Thể Vân, con gái đầu lòng của Uyên, đã vào đại học. Cali thiếu gì trường mà nó không chịu chọn lại đòi học ở University of Washington -ngôi trường ngày xưa của bọn nàng. Nàng không muốn con đi học xa, vì nàng biết là nàng sẽ nhớ nó lắm, dù rằng về tiểu bang Washington thì nó sẽ được gần ông bà ngoại và cậu, dì của nó. Hôm nó cho nàng biết ý định đó, nàng đã hù con, nói:

-Con à, con không sợ mưa à. Trời Seattle lúc nào cũng âm u buồn bã, chứ không sáng sủa như dưới San Diego này đâu.

Nó mới ôm cổ nàng nũng nịu:

-Con đi học chứ đâu phải đi chơi mà quan tâm thời tiết, mẹ. Trường xưa của mẹ, nổi tiếng, lại cho con học bỗng nữa... bỏ uổng! Mẹ nghĩ có phải không? Mẹ sẽ không phải lo tiền học cho con.

Nhìn con đã cao lớn hơn mình, nàng mĩm cười bảo con:

-Thôi được! Mà cuối tuần con phải về nhà ông bà ngoại đấy, mẹ mới an tâm được. Về kiếm cơm Việt ăn cho đỡ thèm, con nhé!

Nó hứa sẽ làm điều mẹ dặn và nói thêm:

-Con sẽ đi hồ Bagley thăm dùm mẹ những con vịt nhỏ, thăm dorm Terry Hall, sẽ ngắm những hàng đào nở rộ trong campus, những cánh bông màu hồng li ti rụng đầy lối đi... Mơ mộng vào những ngày sương mù...

Con bé bỗng tò mò, lém lĩnh:

-Mẹ à! Mẹ là dân Washington mà sao lại lấy ba là dân Calỉ Mẹ lại đẹp như thế kia, hồi đó con trai trường W không ai " chụp" mẹ liền để mẹ phải đi lấy chồng xa.

Uyên cười nói:

Đuyên nợ mà con! Mẹ đi nghỉ hè rồi gặp ba con. Mới gặp ổng đòi cưới mẹ ngay để mẹ khỏi về lại Washington. Dụ nói thời tiết Cali nắng đẹp, người Cali hiền hòa... Mẹ vờ hứa mẹ về học lấy cho xong cái bằng rồi mẹ sẽ lấy ổng... Tưởng hứa cuội cho xong, ai dè mắc nợ luôn!

-A, thì ra Ba cũng khéo ăn nói như vậy! Bất ngờ con bé tửng tửng hỏi nàng:

-Còn cậu Thương... hồi đó cậu cũng học W. Cậu theo đuổi bóng hồng nào?

Hôm đó hắn đến trễ, gặp lúc bàn của tụi Uyên còn một chỗ trống nên người ta dẫn hắn đến... nhét đại. Thấy một đám con gái với những con mắt chăm chăm tinh nghịch ngó mình-người lạ-hắn lúng túng thấy rõ, miệng ấp úng xin lỗi -chuyện gì? Không lẽ vì việc trễ nãi của hắn mà tiệc cưới đã trễ hơn tiếng rưỡi vẫn chưa bắt đầu?-Việc đứa nào cũng để ý đến hắn thì quá hiển nhiên rồi, vì không đứa nào ngờ... một người khác phái, khi mà cả bọn đã có ý đòi cô dâu phải dành riêng cho một bàn, " ngày cưới của mi, nhưng tụi tao muốn vui đùa tự do" , dù chú rể muốn sắp xếp đám con gái ngồi lẫn lộn với đám con trai bạn anh để nối rộng vòng tay thân hữu.

Thể Dung kể nó để ý tới hắn vì trông hắn... lẻ loi... thật đáng thương, chỉ muốn ôm hắn và nhỏ nhẹ an ủi. Thanh nói trông hắn có vẻ thư sinh, nhưng không yếu đuối, hắn có vẻ dân... thầy khi mới nhìn, bờ vai hắn rộng tạo nên cái vẻ... che chở cho mình được, làm tao đã thấy... thương hắn ngay.

