Lời nói đầu

Cáo lỗi:

Thuật giả trân trọng cáo lỗi với độc giả hai điều.

Suốt 50 hồi, bộ Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông có nhiều vấn đề, nhiều chi tiết đã nói tới, đã giảng giải, đã chú thích. Thế nhưng quý vị lại thấy nó xuất hiện trong những bài phụ lục, hoặc phụ đính là tại sao? Xin thưa, những bài phụ lục là những bài diễn văn, những bài tham luận, hoặc những bài giảng. Vì tính cách độc lập của nó, nên thuật giả phải chú giải, hoặc trình bầy rõ ràng. Rồi khi xuất bản bộ AHĐA-DCBM, cho in vào. Mong độc giả xí xái bỏ qua cho. Như quyển 3, hồi 27 đã trích dẫn gia phả con cháu Trần Ích Tắc chép về các con vua Lý Anh-tông. Thế mà trong bài phụ lục, cuối quyển 3, trong bài "Nguyên-tổ hai giòng họ Lý tại Hàn-quốc" cũng lại trích dẫn đoạn gia phả trên. Hoặc quyển 1, hồi thứ nhất, đã thuật vụ ông Trần Định Nhân, hậu duệ đời thứ 27 Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc bị mất chức. Thế nhưng khi viết bài "Đi tìm dấu vết về ba cuộc bình Mông, của tộc Việt thế kỷ thứ XIII", tôi lại nhắc đến lần nữa. Không phải là cố ý hay sơ xuất, mà vì bài phụ lục, là bài diễn văn khai mạc niên khóa 1998-1999 tại viện Pháp-Á, có tính cách độc lập.

Những chữ viết tắt.

Trong ANH HÙNG ĐÔNG-A - Dựng cờ bình Mông những từ viết tắt sau:

AHBC Anh-hùng Bắc-cương

AHLN Anh-hùng Lĩnh-Nam

AHĐA-DCBM Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông

AHTS Anh-hùng Tiêu-sơn

ALTVTV Anh linh thần võ tộc Việt

ANCL An Nam chí lược

CEP Coopérative Européenne Pharmaçeutique (Liên hiệp các viện bào chế châu Âu)

CKDH Cẩm khê di hận

CMFC Commité Médical Franco-Chinois(Ủy ban trao đổi y học Pháp-Hoa)

DTLSVH Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng

IFA Institut Franco-Asiatique(Viện Pháp-Á)

KĐVSTGCM Khâm định Việt-sử thông giám cương mục

ĐNLTCB Đại Nam liệt truyện chính biên

ĐNLTTB Đại Nam liệt truyện tiền biên

ĐNNTC Đại Nam nhất thống chí

ĐNTLCB Đại Nam thực lục chính biên

ĐNTLTB Đại Nam thực lục tiền biên

ĐVSKTT Đại Việt sử ký toàn thư

MCMS Mông-cổ mật sử

NS Nguyên-sử

TS Tống-sử

TTDS Thuận Thiên di sử

Đi tìm dấu tích về

Ba cuộc bình Mông tộc Việt

thế kỷ thứ XIII

Phần này, tôi viết cho độc giả trẻ, muốn tìm nguồn tài liệu về Mông-cổ, về ba cuộc chiến tranh Việt-Mông. Xin các vị cao minh bỏ qua, chẳng nên bận tâm.

Các bạn trẻ thân.

Tôi viết những giòng này dành cho các bạn. Hy vọng rằng nó sẽ giúp các bạn những bước đầu tìm hiểu về Mông-cổ . Nhất là hướng dẫn các bạn đi tìm tài liệu, cách xử dụng tài liệu về ba cuộc bình Mông của người Việt.

1. Giầu lòng yêu nước, nghèo nàn thư tịch.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông của dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 13 thực là vĩ đại. Thế nhưng, cho đến nay, những thư tịch biên chép quá ít, quá sơ lược. Nếu các bạn mở bất cứ bộ sách viết về Mông-cổ bằng tiếng Anh, Pháp, Đức nào ra cũng thấy ghi rằng : Mông-cổ thắng khắp từ Á, sang Âu, đặt ách cai trị. Chỉ bại duy nhất tại Việt-Nam và Nhật-bản. Thế nhưng khi các bạn mở kho tàng lịch sử Việt-Nam ra, thì hỡi ơi! Đại-Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Việt sử lược (VSL), Khâm-định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), chỉ dành đâu mươi mười lăm trang chép lại mà thôi. Các sách sau này, chỉ mô phỏng của ba bộ trên, rồi vẽ rồng, vẽ rắn thêm vào. Đau đớn thay, mô phỏng luôn cả những cái sai lạc của người xưa.

