Có tiếng mở khóa lạch cạch rồi Băng gọn gàng trong bộ váy ngắn, chạy ào vào phòng như một cơn lốc, miệng nói tíu tít:

- Anh Sâm ơi! em thi xong rồi, bài làm khá lắm! Anh thưởng em cái gì nào?

Sâm chưa kịp trả lời, Băng đã đến bên, ôm ghì lấy Sâm mà hôn. Bỗng Băng đẩy Sâm ra, tròn mắt nhìn người yêu:

- Anh làm sao thế này? Em tưởng em đang ôm khúc cây, em tưởng em đang ôm hôn một tảng đá.

Khuôn mặt thanh tú với đôi mắt đen láy và đôi môi đỏ hồng của Băng đã kéo Sâm trở về với thực tại. Chàng thoáng ân hận:

- Xin lỗi em, anh không được khỏe. Vả lại, anh cũng đang có nhiều chuyện không vui.

Băng ngồi phịch xuống ghế, hét to:

- Em biết anh không có ốm đau gì hết! Lại ba cái chuyện hội hè đình đám, yêu nước, cứu nước nó hành hạ anh đấy thôi.

Sâm biết Băng bắt đầu khiêu chiến, nên đánh trống lảng:

- Hôm nay trời đẹp quá! Chúng mình ra bờ sông Potomac đi dạo và ngắm hoa anh đào nghe em?

Nước mắt chạy vòng quanh, Băng lắc đầu:

- Em không muốn đi, anh có bao giờ nhìn thấy hoa đâu mà rủ em đi ngắm hoa. Dưới mắt anh, mỗi gốc cây anh đào là một hình ảnh của quê hương Việt Nam. Mỗi cành hoa anh đào đều mang một tấm ảnh của một em bé bên trại tỵ nạn.

Sâm hôn nhẹ lên trán Băng, kéo nàng vào lòng:

- Tội của anh to thế cơ hả? Thôi, cho anh xin lỗi nhé!

Băng òa khóc:

- Nói thật với anh, em không thể chịu nổi cái tình trạng như thế này nữa! Anh cứ đi đây đi đó lung tung, để mặc em cô đơn một mình. Mỗi khi đi đâu vơi em thì mặt anh bí xị như cái bánh bao chiều. Khiêu vũ với em thì anh thẫn thờ nhìn lên trần nhà như người mất hồn và đẩy em như người ta đẩy xe bò. Anh tưởng em là gỗ đá hay thần tiên? Em là người, em là người, anh nhớ chưa?

Cuộc tấn công ồ ạt và bất ngờ của Băng làm Sâm bối rối. Những lời phàn nàn của Bang như vậy vẫn thường xảy ra. Nhưng chưa bao giờ Sâm thấy Băng giận dữ và buồn như lần này. Sâm tự hỏi, không biết vì Băng hãy còn nhớ tới chuyến đi sang trại tỵ nạn hai tháng vào dịp hè vừa qua của chàng, hay là đã có một đám mây nào che khuất tình yêu nồng nàn mà Băng đã dành cho chàng trong suốt mấy năm vừa quạ Dù vì lý do nào đi nữa thì Sâm cũng thấy tình trạng này bất ổn. Sâm vẫn biết, Băng đã chịu nhiều thiệt thòi khi yêu chàng. Nàng còn trẻ và ham vui, trong khi đó, đã lớn hơn nàng bẩy tuổi, chàng lại già trước tuổi nên cả hai người đôi khi cảm thất thật là khổ sở. Tuy vậy, họ vẫn yêu nhau thắm thiết, không thể nào rời xa nhau được. Sâm nhìn người yêu, thành thật nói:

- Anh biết em buồn, nhưng anh không biết phải làm sao bây giờ?

- Anh không biết thì nghe em nói đây. Mình thương nhau sáu năm rồi, anh đã học xong và có việc làm. Em cũng không còn bé nữa. Mình phải tạo dựng một mái ấm gia đình, anh biết chưa? Ba cái lý tưởng, tư tưởng vĩ đại của anh, anh bỏ bớt đi để có cuộc sống bình thường như người ta, được không anh?

Sâm ngập ngừng:

- Anh đâu có lý tưởng gì, chẳng qua là anh sống và nghĩ một cách không bình thường đó thôi. Hoặc nói thẳng ra là anh điên điên, gàn gàn.

- Nếu anh biết mình điên thì tốt rồi! Mà anh có thấy những sinh hoạt lẩm cẩm chỉ mang đến cho anh nhiều sự buồn phiền, bực tức hơn là vui vẻ hay không? Rốt cuộc, anh cũng chẳng làm được những việc mà anh mong muốn.