Còn Uyên, cô để ý tới hắn vì hắn hay xin lỗi và quá... thật thà. Hắn xuất thân từ trường mà đám con gái còn đang theo học. Khi tiệc cưới bắt đầu và thức ăn được dọn ra, hắn khen ngon và nói hắn đang nhớ lại những ngày chỉ ăn mì gói đi học. Hắn kể với nét mặt nghiêm trang và giọng nói thật thà về những ngày " đói" -chữ đói là chữ hắn dùng, chứ không phải Uyên. Nhỏ Kiều tinh nghịch:

-Sao lại đói hả anh? Commondore nhiều gián lắm mà!

Một cô trả lời giúp hắn:

-Có lẽ thời anh ở, Commondore còn sạch, đâu bẩn như bây giờ nên làm gì có gián mà ăn!

Đám con gái cười khúc khích, nhưng rồi khi thấy hắn tỉnh queo đưa đũa gắp thêm một miếng thịt vịt quay bỏ vào miệng thì tụi chúng đâm ra cụt hứng. Hồi lâu hắn chậm rãi nói:

-Tôi hay đi nhà thờ vì... mấy bà nấu ngon, mỗi lần gặp mục sư Thiết ông hay bảo kỳ này nhớ đi nghe giảng nghe, vì có ăn uống.

Té ra là vì vậy, chứ không phải vì ngoan đạo! Uyên không hiểu hắn tiếu lâm, hay quá... chân thật, vì hắn không cười. Con Du giả vờ thương hại, trời, nếu mà biết, dẫn anh đi chùa Cổ Lâm, ở đó, cơm chay rất ngon. Con Du hay đi chùa đó vì có đám thanh niên trẻ gia đình Phật Tử của chùa. Chùa King thì toàn... các cụ, mà lại các cụ Bắc nữa, các cụ làm tụi nhỏ mất tự nhiên, lạng quạng đứng ngồi không nghiêm chỉnh là bị các cụ lạ Không biết có ai một ngày nào đó tự phân vân về những sự khác biệt đó, và biết được những lý do làm mất con chiên, bổn đạo.

Trở về việc trước khi hắn nhập bọn. Hắn đi trễ vì kẹt xe hay lạc đường? Hay là vì lý do nào khác? Nên hai chỗ ngồi để dành cho hắn và khách của hắn (?) trong cái bàn có đôi có cặp đó đã được một cặp khác ngồi vào cho đầy bàn rồi, vì ai cũng muốn bữa tiệc bắt đầu, đợi đã quá lâu. Hắn đến lại... lẻ loi, cứ đỏ mặt xin lỗi cho sự chậm trễ của mình. Hắn tưởng mình quan trọng đến như vậy, có biết đâu tiệc vui có bắt đầu cũng chẳng ai nhớ đến hắn. Cô dâu là em họ hắn mà cũng không nhớ mặt hắn! Và để tỏ ra là không muốn làm phiền thêm gia chủ, để chuộc tội, khi được hỏi muốn ngồi ở đâu thì hắn trả lời ngồi đâu cũng được.

Thấy khuôn mặt của anh chàng quá lạ, nhỏ Vân hỏi ngay xem anh chàng có ở trong băng The Phơi nào không. Phơi có hai nghĩa: không đào để dẫn đi bát phố, để đưa đi dạ vũ nên còn phơi, không giốp nên ở nhà nằm phơi trước cái TV với mấy bộ phim chưởng. Hay vừa không đào vừa không giốp? Cái dạo ấy W có lắm hội The Phơi . Hắn ngớ ngẩn một cách tội nghiệp, cứ nhìn Vân chăm chăm. Giờ lại làm con bé vụng về! Yến phải giải thích và rồi hỏi:

-Vậy anh có ở trong băng The Phơi nào đó không?

Hắn tỉnh bơ trả lời cộc lốc:

-Không!

