Chương 1

Với Bích Hải, những ngày “Người Rừng” ở Sàigòn là những ngày vui nhất, vui hơn cả những ngày Tết cùng lũ em đứng xếp hàng chờ “bà con” vừa phát lì xì vừa than:

- Con bé này sắp lấy chồng đến nơi mà còn “dám” đòi bác (chú, cô, chi... ) mừng tuổi nữa à?

Và Bích Hải sẽ dẩu môi, nhún chân chân:

- Cháu (em... ) còn nhỏ xíu mà bác! Bác thì lì xì Hải đặc biệt hé, Bác.

Thế nào mẹ cũng mắng yêu:

- Con bé này đến hư, không biết lấy chồng rồi nó có lớn hơn được chút nào không?

Lúc ấy Bích Hải sẽ lại nhủ thầm:

- Em... người lớn từ lâu rồi anh nhỉ?

Bích Hải tiếc là không có “Người Rừng” ở đó để bắt trả lời.

Hai ba năm rồi, năm nào cũng thế, Tết nào cũng vậy, cũng bằng ấy cử chỉ. Và, Bích Hải vẫn chỉ tiếc một điều là không có “Người Rừng” ở đó để nghe để thấy không khí gia đình dễ thương ấy.

Lần về phép trước Tết này của Người Rừng, Bích Hải đã tính kỹ lưỡng một chương trình đâu vào đấy, vậy mà không thực hiện được. Nhưng niềm vui vẫn đầy ắp trong hồn. Và thời gian qua nhanh kinh khủng, khiến Bích Hải tưởng như Người Rừng chưa hề về phép.

Hai người đi cạnh nhau. Người Rừng bước từ tốn; một tay đỡ nhẹ cánh tay Bích Hải, dìu đi dọc các cửa hàng trong Tax.

Thỉnh thoảng Bích Hải cố tình nhìn lên để thấy Người Rừng cúi xuống, âu yếm mỉm cười. Buổi trưa, nhưng nắng không gắt vì ít hôm nay trời nắng nhạt, Bích Hải vừa thấy yêu thích lại vừa nôn nao tội nghiệp. Hẳn là ngoài Trung bây giờ cực khổ lắm. Biết bao nhiêu người không cửa, không nhà. Bao nhiêu người đói rét và chết nữa. Những học sinh, hướng đạo sinh đi từng toán gắn phù hiệu cứu trợ trên các hè phố càng gợi cho Bích Hải sự tội nghiệp bâng khuâng. Bích Hải gọi khẽ:

- Anh Vũ.

- Vũ - Người Rừng – cúi xuống, giọng thật êm:

- Gì thế, Bé?

- Tội nghiệp ghê nhỉ, anh!

Người Rừng ngạc nhiên:

- Tội nghiệp gì. “Chú”?

- Tội nghiệp những người bị bão lụt.

Người Rừng “à” một tiếng. Rồi tiếp:

- Ừ, chú tính… ra tay nghĩa hiệp đấy hở?

Bích Hải cười. Người Rừng đưa tay giữ cậu bé Hướng Đạo lại nửa đùa nửa thật:

- Này em. Cô này xin được góp của này.

Cậu bé Hướng Đạo reo vui:

- A, hay quá, chị cho em gắn…

Bích Hải tủm tỉm cười, mở bóp, loay hoaỵ Người Rừng liếc mắt nhìn vào, làm bộ thở dài:

- Còn năm trăm… đặt cọc tiền giầy phải không? Thôi để anh “đi trọn con đường trần” cho.

Rồi rút tờ một trăm trong túi bỏ vào thùng tiền. Cậu bé Hướng Đạo cười và cám ơn, bỏ đi.

Người Rừng thở ra:

- Của người phúc ta!

