Một ông lão nông dân được người con thành đạt mời lên phố ở. Tại đây, cuộc sống tuy đầy đủ, tiện nghi song sự tù túng đã làm ông lão hiểu ra rằng, quê hương với cuộc sống giản dị, vẫn là nơi thích hợp nhất với ông.

Đã ngót năm năm sống ở thị thành mà lão vẫn không sao quen được. Của đáng tội, nói là sống ở nơi phồn hoa đô hội đấy mà lão có được hưởng mùi của phố xá bao giờ. Gần hai ngàn ngày sống với dâu con và cháu nội, nhưng chưa bao giờ lão ra khỏi cổng, mà có ra thì cũng đố có dám đi đâu, vì ở phố đường ngang ngõ dọc cứ như bàn cờ nên lão sợ không biết lối về. Lão thèm cái không khí nhà quê, thèm được ngồi trên ổ rơm cạnh bếp lửa với nồi khoai lang luộc bốc hơi nghi ngút vừa thổi vừa ăn, hay cùng với vài ông bạn già trong tổ bô lão lội dọc đồng chăn dăm con vịt, quần xắn đến háng, cẳng chân đầy bùn đất, lúc nghỉ, gân cổ rít điếu cày kêu như thổi sáo, phải nghi ngót dạ, say lử đử nằm lăn trên cỏ. Nghĩ sao mà sướng cái đời! Lão chỉ có độc một thằng con trai. Vợ chồng lão quý hơn vàng, hết lòng chăm chút, nhờ cậy người xin cho nó được theo học ở những nơi tốt nhất huyện, nhất tỉnh, tốn kém bao nhiêu cũng không ngại. Được cái, nó cũng không phụ công vợ chồng lão. Càng ngày lão càng nhận thấy nó giống lão: cẩn thận, chăm chỉ khôn ngoan và hiếu đễ, nhưng cái nết khôn ngoan của nó thì hơn đứt lão. Cái tư chất thông minh sáng láng của nó thì lão không có, cái đức ấy là của trời cho. Thật, đúng là trời cho, chứ mấy đời nhà lão chí có "mo cơm tấm, ấm ổ rơm" là tuyệt đỉnh. Còn nó, khi thi vào đại học, nó cũng tự chọn lấy, xin việc nó cũng tự xin lấy. Nó chỉ nhờ lão "lấy" cái ao cá và một con trâu cày gói thành một gói bé bằng đầu ngón tay đưa lên cho nó thôi. Khi nó có ngành có nghề rồi lão khuyên nó về làm việc ở huyện cho gần nhà thì nó lại xin với lão cho nó ở lại thành phố. Nó tính với lão toàn những nước hay, đến khó tính như vợ lão cũng chiều theo nó. Rồi nó lấy vợ, đẻ con. Vợ chồng lão lại đùm dúm những thứ gọi là quý ở nhà quê lên chơi với con với cháu dăm bữa rồi về. Bà thì nhớ ông, ông thì nhớ bà, ở chơi lâu sao cho đặng. Mà dâu con lão thì nhiệt tình, lần nào cũng đưa đưa đón đón, nghĩ ông nghè ngày xưa cũng chả hơn lão mấy tí. Có hơn thì hơn ở cái quyền hành. Vài năm sau, vợ lão chán ở với lão, không ốm, chẳng đau, chẳng lời từ giã, tự dưng bỏ lão về với tổ tiên khiến lão như đứt từng khúc ruột. Sau đấy, cả hai vợ chồng thằng con lão năn nỉ, mời lão ra ở với chúng nhưng lão không nghe. Mồ bà lão chưa xanh cỏ. Lão không thể đi được vì quanh đây chỗ nào cũng ấm hơi vợ lão. Sợ lão buồn, mấy ông bạn già rủ lão chung nhau nuôi vịt. Cùng không để tâm nhiều đến lời lãi nhưng công việc là bạn bè làm cho lão khuây khỏa. Dần dần lão thấy vui, lúc nào cũng có bầu có bạn, đùm bọc, quý mến nhau, cùng chung một niềm vui, một nỗi lo âu và một sự vất vả nhọc nhằn với bầy vịt. Được ít năm, "thời" mở cửa thằng con lão bán một nửa nhà cho hãng điện tử nước ngoài và được họ mời liên doanh. Chao ôi! đùng một cái thằng con lão thành tỉ phú. Nó mua đất, xây nhà hàng, xây khách sạn và thuê người giúp việc. Nghe đâu, riêng cái khoản này mỗi ngày nó thu được bạc triệu. Nó bảo: "Bố ơi! Còn hơn vịt của bố đẻ trứng vàng". Và nó lại xây biệt thự để ở. Nó đón lão lên chơi, đưa lão đến thăm công ty liên doanh, đến thăm các nhà hàng với khách sạn của nó. Sự tối tân, hiện đại, xa hoa làm lão mụ mị cả người. Mấy lần lão lén cấu vào tai mình xem hư hay thực. Mệt bã cả người, cuồng hết cả cẳng mới đi hết một lượt. Thật còn tệ hơn lão lội ngang lội dọc xua vịt ở cánh đồng làng thẳng cánh cò bay. Con trai lão đưa lão về nơi ở của chúng thì thôi là "thôi rồi". Ngôi biệt thự ba tầng mái cong như mái đình, ngói lợp đều tăm tắp như vảy cá nằm hơi sâu vào trong ngõ, giữa một khuôn viên có vườn cây, bồn hoa và có cả một cái hồ nhỏ với hòn non bộ nước phun như mưa bụi suốt ngày đêm. Cả nhà đón lão ở phòng khách. Tiệc đã bày sẵn và cả đời, ơn trời, nhờ con, đến giờ lão mới biết mùi sâm banh. Lão được mời ngồi ở ghế chủ tiệc. Rượu chúc lão không ngớt. Và lão say. Lão nói với con: "Đời thật là nhất dạ đế vương con ạ! Đời bố thế này là mãn nguyện lắm rồi. Chỉ tiếc cho mẹ mày... " lão ngậm ngùi. Cả nhà ngậm ngùi. "Thôi thì bà ấy cũng mát lòng nơi chín suối!".