Cũng chưa biết tên hắn là gì nên lại có một màn giới thiệu. Vì hắn là dân thiểu số nên để hắn tự nhiên-hay bắt hắn kéo dài sự hồi hộp?-tụi con gái mới tự giới thiệu trước, theo một vòng tròn, bắt đầu từ Vân đang ngồi bên mé phải của hắn. Cái đầu của hắn xoay một vòng tròn, kèm với nụ cười nhẹ và cái gật đầu chào. Uyên là người cuối-bên trái hắn. Lừng khừng, hắn khen:

-Tên Uyên dễ thương quá nhỉ! Tú Uyên, Quỳnh Uyên, hay... ?

-Thục Uyên.

Đám con gái để bụng mà không nói, hắn thiên vị, đúng là cha này thiên vị, sao hắn chẳng khen tên đứa nào mà chỉ khen tên Uyên.

-Còn tôi là Thương.

Cái gì? Sao mà có cái tên khôn thế? Như thể là lấp lửng ăn gian... Anh Thương ơi kêu như anh thương... Có ai tinh nghịch gọi hắn là anh Ghét không?

Một tuần sau đó là một ngày đẹp trời. Cả bọn với shorts, T shirts sẵn sàng nhào ra sông hồ. Rủ nhau đi chơi Greenlakẹ Nắng chiếu óng ánh trên mặt nứơc như vô khối viên kim cương lấp lánh. Một cái đàn dương cầm đặt trên một chiếc du thuyền để lênh đênh giữa hồ, một chàng Mỹ đen vừa đánh nhạc vừa hát. Bạn bè mướn thuyền chèo theo con nước quanh co, bên bờ có hàng liễu rũ xuống mặt nước lả lơi. Từng đàn vịt trời nô đùa với nước hay lên nằm trên cỏ phơi bộ lông. Uyên đâu dám thố lộ là không biết bơi, vì sợ chúng bạn tinh nghịch đem liệng xuống hồ.

Hắn chèo thuyền cho Uyên. Ở một khúc vắng vẻ, hắn nói nhỏ:

-Tôi phải hối lộ Phi Yến mới hay Uyên sắp lấy chồng.

-Ồ làm gì mà anh phải hối lộ dữ vậy. Uyên tưởng ai cũng biết rồi. Anh mới nhập bọn, chẳng lẽ Uyên lại đi kể lể với anh là mình sắp lấy chồng. Nhưng đừng lo, sẽ không quên mời anh đi dự đám cưới đâu.

Bọn Uyên trải khăn bàn, bày thức ăn ra. Thương bỏ than nướng thịt. Thịt nướng mở chảy kêu xèo xèo. Khói tỏa lên trời. Hương thơm phưng phức bay theo chiều gió. Ăn xong, Uyên với Thể Dung ngồi ngắm trời đất mây nước . Những cánh buồm thấp thoáng xa xa.

-Giá gì có Hưng ở đây... Tao nhớ chàng, Dung ơi!

-Mi thật là hạnh phúc. Mi có anh Hưng rồi bây giờ có anh Thương nữa... Mi không thể bắt cá hai tay!

Uyên sợ Dung hiểu lầm nên vội vàng đính chánh là Uyên không có để ý tới hắn. Đời rắc rối như thế đấy! Thể Dung yêu hắn, Uyên biết được nhờ vô tình đọc nhật ký của Dung viết dở dang đang để trên bàn học, hắn... thích Uyên, Uyên đã có người yêu, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn, như cái vòng luẩn quẩn trong truyện Tình Buồn của Quỳnh Dao... cái cha Hà Mộ Thiên đẹp-trai-học-giỏi-con-nhà-giàu như vậy mà suốt đời cứ đeo đuổi yêu cái cô vợ của chàng họa sĩ nghèo bạn của mình chi cho cô đơn suốt đời. Đúng ra là người cũ của chàng nhưng vì hiểu lầm và hoàn cảnh phải đi lấy chồng. Còn cha họa sĩ thì chắc là muốn cái địa vị của cha Hà Mộ Thiên.

