"... Qua tao chơi đi Thụy. Ở đây hay có những cơn mưa chiều và mùa hè về rất muộn!... "

Thụy cười mãi về đoạn thư Du viết vào tháng trước. Nàng gọi phôn chọc bạn:

-Tao không ngờ mi cải lương quá trời, có phải cô đơn làm mi ướt át đôi chút không?

Và đó là lý do Thụy đang đứng đây, tại phi trường Sea-Tac, ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, đưa mắt mọi phía tìm kiếm cô bạn - chuyến bay đến có hơi sớm hơn dự định.

Cho đến bây giờ Thụy cũng chẳng hiểu tại sao nàng lại bị dụ nhanh đến như thế. Có lẽ lá thư đến trong lúc Thụy đang chán công việc sở, chán thành phố nàng đang ở nên quyết định làm một chuyến đi xa thăm bạn. Thụy bắt điện thoại gọi Phan vắn tắt vài lời, không dài dòng, không cắt nghĩa.

Phan không nói gì nhiều, chỉ hỏi:

- Đi bao lâu?

-Bốn năm ngày weekend hay một tuần, và Thụy nói nhanh, Cathie sẽ đến đón em lên phi trường.

Phan nói nhỏ:

- Để anh đưa em đi.

Giọng của Thụy trở nên lạnh lùng, dù nàng không cố ý:

-Thôi anh, Cathie đưa em đi được rồi...

Một thanh niên Việt đi lại gần Thụy:

-Chị là chị Thụy? Tôi là Hài, em chị Du.

Cùng lúc với lời tự giới thiệu, chàng đưa tay xách hộ chiếc va-ly nhỏ. Không thấy Du đến đón mình, Thụy lộ ngay vẻ buồn trên nét mặt, vì suốt chuyến bay dài từ Houston qua nàng cứ hình dung ra khuôn mặt vui mừng của bạn khi gặp lại nàng, và đã bồn chồn trông chờ giây phút ấy.

Như hiểu ý, Hài giải thích ngay:

-Chị Du có việc bận nên nhờ tôi đi đón hộ.

Thụy vui vẻ lại, mỉm cười nói không sao để Hài khỏi bận tâm rồi rảo bước theo anh chàng ra chỗ đậu xe, trong bụng nghĩ thầm:

-Em của Dủ Chưa bao giờ nghe Du đề cập về một cậu em nào với cái tên Hài.

Du có ba ông anh, và Thụy đã gặp cả bạ Người lớn nhất là Minh, một dạo là sinh viên ở Đà Lạt, mối lo lắng của gia đình, anh lông bông chơi nhiều hơn học, giỏi xài tiền và hay cờ bạc, có lần anh cầm cả xe vespa để chơi bạc cả năm sau bố mẹ Du mới haỵ Mỗi lần về Sàigòn, anh hay lén nhà đưa bọn Du đi party, ở cái thời mà Du với Thụy vẫn chưa biết làm gì với mái tóc dài, chưa rành makeup, và còn chập chững bước chân, điệu nhảy, ở cái thời mà hai cô rất say mê nhìn khung trời đại học qua lăng kính màu hồng. Người thứ nhì là Nguyên, nhà binh, có một đời sống rất là trầm lặng, vợ anh trước học ở Đại học Sư Phạm Sàigòn, sau về dạy ở trường nữ Trung học Lê văn Duyệt, dù đời lính đổi anh đi lung tung các tỉnh, chị vẫn ở Sàigòn. Thụy chỉ biết có vậy và mơ hồ nhớ là nước da anh đen hơn mọi người trong nhà, thế thôi. Người thứ ba là Mẫn, sinh viên báo chí của trường Đại học Vạn Hạnh, trắng trẻo như con gái, và vì nét da trắng nên bị chọc là người bệnh hoạn, là thư sinh trói gà không chặt, người mà những năm cuối Trung học Du cố ráng ghép cho bạn, mà chẳng đi tới đâu. Có lẽ dạo ấy Thụy chưa nghĩ đến chuyện yêu đương và Mẫn thì lại quá nhát? Hay Thụy học Nguyễn Bá Tòng là trường đạo, Vạn Hạnh là trường Phật, Chúa Phật không có duyên với nhau?