Bích Hải cấu vào tay Người rừng một phát đau điếng, làm bộ giận:

- Tại người ta không có tiền lẻ chứ bộ. Ai thèm…

- Vâng, vâng. Biết rồi. Ai thèm lấy của anh, nhưng nếu không lấy thì người ta… kẹt. Còn mỗi năm trăm…

Bích Hải đỏ mặt:

- Anh… xấu tính. Lát về em trả lại cho mà xem.

Người Rừng làm hòa:

- Thôi mà. Em cứu trợ đồng bào là mtộ việc đáng khen chứ sao. Miễn đừng “cứu Chợ” là được rồi.

Bích Hải ngạc nhiên:

- Cứu chợ gì?

- Thì em ra chợ, ngồi rút chân lên ghế theo miếng võ “chân chống chân chèo” và oang oác gọi: “cho tôi ba… mẹt bún chả, nhiều rau, nhiều thịt nhiều bún, nhiều mắm ớt, nhiều đồ chua nhưng đừng tính thêm tiền nghe”. Cứu cái điệu đó…

Bích Hải dài miệng “ứ ừ” phản đối Người Rừng, đưa tay cấu chí lia lịa. Giữa đường mà Người Rừng bất chấp ánh mắt người qua lại tò mò nhìn, nhảy cà tưng cà tưng lên để tránh né, miệng la oái áoi:

- Chứ không đúng sao mà còn cãi?

Hai người vừa đi vừa nô đùa, Bích Hải nghĩ thầm: Anh chàng này phá như giặc. Vậy mà không hiểu sao khi hành quân người ta lại nghe lời anh ấy chứ? Ông lính hôm nọ về phép, mang dùm thư đến nhà lại ca tụng anh chàng là “Trung úy nghiêm lắm, nhưng lại chịu chơi với đệ tử nên ai cũng mến”. Bích Hải hơi lạ trước lối nói chuyện của người lính, ông ta kêu Người Rừng là “ông thầy” và xưng đệ tử ngon lành.

Có lần Hải hỏi, ở đơn vị anh làm chức gì mà thiên hạ phải nghe lệnh anh, Người Rừng tỉnh bơ trả lời:

- Anh là… người lính chung tình.

Bích Hải nhăn nhó:

- Thôi mà, cải lương thấy mồ.

- Nếu vậy anh xin nói lại: Anh là… lính Biệt Động.

- Biết rồi, biết ông là Biệt Động Quân từ “phia” rồi. Nhưng anh làm gì mà người ta chịu nghe anh chứ?

Người Rừng nghiêm mặt:

- Quân đội có kỷ luật thép. Ai cũng phải tuân theo quân kỷ đó. Chỉ có em không phải nữ quân nhân mới… ba gai vậy thôi.

Bích Hải hăm he:

- Em làm gì mà anh bảo em ba gai?

- Chứ lại không à? Hơi một chút là hoạnh họe người ta vậy mà chính mình chẳng bao giờ nghe lời ai hết. Muốn làm gì thì làm. Muốn nói gì thì nói…

Bích Hải tự cảm thấy mình… hiền, mình người lớn. Trái lại Người Rừng không thế. Mất cả vẻ nghiêm trang, đạo mạo khi ở đơn vị. Cởi bỏ bộ đồ rằn, cái mũ dạ nâu ra trông Người Rừng thật trẻ con, lấc cấc, nhí nhảnh. Không có vẻ gì của một ông Trung úy, nhưng lại đầy dáng dấp của một Người Rừng, một kẻ quanh năm lặn lội giữa rừng già, bùn đọng. Trông Vũ… rừng rú ghệ Điều này Bích Hải nghĩ đến từ lâu nên đặt tên cho Vũ là Người Rừng.

Đang đi bỗng nhiên Người Rừng cất tiếng:

- Bé này!

Bích Hải làm điệu:

- Gì cơ anh?

- Em có mua gì không?

- Mua gì?

- Vải may jupe, áo dài, đặt đóng giầy hippy… vân vân và vân vân?

Bích Hải la lên:

- Không chịu đâu. Anh trêu em tối ngày à. Em sắp sửa hồi nào?

