Tập 1

Buổi chiều, trời nhạt nắng, mấy chiếc môtô hai trăm năm mươi phân khối vượt tốc xuống cầu Rạch Miễu. Vào quốc lộ, họ dừng lại ở quán nước mía nhỏ.

Bằng Sơn lại ghế ngồi ngay. Anh thở:

– Mệt quá! Hôm nay chắc phải thuê khách sạn ở lại đây rồi.

Bảo Lâm cười:

– Phải vậy rồi. Đua từ trưa đến giờ, tao mệt đừ.

Bằng Sơn chợt hất mặt về phía Vũ Danh:

– Mày xem thằng Danh kìa. Nó nhìn gì mà ngơ ngẩn vậy?

Bảo Lâm đập mạnh lên vai Vũ Danh:

– Thằng khỉ già! Mày nhìn gì mà con mắt muốn rớt xuống đất luôn vậy?

Vũ Danh quay lại, mặt ngơ ngơ như bị hớp hồn:

– Có gái đẹp.

– Hả?

Cả Bảo Lâm và Bằng Sơn đều trố mắt:

– Đâu?

– Đâu?

Vũ Danh bưng ly nước mía ực một hơi:

– Cô nàng ... vạn thọ đó.

Bằng Sơn nheo mắt:

– Cái gì mà vạn thọ?

– Cô nàng tưới vạn thọ đó. Đẹp ác luôn.

Bảo Lâm gật gù:

– Cô ta đẹp quá mày ơi! Đẹp thật đó!

Bằng Sơn chép miệng:

– Con gái thôi mà, tụi bây làm gì mà dữ quá vậy?

– Con gái nhưng đây là gái đẹp.

– Đẹp hay độc gì đối với Bằng Sơn này cũng là chuyện nhỏ. “Sát thủ hoa hồng” chỉ cần nói vài câu thì hoa hồng đó sẵn sàng tình nguyện dâng tặng trái tim cho ta thôi.

– Ọe ... Trời! Mày nổ cũng vừa thôi chứ.

– Mày không tin tao à?

– Mày giỏi.

Bảo Lâm chợt nháy mắt:

– Ê! Tao có trò này hay lắm nè.

Cả ba tụm đầu lại:

– Trò gì?

Bảo Lâm cười tinh quái:

– Tao đố thằng Sơn làm quen được em gái đó. Nếu nó thắng, tao chịu thua một chầu nhậu.

Bằng Sơn sáng mắt:

– Là mày tự nguyện nói ra nha.

– Ừ! Nếu mày thua thì ngược lại.

– OK! Chờ chung độ đi cưng!

Bằng Sơn vừa dứt lời. Anh băng nhanh qua phía cô gái. Không hiểu hai người nói gì với nhau mà rất lâu.

Lát sau, Bằng Sơn quay lại. Anh cười tươi:

– Xong chuyện.

Bảo Lâm nghi ngờ:

– Mày làm quen được rồi sao?

– Dĩ nhiên.

– Sao không rủ cô ấy qua đây? Vậy mới tin được.

– Cô ấy ngại ... tao biết tên rồi nè. Vậy xem như thắng.

– Cô ấy tên gì?

– Quỳnh Hương.

Bảo Lâm nheo nheo mắt:

– Tao lấy gì để tin mày đây?

– Mày gọi thử đi!

Bảo Lâm cười:

– Được.

Quay về phía cô gái. Anh bắt tay làm loa:

– Quỳnh Hương!

Cô gái ngẩng đầu lên rồi vẫy tay chào anh. Bằng Sơn đắc ý:

– Đó! Mày thấy chưa? Chịu thua chưa cưng?

– Tao đã nói tao là “sát thủ hoa hồng”.

– Đáo để thật.

Vũ Danh chen vào:

– Đã phân thắng thua rồi. Khi nào về thành phố thì tính. Giờ đi thuê khách sạn đi. Tối ngủ ngoài đường bây giờ.

– OK!

Bằng Sơn quay về phía cô gái. Anh gật đầu như chào cô.

Vũ Danh vỗ vai bạn:

– Đi thôi. Quyến luyến gì nữa?

– Ừ! Đi thì đi.

Ba chiếc xe phân khối lớn lại thi nhau chạy. Họ để lại làn bụi sau lưng.

Quỳnh Hương nhìn theo lắc đầu:

– Đi cướp hay sao mà chạy dữ vậy?

Buổi tối, Bằng Sơn nằm trên giường. Anh cứ tủm tỉm nhớ lại câu chuyện lúc chiều khi gặp Quỳnh Hương:

– Cô ơi!

Quỳnh Hương đang tưới vạn thọ, cô ngẩng đầu lên:

– Anh là ai?

– Tôi là khách đi đường. Tôi có chuyện muốn hỏi thăm.

Quỳnh Hương dễ chịu:

– Anh muốn hỏi gì?

Bằng Sơn gãi gãi đầu:

– Tôi thấy cô rất giống một người bạn quá cố của tôi. Rất giống.

– Vậy sao?

Bằng Sơn cố làm ra vẻ quan trọng:

– Tôi nói thật đấy. Thú thật, người bạn đó đã qua đời. Cô ấy có nét giống cô.

Không biết hai người có bà con với nhau không?

– Trời! Người giống người là chuyện thường thôi mà.

– Có lẽ vậy. Nhưng cô tên gì vậy?

Quỳnh Hương ngơ ngác:

– Anh hỏi tên tôi làm gì?

– À? Tôi chỉ muốn biết xem tên của hai người có giống nhau hay không mà.

– À! Thì ra là vậy. Tên của tôi là Quỳnh Hương. Còn cô ấy?

Bằng Sơn luýnh quýnh. Anh lựa đại một cái tên:

– Cô ấy tên ... Đông Thảo.

– Đông Thảo ư? Cây cỏ mùa đông lạnh giá.

– Bởi vậy số phận cô ấy cũng giá lạnh.

Quỳnh Hương chợt nói:

– Anh đã hỏi xong rồi chứ?

Bằng Sơn hơi khựng. Chỉ biết tên thôi thì chưa đủ bằng chứng để đám quỷ bên kia tin lời, Anh phải đi thêm bước nữa mới được.

Bằng Sơn cố tạo ra vẻ mặt tội nghiệp:

– Cô ơi! Tôi có thể nhờ cô một chuyện không?

– Là gì nữa?

– Thằng bạn của tôi ngồi bên kia cứ ngóng qua đây hoài.

– Thì sao?

– Thật ra, người bạn mà tôi vừa nói chính là bạn gái của nó. Thấy cô giống người xưa, nãy giờ nó nhìn qua đây hoài.

Quỳnh Hương thờ ơ:

– Vậy thì đã sao?

– Cô giúp giùm tôi chuyện này nha. Lát nữa nó gọi, cô làm ơn nhìn qua, cười với nó một cái giùm tôi nha.

– Trời đất! Sao lạ lùng vậy? Tôi phải làm mấy chuyện lạ lùng đó ư?

– Chỉ có cách làm như vậy nó mới hết ... bệnh tương tư.

– Nhưng anh ta gọi tôi hay không thì cũng thế thôi.

– Tại cô có phần không biết. Từ lúc bạn tôi qua đời, thằng bạn lại mắc bệnh trầm tư vì quá nhớ nhung.

– Ừ!

– Hễ gặp ai giống Đông Thảo là nó quyết đối diện cho kỳ được.

Quỳnh Hương gật đầu:

– Tôi hiểu. Vậy anh cứ đưa anh ấy sang đây. Tôi sẵn sàng hy sinh cho anh ấy ... ngắm để đỡ nhớ người yêu. Biết đâu anh ta hết bệnh tương tư.

– Í! Vậy đâu có được!

– Sao lại không?

Bằng Sơn nuốt nước bọt nói tiếp:

– Tôi biết cô có lòng tốt nhưng bạn tôi ghê lắm.

– Ghê là sao?

Bằng Sơn làm ra vẻ nghiêm trọng.

– Hễ gặp ai giống Đông Thảo là nó bay vào ôm ... hôn ngấu nghiến. Nó hôn bạo tàn lắm.

Quỳnh Hương rùng mình:

– Ghê vậy sao?

– Nãy giờ thấy cô, nó cứ nhìn và đòi qua đây nhưng tụi tôi không dám vì sợ nó làm bậy. Vì vậy tôi qua đây thay nó.

– Vậy anh còn bảo tôi cười với anh ấy làm gì?

– Nếu gọi tên cô, cô cười thì nó biết cô không phải Đông Thảo. Nó không đòi qua đây gặp cô nữa.

– Vậy à!

– Cô làm ơn giúp giùm nha. Tôi mang ơn cô nhiều lắm.

Quỳnh Hương xua tay:

– Chuyện nhỏ thôi mà. Có gì đâu. Anh trở về đó với anh ấy đi.

Bằng Sơn hớn hở:

– Cô đúng là người tốt. Rất may mắn cho tôi khi gặp được cô.

– Anh đừng có nói vậy. Chuyện nhỏ ấy mà.

Bằng Sơn cố tình kéo dài câu chuyện:

– Đối với cô là chuyện nhỏ nhưng đối với tôi là lớn lắm. Nếu cô không chịu giúp chắc tụi tôi phải trói nó lại mới mong nó không làm phiền cô.

– Anh ấy bệnh nặng như vậy sao?

– Phải! Đây gọi là tâm bệnh. Có lúc nó giống như thằng điên vậy.

– Sao anh không đưa anh ta vào trại tâm thần để trị.

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Đâu có được. Đây là tâm bệnh mà. Tâm bệnh phải được trị đúng cách.

Dùng thuốc không có tác dụng đâu.

– Vậy à!

Quỳnh Hương thắc mắc:

– Anh ta mắc căn bệnh đó mà anh để anh ấy lái môtô phân khối lớn như vậy sao?

Bằng Sơn khựng lại:

– À! Đâu có sao. Đó là sở thích của nó mà.

Quỳnh Hương nhăn trán:

– Người có tâm bệnh, sở thích của họ cũng khác người thường há.

– Ờ, cô nói cũng phải.

– Thôi, anh qua bên đó với anh ấy đi. Cứ bảo anh ấy gọi tên tôi, tôi giúp cho.

Bằng Sơn vui vẻ:

– Cô tốt quá. Nhà cô ở đâu vậy?

Quỳnh Hương trố mắt:

– Ủa! Hai chuyện này đâu có ăn nhập vào nhau. Anh cám ơn tôi là được rồi, hỏi nhà tôi làm gì?

– Tôi hỏi ... cho biết vậy mà. Có gì sau này tụi tôi còn ... hậu tạ.

– Chuyện đó thì không cần. Chuyện nhỏ mà, đâu cần hậu tạ.

– Nhưng tôi vẫn muốn biết nhà cô. Cô cho tôi biết đi.

– Nhà tôi ở ...

Quỳnh Hương chợt ngừng lại:

– Anh không cần biết đâu. Tôi không có thói quen cho người khác biết nhà.

– Thói quen của cô lạ quá nhỉ?

Quỳnh Hương nhăn trán:

– Hình như anh làm mất thời gian của tôi nhiều rồi đó. Tôi phải tưới vạn thọ.

Bằng Sơn quê quê:

– Tôi ... xin lỗi!

– Không cần lỗi phải. Anh chỉ cần dời gót là được rồi.

Bằng Sơn gãi gãi mũi:

– Vậy chào cô nha. Mong có ngày gặp lại.

Quỳnh Hương hơi trề môi:

– Không dám.

– Bye cô!

Bằng Sơn chợt cười một mình khi quay về với thực tại ...

– Trời? Cô ấy mà biết mình lừa cô ấy một cú ngoạn mục như vậy chắc cô ấy thù mình thấu xương.

– Cô ấy tuy có phần tốt bụng nhưng cũng khá lạnh lùng đó chứ. À, mà con gái đẹp là thế. Hoa hồng đẹp là hoa hồng có nhiều gai mà.

Bằng Sơn đang độc thoại một mình thì Bảo Lâm ùa vào, anh phóng luôn lên giường.

Bằng Sơn la lên:

– Mày làm gì vậy? Định sàm sỡ tao sao?

Bảo Lâm giả giọng con gái, anh đùa:

– Đồ quỷ sứ! Biết người ta muốn gì còn nói huỵch toẹt ra nữa. Ngượng muốn chết hà.

Bằng Sơn nổi da gà:

– Trời ơi? Thằng quỷ! Mày làm tao nổi ốc hết trơn rồi nè.

Bảo Lâm phá ra cười:

– Tao với mày phong độ như vầy mà là pêđê chắc khó ai tin hả.

– Mặt mày vừa nhìn vào, tao đã thấy hai chữ “hám gái” rồi, ở đó mà làm pêđê.

– Gái hổng háo chứ háo cái gì? Mà nè! Cô bé ở làng vạn thọ lúc chiều trông đẹp thật đấy. Mà làm sao mày quen được vậy?

Bằng Sơn nháy mắt:

– Bí quyết riêng của tao. Chỉ cho mày là bể mánh.

Bảo Lâm lừ mắt:

– Mày giỏi rồi. Ê! Dạo một vòng chơi không?

– Tao hơi mệt.

– Trời! Lâu lâu mới về Bến Tre chơi, sao mày lãng phí quá!

– Tao đua với tụi bây từ thành phố về đây mệt muốn chết.

– Sao mày yếu quá vậy? Thằng Danh nó rủ ra công viên chơi, sẵn nhìn ... gái đẹp luôn.

Bằng Sơn lắc đầu:

– Đúng là háo sắc. Chuyện này tụi bây khỏi chừa phần tao. Tao hết ham muốn rồi.

Bảo Lâm cụt hứng:

– Không có mày, tụi tao đi đâu có vui.

– Vậy khỏi đi luôn.

Bằng Sơn cười cười:

– Nói vậy tao là người có lỗi với bạn bè rồi.

– Chứ còn gì nữa.

– Vậy thì đi.

Bảo Lâm sáng mắt:

– Thật hả?

– Dĩ nhiên.

Vừa lúc đó, Bằng Sơn có tín hiệu điện thoại. Bảo Lâm hắng giọng:

– Vợ tương lai của mày gọi kìa.

– Thằng quỷ! Nhiều chuyện!

– Tao ra ngoài đợi mày. Nói gì thì nói lẹ nha, đừng có để anh em chờ à.

Bằng Sơn liếc mắt:

– Biết rồi. Mày ra lẹ giùm đi, thằng quỷ.

Đợi Bảo Lâm ra ngoài, Bằng Sơn nghe máy:

– Anh đây!

– Nhớ anh quá!

Bằng Sơn cười:

– Anh cũng rất nhớ em.

– Em muốn bay về với anh ngay.

– Bay đi! Anh chờ!

– Anh xạo! Anh đâu có ở thành phố mà chờ em.

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Sao em biết?

– Em vừa gọi về nhà anh. Mà anh đi đâu vậy?

– Anh đi miền Tây với tụi thằng Danh và Bảo Lâm.

– Anh đi chung với hai người đó sao?

– Em chẳng thích chút nào.

– Sao vậy?

– Hai người đó xấu tính lắm. Anh chơi chung, em không an tâm.

Bằng Sơn bật cười:

– Trời! Sao em đa nghi quá vậy?

– Em không dám đặt niềm tin vào hai người đó đâu.

– Được rồi. Anh đảm bảo là sẽ không làm điều em không muốn đâu. Khi em về, anh vẫn còn nguyên vẹn.

Tiểu Kỳ cười trong máy:

– Anh nhớ đó.

– Anh hứa mà. Nhưng khi nào thì em về đây?

– Cũng sắp rồi. Thôi nha anh, em có việc rồi. Mai em gọi lại.

– OK. Hôn em.

– Hôn anh.

Tắt máy, Bằng Sơn nhún vai:

– Lại bận.

Anh thở dài rồi mở cửa bước ra. Bảo Lâm và Vũ Danh đang ngồi chồm hổm, hai tay chống cằm. Bằng Sơn tủm tỉm:

– Trời! Hai đứa bây làm gì mà giống cảnh mấy con ... “ấy” đang chờ, xương quá vậy?

– Cái gì?

Vũ Danh đứng bật dậy:

– Tao nện mày một trận lên đường bây giờ.

– Ai bảo tụi bây ngồi giống quá làm chi?

– Giống cái đầu mày. Thằng quỷ! Mày là thằng trọng sắc khinh bạn. Mày trong đó tâm sự tỉ tê với Tiểu Kỳ, để tao và Bảo Lâm đợi muốn rục xương.

Bằng Sơn gãi mũi:

– Nói chuyện với người yêu mà tụi bây bảo nói nhanh như đi đánh trận thì sao mà được.

Bảo Lâm xua tay:

– Stop here! Tao đói lắm rồi. Kiếm gì ăn đi rồi tính lỗi nó sau.

Bằng Sơn cười cười:

– Để chuộc tội với tụi bây, tao sẽ đãi món cháo cua, ăn một lần nhớ mãi không quên luôn.

– Mày mới nói mà tao đã chảy nước miếng. Đi lẹ đi!

Cả ba kéo nhau ra ngoài. Bằng Sơn lại nghĩ về Quỳnh Hương.

– Quỳnh Hương đâu rồi?

Quỳnh Hương đang loay hoay dưới bếp. Cô chạy lên:

– Chị gọi em có chuyện gì không vậy?

Giọng Quế Chi hằn học:

– Không có chuyện tao gọi mày lên đây làm gì?

– Vậy chị muốn em làm gì?

– Mày nấu cơm trưa xong chưa?

– Sắp xong rồi. Còn nấu canh nữa là có thể dùng cơm.

Quế Chi xua tay:

– Mày bỏ đó đi. Chạy sang dì Sáu mua cho tao ly nước mía.

– Nhưng cậu mợ sắp về rồi. Giờ mà không lo nấu thì không kịp.

– Cha mẹ gọi điện về rồi, họ không có về. Mày từ từ nấu cũng được. Đi mua nước mía đi.

– Dạ.

Trời nắng như đổ lửa. Từ nhà Quỳnh Hương sang quán nước mía không xa lắm nhưng cô thấy khó chịu vì cái nắng ba mươi chín độ này.

Trốn vào mé hiên, Quỳnh Hương vui vẻ:

– Dì Sáu ơi! Cho con một ly nước mía mang về.

Dì Sáu chép miệng:

– Con Quế Chi lại đày đọa con đi giữa trưa nắng gắt để mua nước mía cho nó hả?

– Chắc tại chị ấy khát quá.

– Khát thì tự đi mua, sao việc gì Sáu thấy nó cũng sanh nạnh con hết vậy?

Quỳnh Hương bênh chị:

– Chị ấy bận mà Sáu.

Dì Sáu lắc đầu:

– Đâu phải Sáu mới đến đây ở không biết gì. Từ nhỏ tới lớn con sống ở đây.

Việc nhỏ việc lớn gì con cũng làm hết, ta thấy xót luôn.

– Thì con cũng phải làm để phụ giúp cậu mợ chứ Sáu.

– Thôi, ta không nói nữa. Mỗi lần nói tới là con nói tốt cho người ta không hà.

Im lặng một lát, dì Sáu chợt hỏi:

– Nè! Hôm qua cậu thanh niên ghé hỏi thăm con đó, nó nói gì với con vậy?

Quỳnh Hương nhăn trán. Cô chợt nhớ ra:

– Dạ, anh ta nói có mấy câu hà.

– Mấy thằng đó, Sáu không ưa. Hôm qua tụi nó cá độ với nhau để qua cua con.

– Sao?

– Sao con cho tụi nó biết tên vậy?

– Con ...

Quỳnh Hương tức anh ách. Cái tên đáng ghét khó ưa. Tại sao hắn dám giỡn mặt với cô chứ? Hôm qua cô đã nghi ngờ. Hừm! Hắn mà để cô gặp lại một lần nữa thì biết tay.

– Quỳnh Hương! Con làm gì mà ngơ ra vậy?

Quỳnh Hương giật mình:

– Dạ, đâu có gì.

– Con đang tức chuyện mấy thằng đó hả?

– Kệ họ đi dì Sáu. Mình có tức cũng đâu làm gì được người ta.

– Vậy cũng phải.

Đưa ly nước mía cho Quỳnh Hương, dì Sáu vui vẻ:

– Mai mốt, con Chi có muốn uống nước mía thì con cứ đứng bên đó kêu lớn.

Sáu bảo con Lài mang qua cho.

– Thôi đi Sáu ơi, để con qua bưng được rồi.

– Con nhỏ này cái gì cũng siêng làm. Sau này ai cưới được con là có phước lắm đấy.

– Sáu lại nữa rồi. Con về đây, kẻo nước đá tan uống không ngon.

– Ừ, con về.

Vừa mang ly nước mía về, Quỳnh Hương đã bắt gặp ánh mắt sắc như dao của Quế Chi:

– Tao bảo mày đi mua nước mía chứ đâu có bảo mày đi làm “bà Tám”.

– Em ...

– Mày mua ở nhà đối diện mà tao cứ ngỡ mày lên tận Sài Gòn mua. Tao đang khát mà đợi mày mua về, tao muốn chết khát luôn.

Ngưng một chút, Quế Chi tu một hơi gần hơn nửa ly nước mía. Cô tiếp:

– Mày nhiều chuyện đến mức nước đá tan ra hết rồi.

Quỳnh Hương phân bua:

– Tại lúc nãy quán dì Sáu đông khách nên em đứng chờ. Vừa có nước mía là em bưng về liền cho chị đó.

Quế Chi trừng mắt:

– Mày lúc nào cũng trá treo. Ai mà không biết mày và bà Sáu hợp “rơ”, gặp nhau là “Tám” suốt.

Quỳnh Hương khó chịu, nhưng cô không muốn tranh cãi với Quế Chi:

– Em vào nấu canh đây.

– Tao đang nói chuyện với mày mà đi đâu vậy hả?

– Em nói là em không có ... “Tám” với dì Sáu. Sao chị cứ nghĩ oan cho em vậy chứ?

– A! Con này bữa nay quá giỏi rồi. Mày bực mình tao chứ gì?

– Em có như thế đâu.

Quế Chi sưng sỉa:

– Tao biết mày rất ghét tao. Bởi vậy mày luôn đối đầu với tao.

Quỳnh Hương không biết phải nói thế nào nữa. Từ nhỏ đến giờ, Quế Chi lúc nào cũng xách mé cô đủ điều, vì thân ăn nhờ ở đậu nên Quỳnh Hương cứ cố mà chịu đựng. Vậy mà Quế Chi ngày càng ra mặt ức hiếp cô.

Quỳnh Hương buồn buồn:

– Chúng ta là chị em, sao chị lại nói em ghét chị?

– Nhìn mặt mày thì tao biết. Ghét thì cứ nói đại ra đi.

– Chị ....

Quỳnh Hương vừa định nói thì cậu mợ về.

Ông Chương cau mày:

– Hai chị em lại gây nhau nữa à?

Quế Chi hất mặt:

– Ba hỏi cô cháu gái cưng của ba kìa. Nó ghét con ra mặt luôn đó.

Quay sang Quỳnh Hương, ông nghiêm nghị:

– Sao vậy Hương?

– Dạ, không phải vậy đâu cậu. Chị là chị của con, sao con có thể ghét chứ.

Bà Lệ Hoa chen vào:

– Ông lo làm gì? Hai đứa này từ nhỏ đã không hợp tính ... Gặp mặt nhau là gây. Kệ tụi nó đi! Tôi đói bụng quá, bảo tụi nó dọn cơm đi.

Quỳnh Hương hoảng lên:

– Dạ, chờ con chút xíu. Con đi nấu canh.

Bà Lệ Hoa tỏ vẻ không vui:

– Cơm vẫn chưa xong sao? Lúc nãy ngoài vựa, ta có gọi điện về bảo nấu cơm sớm mà.

Quỳnh Hương trố mắt nhìn Quế Chi. Vậy mà lúc nãy Quế Chi lại nói khác.

Sao Quế Chi cứ thích gây chuyện cho Quỳnh Hương vậy chứ?

Quế Chi dửng dưng:

– Nãy giờ nó lo làm ... “bà Tám” với dì Sáu nước mía nên đâu có hay mẹ gọi về.

Bà Hoa khó chịu:

– Chuyện nhà chưa xong đã lo nhiều chuyện. Không biết nhà này nuôi cơm cô hay nhà bên đó nữa.

– Dạ, con ...

Ông Chương cũng bực bội:

– Sao con tệ quá vậy Quỳnh Hương? Có bữa cơm mà con lo cũng không được sao?

Quế Chi châm vào:

– Chắc người ta muốn con làm việc đó nên cố tình làm vậy.

Quỳnh Hương cố kềm nước mắt:

– Con ... vào nấu canh.