Thụy có nhiều kỷ niệm với dân Vạn Hạnh. Trường là mấy cao ốc ở gần cầu Trương Minh Giảng, đi học ngày nào Thụy cũng đạp xe đạp đi quạ Lúc đi thì không sao, xuống dốc, cái xe đạp vù vù tuột một lèo. Lúc về thì mới bận tâm, Thụy cũng lên dốc, qua cầu, rồi xuống dốc, dốc này thì gặp dân Vạn Hạnh đầu óc đang bận rộn nghĩ chuyện bài vở thi cử, giấy tờ hoãn dịch lính tráng, hay buổi hò hẹn với đào chi đó, mắt mũi không thèm ngó ai, ở trong cứ phóng cái ào ra, đủ loại xe gắn máy Honda, Suzuki, Yamahạ Trăm lần Thụy gần đứng tim, hốt hoảng la làng. Trăm lần mấy tên bối rối xin lỗi...

Chợt Hài lên tiếng bắt chuyện, phá tan sự im lặng giữa hai người:

-Lần đầu chị qua đây?

-Không, lần thứ hai, lần trước, Thụy suy nghĩ nhớ lại, hình như năm 76 thì phải, dịp Giáng Sinh, tuyết xuống đầy. Đó là lần đầu tôi nhìn thấy tuyết. Du nói tại có tôi... nên tuyết rơi nhiều quá.

-Chị Du nhắc đến chị luôn. Nói chị là hoa khôi của Nguyễn Bá Tòng.

Câu nói bất ngờ làm Thụy giật mình. Nàng lúng túng trong chốc lát, rồi tò mò hỏi:

-Và anh tin?

Hài thoáng nhìn Thụy rồi thản nhiên nói:

-Chị khác hơn người tôi hình dung. Trông chị chững chạc.

Hắn đã biết gì về Thụy mà Thụy lại chẳng biết gì về hắn, ngay cả nghe đến cái tên?

Xe chạy trên xa lộ, qua thành phố lớn Seattle với những tòa nhà cao ngất chọc trời, Space Needle, The Smith Tower, Pike Place Market, thành phố có 229 ngày... mây mù xám xịt, 44 ngày sương mù, 160 ngày mưa, 32 ngày ở nhiệt độ đóng đá. Sau khi nghĩ đến những con số, Hài hỏi Thụy:

-Chị có biết bao nhiêu ngày ở nhiệt độ 90 độ F không?

Thụy làm biếng nên chịu thua ngay:

-Không. Bao nhiêu ngày?

-Chỉ có 3 ngày nóng cỡ đó thôi. Thường thì 70, 80, nên mùa hè ở đây đẹp lắm, không nóng chảy mỡ. Sông hồ, bầu trời, cây cỏ, thứ gì cũng xanh mát dịu.

Đúng lúc đó xe rẽ vào thành phố nhỏ, Everett. Thụy khen con đường dài có hai hàng phong cao thẳng tắp trước mặt, lá rợp tạo bóng mát, nhắc Thụy cái thú đi dạo bộ dưới những hàng cây. Cảnh vật ở đây mang một nét đặc biệt với dốc đồi, thông xanh, cỏ tươi, những ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng ẩn hiện. Làm nàng nhớ quá Đà Lạt thuở nhỏ của nàng.

Hài cho biết:

-Thành phố khá thơ mộng. Đẹp nhất là mùa thu, khi đó mấy đám lá này đổi hết thành màu vàng, lá trên cây, lá phủ đầy lề đường... nhìn như những cái bưu ảnh, đi làm qua mỗi ngày tôi ngắm hoài không thấy chán.

Nghe Hài nói, Thụy mỉm cười đoán:

-Ngày xưa anh đi ban C?

Hài lắc đầu:

-Không, ban B. Phần đông con trai đi ban B mà. Chỉ có con gái mới ban C. Chắc chị đi ban C?

-Anh lầm rồi. Tôi cũng đi ban B như anh, tại nghe nói đi ban toán dễ thi đậu.

Cả hai cùng đoán lầm, thế là huề. Sau đó Thụy hỏi ngay qua chuyện khác:

-Anh ở đây cũng đã lâu?

-Từ lúc mới qua.

-Thành phố cũng hơi nhỏ. Chắc phải có gì mới giữ chân anh lại?

Hài bật cười thành tiếng:

-Chị muốn nói... một người yêu?

Hài có lối nói thẳng không lòng vòng. Thật ra, Thụy không có một ý tưởng gì trong đầu, mà chỉ hỏi bâng quơ thế thôi. Hài chẳng đợi câu trả lời, giải thích ngay:

-Một cái giốp. Tôi đã ra trường ở UW và đã được giốp ở đây. Chạy xuống Seattle thì cũng không xa lắm, như chị thấy đó. Cũng chẳng có bạn bè ở đâu nên không muốn thay đổi. Ở lâu, có đi chơi đâu xa, về lại thấy nó dễ thương gần gũi. Xứ người thì ở đâu cũng vậy thôi. Dù sao, ở đây còn có gia đình chị Dụ Còn chị?