Con dâu kính cẩn nâng bàn tay gầy guộc, khô nẻ của lão mà mủi lòng. Nó bảo:

- Bố ơi! Vợ chồng chúng con đã tính kỹ rồi. Chúng con xin với bố, bố lên đây ở với con với cháu. Bố đã già rồi. Chúng con không gần bố lúc khuya lúc sớm được chúng con chẳng yên tâm. Thôi thì bố thương con thương cháu, bố nhé!

Lão ngần ngừ:

- Nhưng còn mẹ con ở quê... ?

Con trai lão đỡ lời:

- Chúng con sẽ đưa bát hương của mẹ, cùng tổ tiên về trên này. Thôi thì các cụ đã có câu: "Con cái ở đâu, cha mẹ Ở đấy".

Hai đứa trẻ hùa theo:

- Ông về ở với chúng cháu ông nhé! Ông sẽ kể chuyện nhà quê, chuyện bà nội cho chúng cháu nghe. Bố cháu kể không bao giờ hay bằng ông kể đâu ông ạ! Ông ừ đi ông! Ông ừ đi!

Lão ôm hai đứa trẻ vào lòng, mắt dân dấn nước.

Thế là ngày hôm sau, vợ chồng thằng con lão đánh xe về làng, đến chiều hôm sau nữa chúng mới ra. Chúng kính cẩn rước linh vị, bát hương bà lão và tổ tiên lên thờ ở một phòng trên tầng ba. Lần này chúng mời cụ đồ Văn, thầy cúng lâu năm ở làng lên làm lễ. Thế là lão cũng yên tâm rồi. Tuần sau con trai lão lại đánh xe đưa lão về chia tay với bà con xóm giềng, trong làng ngoài họ. Với mấy ông bạn già đã từng chia ngọt sẻ bùi với lão cùng đàn vịt ngoài đồng. Con trai lão gợi ý chỉ nên rút về những đồng vốn đã góp chung còn phần lãi dành biếu lại mấy ông bạn. Lão cho là phải. Bạn lão thì thấy như thế là thiếu công bằng nên khi lão lên xe họ chọn gần chục đôi vịt ngon nhất gọi là chút quà quê nài ép bố con lão phải nhận. Lão cố nén để khỏi phải chia tay mọi người trong nước mắt. Hôm sau lão đau ê ẩm cả người không biết là vì xe xóc hay vì ngủ trên giường đệm. Chao ôi, cái giường thế mà cũng gọi là giường. Mỗi lần lão ngồi xuống nó cứ hụt hẫng đi đẩu đi đâu, khiến lão thót cả ruột gan lại, mãi vẫn chưa quen được. Nằm xuống xư như có người ôm, khó lăn đi lăn lại. Cái ổ rơm ở nhà quê lão lại thấy hay, cứ việc trở mình, lăn qua lăn lại thả cửa. Tối hôm ấy, khi cơm nước đã xong con dâu lão dẫn một người đàn bà chừng ngoài ba mươi tuổi đến giới thiệu với lão:

