Ghi chú của BBT về truyện dài Quán tai heo của Bình-nguyên Lộc:
Theo lời giải thích ở đầu truyện, Quán Tai Heo đã được in trên "Tiểu thuyết thứ bảy" vào năm 1960, sau đó Bình-nguyên Lộc có nhắc tới truyện Quán Tai Heo khi trả lời phỏng vấn của Lê Phương Chi (Tin Sách số 2-1965) rằng truyện này cũng có trong tập truyện Quán Bên Đường. Như vậy bản in của Vạn Xương là bản in lần thứ ba.
Bản in trong "Tiểu thuyết thứ bảy" chắc chắn có chỗ khác với bản này vì lúc bấy giờ (1960), Phạm Duy chưa phổ nhạc bài thơ của Minh Phẩm (1963) và điểm chú thích số 1 sẽ không có lời hát của bản nhạc "Khoai Ngọt Bánh Đắng".
Chúng tôi chưa tìm ra được tung tích nào của tập truyện Quán Bên Đường, trong đó có truyện Quán Tai Heo như lời Bình-nguyên Lộc trả lời phỏng vấn của Lê Phương Chi. Vậy quí vị độc giả nào còn giữ tập truyện Quán Bên Đường, kính xin vui lòng giúp chúng tôi có được phiên bản Quán Tai Heo trong tập ấy, để tài liệu được đầy đủ hơn cho những độc giả nghiên cứu.
Bài thơ có chú thích số 1 chắc chắn là của Minh Phẩm, với nhan "Cuộc Đời", và bản nhạc được Phạm Duy sáng tác năm 1963 với tựa là "Khoai Ngọt Bánh Đắng" và nếu so sánh lời của bản nhạc trong chú thích số 1 với lời của bản nhạc "Quán Bên Đường" cũng của Phạm Duy, ta không thấy sai biệt nào ngoài những dấu câu mà gốc vẫn là bài thơ "Cuộc Đời".
Như vậy lời nhạc Quán Bên Đường là của Minh Phẩm. Trên trang nhà của Phạm Duy (đã ngưng hoạt động) và một số trang web cho rằng lời nhạc là của Bình-nguyên Lộc. Điều này không đúng.
Mời bạn vào xem


Tiểu thuyết này đăng báo „Tiểu Thuyết Thứ 7" năm 1960 nhưng câu chuyện xảy ra năm 1959. Nhạc phụ bản do Phạm Duy sáng tác năm 1963.
Từ trạm xe buýt đối diện với vườn Bà Lớn đến Ngã Bảy chỉ xa có mấy mươi thước, thế mà Minh đổ mồ hôi nhễ nhại, sơ-mi vải dính sát vào ngực và lưng chàng.
Nắng trưa gay gắt bị mặt đường nhựa phản chiếu trở lên, khiến người đi đường như vừa bị đốt ở trên, vừa bị hơ ở dưới. Một ngọn gió nhẹ thổi qua làm cho mồ hôi của Minh bốc lên thành hơi. Chàng nghe mát lạ và sung sướng lắm. Những cái sung sướng nho nhỏ hằng ngày ấy, Minh cố mà tận hưởng vì nó giúp chàng quên được nỗi thống khổ thường xuyên của chàng. Nhưng hôm nay chàng đã hết khổ rồi, mà sao vẫn còn nghe cái ấy là sướng ? Minh còn đang băn khoăn thì đã đi tới cửa quán.
Bấy giờ đã hơn một giờ trưa. Quán vắng teo, chỉ còn có mỗi một ông khách độc nhứt đang ngủ gục trước một tách cà-phê và một ly rượu thuốc. Ngoài của quán, không thấy bóng ai cả.
Chàng đã biết trước sẽ bắt gặp ông ấy ngủ gục ở đây vào giờ này, nhưng vẫn ngạc nhiên vì hôm nay ông ta ăn mặc rất giống bạn hay tôi, hay bất kỳ ai khác.
Nhà văn Bắc Hải đã giới thiệu với chàng rằng đó là ông Lê Thiệu Các, giáo sư địa lý trường Đại Học Văn Khoa.
