CHO DANTE NGHĨ XÃ HƠI

Ngày 13 tháng Ba, 1927

Hôm nay vẫn mùa đông, trong khi lẽ ra người ta phải thấy nàng xuân lấp ló đến. Những cơn bảo đình trệ sự di chuyển, đóng cửa các trường học. Ông già bà lão nói khi ra đường, họ xém bị đông thành băng. Hôm nay mình xỏ đôi giày đi tuyết, lệt xệt ra tới giửa lòng đường, không thấy dấu chân một ai ngoại trừ dấu chân mình. Và khi mình từ tiệm trở về, tuyết đã lấp đầy những vết chân đó. Thời tiết xấu như thế bởi hồ không đông đá như lệ thường và gió từ hướng tây thổi đến, mang theo vô số khí ẩm biến thành tuyết đổ xuống đây. Mình ra ngoài để mua cà phê và một vài thứ cần thiết khác. Ở tiệm, mình gặp, còn ai khác hơn, nếu không phải là Tessa Netterby, người mà mình đã không thấy mặt có lẽ cả năm nay. Mình thấy ân hận lắm vì từ khi nhỏ Tessa bỏ học, mình chưa bao giờ đi thăm, bởi mình cố duy trì một mối liên hệ, kiểu tình bạn. Mình nghĩ mình là người duy nhất làm điều đó. Nhỏ choàng một chiếc khăn to và trông như một nhân vật trong chuyện trẻ con. Phần trên nặng nề không cân đối, thực thế, vì nhỏ có gương mặt bè bè với mái tóc đen quăn xù và đôi vai rộng, dù nhỏ cao không quá một mét rưởi. Nhỏ chỉ mỉm cười, theo kiểu Tessa hồi xưa. Và mình hỏi thăm sức khỏe của nhỏ — bạn phải luôn luôn làm thế khi bạn gặp nhỏ, mình nói thiệt, bởi một nổi bất hạnh làm cho nhỏ phải bỏ học ngang xương lúc chừng mười bốn tuổi. Nhưng bạn phải hỏi về sức khỏe, vì không có chuyện gì khác cho bạn nghĩ tới để nói, vì nhỏ thuộc vào một thế giới khác hẳn. Nhỏ không gia nhập hội hè nào hết, không biết chơi thể thao và không có một lối sống bình thường. Cuộc sống của nhỏ quả thật có dính dáng tới thiên hạ, và không có gì sai quấy, nhưng mình không biết nói sao tới chuyện ấy, có lẽ nhỏ Tessa cũng vậy.

Ông McWilliams đang ở đấy giúp bà McWilliams vì nhân viên của tiệm không đi làm được. Là một người thìch chòng ghẹo, ông bắt đầu trêu nhỏ Tesa bằng cách hỏi, nhỏ không nghe là bảo sắp tới hay sao và tại sao nhỏ không chịu báo cho những người khác biết, vân vân…và vân vân, và bà McWilliams phải bảo ông nín đi. Nhỏ Tessa làm bộ không nghe gì hết và hỏi mua một hộp cá mòi. Nghĩ tới nhỏ ngồi ăn cơm tối với cá mòi hộp, thình lình mình cảm thấy bất nhẫn làm sao ấy. Tuy cũng hơi khó để mà bất nhẫn, vì mình chả hiểu tại sao nhỏ Tessa không thể nấu một bửa ăn đàng hoàng như mọi người khác.

Tin giựt gân nghe ở tiệm là mái nhà của Viện Knight of Pythias đã sụp. Vậy là sân khấu trình diễn vở The Gondoliers của tụi mình cũng đi đời. Vở nhạc kịch này dự định ra mắt vào cuối tháng Ba. Sân khấu của Tòa Đô Chính không đủ rộng và Nhà Hát Opera cũ hiện đang dùng để chứa quan tài cho tiệm đồ gỗ Hay’s Furniture. Đáng lẽ tối nay tụi mình có một buổi tập dợt nhưng mình không biết ai sẽ đến hay hậu quả ra sao.

Ngày 16 tháng Ba

Quyết định là năm nay sẽ không trình diễn vở The Gondoliers. Chỉ có sáu người có mặt trong buổi tổng dợt ở thính phòng trường Giáo lý, cho nên tụi mình xù luôn và kéo đến nhà Wilf uống cà phê. Wilf cũng tuyên bố là anh ấy đã tính trước, đây là lần trình diễn cuối cùng của anh ấy, phòng mạch của anh ấy đắt khách lắm,tụi mình phải tìm một giọng tenor khác thay thế. Đó là một sự thiệt thòi rất lớn vì anh ấy là người tài ba nhất.

Mình thấy kỳ kỳ sao ấy, khi gọi một bác sĩ bằng tên tục, dù anh ấy chỉ mới khoảng ba mươi tuổi. Nhà anh ấy trước kia là nhà của bác sĩ Coggan, và rất nhiều người vẫn còn gọi thế. Căn nhà ấy được đặc biệt xây cất cho bác sĩ, một cánh dành hẳn cho phòng khám bịnh. Nhưng Wilf đã cho người sửa chửa toàn bộ, gở bỏ vài bức tường, do đó nhà rất rộng và sáng sủa và Sid Ralston đã nói đùa là Wilf sẳn sàng để cưới vợ. Đó là một đề tài khá nhạy cảm vì lúc ấy Ginny đang có mặt, thế nhưng có lẽ Sid không biết chuyện. (Ginny có ba lời cầu hôn. Lới thứ nhất của Wilf Rubstone, rồi của Tommy Shuttles, rồi Euan McKay. Một bác sĩ, rồi một bác sĩ nhản khoa, rồi một mục sư. Nhỏ Ginny lớn hơn mình tới tám tháng nhưng chắc chắn mình không thể bắt kịp nhỏ. Mình tin là nhỏ ấy có ỏng a, ỏng ẹo với họ một chút đỉnh làm cho họ tưởng bở, mặc dù nhỏ ấy luôn luôn nói không biết tại sao họ lại cầu hôn nhỏ và mỗi lần đều đột ngột như sấm chớp ở đâu xẹt ra. Mình hiểu là có nhiều cách làm cho câu chuyện trở thành buồn cười, để cho họ biết là đề nghị xin cưới của họ sẽ không được hoan nghinh, đừng để họ tự biến thành những gã khờ như thế.)

Nếu có bao giờ mình mắc một chứng bịnh hiểm nghèo nào, hy vọng là mình có thể tiêu hủy cuốn nhật ký này hay có thể đọc lại, và xóa đi những đoạn không tử tế, lở như mình phải chết.

Câu chuyện của tụi mình trở thành nghiêm chỉnh, không hiểu tại sao, và hướng về những kiến thức đã học ở trường và tụi mình đã quên bao nhiêu rồi. Có người nào đó nhắc tới nhóm Tranh Luận trước đây, sau Thế chiến nhóm này đã tan rã thế nào khi mọi người đều có xe hơi chạy chơi lung tung, có phim ảnh để xem và bắt đầu đánh golf. Những đề tài của họ sâu sắc biết bao. “Khoa học hay Văn chương, thứ nào giữ vai trò quan trọng hơn trong việc hình thành Bản Chất của Nhân loại?” Có ai tưởng tượng được bây giờ ta có thể lôi kéo thiên hạ tới nghe những thứ ấy? Tụi mình tự cảm thấy khá ngu si, dù chỉ đứng ngồi lộn xộn và nhắc tới chuyện ấy. Rồi nhỏ Ginny nói mình nên lập ra một câu lạc bộ Đọc Sách và như thế tụi mình mới có dịp đọc những tác phẩm kinh điển mà ai cũng muốn đọc, nhưng không bao giờ làm. Bộ sưu tập Harvard Classics nằm ỳ ở đó sau lớp kính trên kệ sách ở phòng khách, năm này qua năm khác. Mình nói, War and Peace được không, nhưng nhỏ Ginny nói nhỏ đã đọc rồi. Do đó cuối cùng, tụi mình bỏ phiếu lấy ý kiến giữa Paradise Lost và The Divine Comedy, và The Divine Comedy thắng. Tụi mình chỉ biết lơ mơ rằng chẳng có khôi hài gì mấy trong đó,và sách viết bằng tiếng Ý, lẽ tự nhiên tụi mình sẽ đọc bằng tiếng Anh. Sid tin là sách viết bằng tiếng La Tinh và nói lúc học với cô Hurt, nó đã đọc nhiều đến nỗi dư sức dùng cho cả đời, và khi tụi mình phát lên cười rần rần, Sid giả bộ như nó đã biết từ lâu. Dù sao với vỡ The Gondoliers bị đình hoãn, tụi mình có đủ thời gian và có thể gặp nhau hai ba tuần một lần để khuyến khích lẫn nhau.

Wilf dẫn tuị mình xem khắp nơi trong nhà anh ấy. Phòng ăn nằm một phía của hành lang, phòng khách phía bên kia, và nhà bếp có tủ kệ bằng gỗ đóng sẳn ở vách và một bồn rửa chén hai ngăn và lò nướng điện kiểu mới nhất. Ở xế xế hành lang là một phòng rửa mặt và một phòng tắm “chánh quy” và tủ quần áo to rộng đến mức mình có thể đi trong ấy và có cửa gắn gương soi từ đầu đến chân. Nhà lót toàn bằng gỗ sồi vàng óng. Khi về đây, mình thấy nhà mình thật thảm thương và kiểu lát gỗ ở phần dưới vách nhìn rất u ám, quê mùa. Lúc ăn sáng mình nói cho Bố biết mình có thể xây một phòng sunroom cạnh phòng ăn, để ít ra nhà mình có một căn phòng sáng sủa và tân thời. (Mình quên nói là Wilf có một phòng sunroom, xây ở hướng bên kia của phòng khám bệnh và như thế nhà Wilf trở nên rất cân đối.) Bố nói tại sao mình cần phải có sunroom, trong khi mình đã có hai dãy hàng ba với mái che vòng quanh nhà, đón mặt trời buồi sáng và buổi chiều? Thế là mình hiểu rằng mình sẽ chẳng thực hiện được cái gì trong kế hoạch chỉnh trang nhà cửa của mình.

Ngày 1 tháng Tư

Việc đầu tiên mình làm sau khi thức dậy là bày trò gạt Bố. Mình chạy ra giữa nhà hét ầm lên, có con dơi lọt qua ống khói rơi vào phòng mình và Bố đang trong phòng tắm vội vàng chạy ra, dây đeo quần lòng thòng và bọt xà phòng cạo râu đầy trên mặt và bố bảo mình nín đi không được hoảng loạn nữa, kiếm cho bố cây chổi. Thế là mình đưa cho bố cây chổi còn mình trốn dưới gầm cầu thang, giả bộ sợ đến chết được, trong khi bố không có mắt kiếng, thì thà thì thụp cố tìm con dơi. Cuối cùng mình thấy tội nghiệp bố và la lên “Cá tháng Tư!”

Vì vậy cho nên khi nhỏ Ginny điện thoại cho mình và bảo, “Nancy ơi, làm sao bi giờ? Tóc Ginny rụng tơi bời, từng chùm tóc mượt mà của Ginny rớt đầy gối nè, Ginny sắp trọc đầu rồi, làm sao ra đường được nữa, bồ làm ơn chạy qua đây coi dùm, có thể nào lấy tóc rụng đó làm tóc giả được không?”

Vì thế mình trả lời ngon ơ, ” Bồ cứ lấy một tí bột mì trộn với nước lạnh rồi dán lên là xong. Ủa ngộ quá hén, chuyện rụng tóc xảy ra vào đúng ngày Cá tháng Tư?”

Bây giờ là câu chuyện mà mình không lấy gì sốt sắng ghi lại ở đây.

Mình cuốc bộ qua nhà Wilf, không kịp ăn sáng vì mình biết Wilf sẽ đi bịnh viện sớm. Chính anh, mặc áo ghi lê và sơ mi, ra mở cửa cho mình. Mình không quan tâm tới phòng mạch, nghĩ rằng còn đóng cửa. Bà giúp việc nhà của anh — mình cũng chẳng biết tên bà – đang làm gì đó leng keng trong bếp. Mình tường bà ấy mở cửa, ai nhè chính

chính anh ấy đứng đó, nơi tiền sảnh, sẳn sàng để đi làm. “Ủa Nancy hả,” anh ấy chào.

Mình không nói một tiếng, chỉ nhăn nhó ra vẻ khổ sở, tay bấu cổ.

“Nancy, cô có sao không?”

Mình càng bấu lấy cổ và rên hừ hự và lắc đầu cho biết mình không nói được. Ôi, tội nghiệp mình quá.

“Vào đây,” Wilf nói, dẫn mình theo trên hành lang bên cạnh cửa chánh, qua phòng khám bệnh. Mình biết là bà người làm đang lén nhìn nhưng mình giả vờ không thấy, tiếp tục trò đùa của mình.

“Giờ thì,” anh ấy nói, đẩy mình xuống ghế ngồi bệnh nhân và bật đèn trong phòng. Mành cửa chưa kéo và căn phòng hôi mùi thuốc sát trùng hay mùi gì đó. Anh ấy lấy ra một miếng gỗ dẹp, thứ để đè lưởi và một loại dụng cụ để soi cổ họng.

“Bây giờ, hả miệng thật to nào.”

Cho nên mình há miệng, nhưng ngay lúc anh ấy sắp sửa lấy cái thanh gỗ đó đè lưởi mình xuống, mình hét lên, “Cá tháng Tư!”

Chẳng hề có một cái nhếch môi nào thấp thoàng trên mặt. Anh rút thanh đè lưởi ra và tắt cây đèn rọi và không nói một lời cho đến lúc hầm hừ mở cửa phòng khám bệnh. Rồi anh ấy nói, “Nancy, cô có biết là đang có nhiều người bệnh chờ tôi không. Cô chẳng cón bé bỏng nữa, ráng mà cư xử cho đúng mực nhé? ”

Cho nên, mình như con cún cụp đuôi lủi ra khỏi nơi ấy. Mình không có đủ can đảm hỏi tại sao anh ấy không thể đón nhận một trò đùa. Chắc như bắp là cái bà tò mò tọc mạch trong bếp, sẽ đồn khắp thành phố, là anh ấy đã giận đến mức nào và mình đã tiu nghỉu chuồn khỏi nhà anh ấy ra sao. Suốt ngày nay mình cảm thấy khổ sở vô ngần. Và điều trùng hợp ngu ngốc nhất là mình lại cảm thấy nhuốm bệnh, ngây ngây sốt và cổ họng hơi rát, nên mình ngồi lỳ ở căn phòng đàng trước với một tấm mền phủ chân, đọc sách của Dante. Ngày mai là ngày họp mặt của nhóm Đọc Sách, vì thế mình cũng nên đọc một mớ kha khá trước. Phiền một nỗi, mình chẳng nhớ điều gì, vì trong khi đọc mình luôn luôn suy nghĩ, rằng mình đã làm một chuyện quá ngu si, và nhớ lại giọng nói bén ngót của anh ây bảo rằng mình phải cư xử cho thích hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng rồi mình lại tưởng tượng ra mình tranh cải với anh ấy, rằng vui đùa một chút như thế không phải là một việc gì quá kinh khủng. Mình biết bố của anh ấy là mục sư, có phải đó là nguyên nhân của sự đạo mạo nghiêm trang của anh ấy không? Gia đình các mục sư thường di chuyển liên tục nên có thể anh ấy không đủ thời gian kết bạn với một nhóm nào, thâm tình đến mức có thể thông cảm và đùa giỡn với nhau.

Mình có thể hình dung ra cảnh anh ấy mở cửa, áo ghi lê và sơ mi hồ bột thẳng thớm. Cao và gầy như một con mắm. Tóc rẻ ngôi ngay ngắn, và râu mép tỉa xén gọn gàng. Thật là một thảm họa.

Mình phân vân không biết có nên viết cho anh ấy vài chữ, giải thích rằng trò đùa ấy theo ý mình, không phải là một trọng tội. Hay mình nên viết một lá thơ xin lỗi trịnh trọng?

Mình không thể hỏi ý nhỏ Ginny bởi anh ấy đã xin hỏi cưới nhỏ, nghĩa là anh ấy coi nhỏ là một người đáng trọng hơn mình. Và lòng mình se sắt đến nỗi mình không hiều nhỏ Ginny có âm thầm nghĩ như thế hay không? ( Ngay cả khi nhỏ đã từ chối anh ấy.)

Ngày 4 tháng Tư,

Wilf không dự buổi họp mặt của nhóm Đọc Sách vì một thân chủ lớn tuổi của anh bị tai biến mạch máu não. Do đó mình phải viết vài hàng cho anh. Cố làm ra vẻ hối lỗi nhưng không quá nhún nhường. Chưa bao giờ có một điều khiến mình day dứt đến thế. Không phải lá thư, mà chuyện mình làm.

Ngày 12 tháng Tư

Trưa nay khi mở cửa mình có nỗi ngạc nhiên lớn nhất cuộc đời trẻ dại của mình. Bố mới về đến, đang ngồi tại bàn chờ dùng bửa chính và Wilf đứng đấy. Wilf không bao giờ trả lời thư của mình, mình ngỡ rằng anh ấy vĩnh viễn ghê tởm mình và trong tương lai, mình chỉ còn cách tỏ ra khinh khỉnh đối lại, vì mình chẳng có chọn lựa nào khác.

Anh hỏi có phải anh làm gián đoạn bửa ăn của mình?

Đương nhiên là không, vì mình đã quyết tâm nhịn bửa ăn chính cho đến khi sụt được 2 kí rưởi. Trong lúc Bố và bà Box ăn, mình chỉ cần lui về phòng riêng, đọc Dante.

Mình nói, không ạ.

Anh ấy nói, thế cô có muốn dạo mát với tôi không? Chúng ta có thể ngắm băng tan trên sông. Anh ấy tiếp tục nói, giải thích rằng gần như suốt đêm anh không ngủ được, và vì sẽ phải mở cửa phòng mạch vào một giờ chiều, anh ấy không đủ thời gian để ngủ trưa, như thế không khí trong lành sẽ làm cho anh ấy tỉnh táo. Anh ấy không nói tại sao lại thức khuya, nên mình đoán có lẽ có em bé mới sanh và anh ấy nghĩ rằng có thể mình sẽ xấu hổ nếu anh ấy nói với mình về chuyện ấy.

Mình nói mình vừa bắt đầu giờ đọc sách của hôm nay.

“Cho Dante nghĩ xã hơi một chút,” anh ấy nói.

Thế nên mình lấy áo khoác, thưa với Bố rồi hai đứa ra khỏi nhà và ngồi vào xe của anh ấy. Hai đứa lái đến North Bridge nơi có một đám đông, phần lớn đàn ông và thanh niên đang giờ nghĩ trưa, tụ tập ở đó ngắm băng. Năm nay không có nhiều tảng băng to vì mùa đông tới quá trễ. Nhưng vẫn có một số ít, vướng lại, quấn quanh chân câu, nước chảy cuồn cuộn, ào ạt như những dòng suối ở giửa. Chẳng có gì để làm, ngoại trừ đứng như bị hớp hồn, chân lạnh cóng. Có lẽ băng đang tan nhưng mùa đông chưa bỏ cuộc và mùa xuân dường như mịt mùng xa lắc. Mình không hiểu tại sao có những người có thể thích thú đến độ đứng đó ngắm nhìn hàng giờ liền.

Cũng như mình, chẳng bao lâu Wilf đã chán. Hai đứa trở ra xe và không nói gì với nhau cho đến lúc mình đánh bạo hỏi anh có nhận được thư của mình không?

Anh ấy nói vâng anh có.

Mình nói mình thưc tình cảm thấy mình là môt con ngốc vì những gì mình đã làm ( đúng thế, chỉ có điều mình ra vẻ ân hận nhiều hơn cảm nghĩ thật của mình)

Anh ấy trả lời, “Ô, chẳng sao đâu.”

Anh ấy lùi xe, quành về thành phố và nói, “Anh hy vọng có thể hỏi cưới em. Chỉ khác một điều là anh không định cầu hôn như thế này. Anh định sẽ kéo dài thêm một lúc. Cho đến khi có khung cảnh thích hợp hơn.”

Mình nói, “Anh định hỏi nhưng bậy giờ thì không? Hay anh vẫn còn muốn hỏi?”

Mình xin thề mình nói thế không phải để thúc đẩy, khuyến khích. Mình chỉ muốn mọi sự được minh bạch

“Ý của anh là vẫn muốn hỏi cưới em,” anh nói.