Đôi mắt đẫm lệ và lời nói của Băng như những vết dao đâm vào trái tim đang bị thương của chàng. Sâm nghĩ, lúc này không phải là lúc hai người có thể đối thoại với nhau. Chàng yên lặng, xiết nhẹ bàn tay mềm mại của người yêu, khe khẽ thở dài. Băng dịu giọng:

- Đâu phải em đòi hỏi nhiều! Em yêu anh, em cũng muốn được anh thương yêu và săn sóc, anh có biết không?

- Anh biết chứ! Nhưng yêu nhau, mình phải quên những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta hả em? Điều này, anh làm không được!

- Không hẳn là như vậy. Nhưng rõ ràng là thương anh, em buồn lắm! Anh nghĩ kỹ đi, hay là chúng mình xa nhau để anh được tự do, để anh khỏi phải nghe em than thở và đòi hỏi những điều mà anh không thể cho em được.

- Anh không muốn được tự do, anh muốn được nghe em than thở và đòi hỏi.

Băng mỉa mai:

- Em cứ việc đòi hỏi và anh cứ hát bài “Đường ta ta cứ đi” phải không anh?

Sâm nắm lấy tay Băng, kéo nàng đứng dậy. Chàng hôn lên đôi mắt ướt của nàng, âu yếm nói:

- Thôi, chúng ta “ngưng chiến” nhé? Trời đẹp quá, em muốn đi bất cứ đâu, muốn làm bất cứ gì, anh cũng chiều ý em. Đừng hành hạ anh nữa, tội nghiệp!

Băng chán nản:

- Em chẳng muốn gì bây giờ cả. Em đi về, khi khác gặp nhau vậy.

Sâm không giữ Băng lại mà chàng chỉ hẹn khi tiễn Băng ra cửa:

- Tối mai, anh sẽ đón em khoảng bảy giờ nhé.

Trong thâm tâm, Sâm lo sợ cho cuộc gặp gỡ ngày mai. Đã đến lúc Sâm phải chọn lựa giữa hai con đường: một là có Băng trong cuộc sống, hai là tiếp tục cuộc sống độc thân để thực hiện những ước mơ của đời mình. Sự chọn lựa này, đối với Sâm thật là khó khăn. Cho đến bây giờ, Sâm cũng không biết ngày mai sẽ phải nói gì với Băng.

Sâm luồn hai tay về phía sau, dùng làm gối kê đầu. Hai chân duỗi thẳng, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà. Chưa bao giờ Sâm thấy chán nản như lúc này. Băng đã đi từ lâu mà tiếng nàng vẫn còn văng vẳng đâu đây: “Rốt cuộc rồi anh cũng chẳng làm được những điều anh mong muốn.”

Những việc mà Sâm muốn làm thì thật là nhiều nhưng Sâm không biết phải bắt đầu từ đâu? Nhóm bạn hữu của chàng thì một số đã bỏ cuộc vì bị “dị ứng” trong lúc sinh hoạt. Số còn lại thì bị phân hóa bởi phương thức làm việc, mặc dù có chung một mục đích.

Sâm nhớ lại cuộc cãi vã với Hưng mấy tuần nay mà cảm thấy bực bội trong lòng. Cũng đành, từ nay mỗi người đi một hướng. Sự mất mát này đối với Sâm thật quá lớn lao. Vì đã từ bao năm nay, Hưng là một người bạn thân thiết và hiểu Sâm hơn bất cứ người bạn nào.

Sâm đưa mắt nhìn qua căn phòng nhỏ. Mười năm, phải, đúng mười năm, cuộc đời Sâm đã gắn liền với căn phòng này và ngôi trường đại học nổi tiếng của nước Mỹ. Hai cái kệ cao và dài với những quyển sách dày cộm. Những mảnh bằng tốt nghiệp trung học, cử nhân, tiến sĩ và những bằng khen thưởng được lồng trong những khuôn hình bằng gỗ treo la liệt trên tường một cách trơ trẽn. Phía dưới là một cái bàn học. Trên bàn, ngoài sách và giấy bút còn có một tấm ảnh Sâm và các bạn đứng chật cả sân khấu, hát bài quốc ca Việt Nam, trong một chương trình văn nghệ liên trường. Sâm thở dài. Những người bạn đã cùng Sâm chia sẻ những nụ cười, niềm vui qua tiếng hát, câu hò mang đầy tình tự dân tộc, nay đã mỗi người một ngả. Sự xa cách không gian còn có thể nối lại, nhưng sự xa cách về tư tưởng thì biết làm sao đây? Vấn đề về hay không về Việt Nam, để góp phần xây dựng đất nước, lâu nay là một đề tài sôi nổi, làm phân tán cái cộng đồng Việt Nam nhỏ bé này. Trong hàng ngũ sinh viên, cái nạn chụp mũ nhau thì không có. Nhưng cũng không đoàn kết và vui vẻ như xưa. Tuy vậy, Sâm và các bạn vẫn không nản lòng. Sâm có một niềm tin mạnh mẽ vào tương lai dân tộc, vào tuổi trẻ Việt Nam. Sâm hy vọng những người trẻ trong và ngoài nước sẽ kết hợp với nhau để làm nên những trang sử mới.