- Bố ơi, đây là chị Hoài giúp việc nội trợ trong nhà ta, những lúc con đi vắng có cần gì, bố cứ bảo chị ấy, bố nhé!

Người đàn bà kính cẩn cúi chào lão còn lão thì hơi ngớ người. Thì ra chị ta là con sen trong nhà này. Ô, thì ra con cháu lão đã có con sen, thằng quýt hầu hạ. Mà cũng phải. Dâu con lão còn phải quản lý một cơ ngơi to như thế, còn đâu thời gian để lo việc bếp núc, giặt giũ trong nhà. Thuê người ăn kẻ ở là phải. Nhưng, lão hơi bị hụt hẫng. Lão cứ tưởng rằng con cháu lão cần lão giúp đỡ những việc này. Tuy tuổi đã ngót nghét bảy mươi nhưng lão là một lão nông chi điền, sức lực còn hơn chán vạn kẻ chưa đến tứ tuần ngồi cạo giấy ở công sở. Thế mà... nhưng rồi lão tặc lưỡi: "Thì nghỉ cho khỏe, cho sống được lâu. Cả đời ta vất vả nuôi con đến ngần này rồi, được hưởng đôi chút lộc trời kể cũng phải thôi". Sợ lão buồn, con lão mua về nào là cây cảnh, nào là thú quý bày la liệt trong vườn. Vào ngày nắng đẹp chim chóc đua nhau hót ríu ran, nghe vui tai ra phết. Những ngày đầu, sáng nào lão cũng dậy sớm, nhưng rồi dậy sớm cũng chẳng để làm gì khi con cháu lão chưa dậy. Dần dần lão quen nằm ì trên giường đến khi chị bếp mời đi ăn sáng lão mới uể oải trở dậy. Vậy mà người lão tự nhiên cứ có cảm giác bải hoải, xương cốt đau ê ẩm. Khỉ vậy, khổ sở vất vả như dạo nào thì lại khỏe như vâm. Cả ngày chỉ có một mình lão với chị bếp ở nhà. Mà chị bếp thì luôn chân luôn tay, không thấy đứng đâu ngồi đâu. Dâu con thì đến công sở, hai đứa cháu thì đi học. Chúng đi cả ngày chỉ đến chín hay mười giờ tối chúng mới lục tục kéo nhau về. Cả nhà lúc ấy mới ngồi vào bàn ăn bữa tối. Trong bữa ăn bao giờ chúng cũng có dăm ba câu vấn an sức khỏe của lão, rồi đứa nào về phòng ấy xem tivi. Phòng nào cũng có tivi. Cả phòng lão cũng vậy. Lão cũng đành phải về phòng mình, nhưng lão đã chán cái tivi lắm rồi. Ngồi xem tivi lão phải nghe những người ở trong ấy thay nhau nói còn lão thì không được nói. Thậm chí, có lúc nghe họ nói những câu lão cho là không phải, lão tức mình cãi toáng lên họ cũng chẳng chịu dừng lại để nghe mà cứ thao thao bất tuyệt. Cứ thế, lặp đi lặp lại, ngày nào cũng như ngày nào, lão buồn, đâm ra nhớ làng, nhớ quê đến phát điên lên được. Lão thấy thèm nghe cái tật hắng giọng liên mồm của ông già Toét, cái thói hay văng tục của lão Lái. Lão ta văng tục cả những lúc vui và lúc buồn. Và trong một lần ngồi ăn tối, lão đã kể cho con cháu nghe cái thú của lão khi ăn khoai lang luộc, cái thú khi say thuốc lào. Lão kể mà tưởng như mình đang được hít hà vị thơm của khoai lang ở rổ khoai nghi ngút nóng của vợ lão vừa đổ từ trong nồi ra. Không nén nổi, lão nuốt nước bọt đánh ực một cái làm