Diệu Hi có một quyển kinh Nhật Tụng rất quí, một hôm, tụng kinh xong, Diệu Hi ngủ ngay, quên cất quyển kinh đi. Một chú chuột chạy qua, thấy mấy quyển kinh thì mừng rỡ: - Má bầy trẻ mà được món này lót ổ thì cừ còn gì bằng. Thế là chú chuột na quyển kinh về một cái hang ở dưới gầm tủ. Bà chuột định xé quyển kinh ra lót tả cho sắp nhỏ, bổng nghe tiếng "meo meo" của ông mèo, bà chuột liền lỉnh mất. Mèo đi đến, gặp quyển kinh liền leo lên nằm khoanh, đánh một giấc ngon lành. Ngủ xong, mèo vươn vai, xoa bụng nói:" Chiếc chiếu này êm quá, mình ngủ một giấc ngon chi lạ" và mèo bỏ đi. Con Lu Lu đang đi chơi thơ thẩn, bỗng thấy quyển kinh, bèn tha tuốt ra vườn nghĩ bụng: "Mình đem cái này ra kiếm con Nô... hai đứa chơi trò ném banh mới được". Chơi chán, Nô và Lu bỏ quyển kinh giữa đường. Cu Bình đi học về bắt được reo: "A! Mình có giấy dán diều và xếp ghe chơi rồi". Thế là quyển kinh được dán hình con diều bay lên trời, xếp thành ghe trôi bềnh bồng trong mương nước. Một phần còn lại, được lũ mối xé nhỏ ra khênh về tổ nấu nướng và ăn tiệc mừng của mối chúa! Lời Bàn Em thân mến, chỉ là một cuốn sách thôi mà Diệu Hi gọi là kinh Nhật Tụng, bà chuột cho là đồ lót tã, con mèo sử dụng như một chiếc chiếu, chó Lu Lu đem làm đồ chơi, cu Bình dán hình con diều và lũ mối thì thấy đó là một món ăn khoái khẩu. Tại sao thế? Đức Phật dạy rằng: Tùy theo từng biệt nghiệp của chúng sanh mà mỗi kẻ có một lối nhìn, kiến chấp, quan niệm về vạn hữu hoàn toàn khác nhau... và điều rắc rối nhất là ai ai cũng cho rằng quan điểm và cách sử dụng của mình là hay nhất, thông minh nhất, hợp lý nhất. Và đó cũng chính là điều điên đảo nhất của chúng ta. Có phải thế không? (07/1986) "Người ngu suốt đời gần gũi người trí vẫn chẳng hiểu gì chánh pháp, ví như cái muỗng múc thuốc thang luôn mà chẳng bao giờ biết được mùi vị của thuốc." Pháp Cú 64 Trích: Vô Minh Từ Đâu Ra của Như Thủy, WP: Trí Đạt