Chương 1

Chiếc máy bay Boing 767 chui ra khỏi đám mây trắng, từ từ đáp nhẹ xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Cái nóng hầm hập của buổi trưa hè không làm giảm bớt được nỗi háo hức chờ đợi của những người đi đón. Họ xôn xao bàn tán, chen lấn giành chỗ đứng gần cái hàng rào thấp ngăn trước cửa ra, để được là người đầu tiên trong gia đình nhìn thấy người thân xuất hiện sau cánh cửa kính.

Xách cái túi du lịch cũ kỹ với chiếc ba lô nhỏ khoác hờ trên vai, một chàng trai trạc hăm lăm lững thững bước ra đường, để lại sau lưng những cặp mắt tò mò trong đám đông người đi đón chuyến bay từ Amsterdam đến.

- Anh về đâu vậy ? - Cậu tài xế trẻ nổ máy chiếc xe Toyota rồi quay lại hỏi Hùng.

- Tới khách sạn đi.

Hùng trả lời không chút suy nghĩ. Có còn người thân nào ở đây đâu mà về. Nếu có thì đã gọi điện cho người ta ra đón rồi. Khẽ mỉm cười, Hùng nghĩ thầm, khùng thật, về tới Việt Nam rồi mà vẫn chưa biết được là để làm gì.

Bạn bè ở sở làm đặt tên cho Hùng là "Violon", tại tính anh lúc nóng lúc lạnh giống y như là cây đàn violon. Trong những lúc bốc đồng, Hùng sẵn sàng làm ngay ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu. Chuyến đi về Việt Nam lần này cũng vậy. Xem cuốn băng Thúy Nga Paris Mùa Xuân Nào Ta Về, thấy ông nhà văn chê mình không biết diều bì, tam cúc, tiểu thuyết lụa đào là cái gì, Hùng nổi máu anh hùng đi xin visa rồi mua vé máy bay về Việt Nam chơi hai tuần cho biết.

- Tới nơi rồi anh Hai. Khách sạn Cửu Long này mới sửa lại đó.

Phòng Hùng thuê nằm hướng ra bờ sông Sài Gòn. Anh mở cửa sổ nhìn xuống bến Bạch Đằng. Xe cộ Ồn ào, tiếng người cười nói huyên náo làm anh nhớ tới ký ức thời trẻ thơ.

Nhà Hùng xưa ở khu cư xá ngân hàng nằm dưới chân cầu Tân Thuận. Hai mẹ con sống trong căn nhà nhỏ nằm khuất sau đám hoa giấy leo phủ kín tường. Hôm "giải phong" vô, Hùng còn chạy đi coi đánh nhau. Máy bay quần đảo ầm ĩ trên trời suốt mấy bữa, tiếng súng nổ khắp mọi nơi. Vậy mà đi bộ rã cả chân, thằng Hùng cũng không thấy chỗ người ta bắn nhau, chỉ thấy dân chúng đổ xô đi hôi của ở mấy nhà người di tản. Thôi thì đủ cả, quạt máy, tivi cho đến cả mấy bộ xa lông to cũng được đổi chủ. Về tới nhà thì bị bà già chửi một trận nên thân, sợ thằng con đi đạn lạc chết bất tử ngoài đường ngoài chợ. Chán đời, nó bỏ nhà chạy ra bờ sông ngồi chơi, tự nhiên thấy có một cái xà lan chạy qua. Ai đó gọi: "Ê thằng nhỏ, có đi thì leo lên đây, ở lại cộng sản vào bắt tụi mày đi bộ đội đó". Thằng nhóc hơn mười tuổi, trên người chỉ có mỗi cái quần sà lỏn, nghe thấy hai chữ "bộ đội" giống như bị dọa ma vậy, nhảy qua mấy cái ghe đậu sát nhau, phóng như con sóc sang sà lan đi tuốt ra ngoài cửa biển, rồi đổi lên tàu lớn, lênh đênh chỗ này chỗ kia một hồi rồi cũng tới được Bắc Âu, là nơi mà nó được người ta cho ăn, cho học, bây giờ là một chuyên viên thiết kế có hạng của công ty.

Nói thiệt ra lên tới sà lan ngồi một hồi rồi thì nó cũng đỡ tức má nó, muốn quay về nhà nhưng phần vì sợ bộ đội (?), phần biết lấy gì mà quay lại. Cửa biển rộng mênh mông, sóng cao mút mùa, làm sao mà nó dám nhảy xuống bơi vào bờ. Báo hại bà mẹ già mấy năm ròng cứ tưởng là thằng con út rồi cũng chết súng chết đạn như mấy thằng anh nó.

Sau bữa nó đi thì má nó tìm hoàn, cúng kiếng suốt mấy năm trời. Tốn bao nhiêu công sức, tới lúc buông tay dựng bàn thờ thì lại nhận được cái thư thằng Hùng gửi về báo tin, kèm theo tấm ảnh chụp nó ăn mặc chỉnh tề đứng giữa một bọn Tây trắng. Ở đời âu cũng là duyên số, hồi lúc lên tàu sang đây nó còn nhỏ quá, có biết địa chỉ với gửi thư là gì đâu. Lúc đó nhớ nhà lắm, nhưng mà nó đâu có biết làm sao. Tự nhiên bữa kia có một ông già người Việt tới trường tìm Hùng, hỏi thăm một hồi rồi nhận là lúc trước có làm chung sở với má nó. Ổng kêu lấy tờ giấy ra biên thư, rồi nói nó lựa tấm hình nào ưng ý nhất đưa cho ổng để gửi về cho bả. Mừng quýnh, thằng Hùng chạy vội về phòng ngoái mấy chữ tiếng Việt đầy lỗi chính tả, quơ đại tấm ảnh để trên bàn học, chạy ra đưa. Sau này Hùng mới biết là hội từ thiện, chỗ người ta nhận nuôi, tìm hoài mới ra một người hồi trước cũng làm ngành ngân hàng. Tại trong bản khai nó nói là má nó làm ở ngân hàng, có điều không biết là ngân hàng nào. May sao lại đúng chỗ ông này, cho nên tìm lại được địa chỉ và nối lại liên lạc.

Ổng tên là Hùng, nó kêu bằng chú. Bây giờ ông nghỉ hưu rồi, lâu lâu rảnh nó cũng tới thăm vợ chồng ông với mấy thằng con phá như quỉ sứ, ăn bữa cơm rồi ngồi xem mấy cuộc băng video ca nhạc Việt Nam. Ở bên này mấy đứa nhỏ đâu có thích ngồi với bố mẹ xem mấy cái băng đó đâu. Nhạc gì mà chậm rì như máy quay đĩa cổ lỗ sĩ vậy, tụi nó thích đi boom, nhảy nhạc RAP hơn. Bởi vậy nên mỗi lần thằng Hùng tới chơi thì ông bà mừng lắm. Hai người con nó như con vậy, nếu có con gái chắc là đã gả cho nó từ lâu rồi.