Hài quay lại hỏi Thụy. Nàng nghe mà không hiểu Hài muốn biết gì. Một người yêu, một cái giốp, hay nơi chốn nàng ở?

Hài cười, đợi chờ. Nụ cười nhẹ để lộ chiếc đồng tiền trên má phải mà mãi đến lúc này Thụy mới để ý. Đàn ông mà có đồng tiền trông lạ hết sức!

-Bố con tôi đã “move” qua ba tiểu bang trong vòng hai năm đầu. Ở đâu bố tôi cũng bảo không phải là nhà. Mấy năm sau không đòi đi nữa vì tôi có giốp chắc chắn bảo bố có đi thì đi một mình, không ngờ có hiệu quả, ông bảo đi một mình thì nói chi.

-Rồi chị sẽ thấy thích thành phố này.

Thụy có nghe nhưng nàng không nói gì.

Xe chạy bon bon, êm ái. Gió hiu hiu luồn vào xe, gió mùa hè dễ chịu. Thụy nhắm mắt, trong giây phút nàng đã quên hẳn Houston, bố, giốp diếc và quên cả... Phan! Một cảm giác nhẹ nhõm làm Thụy đến đỗi ngạc nhiên. Như là ta đang làm một chuyến chạy trốn, bỏ đi, ngạc nhiên hơn nữa, Thụy lại còn nghĩ... đáng lẽ ta phải làm việc này từ lâu. Sao ta lại chẳng có ý nghĩ này?

Bên cạnh, Hài vẫn lẳng lặng lái xe. Hồi lâu Thụy mở mắt và hỏi:

-Em của Du, sao không bao giờ nghe tên?

-Em họ, con bạn dì. Tôi học ở Đại học Cần Thơ.

Thụy cũng nghĩ ngay đến một người cũng xuất thân từ trường đại học này.

-Thì ra vậy! Chắc anh ít về Sàigòn? Vì tôi chơi thân với Du mà chẳng bao giờ gặp anh ở nhà nó cả.

-Mỗi lần về, tôi hay lông rông ở nhà bạn bè. Nên chị làm sao gặp tôi được.

Du mừng rỡ khi gặp lại bạn cũ. Nắng chiều làm Thụy chói mắt chưa nhìn thấy Du, nhưng Thụy đã nghe tiếng Du ồn ào từ xa:

-Con khỉ! Chờ cả buổi!

Thụy cười lớn:

-Mi nói nghe lạ chưa. Máy bay đến đúng giờ đó chứ.

Du vẫn kêu lên:

-Tao cứ chờ hoài sốt cả ruột!

Thụy trêu bạn:

-Hay đợi cả mấy tuần nay rồi?

-Chắc vậy.

Hai người bạn cũ ôm choàng lấy nhau. Niềm vui vỡ òa. Cho thỏa nỗi nhớ. Du vẫn mũm mĩm tròn trịa, không mập thêm, không ốm đi, vẫn ồn ào, liến khỉ như thuở nào. Có bạn đến thăm, Du vui quá, cô quýnh quáng, lăng xăng, cùng một câu nói cứ lập tới lập lui mà không hay.

Mẹ Du đứng bên cửa đón Thụy, hiền từ hỏi:

- Đi đường mệt không cháu?

Thụy lễ phép trả lời:

Đạ không, bác.

Mẹ Du săn sóc, nói:

- Đi tắm rửa rồi ăn cơm. Bác trai cũng gần về rồi.

Đạ.

Thụy theo bạn vào phòng, căn phòng của Du nằm tận phía sau, cửa sổ nhìn xuống con dốc nhỏ và những cây thông cao. Hai màu xanh của bầu trời và cây cỏ làm tâm hồn Thụy nhẹ nhõm dễ chịu. Thụy nhớ đến câu nói của Hài về thành phố này. Rồi chị sẽ thấy thích thành phố này.

-Sao, Hài có bắt mi đợi không?

-Không, nhưng tao rủa thầm con quỷ Du ở đâu, bộ tính đem con bỏ chợ hở.

Đầu óc Du vẫn như theo một việc gì khi hỏi:

-Ngoan hả?

Thụy buông mình trên chiếc giường, ngớ ngẩn:

-Ai?

-Hài ! Hắn dễ thương phải không? Du hỏi dò xét.