2. Đi tìm di thư tiền nhân

Bộ sách ghi chép đầy đủ các chiến thắng Mông-cổ, được soạn thảo ngay sau cuộc chiến, mang tên Trung-hưng thực lục. Trong đó những người có công đều được ghi danh, và vẽ hình, nay không còn . Hai bộ Binh-thư yếu lược, Vạn-kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo vương không tìm ra vết tích.

Đến đây chắc các bạn đặt câu hỏi: Thế tại sao, hiện người Việt đang lưu hành bộ Binh-thư yếu lược, được dịch sang Việt-ngữ? Thưa đây là người sau ngụy tạo.

Ba bộ sách trên, tôi biết rằng năm 1407, Trương Phụ đã cướp mang về Kim-lăng. Hồi Bát-quốc đánh nhà Thanh vào cuối thế kỷ thứ 19, chiếm Kim-lăng. Trong 8 đoàn quân đó, có hai đoàn thuộc nước trình độ văn hóa cực cao là Nhật-bản và Pháp. Hai đoàn quân này đã mang về nước khá nhiều sách. Trong đó có những sách mà Trương Phụ cướp từ Đại Việt. Tôi đặt nghi vấn: Biết đâu trong số sách mà Pháp, Nhật mang đi chả có ba bộ sách trên? Vì vậy tôi gắng công đi tìm.

Đầu tiên, tôi tìm trên đất Trung-quốc.

Trong thời gian theo phái đoàn trao đổi y học Pháp-Hoa (1976-1999), hễ có dịp là tôi vào những thư viện Trung-quốc mò mẫm. May ra! Nhờ vào vị thế khi thì là thông dịch viên, khi thì là giảng viên, khi thì là tổng thư ký, gần đây là trưởng phái đoàn. Đoàn của tôi là đoàn trao, tức giảng dạy tại các đại học y khoa. Tôi nghiễm nhiên trở thành quý khách của Trung-quốc, nên không bị kỳ thị, không bị nghi ngờ. Hơn nữa được quý mến, nên thư viện nào tôi muốn vào, đều được chiều theo ý. Đầu tiên tôi tìm ở các thư viện trung ương, thư viện cấp tỉnh của 5 tỉnh cực Nam Trung-quốc là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam. Không thấy ! Kiên chí, tôi mò xuống thư viện cấp huyện, thư viện các đại học Văn-khoa, đại học Sư-phạm. Biệt tăm ! Tôi biết rằng tại thư viện Bộ-chỉ huy Quân-sự năm tỉnh cực Nam và thư viện Bộ Tư-lệnh ba quân khu mà lãnh thổ tiếp giáp với Việt-Nam là nơi tàng trữ tất cả tài liệu nghiên cứu về chiến tranh Hoa Việt. Tôi xin vào nghiên cứu, thì bị từ chối theo kiểu ngoại giao « Đây là tài liệu quá chuyên môn dành cho những sĩ quan tham mưu nghiên cứu. Ông là thầy thuốc. Ông có đọc cũng không hiểu gì ». Không nản ! Tôi biết rằng cổ, kim; Đông, Tây, các bà đều thích đẹp ; và cồng bà bao giờ cũng mạnh hơn lệnh ông. Tôi vận động ân huệ của các bà mà tôi ngoại giao bằng lột da mặt, cắt mắt, làm mũi cao, làm môi trái đào, lấy mỡ bụng. Thành công. Tôi được vào tất cả các thư viện trên mò mẫm. Thế nhưng, tôi vẫn không tìm ra tông tích ba bộ sách của tổ tiên. Đau thực! Tuy không tìm ra, nhưng tôi cũng được đọc mấy bộ sách quý, có tính cách tài liệu như :

- Nam Việt, Âu Lạc tác chiến khảo lược. Ban nghiên cứu, Sở tác chiến, Bộ Chỉ-huy quân sự tỉnh Quảng Tây biên tập. Nội dung nghiên cứu về cuộc chiến tranh giữa Triệu Đà và Thục An Dương vương.

- Đông Hán, bình Giao-chỉ khảo lược. Sở nghiên cứu, cục Tác-chiến, bộ Tổng Tư-lệnh quân đội Nhân-dân, Trung-quốc. Nội dung nghiên cứu về những trận đánh của vua Trưng với Mã Viện.

- Tam thế Bạch-đằng nghiên cứu. Sở nghiên cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tư-lệnh Hải-quân Trung-quốc. Nội dung nghiên cứu ba trận Bạch-đằng về thời vua Ngô, vua Lê và thời Trần. Phụ đính có luận về trận Hàm-tử, Chương-dương, Tây-kết.

- Quách thị Nam chinh, là bộ nhật ký hành quân của Quách Quỳ, tướng tư lệnh đội quân Tống sang đánh Đại Việt năm 1077.

- Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, nhật ký hành quân của Triệu Tiết, tướng phó tư lệnh quân đội Tống sang đánh Đại Việt năm 1077.

- Nguyên triều chinh tiễu An-Nam khảo bị, sở Nghiên-cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tổng tư-lệnh quân đội Nhân-dân Trung-quốc. Nghiên cứu về ba cuộc Mông-cổ sang đánh Đại-Việt.

- Minh đại, chinh tiễu An-Nam lược khảo. Sở Nghiên -cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tổng Tư-lệnh quân đội Nhân-dân Trung-quốc. Nội dung nghiên cứu về những trận đánh giữa quân Minh do Trương Phụ, Mộc Thạch chỉ huy đánh Hồ Quý Ly, và những trận đánh của vua Lê Thái-tổ với Liễu Thăng, Vương Thông.

- Càn Long chinh Nam nghiên cứu khảo bị. Sở Nghiên-cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tổng Tư-lệnh quân đội Nhân-dân Trung-quốc. Đây là tài liệu dài nhất, tổng cộng 320 trang A4. Nội dung nghiên cứu về nguyên do thất bại của Tôn Sĩ Nghị. (Các bạn nên nhớ, 320 trang chữ Hán, nếu dịch sang Việt ngữ phải 900 trang. Nếu sang Anh, Pháp ngữ còn dài hơn nữa).

Xin lưu ý các vị điểm sách của Trung-quốc, Việt-Nam, Pháp.

Khi điểm đến phần này xin các vị trình bầy rõ ràng một chút. Tôi chỉ là thầy thuốc, say mê nghiên cứu lịch sử để viết tiểu thuyết. Tuy được đọc nhiều tài liệu, nhưng tôi quyết giữ tư cách của một nhà ngoại giao, trung thành với lời thề tại Đại-học y khoa Paris. Nhất là không phản những vị đã ban ân cho tôi được vào thư viện đặc biệt để nghiên cứu. Tôi chưa từng tiết lộ, hiện không tiết lộ, và sau này dù dao kề cổ, dù súng chỉ ngực tôi cũng không tiết lộ những gì có hại cho Trung-quốc, cho các thân chủ, cho các bạn của tôi.

Cũng nên nói ở đây : Khác với các sử gia Trung-quốc, khi viết về Việt-Nam, luôn gọi là Giao-chỉ, Nam-man, An Nam, rồi dùng những từ lăng nhục. Các sĩ quan Trung-quốc khi soạn những tài liệu trên đã bình luận rất vô tư. Việt có sở trường, sở đoản gì thì nói thực. Những lời bình luận rất chính xác.

Tại Trung-quốc không tìm thấy, tôi vẫn không nản chí. Tôi lại bỏ sang Nhật-bản, mò vào đủ các thư viện, mà cũng tuyệt vô âm tín. Trong thời gian này, giáo sư Trần Kinh Hòa (1914-1997), của đại học Soka cũng từng cố gắng tìm kiếm, mà...hỡi ôi! Vô ích. Như vậy là mất vĩnh viễn rồi. Tiếc thay! Buồn thay!

3. Trở về với nguồn thư tịch nghèo nàn

Tôi đành trở về với bộ ĐVSKTT. Nhưng bộ này chép quá sơ sài về ba cuộc kháng Nguyên-Mông, thì làm sao có thể dựng lại chi tiết các trận đánh? Ấy là không kể Ngô Sĩ Liên đã có những sai lầm quan trọng như:

- Thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đắm trong trận Bạch-đằng.

- Nguyễn Khoái bắt được Áo Lỗ Xích.

- Thoát Hoan cũng bị bắt.

Biết rằng ĐVSKTT có nhiều sai lầm, tôi đi tìm bộ KĐVSTGCM. Bộ này do Quốc-sử quán triều Nguyễn soạn (1859). Các sử gia triều Nguyễn đã tham khảo thư tịch Trung-quốc như:

- Nguyên sử của Tống Liêm đời Minh.

- Nguyên sử loại biên tức Tục hoằng giản lục của Thiệu Viễn Bình đời Thanh.

- Nguyên sử bị vong lục của Vương Quang Lỗ đời Minh.

- Nguyên sử kỷ sự bản mạt của Trần Bang Chiêm.

Nhưng KĐVSTGCM cũng vấp vào những sai lầm:

Trận Vân-đồn xẩy ra vào tháng 12 niên hiệu Trùng-hưng thứ 3 (5-1 tới 2-2-1288) khi thủy quân Nguyên tiến vào nước ta.

Lại chép lầm rằng:

Trận Vân-đồn xẩy ra vào tháng giêng năm Trùng-hưng thứ 4 (3-2 tơí 2-3 năm 1288) lúc Ô Mã Nhi đem chiến thuyền đi đón Trương Văn Hổ.