Đợi Quỳnh Hương xuống bếp, Quế Chi bồi thêm:

– Đó! Ba cứ bênh vực bảo là nó ngoan hiền, giỏi giang nữa đi. Hôm nay nó cho ba nhịn đói đó.

– Mày im đi!

Quế Chi nhăn nhó:

– Sao tự dưng ba lớn tiếng với con? Con Hương có lỗi chứ đâu phải con.

– Nhà này chỉ có nó biết nấu ăn thôi sao? Mày nấu không được à?

– Ba nói vậy là bất công với con rồi đó. Nó đi chơi chẳng lẽ con phải ở nhà nấu cơm hầu hạ nó.

Ông Chương tức tối:

– Tụi bay khiến tao tức chết.

Ông Chương bỏ ra phía sau. Quế Chi cười đắc chí:

– Từ từ tao cho mày ra khỏi nhà luôn. Ở ké hoài hả?

M ấy ngày sau, Bằng Sơn về nhà. Vừa vào nhà, anh đã thấy bà Mộng Lan đang nghe điện thoại. Anh bực dọc:

– Lại điện, lại hẹn hò.

Bà Mộng Lan cũng thấy anh. Bà nói nhanh qua điện thoại:

– Em cúp máy nha. Bằng Sơn về. Có gì liên lạc sau.

– ...

– Chào anh!

Tắt máy, bà quay sang Bằng Sơn:

– Con đi đâu mấy ngày nay vậy Sơn?

– Mẹ vẫn quan tâm đến con sao?

– Sao con lại nói vậy?

– Con đi để mẹ được tự do.

Bà Lan buồn bã:

– Con sao vậy? Sao lại nói vậy với mẹ?

– Chẳng phải như vậy sao? Con đã chán về nhà này lắm rồi.

– Con đừng vậy mà.

– Mẹ muốn kéo dài với ông ta đến khi nào đây?

Bà Lan cố giải thích:

– Mẹ và bác Minh Nguyên là bạn tri âm tri kỷ. Sao con lại nói như vậy?

– Con không thích mẹ có người bạn như vậy đâu.

– Mẹ thật không hiểu. Từ xưa đến nay, bác ấy luôn là người giúp đỡ gia đình ta. Vậy mà con lại có thành kiến với bác ấy.

– Lúc trước khác. Bây giờ khác.

– Tại sao lại khác?

Bằng Sơn khó chịu:

– Lúc trước ba còn sống, bác ấy có thể thường xuyên qua lại. Còn bây giờ ba đã qua đời, bác ấy đâu nên đến đây hoài.

– Mẹ và bác ấy là bạn, mẹ có việc cần nhờ chẳng lẽ bác ấy không đến?

– Có việc gì mẹ có thể nhờ người khác mà.

– Nhờ người khác làm sao mà mẹ dám tin cậy được chứ?

Bà Mộng Lan cố giải thích:

– Lúc nào mẹ cũng xem bác ấy là người bạn thân, là người anh cả. Trong lòng mẹ chỉ có ba con. Tại sao con lại nghi ngờ mẹ chứ?

– Con muốn nghi ngờ mẹ lắm sao? Ông ấy cứ thường xuyên đến đây. Mẹ biết con khó chịu lắm không?

Bà Mộng Lan lắc đầu:

– Mẹ đã nói hết lời mà con vẫn không tin. Mẹ không còn gì để nói.

Bằng Sơn lạnh lùng:

– Con sẽ rời khỏi căn nhà này để trả tự do cho mẹ.

– Con ...

– Con đi đây.

– Con đi đâu nữa chứ?

– Mẹ cứ mặc con.

Bằng Sơn bỏ di thật nhanh, bà Mộng Lan cố gọi lại nhưng không được. Bà đau lòng, buồn bã.

Bằng Sơn chạy xe đến vũ trường. Anh muốn thật say và nhảy thật điên cuồng để quên hết chuyện đời.

Bảo Lâm cũng có ở đó. Anh vỗ vai bạn:

– Ê! Mày bị .... “bát tình” hay sao mà uống quá trời vậy?

Bằng Sơn lè nhè:

– Kệ tao! Mày đừng bận tâm.

– Rồi! Nhìn mày là tao biết bị bồ đá.

– Bồ đá cái con khỉ! Tiểu Kỳ đi mấy tháng nay chưa về, tao có gặp đâu mà bị đá.

– Vậy thì là chuyện gì?

Bằng Sơn xua tay:

– Tao đã bảo là mặc tao.

– Thằng khỉ! Mày có xem tao là bạn bè hay không mà lại nói như thế?

– Tao biết mày là bạn thân của tao nhưng đây là chuyện ... kín, tao không muốn nói.

– OK! Không nói thì thôi. Tao và mày cùng uống.

– OK!

Bằng Sơn cụng ly. Anh nốc cạn ly X.O cực mạnh. Anh chợt hỏi:

– Mày có chỗ nào để đi không? Tao không muốn về nhà.

– Tăng hai hả? Bất cứ lúc nào mày muốn là có.

Bằng Sơn xua tay:

– Tăng hai cái gì? Tao muốn đi vài tháng kìa.

– Trời đất! Mày muốn đi bụi hả?

– Tao muốn đi xa cái thành phố chán ngấy này.

– Hôm nay mày sao vậy? Nói chuyện nghe chán đời quá.

– Thì tao đang bi ai mà. Mày có chỗ đi không? Nói đi!

Bảo Lâm chép miệng:

– Thằng bạn có rủ tao đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền Tây. Tao đang suy nghĩ. Nếu mày có hứng thú, tao sẽ đi cùng mày.

Bằng Sơn hưởng ứng ngay:

– Việc làm có ý nghĩa đó. Tao đi.

– Cực lắm đó nha. Tao nghe nói nước ở đó dữ lắm.

– Biết rồi. Tao chịu được mà.

– Vậy để tao liên lạc với nó.

– OK! Cụng ly cái đi.

Bằng Sơn lại uống. Anh uống cho quên đi tháng ngày.

Quỳnh Hương đang rửa chén thì có tiếng gọi của Quế Chi:

– Mày đâu rồi Quỳnh Hương?

Rửa tay, Quỳnh Hương đi lên:

– Có chuyện gì vậy chị?

– Sao cái áo này trong phòng tao, mày không giặt?

– Em quên mất. Chị đưa đây, lát em giặt.

– Bây giờ tối rồi mà mày giặt, mày muốn làm ẩm mốc chiếc áo của tao hả?

– Em ...

– Mày có ghét tao nên không muốn giặt thì cứ nói một tiếng, tại sao lại làm trò này hả?

Quỳnh Hương ấm ức kinh khủng. Rõ ràng là sáng giờ Quế Chi đâu có bảo cô giặt cái áo đó. Cô đã tế nhị bảo là quên mà Quế Chi còn lớn tiếng làm khó.

Nhiều lúc cô không hiểu tại sao Quế Chi lại ghét cô như vậy? Chẳng lẽ Quế Chi không muốn cô ở trong căn nhà này?

Quỳnh Hương buồn buồn:

– Chị đưa áo đây. Sáng em giặt cho.

– Sáng mai tao phải mặc rồi. Mai mày mới giặt sao?

– Chị có thể mặc áo khác mà.

Quế Chi trừng mắt:

– Mày dám trả treo với tao hả? Mày biết rõ là tao chỉ thích mặc chiếc áo này thôi.

– Thì tại giặt không kịp chứ đâu phải em không muốn giúp chị.

– Hừm! Nuôi mày trong nhà chẳng được tích sự gì hết.

Quỳnh Hương bặm môi. Cô rưng rưng nước mắt:

– Sao chị lại nói với em như vậy?

Quế Chi kênh kiệu:

– Tao là chủ nhà này, có gì mà tao không nói được?

– Chị ....

– Mày thấy tức và không ưa tao thì cứ dọn ra ngoài mà ở, hay ở luôn trên cái nhà trọ ở Sài Gòn đó.

Quỳnh Hương nghẹn ngào. Thì ra là Quế Chi muốn đuổi khéo cô. Cô tủi thân:

– Dù sao chúng ta cũng là chị em, sao chị đối xử lạnh lùng với em quá vậy?

– Tao là vậy đó. Hứ! Mày ghét tao lắm chứ gì?

– Em ... đâu dám.

– Mày có ghét tao hay không, tao không cần quan tâm. Nhưng tao có thể nói cho mày biết rằng tao rất ghét mày.

Quế Chi vừa dứt câu, cô đi về phòng. Quỳnh Hương lặng lẽ khóc. Cô nghe chua xót không thể tả.

– Trời ơi! Sao chị ấy lại ghét con như vậy? Con có làm gì sai đâu.

Quỳnh Hương bật khóc. Cô thấy chới với, hụt hẫng vì câu nói của Quế Chi.

– Tại sao vậy chứ?

Buổi trưa, Quế Chi lái chiếc Wave trên đường. Chiếc xe chợt khựng lại Quế Chi nhăn nhó:

– Mày bị sao vậy?

Quế Chi xuống xe. Cô cố đề nhưng xe vẫn chết máy:

– Mày biết lựa thời điểm hư quá vậy? Đường còn xa lắm đấy.

Quế Chi bực bội kinh khủng. Bữa nay cô đi dự tiệc sinh nhật nhỏ Dạ Thảo, vậy mà giờ còn ở đây.

Quế Chi thở dài:

– Phải đẩy sao?

Quế Chi đẩy xe trông thật mệt mỏi:

– Lần sau mà còn thế này thì tao ... bán mày luôn đấy.

Vừa lúc đó, chợt có chiếc tay ga chạy ngược đường dừng lại. Một chàng trai cao lớn đeo mắt kính đen bước qua chỗ Quế Chi. Anh ta tháo cặp mắt kính ra:

– Xe cô bị sao vậy?

Quế Chi ú ớ. Cô như bị mất hồn vì cái vẻ bảnh bao phong độ của anh ta.

– Người ở đâu mà điển trai quá vậy trời? Đẹp mê hồn.

Bằng Sơn hắng giọng:

– Xe cô thế nào vậy?

Quế Chi giật mình:

– À! Xe bị .... chết máy.

Bằng Sơn đón lấy xe rồi xem tới xem lui:

– Có lẽ bugi bị dơ thôi.

– Vậy hả?

Bằng Sơn chép miệng:

– Trời nắng như vầy mà cô phải dẫn xe thì thật khổ.

Quế Chi gật đầu nói nhanh:

– Đúng là rất khổ, nhưng tôi biết phải làm sao?

– Như vầy đi! Cô chạy xe của tôi. Tôi sẽ dẫn xe cô. Lúc nãy tôi có đi ngang chỗ sửa xe. Cũng gần đây thôi.

– Vậy thì tôi ... ngại lắm.

Bằng Sơn xua tay:

– Đâu có gì. Cô cứ chạy xe tôi đi.

– Vậy ...

– Cô đừng ngại.

– Vừa nói, Bằng Sơn vừa dắt xe đi. Quế Chi vui ra mặt. Cô kêu thầm trong dạ:

– Trời ạ! Anh ta vừa đẹp trai vừa tốt bụng. Người như vầy tìm ở đâu ra?

Nhìn vào kính chiếu hậu, Quế Chi sửa lại tóc. Cô điểm nhẹ nụ cười:

– Chắc tại anh ta thấy mình quá xinh xắn nên mới làm thế.

Quế Chi lại cười, cô chạy chậm theo anh. Cô nghĩ thầm:

– Đúng là tay ga chạy có khác. Êm ru. Đúng là tuyệt!

Chạy chậm song song với Bằng Sơn, Quế Chi dò hỏi:

– Hình như anh không phải là người ở đây?

– Cô thấy tôi lạ lắm sao?

– Anh là người thành phố về phải không?

Bằng Sơn cười:

– Nhìn tôi giống dân thành phố lắm sao?

– Phải! Mà có đúng vậy không?

Bằng Sơn gật đầu:

– Phải!

– Anh có người thân ở đây sao?

– À không? Tôi theo đoàn cứu trợ xuống đây.

– Vậy sao?

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Có gì đâu mà cô có vẻ ngạc nhiên quá vậy?

– À! Tôi ...

Quế Chi chợt lảng chuyện:

– Nhà tôi ở gần đây, khi nào rảnh anh đến chơi nha. Để tôi có dịp trả ơn.

– Trả ơn ư? Mà ơn gì?

– Thì anh đang dẫn xe giùm tôi đó.

– Trời! Chuyện nhỏ ấy mà.

Quế Chi chu môi:

– Nhỏ thì cũng là ơn mà. Tôi vốn là người sòng phẳng. Có ơn thì phải trả.

Bằng Sơn phì cười:

– Vậy sao?

– Nhà tôi ở cuối đường nhỏ này. Căn nhà tường màu xanh, phía trước có mấy luống hoa vạn thọ. Anh nhớ đến chơi nha.

Bằng Sơn gật đầu cho qua chuyện:

– Được. Tôi sẽ đến.

– À! Mà tên của anh là gì?

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Tên tôi là Bằng Sơn. Còn cô?

– Em tên Quế Chi.

– Quế Chi? Cái tên nghe cũng hay hay:

– Ai cũng nói vậy hết.

Cuối cùng thì cũng đến chỗ sửa xe, Bằng Sơn cố nén tiếng thở dài:

– Đến nơi rồi. Cô đợi lấy xe nhé. Tôi phải đi gấp.

Quế Chi quyến luyến:

– Anh nhớ đến nhà em chơi nha.

– Được rồi. Tôi sẽ đến mà.

– Em chờ.

– Chào cô.

Quế Chi nói với theo:

– Cám ơn anh!

Bằng Sơn quay lại:

– Không có gì.

Anh lên xe chạy đi được một đoạn mà Quế Chi vẫn nhìn theo. Dường như cô bị cảm rồi.

Buổi chiều, Quỳnh Hương tưới mấy luống vạn thọ. Mùa này nước lũ tràn về, cũng may nhà cô ở gò cao nên nước không lên tới.

Nhìn những cánh hoa vạn thọ khoe sắc, Quỳnh Hương ngắm nghía thích thú:

– Vạn thọ ơi! Mi đẹp thật đấy.

Chợt xem đồng hồ, Quỳnh Hương cười:

– Giờ này chắc nhỏ Mỹ Mỹ về rồi phải qua nó một chút mới được.

Cơm nước đã lo xong, Quỳnh Hương đóng cửa. Cô đi bộ dọc trên đường.

Vèo!

Một chiếc xe phóng nhanh qua cô làm chiếc nón trên đầu cô bay xuống.

Quỳnh Hương nhăn nhó:

– Chạy đi đâu mà dữ vậy không biết? Kiếm ... ác thần hay sao?

Nhặt chiếc nón, Quỳnh Hương úp lên đầu. Cô thấy chiếc xe quay trở lại:

– Xin lỗi cô!

Quỳnh Hương lừ mắt:

– Anh cũng rảnh quá há. Chạy cho dữ rồi quay lại xin lỗi. A! Sao tôi thấy anh ... quen quá vậy?

Bằng Sơn tháo mắt kính ra. Quỳnh Hương la lên:

– Là anh.

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Tôi nhớ rồi! Cô là Quỳnh Hương.

Chợt nhớ đến câu chuyện hôm nọ dì Sáu kể, Quỳnh Hương bặm môi:

– Quỳnh Hương cái gì? Ai cho anh gọi tên tôi hả?

– Ủa! Cô có tên mà không cho người ta gọi thì để làm gì?

– Kệ tôi! Tôi rất ghét tên mình bị người xấu gọi.

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Tôi đâu phải người xấu.

– Anh tự cho mình là người tốt hả? Đáng ghét!

Bằng Sơn nheo nheo mắt. Anh nghĩ thầm:

– Lần trước gặp cô ấy, mình nhớ cô ấy rất dễ thương và rất hiền lành mà ta.

Bằng Sơn gãi mũi:

– Sao lại ghét? Tôi thấy mình đâu có làm gì sai.

– Hứ! Anh có làm gì hay không thì tự anh biết lấy. Còn tôi, tôi rất ghét anh.

– Ghét thì ghét nhưng cô cũng phải cho tôi biết lý do chứ.

Quỳnh Hương trừng mắt:

– Tôi không muốn nói chuyện với anh. Làm ơn tránh ra giùm.

– Nếu cô không cho tôi biết lý do thì tôi không đi.

– Anh ... điên hả?

Bằng Sơn nhún vai. Anh tưng tửng:

– Một buổi chiều mát mẻ, tôi và cô đứng ngoài đường nói chuyện với nhau cũng hay đó chứ.

– Anh làm ơn bớt điên một chút đi. Anh điên một mình chưa đủ hay sao mà còn lôi kéo tôi hả?

Bằng Sơn gãi gãi mũi:

– Thì cái gì mà có cặp có đôi mới vui.

Trời ạ! Quỳnh Hương tức bể bụng được mà. Tự dưng gặp lại cái tên khó ưa này. Hắn lại ăn nói khó nghe như vầy.

Quỳnh Hương chun mũi:

– Anh khùng vừa thôi nha. Tôi bắt đầu thấy bực rồi đó.

Bằng Sơn nhăn trán:

– Thật ra, tôi đã làm gì sai mà cô ghét tôi như vậy? Tôi và cô mới gặp nhau có hai lần thôi mà.

– Tôi hỏi anh, bạn của anh đã hết bệnh tương tư chưa?

Bằng Sơn chưng hửng:

– Nó ...

– Sao hả?

Bằng Sơn chợt buồn buồn:

– Vẫn còn.

– Có nặng không?

– Nặng lắm.

– Anh ấy bị điên chưa?

– Sao cô hỏi vậy?

Quỳnh Hương nhướng mắt:

– Tôi muốn hỏi anh ấy có điên, có khó ưa như anh không?

– ...

Quỳnh Hương bặm môi:

– Tôi như vầy mà anh dám qua mặt tôi hả? Anh dám xem tôi là đứa ngốc, qua mặt tôi cái vù. Anh ăn gan hùm rồi à?

Bằng Sơn muốn té ngửa. Anh lẩm bẩm:

– Tôi ... không hiểu – Anh còn giả ngốc hả? Anh có ý trêu ghẹo tôi mà lại bày vẽ lung tung.

Miệng lưỡi anh cũng ghê gớm thật.

Bằng Sơn lè lưỡi:

– Sao cô biết hay quá vậy?

Quỳnh Hương trừng mắt:

– Bộ anh tưởng qua mặt được tôi sao? Trong mắt anh, tôi là con ngốc chắc.

– Í! Tôi không có ý đó đâu. Lần đó là vì bất đắc dĩ mà.

– Vì sợ thua độ chứ gì? Nói thật, tôi chưa từng thấy tên nào khó ưa như anh.

Bằng Sơn gãi gãi đầu:

– Cho tôi xin lỗi đi mà.

– Xin lỗi là xong hả? Anh dám đem sự thành thật của tôi ra đùa. Xin lỗi là huề sao?

Bằng Sơn chép miệng:

– Thì tôi biết mình đã sai nên mới xin lỗi. Quá lịch sự còn gì.

– Lịch sự cái con ... khỉ khô. Anh dám đem tôi ra đùa giỡn rồi xin lỗi mà xem là lịch sự hả?

– Có xin lỗi là được rồi mà.

– Vậy tôi nện anh một trận rồi xin lỗi anh được không?

Bằng Sơn phì cười:

– Sao ghê quá vậy?

Quỳnh Hương lườm lườm, cô xỉ tay vào mặt anh:

– Tôi nói cho anh biết. Anh biết khô thì đi mau, nếu không thì đừng trách.

Quỳnh Hương kênh kênh mặt. Bằng Sơn chau mày:

– Sao cô khó chịu quá vậy? Tôi đã xin lỗi mà sao cô cứ trách móc?

– Tôi là vậy đó. Anh đã chạm vào tôi thì tôi sẽ khiến anh te tua, tơi tả luôn.

– Con gái gì mà hung hăng dữ vậy trời?

– Anh ...

Quỳnh Hương trừng trừng mắt:

– Tôi hung dữ vậy đó. Anh khôn hồn thì đi nhanh, nếu không tôi đập què giò.

– Í, trời! Tôi xui xẻo đụng phải bà ... chằn rồi.

Quỳnh Hương giận không thể tả. Tên trời đánh này đáng ghét thật đấy. Dám gọi cô là bà chằn, hắn chán sống rồi sao?

Quỳnh Hương dứ dứ nắm đấm vào mặt Bằng Sơn. Cô đe nạt:

– Anh giỏi rồi? Cả Quỳnh Hương này mà cũng dám ghẹo.

Bằng Sơn xua tay. Anh cố tình trêu cô:

– Ôi! Quỳnh Hương, Quỳnh ... cỏ gì đối với tôi cũng chỉ là chuyện nhỏ. Tôi thích gọi ai là bà chằn thì tôi cứ gọi. Mà nè! Cái danh đó hợp với cô lắm đấy.

– Hợp nè!

Vừa nói, Quỳnh Hương vừa “đục” thẳng vào mặt Bằng Sơn. Quá bất ngờ nên anh không né kịp, thế là lãnh đủ. Cũng may là cô nhẹ tay, nếu không, anh đã bị phù mỏ.

Bằng Sơn trừng mắt:

– Cô dám đánh tôi. Nhà cô ở đâu hả?

– Ủa! Hai câu chuyện này đâu có liên quan với nhau. Tôi đánh anh đó, biết nhà tôi làm gì hả?

– Méc cha mẹ cô chứ làm gì! Tôi phải cho họ biết con gái họ hung dữ đến cỡ nào, dám đánh người ngoài đường.

– Nhìn gương mặt cũng có vẻ anh hùng nhưng ai ngờ ... “bộ đồ lòng” là của con chuột nhắt. Có sức chơi thì phải có sức chịu, sao lại méc?

– Ai bảo cô quá hung hăng.

Quỳnh Hương trề môi:

– Ra đường mà hiền chắc tôi bị ức hiếp dài dài quá. Cái này người ta gọi là tự vệ đó ông tướng.

– Tự vệ kiểu của cô đúng là đáng sợ.

– Mà nè! Đừng có lảng chuyện nha. Nhà cô ở đâu, cô nói đi!

Quỳnh Hương nguýt anh:

– Tôi đâu có ngốc mà nói cho anh biết.

Bằng Sơn cười bí hiểm:

– Cô thông minh lắm nhưng tôi cũng không cần tự miệng cô nói ra đâu.

– Biết vậy thì tốt.

– Tôi sẽ đi hỏi.

– Cái gì?

Quỳnh Hương hốt hoảng nhảy dựng:

– Sao anh chơi xấu quá vậy hả?

– Tôi biết tên cô thì việc tìm ra nhà cô chỉ là chuyện nhỏ.

– Trời ơi! Sao anh dáng ghét quá vậy hả?

Bằng Sơn đùa dai:

– Nếu tìm được nhà cô, tôi sẽ méc lại chuyện này. Mà không đơn giản là chỉ méc suông, tôi còn thêm mắm, muối, đường, bột ngọt cho câu chuyện thêm hấp dẫn.

– Anh bị điên hả?

– Tôi sẽ bảo với gia đình cô rằng, cô để ý và muốn ... theo đuổi tôi nhưng tôi không chấp nhận. Vậy là cô dùng vũ lực để bắt ép tôi.

– Trời ơi là trời!

Quỳnh Hương tức muốn điên lên được. Cái tên khùng này muốn ghẹo gan cô đây mà. Chuyện như vậy mà hắn cũng nghĩ ra được sao? Ôi! Quỳnh Hương tức chết mà.

Quỳnh Hương nghiến răng đe dọa:

– Anh mà dám chuyện đó, tôi sẽ đưa anh lên tận thiên đàng.

Bằng Sơn chợt nghiêm nghị:

– Cô nghĩ Bằng Sơn nay dễ ức hiếp lắm sao?

Thì ra là hắn tên Bằng Sơn. Cái tên xấu hoắc mà còn con người thì khó ưa.

Quỳnh Hương nhăn mũi:

– Tôi không có dọa anh đâu.

Bằng Sơn khinh khỉnh:

– Tôi cũng không có đùa. Từ giờ đến tối, thế nào tôi cũng kiếm được nhà cô.

Nhớ chờ tôi đó.

Vừa nói, Bằng Sơn vừa lên xe đề ga. Anh nháy mắt:

– Nhớ đó, tôi sẽ đến!

Quỳnh Hương quýnh lên:

– Anh làm thật hả?

Bằng Sơn không trả lời. Anh cho xe lao đi để lại một làn bụi mờ. Quỳnh Hương tức mình lải nhải:

– Anh mà dám đến, tôi cho chó cắn anh chết luôn. Hứ.