-Mới nhìn sao biết được. Nhưng mi lại toan tính gì nữa đây?

-Hắn cu - ky một mình, giới thiệu... mi cho vui?

Thụy phá lên cười:

-Hèn chi mi vờ bận rộn để cậu em đi đón tao. Mi định làm mai nữa, hết anh rồi tới em. Mi định làm mai em mi cho tao?

Du tỉnh bơ với giọng tưng tửng:

-Em họ mà. Hắn hơn tuổi mi, cứ trông hắn cao hơn mi cả cái đầu thì biết. Hài hiền khô à!

Nhưng Du quên mất một điều, Thụy nhắc:

-Còn Phan đó chi?

Nhưng sao lại nhắc đến Phan lúc này? Thụy muốn trở về với ngày tháng còn cặp sách mơ mộng hồn nhiên, vui đùa bên đám bạn, mà đôi lúc cũng có lo nghĩ về tương lai nhưng thoáng thôi. Tuổi ô mai ấy sống nhiều với sách vở, giả vờ như đang trải qua thú đau thương nhưng chưa biết thú đau thương là gì, tưởng tượng cốt chỉ để là đẹp, làm dáng ở tuổi chưa thật sự vào đời.

Thụy vụt ngồi dậy:

-Mà thôi, chuyện dài dòng lắm, lúc tiện sẽ kể cho nghe.

Du đưa tay nắm hai vai bạn:

-Ừ, còn ở đây chơi lâu mà. Thụy này, cám ơn mi đã qua thăm tao. Như món quà đặc biệt mà không có gì quý hơn... thôi đi tắm một "miếng" cho mát rồi ăn cơm.

Bỗng Thụy thấy có gì là lạ. Căn nhà yên tĩnh quá. Thụy lắng nghe tìm kiếm một âm thanh quen thuộc. Thì ra vắng mấy ông anh của Du, vắng chị bếp, bà vú, anh tài xế, con mèo ( hay meo meo quanh quẩn theo chân Du, tò mò đến cào cào chân Thụy làm quen).

Hiểu ý , Du nói:

-Ba tao đi làm cũng sắp về rồi. Nhà vắng vẻ như thế đó, có khác nào nhà của Mỹ phải không? Không biết Thụy mi còn nhớ anh chị Nguyên không, đã kẹt lại những ngày cuối ở Nha Trang, không qua được đây. Anh Minh ở Cali, vẫn chưa vợ con, ít về đây lắm, ông ấy bây giờ thật khó bắt lấy vợ. Còn anh Mẫn thì ở Denver, mi biết rồi. Tháng trước anh chị gởi cho coi tấm hình thằng cháu tao, cu cậu thật kháu khỉnh, đôi mắt lanh lắm và có mấy cái răng nhỏ xiu xíu như răng chuột.

Nói tới đây, Du gợi lại chuyện mai mối ngày trước, rồi chắc lưỡi:

-Tại tao mai mối dở quá, không mát tay!

Đu à, phải đổ thừa, tại không có duyên chứ! Thụy cười.

Ở bữa cơm, mẹ Du gắp thức ăn cho Thụy, nói:

-Sao cháu không qua đây chơi luôn, Du nhắc cháu hoài? Chắc chỗ cháu ở vui hơn?

Biết nói sao đây, đời sống Mỹ có trăm ngàn thứ bận, mà chẳng việc gì... quan trọng cả. Mỗi lần Du qua Houston thăm Thụy, bố Thụy cũng hỏi như mẹ Du vừa hỏi. Hai cô chỉ biết cười trừ.

-Bác cũng muốn về xứ nắng ở, mẹ Du nói tiếp, nhưng còn kẹt công việc làm của bác trai, già cả rồi chịu lạnh không thấu, bác bị phong thấp nên chưn cẳng nhức mỏi luôn. Cháu thấy ở xứ này khổ không. Như bị tù đày...

Du nháy mắt Thụy như khuyên nên đổi đề tài, và có lẽ, Du cũng đã nghe mẹ than thở nhiều rồi, Du sợ phải nghe lần nữa.

Thụy cũng bùi ngùi nói:

-Tụi cháu cũng buồn. Nhưng nghĩ lại còn biết bao nhiêu người trẻ đang bất hạnh bên nhà, hiện tại cơ cực và tương lai mù mịt, để thấy mình còn may mắn.

