Làng như một dải khăn mỹ miều quấn quanh đôi vai thành phố. Mỹ miều bởi từ đầu làng đến cuối làng, từ những vườn rào ngăn cách nhà đến những ngôi mộ bạc thếch lác đác ở nghĩa trang, ở đâu cũng thắm thiết sắc mầu của hoa và hoa. Hoa sắp đặt mọi hoạt động của làng, từ sớm đến tối, từ năm này sang năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nhiều đời naỵ Mỗi sớm tinh mơ khi trời hãy còn nhá nhem, ba mươi phần trăm dân số của làng chuẩn bị gánh hoa về thành phố. Dọc theo con đường làng ngoằn ngoèo, những hình nhân phủ đầy bóng đêm liêu xiêu sáng dần, sáng dần, và sáng rõ mặt người khi chân trần chạm những bước đầu tiên lên mặt đường nhựa mát lạnh của thành phố. Đó cũng là lúc sáu mươi phần trăm dân lao động còn lại của làng tỉnh giấc dưới những mái nhà ấm áp tuềnh toàng. Một nửa chuẩn bị đón du khách xuôi ngược về thăm, trong khi nửa kia ra vườn tưới tiêu cho những đợt hoa tới. Mười phần trăm khác chính là đám con nít đang tuổi ăn tuổi ngủ nằm dài từ phản trong nhà đến sạp ngoài hè, im lìm như dế sau một đêm hát ca mệt nhọc, vừa ngủ vừa hít thở hương hoa để lớn lên mà không sợ ai đánh thức cả. Thỉnh thoảng, một tí đời sống công nghiệp chen vào làng với sự xuất hiện của đám thợ ảnh nghiệp dư trên phố. Bọn họ lựa những mùa nắng đẹp đem máy về, lăn lóc trong rơm rạ, loay hoay tìm cảnh tìm người để khi quay về phố, vun đắp lại cái lạc quan tìm kiếm một sự công nhận nào đó cho sự nghiệp của mình. Nhưng người làng thì không hề quan tâm đến việc đám thợ ảnh làm, lẫn những thất bại bất tận của họ, bởi quan trọng nhất đối với tất cả vẫn là việc được tận hưởng một cuộc sống bình yên.

Nhưng rồi đến một ngày lạ. Đầu tiên, những người ra vườn bắt gặp già làng ngồi trên thềm cũ, vừa đấm lưng vừa than nhức mỏi. Đó quả là chuyện hiếm gần cả trăm năm nay, nhưng mặc cho cơn nhức mỏi ấy càng lúc càng tăng khiến bà cụ không ngớt rên rỉ, thì bất thường đó vẫn cứ trôi qua trong sự thờ ơ đã thành tâm tính của những người quen sống trong bình yên. Không ai để ý đến chuyện đó cho đến tận chiều muộn, khi từ hướng thành phố, toàn bộ ba mươi phần trăm dân số bán hoa của làng chân trần tất tả quay về không quang gánh. "Làng không được trồng hoa nữa!" - Một người từ xa gào lên. Bụi đường làng cuộn theo những bước chân hối hả, khiến ánh mặt trời đang yếu dần hóa đỏ quạch như sốt. Trong khi đám con nít vẫn tiếp tục chơi những trò vô tư ngốc nghếch, thì sáu mươi phần trăm dân lao động trong làng dừng tay nghe ngóng. "Chỉ được trồng rau!". Những người từ phố về lặp lại. Lúc này, tất cả đã lấy lại bình tĩnh. "Các vị đùa không khéo rồi". Những người trong làng dừng tay, nhấp nước cười xòa. "Các vị tưởng đơn giản hoa chỉ để chơi thôi sao. Đó là thứ nuôi cả làng này đấy". Đám con nít thì vô tư hả hệ "A ha, trồng rau! Lạ quá, trồng rau!". Nhưng không cần mất nhiều thời gian để mọi người hiểu được chuyện gì đang xảy ra, và tất cả sau cười cợt là bàng hoàng, sau bàng hoàng là lặng yên. Tâm trạng của mọi người rối bời, nhưng duy chỉ có một thứ không đổi, không rối, đó là sự thật. Người thành phố đã quyết định thay cái khăn voan mỹ miều đang choàng trên cổ mình bằng một chiếc khăn mới, một chiếc khăn nhuộm xanh ngăn ngắt, xanh của rau chứ không mầu mè của hoa. Một quyết định đột ngột và đơn giản như ý thích của một thiếu nữ trái tính trái nết, trong một chiều ngồi bên cửa sổ, nhìn ra thấy mây bay ngoài trời và chợt muốn thay đổi một thứ trang sức của mình.