Miệng mình buột ra câu “Vâng, em bằng lòng” trước khi mình kịp hoàn hồn. Mình không biết phải giải thích ra sao. Mình nói vâng một cách dễ thương lễ phép nhưng không quá bộp chộp. Giống như vâng, cho em xin một tách trà. Mình cũng không ra vẻ ngạc nhiên. Như thể mình phải gắng sức đưa hai đứa nhanh chóng vượt qua thời điểm đó để có thể thoải mái và bình thường trở lại. Mặc dù mình chưa bao giờ cảm thấy thoải mái và bình thường với Wilf. Có một lúc mình cảm thấy Wilf bí ẩn, khó hiểu và nghĩ rằng anh ây vừa đáng sợ vừa tiếu lâm, và từ ngày Cá tháng Tư đến nay mình thật vô cùng hổ thẹn. Mình hy vọng mình đã bằng lòng làm vợ anh ấy không phải để chấm dứt sự xấu hổ đó. Mình còn nhớ mình đã nghĩ mình nên rút lại câu trả lời ấy, và nói với anh mình cần thời gian để suy nghĩ thêm, nhưng mình không thể nào nói như thế mà không làm cho hai đứa rơi vào một tình thế hổn độn xấu hổ chưa từng có. Và mình cũng không biết có gì khác cho mình phải suy nghĩ, cân nhắc hay chăng.

Mình đã hứa hôn với Wilf. Thật khó tin. Có phải những người khác cũng hứa hôn với nhau như thế này?

Ngày 14 tháng Tư

Wilf đến thưa chuyện với Bố và mình qua nhà nhỏ Ginny. Mình nói ngay và thú nhận mình thấy áy náy nói cho nhỏ biết, và nói mình hy vọng nhỏ sẽ không thấy bất tiện làm phù dâu cho mình. Nhỏ nói dĩ nhiên là không bất tiện chút nào và tụi mình khá xúc động và quàng vai nhau và sụt sịt khóc.

“Thế bọn con trai so với bạn gái chúng mình khác thế nào nhỉ?” nhỏ nói.

Thế là mình cảm thấy cóc cần và nói với nhỏ ấy rằng dù sao, tất cả đều do lỗi của nhỏ.

Mình nói mình không thể chịu nổi anh chàng khốn khổ bị hai cô gái khước từ lời câu hôn.

Ngày 30 tháng Năm

Đã lâu mình không ghi nhật ký vì mình đang trong một cơn lốc quay cuồng với quá nhiều việc phải làm. Hôn lễ sẽ cử hành ngày 10 tháng Bảy. Cô Cornish may áo cưới cho mình. Cô ây làm mình phát khùng vì mình phải đứng thật yên, mong manh trong bộ áo lót, bị cài kim khắp người và bị cô ấy quát mắng. Áo cưới bằng lưới mỏng marquisette trắng và không có đuôi lòe xòe tha thướt, vì mình sợ thế nào mình cũng vấp té. Mình có một số tư trang mang về nhà chồng, gồm nửa tá áo ngủ mùa hè và một chiếc kimono Nhật in hoa súng và ba bộ pyjamas mùa đông, tất cả đều mua ở tiệm Simpson tại Toronto. Chắc chắn pyjamas không phải là một lưạ chọn lý tưởng cho cô dâu, nhưng áo ngủ không đủ ấm và dù sao mình cũng ghét áo ngủ vì chúng luôn luôn bị đùn lên cao, chùm nhum quanh bụng.

bụng. Một mớ áo lót bằng lụa và các thứ khác, tất cả đều màu hồng cam hoặc màu “da người.” Ginny khuyên mình, sẳn có cơ hội nên mua nhiều để tích trữ, vì nếu Thế Chiến xảy ra, bên Trung Hoa những hàng hóa bằng lụa sẽ trở nên khan hiếm. Nhỏ Ginny luôn luôn thông thạo tin tức. Áo phù dâu của nhỏ ấy màu xanh bông phấn.

Hôm qua bà Box làm bánh cưới. Bánh cần làm trước sáu tuần nên hầu như chỉ vừa đủ thời gian. Để được nhiều may mắn, mình phải trộn bột và bột có nhiều nhân trái cây, đặc sệt và nặng đến đổi tay mình rã rời muốn rớt khỏi vai. Ollie đang ở đây nên anh ấy khuấy dùm mình những khi bà B. ngó lơ. Mình không biết may mắn sẽ đem đến những gì.

Ollie là anh em họ của Wilf và ghé chơi vài tháng. Vì Wilf là con trai độc nhất, Ollie – đúng thế — sẽ làm phù rễ. Ollie chỉ hơn mình bẩy tháng nên anh ấy và mình có vẽ vẫn là con nít, so với Wilf. ( mình không thể nào hình dung Wilf từng là một đứa bé.) Anh ấy – Ollie, sống ba năm ở một dưỡng đường trị lao, nhưng nay đã khỏi bệnh. Họ ép một lá phổi của Ollie ở đấy. Mình đã nghe về chuyện này trước đây và tưởng người bệnh rồi chỉ sống với một lá phổi mà thôi, nhưng rõ ràng không phải thế. Lá phổi được ép để nghĩ ngơi trong khi được chửa trị với thuốc men, và vết thương sẽ hóa nang (không phải hóa nan!). (Thấy chưa, nhờ đính hôn với một bác sĩ, nên bây giờ chẳng gì thì mình cũng là một tay có trình độ y tế khá cừ khôi!) Trong khi Wilf giảng giải điều này, Olie bịt tai lại. Anh ấy nói không muốn nghĩ đến những chuyện đã qua và tưởng tượng anh ấy rỗng tuếch như một con búp bê nhựa. Anh ấy là một người có tính cách trái nghịch với Wilf, nhưng họ vẫn có vẻ hợp nhau.

Lạy Chúa, phần trang hoàng bánh cưới sẽ được một tiệm chuyên môn đảm nhận. Mình không nghĩ là bà Box chịu nỗi áp lực lâu hơn nữa.

Ngày 11 tháng Sáu

Còn chưa đầy một tháng. Mình không nên ngồi đây ghi chép, đáng lẽ mình nên tiếp tục lên danh sách quà cưới. Mình không ngờ những chuyện này lại thuộc về trách nhiệm của mình. Wilf muốn mình chọn giấy dán tường. Trước đây mình nghĩ rằng các căn phòng được trát vữa và sơn trắng do ý thích của anh ấy, hóa ra có lẽ anh ấy làm thế để sau này người vợ tương lai dễ chọn giấy trang hoàng. Mình sợ mình sẽ giống như một con ngốc không biết làm gì, nhưng rồi lấy lại bình tỉnh, mình bảo rằng anh ấy thật tế nhị, nhưng mình chẳng thể tưởng tượng nổi mình sẽ ưa thích điều gì cho đến khi mình thực sự sống ở đó. ( Hẳn là anh ấy hy vọng rằng mọi thứ đều hoàn tất khi hai đứa sau tuần trăng mật trở về.) Và như thế mình đã đình hoản được chuyện ấy.

Mình vẫn đi làm mỗi tuần hai ngày ở Nhà Máy. Mình cứ tưởng mình sẽ tiếp tục đi làm sau ngày cưới, nhưng Bố nói không được. Bố làm như thể thuê mướn một bà có chông là phạm pháp, trừ khi bà ấy là góa phụ hay đang gặp khó khăn, nhưng mình nêu lên cho Bố thấy đây không phải là thuê mướn vì Bố có trả tiền cho mình đâu. Rồi Bố nói tại Bố ngại không muốn nói ra lúc đầu, một khi có chồng mình sẽ có những thời gian gián đoạn.

“Thời gian con không thể xuất hiện nơi công cộng,” Bố nói.

“Ô, con có biết đâu,” mình nói, và đỏ mặt như một con ngốc.

Do đó Bố đã có một ý niệm trong đầu (Bố) rằng rất tốt, nếu Ollie có thể lảnh phần việc của mình và ( Bố) thực lòng mong mỏi Ollie có thể học việc cho thạo rồi cuối cùng Bố có thể giao tất cả cho Ollie. Có lẽ Bố đã mong ước mình lập gia đình với một người có khả năng như thế — dù Bố nghĩ Wilf chỉ công tử bột một chút mà thôi. Và Ollie có thời giờ rảnh rổi chẳng biết làm gì và khôn ngoan và có học. (Mình không biết chính xác học vấn của Olliie thu thập ở đâu, lúc nào hay sâu rộng bao nhiêu nhưng thực tế là anh ấy biết nhiều hơn tất cả mọi người quanh đây,) do đó anh ấy dường như là một chọn lựa hàng đầu. Vì lý do này, hôm qua mình phải dẫn Ollie đến văn phòng và chỉ cho anh các loại sổ sách kế toán vân vân …, và Bố giới thiệu anh ấy với công nhân hay bất kỳ ai đang có mặt quanh đấy và dường như mọi việc đều ồn thỏa. Ollie rất kỹ lưởng và tạo nên một bầu không khí nghiêm trang nơi văn phòng và rồi anh ấy vui vẻ và hài hước ( nhưng không quá hài hước) với công nhân, anh ấy còn thay đổi cách nói chuyện cho đúng mực, và Bố vui lòng hết sức và cảm thấy phấn khởi. Khi mình chào Bố để đi ngủ Bố nói, ” Bố cảm thấy thật may mắn có được chàng trai ấy. Cậu ấy là một người biết nghĩ đến tương lại và xây dựng một mái ấm gia đình.”

Và mình không phản bác lại Bố nhưng mình tin rằng cơ may để Ollie trụ lại đây và điều hành nhà máy cũng nhiều như cơ may mình được nhận vào đoàn ca vũ nhạc Ziegfeld Follies.

Chỉ là anh ấy không cưỡng lại được việc sắm một vai tuồng hấp dẫn.

Có lúc mình tưởng nhỏ Ginny đã cuổm mất anh ấy khỏi tay mình. Nhỏ ấy đọc nhiều và hút thuốc và mặc dù đi nhà thờ, nhưng quan niệm của nhỏ đuợc nhiều người coi là vô thần. Và nhỏ bảo mình rằng nhỏ không nghĩ rằng anh ấy xấu trai dù có thấp một chút (mình đoán một mét bẩy mươi hai tới một mét bẩy mươi lăm.) Anh ấy có đôi mắt xanh mà nhỏ Ginny thích, và mái tóc vàng lườm, màu kẹo bơ, lượn sóng phủ một phần trước trán, không chủ định mà vẫn quyến rũ. Dĩ nhiên khi anh ấy gặp nhỏ Ginny, anh ấy rất dễ thương và để cho nhỏ nói thật nhiều, và sau khi nhỏ ra về anh ấy nói, “Cô bạn bé bỏng của chị khá trí thức đấy, phải không?”

“Bé bỏng.” Ginny ít nhất cũng cao bằng anh ấy và mình muốn bảo cho anh ấy biết thế. Nhưng nếu ta nêu ra, với một người đàn ông hơi thiếu thước tất, một điều liên quan đến chiều cao thì ác nghiệt, thế nên mình đành nín nhịn. Mình không biết trả lời thế nào về phần ” trí thức”. Theo ý mình Ginny là một cô gái trí tuệ (thí dụ như, Ollie đã đọc War and Peace chưa nhỉ?), nhưng mình không thể nào biết, qua giọng nói của anh ấy, anh ấy nghĩ rằng nhỏ Ginny trí thức hay là không. Tất cả những gì mình có thể hiểu được là, nếu Ginny là người trí thức, anh ấy cũng chẳng quan tâm và nếu Ginny không phải là người trí thức, nhưng giả vờ như thế và anh ấy cũng chẳng màng. Đáng lẽ mình nên nói một câu gì đó hay hay và tỏ ý bất đồng, thí dụ , “Anh quá sâu sắc đối với tôi,” thê nhưng mình chẳng nghĩ ra được câu nào cho đến mãi về sau. Và điều tồi tệ nhất là khi anh ấy bình luận về Ginny, mình đã một cách thầm kín, trong tim, có một nỗi nghi ngờ nào đó về Ginny, và trong khi mình bào chửa cho nhỏ ấy (trong đầu mình) mình cũng đồng ý, một cách xảo quyệt với anh ấy. Không biết có bao giờ trong tuơng lai mình còn nghĩ rằng nhỏ Ginny thông thái nữa hay không.

Wilf ở gần đó và hẳn phải nghe hết cuộc đối thoại nhưng không nói gì. Mình có thể hỏi tại sao anh không cảm thấy cần phải bảo vệ người thiếu nữ mà anh đã có lần hỏi cưới, nhưng mình chẳng bao giờ để lộ hoàn toàn cho anh ấy biết là mình biết chuyện ấy. Anh ấy thương chỉ lằng nghe Ollie và mình nói chuyện, đầu hơi cúi về phía trước (theo cách anh ấy vẫn thường làm với hầu hết những người khác, vì anh ấy rất cao) và một nụ cười nở trên gương mặt anh ấy. Mình cũng không chắc đó là một nụ cười hay chỉ là đôi môi anh ấy đã sẳn thế. Vào buổi tối cả hai người đến nhà mình và thường thường sẽ là Bố chơi bài crabbage với Wilf, còn Ollie với mình rốt cuộc chỉ nói chuyện tầm phào bá láp. Hay Wilf và Ollie và mình chơi bài Bridge tay ba. (Bố không bao chơi Bridge vì không hiểu sao Bố cho là nó có tính trưởng giả học làm sang.) Đôi khi Wilf có điện thoại của Bịnh viện hay của Elsie Bainton ( là bà quản gia của anh ấy mà không bao giờ mình nhớ tên – mình chỉ cần gào tướng lên, hỏi bà Box là xong) và anh ấy phải đi. Hay thỉnh thoảng khi ván bài crib đã chấm dứt, anh ấy đến ngồi trước dương cầm và đàn theo trí nhớ. Trong bóng tối, có thể vậy. Bố ra hàng ba và ngồi đó với Ollie và mình và cả ba đều lắc lư theo điệu nhạc và thưởng thức. Đối với mình, dường như Wilf chỉ chơi đàn cho bản thân anh ấy và không phải biểu diễn cho ai. Anh ấy chẳng bận tâm đến việc chúng mình có lắng nghe hay không, hay là bắt đầu tán dóc. Và đôi lúc chúng mình tán dóc, vì những bản nhạc của Wilf trình bày, quá cổ điển đối với Bố, người mà bản nhạc ưa thích nhất là “My Old Kentucky Home.” Ta có thể thấy Bố cựa quậy không yên, những bài nhạc kiểu ấy làm Bố có cảm giác thế giới đang chao đảo, chòng chành chung quanh, và do đó, vì Bố, chúng mình phải bắt đầu nói chuyện gẫu. Rồi — chính Bố — sẽ là người nhấn mạnh cho Wilf biết là chúng mình đã thưởng thức tài nghệ của anh ấy ra sao và Wifl sẽ lễ độ cám ơn một cách lơ đãng. Ollie và mình biết là hai đứa khỏi cần nói gì, vì hai đứa biết trong trường hợp này anh ấy chẳng buồn để tâm đến ý kiến của hai đứa mình.

Có lần mình bắt gặp Ollie hát thầm theo một bản nhạc Wilf đang đàn.

“Morning is dawning and Peer Gynt is yawning

yawning - ”

Mình thì thào, “Cái gì thế?’

“Chẳng có gì,” Ollie nói. “Anh ấy đang đàn bài đó.”

Mình bắt Ollie đánh vần cho mình. P- e- e- r G- y- n- t.

Mình nên học hỏi thêm về âm nhạc, nó sẽ là nhịp cầu nối liền giữa Wilf và mình.

Thời tiết thình lình nóng lên đột ngột. Những đóa hoa mẫu đơn bừng nở, to tròn như mông em bé và hoa ở các bụi spirea lấm tấm gục đầu như tuyết điểm. Bà Box đi lòng vòng nói rằng nếu cứ như thế, đến ngày cưới tất cả mọi thứ đều sẽ khô queo héo quẳn.

Trong khi viết những dòng chữ này, minh đã uống tới ly cà phê thứ ba và chưa làm tóc nữa. Bà Box nói, “Cô sẽ sớm phải thay đổi cách sống của cô.”

Bà Box muốn nói rằng, vì Elsie Gì Gì Đó đã báo cho Wilf biết bà ấy sẽ xin thôi để mình có thể phụ trách việc nhà bên ấy.

Cho nên giờ đây mình đành phải thay đổi cách sống của mình và Giả Từ Nhật Ký, ít ra là lúc này. Mình thường có cảm tưởng rằng một điều gì đó bất thường sẽ xảy ra trong đời mình, và do đó rất cần thiết để ghi chép tất cả. Có phải đó chỉ là một cảm giác suông mà thôi?

CÔ GÁI MẶC ÁO CỔ LÍNH THỦY

“Đừng nghĩ anh có thể lè phè nhé.” Nancy nói. “Tôi có một ngạc nhiên dành cho anh.”

Ollie đáp, “Chị luôn luôn gây ngạc nhiên.”

Hôm đó là ngày Chúa Nhật, Ollie hy vọng anh có thể được rảnh rang thoải mái. Ở Nancy, có một điều không phải lúc nào anh cũng thích, là sinh lực của cô.

Anh nghĩ chẳng bao lâu cô sẽ cần dùng nguồn sinh lực ấy cho mái ấm mà Wilf — theo cung cách trầm lặng, yên bình riêng của anh ấy – sẽ dựa vào.

Sau lễ nhà thờ, Wilf đến Bịnh Viện và Ollie về nhà dùng bửa chính với Nancy cùng cha cô. Mỗi Chúa Nhật, họ ăn đồ nguội — bà Box cũng đi nhà thờ của bà hôm đó và dành nguyên buổi chiều nghĩ ngơi ở căn nhà nhỏ của bà. Ollie giúp Nancy dọn dẹp nhà bếp. Từ phòng ăn vọng ra một giọng ngáy miệt mài.

“Cha chị đó, “Ollie nói, sau khi liếc nhìn. “Ông ngủ quên ở ghế xích đu với tờ Saturday Evening Post trên đầu gối.

“Bố tôi không bao giờ thừa nhận có ngủ trưa chiều Chúa Nhật,” Nancy nói, “Bố tôi luôn luôn tin là ông đọc báo.”

Một chiếc tạp dề làm bếp quàng trên mình Nancy, dây cột ở thắt lưng — không phải loại tạp dề dành cho đầu bếp nhà nghề. Cô tháo nó ra, máng trên quả đấm cửa và đứng trước tấm gương nhỏ gần cửa bếp, xới mái tóc cho bồng.

“Trông tôi luộm thuộm quá,” cô nói, than vãn nhưng không khó chịu.

“Đúng thế. Chẳng biết anh Wilf thấy chị đẹp ở chỗ nào.”

“Coi chừng nha, tôi uýnh anh một phát bây giờ.”

Cô dẫn anh ra cửa, đi vòng quanh những bụi currant và dưới vòm lá cây mapple, nơi — cô đã nói cho anh nghe hai ba lần — trước đây có một cái đu của cô. Rồi họ đi theo con hẽm nhỏ phía sau nhà đến tận cùng khu phố. Không ai cắt cỏ, vì là ngày Chúa Nhật. Thực tế, không môt ai thơ thẩn ở sân sau, và các ngôi nhà mang một vẽ gần gủi, hảnh diện và bảo bọc, như thể bên trong mỗi căn đều có một con người đáng kính như cha của Nancy, đối với thế gian tạm thời chết trong giây lát vì đang chìm trong giấc ngủ mà ông xứng đáng được hưởng.

Không có nghĩa rằng thành phố hoàn toàn yên tỉnh. Chiều Chúa Nhật là thời gian dân quê và những người sống trong làng đổ bộ lên bãi tắm, cách đây chừng nửa kí lô mét, dưới chân một con dốc đứng. Một âm thanh hỗn tạp gồm những tiếng gào rú thích thú ở cầu tuột nước, tiếng trẻ con reo hò tạt nước vào nhau, tiếng còi xe hơi inh ỏi, tiếng còi xe bán kem tun tút, tiếng hú hét khoe mẽ của đám thanh niên, tiếng rầy la lo lắng của các bà mẹ. Tất cả những thứ ấy nhào trộn với nhau thành môt âm thanh rối rắm.

Cuối hẽm, ở bên kia một con đường không trải nhựa, nghèo nàn hơn, có một kiến trúc bỏ hoang mà Nancy cho biết là nhà máy nước đá xưa kia, xa hơn là một mảnh đất trống và một cây cầu ván bắt ngang một cái mương đã cạn, và rồi họ đi trên một con đường rất hẹp, bề ngang chỉ vừa đủ một chiếc xe hơi — hay nói đúng ra, một cổ xe thổ mộ. Hai bên đường, các bụi cây đầy gai mọc san sát, cao như vách, những bông hoa màu hồng héo khô nằm rải rác trong đám lá nhỏ xanh sáng. Hai bờ vách chặn gió lại, cũng không cho một chút bóng râm, và các cành lá cố níu kéo tay áo Ollie.

