Kiên uể oải leo lên cầu thang. Hai chân của anh, sau bốn giờ cày mút chỉ cà tha trong nhà hàng Tàu, hầu như không còn sức để lết lên tầng lầu 3 của chung cư. Cuộc sống của một người dân tị nạn như anh thật bận rộn và vất vả. Vừa đi học vừa đi làm, cái nào cũng mệt, cũng cực, khiến cho anh nhiều khi muốn bỏ học để đi làm cu li cho khỏe. Tuy nhiên anh biết làm cu li với lương hai đồng ba một giờ cũng không khoẻ, nhất là rửa chén cho nhà hàng.
Lết lên tới bực thang cuối cùng, anh dừng lại để nghỉ mệt xong đi dài dài theo hành lang. Đây là khu chung cư rẻ tiền do đó rất hổn tạp. Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ, Việt, Miên, Lào, Đại Hàn và một vài sắc dân khác sống chung đụng với nhau trong một chung cư tồi tàn và dơ dáy. Dừng lại nơi căn phòng mang số 136 anh mở cửa rồi lặng lẽ bước vào sau khi đóng ập lại cũng như cẩn thận gài chốt an toàn. Số 136 cộng lại thành bù. Nhiều người chê căn phòng mang số bù này nên không chịu mướn. Cả đám dân Á châu cũng tin dị đoan do đó căn phòng bị bỏ trống. Vì thế khi anh hỏi mướn thì thằng chủ người Nhật mừng hết lớn. Nó cho anh ở không lấy tiền tháng đầu, ngoài ra còn bớt 20 đồng mỗi tháng. Không tin dị đoan lại được bớt tiền nên anh vui vẻ dọn vào ngay tức khắc vì sợ có người khác xí chỗ trước.
Căn phòng nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ. Thật ra anh không có nhiều đồ đạc để bày biện. Chiếc giường một người ngủ nơi góc. Nhà bếp hẹp chỉ đủ chỗ cho một cái bàn hai người ngồi và tủ lạnh nhỏ trong góc. Bếp sạch trơn vì anh ăn ở trường và nhà hàng nhiều hơn ăn ở nhà, mà ăn ở nhà cũng chỉ nấu nước pha cà phê hay nấu mì gói. Máy truyền hình trắng đen nằm đối điện với giường ngủ. Nó là món quà của người bảo trợ cho khi anh dọn ra riêng để đi học. Quẳng đôi giày ba ta vào gầm giường anh buông mình xuống tấm nệm cũ kỹ bốc mùi hăng hăng. Anh không nhớ bao lâu rồi mình chưa thay tấm trải giường và giặt cái mền cũ mua ở Goodwill.
- Có lẽ hơn một năm rồi...
Kiên lẩm bẩm trong lúc đưa chiếc mền lên mũi ngửi. Nhăn nhăn mặt vì cái mùi là lạ nhưng anh lắc đầu nhắm mắt lại lẩm bẩm nói với mình. Bây giờ không phải là lúc nghĩ tới chuyện giặt mùng mền. Chuyện đó thủng thẳng làm cũng được. Mình đã không giặt một năm rồi thời thêm năm ba tuần lễ hay nửa năm nữa cũng đâu có hôi hám gì. Ngày xưa ở trong lính, mình đắp cái mền từ lúc mới lãnh cho tới khi rách hỏng có giặt giũ, thời bây giờ một năm chưa giặt có chết ai đâu. Ngày xưa... Hai tiếng nghe như xa thật xa, cũ thật cũ... Năm phút sau anh đã thở đều đều. Đột nhiên chuông điện thoại réo lên khiến cho anh giật mình mở mắt. Hơi cựa mình anh lẩm bẩm.
- Hổng có ai ở nhà...
Tiếng chuông điện thoại réo lên lần thứ nhì mà Kiên vẫn chưa nhúc nhích.
- Nobody home...
Kiên lẩm bẩm bằng tiếng Anh. Điện thoại cứ reo. Lần thứ ba. Kiên lầm bầm. Lần thứ tư. Nhỏm người anh với tay nhấc điện thoại.
- What do you want?
Nghĩ thằng chủ nhà hàng gọi mình đi làm sớm sáng mai do đó giọng của Kiên hơi sẳng và đầy bực dọc vì bị đánh thức trong lúc đang thiu thiu ngủ. Đầu dây bên kia im lặng có lẽ vì cái giọng cáu kỉnh của anh. Lát sau giọng nói của một người con gái vang lên nhỏ và hơi run.
- Dạ... Dạ... Tôi xin phép được nói chuyện với ông Kiên...
Giọng nói của con gái, nhất là sự lễ phép và lịch sự của cô ta khiến cho Kiên bớt gắt gỏng.