Quỳnh Hương giận ghê gớm. Cô mất luôn hứng qua nhà Mỹ Mỹ. Quay đầu lại, cô lẩm bẩm:

– Mình phải canh mới được. Nếu hắn đến, mình quyết không cho hắn vô nhà.

Cậu mợ mà tin lời hắn thì mình bị một trận đòn nên thân cho coi.

Nguyên buổi tối, Quỳnh Hương cứ đi ra đi vào. Cô đang nơm nớp lo sợ.

Ai bảo cô hung hăng đánh người làm chi mà giờ phải lo thế này.

– Mệt quá đi, có gì thì chỉ bị một trận đòn thôi, mình đâu cần sợ hắn dữ vậy.

Quế Chi vừa bước ra cửa. Cô lại băng ghế đá trước cửa ngồi.

– Mày làm gì mà cứ đi qua đi lại vậy? Ma nhập mày sao?

Quỳnh Hương khựng lại:

– Em ... em ...

– Em cái gì?

– Em đang ... tập thể dục.

Quế Chi nhướng mắt:

– Trời! Có vụ này nữa. Sao mày bày nhiều trò quá vậy hả?

– Thì vừa ăn cơm xong phải vận động chứ chị.

Quế Chi xua tay:

– Mặc kệ mày!

Thấy Quế Chi cứ ngồi ở đó, Quỳnh Hương lo lắng:

– Sao chị không vào nhà ngồi đi?

– Ơ! Con này! Nhà tao, tao thích ngồi đâu thì ngồi. Mắc mớ gì đến mày hả?

– Ý em là ngoài này có nhiều sương đêm, không tốt đâu.

Quế Chi chau mày:

– Mày bắt đầu quan tâm tao từ khi nào vậy?

– Em lúc nào mà không quan tâm đến chị. Chị quên chúng ta là chị em sao?

– Nè! Hôm nay tao thấy mày lạ lắm. Mày làm chuyện gì sai phải không?

Quỳnh Hương quýnh lên:

– Em ... có làm gì sai đâu.

– Tao thấy hình như mày đang lo lắng điều gì đó. Biết khôn thì mau nói ra đi.

Quỳnh Hương chối biến:

– Em có lo chuyện gì đâu. Em ... vào học bài.

Quỳnh Hương dợm bước đi. Quế Chi hắng giọng:

– Mày ... sao vậy hả? Nghỉ hè mà cũng có bài để học sao?

– Em ...

Quỳnh Hương khựng lại. Vì quýnh quá nên cô nói bừa. Bây giờ thì nguy rồi, giấu đầu lòi đuôi.

Quỳnh Hương vừa định lên tiếng thì Quế chi tiếp:

– Có phải mày có người yêu không hả?

– Í! Làm gì có chuyện đó.

– Nhìn mày, tao thấy nghi lắm. Mày đang tơ tưởng đến ai phải không?

Quỳnh Hương nhăn trán:

– Làm gì có chuyện em tơ tưởng đến ai. Em đâu có để tâm đến mấy chuyện đó.

Quế Chi trề môi:

– Thật vậy sao?

– Em nói thật mà.

– Tao nhìn mày là tao biết mày đang có chuyện bất ổn. Giấu thì giấu cho kỹ, tao mà phát hiện mày làm gì sai thì tao không tha đâu.

Quỳnh Hương bặm môi. Cô ấm ức kinh khủng. Cũng tại cái tên Bằng ...

Bằng Sơn gì đó mà có cứ bất an thế này. Cô sợ hắn tìm đến đây như lời hắn nói thì cô chết mất. Ối trời ơi! Tên ác ôn ơi! Anh làm ơn đừng đến đây giùm tôi nha ...

Quế Chi lại lên tiếng:

– Mày lại lảm nhảm gì vậy hả? Mà nè! Khi nào mày trở lại trường vậy?

– Dạ, chắc hai tháng nữa.

– Lâu vậy à?

Quỳnh Hương chau mày:

– Ý chị nói vậy là sao?

– Thì mày biết quá rõ rồi đó. Nhà này chật chội, sinh hoạt khó khăn, càng ít người càng tốt.

Quỳnh Hương thoáng hụt hẫng. Cô phải hiểu câu nói đó thế nào đây? Có phải Quế Chi muốn đuổi cô ra khỏi nhà này không? Ở với nhau bao nhiêu năm mà Quế Chi lúc nào cũng có ý nghĩ đó. Nhiều lần cô muốn bỏ nhà ra đi sống tự lập nhưng lại sợ cậu buồn. Với lại, một mình cô phải bươn chải với cuộc đời, cô sợ mình không đủ sức vượt qua.

Quỳnh Hương buồn bã:

– Trước giờ mình vẫn sống như vậy mà chị, sao chị lại phàn nàn như vậy?

Tội nghiệp em!

– Tội nghiệp ư? Từ nhỏ đến giờ mày đã sống ở đây, cha mẹ tao nuôi mày quá đầy đủ, nhưng sao mày không thấy ngại ngùng? Lẽ ra mày phải tự hiểu chứ.

Trình độ của mày đến đại học lận mà.

– Ý chị là ... đuổi em sao?

Quế Chi nhướng mắt:

– Ý tao không có nói vậy nha. Tại mày hiểu sâu xa đó thôi.

Quỳnh Hương gật gật đầu. Cô đau lòng:

– Em hiểu ý chị rồi. Em sẽ rời khỏi căn nhà này.

– Ê! Cái này là do mày nói nha. Mai đừng có méc với ổng bả là tao đuổi mày à.

– Em hiểu thân phận của em mà. Em sẽ sống tự lập.

– Ai sống tự lập? - Vừa lúc đó ông Chương ra tới.

Ông nghiêm giọng:

– Ta vừa mới nghe chuyện không hay. Ta muốn biết chuyện này là sao?

Quế Chi lảng tránh:

– Ai biết gì nó! Tự dưng nó đòi sống tự lập. Ba hỏi nó đi.

Quay sang Quỳnh Hương. Ông Chương chau mày:

– Sao con lại có ý định sống tự lập?

– Sống trong gia đình này, con thấy không thoải mái sao?

Quỳnh Hương lắc đầu:

– Dạ, con đâu có ý đó.

– Vậy tại sao con muốn sống tự lập?

– Con ...

Quỳnh Hương không biết phải nói thế nào nữa. Cô đã có ý định sống tự lập từ lâu nhưng không biết mở miệng mở miệng thế nào ...

Quế Chi chen vào:

– Mấy năm nay nó học ở thành phố chắc nó đã mến môi trường ở đó rồi. Nó muốn sống trên đó, chứ ở vùng quê này nó chán rồi.

– Có phải như vậy không Hương?

Quỳnh Hương ngân ngấn dòng lệ:

– Con đâu có ý đó.

– Vậy tại sao con muốn sống tự lập?

– Con không biết phải nói thế nào nữa.

Ông Chương nói với vẻ giận:

– Con không cần nói gì hết. Nhà này vẫn là nhà của con. Con phải ở đây.

– Nhưng ...

– Không có nói nhiều. Ta không cho phép con có ý định đó.

Quế Chi bất bình:

– Nó đã có tư tưởng hướng ngoại, ba còn giữ nó lại làm gì.

Ông Chương nạt lớn:

– Con im đi! Con tưởng ta không biết gì sao? Nó là ruột thịt với con. Cô, dượng con mất sớm, nó đã tội nghiệp lắm rồi. Con phải biết thương nó chứ.

Quế Chi khinh khỉnh:

– Thì con vẫn thương nó đó chứ.

– Ta mong là được như lời con nói. Ta chỉ muốn gia đình luôn vui vẻ, hòa thuận thôi.

Quế Chi ấm ức:

– Con biết rồi.

Ông Chương thở dài. Ông nói với Quỳnh Hương:

– Từ nay con không được nhắc đến chuyện này nghe chưa? Đây là nhà của con. Con phải nhớ điều đó.

Quỳnh Hương không nói được câu nào. Cô chỉ cúi đầu im lặng. Quế Chi thì bực bội bỏ vào nhà.

Ông Chương xoa đầu Quỳnh Hương:

– Thôi, vào nhà ngủ đi con. Hãy nhớ rằng dù có chuyện gì thì cậu vẫn ở cạnh con.

– Dạ.

Ông Chương cũng vào nhà. Còn lại một mình, Quỳnh Hương ngồi đó lặng lẽ khóc với bao ý nghĩ.

Nước lũ tràn về dữ dội. Khu vực Bằng Sơn cứu trợ ngập đầy nước. Anh vừa ngạc nhiên vừa lắc đầu:

– Đây là lần đầu tiên, tao sống chung với lũ đó. Nước lên nhanh quá.

Bảo Lâm chép miệng:

– Dân ... “xì phố” như mày không biết lũ là đúng rồi.

– Thì mày cũng như tao thôi.

– Tao thì khác à.

– Sao lại khác?

– Đây không phải là lần đầu tiên tao đi cứu trợ.

Bằng Sơn trề môi:

– Vậy cũng khoe.

– Dù sao tao cũng cỏ kinh nghiệm hơn mày.

Bằng Sơn lắc đầu. Anh chợt nói:

– Ê! Hôm bữa tao gặp một con nhỏ khá xinh. Cô ấy dẫn xe dưới trời nắng gắt, thấy tội quá tao dẫn giùm.

Bảo Lâm nhướng mắt:

– Rồi sau đó?

– Cô ấy cám ơn rối rít còn mời tao đến nhà chơi.

– Vậy hả? Rồi mày có đi không?

– Dĩ nhiên là ... không.

– Trời!

Bảo Lâm cụt hứng:

– Sao mày không đến nhà nàng cho biết? Mày dở quá.

– Tao đâu có ... mê gái như mày, người ta vừa mở miệng là đến liền.

– Vậy chứ sao? Thời buổi này làm cái gì cũng phải nhanh tay nắm bắt cơ hội chứ.

– Ủa! Nắm bắt làm gì? Tao đâu có hứng thú với mấy chuyện đó.

Bảo Lâm chép miệng:

– Trời à! Mày không có hứng thú thì cũng chừa cho tao chứ.

– Là sao?

Bảo Lâm nhăn nhó:

– Mày không thấy tao gần ba mươi mà vẫn chưa có mảnh tình lấy le sao.

Mày phải biết giúp đỡ bạn bè chứ.

– Cái này là chuyện lạ à. Sao tao phải giúp mày mấy chuyện đó Mà mấy chuyện tình cảm, ai giúp cho được?

– Thì mày làm quen với cô ấy, sau đó giới thiệu cho tao. Mày phải nói tốt về tao để cô ấy hướng về tao.

Bằng Sơn trêu đùa:

– Ủa! Sao giống lừa gạt tình cảm của người ta quá vậy?

– Thằng quỷ! Vậy mà xem là gạt hả?

– Chứ còn gì nữa. Nhìn mày, tao có thấy điểm nào tốt đâu. Vậy mà mày buộc tao phải nói tốt.

– Ê! Mày muốn sao đây hả? Tao như vầy mà không tốt hả? Như mày tốt lắm chắc?

– Tao dĩ nhiên là tốt rồi.

Bảo Lâm lườm bạn. Anh chợt nói nhỏ:

– Ê! Mày làm ơn đừng có chơi xấu bạn bè được không? Lần sau mày nhớ đừng có bỏ lỡ cơ hội đó.

Bằng Sơn tủm tỉm:

– Tao có bỏ lỡ cơ hội đó đâu.

– Ý mày là sao?

– Nàng ấy có chỉ nhà cho tao biết.

Bảo Lâm vỗ vai bạn. Anh cười giòn tan:

– Ở đâu vậy?

– Coi mày kìa! Hai con mắt háo sắc nhìn thấy ớn.

– Kệ tao!

– Mà nè! Cô nàng có vẻ thích tao. Mày không có vé đâu.

Bảo Lâm trề môi:

– Có sao đâu. Cô ấy thích mày là vì chưa thấy tao đó thôi.

– Xời! Thấy mày hay không cũng vậy.

– Cái thằng này! Sao mày làm tao cụt hứng hoài vầy hả?

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Tao là vậy đó.

Bảo Lâm đùa:

– Giờ tao sẽ gọi sang Úc mách lại với Tiểu Kỳ chuyện này.

– Chuyện gì?

– Tao sẽ thêm mắm thêm muối nói là mày rất bay bướm và háo sắc. Nghe tin này, tao tin chắc cô ấy sẽ bay về đây ngay.

Bằng Sơn liếc mắt:

– Tao chưa thấy thằng bạn nào ... đê tiện như mày. Cái trò như vậy mà mày cũng nghĩ ra.

– Mày nghĩ Tiểu Kỳ có về đây ngay không?

– Mày biết kết quả rồi còn hỏi gì nữa.

Bảo Lâm đắc ý:

– Để chiều nay tao gọi cho cô ấy thử xem.

Bằng Sơn không nói gì. Bảo Lâm chợt khều vai bạn:

– Ê! Tao thấy Tiểu Kỳ đã đi cũng lâu rồi sao tao không thấy mày nhắc đến cô ấy vậy?

– Mày cũng để ý quá hén.

– Tao hỏi thật nha. Mày không nhớ cô ấy sao?

Bằng Sơn chợt nhăn trán. Thật ra, anh không nhớ Tiểu Kỳ cho lắm và thời gian khi nào cô ấy về thì anh không quan tâm. Từ lúc cô đi, anh cũng không chủ động gọi điện. Anh cũng không hiểu vì sao nữa?

Thấy bạn ngơ ngơ, Bảo Lâm hắng giọng:

– Sao tự dưng mày im ru vậy?

Bằng Sơn chép miệng:

– Có gì đâu.

– Mày chưa trả lời câu hỏi của tao đó.

– Câu hỏi của mày vớ vẩn chưa từng thấy. Tao miễn trả lời.

– Thằng quỷ nói chuyện thất ghét.

Bằng Sơn xua tay:

– Mệt quá! Đừng có bàn chuyện này nữa. Tao đi dạo một vòng đây.

– Ê! Tao đi với.

Bằng Sơn nhăn mặt:

– Sao mày giống pêđê quá vậy, đi đâu cũng đòi theo.

– Thì tao đi với mày, sẵn thấy mấy ... cô thôn nữ thì ...

– Thì sao?

– Rủ mấy cô đi cùng.

Bằng Sơn lắc đầu:

– Tao thật hối hận khi có thằng bạn như mày.

– Mày cứ như vậy hoài. Tao đùa thôi.

– Vậy là mày ở lại đây chứ gì?

– Đâu có. Tao cũng phải đi chứ.

– Chi nữa?

– Giữ mày. Tao sợ mày bị té sông.

Bằng Sơn chép miệng:

– Đúng là thằng lẽ sự.

Bảo Lâm phóng lên xe. Anh cười hề hề:

– Mày không biết thông cảm gì hết. Nguyên đoàn cứu trợ toàn là quý bà đứng tuổi, chỉ có ta và mày là thanh niên.

– Có sao đâu.

– Mày đi chơi bỏ tao ở lại với mấy ... “bạch bà bà” đó chắc tao chết.

Bằng Sơn phì cười:

– Thằng này! Nói chuyện kỳ cục.

– Cũng may là mày có mang xe xuống, nếu không sẽ khổ dài dài.

– Giờ mày định đi đâu đây?

– Tùy hỉ. Miễn sao là mày đừng chở tao đi bán là được rồi.

– “Chời” ơi! Mày mà mang đi bán, tao bảo đảm ế.

– Sao mày “hạ giá” tao hoài vậy. Dù tao không đẹp trai bằng mày. Nhưng cũng thuộc vào dạng bảnh bao, có học thức, con nhà giàu chứ bộ.

– Vậy sao!

Bảo Lâm lên mặt?

– Tao cũng là ước mơ của bao cô gái đó chứ.

– Ủa! Chẳng phải có người vừa nói đã ba mươi mà vẫn chưa có mảnh tình lấy le sao?

– Thì đúng, nhưng đó là đo tao kén chọn.

Bằng Sơn trề môi:

– Có phải vậy không đó. Mày nổ quá, tao chịu không nổi.

– Tao ...

– Anh Bằng Sơn! Anh Bằng Sơn!

Bằng Sơn thắng xe lại. Anh nhìn qua đường.

Quế Chi băng nhanh qua đường, cô cười duyên dáng:

– Ôi! Đúng là anh rồi. Em cứ ngỡ mình gọi nhầm.

Bằng Sơn cũng cười:

– Em đi đâu vậy?

– À! Em đi chợ. Còn anh?

Bảo Lâm nhanh miệng:

– Tụi anh đi dạo. Em đi cùng được chứ?

Quế Chi mừng rơn nhưng vẫn cố làm tỉnh:

– Đi dạo ư?

– Tụi anh không biết nhiều về nơi này. Em làm hướng dẫn viên cho tụi anh được chứ.

– Dạ, vậy thì em sẵn lòng.

Bảo Lâm phóng nhanh xuống xe. Anh nhanh nhảu:

– Vậy để anh chở cho.

Quế Chi miễn cưỡng gật đầu:

– Dạ.

Bảo Lâm nháy mắt với Bằng Sơn. Bằng Sơn thở dài trong lòng:

– Thằng khỉ này chắc hồn xiêu phách lạc rồi.

Ngồi phía sau cho Bảo Lâm chở, nhưng mắt Quế Chi thì luôn hướng về phía Bằng Sơn. Cô bực bội rủa thầm:

– Tên quỷ này ở đâu xuất hiện không biết. Phá đám không hà.

Bảo Lâm thì vui vẻ. Anh dám chắc đây là cô gái mà Bằng Sơn kể lúc nãy vì ở đây Bằng Sơn đâu có quen ai. Phải công nhận cô gái này xinh thật.

Bảo Lâm hắng giọng:

– Em là Quế Chi phải không?

– Dạ.

– Nhà em ở đây à?

Quế Chi lườm lườm:

– Nhà em ở đây, nên em mới xuất hiện ở đây.

– À quên! Ý anh là nhà em có gần ở đây không?

– Cũng gần.

– Vậy hôm nào anh đến chơi được không?

Quế Chi từ chối khéo:

– Cha mẹ hơi khó tính. Em e như vậy không tiện lắm.

Bảo Lâm thoáng ngạc nhiên. Nếu anh nhớ không lầm thì lúc nãy Bằng Sơn có nói Quế Chi có rủ anh đến nhà. Sao giờ cô ấy lại nói vậy? Chẳng lẽ Quế Chi không muốn Bảo Lâm đến nhà?

Bảo Lâm cười:

– À! Anh và Bằng Sơn định đến nhà Chi chơi, nhưng Chi đã nói vậy thì để dịp khác.

Quế Chi như chẳng quan tâm đến lời Bảo Lâm nói. Mắt cô chỉ hướng về phía Bằng Sơn. Bằng Sơn biết điều đó nên anh vẫn cố né tránh.

Chạy được một lúc, Bảo Lâm quay qua nháy mắt với Bằng Sơn:

– Ê Sơn! Nãy mày bảo là bận đi đâu đó mà ...

Bằng Sơn nhướng mắt. Anh lại nhận được mấy cú đá lông nheo từ Bảo Lâm:

– Tao hả?

– Ừ! Hồi nãy mày bảo là có hẹn với ai đó. Mày quên hay sao mà chưa đi?

Chợt hiểu ra, Bằng Sơn reo lên:

– A! Tao quên mất. Tao có cái hẹn quan trọng với các bậc tiền bối.

– Vậy thì đi đi.

Quế Chi tiếc nuối:

– Anh phải đi sao?

– À! Anh có chuyện bận. Khi nào có dịp, anh sẽ đến nhà em chơi.

– Vậy còn anh Lâm, anh ấy đi cùng anh về chứ?

Bảo Lâm nhanh miệng chen vô:

– Anh rảnh mà.

– Nhưng ...

Chưa để Quế Chi nói hết câu, Bằng Sơn đã nói:

– Vậy anh đi trước nha. Dịp khác gặp lại.

– Anh ...

Bằng Sơn đã vọt ga. Quế Chi quạu quọ:

– Sao anh không đi cùng anh ấy?

– Đây là lần đầu chúng ta gặp nhau. Hay mình tìm chỗ nào uống nước rồi nói chuyện nha!

– Dường như anh không tập trung van câu nói của tôi?

– À ... - Bảo Lâm chép miệng - Có lẽ đây là lần đầu gặp nhau nên em chư có thiện cảm với anh.

– Trời ạ! Anh nói cái quái gì vậy? Làm ơn dừng xe!

– Sao lại dừng xe?

Quế Chi bặm môi. Phải cố lắm cô mới dịu giọng:

– Tại em thấy hơi mệt. Có lẽ em phải về.

Bảo Lâm hí hửng:

– Vậy anh đưa em về.

– Không cần đâu.

– Nhưng anh đang quá giang xe em mà.

Quế Chi bực bội. Tự dưng lại gặp phải một tên rắc rối. Nhìn hắn sao mà khó ưa thế không biết. Người Quế Chi thích là Bằng Sơn chứ đâu phải Bảo Lâm.

Nhưng Bảo Lâm lại là bạn thân của Bằng Sơn. Cô mà làm việc gì quá đáng thì khó mà có được cảm tình của Bằng Sơn.

Quế Chi nghĩ vậy, cô cười:

– Vậy anh chở về nhà giùm cũng được.

Bảo Lâm hứng khởi:

– Được.

Ngồi phía sau? Quế Chi cứ liếc háy Bảo Lâm, cứ y như cô rất ghét anh ta.

– Đúng là kỳ đà. Làm hư bột hư đường hết trơn hết trụi hà.

Buổi sáng, ông Chương thức dậy sớm cắt hoa vạn thọ. Quỳnh Hương cùng làm với ông. Ông Chương bảo:

– Lát nữa con mang số hoa này ra chợ bán. Trái mùa, hoa bán có giá lắm.

– Ủa! Lần này không đợi lái vô mua sao cậu?

– Đợt này hoa ít, con mang ra chợ bán đi. Hôm nay là rằm, mọi người sẽ mua nhiều.

– Dạ.

– Nước lũ dâng khá cao rồi đó. Nếu đi xuồng, con nhớ cẩn thận đó.

– Dạ, con biết mà cậu.

Ra đến chợ, Quỳnh Hương bán hoa rất đắt. Chỉ còn vài bó nữa là hết, Quỳnh Hương hí hửng:

– Bán ở chợ lời nhiều hơn thật.

Vù ... Phẹp ...

Quỳnh Hương nhăn mặt khi bị nước bẩn bắn vào người. Cô quắc mắt hướng lên chiếc xe vừa gây ra họa:

– Chạy xe kiểu gì vậy hả?

Bằng Sơn dụi mắt nhìn kỹ. Anh bật thốt:

– Là cô sao?

Nhận ra Bằng Sơn nhưng Quỳnh Hương vẫn lờ đi:

– Cô cô cái gì! Chạy xe kiểu gì vậy hả? Anh ỷ đi xe tay ga rồi muốn chạy thế nào thì chạy hả?

– Đâu có. Tôi lỡ ... lên ga mạnh chút xíu thôi mà.

– Chuyện lỡ của anh mà khiến người ta bị thế này. Hoa của tôi bán bị anh làm bẩn hết rồi, làm sao tôi bán được đây?

Bằng Sơn chép miệng:

– Tôi đâu có cố ý.

– Ai mà biết anh có cố ý hay không?

– Người như anh lắm trò lắm điều là chuyện bình thường.

Bằng Sơn chau mày:

– Nè! “Bà Tám” vừa thôi chứ. Tôi chỉ sơ ý chứ đâu có cố tình, cô làm gì mà khó khăn quá vậy?

Quỳnh Hương trố mắt.

– Anh gọi ai là “bà Tám” vậy hả? Anh chán sống rồi sao?

– Tại cô khó tính nên tôi mới nói như vậy.

– Hứ! Làm hỏng chuyện buôn bán của tôi, anh còn nói này nói nọ nữa hả?

– Tôi lỡ làm hư bông của cô, tôi sẽ đền.

Quỳnh Hương dẩu môi:

– Đền mà được hả? Anh làm cho hoa tươi lại được không?

– Hoa thì tôi không làm cho tươi được, nhưng tôi có thể mua hết.

– Mua hết?

– Phải!

– Ngươi như anh sẽ chẳng bao giờ biết thưởng thức hoa. Tôi không bán cho những người không biết thưởng thức.

Bằng Sơn đâm quạu:

– Cô này lạ chưa? Ai bảo với cô là tôi không biết thưởng thức hả? Cô khi người quá đáng rồi đó.

– Xí! Người thô bạo và không thật thà như anh mà cũng biết thưởng thức hoa sao? Ọe! Đi dụ con nít đi!