Cơm nước xong thì trời vừa tối, bố mẹ Du ngồi coi TV ở nhà ngoài, hai người bạn nằm trong phòng tâm sự, kể lể đủ thứ chuyện. Mà vòng vo thì cũng những thứ ấy chuyện. Chuyện Việt Nam: thuở đi học Nguyễn Bá Tòng, ăn quà vặt - bún thang, bún chả, bún ốc ở chợ Bến Thành, chợ Tân Định, phở gà ở Trương Tấn Bửu, bánh cuốn nóng chả lụa ở trước rạp hát Văn Lang cũ, phở, hột vịt lộn rao bán trong cư xá những tối học thi - ăn giỏi quá nên những ngày mới qua mới khổ vì nhớ đủ thứ không có mà ăn. Thụy còn thèm ăn xôi vò cho vào chén chè táo soạn ( chè bông cau) do mẹ Du nấu. Bà khéo tay, thích bếp núc nên dù có nhiều kẻ ăn người làm, bà cũng tự tay hay coi ngó. Thụy tạt qua nhà Du hầu như hằng bữa, đi đâu cũng xẹt ngang một chút. Cứ thấy Thụy là mẹ Du lại hỏi... ăn gì chưa cháu, để bác kêu chị bếp dọn cái gì cho cháu nha?

-Thụy nè, còn nhớ món cháo gà má tao vẫn nấu không?

-Nhớ chứ, tao thích rắc thật nhiều tiêu. Cay thật cay.

-Ở đây má tao hay nấu món này hoài. Xứ lạnh ăn vẫn còn thú, nhưng nói vậy chớ nhà vắng ăn cũng không vui như ngày xưa.

-Ăn gỏi gà không thể thiếu rau răm.

Đĩ nhiên, ở đây tao cũng trồng một mớ tốt tươi lắm, mùa đông phải bứng đem vào nhà để giữ giống. Có năm quên, mất giống, phải đi xin lại.

Thụy khoe:

-Ở bên tao còn trồng được cả sả, rậm rạp như đám rừng!

Du than:

Đạo mày gởi qua hai cây, để trong nhà, nứt được vài tép thì chết queo! Trồng ở ngoài cũng không có nắng đủ. Mùa nắng ngắn quá!

Trăng chênh chếch trên ngọn thông, chiếu vào phòng. Thụy nói:

-Không biết có rằm hay không mà trăng sáng quá? Không để ý ngày ta nữa, đêm nào có trăng thì biết có trăng, thế thôi.

-Tao cũng vậy, mà trời lạnh, lại đâu có rảnh mà ngắm. Học hành chữ nghĩa rồi giốp giếc làm mình chạy điên cái đầu!

Nhà lạ hay ánh sáng trăng sáng quá làm Thụy cứ thao thức, rồi mãi đến gần sáng mới chợp mắt được. Khi Thụy thức giấc thì mặt trời đã lên cao. Thụy ra bếp tìm Dụ Du đã dậy sớm, đang nấu nước để pha cà phê, thấy Thụy, lên tiếng hỏi:

-Ngủ được không Thụy? Làm ly cà phê sữa nhé?

Thụy ngồi xuống ghế:

-Cũng hơi khó ngủ một chút. Chắc lạ nhà!

Rồi nhìn ra ngoài vườn Thụy nói:

-Ở đây buổi sáng yên tĩnh dữ!

Du đồng ý:

-Thành phố nhỏ nên êm đềm như vậy đó. Dân tình cũng tà tà.

-Mày giống tao mỗi buổi sáng phải làm một ly cà phê thì mới tỉnh táo nổi.

-Thì dân Mỹ hết rồi mà.

Ăn sáng xong, Du lái xe chở bạn đi một vòng thăm thành phố nhỏ.

Thụy trầm trồ:

-Cỏ cây ở đây xanh mướt quá, mơn mớt quá!

Du cho biết:

-Tiểu bang mang danh ngàn năm xanh mãi mà, “Evergreen State”. Có đủ bốn mùa. Mùa thu lá trở vàng ngập hai bên đường thật thơ mộng.

Thụy ngắt lời bạn:

-Hôm qua Hài cũng nói như vậy.