Ông Các trạc năm mươi nhưng trông còn sõi lắm, trán rất cao và mặt mũi khôi ngô. Ông thường mặc âu-phục may bằng vải ka-ki vàng, cà-vạt cũng cùng thứ vải và cùng màu. Chơn mang giày ống bằng da, tay cầm can, ông có vẻ một thợ săn hay một người Âu băng rừng hơn là một nhà giáo đang sống giữa thành phố. Hôm nay ông mặc đồ trắng, sơ-mi hở cổ, đi giày săn-đan, nên trông hơi khác khác.
Cứ theo lời của Bắc-Hải thì ông giáo-sư đại-học ấy cứ bị người trong quán gọi bằng ông giáo vì lối sống đơn giản của ông. Ngày nào ông cũng ăn cơm trưa tại đây rồi ngồi đó mà ngủ gà ngủ gật cho đến ba giờ trưa.
Minh bước vào quán, ngồi lại trước chiếc bàn rộng nhứt kê giữa nhà, huơi tay một cái để đuổi ruồi và xem chúng bay lên cho vui mắt. Vào giấc trưa, ruồi không bị ai quấy rầy, đậu đầy các tấm vải nhựa phủ bàn, trông như là vải có vẽ hoa đen lấm tấm. Chàng có ý chọn chiếc bàn nầy để trả thù những lần phải lùi vào xó vách.
Minh chờ trót năm phút mà không thấy ma nào ra nên nắm tay lại, đấm lên mặt bàn một cái rầm. Thổ dường bằng chất nhựa dẻo và cả ve nước mắm bằng pha-lê, rất nặng, đều nhảy tưng lên. Ông giáo Các giựt mình mở mắt ra, nhìn chàng một giây, rồi lại gục xuống mà ngủ trở lai.
Từ buồng trong chẫm rãi bước ra nuột cô chiêu đãi viên mặc áo choàng trắng, tóc uốn quăn theo lối quăn tự-nhiên của phụ nữ da đen. Nước da của cô ta cũng đen lắm, nên trông cứ ngỡ đó là một cô gái Mạc-Ti-Níc lai:
- Làm người ta hết hồn hè ! Uống gì ?
- Nói cho có lễ phép không thôi bị đòn nứt đít đa.
Minh là khách quen lâu ngày của quán nầy, lại là khách ít xu, không bao giờ được trọng vọng, nên chi các cô chiêu đãi viên ở đây hay lấy cái nê là thân mật để mà vô phép với chàng. Thật ra là họ khinh rẻ chàng. Khách nghèo nào khác, họ dám đâu vô lễ ra mặt như vậy. Gần chúa gọi Bụt bằng anh mà !
Cô chiêu đãi viên mỉm cười mai mỉa rồi trêu chọc:
- Vâng, thì lễ phép ! Vậy chú ăn chi ? uống chi ?
- Kêu bằng chú, cũng bị đòn nữa.
- Khó tánh lắm. Vậy anh ăn gì ? uống gì ?
- Giỏi, có thế chớ. Nè, em cho anh một cái ly...
- ? ? ?
- ... bỏ vào ly vài muỗng đường...
- ? ? ?
- ... rót vào đó một chén nước lạnh...
- ? ? ?
- ... lại bỏ vô một cục nước đá...
- ? ? ?
- và nửa trái chanh.
- Mắc dịch, thì cứ nói suỵt-xủi đi cho gọn, báo hại người ta phải lắng tai nghe cả buổi.
Từ sáng đến giờ, trong bụng chưa có gì cả, nhưng Minh cứ nghe no nóc vì mệt và mừng. Liệu không ăn gì cho vô, chàng gọi nước đá chanh để giải khát. Với lại cũng để trả thù. Hôm nay chàng có tiền, sắp trả thù đây. Mà còn cách nào trả thù ác cho bằng bắt họ ngạc nhiên tột độ mà thấy sau cái cùng cực giả vờ của chàng, một sự giàu có bất ngờ.
"Ừ, mọi khi hắn uống nước cam, hoặc cà-phê đá, nhưng hôm nay thì chỉ nước đá chanh hai đồng rưỡi thôi. Rõ là càng ngày càng xuống chơn".