Bằng Sơn trợn mắt:

– Cô vừa phải thôi chứ. Nói chuyện với cô thật vô bổ.

Quỳnh Hương bặm môi. Cái tên khó ưa này đúng là đáng ghét. Nhìn cái miệng của hắn là cô biết mình đấu không lại rồi.

Quỳnh Hương quắc mắt:

– Tôi đâu có bảo anh nói chuyện với tôi. Tại anh gây ra chuyện đó thôi. Bộ anh tưởng tôi thích nói chuyện với anh lắm hả?

– Không thích mà cứ gây chuyện hoài.

– Ai bảo anh làm hư hoa của tôi làm chi.

– Thì tôi đã bảo là sẽ mua hết mà.

– Được. Tôi bán cho anh.

Bằng Sơn thở khì một cái:

– Mùa này trời hay mưa mà cũng có người tính khí bất thường.

Quỳnh Hương hất mặt:

– Anh nói gì vậy hả?

– Có người bảo không thích nói chuyện với tôi nhưng người ta lại luôn tò mò muốn biết tôi đang nói gì.

– Ê! Tôi không có rảnh làm việc đó nha. Tại thấy anh lảm nhảm nên tôi nghĩ là anh đang nói xấu tôi.

Bằng Sơn trề môi:

– Tôi chỉ nói có người sáng ... nắng chiều mưa, tối nổi giông bão thôi. Người ta gọi như vậy là tưng tửng đó.

– Ê! Anh ám chỉ gì vậy hả?

– Người nào có tật thì người đó lên tiếng.

– Anh ...

Bằng Sơn lừ mắt:

– Gói hoa lại giùm tôi nhanh đi. Cãi với cô mệt quá.

Quỳnh Hương hậm hực. Hắn ỷ hắn là đại gia nên chảnh chọe chứ gì? Được.

Lần này Quỳnh Hương sẽ cho hắn biết thân.

– Đưa cho Bằng Sơn ba bó hoa nhỏ, Quỳnh Hương hất mặt:

– Năm trăm ngàn.

– Cái gì?

Bằng Sơn thốt lên:

– Cô bán hoa hay đi ăn cướp vậy?

– Hoa là của tôi, tôi muốn bán bao nhiêu thì bán.

– Cô tưởng đây hoa quý sao? Nó chỉ là vạn thọ thôi.

– Đây là hoa tôi trồng nên tôi xem là quý. Dù là vạn thọ nhưng đối với tôi nó rất quý.

Bằng Sơn nhăn trán:

– Quý cái gì mà quý. Vạn thọ gì mà xấu chưa từng thấy. Chắc là cô không có kinh nghiệm trồng hoa.

– Ê! Đừng có cố tình lảng chuyện nha. Đừng có cố tình chê hoa của tôi mà quỵt nợ à.

– Cái gì? Nợ gì chứ?

Quỳnh Hương đâm quạu:

– Anh làm hỏng hoa của tôi. Anh phải đền tiền. Tiền đâu, đưa đây!

– Cô bán hoa mà mắc như cắt cổ vịt vậy, ai có tiền đâu mà trả.

Quỳnh Hương trề môi:

– Thì ra anh là người giàu nhưng lại mắc bệnh ... trùm sò.

– Ai bảo với cô, tôi là người nhà giàu?

– Tôi nhìn thì biết, đâu cần ai phải nói.

Bằng Sơn thở dài:

– Dù cho tôi có là kẻ tỉ phú đi nữa thì tôi cũng không sang đến mức đem năm trăm ngàn ra mua ba bó hoa xấu xí kia. Người ta gọi đó là đem tiền ném qua cửa sổ.

Quỳnh Hương bặm môi, hai tay cô chống nạnh ngầu ngầu nhìn anh:

– Hoa này anh phải mua. Giá cả tôi đưa rồi, anh mà không trả thì tôi sẽ la lên.

Có giỏi thì cô la lên đi.

– Tôi sẽ la lên cho ban quản lý chợ đến đây. Tôi xem anh trốn đâu cho thoát.

Bằng Sơn tức khí. Tự dưng lại đụng độ với một cô bé đầy gai góc.

Bằng Sơn hầm hầm:

– Xem như tôi sợ cô.

Quỳnh Hương nhướng mắt:

– Hừm! Anh không phải là người đầu tiên sợ tôi đâu. Ở cái chợ này ai cũng biết danh của tôi.

– Trời! Hung dữ mà cũng khoe. Nhìn cô, tôi đoán được tương lai thế nào rồi.

– Thế nào là thế nào? Anh là thầy bói sao?

– Đâu phải thầy bói mới đoán được. Nhìn cô, tôi biết tương lai sẽ ... ế cho mà coi.

– Anh ...

Quỳnh Hương dứ dứ nắm đấm vào mặt Bằng Sơn. Cô đe nẹt:

– Tôi có ế thì kệ tôi. Mắc mớ gì đến anh mà nói. Vô duyên! Nhìn anh tôi cũng đoán được tương lai, mãi mãi anh sẽ không có bạn gái.

– Trời! Cô còn độc mồm hơn tôi nữa.

Quỳnh Hương xua tay lia lịa:

– Tôi không muốn tiếp tục bình luận với anh. Trả tiền mau! Tôi cho anh năm phút để lấy tiền đó.

– Bán hoa mà cứ như xã hội đen đòi tiền, không hiểu sao cô lại bán đắt.

– Kệ tôi, quan tâm làm gì?

Bằng Sơn lắc đầu. Anh móc tiền ra đưa cho Quỳnh Hương.

– Nè! Sinh mạng của tôi đó.

– Trời. Đại gia mà than.

– Cô lấy đi cho sáng mắt cô mà tối mắt tôi.

– Sáng hay tối gì thì mặc. Trả tiền rồi, anh đi đi!

– Cô phải đưa hoa cho tôi chứ.

Quỳnh Hương cười:

– Được thôi!

Quỳnh Hương để phía trước xe cho anh. Cô cười:

– Lấy về làm kỷ niệm đi.

– Tôi lấy về để nghiên cứu. Rồi cô xem, tôi sẽ trồng được hoa vạn thọ ấn tượng hơn.

– Trồng cái gì thì kệ anh. Làm ơn đi giùm cho tôi dọn hàng.

Bằng Sơn lừ mắt. Anh không nói thêm câu nào mà cho xe chạy đi, Quỳnh Hương nhìn theo, cô cười:

– Năm trăm ngàn đối với đại gia như thế thì đâu có là gì.

Cầm tấm năm trăm ngàn mới toanh trên tay, Quỳnh Hương vui vẻ:

– Số tiền này chiều nay mình sẽ đến nhà thằng Tý cho nó. Quyết định vậy đi.

Buổi chiều, Bằng Sơn ngoài thơ thẩn trong khách sạn. Anh đang nhớ đến chuyện mua hoa lúc sáng. Anh chợt cười:

– Cô ấy đỏng đảnh và đầy gai nhọn nhưng lại có cái gì đó rất hay hay trong cá tính đó.

Bằng Sơn gãi mũi:

– Tuy là có phần ... hung dữ như lại hung dữ rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Vừa lúc đó Bảo Lâm bước vào. Anh hắng giọng:

– Thằng quỷ! Mày nhớ người yêu hả?

Bằng Sơn cười:

– Ừa!

– Mày thì hay rồi, có người yêu để nhớ. Còn tao ...

– Chẳng phải mày đang cua Quế Chi sao?

Bảo Lâm ảo não:

– Thôi đi, mày đừng có nhắc nữa! Cô bé đó chỉ nghĩ đến mày.

– Sao vậy?

– Lúc nào đi chơi, cô ấy cũng nhắc đến mày.

Bằng Sơn vỗ vai bạn:

– Xin lỗi!

– Đâu phải lỗi tại mày. Chắc tại tao xấu trai hơn mày.

– Thằng quỷ! Nói gì đâu không hà. Mà nè! Lần trước tự dưng làm như thế, tao cũng thấy áy náy.

– Ý mày nói cái vụ mày cố tình về trước hả?

– Ừ!

Bảo Lâm xua tay:

– Cô ấy biết tao và mày cố tình làm thế.

– Sao?

– Lần trước tao ghé nhà, cô ấy hỏi “bộ anh Sơn không thích gặp mặt em hay sao mà cứ né tránh”.

– Rồi mày trả lời thế nào?

Bảo Lâm nhún vai:

– Tao im lặng.

– Trời! Thằng quỷ, mày dở quá!

– Vậy tao phải nói thế nào?

– Thì mày cứ “ừ” đại.

Bảo Lâm nhăn mặt:

Làm người ai lại làm thế bao giờ.

– Ủa! Mà mày ... “cảm” cô ấy thật rồi hả?

Bảo Lâm tâm sự:

– Thật ra, lúc đầu tao định đùa thôi nhưng càng tiếp xúc, tao lại càng thấy mến. Tiếc là cô ấy có vẻ không thích tao.

– Trời! Chưa chi mày đã nản. Phải cố lên chứ!

– Ừ! Thì tao cũng đang cố đấy chứ.

Bằng Sơn trêu bạn:

– A! Có người bắt đầu yêu rồi nha.

Bằng Sơn chợt hát vu vơ một khúc nhạc:

– “Giờ thì Lâm đã bước chân vào đường yêu. Yêu đi! Yêu đi! Yêu rất vui ...”.

Bằng Sơn cười nắc nẻ. Bảo Lâm đấm vào lưng bạn:

– Thằng quỷ! Mày dám chọc tao sao?

– “Băng tảng” Bảo Lâm dấn thân van con đường yêu là một tin mới mẻ. Tao vui nên tao hát.

– Mày vừa thôi. Làm tao quê nha!

– Quê gì mà quê! Để mừng mày bước vào “con đường màu xanh”, chiều nay tao khao mày một chầu nhậu “mút chỉ cà tha” luôn.

Bảo Lâm cười:

– Thằng khỉ! Nhậu thì được nhưng chiều nay tao phải làm chuyện quan trọng.

– Chuyện gì?

– Có một thằng bé ở xã bên cạnh, gia đình rất khó khăn. Tao nghĩ tao và và mày cần đến đó coi có gì cần giúp đỡ không?

Bằng Sơn gật gù:

– Được thôi.

Bảo Lâm nằm xuống giường. Anh bắt đầu tơ tưởng đến Quế Chi.

Nhà của đứa bé mà Bảo Lâm nói quả thật là rất nghèo. Đó không được gọi là nhà mà chỉ gọi là một căn chòi - một căn chòi xiêu vẹo, nước lũ đã ngập tới chân giường.

Bước vào nhà, Bằng Sơn nao nao lòng:

– Căn nhà nhỏ bé quá.

Bảo Lâm thở dài:

– Trời mưa, căn nhà này chắc có lẽ không chống nổi.

Thằng Tý từ đâu bơi xuồng về. Thấy nhà có người lạ, nó ngạc nhiên:

– Các anh vào nhà em có ý gì không?

Bằng Sơn quay lại. Trước mặt anh là cậu bé khoảng mười lăm mười sáu tuổi.

Nó rất đen và gầy nhom. Bằng Sơn nở nụ cười với nó:

– Tụi anh đến nhà em chơi.

– Vậy sao?

Mắt thằng Tý chợt ánh lên rồi chợt vụt tắt:

– Nhà em có gì đâu mà chơi? Nó chật chội ẩm thấp cứ như ổ chuột. Giờ nó lại bị ngập nước nữa.

– Thì có sao đâu. Tụi anh sẽ giúp em sửa lại nhà.

– Nhưng hai anh là ai? Vì sao hai anh lại muốn giúp em?

Bảo Lâm cười thân thiện:

– Tụi anh là ai đâu có quan trọng. Điều quan trọng là tụi anh muốn giúp em.

– Có phải hai anh đang thương hại em không?

Bằng Sơn nhướng mày:

– Sao em lại nghĩ vậy?

– Vì hoàn cảnh của em quá đáng thương. Nhưng em lại không thích sự thương hại.

Bằng Sơn quan sát thằng bé. Có cái gì đó dấy lên trong lòng anh. Có lẽ Tý là đứa bé đầy nghị lực. Tuy là hoàn cảnh khó khăn nhưng nó không chờ đợi vào sự giúp đỡ của người khác.

Bằng Sơn cười như trấn an nó:

– Sao em lại nghĩ hai anh thương hại em chứ. Tuy không thân thuộc nhưng chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau mà.

Tý tròn mắt:

– Vậy sao?

– Ừm! Anh được biết em mồ côi cha mẹ. Em sống với ông ngoại nhưng ông đã già. Anh muốn phụ giúp ông một tay.

– Hai anh tót quá. Tốt như chị Quỳnh Hương vậy.

– Quỳnh Hương!

Nghe đến cái tên Quỳnh Hương, Bằng Sơn sáng mắt:

– Em cũng biết cô ấy sao? Có phải cô ấy cô mái tóc ngang vai, sống mũi cao không?

– Dạ, đúng là chị ấy đó. Chị ấy ở tận xã bên kia nhưng biết em có hoàn cảnh khó khăn, chị ấy rất hay giúp đỡ.

Bảo Lâm khều vai bạn:

– Quỳnh Hương nào vậy?

– Về tao kể cho nghe.

Quay sang thằng bé anh hỏi:

– Cô ấy rất thường đến đây sao?

– Dạ.

– Ủa! Mà anh là bạn của chị ấy sao?

Bằng Sơn gật bừa:

– Phải!

– Tý ơi? Tý ới ời!

Thằng Tý nhảy cẫng lên:

– Đó! Chị ấy đến kìa!

Bằng Sơn nhướng mắt:

– Có duyên như vậy sao?

Quỳnh Hương bước vào nhà. Cô kinh ngạc:

– Sao anh lại có mặt ở đây?

– Ủa! Vậy sao cô cũng có mặt ở đây?

– Tôi rất thường đến đây.

– Thì tôi cũng vậy.

Quỳnh Hương bặm môi:

– Xạo vừa thôi.

– Sao lại xạo?

– Anh mà thường đến đây sao?

Bằng Sơn cười:

– Trước đây thì chưa nhưng từ bây giờ sẽ có.

– Vậy mà cũng nói. Mà nè! Anh đến đây làm gì vậy hả?

– Vậy chứ cô đến đây làm gì?

– Nè! Anh bị mất căn bản ngôn ngữ hay sao vậy? Tôi hỏi cái gì, anh cũng hỏi ngược lại như thế.

Bằng Sơn chép miệng:

– Cô làm gì khó khăn quá vậy? Điều cô muốn biết cũng là điều tôi muốn biết.

Quỳnh Hương bặm môi. Tức muốn vỡ mật à. Người gì đâu mà khó ưa.

Quay sang thằng Tý, cô nghiêm nghị:

– Tý! Sao em cho người xấu vào nhà vậy?

Tý ngơ ngác:

– Ủa! Anh ấy bảo là bạn của chị mà.

Bằng Sơn đế vào:

– Sao cô gieo điều xấu vào óc trẻ thơ vậy? Tôi như thế nào mà cô bảo là xấu hả?

– Điều đó tự anh biết lấy. Ấn tượng về anh trong đầu tôi là một kẻ xấu như cá ... sấu.

– Trời đất! Cô “dzô dziên” vừa thôi nha.

– Hứ!

Quỳnh Hương nắm lấy tay thằng Tý, cô căn dặn:

– Sau này phải nhớ là đừng cho người lạ vào nhà nha. Có thể người ta là ...

trộm cũng nên.

Tý thật tình:

– Nhà em đâu có cửa, ai vô cũng được mà. Với lại, nhà em cũng đâu có gì quý giá ngoài mấy cái nồi đen thui và mấy bộ đồ cũ rách. Người ta lấy mấy thứ đó làm gì?

Quỳnh Hương khựng lại, cô quê quê:

– Thì em cũng phải phòng bị chứ. Biết đâu người ta vào đây ếm xì bùa lẳn tẳn thì sao?

Bằng Sơn cau mày:

– Ê! Cô nói một hồi sao nghe chướng tai vậy hả?

– Tôi thích nói vậy đó. Anh làm gì được tôi?

– Cô ...

Bảo Lâm chen vào:

– Nè, nè! Hai người có để ý đến sự tồn tại của hai anh em tôi không vậy? Sao vừa gặp nhau là ... “xáp lá cà” rồi. Thường thường người ta bảo ... chó với mèo mới cãi nhau.

Cả hai đồng quay lại trừng mắt với Bảo Lâm. Họ đồng thanh:

– Muốn chết hả?

Bảo Lâm rùn vai:

– Trời! Cũng hợp ... “rơ” quá há!

Quỳnh Hương nhăn trán:

– Anh là bạn của hắn ta, hèn gì mà khó ưa y như hắn vậy.

– Í! Cô đừng “vơ đũa cả nắm” chứ.

– Hứ. Hai người đáng ghét như nhau.

Thằng Tý hết nhìn Quỳnh Hương rồi lại nhìn Bằng Sơn. Nó chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa.

Nó nhăn nhó:

– Mấy anh chị đừng cãi nhau nữa mà.

Quỳnh Hương liếc Bằng Sơn:

– Chị đâu muốn cãi nhau. Tại một số người quá khó ưa nên chị ngứa miệng mắng cho một trận.

Bằng Sơn cũng không vừa:

– Em thấy chị của em chưa? Người hung dữ như vậy lần đầu tiên anh mới thấy đấy.

– Ừ! Tôi hung dữ vậy đó anh biết sợ chưa hả?

Bằng Sơn trề môi:

– Tôi mà phải sợ cô sao? Còn lâu à!

Quỳnh Hương liếc mắt. Con trai gì đâu mà hơn thua với con gái. Nhìn hắn là biết ích kỷ rồi.

Quỳnh Hương nguýt anh một cái dài ngoằng. Cô nói với thằng Tý:

– Lúc sáng chị có ... nhặt được năm trăm ngàn của một tên nhà giàu chảnh chọe, chị lấy tiền đó mua gạo và hai bộ quần áo cho em và ông ngoại. Lát em ra xe chị lấy nha.

– Chị biết tiền của anh nhà giàu sao chị không trả lại? Bị mất tiền anh ta sẽ buồn lắm.

Quỳnh Hương xua tay:

– Em đừng có lo. Người đó chảnh lắm, rớt tiền không thèm nhặt.

– Trên đời có người phung phí như vậy sao?

– Mấy người đó mắc bệnh tiền dư đó mà. Em để ý làm gì.

Bằng Sơn nghe mà nóng mũi. Rõ ràng là lúc sáng cô trấn lột anh mà bây giờ lại bảo với thằng Tý như thế. Quá đáng thật. Nhưng không sao, cô lấy tiền của anh đi làm việc tốt mà. Hung dữ nhưng được cái tốt bụng.

Bằng Sơn xía vào:

– Phải đó Tý. Em để ý làm gì. Mau lấy đồ chị Hương cho vào đi.

– Dạ.

Đợi thằng Tý ra, Bằng Sơn trêu cô:

– Nếu biết cô tốt bụng như vầy lúc sáng tôi đã mua hoa với giá đắt hơn.

– Có nhiều cách để anh giúp nó. Tôi cũng mong là anh mang lòng tốt đến với nó.

– Dĩ nhiên rồi. Chúng tôi đến đây chỉ muốn giúp đỡ thằng Tý.

– Xem ra anh cũng còn một điểm coi được.

Bằng Sơn lên mặt:

– Tôi vốn là người tốt, chỉ tại cô không nhận ra thôi.

– Mới khen một chút đã lên mặt.

Bảo Lâm và Tý ì ạch mang đồ vào nhà.

Quỳnh Hương hắng giọng:

– Em tiếp khách ... quý đi nha. Chị về đây.

Bằng Sơn lên tiếng:

– Ở chơi chứ sao lại về gấp vậy?

– Tôi đâu có rảnh ở lại chơi với anh.

Bằng Sơn lắc đầu:

– Lúc nào cũng xách mé.

Quỳnh Hương về rồi. Bảo Lâm khều vai bạn:

– Ê! Sao giống cô bé lúc trước ...

– Đó đó!

– Sao cô ta có vẻ ghét mày quá vậy?

Bằng Sơn cười. Như sợ thằng Tý nghe, anh nói nhỏ:

– Con gái là vậy đó.

– Thằng quỷ!

Tý lên tiếng:

– Hai anh ở lại dùng cơm với em và ngoại nha. Ngoại cũng sắp về rồi.

– Tối rồi, hai anh phải về. Đường ngập nước, về tối nguy hiểm lắm. Mai anh lại đến chơi.

– Dạ.

– Mà nè! Mai em nhớ qua xã chị Hương nha!

– Chi vậy anh?

– Tụi anh phát quà cứu trợ trên đó. Em cứ qua, tụi anh sẽ phát quà.

Tý mừng quýnh. Nó gật đầu lia lịa:

– Dạ, dạ.

Lấy ra một số tiền, Bằng Sơn đưa cho Tý:

– Em cầm số tiền này phòng thân đi Tý. Lũ lớn, em sẽ cần đến nó.

– Nhưng ...

– Em không được từ chối đâu, hai anh sẽ giận đấy.

– Vậy em cám ơn anh.

– Được rồi. Em cất tiền đi. Hai anh về nhé.

– Dạ:

Thằng Tý nhìn theo Bảo Lâm và Bằng Sơn một cách quyến luyến:

– Hai anh ấy tốt thật.

Chạy xe trên đường, Bằng Sơn chép miệng:

– Hoàn cảnh của thằng Tý đúng là quá khó khăn. Nhất là căn chòi ọp ẹp đó làm sao mà tránh mưa tránh nắng.

Bảo Lâm gật gù:

– Phải đó! Vậy mà thằng bé vẫn cố vượt qua.

– Tao nghĩ tao và mày sớm tranh thủ vận động các mạnh thường quân để xây cho thằng Tý một căn nhà nhỏ.

Ý kiến hay đấy.

– Còn nữa! Tao phải tìm cho nó một trung tâm vừa học vừa làm. Như vậy mới mong nó và ông ngoại sống ổn định.

Bảo Lâm thở dài:

– Sao ở đời lại có nhiều người khó khăn đến như vậy.

Bằng Sơn chợt im lặng. Cả hai như đang đeo đuổi những suy nghĩ riêng.

Buổi tối ông Minh Nguyên đến tìm bà Mộng Lan. Bà buồn bã:

– Anh đến chơi à?

– Sao em có vẻ buồn vậy?

Bà Lan thở dài:

– Mấy ngày nay, Bằng Sơn bỏ nhà đi. Điện thoại của nó không liên lạc được.

– Sao nó lại bỏ nhà đi?

– Nó giận em.

Ông Nguyên như hiểu chuyện. Ông chép miệng:

– Nó vẫn không thích mối quan hệ của chúng ta phải không?

– Phải!

Ông Nguyên trấn an bà:

– Em đừng buồn. Rồi con nó sẽ hiểu thôi mà.

– Nhưng nó đã đi mấy ngày. Em sợ lắm.

Ông Nguyên hiểu tâm trạng của bà lúc này. Mà ông cũng không thể trách Bằng Sơn. Nó không chấp nhận mối quan hệ của ông và bà Lan cũng phải. Nó không cho phép bất cứ ai thay thế vị trí của cha mình.

Ông Nguyên cố nén tiếng thở dài. Ông trấn an bà:

– Con đã lớn rồi, có lẽ nó đi du lịch đâu đó thôi. Nó tự biết lo cho mình mà.

– Em cũng mong là như vậy.

Im lặng giây lát, bà Lan nói.

– À! Anh lo giùm em vụ tiệm thẩm mỹ viện xong chưa?

– Giấy tờ anh lo xong hết. Hình như em chuẩn bị nhập hàng ở nước ngoài về à?

– Phải! Tiểu Kỳ bảo sẽ nhập hàng chất lượng cao về. Em để nó tự quyền quyết định.

– Sao em tin người quá vậy? Nhập hàng ngoại không phải chuyện đơn giản đâu.

Bà Lan xua tay:

– Anh đừng lo. Tiểu Kỳ là con dâu tương lai của em. Em tin nó mà.

– Tuy là vậy nhưng em cũng đề phòng. Đừng nên đặt niềm tin quá chắc chắn van bất cứ ai.

Bà Lan nhăn trán:

– Sao anh có vẻ có thành kiến với Tiểu Kỳ quá vậy?

Ông Nguyên nhún vai:

– Anh chỉ nhắc nhở thôi.

– Anh cứ an tâm. Mấy lần trước Tiểu Kỳ cũng giúp em nhiều việc. Nó sắp là người trong nhà. Chẳng lẽ nó lại không thành thật với em.