-Thế hả? Đẹp lắm. Cứ nghĩ nếu có mi, mi sẽ bảo con đường tình của chàng và nàng. Sang đông giơ những cành khẳng khiu trơ trụi, mùa đông tao sợ tuyết, đẹp thì có đẹp nhưng lái xe đi làm nguy hiểm quá. Mùa xuân xanh tươi, lộc non đâm chồi. Rồi tháng tư, sau mùa lễ Phục Sinh, thời tiết ôn hòa, thủy tiên vàng, uất kim hương đỏ ngập tràn những vùng thung lũng. Con cháu dân Hòa Lan đến đây sinh sống bằng nghề trồng bông, nên tiểu bang Washington này sản xuất uất kim hương (tulips)) đứng đầu nước Mỹ, nổi tiếng trên khắp thế giới chỉ đứng sau Hòa Lan. Hằng năm từ cuối tháng tư cho đến hết tháng năm, ở vùng thung lũng La Conner chỉ cách đây vài dặm về hướng Bắc, có tổ chức đại hội hoa. Phải tới tận nơi mới thấy được vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng của những cánh đồng hoa mênh mông bát ngát. Hãy hình dung nắng vàng chiếu lóng lánh xuống cánh đồng hoa... Ở cuối chân trời là dãy núi thấp? Tulips có đủ loại màu, hình như không thiếu màu nào, có đỏ thẫm và đỏ màu máu con tim. Ê, bộ tính cười hả, đừng tưởng tao không văn hoa, tao cũng cải lương ướt át như ai.

-Mày thay đổi quá, Du ơi!

Du cười giòn tan:

-Mày chưa biết hết đâu. Giờ tao còn thuộc cả thơ của ông Nguyễn Công Trứ. Phải tập hưởng nhàn như ông mới được. Ổng chỉ ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bạch mà đã vui. Ổng nói là Biết đủ tạm đủ, chờ cho đủ, biết bao giờ mới đủ...

Du tiếp tục nói, và Thụy trố mắt nhìn bạn. Trời ơi, cái con bé lơ lơ lãng lãng của Thụy. Ngày xưa, trông nó mút cây cà rem ở trước cổng trường mà tưởng cây cà rem của nó lúc nào cũng ngon hơn của mình. Đi bát phố cả buổi không cần mua sắm gì, có cây cà rem nhâm nhi nơi ghế đá nhìn thiên hạ đi qua đi lại... đã thấy đời quá đủ hạnh phúc. Một lần viết thư cho Thụy, Du đã nói như vậy. Té ra, Du dễ dãi với đời sống hơn Thụy, Thụy khuôn khổ, đòi hỏi quá nhiều nên sống nặng nề khó thở. Còn quan niệm của Du là, việc nào phải làm thì làm, không làm được thì thôi, nói cho cùng, mọi việc dù có to lớn vĩ đại tới đâu, hay nhỏ nhen lặt vặt đến thế nào, rồi thì cũng như bọt biển mà thôi, vì đời người ngắn ngủi quá!

Trong những ngày ở chơi, Thụy và Du đã sống lại những tháng ngày xưa cũ, đi bát phố, ăn quà vặt, nhắc lại thời Nguyễn Bá Tòng, lớp học, bạn bè, thầy cô, những con đường, những nơi chốn quen thân. Hai người đi shopping. Khu thương mại nào cũng giống nhau thế thôi, nhưng đâu có cần mua sắm gì, có nhau đã thấy đủ ấm áp, chân tình. Có phải tại cả hai đều không có chị em gái nên họ là cánh tay phải cánh tay trái của nhau? Những ngày mưa buồn, Du nhớ Thụy nhiều hơn là nhớ đến các anh.

Du đưa Thụy xuống thăm con dốc nhỏ. Một con lạch chạy quanh cọ Ngồi bên bờ cho vịt ăn. Nắng nhẹ và gió mát. Thụy kêu:

-Trời ơi! Thấy lòng thanh thản dễ sợ, lúc này thì không nghĩ đến công danh sự nghiệp gì nữa hết, chỉ nhớ tới cái thú hưởng nhàn của người xưa thôi.

Du cười nói nhỏ:

-Về đây ở với Du đi!

Thụy vội nói ngay, nàng còn thực tế lắm:

- Đâu đơn giản như thế đâu, mi biết mà. Cái giốp ở đâu là phải theo đó, đâu phải hứng là đi, rồi Thụy than thở, giốp chỉ là phương tiện sống sao lại làm tao nghĩ luôn luôn, chiếm hết cả đời sống, lúc ăn lúc ngủ. Ở một chỗ cứ bám lấy cái giốp cho đến ngày nó chán mình nó sa thải mình, chứ buồn chán cũng không dám bỏ mà đi. Mình theo giốp chứ đâu phải giốp theo mình. Nếu mình thích cái giốp mà chủ nhân thích người khác, mình cũng chẳng làm được gì. Bảo là đi tìm giốp chứ thật ra giốp đi tìm mình, tìm người vừa vặn để trám vào cái giốp đó. Này Du, chờ trúng số rồi đổi chỗ ở, lúc đó không cần có công ăn việc làm nữa, chỗ nào vui thì ở, không vui thì đi. Có tiền thì ở đâu chẳng được? Mùa lạnh về San Diego hay Miamị Mùa hè thì Seattle, với thông ngàn và đồi núi, trời xanh và cây cỏ cũng xanh. Còn bây giờ thì cứ tiếp tục than vì còn đủ thứ “bill” phải trả! Chưa làm Phạm Thái được, chưa coi công danh sự nghiệp... nhỏ xíu được!(Phạm Thái trong truyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, sau khi giấc mộng phò Lê sụp đổ, người yêu tài hoa tài sắc Quỳnh Như đi lấy chồng và chết sớm, tráng sĩ thất chí uống rượu ngâm thơ ngồi câu cá... Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân.)