Nhưng rồi họ sẽ biết tay chàng. Hôm nay chàng vừa chụp được một ghim hồi sớm nầy, tại nhà báo. Từ lâu, mỗi lần chàng mang những bài thơ nắn nót suốt tháng đến cho thằng Thanh-Vân, tổng thơ ký tòa soạn nhựt báo SỚM MAI, thì đều bị nó đẩy ra và nói:
- Tao đã bảo mầy rằng nhà báo không cần thơ kia mà.
Có bận tức quá, chàng nói:
- Thì mầy cứ ráp những câu thơ đó lại để biến nó ra văn xuôi, rồi đưa tiền cho tao ăn cơm, tao đói lắm.
- Không được !
- Sao lại không ? Nếu tụi nó viết văn xuôi rồi ngắt ra từng khúc mà bảo rằng đó là thơ tiên phuông, thơ tiền phong gì đó được, thì tao hay mầy, ráp thơ lại để làm văn xuôi, sao lại không được chớ ?
- Tao đã bảo là không được !
Rồi thằng Thanh-Vân không thèm cãi nữa, cúi xuống mà viết văn xuôi.
Nhưng tuần rồi, nó dễ thương quá:
- Nè, tao vừa nghĩ ra cách giúp mầy. Mầy cố mà viết một truyện võ hiệp, tao đăng cho, Nhưng mà mầy viết chắc dở lắrn, vậy chỉ trả mầy bảy mươi đồng một ngày thôi. Báo mỗị tháng ra 26 ngày, vậy mầy được 70đ x 26 =1820đ mỗi tháng.
Hôm ấy đói quá, chàng nhận càng bừa, và hôm nay chàng mang cốt truyện đến, chủ báo ứng trước cho chàng một ngàn đồng. Giàu to rồi ! Nếu sống theo mực sống trước, chàng làm gì cho hết số tiền một ngàn tám, bỏ hai mươi đồng lẻ vì chủ báo cho rằng nên làm cho tròn con số. Nhưng sao lại không làm tròn thành 1.850đ hoặc l.900đ thì đó là một sự bí mật mà Minh không sao khám phá nổi.
Cô chiêu đãi viên bưng ly nước đá chanh ra, dằn mạnh lên bàn khiến ruồi lại bay lên. Sau lưng cô nầy, một cô thứ nhì cũng ra đến nơi mà Minh không thấy.
Chàng bận tìm cho đủ hai vế thơ hầu đặt nơi chương đầu truyện võ hiệp ấy, cho có vẻ Tàu. Nhan truyện chàng đã tìm được lúc đứng trên xe buýt. Nhất định phải là SƠN-ĐÔNG KIẾM-HẬN mới hạp với loại phun phí kiếm và đánh nhau chí tử này. Chàng định cho chuyện khởi phát tại quán Tai heo, và đã tìm ra vế trên của câu thơ. Chàng ngâm nho nhỏ:
Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.
Cái vế thứ nhì phải có đoạn: "... nghĩa-hiệp quyết ra tay" mới là đối chọi và xuôi nhạc cho. Nhưng trước tiếng "nghĩa hiệp" nói cái gì bây giờ ?
Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.
............................................
Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.
............................................
Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.
Bỗng một chuỗi cười dòn kéo mặt chàng ra sau. Cô chiêu đãi viên số hai ấy cười rồi hỏi:
- Anh hùng không tiền trả quán, nên bị bắt xuống bót phải không ?
- Im cái mồm, con nít đừng có hổn láo, mất lỗ rồi kia mà không lo.
Cô ấy bỗng đỏ mặt tía tai, sấn lại trước mặt chàng và hỏi giọng sân si:
- Anh nói gì đó ? Đừng có hồ đồ hỗn độn, không được đa.
- Anh chỉ nói sự thật; em không tin, bước ra thềm, ngước lên thì rõ.
Cô này nguýt chàng một cái rồi ngoe ngoảy bỏ đi lại quầy thâu tiền, đứng dựa lên đó, miệng ngồm ngoàm cái gì nghe không rõ. Cô ta nước da mét xanh, nhưng vì giận nên đỏ hồng lên khiến Minh phải khen:
- Hôm nay em khá đẹp.