– Anh cũng mong là như vậy. Mà sao con bé ra nước ngoài lâu quá vậy em.

Hai đứa cũng đến lúc tổ chức cưới nhau rồi.

– Con bé về bên ấy với gia đình. Nó bảo đang bận làm việc gì đó.

Ông Nguyên như hối thúc:

– Em phải đề nghị tụi nó cưới nhau chứ. Có dâu, có cháu, cuộc sống của em sẽ vui vẻ hơn.

Bà Lan cười:

– Nghe anh nói mà em thấy vui hẳn lên. Có lẽ em phải hối thúc Bằng Sơn.

– Phải đó! Bằng Sơn đã gần ba mươi. Nó lại có nghề nghiệp ổn định. Cưới vợ lúc này cũng đúng thôi.

– Nhưng em e là nó không chịu. Bằng Sơn còn rất ham chơi. Nó chưa muốn sự ràng buộc.

– Em không thể chiều con được. Em cần có con dâu để đỡ đần công việc. Em phải được nghỉ ngơi chứ.

Bà Lan gật gù. Ông Nguyên nói cũng phải. Cũng đã đến nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu. Nhưng bà khó mà ép Bằng Sơn làm việc đó.

Bà Lan chép miệng:

– Thôi đi anh à. Khi nào nó muốn thì mình tổ chức cưới. Ép con làm gì tội nghiệp nó.

– Trời! Sao lại tội nghiệp? Em làm vậy là tốt cho nó đó chứ. Cứ để nó long nhong như vậy coi sao được.

Bà Lan thở dài:

– Trước giờ, Bằng Sơn luôn được quyền quyết định chuyện của nó. Chuyện cưới vợ cũng vậy, em để nó tự do.

Ông Nguyên hớp một ngụm trà. Ông cười?

– Vậy em cứ để khi nào nó đến bốn mươi rồi hãy hối thúc cưới vợ.

– Í, đâu có được! Để nó như vậy làm sao em ẵm cháu được.

– Chính vì điều đó anh mới bảo em nên hối thúc con.

Bà Lan gật gù:

– Khi nào Tiểu Kỳ về nước, em sẽ bàn ngay chuyện này.

– Như vậy tốt hơn.

Bà Lan cười:

– Anh lúc nào cũng chu đáo hết.

– Phải vậy chứ. Mà thôi. Em nghỉ ngơi đi. Anh về!

– Anh nhớ cẩn thận nha.

– Ừ!

Tiễn ông Nguyên ra tận cổng, tự dưng bà Lan thấy cô đơn, trống vắng không thể tả. Phải! Bà rất cần có người bạn tri âm tri kỷ để tâm sự.

Nước lũ ngày càng dâng cao, nhiều người dân thiếu lương thực để sống chung với lũ. Hoàn cảnh của họ thật đáng thương.

Đoàn cứu trợ của Bằng Sơn lại tiếp tục tiếp sức cho họ. Gạo, tiền và các loại gia dùng thứ yếu là những thứ đoàn mang đến cho mọi người.

Trên chiếc ghe lớn, Bằng Sơn đang phát quà cho mọi người. Đứng đằng xa, Quỳnh Hương cười một mình:

– Thì ra hắn cũng là người tốt. Nhưng sao đối với mình, anh ta đáng ghét đến vậy chứ?

Mọi người đang vây lấy ghe cứu trợ. Người đi lên, người đi xuống nhộn nhịp. Quỳnh Hương lại cười:

– Nếu trên đời có nhiều mạnh thường quân hơn nữa thì hay quá.

Quỳnh Hương chợt trố mắt. Cô la lên:

– Trời ơi!

Tõm ... - Bằng Sơn té nhào xuống sông vì có quá nhiều người chen chúc lên ghe. Quỳnh Hương hoảng lên khi thấy hai bàn tay Bằng Sơn giơ lên kêu cứu giữa dòng nước chảy xiết.

Không chút chần chừ và mặc cho có người đã nhảy xuống sông, Quỳnh Hương chạy đến, cô nhảy tõm xuống chỗ Bằng Sơn. Dùng động tác cứu nạn nhân chết đuối, Quỳnh Hương khó nhọc đưa Bằng Sơn lên bờ. Mọi người vây quanh. Bảo Lâm la lớn:

– Mọi người làm ơn tránh ra xa giùm. Nạn nhân cần không khí để thở.

Đặt Bằng Sơn nằm ngửa, Quỳnh Hương chẳng cần để ý đến gì. Cô cúi xuống hô hấp nhân tạo cho Bằng Sơn Nước trong miệng anh ọc ra nhưng anh vẫn chưa tỉnh Quỳnh Hương cố hết sức, cô đưa miệng mình van miệng Bằng Sơn để truyền hơi.

Bảo Lâm ngây người vì cảnh tượng đó. Anh thầm nghĩ:

– Thằng này may mắn thật.

Bằng Sơn từ từ mở mắt. Giọng anh yếu ớt:

– Tôi ... tôi ...

Quỳnh Hương mừng rơn khi thấy Bằng Sơn đã tỉnh lại:

– Anh tỉnh rồi sao?

– Tôi ...

Bằng Sơn chỉ nói lắp bắp được bao nhiêu đó. Anh mệt đừ. Quỳnh Hương nói với Bảo Lâm:

– Anh ấy lạnh quá. Đưa anh ấy về nhà tôi đi. Tôi sẽ gọi bác sĩ ở trạm:

Bảo Lâm nhanh nhảu:

– Ừ!

Anh chợt khựng lại:

– Nhưng nhà cô ở đâu?

– Căn nhà màu xanh ở đằng kia đó.

– Sao, căn nhà đó ư?

– Phải! Anh đưa anh ấy đến đó ngay đi. Có cậu và mợ tôi ở đó.

Bảo Lâm chớp mắt lia lịa:

– Sao trùng hợp quá vậy?

– Cái gì mà trùng hợp?

– Căn nhà đó ...

Quỳnh Hương bực bội:

– Nhà của tôi.

– Nhưng ...

Thấy Bảo Lâm cứ chần chờ, Quỳnh Hương đe nẹt:

– Nhanh lên đi! Chần chờ hoài vậy?

Bảo Lâm quýnh lên:

– Ừ!

Bế xốc Bằng Sơn lên xe của một anh có xe máy, Bằng Sơn được đưa đến nhà ông Chương. Đang xem tivi, Quế Chi hoảng lên khi thấy Bảo Lâm bế Bằng Sơn trên tay. Cô lo lắng:

– Anh ấy sao vậy?

– Nó bị .... té sông.

– Vậy sao! Cho anh ấy ... nằm xuống đây đi.

Chỉ tay lên bộ ván xong, Quế Chi hối hả gọi ông Chương. Cô chạy nhanh vào phòng cha mình lấy bộ đồ cô đưa cho Bảo Lâm:

– Thay cho anh ấy nhanh lên!

Ông Chương cũng đi vào:

– Té sông sao? Đã hô hấp cho cậu ấy chưa?

– Dạ rồi.

Quế Chi lo lắng:

– Gọi bác sĩ đi ba!

Bảo Lâm nhanh miệng:

– Quỳnh Hương đi rồi.

Quế Chi chau mày:

– Quỳnh Hương cũng biết chuyện này sao?

– Phải! Chính cô ấy đã cứu Bằng Sơn.

– Nó có mặt ở đó ư?

– Ừ.

Quế Chi bực bội. Cô cũng không hiểu vì sao mình lại bực nữa. Lẽ ra người cứu Bằng Sơn là cô. Cô muốn như vậy.

Lát sau bác sĩ đến. Anh ta nhanh tay làm mấy động tác hô hấp cho Bằng Sơn. Quế Chi kéo tay Quỳnh Hương ra phía sau. Quỳnh Hương nhăn nhó:

– Gì vậy chị?

– Ai cho phép mày cứu Bằng Sơn hả?

Quỳnh Hương ngớ người:

– Là sao? Chẳng lẽ em để dòng nước cuốn trôi anh ấy đi sao?

– Ý tao không phải như vậy. Tại sao có bao nhiêu người ở đó, mày không để họ cứu mà mày lại phải cứu?

Quỳnh Hương chép miệng:

– Chị sao vậy? Cứu người thôi mà, ai cứu cũng vậy. Sinh mạng của người ta quý hơn.

– Nhưng tao không thích mày trở thành ân nhân của anh ta.

– Tại sao?

Quế Chi lừ mắt:

– Mày chỉ cần biết là tao không thích. Những chuện khác, mày không cần hỏi.

– Sao chị lạ quá vậy? Em vào xem anh ta thế nào rồi.

– Đứng lại!

Quế Chi lạnh lùng:

– Tao cấm mày chăm sóc anh ấy.

Quỳnh Hương ngẩn người:

– Sao hôm nay chị lạ quá vậy? Chăm sóc anh ta thôi mà. Bộ chị có thù với anh ta hả?

– Thù cái gì mà thù. Anh ấy là ân nhân của tao.

– Trời! Vậy em giúp anh ấy xem như trả ơn giùm chị. Có sao đâu.

Quế Chi trừng mắt:

– Tao không thích. Tao yêu cầu mày tránh xa anh ấy nghe chưa?

Quỳnh Hương chép miệng:

– Em biết rồi.

– Vậy thì tốt.

Quế Chi ngoe nguẩy đi vào.

Quỳnh Hương chau mày khó hiểu:

– Sao chị ấy làm vẻ giống như đang ghen vậy kìa. Phức tạp quá vậy!

Quỳnh Hương lắc đầu. Cô xuống nhà sau chuẩn bị cơm.

Hai tiếng đồng hồ sau, Bằng Sơn mới tỉnh lại. Anh nhìn quanh:

– Đây là đâu vậy?

Quế Chi ngồi cạnh anh. Cô cười khi thấy anh tỉnh lại:

– May quá! Anh tỉnh rồi. Đây là nlà em. Lúc nãy anh bị ....

– Tôi bị té sông.

– Phải.

Bằng Sơn chau mày:

– Nhưng sao tôi lại ở đây? Bảo Lâm đâu?

– Bảo Lâm đưa anh đến đây. Anh ấy về khách sạn lấy đồ cho anh rồi.

– Sao lại phải lấy đồ?

– Bác sĩ bảo anh uống nước sông nhiều lại bị hoảng quá nên sức khỏe còn yếu lắm. Ba em bảo anh nên ở đây tịnh dưỡng. Ở khách sạn không tiện lắm.

– Vậy tôi làm phiền gia đình sao?

Quế Chi xua tay:

– Anh đừng lo chuyện đó. Ba em đã đề nghị chuyện này mà.

Bằng Sơn cố ngồi dậy. Anh cố nhớ lại lúc nãy. Anh đang phát quà thì vấp phải chân của ai đó và anh rơi tõm xuống sông. Có người đã cứu anh. Lúc lên bờ, anh mơ hồ nhận ra người cứu mình là Quỳnh Hương.

Nghe đến đây, anh chợt hỏi:

– Ai đã cứu tôi vậy?

Quế Chi nhướng mắt. Cô lảng chuyện:

– Anh mới tỉnh lại. Nghỉ ngơi cho khỏe đi. Mấy chuyện khác, mai mốt tính.

– Cám ơn cô.

Quế Chi hờn dỗi:

– Sao anh có vẻ lạnh lùng với em quá vậy? Chúng ta là bạn bè mà.

Bằng Sơn gật gù:

– Nhưng dù sao anh cũng phải cám ơn ... em.

– Có gì đâu. Anh cứ nghỉ cho khỏe là em vui rồi.

– Nhưng anh cần biết người đã cứu mình để còn trả ơn chứ.

Quế Chi xua tay:

– Anh đừng lo chuyện đó. Dân ở đây sống tình nghĩa vậy đó. Thấy người hoạn nạn là giúp, họ không cần trả ơn đâu.

– Hình như người cứu anh là con gái.

Quế Chi nói nhanh:

– Thì là con gái. Khi nào anh khỏe, em sẽ để anh gặp ân nhân.

– Cám ơn em.

– Anh lại nữa rồi! Khách sáo hoài!

Bằng Sơn ái ngại:

– Ngoài câu cám ơn, anh không biết phải nói gì.

– Để trả ơn em anh có nhiều cách thực hiện mà. Nhưng thôi, anh nằm đây nghỉ đi. Em ra chợ mua chút đồ cho anh.

– Làm phiền em quá.

– Lại nữa.

Bằng Sơn cười. Quế Chi cũng cười theo anh. Lần này cô phải tìm cách giữ chân anh mới được.

Quế Chi ra ngoài. Nằm một lát, Bằng Sơn xuống đất. Anh đi thẳng ra phía sau. Anh kinh ngạc:

– Quỳnh Hương!

Đứng coi nồi cháo, Quỳnh Hương giật mình:

– Trời đất! Anh xuống giường làm gì vậy? Đi lên mau!

Bằng Sơn thắc mắc:

– Sao cô lại ở đây?

– Ơ ... Đây là nhà của tôi, tôi không ở đây chẳng lẽ lên sao Hỏa ở à?

– Ý tôi không phải như vậy. Tôi không nghĩ lại có sự trùng hợp như vậy.

– Có gì đâu. Mà tôi cũng không nghĩ là sẽ cứu anh.

– Sao?

– Sao là sao? Ban ngày làm gì có sao?

– Cô cứu tôi ư?

Quỳnh Hương le lưỡi. Cô quên mất lời căn dặn của Quế Chi rồi. Cô không được nói ra chuyện này. Mà có sao đâu. Mình chỉ cứu thôi mà. Hắn ghét mình như kẻ thù. Mình có cứu vạn lần thì anh ta cũng chẳng biết ơn đâu.

Quỳnh Hương dẩu môi:

– Tôi cứu anh thì sao? Mà nè! Lúc thường anh hay ăn ... thịt trâu, uống sữa ...

voi hay sao mà nặng muốn chết. Tôi kéo muốn hụt hơi mới đưa anh được lên bờ.

– Trời đất! Có ai lại hỏi như cô. Vô duyên chưa từng thấy!

– Ê! Tôi vừa cứu anh đấy. Suy nghĩ trước khi mắng người ta nha.

– Cô cứu thì tôi mang ơn cô, nhưng cô hỏi chuyện không đâu thì tôi phải đính chính chứ.

Quỳnh Hương chép miệng:

– Tôi chưa từng thấy ai lý sự như anh. Sợ anh quá.

Bằng Sơn cười. Anh chợt hỏi:

– Đây là nhà của cô thật hả?

Quỳnh Hương chun mũi:

– Nói dối anh tôi mập lên tám ký quá. Mà sao anh cứ hỏi câu này hoài vậy?

– Ý tôi là ... cô và Quế Chi là chị em hả?

– Anh nói chuyện khó hiểu quá. Phải! Quế Chi là chị của tôi.

– Trùng hợp quá há.

– Có gì đâu mà trùng hợp? Thôi, anh đi lên đi. Bác sĩ nói anh còn yếu đó.

– Cô quan tâm tôi đến vậy sao?

Quỳnh Hương chợt khựng lại. Cô né tránh ánh nhìn nồng nàn của Bằng Sơn.

Quái quỷ thật! Tự dưng anh lại hỏi mấy câu này khiến tim cô đập loạn xạ. Mà tại sao nó đập dữ vậy? Bằng Sơn chỉ hỏi vậy thôi mà.

Quỳnh Hương vênh mặt:

– Ai mà rảnh quan tâm đến anh? Vì anh là bạn của chị tôi nên tôi hơi quan tâm vậy thôi.

– Vậy sao?

Bằng Sơn lại cắc cớ hỏi:

– Vì nguyên cớ nào cô cứu tôi vậy?

Quỳnh Hương nhăn nhó:

– Ê! Tôi bực anh rồi nha. Tôi cứu anh, anh cám ơn là được rồi, mắc mớ gì mà dài dòng quá vậy hả? Cơn trai gì mà nhiều chuyện hiếm thấy luôn à.

Bằng Sơn cố tình hỏi cho ra chuyện:

– Đối với người cứu mình thì gọi là ân nhân. Đã vậy, mình phải biết nguyên do chứ.

– Ủa! Cứu người phải có nguyên do mới cứu được hả? Nếu biết rắc rối như vầy, lúc nãy tôi cho anh làm bạn với ... Hà Bá luôn rồi.

– Sao lại ác mồm ác miệng như vậy chứ?

– Ai biểu anh cứ hỏi hoài. Nếu biết người bị nạn là anh thì tôi đã không cứu rồi.

Bằng Sơn bắt đầu hỏi tới:

– Vậy lúc kéo tôi lên bờ, cô đã nhận ra tôi rồi chứ.

– Mặt anh khó ưa như vậy, vừa bay xuống là tôi nhận ra rồi. Lúc đó, tôi rất hối hận.

– Hối hận sao còn ... “hô hấp môi” cho tôi.

Ý trời đất ơi! Quỳnh Hương ngây người luôn. Thì ra nãy giờ hắn dẫn cô vào bẫy. Tới nơi, hắn đạp cô xuống luôn. Quá đáng thật. Chuyện vậy mà cũng đem ra giỡn được. Bó cánh luôn!

Thấy Quỳnh Hương cứ lặng yên, hai má ửng đỏ, Bằng Sơn cười trong bụng.

Anh hắng giọng:

– Sao cô không trả lời?

Quỳnh Hương ngượng không thể tả. Người ta là con gái mà hắn nói huỵch toẹt ra vậy đó.

– Trả lời cái gì? Anh đi lên nhà trên cho tôi nhờ.

– Cô chưa trả lời làm sao tôi đi. Nói đi! Nếu đã ghét sao còn hô hấp ... “môi”.

Quỳnh Hương nhảy đổng lên:

– Sao anh ăn nói nham nhở quá vậy? Người ta gọi đó là hô hấp nhân tạo.

– Thì cũng là môi kề môi đó thôi. Cô ghét tôi mà sao lại tiếp hơi cho tôi?

– Anh có im hay không hả? Anh là quỷ sứ. Mấy chuyện như vậy mà anh hỏi tỉnh bơ vậy sao? Tôi cứu anh để bị anh chất vấn như vậy hả?

Bằng Sơn tỉnh bơ:

– Tôi thắc mắc chỗ nào thì hỏi chỗ đó. Cô cứ việc trả lời, có sao đâu.

Quỳnh Hương giận sôi gan. Cô hét lên:

– Anh biến đi không hả? Tôi nện anh bây giờ.

– Gì mà hung dữ quá vậy? Lúc nãy cứu tôi, tôi nhận thấy cô rất dịu dàng mà.

– Trời ơi! Bằng Sơn! Anh muốn chọc cho tôi tức hả?

Quỳnh Hương giận đến hai má ửng hồng lên. Bằng Sơn rùn vai. Anh chợt nói nhỏ:

– Lúc giận, trông cô đẹp ... ác luôn.

– Anh ...

Quỳnh Hương bặm môi:

– Đồ dê xồm! Anh có tin là tôi sẽ đuổi anh ra khỏi nhà này không hả?

– Trời ạ! Khen đẹp mà cũng giận nữa sao?

– Cút đi! Tức chết được mà?

Bằng Sơn chợt cười. Nhìn cái giọng cười của anh, Quỳnh Hương thấy “ghét”.

làm sao. Sống mũi cao, chân mày rậm lại có thêm hai lúm đồng tiền ấn tượng.

Quỳnh Hương “ghét” đến mức không dám nhìn. Cô sợ mình sẽ mất hồn vì hai lúm đồng tiền đó.

Cô quay đi, giọng lạnh lùng:

– Anh có đi lên không hả?

– Lên thì lên. Cô đừng quên tôi là khách đó nha, mà lại là khách bị bệnh nữa.

Cô phải đối xử dịu dàng chứ.

Quỳnh Hương đe nẹt:

– Anh mà còn đứng đó lảm nhảm coi chừng tôi đập ... què giò bây giờ.

– Công nhận cô xấu mà còn đóng vai ác nữa. Con gái hung dữ như vầy, tôi nghĩ ở Việt Nam chắc cô độc quyền.

Quỳnh Hương tức không thể tả. Cô hét lên:

– Anh có im ngay không hả?

Bằng Sơn tưng tửng:

– Đuổi đi lên chứ gì? Tôi đi nè!

– Trời ơi! Người gì đâu mà khó ưa. Nếu biết như vầy chắc tôi đã bỏ cho xác anh trôi sông rồi.

Quỳnh Hương lảm nhảm trong miệng như thế. Đi được vài bước, Bằng Sơn quay lại:

– Khoan đã! Cho tôi nói câu này nha.

– Gì nữa hả?

– Cô có ngửi được mùi gì không?

Quỳnh Hương khịt khịt mũi:

– Mùi này nghe quen quen.

– Thơm quá há.

– Không! Mùi thơm này là sắp chuyển sang khét rồi đó.

– Vậy hả?

Quỳnh Hương chợt la lên:

– Trời ạ! Nồi cháo gà của tôi ... Thôi chết rồi! Nó khét!

Bằng Sơn cười. Anh không tha:

– Thấy chưa? Ai bảo cô cứ kiếm chuyện với tôi làm gì?

– Cũng tại anh hết đó. Chuyện gì có liên quan đến anh là gặp rắc rối hà.

– Còn gây nữa sao? Nồi cháo khét nghẹt rồi:

Quỳnh Hương nhanh tay nhấc nồi cháo xuống bếp. Cô mà không mau xử lý “vụ án” này thì thế nào cũng bị bà Quế Chi giảng đạo.

Nghĩ đến đâu, Quỳnh Hương thấy ghét Bằng Sơn đến đó. Cô nghiến ngầm:

– Đồ sao Chổi! Đồ bò cạp. Lần nào gặp anh tôi cũng có chuyện không hay.

Đáng ghét! Chắc kiếp trước tôi nợ anh à?

Buổi sáng cả nhà đi làm hết, Bảo Lâm và Bằng Sơn được “thăng chức” giữ nhà. Bằng Sơn cười:

– Ê! Phải công nhận hai bác tin tưởng tao và mày thật, chưa chi đã giao nhà cho tao và mày.

– Thằng quỷ! Người ta chọn mặt gửi vàng đấy.

– Vậy sao?

Bảo Lâm nhướng mắt:

– Ê! Nhớ đến cảnh tượng hôm qua Quỳnh Hương cứu mày, tao còn thấy ganh tỵ đó.

– Mày có vấn đề ở não hả? Tao bị sông mà mày cũng ganh tỵ. Sao hôm qua không nói, tao nhường cho.

– Trời! Té sông mà được mỹ nhân cứu tao có té mấy lần cũng được.

Bằng Sơn chợt hỏi:

– Ê! Bộ cảnh tượng hôm qua đạt kỷ lục lắm hả?

– Tao phải mất mấy giây mới tỉnh lại được đó.

– Mày kể lại đi.

– Thì lúc mày té đó, tao và mấy anh em trong đoàn lần lượt nhảy xuống cứu mày. Nhưng mày trôi theo dòng nước. Quỳnh Hương liền nhảy xuống và lôi mày lên bờ.

– Hấp dẫn quá.

– Lúc đó tao định chạy lại hô hấp cho mày nhưng Quỳnh Hương đã làm chuyện đó trước tao. Cô ấy hô hấp nhân tạo cho mày đó.

Bằng Sơn vỗ đùi:

– Phải chi lúc đó tao tỉnh lại há.

– Thằng quỷ! Mày nham nhở quá đi. Người ta chỉ nghĩ đơn giản là cứu người thôi.

– Tao biết rồi.

Bảo Lâm tỏ ra ganh tỵ:

– Mày thì hay rồi. Ở ngoài đó thì có Quỳnh Hương. Vừa về đến đây là Quế Chi lao vô lo lắng, chăm sóc cho mày. Tao thấy mà phát thèm.

– Có chảy nước dãi không bạn?

– Thằng khỉ!

Bằng Sơn bật cười. Chuyện này đối với anh đúng là rất thú vị. Cô bé bướng bỉnh đó lại xả thân cứu anh.

Bảo Lâm đâm quạu:

– Mày làm gì mà cười dữ vậy? Vui quá há!

– Ừ! Chuyện này vui thật chứ bộ.

– Mày thì vui quá rồi. Cả cô chị và cô em đều tập trung vào mày.

– Ghen hả thằng quỷ?

Bảo Lâm nhún vai:

– Bất khả kháng, tao đâu biết làm gì nữa. Thấy cô nàng cứ ngồi trông mày suốt tao phát nóng ruột.

Nghe bạn nói vậy, Bằng Sơn cũng áy náy. Nhưng anh cũng đâu muốn vậy.

Chắc tại cái “mác” đẹp trai nên chiếm ưu thế.