Những tin tức về cởi mở kinh tế và sự thay đổi chính trị tại quê nhà dồn dập đưa sang, khiến mọi người hân hoan, hy vọng. Sâm và các bạn hăng say, bận rộn chuẩn bị cho ngày về. Những buổi hội thảo về chính trị, tương lai kinh tế Việt Nam... được tổ chức liên tục, thay thế cho những buổi văn nghệ nhẹ nhàng, những buổi dạ vũ náo nhiệt. Những tờ báo của các nhóm trẻ đã phát hành khắp nơi. Những hoài bão, những suy tư, những điều họ đã học hỏi, được gói ghém trong những bài viết bằng tiếng Anh, tiếng Việt, đã như một luồng gió mới thổi vào sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Sâm và các bạn đã xông xáo vào trong mọi lãng vực của cộng đồng. Tình trạng phân hóa, trăm hoa đua nở rồi trăm hoa đua tàn của các hội đoàn khiến những người trẻ ngỡ ngàng. Những nhân vật có đôi chút uy tín, một thời là thần tượng của giới trẻ, đã bị xụp đổ qua những bài báo, những lời đồn đại, hoặc chính những hành động của họ, khiến những người trẻ hoang mang.

Qua các trại tỵ nạn để giúp đồng bào, Sâm mới thấy sự bất lực của mình trước nỗi tuyệt vọng của những người đã hy sinh cả mạng sống để đi tìm tự do.

Về Việt Nam theo một phái đoàn ngoại quốc để chứng kiến sự đổi mới, sự cởi mở của chế độ, Sâm đã thất vọng tràn trề. Cái bề mặt sầm uất, náo nhiệt của Sàigòn với những quán cà phê, phòng trà, vũ trường và hàng hóa ngoại quốc tràn ngập đã không che dấu được sự nghèo đói của cả một dân tộc.

Chưa bao giờ người ta thấy sự chênh lệch giữa kẻ giầu, người nghèo lại quá mức như thế! Những người đầy tớ của dân có biệt thự, xe hơi, vàng từng ký lô... Người dân, làm chủ, thì ngủ đường, ngủ chợ, ăn sắn, ăn khoai.

Sâm không mong đợi một phép lạ, một sớm, một chiều có thể thay đổi tình trạng của đất nước. Nhưng những sự đổi mới và cởi mở không biết đã thực sự bắt đầu chưa? Và giới trẻ trong nước có đủ sức mạnh, vượt qua những ngọn núi sừng sững đang ngăn cản bước tiến của họ không?

Sâm bỗng nhớ đến Trang, một người bạn mà Sâm đã gặp gỡ và thân thiết trong những ngày lưu lại Sàigòn. Sâm còn nhớ rõ ngày đầu gặp Trang, Sâm e dè và ghét cay ghét đắng cái giọng tuyên truyền khoác lác và ngoan cố của “cô bé Việt Cộng” đó. Nhưng sau vài lần nói chuyện, và nhất là sau buổi đi Nha Trang cùng với cơ quan của nàng, Sâm mới vỡ lẽ ra rằng đằng sau cái mặt nạ kia, Trang là một “cô Bắc kỳ nho nhỏ” thật dễ thương và ôm chung một ước mơ với chàng.

Trang và Sâm lặng lẽ đi dọc theo bãi biển, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hàng dừa cao đứng im sững trong đêm. Thỉnh thoảng một luồng gió biển thổi vào làm lao chao cành lá trên ngọn cây. Ánh trăng vàng đổ chan hòa xuống vùng biển mênh mông. Từng làn sóng nhấp nhô, rồi vỗ vào bờ ầm ầm phẫn nộ. Sóng cuốn đi cả những con dã tràng đang bò lồm cồm tìm bạn.

Trang lên tiếng, phá tan không khí yên lặng giữa hai người:

- Anh Sâm can đảm thật, dám dạo chơi với Việt Cộng. Anh không sợ bị thủ tiêu hay sao?

Sâm thành thật:

- Hồi đầu gặp Trang, tôi cũng hơi ngán. Nhưng bây giờ thì quen rồi!

Trang thở dài:

- Cái khổ của chúng mình là không biết ai là bạn, ai là thù. Thực ra, anh coi Trang là thù cũng đúng vì Trang là cán bộ nhà nước, vì Trang là đảng viên.