- Hứ !
Cái cô đen thui, tò mò bước ra vỉa hè, ngước lên dòm rồi nói lớn:
- Mất lỗ thật rồi mầy ơi: ông chủ ổng bôi hồi nào không rõ.
Bảng hiệu của quán ấy nguyên đề là "QUÁN LỖ TAI HEO", Minh thấy chướng nói với ông chủ quán:
- Ông bán và khách ăn TRÁI TAI HEO, chớ cái lỗ tai vì nó là cá lỗ thì ai ăn được mà ông bán. Ông nên bôi bớt chữ LỖ đi !
Ông chủ hiệu cho rằng chàng nói có lý và toan làm y theo đề nghị của người khách dị kỳ nầy, Nhưng cô mặt mét đã ngăn cản kịch liệt, cho rằng ai cũng nói "LỖ TAI HEO" cả, không tin đi hỏi nuột trăm bà nội trợ mà xem, thử coi có bà nào nói khác hay không thì biết.
Cô ta lại dọa ông chủ bằng câu chuyện sau đây:
Một hiệu bánh ngọt kia đề bảng hiệu như vầy: TẠI ĐÂY CÓ LÀM VÀ BÁN BÁNH NGỌT. Một khách hàng phê: "Ai lại không biết rằng là TẠI ĐÂY, còn phải nói làm chi cho dài dòng". Chủ hiệu nghe xuôi tai, bôi hai tiếng TẠI ĐÂY. Bảng hiệu được thâu ngắn: CÓ LÀM VÀ BÁN BÁNH NGỌT.
Vài hôm sau, một khách hàng khác lại chỉ trích: "Ông có làm hay ông mua của hiệu khác để bán, người ta cóc cần biết, người ta chỉ cần ông có bán là đủ rồi. Vậy bảng hiệu lại được rút gọn lần thứ nhì: BÁN BÁNH NGỌT.
Nhưng hôm sau, một khách hàng cười ha hả khi đọc bảng hiệu mới nầy: "Ông bày bánh trong tủ kiếng ắt hẳn là để bán, chớ không lẽ ông bày cho vui nhà vui mắt ?"
Ông chủ hiệu liền cho thợ bôi ngay hai tiếng BÁN BÁNH vô lý ấy đi, và rốt cuộc hiệu bánh chỉ còn cái tên ngắn ngủn là NGỌT.
Cô mặt mét tiên liệu rằng, nếu cứ nghe những ông khách vớ vẩn như vậy mãi thì e ngày kia quán sẽ mang tên HEO gọn lỏn.
Chủ quán hơi sợ khi nghe câu chuyện trên đây. Nhưng không hiểu vì sao rốt cuộc ông lại len lén mà bôi chữ LỖ hồi nào không ai hay.
Minh đã thấy sự thay đổi nhỏ ấy khi sắp bước vào quán, nhưng không biết cùng ai mà khoe sự đắc thắng của chàng. Đến bây giờ chàng mới có dịp nói ra.
Nghe thế, cô mặt mét càng tức thêm vì cô đã thua trận cái thằng cha kỳ dị này. Minh làm lành:
- Em Hồng Đào nè, bít lỗ thì chuột hết đường chun vô chớ có gì mà em giận.
Cái cô mặt mét mà lại tên Hồng Đào ấy vụt cười xòa, và không khí ủ ê của buổi trưa hè vắng khách ở đây bỗng tươi lên.
Có một người khách tên là Tư Chuột hay tán tỉnh cô Hồng Đào này mà cô không ưa. Minh pha trò tức cười quá làm cô ta không nín được, mặc dầu cô cũng chẳng ưa gì Minh.
Hai cô chiêu đãi viên ở đây rất đặc sắc nơi cái điểm này: cô đen thui thì lấy biệt hiệu là Bạch Tuyết, còn cô mặt mét lại tự là Hồng Đào. Cả hai lại đặc sắc hơn vì xấu như bà hoàng hậu họ Chung và có duyên như một ngày mưa dầm.
Tuy nhiên thân thể họ đẹp, lại gói trong chiếc áo choàng trắng nên trông từ đằng sau cũng ưa nhìn. Thành ra Minh không ghét họ lắm, mặc dầu chàng bị họ hất hủi nhiều phen.