Trò õng ẹo này đã khiến dân làng phải họp hành nhiều đêm liền. Họ tìm cách thảo một bức thư thật thống thiết để mong thành phố thay đổi cái quyết định ấy. Tùy vào số phận công việc mà mỗi người đề xuất ý kiến của mình. Trong khi đám trẻ con chưa đủ quyền phát biểu, ngồi im lìm trong góc vì nhận thức được rõ ràng rằng chúng sẽ lớn chậm đi bởi mùi hương hoa đã được thay bằng một thứ mùi khác hẳn, thì ba mươi phần trăm dân số chủ lực của làng lại hết sức quyết liệt, "Chúng tôi cần hẳn năm trang để trình bày thiệt hại do không bán hoa". Ba mươi phần trăm khác tỏ ra không hề kém cạnh khi tuyên bố họ cũng cần từng ấy trang để bày tỏ sự lo âu về việc du khách sẽ bỏ làng mà đi. Và những người hằng ngày làm công việc tưới tiêu thì cho rằng, số lượng từ ngữ ấy có lẽ không đủ để họ than vãn về một sự suy sụp tinh thần trong tương lai khi phải đối mặt với mầu xanh ngăn ngắt nhàm chán của rau hằng ngày. Cứ như thế, sau nhiều đêm thảo luận, cái đơn thống thiết được hoàn tất, nhưng dài đến nỗi nhiều người phải lo ngại rằng, chính những người có thiện cảm nhất và kiên nhẫn nhất cũng khó có thể dành tâm trí và thời gian đọc hết. Nhưng khi sự cương quyết đã được định hình trên giấy trắng mực đen với chữ ký, lăn tay của đầy đủ dân làng thì như mọi lần, việc cuối cùng họ cần làm là truyền thống hóa nó bằng cách đệ trình lên người cao tuổi nhất. Bà cụ già đến đỗi từ lâu đã không còn xác định được tuổi tác nữa, nay cố gắng kìm nén chứng đau lưng đang hoành hành, lắng nghe đám con cháu trình bày sự vụ. Nhưng chỉ mới được nửa trang đầu tiên thì bà cụ gạt phắt mà bảo: "Các con chỉ cần ghi một câu đơn giản thế này là người vô tâm nhất cũng phải động lòng: Thưa ngài, trồng hoa đối với chúng tôi, là văn hóa".

Hết sức tỉ mỉ, dân làng gấp cái thư dài hàng chục trang cùng câu kết cực kỳ lịch thiệp ấy vào chiếc phong bì có tẩm hương sản phẩm của làng mà gửi đi. Những ngày chờ đợi cứ lặng lẽ trôi qua với sự nhạt phai niềm tin của dân làng vào những lý lẽ của mình, bởi tính thực dụng thô thiển của nó, và họ dần chuyển sang trông mong vào sức nặng chân lý của nhận xét duy nhất mà bà cụ đưa ra, cái nhận xét giản đơn mà họ thấy ngày càng tỏ ra hợp lý và nhân bản. Nhờ đó, mọi người mới nhận ra người đàn bà héo quắt này từ lâu đã chính là phần hồn của làng, và họ bắt đầu thay phiên nhau chăm sóc chứng nhức mỏi mà bà cụ vẫn than vãn gần đây. Họ cảm thấy rằng, sự tồn vong của làng bằng cách này hay cách khác hình như được thể hiện ở sự vui đùa của gió lên cỏ cây, hay ở sức khỏe của bà cụ. Và hình như đã từ lâu, cái chết tránh xa làng này bởi có bà cụ, hiện thân của sự bất tử đang ngồi đó. Bởi ngay từ ngày đầu sinh ra bà đã được sống giữa hoa, trải qua thời xinh đẹp với hoa, và qua năm tháng, hoa đã thấm đẫm vào để biến bà trở thành văn hóa của làng. Mà văn hóa thì không bao giờ chết cả. Cứ như thế, đám người mê muội bám vào niềm tin ấy mà sống vô tư với những công việc cũ, không hề bận tâm đến ngày cuối cùng của làng hoa đang đến gần, không hề biết những ngày bình yên ấy đang trôi nhanh, và những cuộc đời của họ đã được đưa vào một cuộc thử nghiệm vĩ đại một cách vô tư và đơn giản đến nỗi không phải ai cũng nhận thấy được, ngay chính người già nhất, hiểu đời nhất cũng không thể nào ngờ. Bởi người già thì luôn tin vào kinh nghiệm sống của mình, trong khi ngày nay mọi việc được giải quyết bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa những con người sắp hóa thành máy với những chiếc máy vi tính có công suất mạnh đến độ chỉ sau một nhấn nút có thể cho ngay kết quả một phép tính cực kỳ phức tạp mà con người bình thường phải mất hàng ngàn năm mới làm xong.