Du nói:

-Lâu lắm rồi tình cờ thấy một con chuồn chuồn kim, đúng là chuồn chuồn kim, nó mỏng manh như cây kim, thấy nó mà nhớ Việt Nam hết sức.

Thụy đưa chân xuống vọc nước. Nước trong mát, dễ chịu. Du nói tiếp:

-Tao bắt được rồi, Hài nói thôi thả nó đi, bắt làm gì. Hôm trước một đoàn xe ngừng chờ đàn vịt, mẹ dẫn con đang lúc thúc băng qua đường. Đám vịt này may mắn. Không thì nát xương. Mà không biết đi đâu lại dám qua đường lớn. Đám vịt con không biết đã biết bay chưa. Có lần Hài vô ý cán một con, cu cậu hối hận mãi. Tao hay chọc nói Hài ác quá. Thật ra, tại cái con vịt ngốc tới số, đang ở đâu lại bay sà xuống đường, trời cũng sập tối làm Hài thắng không kịp. Hài nó cứ bứt rứt là không biết con vịt xấu số đó chết đi có để lại bầy vịt con bơ vơ nào không.

Thụy ngạc nhiên:

-Không ngờ anh chàng cũng đầy tình cảm đến thế!

Du gật đầu:

-Ui chao! Chưa thấy tên con trai nào nhiều tình cảm như Hài . Và là một đứa con trai tốt, nó quan tâm về người khác, chị em họ mà nhiều cử chỉ nó săn sóc làm tao cảm động. Ngay cả con chim nó nuôi, nó cũng săn sóc cẩn thận. Tao nghĩ một người đàn ông như thế sẽ không làm khổ ai, vì nó không muốn sau đó chính nó cũng khổ mãi.

Thụy nhận xét qua một hai lần gặp gỡ, Hài hình như tương đối ít nói, như chỉ thích giữ kín những cảm nghĩ cho riêng mình, đôi khi bình thản, đôi khi nghĩ ngợi. Thụy không nghĩ là mình đã hiểu Hài, nhưng gần Hài , Thụy thấy tự nhiên, thoải mái, không buồn giữ kẽ hay làm dáng. Ý kiến không hẳn là phải giống nhau, nhưng không ai cho đó là quan trọng. Đôi khi thích thú một điều gì, Hài cười, tiếng cười thật tươi trẻ hồn nhiên, và Thụy thích tiếng cười làm biến mất những buồn phiền lo âu đó.

Du nhìn Thụy thật lâu, rồi nhắc lại ý định lúc đầu:

-Tao không biết nhiều về Phan, vì không nghe mi kể nhiều. Nhưng Hài là một người tốt, tao dám bảo đảm với mày.

Vẻ mặt Du nghiêm trang quá đi, lần này Du không cười. Ở Việt Nam Du đã làm mai một lần. Trong cuộc mai mối đó, gán ép đó, nó cứ toe toe kể ra những cái lợi (?) cho nó nhiều hơn, mà chẳng đả động gì tới hai nhân vật chính... là Mẫn và Thụy. Chẳng hạn sau đính hôn, Mẫn sẽ đưa Thụy đi chơi, và Du đi theo - đi với anh và chị dâu tương lai, thoải mái vui chơi, mà có bị la thì đã có người đỡ đòn -là bạn thân từ nhỏ, Thụy không thể một sớm một chiều thành bà chị dâu ác nghiệt, điêu ngoa được.