Quán về đêm được tăng cường thêm ba cô chiêu đãi viên trá hình. Không, đừng nghĩ ngay đến ý quấy là họ buôn hương. Không rõ về nhà họ có làm gì bậy bạ không, nhưng quán này lương thiện về mặt ấy lắm.
Nguyên chiêu đãi viên thật sự không được ngồi với khách nên khách họ buồn. Ba cô trá hình ấy, mặc y phục thường, ngồi bàn như là bạn hữu hay vợ con hoặc nhơn tình của khách mà không ai bắt bẻ được cả. Họ chỉ trá hình tới mức đó thôi.
Nếu hai cô bưng chén bưng ly mà còn nặng nhẹ chàng được thì ba cô áo màu về đêm còn song tàn hơn biết bao nhiêu đối với chàng.
Ở đây không ai biết chàng làm nghề gì cả, mà có lẽ họ tin rằng chàng thất nghiệp cũng nên, vì chàng ngồi quán giờ này đến giờ khác trong khi các công tư sở, các xưởng, các nhà máy đều làm việc. Quán nầy có bán cơm trưa cho phu xích lô, sáu đồng một dĩa và chàng ăn cơm trưa với họ. Nội cái việc ăn cơm với phu xích lô và mặc quần ống tròn như ống tre, mặc sơ mi tưa cả bâu, đủ làm cho quán xem thường chàng. Nhưng sở dĩ họ dám khinh chàng ra mặt là vì lờn mặt: chàng chà lết nơi đó thường quá, uống môt ly đá chanh mà ngồi đến bốn tiếng đồng hồ. Nhứt là giấc tối là giấc họ sợ, họ tức chàng đến muốn đuổi chàng ra. Vào giấc ấy, khách rất đông vì quán biến thành ba, bán rượu mạnh và một món nhắm mà khách ưa thích: món tai heo luộc, chấm mắm nêm. Một anh chàng choáng ghế, mà chỉ uống một ly rước đá thì có đáng tống cổ đi hay không chớ ?
Minh biết tự trọng. Nhưng chàng khinh rẽ họ và tự nhủ không nên chấp nê đối với những kẻ không đáng kể ấy. Vả chàng rất cần nơi này để có bàn mà viết lách, và hình như là chàng đã ghiền không khí nơi đây rồi, khó mà tìm nơi khác lắm. Tìm nơi khác ? Thì nơi khác cũng sẽ dằn ly, dằn chén như ở đây chớ gi. Ở đây, được cái là chàng mắng lại họ rất sướng miệng mà họ vẫn làm thinh. Họ cũng tốt bụng đấy chớ !
Không hiểu vì sao mà chàng lại ưa không khí quán lều. Đành rằng nhà trọ lắm muỗi, nó đốt phải chạy như điên, lại không có bàn. Nhưng chắc không phải chỉ vì hai lẽ đó đâu. Ông giáo đang ngủ gục kia và nhà văn Bắc Hải chắc cũng thế, nên họ đến đây thường lắm. Hình như là họ cũng ở xóm nào gần đó như chàng. Cả ba như đã ngầm ký kết với nhau là không ai hỏi thăm nhà cửa gia đạo ai cả.
Ông giáo và nhà văn Bắc Hải là hai yếu tố gây cái không khí mà chàng ghiền này. Nhưng chắc còn nhiều yếu tố khác mà chàng chưa tìm ra được.
Hai cô chiêu đãi viên đã tươi cười và dường như tội nghiệp anh chàng bị hất hủi, cả hai đồng đến trước bàn anh, Minh buồn cười cho tình đời quá. Hai cô này, nếu không làm ở đây chắc không đủ tiền để ngồi tiệm uống nước đá hai đồng rưỡi như chàng. Thế là chàng giàu hơn họ. Nhưng họ khinh chàng có lẽ vì họ ngỡ họ lấy được cái giàu của khách khác sao mà !
Tuy nhiên, đây là dịp hiếm hoi mà chàng được các cô đến bàn trò chuyện, nên chàng sẵn lòng quên cả mọi mỉa mai của cuộc đời, để mà vui vài phút.