Cái thư trả lời có đính kèm bản in những tính toán bằng máy vi tính được gấp làm tư bỏ trong một phong bì lạnh tanh không có hương hoa gì cả. Không cần đến những chiếc máy cực mạnh, lá thư cũng dư sức chỉ ra cho thấy những ích lợi về kinh tế và dinh dưỡng mà rau có thể mang lại, ví dụ như chất sắt. "Trẻ em chúng ta đang thiếu chất sắt". Một câu trong thư nói, giải thích vì sao cần phải bỏ hoa mà trồng rau. Trẻ con nghe và hài lòng. Tiếp theo, "Rau cần nhiều nhân công hơn là hoa", một câu khác giải thích, "điều này được tính toán để tạo công ăn việc làm chính đáng cho mọi người". Những người tưới tiêu và chuyên tiếp đón du khách cảm thấy hài lòng. Lá thư cũng chứng minh cho thấy thu nhập từ rau không kém gì từ hoa khiến những người sớm sớm gánh hoa ra chợ cũng vui vẻ nốt, bởi "người ta ăn được rau nhưng không ăn được hoa", lá thư kết luận, "đó chính là tính bền vững lâu dài của nghề trồng rau". Cả làng như trút được gánh nặng. Mọi người lại hể hả cười nói. Ở đâu mọi người cũng hăm hở nói về rau, về những dự tính phát triển dựa trên sản phẩm mới đầy triển vọng này. Nhưng trong một góc tối tăm, bà cụ linh cảm được những gì đang đến, mắt long lanh nước, bà hỏi: "Thế người ta trả lời như thế nào về văn hóa?". Lá thư được đem ra đọc lại. Đây, có lẽ câu này đây, những cái máy bảo rằng, văn hóa hay truyền thống là do thời gian lâu dài mà hình thành nên. Rằng đã có văn hóa hoa, thì rồi cũng sẽ có văn hóa rau. Rằng đã có tên làng Hoa thì rồi cũng sẽ có tên làng Rau. Thế hệ này chưa hình thành nên một kiểu cách văn hóa mới, thì sẽ có một thế hệ khác nối tiếp. Nhưng dường như để an ủi những người bảo vệ văn hóa cũ một cách mù quáng chớ có ầm ĩ, lá thư nói tiếp với một tinh thần trách nhiệm cao: "Chúng tôi sẽ điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Bởi đây mới chỉ là bước thử nghiệm".

Đó là một cuộc thử nghiệm vĩ đại, bởi nó huy động tất cả những gì mọi người đang có. Mọi người vô tình hay hữu ý đều đóng góp phần mình vào đó. Hữu ý, ấy là tất cả những hàng rào hoa ngăn cách giữa những nhà được tháo xuống để trồng dây leo. Đất được cày xới lại đánh bật gốc cũ để vun thành những luống trồng dây lang, dây muống. Mỗi sớm mai, đầu làng cuối xóm vang lên những lời gọi nhau ra chợ. Ba mươi phần trăm dân số của làng gánh những bó rau tươi lỏ rỏ nước theo từng bước chân thoăn thoắt trên đường làng lên phố. Thành phần cư dân còn lại, sáu mươi phần trăm, đều dành cho việc tưới tiêu, không chỉ do từ lâu du khách đã vắng bóng nhiều, mà còn do họ đã tìm thấy được niềm vui thú khi làm chung bên nhau. Đám trẻ con xưa nay đã lớn nên không còn ngủ dậy muộn mà chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động của làng, trong khi đám trẻ con mới từ khi ra đời được chập chững giữa rau và rau, đã tỏ ra thích nghi thật dễ dàng, bởi chúng chưa hề biết hoa là gì. Nhưng đóng góp vô tình mới to lớn nhất, đó chính là thời gian của mỗi người. Mỗi người đóng góp một mẩu cuộc đời mình. Cuộc thử nghiệm càng dài, cái mẩu ấy hóa thành miếng tọ Nhưng không ai nhận thấy mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày trôi qua trong cuộc thử nghiệm ấy chính là thời gian cắt ra từ cuộc đời vốn đã ngắn hạn của mình cả. Vì kiểu đóng góp này không được đề cập đến một dòng nào trong lá thư ấy, và cũng bởi vì thời gian là một thứ gì đó quá mơ hồ và nhạt nhẽo mà nếu đưa vào máy thì chỉ làm hỏng thêm những công thức đã được định sẵn. Cuộc sống cứ như thế mà trôi đi. Làng không còn hương hoa nữa nhưng ai cũng tin rằng trong cơ thể mỗi người đều có thêm chất thép của rau, và một loạt chất nào đó, cho dù họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thấy được nó, hiện hình ra sao trong cơ thể mình. Những tay thợ ảnh lại tiếp tục về làng với đề tài mới và lần này họ đã thành công bất ngờ. Đời sống văn hóa của làng bị khuấy động với những giải thưởng được trao cho loạt ảnh đầu tiên chuyên đề về rau.