“Hoa hồng dại,” Nancy nói, khi anh hỏi cô tên những bụi cây quái quỷ ấy.

“Vậy ra đây là sự ngạc nhiên?”

“Cứ chờ xem.”

Trong đường hầm lá hoa này, mình nóng rực, anh ao ước cô đi chậm lại. Anh thường ngạc nhiên vì số lượng thời gian anh đã dành để lẩn quẩn bên cô, một thiếu nữ không có gì gọi là xuất sắc, có lẽ ngoại trừ tính đỏng đảnh do được cưng chiều, tính nhí nhảnh và tính vị kỷ. Có lẽ anh thích chòng nghẹo cô. So với những đứa con gái tầm thường khác, cô có phần khôn ngoan hơn, vì thế anh có thể đùa bởn.

Những gì anh có thể nhìn thấy, từ xa, là một mái nhà che bởi những vòm cây rợp bóng, và vì không hy vọng moi thêm được tin tức gì từ Nancy, anh tự an ủi rằng, có lẽ khi tới nơi, họ có thể ngồi nghĩ ở một chỗ thoáng mát.

“Có khách,” Nancy nói. “Không chừng là người quen.”

Một chiếc xe Model T cũ mèm đậu ở bùng binh cuối đường.

“Dù sao chỉ có một lượt khách thôi,” cô nói. “Hy vọng họ xong sớm.”

Nhưng khi hai người đến gần chiếc xe, không một ai ra khỏi căn nhà khang trang một tầng rưởi — xây bằng gạch, ở vùng này gọi là gạch “trắng”, ở quê Ollie, gọi là gạch “vàng”. (Thực tình nó có một màu nâu nhơm nhếch.) Không có bờ dậu — chỉ có một hàng rào dây kẽm tẻ nhạt vô hồn, bao quanh khoảnh sân đã lâu cỏ không cắt. Lối đi từ cổng vào nhà không được tráng xi măng. Nhưng chẳng có gì lạ ở vùng ngoại ô, vì không có bao nhiêu nông dân xây lối đi cho đàng hoàng hay làm chủ một máy cắt cỏ.

Có lẽ trước đây cũng có những luống hoa — ít nhất là hoa trắng và vàng, vươn lên giữa đám cỏ um tùm. Đó là hoa daisy, anh chắc thế, nhưng anh không dám hỏi Nancy, e là cô sẽ cười ngạo sửa sai anh.

Nancy dẫn anh tới một di tích chánh hiệu của thời kỳ êm đềm và nhàn nhã — một cái đu bằng gỗ, tuy không sơn phết nhưng đã hoàn chỉnh, có hai băng ghế đối nhau. Cỏ quanh đó không bị dẫm mòn – rõ ràng chiếc đu ít đựợc xử dụng. Đu đặt dưới bóng mát của mấy loại cây tàn rậm. Vừa ngồi xuống, Nancy đã bật dậy, nắm hai băng ghế để lấy đà, và bắt đầu đung đưa kẽo kẹt cái công cụ này.

“Như thế cho cô ấy biết chúng ta có mặt,” cô nói.

“Cho ai biết?”

“Tessa.”

“Là bạn của chị ?”

“Dĩ nhiên.”

“Một bà bạn già?” Ollie hỏi, không sốt sắng lắm. Anh đã nhiều lần nhìn thấy Nancy hào phóng chia sẽ tính cách vui tươi rang rỡ, còn có tên gọi — theo một vài cuốn truyện của bọn con gái mới lớn, không chừng cô đã đọc và tin tưởng hết lòng, có lẽ được gọi là — tia nắng xáng lạn của cá tính của cô. Ollie nhớ những trò trêu chọc thơ ngây của cô với các ông lớn tuổi ở Xưởng.

“Chúng tôi học chung trường. Tessa và mình. Tessa và tôi.”

Câu nói ấy dẫn tới một suy nghĩ mới — cách cô cố ghép đôi anh với Ginny.

“Thế, cô ấy có gì hay ho không?”

“Rồi anh sẽ thấy, Ôi!”

Đang đu nửa chừng cô nhảy xuống, chạy đến cái giếng bơm tay bên cạnh nhà. Bắt đầu bơm cật lực. Phải bơm thật mạnh và thật lâu mới có một chút nước. Ngay cả khi ấy, không chút mỏi mêt, cô tiếp tục bơm một lúc nữa mới bắt đầu hứng vào một cái ca thiếc treo gần đó, rồi cầm cái ca sóng sánh nước trở về chỗ cũ. Nhìn nét mặt hớn hở của cô, anh tưởng cô sẽ mới anh uống ngay, nhưng không, cô nâng ca lên môi mình, hớp từng ngụm khoan khoái.

“Không phải nước máy,” cô nói, trao cho anh. “Nước giếng đấy. Ngọt lắm.”

Cô là một thiếu nữ dám uống bất kỳ một thứ nước chưa khử trùng trong một cái ca thiếc củ treo ở một miệng giếng nào. (Căn bịnh thảm khốc của anh đã cho anh một ý thức vệ sinh cao hơn những người trẻ tuổi khác.) Dĩ nhiên, cô có khoa trương một chút. Nhưng tính chất liều lỉnh của cô rất thật, rất tự nhiên, và cô hòan toàn tin tưởng rằng cô có một cuộc đời đầy ân phước.

Anh chẳng có thể nói như thế về mình. Tuy vậy anh lại có một ý tưởng – anh không thể nhắc tới mà không bởn cợt – rằng một điều bất thường nào đó đã được dành sẳn cho anh, rằng cuộc đời anh sẽ hướng tới điều ấy. Có lẽ như thế họ đã lôi cuốn nhau. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ, anh vẫn sẽ tiếp tục, anh sẽ không chấp nhận những gì đã có. Trong khi cô — đã ngừng lại – vì cô là một thiếu nữ. Ý nghĩ mình có nhiều chọn lựa rộng rãi hơn bất kỳ người con gái nào đã gặp, khiến anh thình lình thấy thoải mái, thương cảm cô, và muốn vui đùa. Có những lúc anh không cần phải hỏi lòng, vì sao anh lại ở bên cô, khi chọc ghẹo cô, khi bị cô trêu chọc lại, làm cho thời gian vui vẻ êm trôi,

Nước ngot và mát lạnh diệu kỳ.

“Người ta đến gặp

Tessa,” cô nói, ngồi xuống đối diện với anh. “Không bao giờ biết khi nào có khách ở đây hay không.”

“Người ta?” anh hỏi. Anh bối rối với ý tưởng rằng cô có thể đồi trụy đến mức, bê tha đến mức vẫn là bạn của một cô gái làng chơi bán chuyên nghiệp, một cô gái điếm nông thôn, hành nghề tài tử. Vẫn duy trì tình bạn, dù sao, với một cô gái đã biến chất xấu xa.

Cô đọc thấu những tư tưởng của anh – đôi khi cô thông minh ra phết.

“Ô, không,”cô nói. “Tôi không có ý như thế. Ôi chao, đó là ý nghĩ tồi tệ nhất mà tôi đã nghe qua. Tessa sẽ là người con gái cuối cùng trên thế gian này làm chuyện ấy — Thật ghê tởm. Anh phải xấu hổ với lòng mình. Nhỏ ấy là người cuối cùng — Ôi, anh sẽ thấy,” Mặt cô đỏ bừng.

Cửa mở, và không có những lời từ biệt dài dòng bình thường — hay một lời chia tay nào nghe được – một người đàn ông và đàn bà tuổi trung niên, cũng như chiếc xe hơi của họ, mệt mỏi nhưng không đến độ phải vứt bỏ, trên đường ra cổng nhìn về hướng cái đu, thấy Nancy và Ollie nhưng không nói chi. Cũng kỳ quặc y như thế, Nancy chẳng lên tiếng chào hỏi gì. Hai người vòng sang phía bên kia xe, leo lên xe và lái đi.

Một dáng người bước ra khỏi vùng bóng tối ở khung cửa và Nancy gọi ơi ới

“Ê, Tessa.”

Người thiếu phụ có cấu trúc của một đứa trẻ chắc nịch. Cái đầu to với mái tóc quân màu sậm, vai rộng, chân thô ngắn. Cô không mang giày dép, và mặc một bộ quần áo lạ lùng — một chiếc áo cổ lính thủy và váy đầm. Ít ra là cũng lạ lùng trong một ngày nóng bức, và phải kể tới việc đã lâu cô không còn là một nữ sinh. Rất có thể đấy là y phục cô mặc thuở còn đi học, và vì là người cần kiệm, nay cô tiếp tục mặc tại nhà. Thứ y phục ấy không bao giờ hư rách, và theo ý của Ollie, không bao giờ tôn vẻ đẹp của thân hình một cô gái. Trong y phục đó, cô trông vụng về, không nhiều hơn cũng không ít hơn phần lớn những nữ sinh khác.

Nancy dẫn anh đến và giới thiệu, và anh nói với Tessa — theo kiểu thường được con gái chấp nhận — một cách ý nhị rằng anh đã nghe nói nhiều về cô.

“Anh ấy chẳng nghe gì cả, ” Nancy nói. “Đừng tin lời anh ấy. Mình đem anh ấy đến đây, nói thẳng ra, chỉ vì mình không biết phải làm gì với anh ấy.”

Mắt của Tessa có đôi mi dầy bụp, nặng nề và đôi mắt không to lắm nhưng kỳ lạ thay, có một màu xanh thăm thẳm, êm ái. Khi cô nhướng mắt nhìn Ollie, đôi mắt sáng không lộ một vẽ gì đặc biệt thân thiện hay thù nghịch, ngay cả tò mò. Chúng chỉ sâu hun hút và vững chải và làm cho anh không có cách gì tiếp tục nói những lời xã giao ngu ngốc nữa.

“Mời hai bạn vào nhà,” cô nói, và đi trước dẫn đường. “Hy vọng hai bạn đừng phiền vì tôi phải tiếp tục khuấy sửa làm bơ. Tôi đang khuấy thì đợt khách cuối cùng đến, tôi phải ngừng lại, nhưng bây giờ nếu không tiếp tục, có lẽ bơ sẽ hư mất.”

“Khuấy sửa làm bơ vào ngày Chúa Nhật, con gái hư, ” Nancy nói. “Ollie, nhìn nè. Đây là cách làm bơ. Tôi dám cá là anh tưởng rằng con bò sản xuất ra bơ, sẳn sàng để đóng gói, và mang ra tiệm. Bồ cứ tự nhiên tiếp tục,” cô nói với Tessa. “Khi mệt, bồ có thể để cho tôi làm một chút. Thực tình, tôi đến để mới bồ dự đám cưới của tôi.”

“Tôi có nghe nói tới,” Tessa nói.

“Đáng lẽ tôi gởi thiệp mời cho bồ, nhưng tôi không biết bồ có để ý hay không. Tôi nghĩ tôi nên đến đây và làm khó dễ cho đến khi bồ nói bồ sẽ đi. ”

Họ vào thẳng nhà bếp.Tất cả các màn cửa sổ đã kéo xuống tới sát bệ, một chiếc quạt máy lừ đừ khuấy động không khí trên cao. Căn phòng có mùi nấu nướng, mùi các dĩa đựng thuốc diệt ruồi, mùi dầu lửa, mùi khăn lau chén. Tất cả các mùi này có lẽ đã dính khắn vào vách, vào sàn nhà hàng chục năm rồi. Nhưng có ai đó — không còn nghi ngờ gì nữa, người con gái đang thở hào hển, gần như rên thành tiếng ở thùng đựng sửa kia – đã không quản công sơn phết những tủ chén dĩa và cửa phòng một màu xanh trứng chim cổ đỏ.

Giấy báo cũ trải đầy trên sàn chung quanh thùng đựng sửa, cho nhà đở bị bẩn. Sàn nhà có những chỗ mòn lẳn, lún xuống theo thời gian, đã có quá nhiều bước chân đi tới đi lui chung quanh bàn ăn và lò nướng. Với hầu hết những cô gái quê, có lẽ Ollie đủ lịch thiệp để hỏi xem anh có thể giúp họ được gì không, nhưng trong trường hợp này anh cảm thấy phân vân. Cô gái này, Tessa, không có vẻ gì buồn rầu ủ rũ, chỉ gìà trước tuổi, thẳng thắn đến độ làm nản lòng người khác và và tự mãn. Ngay cả Nancy cũng trở nên yên lặng, với sự có mặt của Tessa.

Bơ đã tới. Nancy nhảy cẩng lên để nhìn, và kêu anh làm theo. Anh ngạc nhiên vì sắc tái nhợt của nó, gần như không phải màu vâng, nhưng anh không nói gì, thế nào Nancy cũng rầy la anh vì sự dốt nát. Rồi hai cô gái bê cái khối tai tái, nhơm nhớp ấy đặt lên một mảnh vải trên bàn, dần nó bằng các dầm gỗ và gói lại trong miếng vải ấy.Tessa nhấc một cánh cửa trên sàn và hai cô khiêng khối bơ ấy xuống cầu thang của một cái hầm mà anh không thể ngờ đã có ở đấy. Nancy rú lên khi cô suýt bị hụt chân. Anh nghĩ rằng Tessa có thể tự tay làm lấy công việc một cách hoàn hảo, nhưng cô không ngại ban cho Nancy một đặc ân, như ta ban phát phần thưởng cho một đứa trẻ dễ thương hay mè nheo. Cô đê cho Nancy dọn dẹp các tờ báo trên sàn trong khi cô tự tay mở nấp các chai nước chanh mang từ dưới hầm lên. Từ thùng đá ở góc nhà, cô lấy một cục nước đá to, đến bồn rửa chén, rửa sạch mạc cưa và dùng một cây búa đập ra từng mảnh nhỏ, và bỏ các mảnh đá vụn ấy vào ly của họ. Một lần nữa anh cũng ngồi yên không giúp.

“Tessa,” Nancy nói, sau khi hớp một ngụm nước chanh. “Bây giờ đã rảnh. Bồ vui lòng giúp tôi nhé.”

Tessa uống ly nước chanh của mình.

“Bồ làm ơn nói cho Ollie nghe,” Nancy nói. “Cho anh ấy biết trong túi quần anh ấy có gì. Bắt đầu từ túi bên phải.”

Tessa nói, không cần ngẩng đầu nhìn. “Ơ, tôi nghĩ anh ấy có một cái ví.”

“Tiếp tục đi,” Nancy nói.

“Vâng, cô ấy nói đúng,” Ollie đáp. “Tôi có một cái ví. Vậy cô ấy có cần đoán trong ví có gì hay không? Bởi chẳng có nhiều gì mấy.”

“Đừng thèm để ý,” Nancy nói. “Tessa, nói cho anh ấy biết, còn món gì khác trong túi quần bên phải?”

“Có gì trong đó, nào?” Ollie hỏi.

“Tessa,” Nancy ve vãn. “Tessa ơi, bồ biết tôi mà. Hãy nhớ, tụi mình là bạn lâu năm, từ lớp vỡ lòng. Làm ơn nói đi.”

“Có phải đây là một trò đùa không?” Ollie hỏi. “Có phải đây là trò đùa hai người đã sắp đặt sẳn?”

Nancy cười vào mũi anh.

“Tại sao vậy?” cô nói. “Bộ anh có cái gì phải xấu hổ hay sao? Một chiếc vớ thúi?”

“Một cây viết chì,” Tessa nhẹ nhàng nói. “Một ít tiền. Tiền cắc. Tôi không biết trị giá. Một miếng giấy với vài dòng chữ trên đó? Chữ in?”

“Móc ra xem, Ollie,” Nancy la lên. “Móc ra đi.”

“Ô, và một thẻ kẹo cao su,” Tessa nói. “Tôi nghĩ vậy, một thẻ kẹo cao su. Chỉ có thế thôi.”

Thẻ kẹo cao su đã mất vỏ bao và dính lem nhem vài sợi vải vụn.

“Tôi bỏ quên trong túi,” Ollie nói, mặc dù anh không bỏ quên. Anh lần lượt lấy ra, một mẫu viết chì cụt, một vài đồng năm xu và đồng một xu, một miếng giấy báo cắt ra, gấp lại và nhầu nát.

“Ai đó đưa tôi miếng giấy này,” anh nói, khi Nancy giật phắt lấy và mở ra xem.

“Chúng tôi tìm mua các bản thảo chưa xuất bản có giá trị cao, văn vần lẫn văn xuôi,” cô đọc lớn. “Chúng tôi sẽ quan tâm đặc biệt đến —”

Ollie lấy lại mảnh giấy từ tay Nancy.

“Không biết ai đưa tôi. Họ muốn hỏi ý kiến của tôi xem có phải đấy là một tổ chức đứng đắn hay không.”

“Vậy hả, Ollie.”

“Tôi cũng không nhớ có nó ở đấy. Miếng kẹo cao su, cũng vậy.”

“Anh có ngạc nhiên không?”

“Dĩ nhiên là có. Tôi quên bẳng đi mất.”

“Anh có ngạc nhiên về Tessa không? Về những gì cô ấy đã biết?”

Ollie nở một nụ cười gượng gạo với Tessa, dù trong lòng anh rất đổi bực bội. Không phải lỗi của cô ấy.

“Những thứ ấy là những thứ rất nhiều gã thanh niên có trong túi,” anh nói. “Tiền cắc? Đương nhiên. Viết chì –?”

“Kẹo cao su?” Nancy hỏi.

“Có thể lắm.”

“Và mẫu giấy có chữ in. Cô ấy nói chữ in.”

“Cô ấy nói một mảnh giấy. Cô ấy không biết có cái gì trên giấy. Cô không biết, phải không?” anh nói với Tessa.

Cô lắc đầu. Cô nhìn ra cửa, lắng tai nghe.

“Tôi nghĩ có xe đến.”

Cô nói đúng. Bây giờ cả bọn đều nghe. Nancy đi tới cửa sổ nhìn trộm qua màn, lúc đó Tessa mĩm một nụ cười bất ngờ với Ollie. Đó không phải là một nụ cười đồng lõa hay xin lỗi hay tán tỉnh, mà là một nụ cười không mang một mời mọc rõ ràng nào. Chỉ trao tặng một phần tâm hồn ấm áp và dễ dãi của cô. Cùng lúc ấy, đôi vai rộng của cô chuyển động, một sự ổn định bình yên tại đấy, như thể nụ cười đã tỏa lan khắp toàn thân.

“Ôi chao,” Nancy

Nancy nói. Nhưng cô phải kiểm soát sự kích động của mình, cũng như sự hấp dẫn mất trật tự và sự kinh ngạc của Ollie.

Tessa mở cửa vừa đúng lúc người đàn ông bước xuống xe. Ông ta đứng ở cổng rào chờ Nancy và Ollie đi ra. Ông độ chừng sáu mươi tuổi, đôi vai cục mịch, gương mặt nghiêm nghị, mặc một bộ đồ vét mùa hè màu nhạt và đội nón Christie. Xe của ông kiểu coupe đời mới. Ông gật đầu chào Nancy và Ollie, biểu lộ một thoáng tôn trọng và chú tâm để khỏi tò mò tọc mạch. Giả sử ông mở cửa một văn phòng bác sĩ cho họ, ông cũng sẽ biểu lộ y như thế.

Cửa nhà Tessa vừa đóng lại sau lưng ông chưa lâu, đã có một chiếc xe khác chạy đến.

“Xếp hàng chờ,” Nancy nói. “Chiều Chúa Nhật đắt khách. Dù sao, cũng đang mùa hè. Người ta lái xe hàng mấy cây số đến gặp nhỏ ấy.”

“Để nghe cô ấy nói cho họ biết trong túi quần họ có gì?”

Nancy không trả lời câu đó.

“Phần lớn họ sẽ hỏi nhỏ ấy về những món đồ thất lạc. Có giá trị. Dù sao, đối với họ, có giá trị.

“Cô ấy có tính tiền công không?”

“Tôi nghĩ, không đâu.”

“Cô ấy hẳn phải tính tiền.”

“Tại sao nhỏ ấy phải tính tiền?

“Chẳng phải cô ấy nghèo hay sao?”

“Nhưng đâu đến nỗi chết đói.”

“Có thể cô ấy không phải lúc nào cũng nói đúng.”

“Ơ, tôi nghĩ nhỏ ấy phải nói đúng, nếu không người ta đã không nườm nượp kéo đến, phải không?”

Trên đường về, bước bên nhau giữa những bụi hồng của con đường hầm oi ả chói chang, cuộc đối thoại của họ lắng dịu. Họ lau mồ hôi trên mặt, và không còn sức để bắn tỉa nhau.