Hôm mới tới, Du cũng đã nói thẳng chuyện này, nhưng còn với giọng cười đùa trêu ghẹo nên Thụy không để tâm. Với lại trong mấy ngày qua hai cô đã hạnh phúc sống những ngày xưa thân ái cũ nên Thụy cũng không kể chuyện gì nhiều về Phan. Còn Du thì ngập ngừng cũng ngại, không biết có nên gợi ra chuyện lòng của Thụy nếu tự Thụy không muốn đề cập đến. Đã lâu Thụy không nói thêm gì về tình cảm của nàng. Qua điện thoại là những câu thăm hỏi thông thường vậy thôi. Đời sống hằng ngày có trăm ngàn thứ phải lo, Du bây giờ cũng lây kiểu Mỹ, có thấy gì thì để bụng chớ không hỏi han xía chuyện người khác. Du nghĩ bụng biện luận việc giới thiệu Hài và Thụy với nhau vì Du đều rất yêu mến hai người.

Thụy ậm ừ, lối nói của những kẻ lửng lơ cho qua chuyện:

-Ừ, Hài cũng dễ thương.

-Cũng dễ thương là sao? Dễ thương chẳng có nghĩa gì hết!

-Hài tạo cho mình cởi mở, tự nhiên.

Du ngắt lời:

-Và Hài cũng biết lo.

Du nói Hài là người tốt. Thụy lại muốn nhắc, Du cũng là người tốt vậy. Nhưng không hẳn Du đã hiểu Thụy bằng chính Thụy đã hiểu Thụy. Du sẽ không bao giờ hiểu tại sao cuộc tình giữa Thụy và Phan kéo dài đã lâu mà chẳng đi đến đâu, và họ cũng chẳng chịu xa nhau. Làm sao Du hiểu được câu nói hôm nào của Thụy, tao nghĩ là tao đã yêu Phan nhiều lắm, còn hơn tao tưởng, vì chỉ những người mà ta yêu nhiều là những người làm ta khổ, nhớ Triết đệ nhất không. Du đơn giản nghĩ rằng giới thiệu Hài cho Thụy thì Thụy sẽ có một đời sống hạnh phúc, nhưng đâu chắc đã thế. Du cũng chưa hiểu Thụy thì làm sao Du hiểu được cuộc tình của Thụy và Phan, và bây giờ gặp nhau đã không kể thì chẳng bao giờ Thụy sẽ kể. Du chỉ biết rằng tối đó khi Thụy gọi phôn cho Phan, giọng Thụy dịu dàng âu yếm lắm:

-Phan đó hả? Tối mai anh đi đón em được không? Lúc 7 giờ 30 ở gate 5, United Airlines.

Buổi sáng hôm sau ở hồ Greenlake, lúc liệng viên đá xuống hồ làm mặt nước yên tĩnh trở nên chao động, Hài hỏi giọng buồn buồn:

-Bao giờ chị lên chơi nữa?

Thụy tránh nhìn thẳng vào mặt Hài:

-Không biết.

-Nghe nói chị cũng ra Engineering?

Nhìn mặt hồ còn nhẹ đợt sóng, Thụy trả lời ngắn:

- Điện.

-Ở đây Boeing mướn nhiều điện. Lúc này con gái ưu tiên dễ bắt giốp hơn, hình như theo một tỉ lệ nào đó mà con gái ngành này vẫn chưa có đủ. Chị về đây đi -giọng Hài nhỏ lại - Ở cho vui.

Thụy nổi máu tinh nghịch, cười:

- Để tha hồ làm máy bay rớt hả? Làm ăn gì Boeing 747 dạo này rớt hoài?

Hài cũng cười, chống chế bênh vực cho chủ:

-Cũ quá thì rớt, chớ chị. Có chiếc “già” tới 20 năm. Cứ thấy máy bay của Boeing rớt hoài cũng có nghĩa là đa số máy bay trên thế giới là do Boeing làm. Boeing giàu to, orders nhiều quá trời!

-Vậy sao? Tôi ở xa không biết lại cứ tưởng là tại mấy ông kỹ sư Việt Nam!

Lần này, Du đưa Thụy lên phi trường. Du kể lại, Hài nói Hài không thích tiễn đưa. Thụy trả lời là nàng cũng hiểu như vậy, buồn lắm.

Chia tay, Thụy trìu mến nắm lấy tay bạn:

-Cám ơn Du đã cho Thụy những giây phút êm ả của đời sống. Đã cho Thụy cơ hội sống lại tháng ngày bình an xưa cũ. Về Houston, sẽ nhớ mãi nơi này, nhớ mi, nhớ bố mẹ mi, nhớ Hài, không quên đâu.

Thụy vừa nói vừa mếu máo. Nước mắt của Du cũng lăn dài xuống má. Du cố cười, nói:

-Tao cũng ghét tiễn đưa!