Uyên có một ông chú. Ở tuổi hai mươi, chú nàng tới đất Mỹ làm ăn, lúc đó thím đang sống ở miền Hậu Giang. Qua sự giới thiệu bằng thư từ của người quen, chú của Uyên và thím quen biết nhau. Bắt đầu bằng những lá thư trao đổi và rồi... chú nàng cầu hôn, và với một giấc mơ về một đời sống tốt đẹp hơn ở đất Mỹ, thím rời bỏ gia đình, bạn bè, và quê hương yêu dấu sau lưng, để đi kết hôn với một người hoàn toàn xa lạ. Thuở ở tuổi mộng mơ, Uyên hay ngồi hình dung cảnh chú thím lần đầu gặp nhau tại phi trường... hai người chưa từng có cơ hội của... bốn-mắt-nhìn-nhau-con-tim-rung- động bởi tiếng sét ái tình. Họ chỉ mới yêu nhau qua những lá thư trao đổi, vậy mà dám phó thác cuộc đời của mình cho nhau, gan thật. Mà họ đã sống, đã có một bầy con, một gia đình hạnh phúc.

Nghĩ tới tình yêu đơn giản của chú thím rồi nghĩ tới bạn, nhiều năm trôi qua, Uyên thật cứ mong chờ một cái gì đó. Uyên là gạch nối giữa Dung và Thương. Họ biết tin tức về nhau qua Uyên. Trong ba người bạn, Uyên là người duy nhất đã lập gia đình. Nàng sống hạnh phúc với chồng và các con. Thương làm giám đốc một bộ phận của công ty sản xuất máy bay Boeing, ở Seattle; ngoài ra, thì giờ rảnh rỗi còn lại anh còn viết lách nữa. Thể Dung bây giờ đã là một nhà văn nổi tiếng viết cho độc giả Mỹ. Sách của nàng được các nhà xuất bản dành nhau mua cả triệu bạc. Nàng đi du lịch nhiều nơi để lấy cảnh lấy ý cho những cuốn tiểu thuyết của nàng. Tuần trước truyện của Dung được quay thành phim trình chiếu trên TV. Dung xuất hiện xinh đẹp với lời giới thiệu. Con bé Thể Vân hối hả gọi mẹ từ phòng ngoài:

-Mẹ Ơi mẹ! Má Dung xuất hiện trên TV kia, mẹ ra coi mẹ!

Thể Vân kêu Dung là Má vì Dung là mẹ đỡ đầu của nó.

Uyên yêu mến cả Thương và Dung. Mà Uyên không tài nào giúp Dung được. Thương vẫn cà tửng không chịu tỏ tình với Dung, để hai người lấy nhau. Đâu phải là họ chẳng hợp nhau. Họ cũng sống bằng nghề viết. Và cũng trai tài gái sắc cả. Chú thím của Uyên ngày trước đâu có biết nhau mà họ vẫn sống với nhau được đó thôi, và lại sinh cả đám con. Uyên mơ ước một ngày, Thương sẽ hỏi Thế Dung câu tiếng Việt kiểu nói của mấy ông bà Tàu trong những phim bộ Hồng Kông mà nàng hay coi:

-Em gả cho anh đi!

Nhưng Uyên cứ chờ hoài . ..

Cuối năm học thứ ba, một hôm Thể Vân gọi điện thoại về nhà nói có người đi hỏi nó và nó đã bằng lòng- đúng là thời buổi này con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, chứ không như thời trước cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Uyên giật mình tưởng như bị điện giật, vì trong thâm tâm nàng cứ nghĩ con nó còn bé lắm. Nàng nói:

-Ba Mẹ chưa gặp bạn trai của con, con không nên quyết định nhanh như vậy được. Con cái nhà ai, ăn học như thế nào.ï Nhớ đưa về giới thiệu với ba me... rồi có tính gì thì tính, con nhé!

-Mẹ à, mẹ còn lạ gì cậu Thương?

-Cháu của cậu Thương à?

Nàng cũng thắc mắc là lâu nay có nghe Thương nhắc tới người cháu nào đâu.

-Mẹ! Cậu Thương hỏi cưới con, chứ cháu nào?