Ollie nói, “Tôi không hiểu nổi chuyện này.”

Nancy nói, “Tôi không biết có ai hiểu không. Không những chỉ có đồ vật thất lạc, nhỏ ấy còn có thể tìm được xác chết.”

“Xác chết?”

“Hồi đó có một ông kia, ai cũng nghĩ là ông ấy lang thang theo đường rầy xe lửa, gặp bão tuyết rồi chết cóng, không ai tìm được xác. Thế nhưng nhỏ ấy bảo hãy lùng sục ở dưới vách đá gần hồ. Dĩ nhiên tìm thấy ngay. Chẳng có đường xe lửa gì cả. Và một lần kia, có con bò lạc mất, nhỏ ấy bảo họ rằng con bò đã chết đuối.”

“Thế thì?” Ollie nói. “Nếu chuyện này đúng thật, sao chưa có ai điều tra? Ý của tôi là, nghiên cứu theo phương pháp khoa học?”

“Chuyện này hoàn toàn đúng thật.”

“Tôi không có ý nói là tôi không tin cô ấy. Nhưng tôi muốn biết làm sao cô ấy có thể làm được. Có bao giờ chị thử hỏi cô ấy hay chưa”

Nancy khiến chàng ngạc nhiên. “Anh không thấy hỏi như thế là bất lịch sự hay sao?” Nancy trả lời.

Giờ đây, cô lại có vẽ là người không còn hứng thú để trò chuyện nữa.

“Thế thì,” không chịu bỏ cuộc, anh hỏi tiếp, “Cô ấy có thể nhìn thấy từ khi còn bé?”

“Tôi không biết. Nhỏ ấy không hề tỏ lộ ra.”

“Vậy cô ấy cũng giống như bao nhiêu người con gái khác?”

“Nhỏ ấy chẳng giống ai. Có ai giống hệt ai được đâu? Tôi nghĩ thế, tôi không bao giờ cho rằng tôi giống ai. Ginny cũng không cho rằng Ginny giống ai. Với Tessa, đơn giản là nhỏ ấy sống ở chỗ nhỏ ấy sống, mỗi sáng trước khi đi học nhỏ ấy phải vắt sửa bò, việc mà tụi này không có đứa nào phải làm. Tôi luôn luôn tỏ ra thân thiện với nhỏ ấy.”

“Chắc thế,” Ollie nói, không sốt sắng cho lắm.

Làm như không nghe gì hết, cô tiếp tục.

“Tuy vậy, tôi nghĩ chuyện ấy bắt đầu — tôi nghĩ hẳn phải bắt đầu khi nhỏ ấy lâm bịnh. Năm đệ lục, nhỏ ấy mắc bịnh phong xù. Nhỏ ấy phải nghĩ học, không bao giờ trở lại trường, coi như mọi sự đều hỏng kể từ khi đó.”

“Kinh phong,” Ollie nói. “Động kinh?”

“Tôi chưa bao giờ nghe tới chữ đó. Ô mà,” — cô quay mặt đi — “tôi thật đáng ghê tởm.”

Ollie đứng lại. Anh hỏi, “Tại sao?”

Nancy cũng ngừng bước.

“Tôi cố ý đưa anh đến đó để anh thấy ở đây chúng tôi cũng có một điều gì đặc biệt. Là nhỏ ấy. Tessa. Tôi muốn nói, tôi dẫn anh đi xem Tessa.”

“Vâng, thế thì sao?”

“Vì anh nghĩ rằng chúng tôi không có điều gì đáng kể hết. Anh nghĩ rằng chúng tôi chỉ đáng bị trêu chọc. Tất cả chúng tôi, quanh đây. Thế nên tôi định cho anh gặp nhỏ ấy. Như gặp một quái thai.”

“Tôi không nghĩ cô ấy là quái thai.”

“Dù sao, đó cũng là ý đồ đen tối của tôi. Tôi đáng bị trừng phạt.”

“Không đến nỗi như vậy đâu.”

“Tôi nên quay lại xin lỗi nhỏ ấy.”

“Nếu tôi là chị, tôi sẽ không làm thế.”

“Anh sẽ không làm thế?”

“Không.”

Buổi chiều hôm ấy, Ollie giúp Nancy dọn ăn. Có gà và thịt đông của Bà Box đã nấu sẳn, cất trong tủ lạnh, và một ổ angel food cake Nancy nướng hôm qua, để ăn kèm với dâu tươi. Ollie và Nancy bày thức ăn bên hàng hiên có bóng râm buổi chiều. Sau món chánh, trong khi chờ món trang miệng, Ollie dọn dẹp bàn ăn, bưng bớt chén dĩa dơ và món xà lách vào bếp.

Thình lình, anh nói, chẳng có một nguyên nhân nào khơi gợi, ” Tôi không biết có ai nghĩ đến chuyện đem một chút gì biếu cô ấy không? Thí dụ, thịt gà hay dâu tươi?”

Nancy đang nhúng từng trái dâu đẹp nhất vào nước trái cây thắng đường. Sau một chút im lặng, cô nói, “Xin lỗi, anh nói chi?”

“Cô gái ấy. Tessa.”

“Ô,” Nancy đáp. “Nhà nhỏ ấy cũng có nuôi gà, nhỏ ấy có thể làm thịt một con để ăn, nếu nhỏ ấy muốn. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu nhỏ ấy có trồng vài ba luống dâu. Ở nhà quê, thường thường ai cũng trồng dâu.”

Chuỗi ăn năn bùng nỗ trên đường về ban nãy xoa dịu được lương tâm cô, và giờ đây chúng không cón nữa.

“Không những cô ấy không phải là một quái thai,” Ollie nói, “Điều đáng kể là cô ấy không tự coi mình là một quái thai.”

“Vâng, dĩ nhiên là như thế.”

“Nhỏ ấy hài lòng với bản thân của nhỏ ấy. Đôi mắt của nhỏ ấy rất đặc sắc, nổi bật.”

Nancy hỏi Wilf có muốn chơi đàn dương cầm trong lúc chờ cô hoàn thành món tráng miệng.

“Em phải đánh cho kem nổi, và với khí hậu nóng bức này, chắc còn lâu lắm mới xong.”

Wilf nói họ có thể chờ, còn anh thì đã mệt.

Tuy thế, sau đó anh cũng chơi đàn, khi ăn uống xong xuôi và trời bắt đầu sụp tối. Bố của Nancy không đi lễ nhà thờ buổi tối — ông cho như thế là đòi hỏi quá đáng — nhưng ông không cho phép chơi bài hoặc các trò ăn thua khác trong ngày Chúa Nhật. Ông đọc lại tờ báo, tờ Post, trong khi Wilf đánh đàn. Nancy ngồi trên bậc thềm ngoài hiên, khuất tầm mắt của anh, và hút một điếu thuốc lá. Cô hy vọng bố cô không ngửi được mùi thuốc.

“Khi có chồng — , ” cô nói với Ollie, đang tựa lan can, “khi có chồng rồi, tôi sẽ tha hồ hút thuốc, bất cứ khi nào tôi muốn.”

Ollie, dĩ nhiên, không hút vì buồng phổi của mình.

Anh cười xòa. Anh nói, “Này này. Thế lấy chồng có phải là một lý do để được hút thuốc hay không?”

Wilf đang đàn, bằng cách lắng nghe âm điệu, bài “Eine Kleine Nachtmusik.”

“Anh ấy giỏi lắm,” Ollie nói. “Anh ấy có đôi tay tài hoa. Nhưng các cô trước đây thường nói đôi tay của anh ấy lạnh lẽo.”

Tuy thế, Ollie không nghĩ tới Wilf hay Nancy hay cuộc hôn nhân của họ. Anh đang nghĩ tới Tessa, tới sự kỳ cục và điềm đạm của cô. Anh tự hỏi ở cuối con đường hoa hồng dại của cô, cô đang làm gì trong buổi chiều oi bức dài lê thê này. Cô có còn đang tiếp đãi khách, có còn bận tâm giải quyết những vấn đề của cuộc đời người khác? Hay cô đã ra ngoài sân, ngồi vào ghế đu, và lắc lư kẽo kẹt, cô đơn không một ai bầu bạn ngoại trừ vầng trăng đang mọc?

Anh khám phá, sau đó không lâu, trong những buổi chiều tối, cô cần cù xách từng xô nước từ giếng đến dàn cà chua, vun xới từng gốc đậu và khoai tây, và nếu anh muốn có cơ hội trò chuyện với cô, việc xách nước tưới cây đấp vồng cũng sẽ là nghề nghiệp của anh.

Trong thời gian ấy, Nancy càng lúc càng bận rộn chuẩn bị cho đám cưới sắp đến, không nhớ gì hết đến Tessa, và gần như không nhớ gì đến anh, ngoài trừ một vài lần hiếm hoi, cô nhận xét rằng dường như bây giờ khi cô cần đến anh, chẳng bao giờ thấy anh ở quanh cô.

Ngày 29 tháng Tư

Ollie thân mến,

Từ Quebec trở về, chúng tôi chờ tin anh mãi nhưng chẳng nhận được lá thư nào (kể cả lễ Giáng Sinh!), nhưng tôi nghĩ tôi biết được lý do — đã nhiều lần tôi khởi sự viết cho anh, nhưng cứ phải đình hoản, chờ cho những cảm xúc được lắng đọng. Tôi có thể nói, bài văn hay ký sự hay gọi là gì cũng được, tùy anh, đăng trên Saturday Night, được viết rất hay và việc anh có bài đăng báo là một thành công đáng kể, hữu ích cho sự nghiệp sau này của anh. Bố tôi không thích khi anh nói đến bến cảng “nhỏ ” cạnh hồ và muốn nhắc anh rằng, đấy là bến cảng số một, nhộn nhịp nhất phía bên này bờ Huron Lake, còn tôi không chắc tôi thích tĩnh từ “tầm thường” anh đã dùng. Tôi không biết nơi đây có tẻ nhạt hơn so với các nơi khác hay không, và anh kỳ vọng điều gì ở đây — lã

lãng mạn, nên thơ?

Tuy nhiên, vấn đề chánh vẫn là Tessa và hậu quả của bài viết cho cuộc đời của bạn ấy. Tôi không tin anh có suy nghĩ về điều này. Tôi không thể liên lạc điện thoại với Tessa, và tôi không thể ngồi sau tay lái thoải mái ( vì lý do gì, xin nhường cho trí tưởng tượng của anh), đi gặp bạn ấy. Dù sao, tôi cũng nghe nói, khách khứa tấp nập đầy nhà bạn ấy và bây giờ là lúc tệ hại nhất lái xe tới đó và nhân viên đội cứu hộ phải trục kéo nhiều người lọt hố (và không những không được cảm ơn mà còn bị cằn nhằn về tình trạng đường xá lạc hậu của chúng tôi.) Đường lộ hư hỏng tới mức không thể vá víu tạm bợ được nữa. Những bụi hồng dại chắc chắn sẽ trở thành dĩ vãng. Hội đồng thành phố đã khủng hoảng vì số tiền dự định để sửa đường, và một số người giận dữ vì nghĩ rằng Tessa chủ mưu cho vụ quảng cáo này và thu được một số tiền lớn. Họ không chịu tin rằng bạn ấy không nhận thù lao và nếu có ai thủ lợi thì người đó phải là anh. Tôi chỉ nhắc lại lời của Bố thôi — tôi biết anh không phải là loại người có đầu óc đánh thuê. Đối với anh, tất cả chỉ cho vinh quang của việc bài được đăng báo. Xin anh tha lỗi nếu tôi có vẽ mĩa mai. Có tham vọng cũng tốt, nhưng còn những người khác thì sao?

Có lẽ anh trông mong một lá thơ chúc mừng, nhưng xin anh thứ lỗi, tôi phải trút hết nổi niềm để được nhẹ lòng.

Chỉ thêm một ý nữa thôi. Tôi muốn hỏi, trong lúc viết bài, anh có suy nghĩ chút nào không? Nghe nói anh đã trở lại thăm Tessa nhiều lần, một mình. Anh không bao giờ cho tôi biết hoặc rũ tôi đi cùng. Anh không bao giờ nói rõ anh đang thu thập Tài Liệu ( tôi tin rằng anh đã dùng từ này để mô tả việc đó ), và theo trí nhớ của tôi, anh đã thay đổi và cắt xén câu chuyện hôm ấy. Và trong toàn bộ bài viết, không hề có một chữ nhắc đến việc tôi đã đưa anh đến giới thiệu với Tessa. Không hề có một lời cảm ơn công khai cũng như ở chỗ riêng tư. Và tôi tự hỏi không biết anh thành thực đến mức nào với Tessa về ý định của anh, hoặc anh có xin phép bạn ấy để đáp ứng tính — tôi dùng nguyên văn của anh — Hiếu Kỳ Khoa Học của anh? Anh có giải thích cho bạn ấy những gì anh làm? Hay anh chỉ đến rồi đi và dùng chúng tôi, những Cư Dân Tầm Thường ở đây, để khởi đầu cho Sự Nghiệp Viết Lách của anh?

Ollie, chúc anh được nhiều may mắn, và tôi không hy vọng sẽ nhận được hồi âm (chúng tôi chưa hề có vinh dự nhận được thơ anh, dù chỉ một lần)

Nancy, bà chị dâu của anh

Chị Nancy quý mến,

Nancy, phải nói là chị đang vướng vào một thành kiến vô căn cứ. Sớm muộn gì Tessa cũng được phát hiện và viết đến bởi một người nào đó, và tại sao người ấy không thể là tôi? Ý tưởng về bài báo ấy chỉ dần dà hình thành trong những lần tôi đến thăm. Và hành động của tôi quả tình đã dựa trên lòng Hiếu Kỳ rất ư là Khoa Học, một điều mà theo bản tính, tôi sẽ không bao giờ thốt lên lời xin lỗi. Dường như chị tin rằng tôi phải xin phép chị, hay báo cáo cho chị biết, tất cả những kế hoạch và hành động của tôi trong thời gian đó, lúc chị cuống cuồng lo lắng về áo cưới, về tiệc chúc mừng và về bao nhiêu khay bạc sẽ được tặng hay về những thứ quỷ quái nào khác, chỉ có Trời biết.

Về phần Tessa, chị hoàn toàn sai lầm khi cho rằng tôi đã quên cô ấy sau khi bài viết được công bố, hay tôi đã không suy xét gì về hậu quả có thể xảy ra cho cuộc sống của cô ấy. Thực sự, tôi có một bức thơ của cô ấy, theo đó tình hình đâu đến nỗi hỗn loạn như chị đã viết. Dù sao, cô ấy sẽ chẳng phải chịu đưng lâu hơn nữa. Tôi đang liên lạc với một số người đã đọc và chú ý đến bài viết. Hiện đang có những công trình nghiên cứu, một số thực hiện tại đây, phần lớn ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng, có lẽ ở bên kia biên giới có nhiều tài chánh và quan tâm mật thiết đến vần đề này, vì thế tôi đang tìm hiểu xem có cơ hội nào – để Tessa là đối tượng nghiên cứu, và tôi là phóng viên phụ trách — ở Boston hay Baltimore hay không chừng là North Carolina.

Tôi rất buồn vì chị đã có những suy nghĩ khắc khe với tôi. Chị không nói đến – ngoại trừ một thông tin nữa kín nửa hở (tin mừng?) — về cuộc hôn nhân của chị. Chị không viết một chữ nào về Wilf, nhưng tôi đoán chị cùng đi với anh ấy đến Quebec và tôi hy vọng anh chị đã có một cuộc du lịch thú vị. Tôi mong anh ấy luôn luôn tràn trề hạnh phúc.

Tạm biệt chị, Ollie.

Tessa thương mến,

Rõ ràng bồ đã cắt đường dây điện thoại, có lẽ là một điều cần thiết vì nay bồ đã là một nhân vật nổi tiếng. Mình không định nói như thế để cố ý gây thương tổn cho bồ. Lâu nay có nhiều việc mình không định làm nhưng chúng vẫn xảy ra. Mình sắp sửa sinh em bé — mình không rõ bồ đã biết chưa — và cái bụng bầu khiến mình rất cáu kỉnh và dễ hờn dỗi.

Mình đoán bồ đang vô cùng bận rộn và điên đầu bởi có quá nhiều khách khứa. Hẳn rất khó để duy trì cuộc sống thường nhật trước đây. Nếu có dịp gặp bồ, mình sẽ rất vui. Vậy đây là lời mời của mình, khi nào có dịp ra phố bồ hãy ghé thăm mình nhé. (mình nghe đồn là hàng hóa, thực phẩm được giao tận nhà bồ). Bồ chưa bao giờ xem qua bên trong căn nhà mới của mình — mới trang hoàng và mới đối với mình –. ngay cả căn nhà cũ của mình cũng thế, mình vừa nghĩ ra — lúc nào mình cũng là người chạy qua thăm bồ. Và mình cũng không thể thăm bồ nhiêu như mình muốn. Cuộc đời bận rộn biết bao. Bằng sự chiếm hữu và tiêu dùng chúng ta phung phí năng lực. Tại sao chúng ta lại bận rộn đến thế, bỏ lỡ những cơ hội bên nhau, cùng làm những chuyện nên làm, hay muốn làm? Bồ cón nhớ không, tụi mình đã dần cục bơ với mấy cái dầm gỗ cũ kỷ? Mình thích lắm. Lần đó mình đã dẫn Ollie tới và mình mong rằng bồ không có điểu gì phải hối tiếc.

Tessa, mình hy vọng bồ đừng nghĩ rằng mình là người nhiều chuyện, hay thích can thiệp vào đời tư của bồ, nhưng trong một lá thơ, Ollie kể cho mình nghe, anh ấy đang liên hệ với một số người nghiên cứu hay làm thứ gì đó ở Hoa Kỳ. Mình nghĩ anh ấy có liên lạc với bồ về chuyện này. Mình không biết anh ấy muốn nói về loại nghiên cứu nào nhưng mình phải nói cho bồ biết, khi đọc tới đoạn ấy, máu của mình bổng lạnh ngắt. Mình chân thành tin rằng sẽ không tốt một chút nào nếu bồ lìa bỏ chốn này — nếu bồ có ý định ấy — để đến một nơi không có ai quen biết, hay không ai coi bồ như bạn hay như một con người bình thường. Mình cảm thấy mình cần nói cho bồ biết điều đó.

Còn một điều nữa mình cũng cảm thấy cần nói, dù không biết cách. Thế này nhé Chắc chắn anh Ollie không phải là một người xấu, nhưng anh ấy gây ra rất nhiều ảnh hưởng — bây giờ mình mới nghĩ ra, không những với phụ nữ, mà còn với nam giới — và không phải anh ấy không ý thức được điều này, nhưng chính xác là anh ấy không có một chút trách nhiệm nào. Nói thẳng ra, mình nghĩ, không còn điều chi tồi tệ hơn là yêu thương anh ấy. Có vẽ như anh ấy định kết hợp với bồ theo một kiểu nào đó, để viết về bồ hay về những cuộc thử nghiệm hay về bất cứ điều gì sẽ xảy ra, và anh ấy sẽ rất thân thiện và khéo léo, và bồ có thể hiểu lầm cách cư xử của anh ấy. Xin bồ đừng giận vì mình đã nói ra điều này. Đến thăm mình nhé,

Hôn bồ thật nhiều, Nancy

Nancy thương mến,

Xin đừng bận tâm về mình. Anh Ollie có liên lạc với mình về tất cả mọi thứ. Khi bồ nhận được thơ này, tụi mình đã cưới nhau và không chừng đã sang Hoa Kỳ. Rất tiếc mình không có dịp ghé xem nội thất căn nhà mới của bồ.

Bạn thân của bồ,

Tessa.

LỖ THỦNG TRONG ĐẦU

Rừng sồi bao phủ các ngon đồi miền trung Michigan. Chuyến đi duy nhất của Nancy tới nơi ấy xảy ra vào mùa thu 1968, sau khi lá sồi đã thay màu nhưng vẫn còn lưu luyến trên cành. Nàng đã quen nhìn những khoảnh đất nhỏ, không phải rừng, với những bụi thân mộc lá to, và rất nhiều cây phong, áo thu đỏ ối hay vàng óng. Màu rỉ sắt hay màu rượu vang của lá sồi, dù trong nắng, vẫn tối tăm hơn, không nâng đở tinh thần nàng.

