Dưới chân ngọn Thiên Sơn có một thôn trang nhỏ tên là Quản Phạn Tự. Tại sao có cái tên lạ lùng thế ?

Tương truyền, vào khoảng vua Đường đời thứ 2 (Lý Thế Dân) cai trị thiên hạ, nơi thôn trang có một chú nhỏ chăn bò. Chú ta hằng ngày thả bò, cắt cỏ ở sườn Bắc của núi này. Cỏ ở các nơi khác đều không tốt, chỉ có một vạt cỏ ở dưới khối đá xanh đặc biệt non mởn và cao tốt lạ thường. Mỗi ngày, sau khi cho bò ăn no, chú mục đồng còn cắt thêm một gánh cỏ mang về nhà. Nhưng qua ngày thứ hai xem lại thì chỗ cỏ cắt ngày hôm trước lại xanh cao như cũ. Điều này làm cho chú mục đồng cảm thấy kỳ lạ không ít.

Một hôm trên đường về nhà, gặp một vị lão hòa thượng ở ngôi chùa trong rừng chú ta mới đem sự việc kỳ lạ ấy nói với hòa thượng. Nghe xong lão hòa thượng rất thích thú, nghĩ thầm : “Dưới lớp cỏ này nhất định phải có vật gì quý lắm”. Ngay tối hôm ấy, lão hòa thượng dẫn theo một đồ đệ tâm phúc, vác theo mai cuốc đến dưới hòn đá xanh ấy ra sức đào bới kiếm bảo vật. Đào tới đào lui gần suốt cả đêm mà báu vật đâu chẳng thấy, chỉ vớ được một cái nồi sắt. Thấy nồi sắt này, hai thầy trò cụt hứng. Lão hòa thượng đá nồi sắt một cái, bực bội nói :

- Thứ này mà quý báu à ?

Tiểu hòa thượng đi theo cúi xuống cầm nồi sắt lên nói với sư phụ :

- Cả đêm mình phí bao nhiêu sức lực mới gặp được cái này, cầm về làm đồ cho chó ăn cũng chẳng bõ công.

Lão hòa thượng nói :

- Nếu con không ngại tốn sức thì cứ cầm về.

Về chùa, chú tiểu để vào nồi một suất cơm đem cho chó ăn, rồi đi làm việc khác không để ý đến.

Qua ngày hôm sau, chú tiểu thấy cơm trong nồi vẫn như cũ, chú ta nghĩ : “Chắc mấy con chó này không thèm ăn, phải để tâm theo dõi mới được”. Sau khi xem xét, chú ta nhận thấy chẳng những chó ăn nhiều hơn còn ăn đến mấy lượt nữa. Mùi cơm trong nồi hình như thơm ngon hơn làm cho bầy chó ăn đến nỗi bụng căng phồng.

Tối đến chú tiểu xem lại nồi cơm, thấy cơm trong nồivẫn ngang mức cũ. Chú ta lấy làm ngạc nhiên, vội bẩm báo sự tình này lên sư phụ. Ban đầu lão sư phụ cũng không tin, nhưng sau khi để ý theo dõi ba ngày liền, thấy sự thật đúng như đệ tử mình thưa trình. Vị lão hòa thượng mừng thầm, tự hỏi : “Có phải đây là chiếc nồi quý chăng ?” Lão hòa thượng bảo đệ tử kỳ rửa sạch sẽ để làm nồi nấu cơm cho đại chúng. Kết quả là cơm trong nồi ăn bao nhiêu cũng không thiếu. Lão hòa thượng rất mừng.

Một bữa trưa nọ, vua Đường đi tuần du qua địa phương này, dắt theo cả đoàn tùy tùng, ghé lại chùa tạm nghỉ. Lão hòa thượng và tăng chúng trong chùa lật đật ra cổng xếp hàng đón tiếp.

Vào chùa an tọa xong, nhà vua truyền lệnh :

- Các tướng sĩ vừa đói lại vừa khát, mau mau khoét lò nấu cơm đi nhé !

Hỏa đầu quân ứng tiếng vâng lời, đoạn xoay người định cất bước, liền bị lão hòa thượng ngăn lại. Ông ta chắp tay thi lễ, tâu với nhà vua :

- Bệ hạ khỏi phải ra lệnh nấu cơm, bần tăng đã chuẩn bị xong cả rồi.

Nói xong lão hòa thượng kêu chú tiểu bưng nồi cơm quý ấy ra. Trong nồi, gạo nấu đang sôi ục ục, khói bốc lên khỏi nắp. Nhà vua nhìn thấy chiếc nồi bé xíu, tức thì đùng đùng nổi giận, gằn giọng nói với lão hòa thượng :

- Vị tăng nhân này muốn đùa với bản nhân ư ? Bộ không nhìn thấy cả ngàn tùy tùng của ta à ?

Lão hòa thượng lật đật thi lễ nói :

- Tâu bệ hạ, đâu dám, đâu dám thế ! Nếu cơm trong nồi này không đủ cho bệ hạ và đoàn tùy tùng ăn, thì bần đạo xin chịu tội khi quân theo phép nước.

Nhà vua thấy lão hòa thượng nói cứng như thế liền ra lịnh cho tùy tùng bắt đầu ăn cơm. Kết quả thật lạ kỳ ! Anh một chén, tôi một chén, trước một chén, sau một chén, trái một chén, phải một chén, ăn khắp lượt người mà cơm trong nồi vẫn còn nguyên như chưa từng được bới bao giờ.

Chừng đó nhà vua mới tin, vui vẻ bội phần, sai người mang văn phòng tứ bảo ra, hươi bút viết ngay ba chữ đại tự “Quản Phạn Tự ” và bảo treo ngay ở cửa chùa. Chùa có tên Quản Phạn Tự từ đó.

Về sau, trong chùa có một số hòa thượng khởi tâm tham, lén lén dòm dõ đến chiếc nồi quý ấy, ai cũng muốn chiếm làm của riêng mình. Lão hòa thượng thấy vậy mới bắt đầu phòng bị. Một đêm không trăng, lợi dụng lúc trời tối, lão hòa thượng kẹp chiếc nồi bên nách, lách qua cửa sau, đi về sườn núi phía Bắc. Để cho dễ tìm thấy sau này, ông ta đem chôn chiếc nồi quý về phía bên phải của một gốc tùng cao nhất. Đến ngày hôm sau trở lại định lấy chiếc nồi thì lạ chưa, cả sườn núi tùng đều cao như nhau cả. Chỗ chôn nồi không còn dấu tích để tìm kiếm.

Chiếc nồi quý tìm không thấy mà ngôi “Quản Phạn tự” theo thời gian không còn dấu tích gì. Nhân vì ngày xưa ở đây có “Quản Phạn tự” nên thôn trang này được gọi mãi thành tên.

(Vương Tân Dân sưu tầm theo lời thuật của Phạn Triệu Thị)

Hết