Bên này phôn nàng lại giựt mình. Cái tình yêu gì lạ vậy, tôi có nghe lầm không? Bạn mẹ lại đi tán con. Mà bạn mẹ-Thể Dung-cũng yêu anh chàng. Rồi biết ăn nói làm sao với Thể Dung đây? Nóng ruột, nàng gọi phôn kêu chồng về nhà ngay mà không nói tại sao, không có thời giờ dài dòng. Nghe nàng thở hổn hển trong phôn, chồng nàng lại tưởng con lạc đà đẻ khó như kỳ trước. Mấy con thú dễ thương này là của nàng, nhưng cứ gặp khó khăn là nàng gọi chàng quýnh lên. Bình tĩnh, bình tĩnh, anh về ngay... Anh trấn an nàng với giọng trêu chọc vì biết là chẳng có chuyện gì đáng khẩn trương cả.

Nghe xong chuyện, anh cười tỉnh bơ:

-Thì cũng được thôi. Thương đâu có liên hệ bà con gì với mình. Đằng nào bao nhiêu năm nay mình cũng coi Thương thân thiết như là người nhà rồi. Còn em sợ Thương lớn hơn con mình, đàn ông ở tuổi đó đâu đã già. Con Thể Vân của mình cũng hai mươi rồi. Hồi đó em lấy anh cũng bằng tuổi nó bây giờ... mà có ai nói em còn nhỏ, cấm cản em đâu.

Uyên nói gỡ gạc:

-Em đã xong đại học và 22 tuổi.

-Thì nó cũng chỉ còn một năm học nữa thôi-và anh phì cười nói thêm-Nó thông minh học nhanh hơn em! Con hơn mẹ là nhà có phúc...

Ai lại nói vậy! Đúng ra cái câu nó như thế này: Con hơn cha là nhà có phúc.

Tâm lý của một bà mẹ mà, Thể Vân của nàng trẻ đẹp, học giỏi, chưa đứa con trai nào xứng đáng với nó hết, Uyên thở dài:

-Thương lớn tuổi, biết đâu lâu nay Thương lăng nhăng với cô này cô kia!

-Cho dù vậy, trên giấy tờ cũng chưa từng có cô vợ nào mà. Em à! Con nó yêu ai là mình gả. Với lại, thấy Thương nó cũng thương con Vân, tại em không để ý đó thôi. Nhiều lần Thương có tâm sự với anh là nó thương con mình (trong lúc hai người nhậu nhẹt những khi Thương từ tiểu bang Washington về thăm gia đình nàng?).

Nàng kêu lên:

-What?

Rồi nàng chợt nhớ:

-Nhưng Thể Dung... yêu Thương!

-Hai chục năm rồi, sao em chắc là cô ta còn yêu Thương.

Nàng nhớ là lâu rồi Thể Dung cũng không còn nhắc nhiều về Thương nữa, chỉ là những câu thăm hỏi thông thường. " Nhưng hồi xưa Thương theo đuổi... em!" , suýt nữa là nàng đã nhắc đến điều này. Chắc là chồng nàng sẽ nói " thì đã sao" , nhưng anh vô tình nói tiếp:

-Sáng nắng chiều mưa, ngay cả ông Trời cũng đổi thay mà em! Em đừng có lo lung tung nữa.

Mấy ngày sau, nàng mới liên lạc được với Thể Dung. Nàng ngập ngừng vài phút rồi mới kể hết mọi sư... và nàng đã nói như là xin lỗi:

-Mi không trách tao đã không dạy con chứ... Chuyện cũng thật bất ngờ!

Tiếng Thể Dung cười vui vẻ trong phôn:

-Uyên ơi! Tao mừng cho gia đình mày, chứ trách gì, sao mày lẩn thẩn thế. Còn chuyện ngày xưa tao mê... Thương... xưa ơi là xưa! Đừng lo cho tao nữa, bà má non. Tao không có chồng nhưng đâu phải vì vậy mà không sống được! Nhớ cho tao biết ngày cưới để tao về dự ngày vui của cháu... Mới ngày nào mình còn học W, còn phá phách đùa nghịch mà mi bây giờ lại sắp có rể, sắp làm bà ngoại... trách nhiệm thật nặng nề tao thấy thương cho mi quá.

Uyên thở phào nhẹ nhõm, nàng không khỏi ngạc nhiên, mọi chuyện đều đơn giản như thế ư ?

Linh-Vang

(Tacoma)

Hết