- Em Hồng Đào ơi, em ăn hiếp anh như vậy không sợ trời trả báo à ?
- Hứ ! Bộ anh là chồng của em sao mà trời trả báo ?
- Nếu em chịu uống thuốc điều kinh hiệu "Con Trâu" cho bớt mệt thì sao anh lại không là chồng của em ?
- Hừ, đừng có nói bậy.
- Em chê anh ? Chê thì thôi, còn em Bạch Tuyết đen ?
- Nếu anh chịu cạo râu mỗi ngày một lần và chịu bỏ giặt áo quần vài hôm một bộ thì có thể có chút ít hy vọng.
- Anh xấu trai lắm không ?
- Không xấu. Còn trái lại nữa. Nhưng anh liệu nuôi nổi em hay chăng ?
- Em ăn một ngày mấy chén cơm ?
- Em không ăn cơm; chỉ ăn mì, ăn nem nướng, ăn chả giò không mà thôi.
- Mẹ ơi, hèn chi mà mập ú muốn nứt áo choàng.
- Anh nói ai mập ú hử ? Bộ heo sao mà ú ?
Hết cô mặt mét, giờ đến phiên cô mặt đen nổi giận. Minh chưa kịp pha trò để xí xóa thì một người khách bước vào, làm cả ba đều quên hết mọi việc, bởi bận chú ý đến hắn.
Khách bé người, răng hơi hô, mang kiến cận thị, và ngậm một chiếc bíp to tướng. Đây là một tay khách xộp, nhậu cừ, nên được nể nang.
Anh Bắc Hải ấy nhìn chàng mà nói: "Rua", nhưng xâm xâm đi thẳng lại bàn của ông giáo.
Bắc Hải trước kia là văn sĩ, nhưng anh ta lại bỏ nghề văn, xoay qua nghề báo. Ở đây họ biết nghề nghiệp của anh ta nên gọi anh ta là "thầy nhựt chình". Có một bí mật này mà họ không rõ là "thầy nhựt chình" lại đèo bồng say mê thêm một ngành hoạt động thứ nhì nữa là việc khảo cổ.
Một nhà khảo cổ mà chỉ mới có băm tám tuổi thôi, thì trông buồn cười hết sức. Trong làng văn, làng báo, anh em quen gọi đùa anh là nhà "khảo của.. vợ", hoặc nhà "bẻ cổ... gà".
Ông giáo sư Lê Thiệu Các cũng là nhà khảo cổ địa lý, nên cả hai, một già một trẻ, bồ nhau lắm.
Đến trước người ngủ gục, Bắc Hải gọi:
- Cụ ơi ! Dậy mau, có chuyện này hay lắm !
Ông giáo là người miền Bắc, nên Bắc Hải mới gọi ông ta như vậy. Ông giáo ư... ư... mấy tiếng rồi hỏi, giọng nhừa nhựa:
- Gì đó ?
- Dậy cho tôi hỏi thăm một chi tiết này.
Ông giáo ừ, nhưng vẫn tiếp tục ngủ, cái trán cao, sói sọi áp sát vào mặt bàn. Cây ba toong của lão ta ngã nằm dưới đất, một đầu gác lên ống phóng.
- Ê, Băc Hải, để ổng ngủ. Lại đây mỗ bảo cái nầy.
Bắc Hải nhìn ông già lần chót rồi lắc đầu, đoạn cười hiền lành, bước qua bàn của Minh. Hai cô chiêu đãi viên bu quanh anh ta, hỏi lăn xăn:
- Thầy hai uống chi ?
- Băm ba nha thầy hai ?
- Suỵt xủi phé !
- Trời ơi, bộ thầy hai bị cha kia truyền lây bịnh nước đá rồi hả ?
Bắc Hải chưa ngồi xong, vội nói:
- Mỗ muốn kiểm soát lại xem đào kinh Vĩnh tế ta huy động bao nhiêu nhơn công, nhưng lão ấy ngủ mãi, không làm sao hỏi được.