- Nếu tôi không may mắn thoát được năm bảy mươi lăm thì bây giờ tôi cũng là cán bộ nhà nước như Trang vậy thôi. Theo tôi, dù sống ở hai nơi khác biệt, nhưng nếu chúng ta có cùng chung một hướng đi thì vẫn có thể là bạn.

- Có bao nhiêu tình bạn như vậy hả anh?

- Không nhiều, nhưng chắc là có. Một ngày nào đó, bức tường ngăn cách giữa chúng mình sẽ phải xụp đổ Trang ạ.

- Cũng có nhiều lúc Trang mơ mộng như anh. Nhưng rồi Trang vẫn phải sống rất “hiện thực”. Từ ngày Trang tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và ngã vào một cái nệm bông, trong lúc ở đây gặp cơn sốt về xây cất nhà cửa, khách sạn, mở mang đường xá thì Trang đã không còn là Trang nữa. Đời đã dạy Trang, muốn sống, phải có mánh mung, thủ đoạn, kéo bè, kết cánh. Trang bắt đầu nhận thấy những người trưởng thành không còn mơ mộng hão huyền. Mà mơ những cái có thật như nhà, như xe, như tiền, như vàng lá... Những kỳ vọng mà xưa kia Trang đặt vào giới trẻ không còn trong Trang nữa. Vì Trang đang ở trong hàng ngũ của họ. Một thúng cà chua thối, những quả khác làm sao còn nguyên vẹn, phải không anh? Nếu anh ở vào hoàn cảnh của Trang, anh cũng vậy thôi. Không thể nào khác được, không thể nào làm khác được.

- Tôi thấy Trang có vẻ bi quan quá đấy nhé! Trong đám những người trẻ ở đây còn có những người như Trang thì lo gì thế hệ của chúng ta không xoay chuyển được tình thế.

Trang cười dòn tan:

- Những người như Trang, chỉ có đủ khả năng xoay chuyển cái túi rỗng của mình thành cái túi đầy đầy để trả thù những tháng năm đói rách thôi.

Ngừng một lát, Trang tiếp:

- Trong công việc, Trang cũng có dịp gặp gỡ những người trẻ từ nước ngoài trở về. Một số định lợi dụng cơ hội để tìm danh, tìm lợi, để làm cha thiên hạ. Số còn lại là những người trẻ đầy nhiệt tình, muốn làm một chút gì cho quê hương. Dù sao, thành phần thứ hai đã làm Trang khâm phục và quý mến.

- Trang xếp tôi vào thành phần nào?

- Dĩ nhiên là thành phần thứ hai. Do đó, giờ này Trang mới đi dạo với anh để nói lên những gì ấp ủ trong lòng. Trang sống giả dối nhiều rồi. Hôm nay, xin anh một lần cho Trang nói thật. Trang cũng không hiểu sao Trang lại cảm thấy gần gũi và tin tưởng anh như thế?

- Có lẽ tại trông tôi “cù lần” quá!

- Anh không “cù lần” Nhưng trông anh như “con nai vàng ngơ ngác”.

- Cảm ơn Trang đã ví tôi với hình ảnh đẹp tuyệt vời đó. Và cảm ơn Trang đã tâm sự cùng tôi đêm naỵ Tuy nhiên, tôi mong rằng từ nay Trang không còn bi quan nữa. Vì từ nãy, cái tính hay tô hồng cuộc sống của tôi đã lây sang Trang rồi đó.

Tiếng Trang mơ hồ theo cơn sóng vỗ:

- Trang chỉ có bút màu đen, làm sao tô hồng được hả anh?

Sau chuyến viễn du Việt Nam và các trại tỵ nạn, mọi sinh hoạt của Sâm và các bạn như chìm xuống. Sự bồng bột, sôi nổi không còn nữa. Chàng và các bạn có vẻ chín chắn hơn trong mọi hoạt động. Bọn Sâm tránh né sự xung đột giữa các phe phái và cố gắng tạo cơ hội để làm việc. Nhưng những cố gắng ấy chỉ mang lại những kết quả nhỏ nhoi, khiến nhiều người nản chí. Sâm thường an ủi các bạn:

- Mình phải kiên nhẫn, đừng bỏ cuộc. Bỏ cuộc là hèn nhát, vô trách nhiệm. Thế nào rồi tình thế cũng phải thay đổi.

Sâm thở dài nghĩ tới các bạn, nghĩ tới người yêu. Các bạn ơi! Có phải tôi đã nói “Bỏ cuộc là hèn nhát, là vô trách nhiệm” phải không? Băng ơi! Có phải em đã nói “Rốt cuộc, anh cũng chẳng làm được những gì mà anh mong muốn” phải không em? Ngày mai, ngày mai gặp em, anh không biết sẽ phải nói gì với em đây? Nhưng nhất định anh sẽ nói, nhất định anh sẽ nói với em./.

Hết