- Tôi là Kiên đây... Xin lỗi cô là ai?
- Dạ... Anh nhớ tôi không anh Kiên?
Kiên cau mày vì câu hỏi của cô gái có giọng nói nghe thật lạ. Anh lẩm bẩm.
- Cô này dị... Mình có biết cô ta là ai đâu mà nhớ với nhung...
Kiên lẩm bẩm với chính mình nhưng người bên kia đầu dây lại nghe được.
- Dạ... Tôi xin hỏi anh có phải là anh Nguyễn An Kiên, sinh năm 1952 tại Bến Tre. Trước năm 75 anh ở Thị Nghè...
Nằm vật xuống giường Kiên tự hỏi cô gái này là ai mà lại biết rõ về mình trong khi mình không biết cô ta. Điều đó khiến cho anh bực dọc.
- Cô là ai?
Kiên sẳng giọng. Lạ một điều là người bên kia không những không giận vì câu hỏi cộc lốc của anh, mà còn tỏ ra thích thú biểu lộ qua giọng cười thánh thót cùng với câu nói vang lên.
- Anh không nhớ tôi thật hả anh Kiên. Anh không nhớ tôi hay anh giả bộ?
Kiên im lặng như đang lục lạo trong ký ức của mình. Cuối cùng một hình ảnh thoáng hiện ra. Tuy nhiên anh lại lắc đầu vì giọng nói của người trong điện thoại không giống như giọng nói của người mà anh đã nghĩ ra.
- Thú thật tôi không nhớ ra cô là ai...
Kiên dịu giọng của mình xuống. Cô gái bên kia cười khẽ cùng với giọng nói ấm và thanh tao vang lên khác xa với giọng nói lúc nãy.
- Tôi là Quỳ đây anh Kiên. Anh nhớ Quỳ không?
Kiên run người. Tiếng Quỳ như dòng điện 220 volt chạy rần rật trong người làm cánh tay cầm điện thoại của anh hầu như bị tê liệt. Khẽ lắc lắc đầu mấy lượt như tưởng mình nghe lầm, anh lên tiếng hỏi. Giọng của anh lạc và khàn đi.
- Cô là Quỳ thật hả?
Người ở bên kia đầu dây nói chậm và rõ như một xác định.
- Tôi là Quỳ. Anh Kiên hổng tin hả... Chắc anh quên rồi...
Kiên cười hực. Anh lên tiếng và giọng nói khàn đục của anh nửa mỉa mai nửa cay đắng.
- Ai thì tôi không nhớ chứ người tên Quỳ thì tôi không bao giờ quên. Mới có ba năm thì làm sao tôi có thể quên được... Chỉ có điều là giọng nói của cô Quỳ nghe lạ quá nên tôi nhận không ra...
Kiên nghe tiếng cười hắc hắc cùng giọng nói nhuốm đùa giỡn vang vang trong ống nghe và trong tai của mình.
- Quỳ phải giả giọng để hù anh chơi... Dễ gì mà hù được ông trưởng toán thám sát tỉnh của tiểu khu Kiến Hòa...
Kiên im lặng vì câu nói đùa của Quỳ. Lát sau anh mới chậm chạp lên tiếng.
- Quỳ đang ở đâu vậy? Việt Nam hả?
- Dạ không... Quỳ đang ở thành phố Pheonix thuộc tiểu bang Arizona...
Kiên bật thành tiếng kêu nhỏ có lẽ vì quá ngạc nhiên tới độ sửng sốt.
- Mỹ... Quỳ đang ở Mỹ hả? Làm sao Quỳ tới Mỹ được? Tôi không tin...
Có tiếng Quỳ cười vui trong điện thoại.
- Dạ... Hổng lẽ ở Việt Nam lại có thành phố tên Pheonix...
Kiên lẩm bẩm.
- Ở Mỹ... Pheonix... Khó tin quá... Chắc cô ta hù mình...
Kiên quên mình đang nói chuyện điện thoại do đó những gì anh lẩm bẩm người ở đầu dây bên kia đều nghe được.
- Quỳ hổng có hù anh đâu. Anh Kiên nghĩ là Quỳ vẫn còn ở Trúc Giang hả?
Kiên im lặng rồi lát sau mới cất giọng khàn đục.
- Tôi nghĩ Quỳ vẫn còn ở Bến Tre. Đâu có lý do gì để Quỳ phải ra đi. Quỳ là kẻ thắng trận mà...
Giọng nói của Kiên nghe cay đắng, mỉa mai và hình như có chút gì ngậm ngùi. Im lặng thật lâu Quỳ mới nhỏ nhẹ cất tiếng.
- Sau ngày 30 tháng 4 rồi Quỳ mới biết cái giá của sự chiến thắng quá đắt hay đúng hơn là vô nghĩa. Quỳ bị mất nhiều hơn được...
