MỤC LỤC

Anh dịch: Jeffry Hopkins, Ph. D.

    

ời nói đầu

1- Quan điểm của tôi

2- Những giai tầng phát triển

3- Căn bản thanh tịnh của tâm thức

4- Bước nền tảng: Nghĩ về bạn và thù

5- Bước thứ nhất: Nhận ra bạn

6- Bước thứ hai: Đánh giá đúng sự ân cần

7- Bước thứ ba: Quay lại ân cần

8- Bước thứ tư: Học để yêu thương từ ái

9- Sự khác biệt giữa từ ái và luyến ái (dính mắc)

10- Từ ái như căn bản của nhân quyền

11- Mở rộng vòng xoay từ ái

12- Bước thứ năm: Năng lực của bi mẫn

13- Bước thứ sáu: Chí nguyện cố gắng hoàn toàn

14- Bước thứ bảy: Tìm cầu sự giác ngộ vị tha

15- Năng lực vô biên của vị tha

16- Hành động với từ ái

Các tác phẩm

***

LỜI NGƯỜI DỊCH

Cổ Đức có dạy :

"Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc

Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ ".

Tạm dịch :

Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sanh an vui,

Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ.

Phật Giáo Tây Tạng khi dịch ra Anh ngữ thường dùng:

- Love để dịch cho chữ Từ hay từ ái và có định nghĩa là nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc.

- Compassion để dịch chữ Bi hay bi mẫn (hay great love: Đại bi) và có định nghĩa là nguyện cho mọi chúng sinh thoát khổ và hết những nguyên nhân của khổ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một số bài viết cũng nói rằng, không phải nói đến từ ái hay bi mẫn là chúng ta phải có khả năng để ban vui hay cứu khổ mà trước hết đấy là sự phát nguyện, mong ước của chúng ta cho mọi chúng sinh được có niềm vui và hết khổ. Quả vậy, nếu chúng ta nghĩ đến ban vui cứu khổ mà khi chúng ta chưa có khả năng thần thông tự tại như những vị Phật hay Bồ tát thì quả là ngoài sức tưởng tượng và chúng ta không thể và không dám nghĩ đến, và chúng ta cảm thấy thối chí. Tuệ Uyển nghĩ như thế. Nhưng thay vì thế, như lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta trước hết phải có tấm lòng rộng rãi như thế, phải phát nguyện từ ái và bi mẫn nguyện cho mọi người được hết khổ, được có niềm vui, được có nguyên nhân của niềm vui, được hết những nguyên nhân của khổ. Với lời nguyện ước, mong muốn này chắc ai cũng có thể làm được.

Dĩ nhiên nói đến từ bi là nói đến lòng thương yêu không phân biệt kẻ oán, bạn hữu hay người dưng, nhưng thật khó mà nghĩ đến người làm tổn hại chúng ta, người chúng ta không ưa với tâm bình đẳng như vậy, nhưng như Bồ tát Tokmay Sangpo nói, nếu chúng ta không thuần hóa kẻ thù nội tại mà lại muốn thuần hóa kẻ thù ngoại tại thì kẻ oán lại càng tăng, thế nên việc phát lời nguyện ước từ ái và bi mẫn hay nguyện cho mọi người đều khỏi khổ, hết nguyên nhân của khổ, được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc là cách hay nhất để rộng mở cõi lòng của chúng ta, thuần hóa kẻ thù nội tại của chúng ta, dù thực tế chúng ta chưa hành động gì cả.

Trong những buổi lễ của Phật Giáo, chúng ta thường có một phút nhập từ bi quán, nhưng chỉ một phút thôi và lâu lâu một lần như vậy thì thật khó mà thâm nhập được từ bi và khó mà rộng mở cõi lòng, khó mà thuần hóa kẻ thù nội tại. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên phát nguyện từ ái và bi mấn, hay luôn luôn giữ lòng từ bi, chắc chắn kẻ thù nội tại sẽ khuất phục trước năng lực của từ bi. Các đạo sư Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay Thiền sư Nhất Hạnh thường nói hãy gởi những thông điệp thương yêu hay từ bi vào không gian, năng lực của từ bi của chúng ta, của càng nhiều người sẽ làm dịu "thế gian nóng bức" này, dịu những nổi thù hận trong nghiệp chướng của chúng ta. Phát nguyện từ ái bi mẫn là thiết thực làm việc này, là thiết thực biểu lộ bản chất của Đạo Phật, đạo của từ bi.

Thức dậy miệng mĩm cười,

Hăm bốn giờ tinh khôi,

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Nam mô A Di Đà Phật

Ẩn Tâm Lộ ngày 23-9-2012

Tuệ Uyển