Vỗ vai bạn, Bằng Sơn trấn an:

– Mày đừng có buồn. Cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng. Tao phân biệt rõ ràng lắm. Mày cứ cố tấn công đi.

– Thôi! Tao là người đến sau, tao đành chịu vậy.

– Ê! Mà cũng bất ngờ thật, tao không nghĩ Quế Chi và Quỳnh Hương là hai chị em.

– Thì tao cũng như mày thôi. Tao đến đây chơi mấy lần nhưng đâu có thấy Quỳnh Hương.

Bằng Sơn cười sảng khoái:

– Hay thật! Ông trời đúng là khéo sắp đặt.

– Ông sắp đặt chỉ để riêng cho mày.

– Mày lại nữa rồi. Mệt quá đi.

Bằng Sơn chợt ôm ngực:

– Tự dưng tao thấy đau quá, mày ơi.

Bảo Lâm lo lắng:

– Bác sĩ đã bảo mày còn rất yếu. Phổi mày yếu. Làm ơn nghỉ ngơi đi ông.

– Đau quá!

– Ê! Mày đừng có làm tao rối lên nha.

Bằng Sơn gượng cười:

– Tao không sao.

– Không sao mà mặt nhăn như khỉ. Ai bảo mày nói nhiều làm chi? Nó quần đó!

Bằng Sơn nằm xuống giường. Tự dưng anh thấy mệt đừ. Té sông chút xíu mà phát bệnh như vậy ư?

Ngoài vườn hoa, ông Chương bàn với bà Lệ Hoa:

– Bà nè! Tôi thấy thằng Bảo Lâm mến con gái mình lắm đấy.

Đang nhổ cỏ, Quế Chi nhăn mày:

– Ba nói gì vậy? Bảo Lâm mà nghe được, anh ta cười thúi mũi cho xem.

– Gì mà cười! Ba thấy sao thì nói vậy.

Bà Lệ Hoa cũng đồng tình.

– Mẹ thấy cậu ấy cũng được đó chứ. Dân thành phố lại là con nhà giàu, nhưng không tự cao tự đại, đã vậy còn tham gia cứu trợ khắp nơi. Thanh niên như vậy thời bây giờ hiếm lắm.

– Trời ơi! Ba mẹ nói lạc đi đâu vậy. Con có thích ảnh đâu.

– Trời! Người như vậy mà con còn chê sao?

Quế Chi chép miệng:

– Con không chê khen ai hết. Nhưng anh ta không phải là mẫu người con thích.

Quỳnh Hương tủm tỉm. Cô biết Quế Chi muốn gì mà. Cô nói thầm trong bụng:

– Người chị ấy thích là anh chàng đang ở ké nhà mình kìa.

Quỳnh Hương chợt nhặn nhó:

– Trời! Anh ta mà trở thành anh rể của mình thì nguy. Hắn ăn hiếp mình là khỏi phản kháng luôn à.

Quỳnh Hương hoang mang:

– Phải làm sao đây trời? Hai người họ mà “song kiếm hợp bích” lại chơi mình chắc mình tiêu quá. Có trốn vào ... áo Ngọc Hoàng cũng khó mà thoát ...

– Quỳnh Hương!

Đang suy nghĩ, Quỳnh Hương giật mình khi nghe tiếng cậu gọi:

– Dạ.

– Con làm gì mà ta gọi hai ba tiếng mới trả lời?

– Dạ, con đang ... bắt sâu.

– Trời đất! Con bắt nó làm gì?

– Nó ... phá hoa thì con bắt. Mà có gì không cậu?

– Con ngừng tay đi.

– Chi vậy cậu?

– Về nhà lo nấu cơm. Nhà ta có đến hai người khách đó.

Quế Chi chen vô:

– Để con về nấu cho ba.

Quỳnh Hương gãi mũi. Trời! Hôm nay chắc có mưa to gió lớn quá. Chị Quế Chi nhà ta giành phần nấu ăn.

Quỳnh Hương hí hửng:

– Vậy chị về trước đi. Em ở lại cho.

– Ừ!

Ông Chương lên tiếng:

– Thôi! Ta không tin vào tài nấu ăn của con Chi. Mà trước giờ nó có xuống bếp bao giờ đâu.

Quế Chi phụng phịu:

– Ba này! Sao ba không đặt niềm tin vào con?

– Ngày thường thì được. Nhưng lúc này nhà ta có khách, lại có một người bệnh. Ta không dám liều.

– Ba này kỳ ghê!

Ông Chương cười:

– Thôi đi con gái! Để Quỳnh Hương về nhà làm cơm cho mau.

Quỳnh Hương theo phe Quế Chi:

– Cậu cứ để chị ấy thử đi mà.

– Con bé này! Hôm nay con làm biếng sao?

– Dạ đâu có!

– Vậy thì về mau?

Quỳnh Hương chu môi, cô lẩm nhẩm:

– Có người đang muốn trổ tài mà cậu lại không cho.

Đi ngang qua chỗ Quế Chi, Quỳnh Hương khựng lại vì ánh nhìn sắc như dao của Quế Chi. Cô rít nhỏ:

– Nhớ lời tao dặn đó. Mày không được đến gần Bằng Sơn.

Quỳnh Hương chun mũi:

– Em biết rồi mà.

– Vậy thì tốt.

Quay mặt đi, Quỳnh Hương lè lưỡi:

– Có người yêu mình lại không chịu. Vậy mà đi yêu người mà người ta không yêu mình. Tình yêu sao lạ quá vậy ta? Rắc rối chưa từng thấy.

Đợi Qụỳnh Hương đi một khoảng xa, bà Lệ Hoa mới lên tiếng:

– Không có mặt Quỳnh Hương ở đây mẹ mới nói. Con nên học hỏi ở nó nhiều van.

Quế Chi quạu quọ:

– Sao tự dưng mẹ bảo con học hỏi nó? Con là chị của nó mà.

– Tuy con là chị, nhưng con xem mình có gì hơn nó. Học hành thì chẳng tới đâu. Tương lai của con là sống dựa vào chồng. Đã vậy, chuyện nội trợ lại rất dở.

Con không nên học hỏi sao?

– Nhưng đâu phải hết người để học mà con phải học con nhỏ đó.

Bà Hoa lắc đầu:

– Con lại săm soi Quỳnh Hương rồi. Con bé rất quý con. Mà ngược lại, con cứ ganh ghét nó.

– Thật tình là con không thể ưa nó.

– Bậy nào! Con đừng quên hai đứa là chị em.

– Ai bảo nó sống nhờ vào gia đình mình mà còn bày đặt lên mặt.

Ông Chương hắng giọng:

– Sao con lại nói vậy? Ở đời đâu có ai được quyền lựa chọn số phận cho mình. Quỳnh Hương mồ côi từ nhỏ, lẽ ra con phải thương nó nhiều hơn chứ.

– Con không nghĩ được nhiều như vậy.

– Ngay cả đạo đức sống mà ta thấy con cũng không bằng nó. Con khiến ta thất vọng quá.

Quế Chi đâm quạu. Cô ghét nhất là bị đem ra so sánh với Quỳnh Hương. Cô ghét cay, ghét đắng Quỳnh Hương.

– Hừm! Lúc nào ba mẹ cũng khen Quỳnh Hương. Nhiều lúc con nghĩ Quỳnh Hương là con ruột của ba mẹ thì đúng hơn. Còn con chỉ là con rơi thôi.

Bà Lệ Hoa bất bình:

– Quế Chi! Sao con có thể nói như vậy chứ?

– Sao lại không? Con nói sự thật mà.

– Con ... quá lắm.

Quế Chi hằn học:

– Từ nhỏ tới lớn lúc nào ba mẹ cũng biết có Quỳnh Hương. Còn con chẳng là gì cả.

Ông Chương nổi giận:

– Con nói với ba mẹ như vậy sao? Nếu ba mẹ không thương con thì có lo cho con đến lớn không không hả?

– Lúc nào ba mẹ cũng dành tình cảm cho Quỳnh Hương hơn con.

– Con nghĩ vậy sao? Con là ruột thịt của ba mẹ. Ba mẹ thương con còn hơn bản thân mình. Còn Quỳnh Hương, ba mẹ dành cho nó một tình cảm khác vì nó mồ côi từ nhỏ. Ba mẹ chưa bao giờ thiên vị.

Quế Chi xua tay vào không khí:

– Con không muốn nói nữa. Nói chung, gia đình ta xào xáo đều là do Quỳnh Hương.

Bà Lệ Hoa lớn tiếng:

– Con không được lớn tiếng.

– Mẹ lại bênh nó nữa chứ gì?

– Mẹ không bênh nó, chỉ là mẹ đang dạy con thôi.

– Con không biết, con không muốn nghe.

Quế Chi bịt tai lại. Mặt cô nhăn nhó. Bà Hoa lắc đầu:

– Biết đến bao giờ nó mới nên người hả anh?

Ông Chương trấn an bà:

– Chắc tại từ nhỏ, ta quá nuông chiều nó nên mới như thế. Từ từ dạy nó, em à.

– Tính khí nó như vậy, em lo lắm.

– Không có gì đâu. Em đừng nghĩ ngợi nhiều.

Trấn an bà Hoa vậy thôi chứ thật ra ông Chương cũng đang rầu lắm. Con gái ông như vậy biết làm cách nào để trị đây?

Quỳnh Hương lon ton về nhà. Vừa bước vào, cô đã thấy Bằng Sơn trùm mền. Anh rên hừ hừ:

– Lạnh quá!

Quỳnh Hương quýnh lên. Cô kéo nhẹ mền cho đầu Bằng Sơn lú ra:

– Anh sao vậy?

– Tôi lạnh quá.

– Trời đang nắng nóng nực mà anh lạnh hả?

Bằng Sơn nhăn nhó:

– Tôi là người bệnh đó, cô Hai.

Quỳnh Hương đùa:

– Trong nhà này, tôi là cô Ba.

– Trời! Tôi đang lạnh muốn chết mà cô còn đùa được hả?

– Anh lạnh hả? Chuyện nhỏ thôi mà. Tôi lấy than để dưới sàn quạt cho anh.

– Í! Như vậy cũng không hết đâu.

– Tôi nấu nước lá me cho anh tắm?

Bằng Sơn lắc đầu:

– Tôi kỵ nước lá me.

– Vậy tôi lấy dầu xức cho anh.

– Tôi sợ dầu lắm.

Quỳnh Hương đâm quạu:

– Vậy tôi nấu chảo nước sôi rồi nhúng anh vào trong đó là được chứ gì?

– Chời ơi chời! Cô ác vừa thôi chứ!

– Vậy chứ anh muốn tôi làm sao?

– Mỗi lúc tôi bệnh mẹ tôi đều ở bên cạnh.

Quỳnh Hương nhướng mày:

– Vậy thì sao? Tôi đâu phải là mẹ anh.

– Nhưng cô có thể giúp tôi.

– Tôi giả làm mẹ anh hả?

– Ừm!

Quỳnh Hương hí hửng:

– Được à! Trò này vui nha.

Vừa nói, Quỳnh Hương vừa vuốt đầu anh:

– Ngoan nha ... mẹ cưng.

Bằng Sơn tinh quái:

– Mẹ tôi không có dỗ dành như vậy.

– Vậy chứ mẹ anh làm sao?

– Ôm tôi và truyền hơi ấm cho tôi.

– Hả!

Quỳnh Hương nhảy dựng lên. Cô đánh túi bụi vào người Bằng Sơn:

– Đồ đáng ghét! Anh là tên khó ưa! Anh dám dụ tôi vào bẫy nữa hả? Anh muốn chết sao?

Bằng Sơn phì cười:

– Tôi đùa thôi, ai bảo cô tin thật làm chi.

Quỳnh Hương bặm môi:

– Anh quá lắm rồi. Cả Quỳnh Hương này mà cũng dám đùa sao? Anh có tin là tôi “nện” anh không thấy mặt trời không hả?

Bằng Sơn rùng mình:

– Tôi giỡn có chút xíu, cô làm gì mà thấy ghê quá vậy?

– Đùa hả? Tôi ném anh xuống ... đìa cho cá rỉa bây giờ. Hết chuyện đùa hay sao hả? Chết đi!

Vừa nói, Quỳnh Hương vừa đánh túi bụi vào người Bằng Sơn. Vừa lúc đó, Quế Chi về tới. Thấy vậy, cô cau mày:

– Làm gì vậy Quỳnh Hương?

Quỳnh Hương giật mình. Cô đứng bật dậy, lè lưỡi:

– Em ... đập muỗi.

– Muỗi trâu hả? Đập mạnh như vậy ai mà chịu cho nổi.

– Dạ, em ...

– Xuống bếp nấu cơm đi.

– Dạ.

Quỳnh Hương lừ mắt nhìn Bằng Sơn một cái rồi xuống bếp. Còn lại hai người, Quế Chi tỏ ra lo lắng. Cô lại gần Bằng Sơn hỏi thăm:

– Anh thấy trong người thế nào rồi?

Bằng Sơn ngồi dậy. Anh cười:

– Anh khỏe nhiều rồi. Chắc anh phải xin phép ba mẹ em để anh về lại thành phố.

– Sao vậy?

– Anh đã làm phiền gia đình nhiều rồi. Anh đã khỏe, anh phải về thành phố chứ.

Quế Chi cố nói:

– Bác sĩ bảo sức khỏe anh còn rất yếu. Anh mới ở đây có hai ngày thì làm sao mà hết bệnh được?

– Anh thấy khỏe nhiều rồi.

– Anh cứ ở lại. Hay là anh chê nhà em chật hẹp.

– Í! Anh đâu có ý đó!

– Vậy thì anh cứ ở lại đây đi, khi nào khỏe hẳn thì về.

Bằng Sơn đành gật đầu:

– Vậy anh tiếp tục ở lại làm phiền gia đình.

– Có gì đâu mà phiền. Anh nghỉ ngơi nha. Em xuống bếp dặn công việc cho Quỳnh Hương.

– Ừ!

Xuống bếp, Quế Chi chống nạnh:

– Nhỏ kia! Sao mày dám nghịch ý tao hả?

Quỳnh Hương chu môi:

– Em có làm gì đâu mà nghịch ý chị?

– Mày còn dám chối nữa hả? Lúc nãy rõ ràng là tao thấy mày đùa với Bằng Sơn. Mày xem tao là con ngốc nên qua mặt tao hả?

– Em chỉ nói chuyện với anh ta vài câu thôi mà, chị đâu cần giận như thế.

– Tao là vậy đó. Cái gì tao đã cấm thì mày không được làm. Nếu cố tình chống đối, tao không để yên đâu.

Quỳnh Hương nhăn trán:

– Sao chị khó tính quá vậy? Chỉ là vài câu xã giao thôi mà.

– Mày muốn xã giao với ai cũng được nhưng với Bằng Sơn thì không.

Quỳnh Hương ấm ức:

– Tại sao vậy chứ?

– Tao cấm là cấm, mày không được hỏi lý do.

– Chị vô lý quá.

Quế Chi làm dữ:

– Tao có vô lý thì mày cũng phải tuân theo. Mày đừng quên mày chỉ là người ở ké trong nhà này. Lệnh của tao là lớn, mà biết chưa hả?

Quỳnh Hương đau lòng. Sao lần nào gây nhau Quế Chi cũng mang chuyện cô ở ké ra nói hết vậy. Cô biết thân phận của mình chứ. Sao Quế Chi không biết cảm thông mà lại xách mé như vậy?

Quỳnh Hương buồn bã:

– Em biết rồi.

– Hừm! Trước mặt tao thì mày bảo biết rồi. Nhưng sau lưng thì mày lại chống đối.

– Mày cũng ghê thật đấy.

– Em có làm gì đâu chứ? Tại Bằng Sơn muốn nói chuyện với em chứ bộ.

Chẳng lẽ em làm ngơ sao?

– Mày có thể viện lý do để không tiếp xúc với anh ấy.

Quỳnh Hương bực bội:

– Được rồi! Em sẽ không tiếp xúc với anh ta nữa. Em sẽ xem anh ta như người mắc dịch cúm ... A/H1N1.

Quế Chi trừng mắt:

– Con nhỏ này! Mày trù ẻo hả?

– Em có cách riêng của em. Miễn sao em làm đúng ý chị là được rồi.

Quế Chi nghiến ngầm:

– Miệng lưỡi của mày cũng ghê lắm. Sống ở thành phố mấy năm, mày khác nhiều rồi đó.

– Chị lại châm chích em nữa rồi.

– Mày có giỏi thì vừa đi học vừa tìm việc làm để sinh sống đi. Ba mẹ tao già rồi, chẳng lẽ nuôi mày hoài sao?

Quỳnh Hương chau mày:

– Sao ... chị lại nói vậy?

– Bộ tao nói không đúng hả? Tao nói ít, mày làm ơn hiểu nhiều.

– Em ...

– Mày đã trưởng thành rồi. Mày có thể tự lo cho bản thân chứ. Sống dựa vào người khác hoài coi sao được?

Quỳnh Hương tủi hờn. Mấy lúc gần đây Quế Chi cứ hay nói mấy câu khó nghe như thế. Nhưng vì cậu mợ, Quỳnh Hương vẫn cắn răng chịu đựng. Nhưng Quế Chi cứ như vầy làm sao Quỳnh Hương vui vẻ sống ở đây được.

Quỳnh Hương buồn bã:

– Em hiểu rồi.

– Lúc nào mày cũng bảo là hiểu nhưng tao có thấy mày thực hiện đâu. Còn ở đây cản trở tao đủ thứ.

Quỳnh Hương cố nói:

– Chị thật sự muốn em rời khỏi nhà này thật sao? Đối với chị, em không là gì sao?

– Mày đừng có nói mấy thứ đó, tao chẳng muốn nghe. Tao cũng không có ý đuổi mày. Tao chỉ muốn mày tự lo cho bản thân thôi.

– Cũng như nhau thôi. Chị cứ an tâm, em không để chị thất vọng đâu.

– Được vậy thì tốt.

Quế Chi lừ lừ mắt rồi bỏ đi. Quỳnh Hương lặng lẽ khóc. Có lẽ cô phải rời xa nơi này.

Buổi tối, mọi người đều ngủ say. Bằng Sơn chợt rên lên:

– Lạnh quá! Đau quá ...

Giữa đêm thanh vắng, tiếng rên của anh như càng rõ hơn:

– Lạnh quá!

Ông Chương bật dậy, Ông chạy ra:

– Con sao vậy Bằng Sơn?

– Con lạnh ... quá!

– Lạnh ư?

Ông Chương quýnh lên. Ông bật đèn rồi gọi mọi người:

– Bà ơi! Quế Chi ơi! Bằng Sơn bị gì nè!

Bà Hoa, Quế Chi và Quỳnh Hương đều chạy ra. Ông Chương hối thúc:

– Bảo Lâm đâu? Kêu nó đến trạm xá rước bác sĩ ngay.

Quỳnh Hương lên tiếng:

– Lúc chiều anh ấy về thành phố rồi mà cậu.

– Ta quên mất.

Bằng Sơn lại rên lên:

– Con nóng quá?

Quế Chi hoang mang:

– Hết lạnh rồi nóng, anh ấy bị bệnh gì kỳ vậy?

Nhớ lại cú bị lừa lúc chiều, Quỳnh Hương nhăn trán:

– Coi chừng anh ta giả đò đó:

Ông Chương nạt ngang:

– Con nhỏ này! Bằng Sơn nóng ran mà giả đò hả?

Quỳnh Hương rùng mình:

– Vậy phải làm sao bây giờ?

– Con và Quế Chi đi gọi bác sĩ đi. Nhanh lên!

Quế Chi lắc đầu:

– Khuya rồi. Con không đi đâu.

Quỳnh Hương chép miệng:

– Vậy để con đi một mình.

– Nhớ cẩn thận. Đi nhanh về nhanh nha con.

– Dạ.

Quỳnh Hương nhanh chân chạy đi mời bác sĩ. Lát sau, bác sĩ đến. Chẩn đoán một lúc ông bảo:

– Cơ thể của cậu ấy rất yếu. Giờ tôi tiêm thuốc tạm thời. Mai tôi sẽ đến kiểm tra lại.

Quỳnh Hương bặm môi:

– Anh ấy không nguy hiểm chứ, bác sĩ?

– Không sao! Anh ta chỉ bị viêm phổi nhẹ nên hành sốt.

Quỳnh Hương thở phào:

– Vậy thì may rồi.

Tiêm thuốc vào, bác sĩ ra về, ông Chương hắng giọng:

– Được rồi! Ai về giường nấy ngủ đi. Tối nay để tôi thức canh Bằng Sơn.

Bằng Sơn đã thiếp đi. Anh như không còn biết gì nữa. Quế Chi chen vào:

– Sáng ba còn giao hoa sớm mà. Sao ba thức canh được?

– Không sao! Ta chịu được mà. Mọi người vào ngủ đi.

Buổi sớm, Bằng Sơn tỉnh giấc. Giấc ngủ dài đêm qua khiến anh có chút sức lực.

Nhìn lên đồng hồ, thấy chỉ mới bốn giờ, Bằng Sơn nhỏm người ngồi dậy.

Tay anh bị vật gì đó đè lên. Anh quay người sang nhìn.

– Quỳnh Hương!

Anh bật khẽ lên như thế. Quỳnh Hương đang ngủ ngồi. Cô gối đầu trên tay anh.

– Nhưng sao cô lại ngủ ở đây?

Bằng Sơn chợt ngắm nửa gương mặt Quỳnh Hương. Tim anh chợt như đợt sóng vỗ rì rào, gợn sóng. Một gương mặt khả ái đang đối diện với anh.

Bằng Sơn cười một mình:

– Lo cho mình như vầy mà thường ngày cứ cố tỏ ra ghét mình lắm. Đồ ngốc!

Bằng Sơn khịt khịt mũi:

– Trời! Ngủ ngồi như vậy với khoanh nhang muỗi cả đêm sao? Cô ấy lo cho mình như thế ư?

Bằng Sơn thoáng xúc động. Anh nhớ tối qua Quỳnh Hương đã không ngại đêm khuya gọi bác sĩ cho anh. Đã vậy, có còn thức canh anh. Anh đâu thể vô cảm trước lòng tốt của cô.

Bằng Sơn chợt đưa tay vuốt nhẹ tóc cô. Quỳnh Hương giật mình. Cô ngẩng phắt đầu dậy:

– Anh làm gì vậy.

Bằng Sơn nhún vai:

– Có làm gì đâu.

– Rõ làng là anh có làm cái gì đó mà.

– Cái gì là cái gì?

Quỳnh Hương dẩu môi:

– Anh là tên háo sắc. Ngồi gần một cô gái đẹp như tôi, ai biết anh có làm gì bậy bạ không?

– Trời! Cô biết tôi háo sắc sao còn ngồi gần tôi suất cả đêm? Cô chính là ân nhân của tôi.

– Ân nhân cái gì! Tôi không thích nghe mấy chuyện này đâu.

Bằng Sơn cố tình:

– Hễ ai quan tâm đến tôi thì tôi đều biết ơn và tôi nghĩ rằng họ rất ... thương tôi.

– Í, trời đất ơi!

Quỳnh Hương nhảy nhỏm:

– Sao anh có ý nghĩ lạ lùng vậy? Mà tôi đâu có quan tâm anh.

– Người tốt thì tôi thấy nhiều rồi nhưng người tốt như cô thì lần đầu tôi mới thấy.

– Tốt như tôi là sao hả?

– Tốt với người ta mà cứ cố tình lạnh lùng.

Quỳnh Hương nhăn nhó:

– Anh lại nữa rồi à. Tôi đã nói là tôi không có tốt với anh. Tôi và anh là kẻ thù.

– Cô xem tôi là kẻ thù thật sao?

– Kẻ thù muốn kiếp luôn đó.

– Kẻ thù mà tối qua khi tôi phát bệnh lại không ngại trời khuya đường vắng đi gọi bác sĩ. Kiểu ghét của cô độc quyền thật à.

Quỳnh Hương dẩu môi:

– Mặc kệ tôi. Tôi gọi bác sĩ không phải là vì anh đâu.

– Chứ cô gọi ông ấy làm gì?

– Tôi chỉ sợ trong nhà có người sốt cao quá rồi đâm ra tưng tửng nên tôi mới khẩn trương gọi bác sĩ. Mà sao anh cứ hiểu lầm hoài vậy? Người lo cho anh nhiều là chị Quế Chi kìa. Còn tôi hả, còn lâu tôi mới quan tâm đến anh.

Bằng Sơn cười cười:

– Vậy cứ xem như tôi hiểu lầm. Người ta ghét tôi mà tôi cứ ngỡ ngươi ta quan tâm tôi lắm.