Bệnh viện tư ấy tọa lạc trên một ngọn đồi trọc, không một bóng cây, không một thành phố hay xóm làng hay ngay cả một nông trại ở gần. Đó là một kiến trúc thường thấy ở một vài thị trấn nhỏ, được biến đổi thành bênh viện từ cơ ngơi của một gia đình giàu có, nay không còn ai nối dõi hay không đủ sức bảo trì. Hai chùm cửa sổ đa giác lồi ở hai bên cửa ra vào, và nhiều cửa sổ có vòm nằm rải rác suốt chiều ngang của mái nhà ở tầng ba. Tường gạch nhớp nháp cũ kỷ, không một bụi kiểng hay bờ dậu hay vườn táo, chỉ có sân cỏ cắt phẳng lì và một bãi đậu xe trải sỏi.

Không nơi ẩn nấp cho một ai, nếu như họ có ý định bỏ trốn.

Nàng chưa bao giờ có những suy nghĩ đó — ít ra cũng không nhanh đến thế — trước khi Wilf lâm bệnh.

Đậu xe của mình cạnh một vài chiếc khác, nàng tự hỏi chúng thuộc về ai, nhân viên hay khách. Có đ

được bao nhiêu người đến thăm một nơi đèo heo hút gió thế này?

Ta phải trèo lên mấy bậc thang mới có thể đọc được tấm bảng gắn trên cửa chánh, khuyên ta đi vòng qua cửa hông. Đứng gần, nàng thấy các thanh sắt chắn cửa sổ. Chùm cửa sổ đa giác lồi không chấn song — tuy nhiên lại không có màn che — nhưng một số cửa sổ trên cao và thấp hơn, dường như của một tầng hầm nhô nửa vời trên mặt đất, lại có song sắt.

Cửa ra vào mà họ bảo ta sử dụng, nằm ở tầng thấp hơn ấy. Nàng nhấn chuông, rồi gỏ cửa, rồi nhấn chuông thêm một lần nửa. Nàng tưởng chừng nghe tiếng chuông reo, nhưng không chắc lắm vì âm thanh ồn ào bên trong. Nàng xoay thử quả đấm, và ngạc nhiên biết bao — bởi đã thấy song sắt ở cửa sổ — cửa không khóa. Nàng đứng ở thềm nhà bếp, một nhà bếp lớn của một cơ sở, nơi một số đông người đang tíu tít lau dọn bửa ăn trưa.

Cửa sổ nhà bếp trơ trụi. Trần nhà cao, khuyếch đại tiếng ồn, vách tường và tủ đều sơn một màu trắng toát. Một số bóng đèn được bật lên, dù ánh sáng của một ngày thu quang đảng đang ở cao điểm

Dĩ nhiên, mọi người đã lập tức nhìn thấy nàng. Nhưng dường như không một ai sốt sắng đến chào hỏi và tìm hiểu mục đích của nàng.

Nàng nhận ra một điều nữa. Cùng với áp lực nặng nề của ánh sáng và tiếng động, là một cảm giác, giống như cảm giác nàng có ở nhà mình và chắc hẳn những ai đến nhà nàng đều cũng cảm thấy, rõ ràng và mãnh liệt hơn.

Cảm nhận một điều gì đó bất ổn, không thể sửa chửa hay thay đổi, chỉ có thể chống đở hết sức mình. Một số người khi lọt vào những chỗ ấy, đầu hàng ngay tức thì, họ không biết làm sao để cầm cự, họ kinh hoàng hay sợ hãi, và bỏ chạy.

Một người đàn ông đeo tạp dề trắng, đẩy một cái xe trên đó có một thùng rác, tiến về phía nàng. Nàng không hiểu ông muốn chào hỏi, hay chỉ ngẩu nhiên đi ngang, nhưng ông mĩm cười ra vẻ thân ái, vì thế nàng nói với ông, tên nàng và tên người nàng đến thăm. Ông lắng nghe, gật đầu nhiều lần, môi cười rạng rỡ hơn, rồi lúc lắc đầu và nhịp nhịp mấy ngón tay lên miệng — cho nàng biết, ông không thể nói hoặc bị cấm không được nói, như trong một trò chơi, rồi tiếp tục rị mọ đẩy chiếc xe đi xuống tầng thấp hơn.

Có lẽ ông là một bệnh tù, không phải là một nhân viên. Đây hẳn là nơi mà người bệnh được làm việc, nếu họ có khả năng. Lý do là như thế có lợi cho họ, và có thể đúng đấy.

Cuối cùng một người trông có uy tín xuất hiện, một thiếu phụ trạc tuổi nàng, mặc áo vét sậm màu — không quàng tạp dề trắng như hầu hết những người khác — và một lần nữa, Nancy lập lại tất cả. Rằng nàng đã nhận được một bức thơ, một bệnh tù — bệnh nhân, người ta muốn nàng dùng chữ này hơn, đã cung cấp tên nàng — nàng là người mà bệnh viện muốn liên lạc.

Nàng nghĩ đúng, những người làm việc ở nhà bếp không phải là nhân viên.

“Nhưng họ có vẻ thích làm việc ở đây,” bà Trùm nói. “Họ lấy làm hảnh diện.” Và nở những nụ cười cảnh cáo dẫn đường, bà đưa Nancy vào văn phòng của bà, gần nhà bếp. Trong khi họ trò chuyện, ta thấy rõ bà phải giải quyết những vấn đề đang xảy ra, quyết định công việc trong bếp và xét xử các vụ kiện cáo mỗi khi có ai đó quấn mình trong tạp dề trắng thò đầu qua cửa phòng nhìn vào. Hẳn là bà cũng đảm đương sổ sách, thanh toán hóa đơn, trả lời thư từ, tất cả những thứ giấy tờ bừa bộn móc trên giá khắp bốn vách tường, trông chẳng chuyên nghiệp chút nào.

“Chúng tôi duyệt tất cả những hồ sơ cũ đã có, và lấy tên của những người được liệt kê là thân nhân —”

“Tôi không phải là thân nhân,” Nancy nói.

“Là gì cũng thế, và chúng tôi viết những lá thơ đại loại như lá thơ bà đã nhận, để có được một phác đồ hướng dẫn, dựa vào đó giải quyết những trường hợp ấy, nếu họ muốn. Thú thật chẳng mấy khi chúng tôi nhận được phúc đáp. Bà tử tế quá, lái xe đường xa như thế.”

Nancy hỏi “những trường hợp ấy” nghĩa là gì.

Bà Trùm nói, đó là những người đã ở đây từ nhiều năm, nhưng có lẽ họ không thuộc về đây.

“Bà nên nhớ, tôi là người mới,” bà nói, “nhưng tôi sẽ nói hết những gì tôi biết.”

Theo như bà ấy, nơi đây trước kia là một cái lẫu hổ lốn, theo nghĩa đen, nhận đủ mọi hạng người, những người thật sự mắc bệnh tâm thần, hay già cả lú lẫn, hay không phát triển bình thường theo kiểu này kiểu nọ, hay gia đình họ không thể hay không muốn chăm sóc. Luôn luôn và bây giờ vẫn thế, có một biên độ rất rộng. Những người bệnh nặng giữ ở dãy bắc, có canh chừng cẩn mật .”

Nguyên thủy, nơi đây là một bệnh viện tư do một bác sĩ sáng lập và điều khiển. Sau khi ông mất đi, gia đình – gia đình của bác sĩ ấy — nắm quyền điều khiển, và rồi như ta đã thấy, theo ý riêng của họ. Bệnh viện trở thành một bệnh viện từ thiện bán phần, và có những cuộc dàn xếp khác thường để nhận trợ cấp cho những trường hợp từ thiện mà thật ra chẳng đủ tiêu chuẩn chút nào.

Một số bệnh nhân có tên trong sổ sách nhưng thực sự đã chết từ đời tám hoánh nào, một số không có chẩn đoán hay bệnh án thích hợp để lưu trú. Nhiều người trong số này, dĩ nhiên, làm việc bù cho chi phí nuôi giữ họ, và chuyện này có thể — và đã từng — làm cho tinh thần họ phấn chấn, nhưng dù sao, giữ họ lại, vẫn là bất thường và phạm pháp.

Và bây giờ, vấn đề là đang có một cuộc điều tra sâu rộng và bệnh viện này sẽ phải đóng cửa. Dù sao đi nữa, kiến trúc của nó đã quá lỗi thời. Khả năng nhận bệnh cũng quá thấp, không đúng như cách thức hiên nay. Những người bệnh nặng nhất sẽ được chuyển qua các dưỡng đường lớn ở Flint hay Lansing — chưa có quyết định tối hậu — một số có thể được gởi vào các nhà an trú, nhà tập thể theo khuynh hướng thời thượng, và một số có thể yên ổn về sống với thân nhân.

Tessa được xem như một trong số những người này. Khi chị ấy mới tới, dường như phải chạy điện cho chị ấy, nhưng đã lâu rồi, chị ấy chỉ cần điều trị bằng một ít dược phẩm.

“Giựt điện?” Nancy hỏi.

“Điện liệu pháp, có lẽ.” bà Trùm nói, như thể có khác biệt. “Bà cho biết, bà không phải thân nhân. Có nghĩa bà không có ý định lãnh chị ấy về?”

“Nhà tôi —,” Nancy nói, “Ông nhà tôi — nhẽ ra phải sống ở một nơi như thế này, chắc vậy, nhưng hiện tôi vẫn giữ ở nhà để chăm sóc.”

“Ô. Thật vậy sao, ” bà Trùm nói, với một cái thở dài không hẳn là nghi ngờ, nhưng cũng không hẳn là thương cảm. “Và có một vấn đề, chị ấy lại chẳng phải là công dân Mỹ nữa chứ. Chị ấy cũng biết thế — vậy tôi đoán, chắc bà không muốn gặp mặt chị ấy đâu nhỉ?”

“Có chứ,” Nancy nói. “Tôi muốn gặp chị ấy. Tôi đến đây để được gặp chị ấy.”

“Ô. Thế à. Chị ấy ở gần đây thôi, trong phòng nướng bánh. Chị ấy làm bánh từ nhiều năm nay. Tôi nhớ ban đầu người ta có mướn một đầu bếp hẳn hòi, nhưng sau khi ông ta nghĩ việc họ không thèm mướn ai nữa, họ không cần, vì đã có Tessa.”

Đứng dậy, bà nói, “Thế này nhá. Có thể bà sẽ cần tôi, một chút nữa, đến tìm bà và nói phải thảo luận gì đó với bà. Như thế bà sẽ dễ dứt áo ra đi. Tessa khá thông minh, có thể đoán được tình hình và có thể tức giận nếu biết bà đi mà không đem chị ấy theo. Thế nên tôi sẽ tạo cho bà một nguyên cớ để bà có thể dễ dàng chuồn đi.”

Đầu Tessa chưa bạc hẳn. Những lọn tóc được vén ra sau, bọc trong bao lưới, phô một vầng trán phẳng phiu, bóng loáng, rộng hơn, vồ hơn và trắng hơn cả ngày xưa. Thân hình nàng cũng to bè. Cặp nhũ hoa bệ vệ, cứng như hai tảng đá, ẩn dưới lớp áo trắng của thợ làm bánh, và mặc dù gánh nặng này, mặc dù thế đứng ở thời điểm này — khom mình, cán một miếng bột vĩ đại — đôi vai nàng vẫn vuông vắn và oai nghi.

Chỉ một mình nàng trong phòng, trừ một cô gái – không, một người đàn bà thì đúng hơn – cao, mảnh mai, thanh tú nhưng gương mặt xinh xắn thường xuyên nhăn nhúm vì các bắp thịt co giật.

“Ôi, Nancy. Bồ đó hả,” Tessa cất tiếng chào. Nàng nói khá trơn chảy mặc dù phải ngừng lại lấy hơi thở, điều bắt buộc của những người mang quá nhiều thịt mở trên tấm thân đồ sộ. “Thôi đi, Elinor. Đừng có ngốc thế. Lấy cho bạn của cô một cái ghế.”

Thấy Nancy sắp sửa ôm hôn, như người ta hay làm ở thời buổi bây giờ, nàng đỏ mặt “Ôi, bột dính tùm lum khắp người mình. Hơn nữa, Elinor dám cắn bồ lắm đấy. Elinor không thích ai quá thân mật với mình.”

Elinor vội vả quay lại với cái ghế. Nancy chú tâm nhìn tận mặt cô và dịu dàng nói.

“Cảm ơn con lắm, Elinọr.”

“Con bé câm,” Tessa nói. “Nhưng nó là người trợ giúp đắc lực của mình. Mình không thể hoàn thành công việc nếu không có nó, phải vậy không Elinor?”

“Mình ngạc nhiên vì bồ nhận ra mình. Mình đã tàn tạ nhiều, kể từ ngày xa xưa ấy.”

“Vâng,” Tessa nói. “Mình tự hỏi nếu có bao giờ bồ đến đây.”

“Mình có thể chết từ tám kiếp rồi cũng không chừng. Bồ còn nhớ Ginny

Ginny Ross không? Nó chết rồi.”

“Vâng.”

Tessa đang nhào bột làm vỏ bánh nướng. Nàng cắt một miếng bôt tròn, đập lên một cái khuôn thiếc, đưa ra xa rồi rất thiện nghệ, xoay bằng một tay và xén bột với con dao cầm ở tay kia. Nàng cắt mấy nhát như thế.

Nàng hỏi, “Wilf chưa chết?”

“Không, anh ấy còn sống. Nhưng khật khùng, Tessa ạ.”

Nancy ý thức mình vừa nói một câu thiếu tế nhị, nhưng đã trể, và cố vớt vát bằng một câu khác, nhẹ nhàng hơn. “Wolfie đáng thương của mình có những hành động kỳ lạ.” Nhiều năm trước đây, nàng gọi Wilf là Wolfie, nghĩ rằng tên ấy thích hợp với cái càm dài, hàng ria mỏng và cặp mắt sáng quắc nghiêm nghị. Nhưng chàng không thích tên ấy, chàng nghi rằng nàng diễu cợt, nên nàng thôi. Giờ đây chàng không biết phiền, và tên ấy đem đến một cảm giác ấm áp tươi sáng, hóa ra lại có ích trong tình thế hiện nay.

“Chẳng hạn, anh ấy rất ghét thảm.”

“Thảm?”

“Anh ấy đi vòng quanh phòng như thế này này,” Nancy nói, vẽ một khung chữ nhật trong không khí. “Mình phải cho người dời đồ đạc cách xa vách tường. Đì vòng vòng, vòng vòng, vòng vòng.” Bất thình lình và vì một duyên cớ nào đó, nàng cười xòa nhận lỗi.

“Vậy hả, ở đây cũng có một số người làm như thế,” Tessa nói, gật đầu với vẻ hiểu biết của người trong cuộc.”Họ không muốn có chướng ngại nào giữa họ và vách tường.”

“Và anh ấy nhỏng nhẽo lắm. Lúc nào cũng Nancy đâu rồi. Hiện nay, mình là người duy nhất anh ấy tin tưởng.”

“Anh ấy có hung dữ không?” một lần nữa, Tessa nói như một giáo sư đại học, một chuyện viên thẩm định.

“Không. Nhưng anh ấy đa nghi. Anh ấy nghĩ rằng người ta lẽn vào dấu các vật dụng của anh ấy. Anh ấy tin rằng có người đổi giờ đồng hồ, thậm chí đổi ngày in trên báo. Nhưng nếu mình nhắc tới bệnh tình của ai đó, anh ấy sẽ tỉnh và chẩn bịnh ngay lập tức. Tâm trí con người thật là một bộ máy kỳ quặc.”

Đấy. Lại một câu nói thiếu tế nhị nữa.

“Anh ấy lú lẫn, nhưng được cái hiền lành.”

“Thế thì tốt.”

Tessa đặt khuôn bánh xuống và từ một hộp thiếc to kềnh, trên nhãn chỉ duy nhất có chữ Blueberry mà không có tên hiệu gì, múc nhân bánh vào khuôn. Nhân hơi lỏng.

“Đây nè, Elinor,” nàng nói. “Bột dư của con nè.”

Tự nãy giờ Elinor vẫn đứng sau lưng Nancy — Nancy đã cẩn thận không quay lại một lần nào. Elinor lướt qua góc bàn, không nhìn lên, bắt đầu nhồi những mảnh bột vụn.

“Thế nhưng, ông ấy chết rồi,” Tessa nói. “mình chỉ biết có thế thôi.”

“Bồ đang nói ai vậy?’

“Ông ấy. Bạn của bồ đó.”

“Ollie? Bồ nói anh Ollie chết rồi hả?”

“Vậy bồ không biết sao?” Tessa nói.

“Không. Không.”

“Mình tưởng bồ phải biết chứ. Thế anh Wilf không hề biết gì hết sao?”

“Thế anh Wilf không biết gi hết sao, ” Nancy tự động bào chữa cho chồng bằng cách dùng thì hiện tại, đặt chàng giữa những người còn sống.

“Mình tưởng anh ấy phải biết,” Tessa nói. “Chẳng phải họ là bà con sao?”

Nancy không trả lời. Dĩ nhiên nàng cũng nghĩ rằng Ollie đã chết, nếu Tessa ở đây.

“Như vậy, chắc anh Wilf muốn giữ kín tin ấy.” Tessa nói.

“Anh Wilf lúc nào cũng giữ bí mật hay lắm,” Nancy trả lời. “Chuyện đó xảy ra lúc nào? Bồ có mặt tại đó hay không?”

Tessa nguây nguẩy lắc đầu để nói Không, hay để nói là nàng không biết.

“Vậy thì khi nào? Họ nói gì với bồ?”

“Chẳng có ai nói gì với mình. Không bao giờ họ nói cho mình biết chuyện gì.”

“Ô, Tessa.”

“Mình có một lỗ thủng trong đầu. Mình có nó từ lâu lắm rồi.”

“Có phải giống như ngày xưa, lúc bồ ‘đoán’ việc?” Nancy nói. “Bồ còn nhớ cách làm không?”

“Họ bắt mình ngửi ga”

“Ai?” Nancy nghiêm khắc hỏi. “Bồ muốn nói gì, ai bắt bồ ngửi ga?

“Những người có quyền. Họ chích thuốc.”

“Bồ nói ga.”

“Họ chích thuốc và bắt mình ngửi ga nữa. Để chửa trị đầu mình. Và để mình không nhớ. Có những thứ mình vẫn cón nhớ, nhưng mình không thể nói từ khi nào. Có một lỗ thủng trong đầu mình từ lâu, lâu lắm rồi.”

“Anh Ollie chết trước hay sau khi bồ vào đây? Bồ không nhớ anh ấy chết như thế nào hả?”

“Ô, mình thấy chứ. Mình thấy anh ấy bị trùm đầu bằng một cái áo khoác đen. Dây thắt ngang cổ. Có ai đó đã làm vậy với anh ấy.” Trong một khoảng khắc, môi nàng mím chặt. “Người đó đáng lẽ phải ngồi ghế điện.”

“Chắc là một ác mộng của bồ. Có thể bồ đã lẫn lộn ác mông với thực tế.”

Tessa ngước cầm lên như muốn khẳng định một điều gì. “Không phải thế. Mình chưa lẫn lộn chuyện đó.”

Điều trị bằng cách chạy điện, Nancy nghĩ thầm. Chạy điện để lại một khoảng trống trong trí nhớ? Chắc phải có một vài ghi chú trong hồ sơ. Nàng nên gặp bà Trủm để hỏi lại.

Nàng nhìn Elinor, bận rộn với những mẩu bột vụn. Cô nặn rất khéo, gắn thêm đầu, tai và đuôi. Những chú chuột tí hon bằng bột.

Rất nhanh và chính xác,Tessa dùng dao rach mấy lát trên mặt bánh, để khi nướng hơi dễ thoát. Những chú chuột nhắt, trên khay thiếc riêng, vào lò cùng với những ổ bánh.

Rồi Tessa đưa tay, đứng chờ Elinor mang một chiếc khăn lông nhỏ để chùi các vụn bánh hay bột còn sót trên bàn.

“Ghế,” Tessa khẻ nói, và Elinor khênh ra một cái, đặt cuối bàn, gần Nancy, để Tessa ngồi.

“Con có thể pha trà cho hai cô,” Tessa nói. “Đừng lo, hai cô sẽ canh quà của con cho vừa chín. Hai cô sẽ canh các bé chuột.”

“Hãy bỏ qua những chuyện chúng mình vừa bàn,” nàng nói với Nancy. “Hồi đó mình có nghe, bồ sắp sửa sinh em bé phải không? Con trai hay con gái?”

“Con trai,” Nancy nói. “Lâu lắm rồi. Sau đó, mình có thêm hai đứa con gái. Chúng đã trưởng thành.”

“Ở đây, mình không biết thời gian trôi qua ra sao. Không hiểu như thế là hữu phúc hay bạc phúc. Các cháu ra sao rồi?”

“Thằng con trai –”

“Tên gì?”

“Alan. Nó cũng học y khoa.”

