Nếu một ngày nào đó Minh bắt gặp Giang đi với người khác tay trong tay như thế này thì Minh sẽ làm gì?

Tôi - như mọi đứa con gái hay vòi vĩnh khác - cố ý hỏi để được nghe “những lời có cánh” của người ấy; dù biết rằng chẳng thể trông chờ vào một người cao ngạo như Minh một người điểu như vậy. Quả thật, dù Minh siết chặt tay tôi hơn một chút, giọng chàng vẫn đầy vẻ hững hờ:

- Minh sẽ cười thôi vì Minh là người kém may mắn hơn mà!

Trên suốt quãng đường về nhà, chúng tôi bàn luận rất vui vẻ về những món ăn được trưng bày rất đẹp mắt trong hội chợ, rồi về viễn cảnh tươi sáng mà tôi sẽ nấu những món ngon lành tương tự như vậy cho người đang chở tôi. Hỡi ôi, cho đến thời điểm đó, tôi chỉ biết nấu mỗi một món nước sôi để ăn mì gói!

Từ chỗ tập với ban nhạc về, tôi phóng xe như bay đến điểm hẹn; nhưng vẫn trể mười phút. Thời buổi kinh tế thị trường, thì giờ là vàng bạc, người ta sống vội vã và yêu nhau cũng vội vàng. Thời gian mà chúng tôi dành cho nhau là giao điểm của hai thời khóa biểu dày kín.

Không có Minh ở đó. Những người bạn của chàng cười nói với tôi:

- Minh vừa đi rồi Giang ơi; sau lưng còn đèo “con” nào đó.

Tôi nói lời cảm ơn và một mình đi đến sân bóng bàn, nơi mà Minh đã hứa tập cho tôi. Có lẽ tôi nên về nhà nghe nhạc hơn là loanh quanh ở đó chỉ để nghe tiếng banh nẩy tẻ nhạt như buồn bực hộ tôi vậy. Con người quả là một sinh vật rắc rối, mà dường như tôi chỉ là một người chưa hoàn chỉnh nên lộn xộn hơn bất cứ ai.

Hôm sau Minh đến tìm tôi với kẹo chocolate tạ lỗi. Minh phân trần phải chở mẹ đi khám bệnh. Tôi nhắc lại lời bạn Minh đã nói. Chàng dậm chân:

- Tụi này láo thật, dám gọi mẹ mình bằng “con”.

- Minh đang đùa với Giang đấy ư? Không lẽ bạn Minh lại vô lễ đến thế?

Giọng chàng lạc đi, không hiểu vì giận hay bối rối:

- Thiệt mà Giang, Minh chỉ có một mình Giang để chở thôi.

- Thôi, bỏ qua nha! Minh nè, hôm qua ở sân bóng...

Tôi huyên thuyên kể hết chuyện này đến chuyện kia, bất chợt nhận ra miệng mình khéo đến lạ.

... Sau tất cả những dịu dàng và ngọt ngào mà Minh đã mang đến, chàng để lại trong tôi một tí vết buồn cộng với một nỗi hoài nghi về lòng chân thành.

Tôi cúi xuống dòng nhạc đang sáng tác dở dang của mình; nhủ thầm rằng đây mới chính là tình yêu đích thực của đời tôi. Bài hát “Vĩnh biệt” đang hình thành là tất cả tấm lòng thành thật nhất mà tôi dành cho Minh.

Minh không đến tìm tôi nữa. Người ta chỉ cảm thấy ăn ngon khi vẫn còn thòm thèm chứ không ai vì ngon mà cố ăn cho đến no đầy bụng. Vậy mà một thời gian sau lại nhớ, lại thèm cái món ăn mà có lần suýt làm cho mình bội thực ấy. Nửa tháng trời, tôi sống trong một trạng thái tồi tệ, mỗi khi có tiếng xe máy dừng trước cửa nhà, tôi lại chạy bổ ra để rồi thất vọng và xỉ vả mình thậm tệ vì những hành động vớ vẩn ủy mị ấy. Nhớ lại những ngày tháng rong chơi với chàng, tình yêu ở phía trước và túi đàn khoác trên vai, tôi không khỏi buồn lòng. Song cái cảm giác tự do thoải mái không phải luôn nghĩ đến một người lại mạnh mẽ hơn, và tôi cảm thấy nó gần gũi với mình hơn. Đôi bận tôi gặp Minh đi với một cô bạn gái ở câu lạc bộ thể thao gần chỗ chúng tôi tập nhạc. Minh chào hỏi tôi vì lịch sự, còn tôi thì tặng Minh một nụ cười vô hồn gượng gạo. Còn cô bé kia cứ vướng vít mãi trong tâm trí tôi về một vẻ dịu dàng nhẫn nại không sao kể xiết.