Ấy, Bắc Hải chỉ khảo những cái cổ vừa vừa độ hai ba trăm năm trở lại đây thôi, và chỉ khảo riêng về vùng hậu giang thôi. Những thứ lâu đời hơn, hoặc xảy ra nơi khác, anh ta không thèm biết đến.
Minh hỏi:
- Ê ta... Quán tao heo, anh hùng lâm đại nạn... rồi sao nữa ?
- Nhà ngươi nói cái gì mà như là hát bội, mỗ không hiểu nổi.
- À, mỗ viết truyện kiếm hiệp và đang tìm hai câu thơ để ở đầu chương cho nó có vẻ Càn Long hạ Giang nam.
- Vậy à ? Quán tai heo, anh hùng... Quán tai heo... dễ ợt.
- Sao đó ?
- Nè... Quán tai heo, anh hùng lâm đại nạn,
Xóm Vườn Lài, hào kiệt quyết ra tay.
Quán đối với xóm, anh hùng đối với hào kiệt, nghe kêu chan chát như hai lưỡi kiếm chạm nhau.
- Hay, nhưng chuyện xảy ra ở xóm Sáu Lèo chớ không phải ở xóm Vườn Lài, và có cả một tiểu thơ tuyệt đẹp trong đó nữa.
- Thi sĩ gì mà dở ẹt. Như vầy lại..càng dễ hơn...nè:
Quán tai heo, anh hùng lâm đại nạn,
Xóm Sáu Lèo, thục nữ quyết ra tay.
- Tuyệt ! thật là tuyệt cú. Phen này thì thằng Thanh Vân nó sẽ biết tay mổ. Nó cứ khinh mỗ là chỉ được cái than mây khóc gió hão. Được Thanh Vân ơi, phen này mầy sẽ thấy tao phi dạ hành và vung kiếm sáng ngời.
Bỗng vụt thình lình và không có câu, không có bắc cầu, Bắc Hải nói:
- À, hôm qua mỗ tìm được một cây trôm trôm và một cây vông đồng, nhà ngươi muốn xem, mai này theo mỗ.
- Ở đâu ?
- Trong sở thú.
Bắc Hải rất sành cây và thú. Hắn biết tên đến gần hai trăm thứ rắn, và tả được rõ từ cây mắm đến cây nhàu.
Hai cô chiêu đãi viên cà rà mãi mà không được Bắc Hải trêu cợt nên buồn ý tản đi. Bắc Hải không thích tán gái, chỉ say mê đồ cổ thôi, mặc dầu hắn ta cũng có nhơn tình, một cô xẩm lai trong xóm Cây Điệp đôi.
Anh ta không đẹp trai hơn Minh, không ăn mặc bảnh hơn, nhưng độ rày anh ta có tiền nên được các cô ưu đãi. Minh buồn cười quá, một kẻ muốn vui mà bị họ cho ra rìa, còn một người họ săn đón lại cứ trốn trong cổ thời.
Ông giáo ho một hơi. Đó là dấu hiệu ông ta thức dậy luôn, và quả ông ta ngóc đầu lên sau cơn ho. Mặc dầu ăn quán ngủ đình thế, ông ta ăn mặc vẫn chững chạc, và trông đẹp người lắm. Thuở thanh xuân chắc ông ta rất xinh trai.
- Chào các anh ! Có gì lạ ?
- Cụ ơi Bắc Hải hỏi, kinh Vĩnh tế...
Nghe đến tên con kinh lịch sử ấy, mắt ông giáo sư địa lý bỗng sáng lên: Hữu tình ta lại gặp ta, nên chi hai nhà khảo cổ nhìn nhau say đắm, như cảm thông nhau trong cuộc truy nã quá khứ ngàn đời.
Nhưng ông giáo bị một ám ảnh khác, nên vội nói:
- Này, thằng Nai Đồng nó giải thích hai tiếng chích, đầm trong tạp chí "Bách Khoa" sai be bét hết.
- Chích, đầm gì đó cụ ?
- Hai anh là người miền Nam, lại không biết hai tiếng đó à. Thơ Nguyễn Đình Chiểu đó mà !
.............................
Khỏe quơ chài lưới, mệt quên câu đầm,
Nghêu ngao nay chích mai đầm,