“Là bác sĩ. Tốt quá.”

“Hai đứa con gái đã lập gia đình. Ờ mà Alan cũng có vợ.”

“Vậy chúng tên gì? Hai cháu gái?”

“Susan và Patricia. Hai đứa cũng theo ngành điều dưỡng.”

“Bồ chọn tên con hay quá.”

Trà được mang đến — ở đây có lẽ lúc nào cũng có một ấm nước sôi trên bếp — và Tessa rót trà.

“Đây không phải là bộ tách đẹp nhất thế giới,” nàng nói, giữ cái tách mẻ cho mình.

“Không sao đâu,” Nancy nói. “Tessa. Bồ còn nhớ bồ có khả năng đó không? Bồ thường — thướng ‘ biết’ chuyện. Khi người ta mất đồ, bồ thường nói cho họ biết chỗ đi tìm.”

“Không có đâu,” Tessa nói. “Mình chỉ giả vờ.”

“Không, không thể nào giả vờ được.”

“Nói chuyện này làm mình đau đầu.”

“Xin lỗi bồ.”

Bà Trùm đã xuất hiện ở cửa.

“Tôi không dám quấy rầy khi bà dùng trà,” bà nói với Nancy. “Nhưng khi nào xong, xin bà cảm phiền ghé qua phòng tôi một chút có việc — .”

Tessa chẳng buồn chờ bà đi khỏi tầm nghe.

“Như thế để bồ không phải từ giả mình,” nàng nói. Nàng có vẽ thú vị như đây là một trò đùa thân thuộc. “Mánh khóe của bà ấy đấy. Ai cũng biết. Mình hiểu bồ không phải đến đây để đón mình về. Sao bồ có thể làm được, phải không?”

“Hoàn toàn không phải tại bồ, Tessa ạ. Chỉ tại mình đã có Wilf.”

“Đúng thế.”

“Anh ấy xứng đáng lắm. Anh ấy là một người chồng tối, hết lòng hết dạ với mình. Mình thề sẽ không bao giờ để anh ấy phải nhập viện, viện nào cũng vậy.”

“Không, không nhập viện nào.” Tessa nhắc lại.

“Ôi, mình lỡ lời.”

Tessa mĩm cười, và Nancy nhìn thấy trong nụ cười ấy điều nàng không hiểu trong nhiều năm trước. Không có gì hợm hỉnh cao ngạo, chỉ có một tấm lòng từ bi đại lượng.

“Nancy, bồ đến thăm tôi là quý rồi. Bồ thấy đó, tôi vẫn khỏe. Cũng đáng kể lắm đấy. Bồ qua phòng bà ấy đi.”

“Mình không có ý định ghé qua đó,” Nancy nói. “Mình sẽ không bỏ đi âm thầm. Mình muốn từ giả đàng hoàng.”

Vì thế nàng không có cách gì hỏi bà Trùm những điều Tessa đã kể, dù sao, nàng không chắc mình muốn hỏi hay không — như thế giống như lén lút sau lưng Tessa, và có thể gây phiền phức cho Tessa. Hình phạt ra sao, ở một chỗ như thế này, không ai có thể nói.

“Khoan, bồ đừng từ giả khi chưa ăn bánh chuột. Chuột mù của Elinor. Cô ấy muốn bồ ăn một cái. Cô ấy thích bồ rồi đó. Và đừng lo — mình bảo đảm tay cô ấy sạch sẽ, vệ sinh.”

Nancy ăn con chuột, và nói với Elinor rằng chuột rất ngon. Ellnor vui vẻ bắt tay nàng, Tessa cũng vậy.

“Nếu anh ấy chưa chết,” Tessa nói, giọng mạnh mẻ và hợp lý, “sao anh ấy chẳng đến đây tìm mình? Anh ấy hứa, anh ấy sẽ đến.”

Nancy gật đầu. “Mình sẽ viết thư cho bồ,” nàng nói.

Quả tình nàng có ý định ấy, nhưng ngay sau khi trở về, Wilf cần nàng nhiều đến nổi, và chuyến đi Mi

Michigan, trong tâm trí nàng, phiền muộn, nhưng siêu thực ,đến nỗi nàng không bao giờ viết.

HÌNH VUÔNG, HÌNH TRÒN, HÌNH NGÔI SAO

Ngày cuối hè một trong những năm đầu thập niên bẩy mươi, người đàn bà lang thang trên đường phố Vancouver, thành phố nàng chưa bao giờ đặt chân đến và cho tới giờ phút này, nàng biết sẽ không bao giờ trở lại. Thả bộ từ khách sạn ở khu buôn bán đối diện Burrard Street Bridge, sau một lúc, nàng thấy mình đang đi trên Fourth Avenue. Lúc đó Fourth Ave đầy ắp những cửa hàng bán nhang, đồ pha lê, hoa giấy cở to, bích chương Salvador Dali và White Rabbit, cũng như quần áo rẻ tiền, hoặc màu sắc lòe loẹt và mỏng tanh, hoặc có gam màu đất và dầy đụp như vải mền, sản xuất ở những vùng đất nghèo nàn, huyền thoại của thế giới. Khi đi ngang các cửa tiệm, âm nhạc từ bên trong phát ra ào ạt tấn công — gần như xô ta té nhào. Tương tự, mùi hương xa lạ dễ chịu, sự hiện diện biếng lười của lũ con trai con gái, hay đám thanh niên nam nữ, những người trên thực tế đang cắm dùi ngay tại vĩa hè. Người đàn bà từng nghe nói đến nền văn hóa trẻ này, nàng nghĩ đó chính là tên của nó. Nó đã hiện diên nhiều năm qua và đúng ra, đang trên đà tàn lụi. Nhưng chưa bao giờ nàng phải băng qua một nơi tinh túy đậm đặc đến thế, hay như nàng vừa khám phá, băng qua, một thân một mình.

Nàng sáu mươi bẩy tuổi, gầy đến nổi không trông thấy hông ngực đâu nữa, dáng đi dạn dĩ, đầu chúi tới trước và quay hết bên này sang bên kia, tò mò háo hức.

Dường như không có một ai cùng trang lứa với nàng, trong vòng ba mươi năm đổ lại.

Một cậu bé và cô bé tiến đến, trịnh trọng nhưng hơi đần độn thế nào ấy. Đầu chúng quàng những vòng ruy băng tết thành bím. Chúng mời nàng mua một cuộn giấy nhỏ.

Nàng hỏi trong đó có lời tiên đoán tương lai của nàng hay không.

“Có lẽ có,” cô bé nói.

Cậu bé đỡ lời, “Có những lời hay ý đẹp.”

“Vậy trong trường hợp đó,” Nancy nói, đặt một đồng vào cái nón thêu đang được giơ ra

“Giờ thì, cho biết tên hai cháu đi,” nàng hỏi, và không dấu được nụ cười trên môi, nụ cười này không được đáp trả.

“Adam và Eve,” cô bé vừa nói vừa nhón tay cầm tờ giấy bạc, và nhét đâu đó trong lớp y phục lùng bùng.

“Adam và Eve and Pinch- me- tight,” Nancy nói. “Went down to the river on Saturday night.”

Nhưng đôi bạn bỏ đi, khinh khỉnh và mệt mỏi.

Chỉ có ngần ấy thôi. Nàng tiếp tục đi.

Có luật nào cấm mình hiện diện ở đây không nhỉ?

Một quán cà phê, nhỏ xíu như lỗ thủng trong vách tường, có một mảnh giấy dán trên khung cửa kính. Từ khi điểm tâm ở khách sạn đến nay, nàng chưa có gì bỏ bụng. Đã hơn bốn giờ chiều. Nàng đứng lại, đọc xem họ quảng cáo những gì.

Hoan nghênh cần sa. Và phía sau những con chữ liêu xiêu đó là một sinh vật trông cáu kỉnh, nhăn nheo, sắp khóc đến nơi, mái tóc thưa có vài sơi phất phơ trước má, trên trán. Tóc có vẻ khô cằn, màu nâu đỏ nhạt. Luôn luôn chọn màu nhạt hơn màu tóc thật của mình, người thợ cắt tóc khuyên thế. Tóc thật của nàng đậm, nâu đậm, gần như đen.

Không, không phải thế. Tóc của nàng hiện giờ bạc trắng.

Chuyện chỉ xảy ra một đôi lần trong đời — ít ra chỉ một đôi lần, nếu ta là phụ nữ — khi ta bất chợt nhìn thấy mình như thế. Cũng kinh khủng như những giấc mơ trong đó nàng thấy mình đi ngoài đường, trong bộ áo ngủ hay điềm nhiên chỉ mặc mỗi cái áo pyjamas mà thôi.

Mười mấy năm nay, hẳn nàng đã bỏ nhiều thì giờ quan sát gương mặt mình dưới ánh sáng chói chang để xem son phấn có thể cải thiện được gì, hay để quyết định nếu đã đến lúc bắt đầu nhuộm tóc. Nhưng chưa bao giờ nàng giật mình đến thế, giây phút nàng không chỉ nhìn thây một vài khuyết điểm cũ và mới, hay một vài nét héo hon không còn lơ là được nữa, mà nhìn thấy một gương mặt hoàn toàn xa lạ.

Một người nàng chưa quen và không muốn quen.

Nàng nhanh chóng dịu nét mặt lại, dĩ nhiên, và thấy kết quả khả quan. Ta có thể nói bấy giờ nàng mới nhận ra chính mình. Và nàng lập tức nhìn quanh hy vọng, như không muốn bỏ phí một phút nào. Nàng cần phải xịt keo để mái tóc khỏi rũ rượi như thế. Tất nhiên nàng cần một màu son rõ nét hơn. Màu san hô tươi thắm, hiện nay rất khó tìm, thay vì màu nâu hồng nhợt nhạt, thời trang hơn, gần như màu da người này. Nàng quay lại, cương quyết đi tìm những thứ cần thiết đó ngay tức thì — nàng vừa thấy một tiệm thuốc tây cách đây ba bốn vuông phố — và vì không muốn gặp Adam và Eve nữa, nàng băng qua đường.

Nếu nàng không qua đường, thì đã không gặp gỡ.

Môt người trọng tuổi khác đang đi trên vĩa hè. Đàn ông, không cao, nhưng dáng thẳng và rắn chắc, hói tận đỉnh đầu chỉ còn một khoang tóc bạc mỏng, lơ thơ bay tứ phía y hệt như tóc nàng. Áo sơ- mi vải denim không cái nút cổ, áo khoác và quần đã cũ. Không có gì cho thấy ông cố gắng cho giống bọn thanh niên ngoài phố — không tóc đuôi ngựa, không khăn quàng, không quần jeans. Tuy thế nàng không thể nào nhầm lẫn ông với những người nàng đã gặp mỗi ngày trong mấy tuần qua.

Ollie. Còn sống. Ollie

Và chàng kêu lên, “Nancy!”

Nét mặt nàng (một khi nàng đã vượt qua giây phút kinh hoàng mà dường như chàng không nhận biết) hẳn cũng gần giống nét mặt chàng. Bở ngỡ, hân hoan, hối lỗi.

Hối lỗi vì chuyện gì cơ chứ? Vì họ đã không chia tay trong tình bạn, vì họ đã không bao giờ liên lạc nhau trong ngần ấy năm? Hay vì những thay đổi họ đã trải qua, cách họ phải gặp nhau bây giờ, chẳng mảy may hy vọng.

Đương nhiên Nancy có nhiều lý do để choáng váng hơn chàng. Nhưng nàng không vội gì đá động tới. Cho đến khi họ hiểu rõ tình thế của nhau.

“Tôi chỉ ở đây một đêm thôi,” nàng nói. “Đúng ra, tối hôm qua và tối nay. Tôi đang trên chuyến tàu du ngoạn Alaska. Với các bà góa khác. Anh Wilf đã từ trần, anh biết không. Anh ấy qua đời gần một năm rồi. Tôi đang đói bụng. Tôi đi bộ quá chừng. Không biết làm sao tôi đi tới tận chỗ này.”

Và nàng nói tiếp, có phần ngớ ngẩn, “Tôi không biết anh sống ở đây.” Bởi có bao giờ nàng nghĩ đến phương trời nào chàng đang phiêu bạt. Nàng cũng không chắc chàng đã chết.Theo suy đoán của nàng, Wilf không nhận được tin tức gì có liên hệ đến việc ấy. Cho dù nàng không gạn hỏi Wilf được nữa, Wilf đã vuột khỏi tay với của nàng, chìm vào cõi u mê, chỉ trong thời gian ngắn ngủi nàng đi Michigan thăm Tessa..

Ollie nói chàng không sinh sống tại Vancouver, chàng chỉ ghé ngang qua. Chàng đến đây, đến bệnh viện, để khám sức khỏe định kỳ. Chàng hiện đang cư ngụ ở Texada Island. Chỗ đó là đâu, chàng nói, quá phức tạp để giải thích. Chỉ biết rằng từ đây, muốn đi tới nơi ấy, cần ba chuyến tàu và ba lượt phà,

Chàng dẫn nàng tới chiếc van Volkswagen trắng, đậu ở một con đường nhỏ cạnh đó, và họ lái đến tiệm ăn. Xe nhuốm mùi biển cả, nàng nghĩ, mùi rong, mùi cá và mùi bao cao su. Và hóa ra, cá là thực phẩm của chàng hiện nay, chàng không ăn thịt nửa. Cửa tiệm, chỉ vỏn vẹn có năm sáu cái bàn nhỏ, bán thức ăn Nhật. Đàng sau quầy, một thanh niên xứ Phù Tang, có nét mặt buồn bã dịu hiền của một nhà tu trẻ, đang thoăn thoắt xắt cá. Ollie kêu, “Khỏe không, Pete?” và chàng trai trả lời,”Tu- yệt - vờ- i,” bằng một giọng Bắc Mỹ diễu cợt, không hề giảm bớt tốc độ làm việc. Nancy thoáng thấy khó chịu — có phải vì Ollie gọi tên cậu ta, và cậu ta không gọi lại tên Ollie? Và có phải vì nàng mong Ollie đừng nhận biết nhận xét ấy của nàng? Có người — một số đàn ông — lấy làm tự hào về sự thân thiện của họ với các nhân viên bán hàng hay phục vụ trong quán.

Nàng không muốn ăn cá sống, nên gọi bánh canh. Đôi đủa lạ mắt — chúng không giống những đôi đủa Tàu nàng đã dùng qua vài lần trước, nhưng đó là tất cả những gì họ dọn ra cho nàng.

Bây giờ đã tạm ổn, nàng có thể nói về Tessa. Tuy nhiên, có lẽ lịch sự hơn, nếu đợi cho chàng kể trước.

Cho nên nàng bắt đầu nói về chuyến du ngoạn của mình. Nàng nói nàng sẽ không bao giờ tham gia nữa, có mà chết mất thôi. Không phải bởi thời tiết, mặc dù nhiều khi trời rất xấu, mưa và sương mù che hết tầm nhìn. Thật tình họ cũng đã nhìn ngắm chán chê, đủ hết cuộc đời còn lại. Núi rồi lại núi, đảo rồi lại đảo, và đá, và nước, và cây. Ai cũng tấm tắc khen, diệu kỳ quá phải không? mê hồn quá phải không?

Mê hồn, mê hồn, mê hồn. Diệu kỳ.

Họ nhìn thấy gấu. Họ nhìn thấy hải cẩu, sư tử biển, và một con cá voi. Ai cũng tíu tít chụp hình. Đổ mồ hôi hột, chửi thề và lo sợ cái máy chụp hình tối tân của mình không hoạt động tốt. Rồi tàu cặp bến và ngồi trên chuyến xe lửa lừng danh đi đến thành phố nơi có mỏ vàng lừng danh và chụp nhiều hình thêm nữa và các diễn viên ăn mặc như bọn Gay Nineties và thiên hạ làm gì ở đấy? Xếp hàng mua kẹo fudge.

Hát

hò trên xe lửa. Và nhậu nhẹt trên tàu. Nhiều người uống rượu lu bù từ buổi điểm tâm. Chơi bài, cờ bạc. Khiêu vũ mỗi đêm, cứ một ông lão lại có tới mười bà già.

“Tất cả chúng tôi đều cài nơ, tóc cuốn, lóng la lóng lánh, chải phồng như những nàng kiki dự thi giải chó đẹp. Phải nói, sự cạnh tranh thật khốc liệt.”

Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Ollie cười, tuy thế có lần nàng bắt gặp, chàng không nhìn nàng nhưng nhìn về phía quầy, lơ đãng bồn chồn. Chàng đã ăn xong tô súp và có lẽ đang thắc mắc không biết món sắp tới là món gì. Có lẽ chàng, như một số đàn ông, cảm thấy sĩ nhục nếu món ăn của họ không được dọn ra đúng lúc.

Nancy vẫn chật vật gắp thức ăn bằng đôi đủa của mình.

“Và Chúa ơi, tôi suy nghĩ mãi vẫn chưa ra, tôi đang làm gì, làm cái quái gì ở đây. Ai cũng khuyên tôi nên đi chơi xa. Trong mấy năm liền, Wilf thay đổi rất nhiều, không còn là anh ấy nữa, và tôi đã tận tụy chăm sóc anh ấy tại nhà. Sau khi anh ấy mất, người ta bảo tôi nên ra khỏi nhà, gia nhập các hội đoàn. Tham gia câu lạc bộ đọc sách của người cao niên, câu lạc bộ đi bộ dã ngoại, câu lac bộ vẽ tranh màu nước. Ngay cả câu lạc bộ thăm hỏi người gìà ở bịnh viện, hội viên là những tay thô bạo xâm lăng thế giới của các sinh linh khổ sở yếu đuối ấy. Vì thế tôi không gia nhập hội đoàn nào, rồi mọi người bắt đầu nói, Du lịch. Đi du lịch. Các con tôi cũng hùa theo. Mẹ cần phải nghĩ ngơi. Nên tôi dụ dự mãi và tôi không biết làm sao, và có ai nói, ơ hay, bà có thể đi cruise. Nên tôi nghĩ, ờ há, tôi có thể làm một chuyến viễn du trên biển.”

“Hay nhỉ,” Ollie nói. “Tôi không nghĩ nếu vợ tôi có mạng hệ nào tôi lại có thể nảy ra ý định đi cruise.”

Nancy nhanh nhẹn trả lời, “Vậy thì anh khôn lắm.”

Nàng chờ chàng nói về Tessa, nhưng người ta mang dĩa cá của chàng ra, và chàng lăng xăng với nó. Chàng nài nỉ nàng dùng thử một miếng.

Nàng không chịu. Thực tình, nàng đã kết thúc bửa ăn, và châm một điếu thuốc lá.

Nàng nói, sau bài viết đã gây ra phản ứng mảnh liệt ngày ấy, nàng luôn luôn mong mỏi đọc thêm bài mới của chàng. Nàng nói, bài viết ấy chứng tỏ chàng có văn tài.

Trong một thoáng, chàng có vẽ hoang mang như không nhớ những điều nàng nói. Rôi chàng lắc đầu, như bồi hồi, không thể nào tin được, và nói, chuyện ấy đã xảy ra lâu rồi, nhiều năm về trước.

“Đó không phải là điều tôi thực sự muốn.”

“Anh định nói gì” Nancy hỏi. “Anh không giống như anh của ngày xưa, phải không? Anh không còn như cũ.”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Ý tôi là, có một điều gì đó khác biệt, một cách thiết yếu và cụ thể. Thân hình anh đổi khác. Đôi vai anh. Hay là tôi không nhớ đúng?”

Chàng nói, đúng thế. Chàng ý thức được rằng chàng muốn có một cuộc sống thiên về hoạt động thể chất. Không. Những gì đã xảy ra cho chàng, theo thứ tự, trước tiên là con quỷ dữ ngày cũ quay về ám ảnh (nàng đoán, chàng muốn nói tới bịnh lao) và sau đó, chàng biết chàng phạm sai lầm trong nhiều việc, cho nên chàng thay đổi hẳn. Cũng đã lâu lắm rồi. Chàng học nghề đóng tàu. Rồi làm việc với một ông chủ dịch vụ lặn bắt cá ở đáy biển. Bảo quản thuyền bè cho một nhà triệu phú. Tại Oregon. Rồi lần hồi chàng di chuyển đến Canada, và trụ lại ở đây — Vancouver — một thời gian và mua một mảnh đất nhỏ ở Sechelt — cạnh bờ biền, lúc giá còn thấp. Chàng gầy dựng dịch vụ kayak. Đóng thuyền, mua bán, cho thuê và huấn luyện cách xử dụng. Đến một lúc nào đó, cảm thấy Sechelt trở nên quá đông đúc, chàng để rẻ, gần như biếu không mảnh đất ấy cho một người bạn. Chàng là người duy nhất, theo chàng biết, không thu hái được lợi nhuận từ đất đai Sechelt.