Vào một ngày đẹp trời, người quen cũ lại xuất hiện ở ngưỡng cửa nhờ tôi sáng tác hộ một bản nhạc cho ngày truyền thống, “ca khúc tự sáng tác” ở bên trường ấy. Tôi hỏi thăm về việc học của Minh và gửi lời chào cô bạn mới. Cuộc trò chuyện diễn ra rất thú vị khi Minh hào hứng khoe với tôi các thành tích thể thao của riêng mình và cả lớp, rồi lại kể về sự ân cần và lặng thầm chăm sóc của các bạn gái trong lớp ấy, đặc biệt là “người ta”. Người ta dịu dàng, chu đáo và nhẫn nhục. Người ta tốt với Minh lắm.

Có lẽ người ta dễ thay đổi thật, tôi cảm thấy khá dửng dưng khi nghe chuyện ấy, nhưng dù sao tôi cũng nhận lời viết ca khúc hộ Minh. Nhất định đó phải là một ca khúc tuyệt vời nhất.

Chương trình tổ chức hơi cập rập một tí với nhiều ca sĩ SV hát chưa được hay, theo ý một người am hiểu khó tính như tôi. Rồi cũng đến lượt Minh, vừa đàn vừa hát bài “Dưới Trăng” của tôi với một phong cách vượt quá sự mong đợi của tác giả. Những chuổi hoan hô vang lên không ngớt. Những giọt nước mắt ràn rụa rơi trên má tôi, khi những lời ca tha thiết vang lên:

Ta là ánh trăng bơ vơ

Người ta có đôi có cặp

Đêm rằm ta thường ngẩn ngơ

Bên thềm nhà em quanh quất...

Chợt cô bé mập quay xuống nhắc tôi:

- Kìa, chị có lên tặng hoa không? Lên cùng em đi!

- Này, em gửi anh ca sĩ hộ chị với!

- Trời ơi, thơm quá! - Cô bé xuýt xoa cầm lấy nụ hoa khô của tôi và ì ạch chạy đi.

Tôi vẫn ngồi đó, miên man với những dư âm bài hát của chính mình. Minh đã góp phần vào việc sáng tác và thể hiện ca khúc ấy một cách trọn vẹn hơn, điều mà tôi không thể làm được. Khi hai người cùng một ý nghĩ, một sự kỳ diệu ra đời.

- Giang ơi!

Tôi khẽ mỉm cười, thì thầm:

- Cám ơn Minh nghe, Minh hát tuyệt quá!

- Minh phải cám ơn Giang mới đúng chứ. Nhờ có Giang mà... Cám ơn nụ hồng đặc biệt này nhé!

Trên tay Minh, giữa nhiều đóa hồng sặc sỡ, bông hoa khô của tôi nghèo nàn và tội nghiệp quá. Song nó cũng kiêu hãnh và khinh mạn đến lạ!

Tôi đưa tay lên phủi những hạt confetti còn vương trên mái tóc bồng lãng mạn. Tay tôi cảm thấy được cái rùng mình của Minh.

- Ước gì tóc Minh có thật nhiều confetti nhỉ?

Tôi rụt tay lại, nghiêm trang hơn:

- Thôi Minh về đi, người ta đang đợi kìa.

Quay đi và thấy tim mình đau nhói - tôi vừa biết rằng mình đã làm một điều trái với lòng.

- Chị không về cùng với anh ấy à? Cô bé mập đứng ở cổng ra vào từ lúc nào, cất giọng nói làm tôi giật mình. Thì ra em đang tìm Minh để xin chữ ký và lời ca khúc. Tôi lắc đầu, mỉm cười bâng quơ.

Bên kia đường cô bạn gái của Minh đang đứng chờ chàng, cả gương mặt ánh lên vẻ dịu dàng nhẫn nại đến kỳ lạ dưới làn mưa phùn lất phất bay.

Một ý tưởng mới chạy qua đầu tôi, mà lời mở đầu cho bài hát sắp tới sẽ là:

Anh không phải đợi

Đến năm cùng tháng tận

Mới chợt nhận ra rằng

Em yêu anh, yêu anh...

Hết