– Anh trùm mền, nhắm mắt ngủ rồi nằm mơ cũng chưa thấy nữa là.

Bằng Sơn gãi gãi mũi:

– Chắc tôi mắc chứng bệnh hoang tưởng ở cấp độ nặng đó.

Quỳnh Hương xua tay:

– Anh bệnh gì thì mặc anh. Tôi về giường ngủ tiếp đây.

– Ơ! Tôi vẫn còn bệnh mà. Cô phải canh tôi chứ.

Quỳnh Hương xỉ mạnh vào trán anh. Cử chỉ đó đáng yêu làm sao? Cô lườm anh:

– Anh đày đọa người ta vừa thôi chứ! Bây giờ anh khỏe như ... trâu nước mà còn buộc tôi thức canh là sao?

– Trời ơi! Trâu nước thì cũng có lúc bệnh yếu chứ đâu có khỏe mạnh hoài được.

– Cũng có lý. Nhưng tôi thấy bây giờ anh đang rất khỏe. Vật lộn với voi, tôi bảo đảm anh thắng chắc.

Bằng Sơn lắc đầu. Cô ấy nói mà chẳng chút nể nang, nghĩ sao là nói vậy hà.

Không hiểu sao Bằng Sơn lại cứ thích cái cách nói chuyện đối đầu đó, nó thú vị không tả được.

Bằng Sơn vờ nhăn nhó:

– Trời ơi! Tôi hay bệnh thất thường lắm. Cô mà không canh chừng, lỡ lát nữa tôi lạnh cóng, chết queo luôn rồi sao?

– Ủa! Anh lạnh không biết lấy mền đắp hả? Mà anh chết hay sống thì có liên quan gì đến tôi chứ?

– Người gì đâu mà nói nghe lạnh như băng mùa đông vậy.

– Tôi vốn là vậy mà.

Bằng Sơn chợt rùng mình:

– Trời ơi! Tôi lạnh quá. Chắc bệnh tái phát nữa rồi.

Quỳnh Hương nhìn anh nghi ngờ:

– Nè! Anh đừng có giả vờ nha, không qua mặt tôi được đâu!

– Tôi lạnh thật đó. Nếu không tin thì cô khám thử đi.

– Khám gì mà khám! Lạnh thì đắp mền đi.

– Nhưng vẫn còn lạnh.

Quỳnh Hương chép miệng.

– Sao anh rắc rối quá vậy? Tôi thật hối hận khi đã cứu anh.

– Thì cô cũng đã cứu rồi. Đã làm ơn thì làm ơn cho trót đi.

– Anh muốn gì nữa đây?

– Tôi muốn uống ... sữa nóng.

Thấy Bằng Sơn có vẻ bệnh thật nên Quỳnh Hương có chút dịu dàng.

– Chờ chút đi ... ông cố.

Quỳnh Hương đi nhanh xuống bếp. Bằng Sơn cười:

– Nhóc con! Anh sẽ thử đến khi nào em chịu nhận em quan tâm đến anh mới thôi.

Lát sau, Quỳnh Hương đi lên. Trên tay cô là ly sữa nóng. Bằng Sơn vén mùng chui ra:

– Sữa thơm thật.

– Sữa ... bò đó. Anh uống cho khỏe như ...

– Ê, ê! Xúc phạm đó?

Quỳnh Hương im bặt. Cô đưa ly sữa cho anh.

– Nè! Uống đi?

Bưng ly sửa trên tay, Bằng Sơn nhăn nhó:

– Nóng quá làm sao mà uống?

– Ủa! Anh có cái miệng làm gì mà không biết thổi.

– Tôi là người bệnh làm sao có hơi để thổi. Cô làm ơn giúp giùm kẻ bị nạn đi.

– Sao anh biết cách đày đọa con người ta quá vậy hả?

Bằng Sơn nháy mắt:

– Thổi giùm ly sữa thôi mà, cô có cần phải nói quá như vậy không?

Quỳnh Hương lừ mắt, cô vớ lấy ly sửa. Thổi cho rồi chứ cái miệng của hắn lảm nhảm hoài, cô chịu không nổi.

Nhướng mắt nhìn anh, cô lườm lườm. Bằng Sơn trêu:

– Cô liếc vừa vừa thôi, coi chừng hai con mắt rơi xuống ly là tôi không dám uống đâu nha.

– Hứ! Trù ẻo hả? Con mắt tôi mà rớt vô đó được sao?

Quỳnh Hương cười tinh quái:

– Con mắt thì rất khó rớt nhưng mà ... “li ti” của tôi dễ rơi vào lắm.

Bằng Sơn ngơ ngác:

– Li ti là cái gì?

– Là một hợp chất ... dinh dưỡng.

– Cô có hả?

– Dĩ nhiên là có. Tôi thổi vào ly sữa của anh càng mạnh thì li ti tiết ra càng nhiều.

– Ý cô là nước bọt hả?

Quỳnh Hương cười phá lên:

– Anh thông minh đáo để.

– Í, trời ơi! Cô ở dơ cũng vừa thôi chứ. Chơi kiểu đó vi khuẩn từ người cô xâm nhập vào người tôi thì nguy à.

– Tại anh muốn vậy thôi.

Bằng Sơn rùn vai:

– Vậy cô không cần thổi. Đưa đây, tôi uống luôn.

– Như vậy phải tốt hơn không?

Vừa bưng ly sữa trên tay, Bằng Sơn lại nghĩ ra trò:

– Tôi uống như vầy không được.

– Gì nữa đây?

– Có ống hút mới được.

Trời ơi! Quỳnh Hương muốn nhảy dựng lên vậy đó. Hắn tưởng hắn là ai?

Em trai cô chắc? Nhõng nhẽo như vậy cũng được sao?

Quỳnh Hương liếc anh bén ngót:

– Em bé ... già ơi! Nhà chị không có ống hút.

– Vậy chị đút đi.

Quỳnh Hương trợn mắt:

– Anh giỡn mặt với tôi hả?

– Đâu có Sữa nóng như vầy làm sao mà bưng uống dược? Phải đút từng muỗng.

– Tự anh làm lấy.

– Tay tôi cứng đơ vì lạnh làm sao tự phục vụ được?

Quỳnh Hương bực mình kinh khủng. Cô nghiến ngầm:

– Anh quậy đủ chưa vậy hả? Tôi đâu phải là osin của anh.

– Đừng nóng mà tổn hại đến nhan sắc. Cô cứ xem như đang làm một việc thiện đi.

Quỳnh Hương nổi nóng:

– Anh làm tôi quạu lên rồi đó.

– Cô làm ơn cho trót đi mà. Bao tử tôi đang biểu tình vì từ tối qua đến giờ nó chưa “nạp năng lượng”.

Dằn nhanh ly sữa xuống đầu giường, Quỳnh Hương hằn học:

– Không uống thì nhịn. Tôi không rảnh hầu hạ anh.

Quỳnh Hương có vẻ giận thật. Bằng Sơn biết mình hơi quá đà. Anh bắt đầu van nài:

– Cô giận sao? Tôi xin lỗi.

Quỳnh Hương ấm ức:

– Sao ai cũng thích ức hiếp tôi vậy? Bộ tôi đáng ghét lắm sao?

Bằng Sơn chau mày:

– Ý cô nói ai nữa vậy?

Quỳnh Hương bặm môi. Cô rưng rưng nước mắt:

– Tôi có làm gì sai chứ?

Bằng Sơn chưa hiểu ra chuyện gì thì Quỳnh Hương đã chạy nhanh xuống nhà sau. Cô khiến anh hoang mang cực độ.

Bà Mộng Lan vui mừng khi nhận được điện thoại của Tiểu Kỳ:

– Mỹ phẩm đến nơi rồi, con à? Khách hàng rất ưa chuộng.

– Vậy hả bác?

– Lần này công của con lớn lắm đấy.

– Dạ, miễn sao thẩm mỹ viện đắt khách là con vui rồi.

– Có con giúp, ta như có thêm một cánh tay nữa vậy.

Tiểu Kỳ cười trong máy:

– Bác quá khen con rồi.

– Con làm việc tốt như vậy làm sao mà ta không khen chứ? Mà khi nào thì con về Việt Nam?

– Con cũng đang tranh thủ đây. Có lẽ cũng sắp rồi.

Bà Lan nôn nóng:

– Con mau về đi. Bác sẽ tính chuyện cưới cho hai đứa.

– Gấp vậy sao bác?

– Hai đứa quen nhau lâu như vậy rồi. Ta nghĩ đã đến lúc cưới nhau rồi. Còn sinh con nữa chứ.

– Bác này! Bác nói vậy, con nghe ngượng chết đi được.

– Sắp làm con dâu của ta mà còn ngượng sao? Nói thật, ta trông con về đây lắm đấy.

– Con cũng rất nôn nóng, nhưng con còn phải cố tìm nguồn mỹ phẩm mới cho bác.

Bà Lan cảm động:

– Con chu đáo quá!

– Chẳng phải bác bảo con sắp là người trong nhà sao? Chuyện của bác thì cũng là chuyện của con mà.

– Cũng phải. À! Khi nào con sang đây nhớ mời anh chị sui sang chơi nha con. Con biết đó, ta thì không thể đi máy bay được.

Tiểu Kỳ chợt ngập ngừng:

– Cha mẹ con ư?

– Phải.

– Chắc ... họ không sang được.

– Sao vây con?

Tiểu Kỳ cố chống chế:

– Dạ, cha mẹ con bận lắm. Khi nào có dịp, con sẽ nói với ba mẹ.

– Ờ, vậy cũng được. Nhưng nhanh nhanh nha con. Hai bên gia đình cũng cần phải gặp nhau sớm chứ.

– Dạ.

Tiểu Kỳ lảng chuyện:

– À, bác ơi! Sao mấy ngày nay con không liên lạc được với Bằng Sơn?

– À! Nó đi cứu trợ ở miền Tây.

– Cứu trợ ư?

– Bảo Lâm mới ghé nhà hôm qua. Nó mới nói với bác như thế.

– Anh ấy đi cứu trợ thì có gì đâu mà phải khóa máy?

– Nó đang giận bác nên làm thế đấy.

Tiểu Kỳ thắc mắc:

– Sao anh ấy lại giận bác chứ?

– Chuyện dài lắm. Khi nào con về, ta kể cho nghe.

– Dạ.

– Thôi, con nghỉ ngơi đi. Ta gác máy đây.

– Dạ, con chào bác.

Tắt máy, bà Lan thở dài:

– Đến bao giờ mình mới có cháu nội để ẵm bồng đây?

Đến bao giờ bà mới có cháu thì vẫn chưa biết chứ Bằng Sơn thì đang cực khổ với bệnh phổi. Anh cứ tái phát hoài.

Chiều, Quỳnh Hương đi ngang chỗ anh nằm. Biết Quế Chi đi vắng nên cô dừng lại, nói trống không:

– Nằm hoài thịt ... mục bây giờ.

Bằng Sơn cảm thấy trong người rất khó chịu nhưng nghe cái giọng trêu chọc của Quỳnh Hương, anh phì cười:

– Có mục thì cũng là thịt của tôi, mắc mớ gì đến cô mà lo.

– Tôi đâu có lo. Thịt anh mục đâu có mắc mớ gì đến tôi. Tôi chỉ sợ mùi thúi bốc lên trong nhà này thôi.

– Lúc nào cũng nói cái kiểu móc họng. Trong người cô chắc chứa nhiều lưỡi câu lắm.

Quỳnh Hương chu môi:

– Tôi vốn dĩ là vậy đó. Tôi đâu có dịu dàng như chị Quế Chi.

– Ủa! Sao tự dưng lại nhắc đến Quế Chi?

– Thì tôi đem ra so sánh vậy đó. Chị tôi vừa đẹp người lại đẹp nết, dịu dàng.

– Thì sao?

Quỳnh Hương bực bội:

– Chị ấy nói chuyện, anh sẽ thích hơn.

Bằng Sơn cố tình hỏi tới:

– Cô không phải là tôi thì làm sao cô biết?

– Tôi đi guốc trong bụng anh. Tôi biết anh nghĩ gì.

Bằng Sơn phì cười.

– Cô đi guốc trong bụng tôi được hả?

– Ừm!

– Rồi cô ra bằng đường nào?

– Đường ...

Quỳnh Hương khựng lại. Cô quê quê:

– Tôi khoét bụng anh chui ra.

– Ghê vậy sao?

– Hứ! Bộ anh tưởng anh nói hơn tôi hả?

Bằng Sơn cố ngồi dậy. Anh có vẻ mệt mỏi. Dù rất quan tâm nhưng Quỳnh Hương vẫn lạnh lùng:

– Đang mệt ngồi dậy chi vậy?

– Tôi khát nước mà hổng dám làm phiền người ta nên phải ngồi dậy tự đi lấy.

Quỳnh Hương liếc mắt:

– Nghe anh nói, người ngoài nhìn vô chắc nói tôi ác lắm.

– Vậy cô thấy mình là người ác hay người tốt?

– Tôi hả? Tôi tự thấy mình rất ... ác. Bởi vậy anh có khát thì tự đi lấy mà uống.

– Trời! Nói một hồi tôi cũng tự làm sao?

Quỳnh Hương trề môi:

– Chứ sao?

– Công nhận nha, cô nhẫn tâm thật đó.

– Kệ tui! Tôi sống theo phương cách ... ác quen rồi.

– Không có ngoại lệ hả?

– Đối với anh thì không.

Bằng Sơn nhăn mặt:

– Lấy giùm ly nước thôi mà, cô có cần khó khăn như vậy không?

– Ai, tôi cũng có thể giúp nhưng anh thì không ...

– Ủa! Sao lạ vậy?

– Vì anh là kẻ thù của tôi.

Bằng Sơn gãi mũi:

– Cứ mở miệng ra là cô bảo tôi là kẻ thù của cô. Kẻ thù mà cô lại chăm sóc tôi chu đáo chưa từng thấy luôn.

Quỳnh Hương hơi khựng, cô nhăn mũi:

– Xời ơi! Tôi đâu cố rảnh làm chuyện đó. Miễn cưỡng lắm tôi mới giúp anh đó chứ.

– Vậy sao?

Bằng Sơn ôm cổ:

– Tôi khát sắp khô cổ luôn rồi, cô từ bi một chút đi.

Quỳnh Hương bĩu môi dài đến thấy ghét.

– Hổng dám đâu.

Bằng Sơn bước xuống giường, anh lắc đầu:

– Cô mà đóng phim nên chọn vai ác mà đóng, đỡ tốn kém.

– Tại sao đỡ tốn kém?

– Tại không cần hóa trang vì mặt cô nhìn thấy ác sẵn rồi.

– Kệ tôi! Ác cũng tốt vậy, ai cũng sợ.

– Trời!l Suy luận này tôi mới nghe à.

Quỳnh Hương nhướng mắt. Bằng Sơn trở lại giường:

– À! Tôi có chuyện muốn hỏi cô.

– Gì nữa?

– Vì sao hôm trước đang nói chuyện với tôi cô lại nổi giận và nói mấy câu vô cùng khó hiểu?

Quỳnh Hương lặng thinh. Cô biết phải nói với hắn thế nào? Hôm đó vì quá ấm ức nên cô mới làm thế, ai ngờ hắn cũng chú ý tới.

Quỳnh Hương nguýt anh.

– Tại sao tôi phải nói với anh chứ? Xí!

– Tôi đang hỏi rất thật đó. Tôi thật lòng muốn biết.

– Nhưng tôi thì thật lòng không muốn nói cho anh biết.

– Không nói thì thôi. Tôi có thể đi hỏi Quế Chi vì sao cô ấy có một cô em gái tính nết kỳ lạ như vậy.

Quỳnh Hương nhảy dựng.

– Ê! Tôi cấm anh làm chuyện đó nha. Sao lại nói với chị Quế Chi chứ?

– A! Thì ra cô sợ Quế Chi. Vậy thì cô mau khai đi. Nếu không, tôi sẽ hỏi Quế Chi.

Quỳnh Hương bắt đầu giận:

– Sao anh thích ức hiếp tôi quá vậy hả? Trong mắt anh, tôi đáng ghét lắm sao? Phải hơn tôi, anh mới thấy vui vẻ ư?

Quỳnh Hương tuôn một hơi. Bằng Sơn nhìn cô không chớp mắt. Anh không nghĩ cô lại phản ứng mạnh như vậy. Vì sao khi nhắc đến Quế Chi, cô lại có phản ứng như thế? Không phải cô giận Quế Chi mà Quỳnh Hương sợ Quế Chi.

Bằng Sơn nhận ra điều đó. Nhưng vì sao? Cô khiến anh phải tò mò.

Bằng Sơn chợt nhẹ giọng:

– Tôi xin lỗi. Tôi không cố ý.

– Xin lỗi! Xin lỗi! Tôi ghét câu đó.

– Thật sự là tôi không cố ý. Nếu tôi lỡ chạm vào chuyện gì đó mà cô không thích thì tôi xin lỗi.

Quỳnh Hương liếc anh:

– Từ nay tôi sẽ không nói chuyện với anh nữa.

Có một cái gì đó nhói lên ở lồng ngực khiến Bằng Sơn thấy đau khi nghe cô nói điều đó.

– Tại sao vậy?

– Vì anh đáng ghét khó ưa.

– Nhưng tôi đã xin lỗi rồi mà. Tối rất thành tâm đó.

– Thành tâm hay không tì kệ anh.

Quỳnh Hương, bỏ ra nhà sau. Đi được vài bước, cô quay lại:

– Ngồi đó đi! Tôi nấu cháo trắng cho anh ăn. Ăn với cá rô ron kho tiêu.

Bằng Sơn cười:

– Cám ơn!

Quỳnh Hương quay đi, cô nói thầm một mình.

– Tôi chỉ nấu cho anh vài bữa nữa thôi. Hết mùa hoa này tôi sẽ bắt đầu với cuộc sống tự lập.

Bằng Sơn vẫn cứ suy nghĩ miên man vì tính khí bất thường của Quỳnh Hương. Cô khiến anh phải tìm hiểu về cô.

– Bằng Sơn? Anh đang nghĩ gì đó?

Bằng Sơn giật mình:

– Ủa! Quế Chi! Em về rồi à?

– Dạ. Anh ở nhà có thấy buồn không?

Bằng Sơn lắc đầu:

– Cũng bình thường.

Quế Chi dò hỏi:

– Quỳnh Hương không trò chuyện với anh sao?

– À! Cũng có, nhưng chỉ vài câu hỏi thăm thôi.

– Vậy sao! - Quế Chi đắc ý - Xem ra con nhỏ đó cũng biết vâng lời lắm.

Bằng Sơn chợt nói:

– Quế Chi và gia đình đă ban ơn cho anh quá nhiều. Anh không biết phải làm thế nào để đền đáp nữa. Nhất là Quỳnh Hương. Nếu lần đó cô ấy không liều mình cứu anh thì anh đã trôi theo dòng nước rồi.

Quế Chi nhăn nhó:

– Có gì đâu mà anh mang ơn nó. Nếu là em thì em cũng làm như thế thôi.

– Nhưng dù sao đi nữa thì anh cũng đã mang ơn cô ấy.

– Nó không để ý đến mấy chuyện đó đâu. Anh đừng bận tâm.

– Anh biết là Quỳnh Hương không để tâm đến việc đó, nhưng anh sẽ áy náy nếu không làm được điều gì đó cho cô ấy.

Quế Chi quạu quọ:

– Trong nhà này đâu phải chỉ có mình nó mới đối xử tốt với anh. Nhà em, ai cũng quan tâm đến anh hết mà.

– Điều đố anh luôn nhớ mãi trong lòng đó chứ.

Quế Chi xua tay:

– Em không muốn nói đến mấy chuyện đó nữa đâu. Em có cái này cho anh nè.

Thấy Quế Chi không muốn nói, Bằng Sơn cũng không phiền nói đến.

– Gì vậy Quế Chi?

– Cháo cá ngon lắm.

– Anh lại phiền em nữa rồi.

– Có gì đâu. Lúc nãy ra thị xã tìm mối mua hoa, em ghé vào mua cho anh.

Chỗ này bán ngon lắm.

Bằng Sơn cười:

– Nghe mùi là anh biết rồi.

Quế Chi cũng cười:

– Cháo cá lóc đó. Cá đồng nấu ăn rất ngọt.

– Em cũng ăn với anh luôn nhé!

– Thôi, em không ăn đâu.

– Sao vậy? Cùng ăn cho vui. Ăn có một mình, anh thấy ngại lắm.

– Vậy em vào lấy hai cái chén.

– Ừ!

Quế Chi đi vào, Bằng Sơn gật gật đầu:

– Phải công nhận gia đình này ai cũng là người tốt. Mình thật may mắn khi được quen biết với họ.

– Có chén rồi đây.

Quế Chi hí hửng với hai cái chén trong tay. Cô múc ra rồi đưa cho Bằng Sơn:

– Anh dùng đi.

– Cám ơn em.

Quế Chi gắp cá cho Bằng Sơn. Cô chăm sóc anh từng chút khiến anh thấy ngại.

– Em cứ để anh tự nhiên. Em cũng ăn đi.

– Dạ.

Cả hai ăn một cách ngon lành. Xong, Quế Chi cười:

– Ngon thật anh há?

– Phải! Ngon tuyệt.

– Để em dọn đã.

Vừa lúc đó, Quỳnh Hương đi lên:

– Có cháo rồi đây. Anh ăn ...

Quỳnh Hương khựng lại khi thấy Quế Chi.

Quế Chi lừ mắt:

– Mày nấu cháo gì vậy hả?

– Em nấu cháo trắng. Em định nấu cho Bằng Sơn dùng buổi xế.

– Mày chu đáo quá nhỉ? Nấu cho người bệnh ăn mà lại nấu cháo trắng thì có bổ dưỡng gì đâu. Mày đã nấu thì tự ăn đi.

Bằng Sơn đâm ra khó xử. Anh quên mất chuyện Quỳnh Hương bảo nấu cháo cho anh. Giờ anh lại ăn cháo cá. Chắc là cô sẽ giận anh lắm đây?

Bằng Sơn ái ngại. Anh chưa kịp nói câu nào thì Quế Chi lại lên tiếng:

– Sao vẫn còn đứng đó?

Quỳnh Hương ấm ức muốn bật khóc:

– Em ra ngoài trước.

Quỳnh Hương rưng rưng nước mắt. Cô đi nhanh ra mé hiên ngồi. Nhìn tô cháo, cô buồn rười rượi:

– Ai mà thèm cháo trắng của mi chứ? Ngốc quá!

– Sao lại không thèm?

Quỳnh Hương nhướng mắt. Cô quay lại:

– Anh ra đây làm gì?

– Ăn cháo.

Quỳnh Hương tròn mắt:

– Anh vừa ăn rồi mà.

Bằng Sơn ngồi xuống cạnh cô. Anh chợt quay sang nhìn sâu vào mắt cô.

Giọng anh nồng ấm:

– Sao em khóc?

Quỳnh Hương chớp khẽ hàng mi đẹp. Giọt nước mắt lăn dài trên má. Quỳnh Hương đã cố nén lắm rồi nhưng nó vẫn chảy ra. Bằng Sơn bối rối:

– Anh xin lỗi.

Quỳnh Hương lau nhanh nước mắt. Cô sợ hãi:

– Anh đừng có xưng hô thân mật với tôi như vậy có được không?

– Có sao đâu. Chúng ta là bạn thì xưng hô gì cũng được mà.

– Nhưng tôi không muốn chị tôi hiểu lầm.

– Anh không hiểu câu nói của em nhưng anh chẳng để ý nhiều đến xung quanh. Những gì anh thích thì anh sẽ làm.

– Nhưng tôi không thích.

– Anh mặc kệ.

Quỳnh Hương quạu quọ:

– Sao anh đáng ghét quá vậy hả?

Bằng Sơn không chú ý đến câu nói đó của Quỳnh Hương. Anh lại hỏi:

– Tại sao em lại khóc? Em vẫn chưa trả lời anh.

– Tại sao tôi phải trả lời anh? Nước mắt là của tôi chứ đâu phải của anh.

“Nhưng anh thấy xót”. Bằng Sơn nói thầm như thế. Anh thở dài:

– Em không muốn nói thì thôi. Nè! Đưa tô cháo cho anh!

– Chi vậy?

– Ăn chứ chi.

Quỳnh Hương trố mắt:

– Chẳng phải lúc nãy anh đã ăn cháo cá rồi sao? Cháo đó bổ dưỡng hơn.

– Nhưng anh lại thích cháo trắng hơn.

– Hứ? Thích cháo trắng mà lại ăn cháo cá. Anh tưởng tôi là con nít hả?