“Nhưng ý nghĩa cuộc đời của tôi không phải là tiền bạc,” chàng nói.

Chàng nghe nói về chuyện có thể khai khẩn ở Texada Island. Và hiện giờ, chẳng mấy khi chàng rời đảo đi đâu. Chàng làm chuyện này, chuyện nọ để kiếm tiền. Đôi khi vẫn là dịch vụ kayak, đôi khi săn bắt cá. Người ta mướn chàng, như thợ sửa chửa việc vặt trong nhà, như thợ xây dựng, và thợ mộc.

“Đủ sống qua ngày,” chàng nói

Chàng tả cho nàng nghe căn nhà của chàng, tự xây cất lấy, bên ngoài giống một túp lều gỗ xập xệ, nhưng bên trong ấm cúng, ít ra với chàng là thế. Cái gác lững có một cửa sổ tròn, nhỏ dùng làm phòng ngủ. Tất cả những thứ cần dùng đều trong tầm tay, ngay trước mắt, không một món nào cất trong tủ. Cách nhà không xa lắm, bồn tắm đặt chìm dưới đất, giữa một luống rau thơm. Chàng xách từng xô nước nóng ra đó và nằm dài thoải mái dưới bầu trời sao, ngay cả mùa đông.

Chàng trồng rau cải, và chia sớt với đàn nai.

Trong khi chàng nói, Nancy cảm thấy không vui. Không phải là cảm giác thiếu tin tưởng — mặc dù chàng có một thiếu sót trầm trọng. Mà gần như cảm giác bối rối càng lúc càng tăng, rồi thất vọng. Cách chàng trò chuyện cũng giống một số người khác. (Thí dụ, người đàn ông trong chuyến du hành, nàng đã không hết lòng cự tuyệt, và để lộ cho Ollie biết.) Nhiều ông không bao giờ nói về cuộc sống của họ, trừ phi để trả lời những câu hỏi – lúc nào và ở đâu. Nhưng cũng có những người khác, tân tiến hơn, đã tuyên bố một cách ngẫu nhiên nhưng thật sự có tập luyện kỹ càng, rằng đường đời quả thật gập ghềnh, nhưng sự bất hạnh đem đến những điều tốt đẹp hơn, bài học đã thuộc, và không nghi ngờ chi nữa, niềm vui sẽ đến hôm sau.

Nàng không phản đối những người đàn ông nói chuyện cách ấy — nàng có thể để đầu óc mình lan man nghĩ đến những thứ khác — nhưng khi Ollie, tựa vào cái bàn nhỏ ọp ẹp, qua cái dĩa gỗ với những miếng cá dễ sợ, nói chuyện theo kiểu đó, một nỗi buồn áo não xâm chiếm nàng.

Chàng không giống như xưa. Thực sự, không còn như xưa.

Về phần nàng, thì sao? Ôi, vấn đề là nàng gần như không thay đổi. Nàng hào hứng kể về chuyến du lịch — nàng thích thú lắng nghe chính mình, nghe những mẫu chuyện đang tuôn trào trên môi. Đó không phải là cách nàng đối thọai với Ollie trước kia — đúng ra, đó là cách nàng mong ước, và đôi khi tưởng tượng sẽ làm, sau khi chàng bỏ đi. (Dĩ nhiên khi nàng không còn giận hờn chi nữa.) Một chuyện gì đó sẽ làm cho nàng nghĩ, ước gì mình có thể kể cho Ollie. Khi chuyện trò với nguời khác, theo kiểu nàng muốn, đôi khi nàng đi quá xa. Nàng hiểu được họ đang nghĩ gì về nàng. Châm biếm, hoặc chỉ trích, ngay cả cay đắng. Wilf có lẽ không dùng những từ ngữ này, chàng giữ kín trong lòng, nàng không bao giờ biết. Ginny có lẽ mĩm cười, nhưng không phải nụ cười thuở xa xưa. Ở tuổi trung niên vẫn chưa lập gia đình, Ginny trở nên kín đáo, trầm lặng và khoan dung (bí mật được tiết lộ không lâu trước cái chết của nàng, Ginny thú nhận nàng là một Phật tử.)

Và như thế, Nancy nhớ nhung Ollie mà không biết mình nhớ nhung gì. Có một thứ gì đó phiền toái, nung nấu chàng như một cơn sốt âm ỉ, một thứ gì đó nàng không bao giờ vượt qua. Những thứ khiến nàng bồn chồn lo lắng trong thời gian ngắn ngủi quen biết chàng, hóa ra chính là những thứ, khi hồi tưởng lại, đã tỏa sáng.

Giờ đây chàng đang hăng say trò chuyện. Chàng mĩm cười, nhìn sâu vào mắt nàng. Điều này nhắc nàng nhớ phương pháp chàng đã sử dụng để trở nên duyên dáng. Nhưng nàng đã biết sự quyến rũ đó không phải dành cho nàng.

Nàng hơi hồi hộp, lo sợ chàng sẽ hỏi, “Tôi có làm chị chán hay không?” hoặc, “Cuộc đời tươi đẹp biết bao, phải không ?”

“Tôi may mắn không thể tưởng,” chàng nói. “Đời tôi thật may mắn. Ô, tôi biết có người sẽ không đồng ý. Họ sẽ chê tôi không gắn bó lâu dài với việc gì, hay tôi không kiếm được nhiều tiền. Họ sẽ nói tôi phung phí thời giờ khi tôi lang thang không nhà cửa. Không đúng đâu.”

“Tôi đã nghe tiếng gọi,” chàng nói, nhướng mày, nửa mĩm cười với chính mình. “Thật thế, tôi đã nghe theo tiếng gọi để sống ngoài khuôn khổ. Vượt qua nếp suy nghĩ phải – làm – thế – này – thế - nọ. Thoát ra ngoài lối nghĩ vị kỷ. Tôi luôn luôn gặp may. Mắc bịnh lao cũng là một cái hên. Nhờ đó tôi không vào đại học, nơi tôi sẽ bị nhồi sọ với những kiến thức vô nghĩa. Nếu chiến tranh xảy ra sớm hơn một chút, tôi cũng sẽ không bị bắt lính.”

“Nhưng dù sao, nếu có vợ, anh cũng không bị động viên mà,” Nancy nói

(Có lần, cay cú đến nỗi nàng đã lên tiếng tự hỏi, nhưng cốt yếu cho Wilf nghe, có phải đó là lý do của cuộc hôn nhân ấy.

“Anh không quan tâm đến lý do của thiên hạ,” Wilf trả lời. Chàng nói, dù sao chiến tranh sẽ không xảy ra. Và chiến tranh đã không xảy ra, ít nhất cả chục năm sau.)

“Đúng thế,” Ollie nói. “Nhưng thật ra đó không phải là một cuộc sống chung hợp pháp. Tôi đã đi trước thời đại, Nancy ạ. Nhưng luôn luôn tôi quên bẳng đi, tôi chưa thực sự kết hôn. Có lẽ vì Tessa là một phụ nữ sâu sắc và nghiêm túc. Nếu ta sống với cô ấy, ta sống với cô ấy. Vớ

Với Tessa, không thể nào có kiểu dễ dãi, phóng túng.”

“Vậy thì,” Nancy nói, cố gắng diễn tả cho khéo léo, nhẹ nhàng. “Vậy thì. Anh và Tessa.”

“Thị trường chứng khoán sụp đổ đã làm thui chột tất cả.” Ollie đáp.

Chàng muốn nói, chàng tiếp tục giải thích, hầu hết những mối quan tâm đã giảm bớt, kéo theo hậu quả là quỷ tài trợ cũng cạn kiệt. Tài trợ cho việc nghiên cứu. Có một thay đổi trong cách nghĩ, giới khoa học hững hờ quay lưng lại những điều họ cho là nhảm nhí, vô bổ. Trong một thời gian ngắn, một số thí nghiệm vẫn được tiến hành, nhưng nửa vời, chàng nói và chính những người trước đây, những người đã quan tâm nhiều hơn cả, cam kết nhiều hơn cả — những người đã tiếp xúc với chàng, Ollie nói, như thể không phải chàng là người khởi sự — là những người đầu tiên biến mất, không trả lời thư của ta hay liên lạc với ta, cho đến lúc cuối cùng thơ ký của họ gởi cho ta một lá thư nói rằng cuộc giao dịch đã xong. Một khi gió đã đổi chiều, chàng và Tessa đã bị bạc đãi, đối xử như những tay quấy nhiễu, lợi dụng thời cơ.

“Giới hàn lâm,” chàng nói, “Sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, đã cho họ toàn quyền định đoạt. Tôi không còn ích lợi cho họ.”

“Tôi tưởng anh giao dịch chủ yếu với các bác sĩ y khoa.”

“Bác sĩ. Người xây sự nghiệp. Giới hàn lâm.”

Để tránh khơi lại vết thương lòng rỉ máu của chàng, Nancy hỏi về cuộc thí nghiệm.

Hầu hết sử dụng bài. Không phải thứ bài thông thường mà một loại bài đặc biệt có dấu hiệu riêng, gọi là bài ESP*. Hình chữ thập, vòng tròn, hình ngôi sao, mấy đường lượn sóng, và một hình vuông. Họ sẽ đặt năm lá bài, mỗi lá có một dấu hiệu khác nhau, ngửa trên bàn. Các lá bài còn lại được xào kỹ, úp xuống. Tessa sẽ nói cho họ biết lá bài nào trước mặt nàng có dấu hiệu tương ứng với dấu hiệu của lá bài nằm trên cùng. Đó là trắc nghiệm “mở”. Trắc nghiệm “mù” cũng tương tự, nhưng khác ở chỗ, năm lá bài chủ cũng được úp. Các loại trắc nghiệm khác có độ khó tăng dần. Đôi khi người ta sử dụng xúc xắc hay tiền cắc. Đôi khi không có gì hết, chỉ là hình ảnh trong tâm trí. Hàng loạt hình ảnh trong tâm trí, hoàn toàn không được ghi xuống giấy. Người được trắc nghiệm và người khảo sát ngồi chung một phòng, hay khác phòng, haycách nhau một phần tư dặm.

Rôi người ta so sánh tỷ số nói đúng của Tessa với tỷ số ngẫu nhiên. Theo xác suất, chàng nói, tỷ số ngẫu nhiên là hai muơi phần trăm.

Trong phòng không có gì khác ngoại trừ một cái ghế, một cái bàn và một ngọn đèn. Giống như phòng lấy khẩu cung. Tessa thường ra khỏi phòng, kiệt lực. Hàng tiếng đồng hồ sau, nàng còn bị ám ảnh, nhìn đâu cũng thấy những dấu hiệu đó. Bắt đầu bị nhức đầu.

Và kết quả không chính xác. Có rất nhiều phản kháng, không phải về Tessa, mà về phương pháp thử nghiệm, liệu chúng có khiếm khuyết hay chăng. Con người có những lựa chọn yêu thích nhất. Thí dụ, khi thẩy đồng xu, rất nhiều ngưoì sẽ đoán là “hình” thay vì “bông lúa”. Chỉ vì họ sẽ đoán thế. Tất cả mọi người. Cộng thêm vào, điều chàng đã nhắc tới trước đây, chiều gió – khuynh hướng trí thức bấy giờ, đánh giá những nghiên cứu đó là phù phiếm, tầm phào.

Ghi chú của dịch giả:

Theo The Skeptic’s Dictionary

thẻ Zener ESP được sử dụng những năm đầu thập niên 1930 do Karl Zener (1903- 1963) trong những thí nghiệm khảo sát hiên tượng ESP (Extrasensory Perception) cho những trường hợp bói toán, thần giao cách cảm.

Màn đêm buông xuống. Tấm bảng ĐÓNG CỬA đã được treo lên. Ollie loay hoay mãi với phiếu tính tiền. Hóa ra, sức khỏe, nguyên nhân của chuyến đi Vancouver của chàng, có liên quan tới thị giác. Nancy cười, giật tờ giấy từ tay chàng, và trả tiền.

“Dĩ nhiên — chẳng phải tôi là bà góa giàu sụ hay sao?”

Rồi, vì chưa nói hết chuyện — còn lâu lắm mới xong, theo Nancy — họ đi ngược lên, đến một tiệm Denny’s để uống cà phê.

“Có lẽ chị thích một quán ăn sang hơn?” Ollie nói. “Nhấp một chút rượu?”

Nancy lập tức trả lời, nàng đã uống nhiều lắm trên tàu, đủ cho một thời gian dài.

“Còn tôi, đủ cho một đời,” Ollie nói. “Tôi cai rượu được mười lăm năm. Nói chính xác là mười lăm năm, chín tháng. Nếu có ai đếm từng ngày như thế, ta phải biết đó là một tay ghiền rượu.”

Trong thời kỳ thí nghiệm, khoa ngoại cảm, chàng và Tessa quen với một số người. Đó là những người mà việc mưu sinh dựa vào khả năng của họ. Không phải bằng sự quan tâm về khoa học, mà bằng những thứ họ gọi là tiên tri, đọc tư tưởng, thần giao cách cảm hay bói toán giải trí. Một số ổn định ở các địa điểm tốt, nhà riêng hay cửa tiệm và tồn tại trong nhiều năm. Họ cố vấn cho khách hàng, tiên đoán vận mệnh, lấy số tử vi, và đôi khi làm lang băm chửa bệnh. Một số biểu diễn trước công chúng. Có nhiều cách, từ việc ăn theo những xuất trình diễn tạp kỷ theo kiểu Chautauqua show, có diễn thuyết, đọc thơ và trích đoạn kịch Shakespeare, có ca sĩ hát opera, có chiếu slide ảnh du lịch (giáo dục, không gợi dục), cho đến tầng cấp thấp nhất, biểu diễn ở hội chợ, pha trộn một chút hài hước, thôi miên, các cô gái ăn mặc hấp dẫn đùa với rắn. Lẽ tự nhiên, Ollie và Tessa tin rằng họ thuộc về lớp người thứ nhất. Giáo dục, không gợi dục, là những điều họ ôm ấp. Nhưng, họ cũng không gặp vận may. Lối trình diễn cao cấp không còn đắt khách. Người ta có thể thưởng thức nhạc và thâu nhặt kiến thức trên radio. Người ta cũng xem gần hết những tài liêu du lịch cần thiết ở hành lang nhà thờ.

Cách kiếm tiền duy nhất họ nghĩ được là lưu diễn ở các tòa thị sảnh hay ở hội chợ mùa thu. Họ diễn chung với các nhà thôi miên, các cô gái rắn, các tay tấu hề kể chuyện tục và các vũ nữ thoát y đội mảo lông chim. Cách trình diễn này cũng đã bắt đầu suy tàn, nhưng lạ thay, cuộc chiến tranh sắp tới lại làm gia tăng số vé bán. Ngành lưu diễn kéo dài cuộc sống ngoắc ngoải, xăng nhớt bị hạn chế nên số người ra thành phố xem hát ở phòng trà hay xem xi nê ở các rạp lớn cũng giảm bớt. Truyền hình chưa ra đời để giải trí cho dân chúng, ngồi ngay tại sa lông trong phòng khách. Những năm đầu thập niên 50, chương trình Ed Sullivan và tương tự — thật sự là những năm kết thúc.

Tuy nhiên trong một thời gian, họ vẫn đông khách, rạp đầy ắp người — đôi khi Ollie giải buồn bằng cách lên sân khấu nói vài lời mở đầu hấp dẫn, khiến không khí trở nên sôi động. Chẳng bao lâu, chàng tham gia trình diễn với Tessa. Họ phải nghĩ cách để các buổi biểu diễn được hấp dẫn, gây cấn hơn khi Tessa diễn một mình. Ngoài ra, phải kể thêm lý do, về phương diện thể chất và tinh thần, Tessa có thể chịu đựng đến một mức độ nào đó, nhưng quyền năng của nàng, gọi bằng tên gì cũng được, không phải lúc nào cũng cho kết quả như nhau. Nàng bắt đầu lúng túng, nhầm lẫn. Chưa bao giờ nàng phải tập trung tư tưởng căng thẳng như thế, mà không phải lúc nào cũng như ý. Chứng nhức đầu chẳng suy giảm.

Sự hoài nghi của hầu hết mọi người là chính xác. Rất nhiều xảo thuật đã được sử dụng. Nhưng người ta — một số đông — vẫn hy vọng rằng đôi khi chuyện thật xảy ra. Họ hy vọng không phải mọi thừ đều là đồ giả. Và vì giới trình diễn, trong đó Tessa là một người có uy tín, nắm được hy vọng ấy, hiễu rằng — còn ai có thể hiểu hơn họ ? — họ có thể sử dụng một số phương pháp, bài bản để đạt kết quả. Bởi vì, đêm này qua đêm khác, họ phải luôn luôn có câu trả lời đúng.

Đôi khi đó là một phương pháp thô sơ, dễ phát hiện, như thân thể giả trong hộp của cô gái bị cưa đôi. Microphone dấu ở đâu đó. Thông dụng nhất là mật ngữ, giữa người trên sân khấu và cò mồi bên dưới. Những mật ngữ này tự bản thân chúng, là một nghệ thuật. Chúng được giữ kín, không bao giờ viết.

Nancy hỏi, có phải mật ngữ của chàng và Tessa cũng là một nghệ thuật?

“Mật ngữ của chúng tôi rất phong phú, đa dạng.” chàng trả lời, nét mặt rạng rỡ. “Rất tinh tế.”

Rồi chàng nói, “Có khi chúng tôi cũng cải lương một tí. Tôi có một cái áo choàng đen, để mặc –”

“Ollie. Thật à. Áo choàng đen?”

“Thật chứ sao lại không. Áo choàng đen. Tôi mời một người tình nguyện lên sân khấu, tôi cởi áo choàng trùm lên người đó, sau khi đã bịt mắt Tessa — một khán giả khác bịt mắt Tessa, phải chắc là làm đúng cách — tôi sẽ hỏi nàng, ‘Ai ở trong áo choàng này?’ Hoặc tôi sẽ dùng chữ ‘áo khoác’. Hay ‘miếng vải đen.’ Hay, ‘Ai đang đứng với tôi đây?’ Hay ‘Tessa nhìn thấy ai thế?’ ‘Tóc màu gì?’ ‘Cao hay thấp.”‘ Tôi có thể sử dụng mọi từ ngữ, tôi có thễ biến đổi rất tinh vi, âm điệu trầm bổng giọng nói của tôi. Để thêm nhiều chi tiết. Đấy chỉ là phần mở đầu thôi nhé.”

“Anh nên viết sách.”

“Tôi cũng có ý định đó. Tôi có nghĩ đến một thứ, bạch hóa bí mật nghề nghiêp. Nhưng rồi tôi nghĩ, ai thèm biết đến? Con người,

một là để cho bị gạt, hai là không. Người ta không tin vào chứng cớ. Có một thứ tôi cũng nghĩ đến, tiểu thuyết trinh thám. Là một môi trường diễn đạt thuận tiện. Tôi nghĩ mình có thể kiếm nhiều tiền và thóat ly. Và tôi nghĩ tới một kịch bản phim. Chị có xem phim của Fellini chưa –?”

Nancy nói chưa.

“Dù sao, thật nhảm nhí.Tôi không nói đến phim của Fellini.Tôi nói đến ý tưởng của tôi. Vào lúc ấy.”

“Kể cho tôi nghe về Tessa nhé.”

“Chắc tôi có viết thư cho chị. Tôi không có viết cho chị hay sao?”

“Không.”

“Vậy chắc tôi có viết cho Wilf.”

“Nếu có, tôi nghĩ Wilf đã nói cho tôi biết.”

“Ờ há. Có thể tôi đã không viết. Có thể lúc đó tôi đang tuyệt vọng cùng cực.”

“Năm nào thế?”

Ollie không nhớ. Đang có cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Harry Truman là tổng thống lúc đó. Ban đầu, dường như Tessa chỉ bị cúm vặt. Nhưng nàng không khỏe lại, càng lúc càng yếu ớt, khắp mình đầy những vết bầm bí mật. Nàng mắc bệnh ung thư máu.

Họ ẩn náu tại một thành phố trên núi cao trong mùa hè nóng bức. Họ hy vọng đến California trước mùa đông. Nhưng họ không thể nào đến chỗ trình diễn sắp tới như đã định. Những người cùng nhóm biểu diễn bỏ đi không chờ họ. Ollie tìm được việc làm ở một đài phát thanh địa phương. Nhờ quen trình diễn với Tessa, Ollie có một giọng nói điêu luyện. Chàng đọc tin tức, và diễn đọc nhiều quảng cáo. Chàng cũng viết một vài kịch bản quảng cáo. Nguời phụ trách chính đang nghĩ phép để chửa chứng nghiền rượu ở bịnh viện, trị liệu bằng vàng, hay môt liệu pháp nào đó.