- Thì thôi. Anh cứ tưởng em thích anh đi cùng, chọn mua mấy thứ đó.

Và thản nhiên:

- Em có mua tạp chí về đọc trong mấy ngày đầu Xuân không?

- Mua cuốn gì bây giờ?

- Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Đẹp, Phụ Nữ…

Bích Hải thoi vào ba sườn Vũ:

- Anh chê em… cải lương hả. Còn lâu em mới đọc mấy tờ đó. Người ta đọc Điện Ảnh, Kịch Ảnh, Tiền Phong, Thứ Tư chớ bộ.

- Chà, xôm nhỉ. Ra cái điều thông suốt các mục ăn chơi của Thế Giới dữ ạ?

Bích Hải nguýt dài một cái “nghỉ anh ra, không thèm chơi với anh nữa.”

Người Rừng cười hề hề, âu yếm:

- Thôi mà cưng. Nhất cưng của ah mà. Có thế người ta mới mê cưng “tít thò lò” chứ bộ.

Bích Hải phì cười:

- Anh thì lúc nào cũng diễn trò... cải lương. Ghét anh ghê!

Người Rừng rủ:

- Mình chui vào xi nê nhé.

Bích Hải làm ra vẻ đắn đo:

- Film ở đâu hay?

- Rex! Chứ Eden anh coi rồi. Rex có phim La Partenaire hình như... được lắm.

Bích Hải gật đầu đồng ý:

- Ừ. Vào coi đi. Buổi chiều nay đẹp nhưng buồn quá à. Em cứ nghĩ...

- Biết rồi. Em thương đồng bào bão lụt...

Bích Hải lườm Vũ:

- Anh chỉ tài nói móc người ta thôi.

Vũ cười xòa, bảo em chờ anh vào mua vé. Bích Hải âu yếm nhìn theo Vũ. Anh chàng len lỏi trong đám đông bu quanh nơi bán vé. Ở đây mới làm thêm cái khung sắt để bắt mọi người xếp thứ tự, nhưng chẳng ai thèm xếp hàng, bất chấp sự có mặt cuả một cảnh sát bà và hai cảnh sát ông hai bên, cứ chen lấn loạn cào cào cả lên. Bích Hải nhẩn nha tiến lại gần đám đông, Người Rừng đang khuỳnh tay huých vai, chân nhấp nhổm chen huỳnh huỵch. Thiên hạ la oai oái:

- Ông này chen đi đâu dữ vậy?

- Đi... mua vé.

- Mua vé phải xếp thứ tự chớ.

- Bà có xếp thứ tự không?

- Có chớ sao không?

- Vậy thì mời bà lụi lại đằng sau mà xếp thứ tự. Đằng trước này dành riêng cho người không biết xếp thứ tự. Hừm, mua vé chợ đen cả chục cái một lúc, ra bán cắt cổ người ta, lấy... thịt đè người, mà còn biết đòi xếp thứ tự hở?

Người đàn bà tịt mất, mặt hầm hầm. Bich Hải cười một mình, trách thầm âu yếm:

- Anh... lẻo mép ghê cơ.

Tiếng Người Rừng ngổ ngáo:

- Bán cho hai vé trên lầu, đúng giá...

Cô bán vé cau mày:

- Thì vẫn đúng giá...

Người Rừng cười khẩy:

- Đồng ý. Vé hai trăm, phụ thu cứu trợ nạn nhân bão lụt và cây mùa xuân chiến sĩ nữa là hai trăm mốt. Hai vé bốn tăm hai, xin đừng cầm nhầm thành bốn trăm rưỡi.