– Hình như em đang ... ghen thì phải?

– Ghen?

Quỳnh Hương bật thốt như thế. Cô nhăn nhó:

– Ai bảo với anh là tôi ghen? Anh mắc bệnh hoang tưởng à?

– Em có thể chối biến, nhưng anh hiểu em.

Tim Quỳnh Hương đập loạn xạ. Ngay cả ngước lên nhìn anh, cô cũng không dám:

– Anh nói gì, tôi chẳng hiểu.

– Hiểu hay không tùy em. Anh chỉ cần ... tô cháo.

Quỳnh Hương bưng tô cháo. Cô cầm muỗng múc rồi đưa vào miệng.

– Cháo của tôi, tôi thưởng thức.

Nói xong, Quỳnh Hương múc hai ba muỗng nữa. Bằng Sơn giành lấy, anh hất mặt:

– Nè! Lạ chưa! Lúc nãy em nói nấu cho anh mà.

– Anh ăn cháo cá rồi còn gì.

– Anh đang đợi ăn cháo trắng với cá rô rơn kho tiêu thì Quế Chi về đến. Cô ấy mua cháo chẳng lẽ anh bảo không ăn? phải thử một chút cho cô ấy vui chứ.

Vừa nói, Bằng Sơn vừa đưa muỗng cháo lên miệng ăn một cách ngon lành.

Quỳnh Hương la lé lên:

– Sao anh lại như thế? Tôi đã ăn rồi mà.

– Có sao đâu.

– Í! Anh tùy tiện quá đi!

– Cháo ngon muốn chết không ăn là uổng lắm.

– Nhưng ...

Bằng Sơn cười:

– Ăn chung không có sao đâu mà lo.

Quỳnh Hương rùng mình:

– Anh đúng là lạ vô cùng.

Bằng Sơn ăn một cách ngon lành.

Ngoài miệng thì nói vậy chứ thật ra trong lòng Quỳnh Hương đang rất vui.

Mà cô cũng không hiểu lý do nữa.

– Xong rồi.

– Nhanh vậy sao?

– Cháo ngon tuyệt.

– Anh ăn nữa thôi.

– Để lát nữa nha. Anh vừa ăn cháo cá mà.

– Biết rồi.

Bằng Sơn xoa xoa bụng:

– No quá! Bao tử của anh nó đang reo hò vì vui mừng.

Quỳnh Hương lườm anh:

– Anh khéo nói quá đi. Thôi, vào nhà.

– Anh ngồi đây lâu không tốt đâu.

Bằng Sơn cười. Lúc nào Quỳnh Hương cũng chăm sóc, lo lắng cho anh. Vậy mà cô cứ tỏ ra lạnh lùng. Con gái khó hiểu thật nha.

Buổi chiều, khí trời mát mẻ. Mấy ngày nay trời cứ mưa hoài. Hôm nay không mưa nhưng trời không đẹp lắm.

Quế Chi rủ Bằng Sơn ra phía trước. Bằng Sơn ngắm những cánh hoa vạn thọ. Anh nói:

– Hoa vạn thọ tuy đơn sơ nhưng nếu biết thưởng thức thì nó là loài hoa đẹp.

Quế Chi nhún vai:

– Em thì chẳng thích.

– Sao lại không thích? Nhà em trồng hoa này mà.

– Tại gia đình em trồng chứ em đâu có thích. Em chỉ thích hoa hồng.

– Vậy à!

– Quỳnh Hương thì rất thích. Anh thấy không? Ngày nào nó cũng cắm một bình trong nhà.

Bằng Sơn cười. Thì ra Quỳnh Hương có cùng sở thích với anh.

– Bằng Sơn?

Quế Chi chợt gọi khẽ. Bằng Sơn thờ ơ:

– Gì hả em?

– Anh có thích con gái quê không?

– Sao em hỏi vậy?

– Thì anh cứ trả lời em đi – Theo anh, anh không phân biệt con gái ở quê hay thành thị. Chủ yếu là tính cách con người.

Quế Chi cười rạng ngời:

– Vậy anh thấy em thế nào?

Bằng Sơn chợt khựng lại. Quế Chi hỏi anh câu này là có ý gì? Anh phải trả lời với cô như thế nào đây?

Vừa lúc đó, Bảo Lâm ghé. Anh gọi lớn:

– Bằng Sơn!

Bằng Sơn vui vẻ:

– Mày đến rồi à?

Bảo Lâm chợt dừng lại khi nhận ra sự có mặt của Quế Chi. Anh buồn bã:

– Mày đang bận à? Vậy tao vào nhà nha. Lát nữa gặp sau.

Bằng Sơn vẫn chưa nói câu nào thì Bảo Lâm đã lầm lũi vào nhà. Quế Chi chép miệng:

– Anh ấy lúc nào cũng vậy.

Bằng Sơn ái ngại vô cùng. Anh biết lý do vì sao Bảo Lâm lại như thế. Bằng Sơn cố nén tiếng thở dài:

– Quế Chi! Em có biết Bảo Lâm rất mến em không?

– Anh ấy có cái quyền đó mà.

– Em nghĩ thế nào về điều đó?

Quế Chi nhún vai:

– Em không nghĩ gì cả. Người em ngày đêm nhớ thương không phải là anh ấy mà là anh.

– Anh ư?

Quế Chi gật đầu xác nhận:

– Phải! Dù cho anh có cười em là đứa tùy tiện cũng được, em phải tỏ bày tâm sự của mình.

– Sao người đó lại là anh?

– Tình yêu không bao giờ giải thích được.

– Đúng. Nhưng mà ...

– Anh từ chối sao?

Bằng Sơn khó xử:

– Quế Chi nè! Anh không muốn em bị tổn thương nhưng anh không thể dối lòng mình. Thật ra anh luôn xem em là người bạn tất cao hơn nữa là tình cảm anh em.

Quế Chi quạu quọ:

– Nhưng em không cần điều đó. Tình cảm em dành cho anh thế nào chẳng lẽ anh không biết.

– Anh biết, nhưng tình yêu đầu thể miễn cũng.

– Em sẽ chờ đến khi nào anh thật sự yêu em.

– Đừng làm như vậy Quế Chi. Anh sẽ là người có lỗi.

Quế Chi bặm môi, trừng mắt:

– Anh từ chối em có phải vì nhỏ Quỳnh Hương không hả?

Bằng Sơn chau mày:

– Sao em lại kéo Quỳnh Hương vào chuyện này?

– Cũng tại nó hết, có phải anh thích nó không?

– Quế Chi ...

– Em biết là nó muốn phá đám mà. Nhỏ này ghê gớm lắm.

– Em đừng nghĩ Quỳnh Hương như thế.

Quế Chi khoa tay vào không khí:

– Em mặc kệ! Anh càng bênh vực nó, em càng thấy ghét nó.

– Em ...

Quế Chi không để Bằng Sơn nói hết câu. Cô hằn học. đi vào trong. Quỳnh Hương đang ở trong căn phòng nhỏ của cô, Quế Chi đi vào:

– Mày giỏi lắm!

Quỳnh Hương ngơ ngác:

– Chị sao vậy?

– Mày cũng giỏi giả nai lắm. Tao đã sai khi không đề cao mày.

– Chị nói gì mà em chẳng hiểu.

Quế Chi nạt lớn:

– Mày im đi! Hừm! Trước mặt tao mày luôn tỏ ra phục tùng nhưng sau lưng lại làm ra chuyện. Mày giỏi lắm.

Quỳnh Hương chép miệng:

– Chị muốn nói gì vậy, em chẳng hiểu gì cả.

Quế Chi trừng trừng mắt:

– Tao không muốn thấy mặt mày ở cái nhà này nữa. Mày rõ chưa?

– Chị ....

Quỳnh Hương chợt thấy bị tổn thương ghê gớm. Sao Quế Chi cứ đuổi cô hoài vậy? Cô đáng ghét đến mức độ đó sao?

Quỳnh Hương rưng rưng dòng lệ:

– Em đã làm điều gì sai sao?

– Mày đừng hỏi tao điều đó. Mày phải hiểu rõ hơn tao chứ.

– Em thật sự không hiểu.

– Mày giỏi giả vờ lắm. Tao nhắc lại, tao không muốn mày có mặt ở đây nữa.

Quỳnh Hương đau đớn:

– Chị muốn đuổi em đi sao?

– Phải! Từ lâu, tao đã không ưa mày nhưng vẫn cố chịu đựng. Nhưng càng lúc mày càng khiến tao chướng mắt. Tao muốn mày biến ngay lập tức.

– Dù sao chúng ta cũng là chị em mà, sao chị lại đối xử với em như vậy?

– Tao không có chị em gì với mày.

– Em ...

– Mày luôn là người chuyên phá hỏng chuyện tốt của tao. Tao ghét mày!

Quế Chi lao nhanh ra ngoài sau khi đã trút giận. Quỳnh Hương ngồi phịch xuống giường.

– Trời ơi! Sao chị ấy lại giận con đến vậy? Con đã làm gì sai?

Quỳnh Hương ôm đầu khóc nức nở. Đây không phải là lần đầu tiên Quế Chi đuổi cô.

– Cô đâu thể lì lợm ở mãi nơi đây.

Quỳnh Hương đau đớn:

– Mình phải đi khỏi nơi đây thật sao?

Quỳnh Hương lại khóc. Cô đau không thể tả. Sao số phận cô lại hẩm hiu như vầy?

Buổi sáng, Quế Chi nhăn nhó đi lên đi xuống. Bằng Sơn thắc mắc:

– Có chuyện gì vậy Quế Chi?

Quế Chi quạu quọ:

– Không biết Quỳnh Hương đi đâu mà bữa sáng nó vẫn chưa chuẩn bị thức ăn.

– Chắc cô ấy đi đâu đó mà.

Ông Chương ra tới. Ông chau mày:

– Sao hôm nay Quỳnh Hương dậy trễ vậy kìa? Quế Chi! Con vào gọi em thử coi, có bệnh ốm gì không mà giờ này còn ngủ?

– Con nhỏ này càng ngày càng quá đáng.

– Nó định để cả nhà phục vụ nó sao?

Ông Chương nhăn trán:

– Sao con lại nói vậy? Mấy ngày nay nó làm việc suốt, chắc là nó bệnh.

– Cứ nhắc đến nó là cha bênh vực hà.

– Vào gọi nó đi! Nói gì đâu không. Suốt ngày con chỉ biết so đo.

Quế Chi hằn học:

– Con không biết con của ba hay nó mới là con ruột của ba nữa.

– Con nhỏ này!

Quế Chi ngoe nguẩy vào phòng Quỳnh Hương. Lát sau, cô hớt hải chạy ra:

– Ba ơi! Có chuyện!

Cả ông Chương và Bằng Sơn đều quýnh lên. Bằng Sơn lo lắng:

– Quỳnh Hương xảy ra chuyện gì sao?

– Nó ... bỏ nhà đi rồi.

– Sao?

– Nó gom hết quần áo và để lại lá thư.

Ông Chương run giọng:

– Con đọc nghe coi.

– Dạ.

Mở lá thư Quế Chi đọc.

“Con xin lỗi cậu mợ! Bao nhiêu năm, qua cậu mợ đã nuôi nấng chăm sóc con lớn khôn. Công ơn đó con vẫn chưa đáp trả mà giờ này con lại phải ra đi.

Con muốn sống cuộc sống tự lập. Con đã trưởng thành. Con có thể tự lo cho bản thân. Cậu mợ đừng lo cho con, cũng đừng tìm kiếm con. Con sẽ về thăm cậu mợ. Công ơn dưỡng dục con xin nợ lại.

Đứa cháu bất hiếu.

Quỳnh Hương”.

Nghe xong, ông Chương bật gào lên:

– Trời ơi!

Nhớ lại cú bị lừa lúc chiều, Quỳnh Hương nhăn trán:

– Coi chừng anh ta giả đò đó:

Ông Chương nạt ngang:

– Con nhỏ này! Bằng Sơn nóng ran mà giả đò hả?

Quỳnh Hương rùng mình:

– Vậy phải làm sao bây giờ?

– Con và Quế Chi đi gọi bác sĩ đi. Nhanh lên!

Quế Chi lắc đầu:

– Khuya rồi. Con không đi đâu.

Quỳnh Hương chép miệng:

– Vậy để con đi một mình.

– Nhớ cẩn thận. Đi nhanh về nhanh nha con.

– Dạ.

Quỳnh Hương nhanh chân chạy đi mời bác sĩ. Lát sau, bác sĩ đến. Chẩn đoán một lúc ông bảo:

– Cơ thể của cậu ấy rất yếu. Giờ tôi tiêm thuốc tạm thời. Mai tôi sẽ đến kiểm tra lại.

Quỳnh Hương bặm môi:

– Anh ấy không nguy hiểm chứ, bác sĩ?

– Không sao! Anh ta chỉ bị viêm phổi nhẹ nên hành sốt.

Quỳnh Hương thở phào:

– Vậy thì may rồi.

Tiêm thuốc vào, bác sĩ ra về, ông Chương hắng giọng:

– Được rồi! Ai về giường nấy ngủ đi. Tối nay để tôi thức canh Bằng Sơn.

Bằng Sơn đã thiếp đi. Anh như không còn biết gì nữa. Quế Chi chen vào:

– Sáng ba còn giao hoa sớm mà. Sao ba thức canh được?

– Không sao! Ta chịu được mà. Mọi người vào ngủ đi.

Buổi sớm, Bằng Sơn tỉnh giấc. Giấc ngủ dài đêm qua khiến anh có chút sức lực.

Nhìn lên đồng hồ, thấy chỉ mới bốn giờ, Bằng Sơn nhỏm người ngồi dậy.

Tay anh bị vật gì đó đè lên. Anh quay người sang nhìn.

– Quỳnh Hương!

Anh bật khẽ lên như thế. Quỳnh Hương đang ngủ ngồi. Cô gối đầu trên tay anh.

– Nhưng sao cô lại ngủ ở đây?

Bằng Sơn chợt ngắm nửa gương mặt Quỳnh Hương. Tim anh chợt như đợt sóng vỗ rì rào, gợn sóng. Một gương mặt khả ái đang đối diện với anh.

Bằng Sơn cười một mình:

– Lo cho mình như vầy mà thường ngày cứ cố tỏ ra ghét mình lắm. Đồ ngốc!

Bằng Sơn khịt khịt mũi:

– Trời! Ngủ ngồi như vậy với khoanh nhang muỗi cả đêm sao? Cô ấy lo cho mình như thế ư?

Bằng Sơn thoáng xúc động. Anh nhớ tối qua Quỳnh Hương đã không ngại đêm khuya gọi bác sĩ cho anh. Đã vậy, có còn thức canh anh. Anh đâu thể vô cảm trước lòng tốt của cô.

Bằng Sơn chợt đưa tay vuốt nhẹ tóc cô. Quỳnh Hương giật mình. Cô ngẩng phắt đầu dậy:

– Anh làm gì vậy.

Bằng Sơn nhún vai:

– Có làm gì đâu.

– Rõ làng là anh có làm cái gì đó mà.

– Cái gì là cái gì?

Quỳnh Hương dẩu môi:

– Anh là tên háo sắc. Ngồi gần một cô gái đẹp như tôi, ai biết anh có làm gì bậy bạ không?

– Trời! Cô biết tôi háo sắc sao còn ngồi gần tôi suất cả đêm? Cô chính là ân nhân của tôi.

– Ân nhân cái gì! Tôi không thích nghe mấy chuyện này đâu.

Bằng Sơn cố tình:

– Hễ ai quan tâm đến tôi thì tôi đều biết ơn và tôi nghĩ rằng họ rất ... thương tôi.

– Í, trời đất ơi!

Quỳnh Hương nhảy nhỏm:

– Sao anh có ý nghĩ lạ lùng vậy? Mà tôi đâu có quan tâm anh.

– Người tốt thì tôi thấy nhiều rồi nhưng người tốt như cô thì lần đầu tôi mới thấy.

– Tốt như tôi là sao hả?

– Tốt với người ta mà cứ cố tình lạnh lùng.

Quỳnh Hương nhăn nhó:

– Anh lại nữa rồi à. Tôi đã nói là tôi không có tốt với anh. Tôi và anh là kẻ thù.

– Cô xem tôi là kẻ thù thật sao?

– Kẻ thù muốn kiếp luôn đó.

– Kẻ thù mà tối qua khi tôi phát bệnh lại không ngại trời khuya đường vắng đi gọi bác sĩ. Kiểu ghét của cô độc quyền thật à.

Quỳnh Hương dẩu môi:

– Mặc kệ tôi. Tôi gọi bác sĩ không phải là vì anh đâu.

– Chứ cô gọi ông ấy làm gì?

– Tôi chỉ sợ trong nhà có người sốt cao quá rồi đâm ra tưng tửng nên tôi mới khẩn trương gọi bác sĩ. Mà sao anh cứ hiểu lầm hoài vậy? Người lo cho anh nhiều là chị Quế Chi kìa. Còn tôi hả, còn lâu tôi mới quan tâm đến anh.

Bằng Sơn cười cười:

– Vậy cứ xem như tôi hiểu lầm. Người ta ghét tôi mà tôi cứ ngỡ ngươi ta quan tâm tôi lắm.

– Anh trùm mền, nhắm mắt ngủ rồi nằm mơ cũng chưa thấy nữa là.

Bằng Sơn gãi gãi mũi:

– Chắc tôi mắc chứng bệnh hoang tưởng ở cấp độ nặng đó.

Quỳnh Hương xua tay:

– Anh bệnh gì thì mặc anh. Tôi về giường ngủ tiếp đây.

– Ơ! Tôi vẫn còn bệnh mà. Cô phải canh tôi chứ.

Quỳnh Hương xỉ mạnh vào trán anh. Cử chỉ đó đáng yêu làm sao? Cô lườm anh:

– Anh đày đọa người ta vừa thôi chứ! Bây giờ anh khỏe như ... trâu nước mà còn buộc tôi thức canh là sao?

– Trời ơi! Trâu nước thì cũng có lúc bệnh yếu chứ đâu có khỏe mạnh hoài được.

– Cũng có lý. Nhưng tôi thấy bây giờ anh đang rất khỏe. Vật lộn với voi, tôi bảo đảm anh thắng chắc.

Bằng Sơn lắc đầu. Cô ấy nói mà chẳng chút nể nang, nghĩ sao là nói vậy hà.

Không hiểu sao Bằng Sơn lại cứ thích cái cách nói chuyện đối đầu đó, nó thú vị không tả được.

Bằng Sơn vờ nhăn nhó:

– Trời ơi! Tôi hay bệnh thất thường lắm. Cô mà không canh chừng, lỡ lát nữa tôi lạnh cóng, chết queo luôn rồi sao?

– Ủa! Anh lạnh không biết lấy mền đắp hả? Mà anh chết hay sống thì có liên quan gì đến tôi chứ?

– Người gì đâu mà nói nghe lạnh như băng mùa đông vậy.

– Tôi vốn là vậy mà.

Bằng Sơn chợt rùng mình:

– Trời ơi! Tôi lạnh quá. Chắc bệnh tái phát nữa rồi.

Quỳnh Hương nhìn anh nghi ngờ:

– Nè! Anh đừng có giả vờ nha, không qua mặt tôi được đâu!

– Tôi lạnh thật đó. Nếu không tin thì cô khám thử đi.

– Khám gì mà khám! Lạnh thì đắp mền đi.

– Nhưng vẫn còn lạnh.

Quỳnh Hương chép miệng.

– Sao anh rắc rối quá vậy? Tôi thật hối hận khi đã cứu anh.

– Thì cô cũng đã cứu rồi. Đã làm ơn thì làm ơn cho trót đi.

– Anh muốn gì nữa đây?

– Tôi muốn uống ... sữa nóng.

Thấy Bằng Sơn có vẻ bệnh thật nên Quỳnh Hương có chút dịu dàng.

– Chờ chút đi ... ông cố.

Quỳnh Hương đi nhanh xuống bếp. Bằng Sơn cười:

– Nhóc con! Anh sẽ thử đến khi nào em chịu nhận em quan tâm đến anh mới thôi.

Lát sau, Quỳnh Hương đi lên. Trên tay cô là ly sữa nóng. Bằng Sơn vén mùng chui ra:

– Sữa thơm thật.

– Sữa ... bò đó. Anh uống cho khỏe như ...

– Ê, ê! Xúc phạm đó?

Quỳnh Hương im bặt. Cô đưa ly sữa cho anh.

– Nè! Uống đi?

Bưng ly sửa trên tay, Bằng Sơn nhăn nhó:

– Nóng quá làm sao mà uống?

– Ủa! Anh có cái miệng làm gì mà không biết thổi.

– Tôi là người bệnh làm sao có hơi để thổi. Cô làm ơn giúp giùm kẻ bị nạn đi.

– Sao anh biết cách đày đọa con người ta quá vậy hả?

Bằng Sơn nháy mắt:

– Thổi giùm ly sữa thôi mà, cô có cần phải nói quá như vậy không?

Quỳnh Hương lừ mắt, cô vớ lấy ly sửa. Thổi cho rồi chứ cái miệng của hắn lảm nhảm hoài, cô chịu không nổi.

Nhướng mắt nhìn anh, cô lườm lườm. Bằng Sơn trêu:

– Cô liếc vừa vừa thôi, coi chừng hai con mắt rơi xuống ly là tôi không dám uống đâu nha.

– Hứ! Trù ẻo hả? Con mắt tôi mà rớt vô đó được sao?

Quỳnh Hương cười tinh quái:

– Con mắt thì rất khó rớt nhưng mà ... “li ti” của tôi dễ rơi vào lắm.

Bằng Sơn ngơ ngác:

– Li ti là cái gì?

– Là một hợp chất ... dinh dưỡng.

– Cô có hả?

– Dĩ nhiên là có. Tôi thổi vào ly sữa của anh càng mạnh thì li ti tiết ra càng nhiều.

– Ý cô là nước bọt hả?

Quỳnh Hương cười phá lên:

– Anh thông minh đáo để.

– Í, trời ơi! Cô ở dơ cũng vừa thôi chứ. Chơi kiểu đó vi khuẩn từ người cô xâm nhập vào người tôi thì nguy à.

– Tại anh muốn vậy thôi.

Bằng Sơn rùn vai:

– Vậy cô không cần thổi. Đưa đây, tôi uống luôn.

– Như vậy phải tốt hơn không?

Vừa bưng ly sữa trên tay, Bằng Sơn lại nghĩ ra trò:

– Tôi uống như vầy không được.

– Gì nữa đây?

– Có ống hút mới được.

Trời ơi! Quỳnh Hương muốn nhảy dựng lên vậy đó. Hắn tưởng hắn là ai?

Em trai cô chắc? Nhõng nhẽo như vậy cũng được sao?

Quỳnh Hương liếc anh bén ngót:

– Em bé ... già ơi! Nhà chị không có ống hút.

– Vậy chị đút đi.

Quỳnh Hương trợn mắt:

– Anh giỡn mặt với tôi hả?

– Đâu có Sữa nóng như vầy làm sao mà bưng uống dược? Phải đút từng muỗng.

– Tự anh làm lấy.

– Tay tôi cứng đơ vì lạnh làm sao tự phục vụ được?

Quỳnh Hương bực mình kinh khủng. Cô nghiến ngầm:

– Anh quậy đủ chưa vậy hả? Tôi đâu phải là osin của anh.

– Đừng nóng mà tổn hại đến nhan sắc. Cô cứ xem như đang làm một việc thiện đi.

Quỳnh Hương nổi nóng:

– Anh làm tôi quạu lên rồi đó.

– Cô làm ơn cho trót đi mà. Bao tử tôi đang biểu tình vì từ tối qua đến giờ nó chưa “nạp năng lượng”.

Dằn nhanh ly sữa xuống đầu giường, Quỳnh Hương hằn học:

– Không uống thì nhịn. Tôi không rảnh hầu hạ anh.

Quỳnh Hương có vẻ giận thật. Bằng Sơn biết mình hơi quá đà. Anh bắt đầu van nài:

– Cô giận sao? Tôi xin lỗi.

Quỳnh Hương ấm ức:

– Sao ai cũng thích ức hiếp tôi vậy? Bộ tôi đáng ghét lắm sao?

Bằng Sơn chau mày:

– Ý cô nói ai nữa vậy?

Quỳnh Hương bặm môi. Cô rưng rưng nước mắt:

– Tôi có làm gì sai chứ?

Bằng Sơn chưa hiểu ra chuyện gì thì Quỳnh Hương đã chạy nhanh xuống nhà sau. Cô khiến anh hoang mang cực độ.