Chàng và Tessa dọn từ khách sạn về một căn chung cư có trang bị bàn ghế. Không có máy lạnh, đương nhiên rồi, nhưng may mắn có một bao lan nằm dưới bóng mát một tàn cây. Chàng đẩy cái ghế dài đến gần để Tessa được thở không khí trong lành. Chàng không muốn đem nàng vào bịnh viện — cũng vì vấn đề tài chánh, dĩ nhiên, bởi họ không có bảo hiểm gì hết — nhưng cũng vì chàng nghĩ rằng, nàng sẽ được bình yên nhất, nhìn ngắm những phiến lá xanh rì rào nơi đó. Nhưng cuối cùng, chàng phải đưa nàng nhập viện, và vỏn vẹn trong vài tuần, nàng qua đời.

“Chị ấy được chôn cất ở đó?” Nancy hỏi. “Anh không nghĩ là tụi này sẽ gởi tiền phúng điếu?”

“Không,” chàng nói. “Câu trả lời là không, cho cả hai. Tôi muốn nói, tôi không nghĩ tới chuyện xin giúp đở. Tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của riêng tôi. Và tôi hỏa táng nàng. Tôi bỏ thành phố đi, mang theo nhúm tro tàn. Tôi đến bờ Tây nước Mỹ. Lới nói sau cùng của nàng với tôi, là muốn được hỏa thiêu và đem tro tàn rải trên sóng nước Thái Bình Dương.”

Đó là những gì chàng đã làm, chàng nói. Chàng còn nhớ bờ biễn Oregon trải dài, một bên là đại dương một bên là xa lộ, sương mù và giá buốt của buổi sáng, mùi nước biển, tiếng sóng vỗ bờ trầm buồn u ần. Chàng cởi hết giầy vớ, xắn quần cao và bì bỏm buớc xuống nước, bày hải âu theo chân, không biết chàng có gì cho chúng hay chăng. Nhưng chàng chỉ có Tessa mà thôi.

“Tessa –” Nancy bắt đầu. Rồi nghẹn lại.

“Tôi nghiện rượu kể từ đấy. Tôi sống như kẻ không hồn, một thời gian như gỗ mục từ trong tâm. Đến khi tôi thoát khỏi.”

Chàng không nhìn Nancy. Một khoảng khắc im lặng nặng nề trôi qua, tay chàng mân mê cái gạt tàn thuốc lá.

“Chắc rồi anh hiểu ra, cuộc đời vẫn đẹp sao.” Nancy nói.

Chàng thở dài, trách móc nhưng cảm thấy nhẹ nhỏm.

“Miệng lưỡi cay nghiệt thế, Nancy.”

Chàng lái xe đưa nàng về khách sạn. Nhiều âm thanh lạch cạch phát ra khi sang số, và thùng xe co giật, rung rẫy từng chập.

Khách sạn không đắt tiền hay sang trọng — không có người gác cửa, bên trong cũng không thấy chưng bày những đụn hoa như hoa ăn thịt — vậy mà khi Ollie nhận xét, “Tôi dám cá chưa từng có một cái xe nào ọp ẹp như cái xe này đã từng tới đây,” Nancy phải phì cười, đồng ý.

“Chuyến phà của anh?”

“Lỡ rồi. Từ năm nẳm nào rồi.”

“Thế anh sẽ qua đêm ở đâu?”

“Nhà bạn bè ở Horseshoe Bay. Hay ngủ trong xe van, nếu tôi không muốn làm phiền họ. Tôi đã nhiều lần ngủ trong xe.”

Phòng nàng có hai giường. Giường cở trung. Với chàng lẽo đẽo theo sau, nàng có thể được người ta tặng cho vài cái nhìn khiếm nhã, nhưng chắn chắn nàng sẽ không nao núng. Bởi sự thực hoàn toàn khác hẳn với những gì người ta tưởng tượng.

Nàng hít một hơi sâu, chuẩn bị.

“Không, Nancy.”

Từ đầu đến giờ nàng đã chờ chàng nói một tiếng chân thành. Suốt buổi chiều nay, và có lẽ một phần lớn cuộc đời nàng. Nàng đã chờ mong, và bây giờ chàng vừa nói ra.

Không.

Có thể coi đó là lời từ chối phủ đầu đề nghị của nàng. Lẽ ra nàng phải cảm thấy lời ấy kiêu căng, hợm hĩnh. Thực tế nàng lại thấy nó trong sáng, êm ái và ngay lúc này, tràn đầy thông cảm, như chưa bao giờ nàng từng được nghe. Không

Nàng biết rõ sự nguy hiểm của bất kỳ điều gì nàng sắp sửa nói. Sự nguy hiểm của dục vọng của chính nàng, bởi nàng không thực sự hiểu rõ đó là loại dục vọng nào, để làm gì. Là cái gì chăng nữa, họ đã né tránh được nhiều năm trước đây, và bây giờ chắc chắn họ cũng phải né tránh như thế khi hiện nay họ đã về già — không phải già nua lẫy bẫy, nhưng đủ già để trở nên xấu xí và lố bịch. Và bất hạnh đến nổi đến với nhau trong gian dối.

Bởi nàng cũng đã gian dối, bằng sự im lặng của mình. Và trong giây phút hiện tại, nàng cũng sẽ tiếp tục gian dối.

“Không,” chàng nói một lần nữa, nhũn nhặn nhưng không hổ thẹn. “Sẽ không tốt đâu.”

Dĩ nhiên sẽ không tốt. Một lý do là, khi trở về nhà, nàng sẽ viết ngay một lá thư đến nơi ấy ở Michigan, tìm hiểu những gì xảy ra với Tessa, và đem cô ấy trở về quê cũ.

Chuyến đi suông sẻ nếu hành lý của ta gọn nhẹ.

Mảnh giấy Adam và Eve bán cho nàng nằm yên trong túi áo vét. Về nhà, gần một năm trời nàng vẫn chưa mặc lại chiếc áo ấy, và cuối cùng khi tìm thấy nó, đọc hàng chữ đóng bằng mộc trên giấy, nàng bối rối và tức điên người.

Cuộc hành trình không dễ dàng gì cả. Thư gởi đến Michigan được trả lại, không ai mở. Rõ ràng bệnh viện ấy không còn hiện hữu. Nhưng Nancy khám phá rằng ta có thể đề đạt những thắc mắc, và nàng bắt đầu hành động. Phải viết thư cho những nguời có thẩm quyền, phải đào bới đống hồ sơ cũ, nếu có thể được. Nàng không chịu bỏ cuộc. Nàng không chấp nhận rằng các đầu mối đã nhạt phai.

Với Ollie, có lẽ nàng phải chấp nhận là thế. Nàng đã gởi thư đến Texada Island — nghĩ rằng ghi địa chỉ như thế là đủ, vì chỉ có một nhóm rất ít người sống trên đảo, nên sẽ tìm thấy bất kỳ ai. Nhưng thư trả lại, với mấy chữ ngắn gọn trên phong bì. Đã dọn nhà.

Nàng không thể nào mở thư, đọc lại những gì mình đã viết. Nàng biết chắc, quá sức.

RUỒI TRÊN BỆ CỬA SỔ

Nàng ngồi trên chiếc ghế dựa cũ của Wilf, trong phòng kính, ngay tại nhà nàng. Nàng không định ngủ trưa. Đó là một buổi chiều cuối thu tươi đẹp — chính ra, là ngày tranh giải Grey Cup, và đáng lẽ nàng tham dự buổi potluck, theo dõi cuộc tranh tài trên truyền hình. Vào giờ chót, nàng đã viện cớ để ở nhà. Người ta bắt đầu quen với cách xử thế này — tuy môt vài người vẫn còn tỏ ý lo lắng. Nhưng nếu có khi nào nàng góp mặt, thói quen và nhu cầu cũ khẳng định chỗ đứng của chúng, nàng không thể nào không trở thành linh hồn của buổi tiệc. Vì thế sau một thời gian, không ai còn lo ngại về nàng nữa.

Con cái nói, hy vọng nàng không Sống Trong Quá Khứ.

Nhưng náng tin rằng điều nàng đang làm, điều nàng muốn làm — nếu có đủ thời gian, không phải là sống trong quá khứ mà là mở cánh cửa quá khứ để có một cái nhìn sâu lắng vào dĩ vãng.

Nàng không biết mình đang thiu thiu ngủ khi thấy nàng bước vào một căn phòng khác. Phòng kính, rực rỡ nắng sau lưng nàng, thu nhỏ lại thành một hành lang tăm tối. Chìa khóa khách sạn gắn tại ổ khóa ở cửa phòng, theo như nàng nghĩ chìa khóa thường được gắn như thế, dù chưa bao giờ nàng ở vào tình cảnh này.

Đấy là một chỗ trọ nghèo nàn. Một căn phòng xơ xác cho những du khách tàn tạ. Một cây đèn trần, mấy cái móc áo kẽm máng trên một thanh sắt dài, một tấm vải hoa màu hồng và vàng — có thể kéo lại che các móc áo ấy. Có lẽ người ta hy vọng tấm vải hoa có thể điểm xuyết cho căn phòng một nét lạc quan, thậm chí vui tươi, nhưng vì một lý do nào đó, nó lại gây ảnh hưởng ngược lại.

Ollie đột ngột gieo mình xuống giường, những chiếc lò xo của nệm giường rên áo não. Gần đây, chàng và Tessa di chuyển bằng xe hơi, và chỉ có một mình chàng cầm lái. Ngày hôm nay, trong cái nóng bức và bụi bậm đầu xuân, chàng mệt mỏi rã rời. Nàng không biết lái xe. Nàng lịch kịch mở thùng đựng dụng cụ trình diễn, và từ phòng tắm ngăn bằng lớp ván mỏng, nàng khua động ồn ào. Chàng giả vờ ngủ khi

khi nàng bước ra, nhưng qua khe mắt khép hờ, chàng thấy nàng đang săm soi trước tấm gương gắn ở tủ áo, cái gương lốm đốm đen ở những nơi mà lớp tráng thủy đã tróc ở mặt sau. Nàng mặc chiếc váy satin vàng dài chấm mắt cá, một chiếc áo củn cởn kiểu bolero đen, một cái khăn quàng đen in hoa hồng, có tua tụi ở đường viền, lướt thướt dài gần một mét. Y phục trình diễn may theo ý nàng, không có gì độc đáo hay làm tôn lên vẻ đẹp của người mặc. Da đã tô phấn hồng, nhưng vẫn đờ đẫn không sinh khí. Mái tóc đã được kẹp, xịt keo, những lọn tóc bẹp dí thành một cái mũ úp chụp trên đầu. Quầng mắt tím thẳm và lông mày kẻ xếch, tô đen. Những nếp nhăn chằng chịt về phía đuôi mắt. Mi mắt xụp xuống nặng nề che đi màu mắt đã nhạt phai. Có thể nói, toàn thể con người nàng như bị trì kéo bởi sức nặng của lớp quấn áo, tóc tai và son phấn.

Một vài âm thanh quen thuộc — càu nhàu, sốt ruột — dù chàng không định thế, lọt vào tai nàng. Nàng đến bên giường, cúi xuống cởi giày cho chàng.

Chàng bảo nàng không cần làm thế.

“Anh sắp sửa phải đi ngay,” chàng nói.”Anh phải tới gặp họ.”

Họ có nghĩa là những người làm việc ở rạp hát, hay những người điều hợp buổi trình diễn, hay bất kỳ ai đó.

Nàng không nói gì. Nàng đứng trước gương ngắm nghía, và vẫn mang lớp y phục rườm rà, mái tóc dầy cộp — đó là đầu tóc giả — và với linh hồn nặng trỉu, nàng bước lòng vòng trong phòng như cần phải làm một điều gì đó, nhưng không thể nào làm được điều gì

Ngay khi cúi xuống cởi giày cho Ollie, nàng cũng không nhìn mặt chàng. Và nếu chàng nhắm nghiền mắt tức thì sau khi nằm vật xuống giường — nàng nghĩ thế — có thể để tránh nhìn mặt nàng. Họ đã trở thành một cặp diễn viên chuyên nghiệp, họ cùng ăn, cùng ngủ, cùng di chuyển, gần gũi từng hơi thở bên nhau. Thế nhưng, không bao giờ — trừ những lúc phải chia sẻ trách nhiệm trước khán giả — không bao giờ họ có thể nhìn sâu trong mắt nhau, e rằng sẽ trông thấy một thứ gì đó khủng khiếp.

Tủ áo với tấm gương loang lỗ được kê sát tường — che một phần cửa sổ, ngăn bớt ánh sáng bên ngoài. Trong một giây, nàng nhìn nó ra vẽ nghi ngại, rồi gắng hết sức để nhích một góc tủ ra xa vài tấc. Nín thở, nàng vén tấm màn voan đầy bụi. Kia kìa, ở góc tận cùng của bệ cửa, ở chỗ bị che khuất bởi màn cửa và tủ áo, là một đống ruồi.

Một người nào đó sống trong phòng này trước đây, tiêu khiển bằng cách giết ruồi, rồi thu xác chúng, chất thành đống, giấu trong hốc kẹt này. Xếp một đống cao như kim tự tháp, tuy không mấy gì gọn ghẽ sắc cạnh.

Nàng kêu lên khi nhìn thấy chúng. Không phải vì ghê tởm hay hoảng hốt mà vì ngạc nhiên, và ta có thể nói vì vui sướng. Ô, ô, ô. Những xác ruồi làm nàng hạnh phúc, như thể chúng là châu ngọc dưới ống kính hiển vi, những chớp nhoáng xanh thẳm và vàng bóng và ngọc bích, những lấp lánh cánh mỏng như voan Ôi, nàng kêu lên, nhưng không thể nào vì lý do nàng trông thấy lũ côn trùng lộng lẫy ở bệ cửa sổ. Nàng không có kính hiển vi và chúng đã mất đi những sắc màu óng ả trong cái chết.

Bởi vì nàng nhìn thấy chúng ở đây, thấy những thân thể nhỏ bé chất thành đống, lộn xôn và tan rã thành bụi với nhau, ản khuất trong góc kẹt này. Nàng nhìn thấy chúng trước khi nàng đặt tay lên tủ áo hay vén tấm màn. Nàng biết chúng ở đó, như nàng đã từng nhìn thấy những thứ khác trước đây.

Nhưng trong một thời gian dài nàng đã không nhìn thấy điều gì cả và phải dựa vào những xảo thuật và bài bản được dàn dựng và tập luyện. Nàng đã gần quên lãng, nàng đã nghi ngờ, có khi nào cón có cách gì khác hay không?

Nàng đã làm Ollie tỉnh ngủ, gián đoạn phút giây nghĩ ngơi ngắn ngủi của chàng. Cái gì thế, chàng làu bàu, có con gì đốt em hả? Chàng đứng dậy, rên rỉ.

Không, nàng trả lời. Nàng chỉ tay vào lũ ruồi.

Em biết chúng nó nằm ở đó.

Ollie hiểu ngay lập tức ý nghĩa của việc ấy với nàng, cảm giác nhẹ nhỏm yên tâm phải có của nàng, mặc dù chàng không thể thâm nhập đuợc niềm vui của nàng. Bởi vì chàng, cũng thế, đã gần như quên lãng điều đó — chàng gần như không cón nhớ rằng chàng đã từng tin tưởng vào quyền năng của nàng, giờ đây chàng chỉ còn lo lắng làm sao để, cho nàng và cho chính chàng, những lần diễn xuất được thành công.

Em biết lúc nào?

Khi em soi gương. Khi em nhìn vào cửa sổ Em không biết khi nào.

Nàng vui sướng quá. Nàng không bao giờ vui sướng hay buồn khổ về những gì nàng có thể làm — nàng coi như đó là chuyện đương nhiên. Giờ đây mắt nàng long lanh như bụi trần đã được tẩy rửa, giọng nói trong trẻo như đã đuợc tưới mát bởi nước cam lồ.

Vâng, vâng, chàng nói. Nàng với tay, ôm quàng cổ chàng và tựa đầu sát ngực chàng đến nổi giấy tờ chứa ở túi áo trong của chàng kêu sột soạt.

Đây là những giấy tờ bí mật chàng có được từ một người chàng gặp ở một trong các thành phố này — một bác sĩ nổi tiếng là người chăm sóc sức khỏe cho giới nghệ sĩ lưu diễn, cung cấp những dịch vụ vượt ngoài thông lệ. Chàng bảo bác sĩ rằng chàng đang lo lắng về vợ chàng, người nằm bẹp trên giường trân trối nhìn trần nhà hàng tiếng đồng hồ mà không lộ vẻ gì đói khát, người ròng rã trong nhiều ngày không thốt một lời, ngoại trừ khi phải diễn xuất trên sân khấu trước mặt khán giả (chuyện này đúng cả). Chàng tự hỏi, rồi hỏi vị bác sĩ, có thể nào quyền năng xuất chúng của nàng lại có liên quan tới việc mất thăng bằng tâm trí hay tâm lý của nàng không. Nàng đã từng bị động kinh, và chàng tự hỏi nếu những cơn động kinh như thế sắp sửa trở lại. Nàng không phải là một người tánh tình tàn ác hay có những thói hư tât xấu, nhưng nàng không phải là một người bình thường, nàng là một người độc đáo, và sống với một con người độc đáo có thê là một điều căng thẳng, thực tình quá mức chịu đựng của một người bình thường. Bác sĩ thấu hiểu chuyện này và chỉ cho chàng một chỗ nàng có thể được đưa vào, để an dưỡng.

Chàng sợ nàng sẽ hỏi tiếng lào xào đó là gì, bởi chắc chắn nàng đã nghe khi nép vào chàng. Chàng không muốn nói cho nàng biết đó là giấy tờ, vì nàng sẽ hỏi giấy tờ gì?

Nhưng nếu quyền năng ấy đã thực sự trở lại với nàng — đây là những gì chàng suy nghĩ, cùng với mối quan tâm nồng nhiệt mà chàng đã hầu như quên lãng — nếu bây giờ nàng trở lại giống như nàng khi xưa, có thể nào có khả năng nàng biết những gì chứa trong túi áo chàng, mấy tờ giấy đó, mà không cần phải để mắt đọc qua?

Quả tình nàng có biết một điều gì đó, nhưng nàng cố gắng không muốn biết.

Bởi vì nếu điều ấy có nghĩa là nàng phải sống lại một lần nữa cách sống trước đây, sử dụng khả năng thấu suốt của đôi mắt, và những lời tiên đoàn đột nhiên phát xuất từ đôi môi, có thể nào sẽ tốt đẹp hơn nếu nàng không phải sống như thế? Và nếu đó là vấn đề chọn lưạ, nàng từ bỏ chúng chứ không phải chúng từ bỏ nàng, có thể nào nàng hoan hỉ với sự đổi mới này không?

Họ có thể làm chuyện khác, nàng tin thế, họ có thể có một cuộc đời khác.

Chàng nhủ với lòng, sẽ vứt bỏ mớ giấy tờ đó, sẽ quên phắt cái ý tưởng ấy, vì chàng cũng có thể có khả năng hy vọng và tôn trọng lời hứa.

Vâng. Vâng. Tessa cảm thấy tất cả hiểm họa tan biến theo tiếng xột xoạt khẻ khàng bên dưới gò má nàng.

Cảm giác được ân xá bừng sáng khắp không gian. Rất trong trẻo, rất mãnh liệt, đến nỗi Nancy cảm thấy tương lai đã biết trước đang oằn oại dưới sự tấn công của nó, rồi dật dờ bay đi như những cánh lá vàng bẩn thỉu.

Nhưng sâu lắng trong giây phút ấy một sự bất ổn đang chờ chực, một điều mà Nancy quyết tâm không để ý tới. Vô ích. Nàng đã ý thức được mình đang bị nhấc bổng lên cao, tách khỏi hai người đó và đưa trở lại chính mình. Dường như một người nào đó, trầm tỉnh và quả quyết — có thể nào người đó là Wilf hay không? — người đó đã nhận trách nhiệm dẫn dắt nàng ra khỏi căn phòng ấy, căn phòng với những cái móc áo kẽm và tấm màn vải hoa. Dịu dàng, không một chút mệt nhọc, dẫn dắt nàng ra khỏi những gì đang bắt đầu sụp đổ đàng sau, đang êm đềm vỡ vụn và tối thẩm dần dần thành một thứ gì mịn màng như bồ hóng đen tuyền, như tro tàn mong manh.

Hết.