hai đứa trẻ cười ngả nghiêng. Sớm hôm sau dậy, chị bếp bưng đến cho lão đĩa khoai luộc còn nghi ngút khói. Lão ăn với vẻ háo hức của một kẻ được gặp lại cố nhân. Vậy mà sao chả thấy ngon. Lão thất vọng nhìn mấy củ khoai tròn trĩnh, cắt đầu cắt đuôi nằm chỏng chơ trên cái đĩa sứ trắng muốt. Lão lại lững thững về phòng. Lão thấy ngay cái điếu cày, gói thuốc lào Tiên Lãng và bó đóm nhỏ đặt trong một cái sọt bằng nhựa đỏ. Lão hờ hững cầm lấy cái điếu thuốc tra rồi châm lửa hút. Cái điếu thật kêu, thuốc thật ngon mà lão không say được. Lão thờ thẫn bước ra ban công nhìn xuống khuôn viên. Có gì đó làm lòng lão buồn tê tái. Lão chợt dừng lại nhìn kỹ cây đào phai trồng trong vườn. Cây đào đã lấm tấm nụ. Lão giật mình. Trời ơi! Lại Tết nữa rồi. Lão nhớ đến mấy cái Tết vừa rồi bố con lão đi chúc Tết vài nơi nó cho là quan trọng. Ở đấy họ kính cẩn chào lão, lễ phép hỏi thăm sức khỏe lão, lắng nghe lão trả lời rồi họ lại hàn huyên với nhau những điều mà lão không hiểu. Đôi khi họ còn xổ ra tiếng Tây cả tràng lão lại thấy mình vô duyên, quá thừa thãi. Ở chỗ nào cũng thừa thãi, ngày nào cũng thừa thãi. Lão thấy như mình không còn thực sự sống. Lão hưởng thụ mọi thứ đều được người ta dâng đến tận nơi. Lão sợ Tết đến, nó lại diễn ra như mọi năm. Ước gì lão được ăn Tết ở quê với những người quen cười to, nói to, được cùng mấy ông bạn già hút thuốc lào kêu như thổi sáo và say lử đử lăn lóc ngả nghiêng trên cỏ, được ăn bánh chưng với thịt mỡ với dưa hành, cái giống hành tía, nén bẹp ra rồi mà còn cay xè đến chảy nước mắt qua hàng. Một ngày cuối năm, chợt thấy xích lô chở chị bếp về đỗ ngoài cổng sắt, lão gật gù. Phải rồi, lão có cách. Lão rón rén vào phòng, cài chặt cửa. Lão lục trong tủ lấy dăm chục ngàn trong số tiền người ta biếu lão từ mấy Tết trước, cho vào túi rồi kiếm cái bút và mảnh giấy, với trình độ "diệt dốt" của mình lão vã mồ hôi hột mới để lại cho dâu con được ba chữ. Rồi hai tay đút túi lão thong thả ra khỏi phòng. Lão bảo chị bếp:

- Mở cổng cho ông ra quán mụ béo một tí rồi khóa lại, lúc nào về ông gọi!

Chị bếp kính cẩn:

- Vâng, thưa cụ.

Lão đàng hoàng đi thẳng ra đường phố tìm một chiếc xích lô. Ngồi trên tàu nghe tiếng điếu cày reo lách tách, lão choàng dậy chìa tay xin mấy gã đàn ông bên cạnh. Một gã vê thuốc bỏ vào điếu và châm lửa cho lão. Lão hào hứng gân cổ hít một hơi rõ dài gần như nuốt cả khói mãi sau mới ngửa cổ phun ra hai lỗ mũi. Lão say, đầu lão ngất ngư theo nhịp tàu. Về đến đầu làng, lão cởi phắt quần áo dài quấn lên cổ rồi lội ào xuống ruộng, vục hai tay sâu vào trong bùn và đứng lặng rất lâu. Cái lạnh cuối năm với lão thật chẳng thấm vào đâu.

11-1995

Hết