Mấy mụ đàn bà chen lấn mua vé chợ đen bị một cảnh sát bà lôi ra khỏi đám đông, đầu tóc rối bù, áo tung cả nút, thỗn thển, vung tay xỉa xói:

- Ừa, tui mua chợ đen đó. Tui nghèo nên tui làm vậy. Nhưng mấy con nhỏ đó, nó đi bán giấy mướn, lãnh lương tháng của người ta giàu thấy mụ nội mà sao cũng ăn xiết họng. A, tui mua mười mấy giấy trên lầu, nó lấy đủ hai ngàn hai năm chục đó chớ... A, bà cảnh sát coi, nó ngồi không mà cũng ăn công khai của người ta nữa, sao nhà nước không bắt nó đi. A...

Bà Cảnh Sát nhìn Bích Hải nói trống không:

- Mấy người bán chợ đen cũng không trách được vì ở trong bán ra ăn chận đầu đuôi của họ rồi, chỉ chết khán giả đi coi thôi...

Người Rừng chen ra, vung vẩy hai cái vé. Quần áo nhầu nát, xốc xếch:

- Biết vậy mua... cha nó sáu trăm hai cái vé chợ đen cho khỏe. Ở đây nó bán ra bốn trăm tư rồi, có bán đúng giá cóc khô đâu.

Bích Hải vội nắm tay người Rừng:

- Thôi anh. Kệ người ta.

Cơn giận làm Vũ càu nhàu thêm một câu:

- Có lần anh vô coi bằng thiệp mời đình huỳnh. Vậy mà nó bán vé trên lầu cho mấy con mẹ chợ đen hết, tống mình xuống dưới nhà. Tới chừng vào rạp mới biết chỗ ngồi gần dí mũi vào màn ảnh: một ghế chính, một ghế súp. Y cờ rách 15 và 15 bít.

Bích Hải phì cười:

- Thôi, vào đi anh. Đồng ý rồi.

- Vậy mà quý anh Cảnh Sát đứng đó không hốt chúng nó cho rồi.

Hai người dắt díu nhau lên lầu. Khán giả đứng lố nhố ngay đầu cầu thang, chật cứng. Vũ dắt tay Bích Hải chen vào. Người Rừng hỏi:

Thấy gì không em?

- Thấy. Phim hay đấy chứ. Toàn lưng với lưng.

Người Rừng càu nhàu:

- Cái rạp này bán vé... vô tổ chức. Anh mà có quyền...

Bích Hải rỉ tai:

- Anh không nên có quyền ở đây. Anh chỉ nên có quyền ở rừng thôi. Ở đây dành cho Cảnh Sát. Dẫm chân nhau khó làm việc.

Vũ phì cười. Hai người lại len lỏi, nhấp nha nhấp nhổm ngó lên màn ảnh. Một lúc “vãn hát” thiên hạ ùn ùn kéo ra. Bích Hải chập choạng bước theo Người Rừng tìm lấy số ghế.

- Mỏi chân ghê!

- Anh... bóp chân cho em nhé!

Bích Hải dẫy nẫy:

- Đừng... nhí nhảnh. Ở đây đông, người ta cười chết.

- Ai cười hở mười cái răng...

Vũ kín đáo bóp hai chân Bích Hải, dĩ nhiên từ đâu gối trở xuống. Bích Hải cười thầm, thấy thương Vũ ghệ Bất ngờ Vũ ngậm răng vào vai Hải cắn một cái. Bích Hải đau điếng người kêu lên nho nhỏ. Đau muốn khóc được. Mắt Hải đỏ hoe, ứa nước mắt, nhìn Người Rừng phụng phịu:

- Anh ác!

Người Rừng cười thật tình tứ:

- Để em nhớ anh hoài. Để em nhớ mãi buổi chiều hôm nay.

Bích Hải đưa tay tìm tay Người Rừng, xiết chặt. Em sẽ nhớ mãi, nhớ cho tới lúc anh trở về rừng, và cả cho tới khi anh từ rừng trở về với em lần tới.

Đèn chợt tắt. Bắt đầu những mục quảng cáo. Bích Hải nhìn lên, nhưng lại thấy mình và Người Rừng đang khoác tay nhau thơ thẩn trước các cửa hàng bên đường Nguyễn Huệ, và trời thật đẹp.