Kiên cười với chính mình hay như có Quỳ đang đứng trước mặt.
- Thế à... Tôi tưởng...
- Pheonix cũng gần chỗ anh Kiên ở. Quỳ có nhiều chuyện muốn nói với anh Kiên...
Kiên biết Quỳ có ý muốn mình đi thăm cô ta. Thật lâu anh mới nói nhỏ. Giọng nói của anh hững hờ, lạnh nhạt.
- Tôi nghĩ giữa tôi và Quỳ đâu còn chuyện gì để nói... Chuyện quá khứ buồn ứa nước mắt... Chuyện hiện tại thì đâu có gì để nói đâu… Còn chuyện tương lai thời...
Quỳ im lặng. Lát sau nàng mới lên tiếng. Câu nói chứng tỏ nàng cố tình làm lơ chuyện Kiên hờ hửng, lạnh nhạt với mình.
- Nếu không có chi phiền Quỳ mời anh qua Pheonix chơi vài ngày cho biết… Anh đi nghe anh Kiên... Quỳ có thư của má anh gởi cho anh...
Kiên làm thinh. Anh biết Quỳ định dùng tình cảm gia đình để lung lạc mình. Nàng biết anh thương mẹ và các anh chị em, muốn biết tin tức của gia đình do đó phải đi qua Phoenix để gặp nàng. Bịt kín ống nghe như không muốn cho người ở bên kia đầu dây điện thoại nghe được xong anh hừ tiếng nhỏ lẩm bẩm. Sức mấy cô ta gạt mình được...
- Má anh Kiên, chị Hai và chị Ba nhắn nhiều lắm, không nói hết trong điện thoại được...
- Quỳ gởi thư của má tôi qua cho tôi cũng được mà...
Giọng nói của Quỳ vang lên chắc và rắn.
- Không được... Má của anh Kiên có dặn là phải trao tận tay cho anh. Với lại bà và hai chị của anh Kiên còn kể lể và nhắn nhiều thứ lắm Quỳ không thể nói trong điện thoại được. Gặp mặt anh Kiên nói cả tuần cũng chưa chắc hết chuyện bên nhà...
Bật cười vui vẻ, Kiên nói đùa một câu.
- Quỳ học ai mà lẻo mép vậy... Ngày xưa Quỳ đâu có...
Bên kia đầu dây có tiếng cười hắc hắc của Quỳ. Liếc nhanh tờ lịch treo trên vách Kiên nói chậm và nhỏ. Giọng nói của anh không còn lạnh nhạt và hờ hửng như lúc ban đầu.
- Chắc khó đi lắm. Tôi vừa đi học vừa đi làm...
Kiên nghe có tiếng cười vang trong điện thoại rồi sau đó giọng nói nhẹ ấm.
- Dạ... Thì tới hè hết học anh đi... Quỳ dọ hỏi mãi mới tìm ra anh... Quỳ cũng muốn gặp lại anh...
Kiên thở dài nhìn ra khung cửa kính nhỏ. Bên ngoài trời tối đen.
- Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi không bao giờ gặp lại Quỳ...
- Quỳ cũng nghĩ như anh... Nhưng...
Kiên cười một mình. Quỳ cũng cười nói nhỏ.
- Dạ cũng khuya rồi. Quỳ xin phép để anh nghỉ. Chừng nào anh đi, anh gọi cho Quỳ biết nha... Đây là số điện thoại của Quỳ...
Kiên uể oải ghi số điện thoại của Quỳ vào cuốn sổ tay của mình. Trước khi cúp điện thoại anh hối hả lên tiếng.
- Tôi muốn hỏi Quỳ một câu...
- Dạ...
Ngập ngừng giây lát Kiên mới nói. Giọng của anh chậm và buồn.
- Quỳ đã có gia đình chưa? Tôi muốn nói là Quỳ đã có chồng con gì chưa?
Hỏi xong Kiên nghe tiếng Quỳ cười hăng hắc bên kia đầu dây điện thoại.
- Dạ chưa... Nếu đã có chồng thì Quỳ kiếm anh làm gì... Vậy mà cũng hỏi... Anh khờ quá...
Gác điện thoại trở về chỗ cũ, Kiên lẩm bẩm.
- Mình khờ quá... Quỳ nói mình khờ cũng đúng... Khờ nên mới bị cô ta gạt...
Vắt tay lên trán Kiên nhắm mắt lại. Trong vùng ký ức không mới mà cũng không cũ lắm của anh thấp thoáng hình ảnh một cô gái mặc bà ba đen. Cô gái đó là bí thư tỉnh ủy tỉnh Bến Tre của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, bí danh Út Quỳ.