao nhiêu cô hồn đã thảnh thơi, có thể tự do đi đầu thai trở thành người lương thiện.

Ông Rốp trầm ngâm suy nghĩ. Ông dè đâu người đốn củi lậu nọ có tài, có đức, biết thương người, thương cuộc đời đến mức ấy.

Ông chắp tay lại mà nói:

- Tôi khen chú nhiều lắm.

Chú Tư Đức bèn chắp tay xá ông Rốp mà trả lễ:

- Ông xá tôi, tôi ngại quá. Giống như hình ông vưa Hy Lạp với thầy tu Ấn Độ trên vách, dưới tấm “bông đồ”. Hôm nọ, hồi tôi mới bị bắt, ông nói cái tích “xơ lanh đa” gì đó...

Ông Rốp giựt mình, nhìn lại bức tranh, tấm bản đồ Châu Âu, Châu Á rồi sực nhớ tới mấy lời nói hôm trước. Tấm hình nọ diễn lại cảnh đẹp ngàn xưa: hai ngàn năm về trước, tại hoàng thành của tiểu quốc nọ Ở phía bắc Ấn Độ, lần đầu tiên người phương Đông và phương Tây thông cảm nhau, cư xử bình đẳng. Giờ đây, qua bao cuộc luân hồi, hưng vong đầy nước mắt mà máu trên giải đất tận cùng của nước Việt Nam lại có hai người cũng đồng cảnh ngộ, đồng niềm thông cảm.

Ông Rốp buột miệng:

- Chú Tư Đức là thầy tư Na Ga Sơ Na.

Chú Tư nói:

- Trời ơi! Không dám, tồi chết! tôi là người làm ăn. Tôi không xứng đáng lên Niết Bàn. Quan lớn có thương thì cho tôi xin lại chiếc xuồng bị tịch thâu bỏ “phú de” hổm rày. Nó là nồi cơm của tôi. Để trên khô, nó mau hư lắm.

Chú Tư Đức muốn nói thêm nữa. Chú muốn ví phận mình như một cô hồn bị sấu ăn thịt, hổm rày sống vất vưởng trong đồn này như sống trên lưng con sấu đội đèn nọ. Không khéo, thiếu khí phách ngang tàng, chú có thể bị Ông Rốp quyến rũ làm “bếp” kiểm lâm.

Chú không dám nói ra điều ấy e mất lòng ông Rốp. Chú lắng tai, chờ lịnh xá tội, trả lại chiếc xuồng. Nhưng ông Rốp dường như không chú ý. Có lẽ ổng đang suy nghĩ chuyện khác. Ổng chắp tay sau lưng, đi tới đi lui cứ nhìn bức tranh và tấm bản đồ, đôi mắt mơ mơ màng màng như sám hối trong giây phút những sự hiểu lầm chồng chất trong tâm ông từ mấy chục năm qua.

Bỗng từ dưới lầu, thầy hương quản gọi vọng lên:

- Quan lớn ơi! Chú Tư ơi! Xuống đây mà xem. Bà con đang mổ bụng con sấu, lớn lắm. Thằng con của chú Tư cưỡi trên cái đuôi sấu mà hai chân nó như hỏng mặt đất lận kia!

Hết