Khi mà dân thành phố hầu như đã an phận chấp nhận rau xuất hiện rộng rãi trong đời sống của mình (với những đám cưới có cổng chào và xe kết bằng rau xanh ngăn ngắt) thì những cái máy tính đời sau nhờ có công suất mạnh hơn nên làm một chuyện động trời đảo lộn tất cả. Sau khi tính toán những phép tính mà người trần mắt thịt có tỉ mỉ hàng triệu năm cũng chưa làm xong, thì một cái thư khác được gửi đi. "Nay thì bỏ rau trồng hoa". Kèm theo đó, cũng như trước đây, là một bản phân tích tỉ mỉ lợi ích kinh tế của cuộc chuyển đổi này, rằng tuy trẻ em được thêm chất sắt, nhưng chúng lại bị suy nhược thần kinh do thiếu ngủ. Về tài chánh, việc mất đi khoản tiền du khách thường đem về khi thăm thú làng hoa đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố. Không chỉ thế, năng suất lao động của dân thành phố giảm. Họ bị stress bởi sống trong một không gian buồn tẻ của một thành phố quanh năm suốt tháng khô khan với những con đường nhựa chạy dưới nắng, với những ngôi nhà méo mó không tính cách và mòn mỏi. Kết luận là, cũng như một thiếu nữ tính khí bất thường, nay thành phố muốn thay chiếc khăn voan nhàm chán của mình bằng một chiếc khác rực rỡ hơn. Quan trọng nhất là những cái máy mới này đã cảm được một điều khác. "Đây là làng văn hóa". Cái thư nói rõ ràng như thế, hơn thế nữa, thư còn khẳng định ở một dòng khác có gạch dưới, "Một làng văn hóa của hoa". Những tay chụp hình lại đổ xô về làng ngay từ khi dân làng bắt đầu công cuộc phá bỏ những luống rau đầu tiên, với hứa hẹn đem về cho làng những danh tiếng khác thông qua một loạt giải đang được thành phố tổ chức nhằm khích lệ việc khôi phục một ngành nghề cũ. Dân làng sau một hồi ngơ ngác, đã ngoan ngoãn chấp nhận quyết định này một cách bình tĩnh với sự dày dạn của một thế hệ từng trải qua nhiều sóng gió. Họ lặng lẽ phân công nhau chăm chắm trồng hoa trở lại mà không hề tự hỏi liệu sẽ có những đổi thay nào khác nữa không. Nhưng lần này có lẽ hoa sẽ theo họ suốt đời, bởi trong lá thư có một kết luận chính thức, và thoải mái: "Cuộc thử nghiệm đến đây là kết thúc".

Rất nhanh chóng làng lại trở thành một dải khăn nhiều sắc mầu, bởi đất làng dù sao cũng chỉ hợp với đặc sản hoa mà thôi. Cùng với những tấm ảnh về hoa được trao giải nơi này nơi nọ, du khách đã biết làng hoa hồi sinh và quay trở lại với những túi tiền hào phóng. Thành phố như một phụ nữ trải qua nhiều sương gió, lấy chồng rồi bỏ chồng, nay đã biết nên dùng mầu khăn nào để hợp với mình. Những lứa trẻ con mới ra đời tiếp tục được ngủ mê man suốt ngày, ngửi hoa mà lớn lên, trong khi cơ cấu lao động của làng cũng không có gì thay đổi, với những người dậy sớm gánh hoa ra chợ, những người dậy trễ hơn lo tiếp đón du khách và tưới tiêu. Tất cả nhanh chóng hưởng lại cuộc sống thanh bình xưa kia, cùng sự vô tư như là đặc tính của họ nhằm duy trì một đời sống bình yên. Nghĩa cử có tình nhất mà họ có thể có được, là ngày ngày đi rải một lượt hoa tươi trên những ngôi mộ cũ xưa trong nghĩa trang nhưng không mảy may nhớ nằm lẫn giữa những nấm mồ vô danh kia là nơi yên nghỉ của một người từng là biểu tượng văn hóa của làng. Một người sinh ra giữa hoa, lớn lên với hoa, xinh đẹp và già nua đi với hoa. Con người đã từng là biểu tượng của sự bất tử ấy, trong những ngày cuối đời đã sống với một nỗi tuyệt vọng rằng, hoa của bà đã bị rau thay thế mãi mãi. Cũng may, quãng đời thử nghiệm ấy của bà chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi mà mọi người rồi sẽ quên đi.

Hết