Nghĩa là sai lệch một tháng, sai lầm về vị trí trận đánh.

Sự sai lầm này, khiến các sử gia gần đây viết bằng chữ quốc ngữ cũng sai theo. Mà thảm thay, cho đến nay, tôi nêu ra, chưa chắc thiên hạ đã chịu phục thiện.

Khi vua Lê khởi binh, muốn cho có chính nghĩa, đã tôn một người con cháu vua Trần là Trần Cảo lên làm vua. Lúc thành đại nghiệp thì đem giết chết. Sau đó giết tất cả những công thần, nguyên là con cháu nhà Trần, truy lùng giòng dõi nhà Trần rất gắt. Sử ghi, Lê Lợi giết Tả-tướng quốc Trần Nguyên Hãn, một nhân vật uy tín bậc nhì sau nhà vua, chỉ vì ông là cháu của Trần Nguyên Đán. Vì vậy trong suốt thời gian nhà Lê trị vì (1458-1779) không một văn gia nào dám chép những chiến công của ba cuộc kháng Nguyên-Mông. Mãi tới triều Nguyễn, mới có những sử gia soạn:

- Trần đại vương bình Nguyên thực lục.

- Vạn yên thực lục.

- Trần triều thế phả hành trạng.

- Trần gia điển tích thống biên.

Hầu hết những bộ này chỉ mô phỏng ĐVSKTT, VSL, ANCL hoặc những huyền sử, những di sử, những gia phả.

4.Tìm tư liệu trên bia đá, mộ đá, minh

Một trong những nguồn tài liệu tuy rời rạc, lẻ tẻ, nhưng nếu đem khai thác, ta cũng tìm ra được nhiều điều cần thiết. Đó là bia đá, mộ chí, các bài minh khắc trên những quả chuông. Tại viện Khoa-học Xã-hội Hà-nội, có những bản văn :

- Bia công chúa Phụng Dương, vương phi Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, do Lê Củng Viên soạn năm 1293, có nói tới việc rút lui của triều Trần ra khỏi Thăng-long năm 1285.

- Bài minh khắc trên quả chuông Thông-thành quán tại Bạch-hạc năm 1321. Bài minh có nhắc đến cuộc chiến đấu của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trong cuộc kháng chiến lần thứ nhì. Quả chuông này do chính vương trông coi đúc.

- Bia chùa Hưng-phúc, khắc năm 1324 phát hiện tại huyện Quảng-xương, tỉnh Thanh-hóa. Nội dung có nói đến cuộc kháng chiến của dân chúng xã Yên-duyên, trấn Thanh-hóa, chống Toa Đô năm 1285.

5. Tìm trong các gia phả5.

1. Tại Đại-hàn

Nếu bia đá, minh chỉ cho những tài liệu rời rạc, thì những bộ gia phả cổ, do chính người đương thời, hoặc con cháu nhiều đời chép nối tiếp... lại cho tôi những chi tiết rất quan trọng.

Tháng 8 năm 1980, khi đi trong phái đoàn Pháp, dự đại hội y khoa tại Hàng-châu, tôi được tiếp xúc với phái đoàn Bắc-cao. Trong phái đoàn có bác sĩ Lý Chiếu Minh ở Hùng-xuyên (Hunchon) và bác sĩ Lý Diệp Oanh ở Thuận-xuyên (Sunchon), từ cuộc gặp gỡ này, tôi được đọc Tiêu-sơn truyền phả hay Hoa-sơn phả. Sách chép tay của con cháu Kiến Bình vương Lý Long Tường tại Phú-lương giang, quận Khang-linh (Ong Nin Gun), tỉnh Hoàng-hải (Hwang-hac), Bắc Triều-tiên. Kiến Bình vương Lý Long Tường là thuyền nhân Đại Việt, đến Cao-ly năm 1226.

Năm 1983, tôi được gặp ông Lý Gia Trung, hậu duệ của Kiến Hải vương Lý Dương Côn, thuyền nhân Việt lưu lạc tại Cao-ly năm 1150. Dịp này tôi được đọc Tinh-thiện Lý thị tộc phả của hậu duệ của Kiến Hải vương.

Hai gia phả này cung cấp cho tôi ít nhiều liên quan đến Mông-cổ, Đại Việt. (Xin đọc bài Nguyên-tổ hai giòng họ Lý tại Hàn-quốc, phụ lục quyển 3, Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông).

5.2. Tại Trung-quốc

Hồi sinh tiền, phụ thân tôi có nói rằng: Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, bội anh, phản cha, hại nước, đầu hàng Mông-cổ. Nay hậu duệ rất đông, sống ở Trường-sa. Sau này có dịp, nên sang...nhận họ. May mắn, tháng 8 năm 1990 , tôi làm trưởng phái đoàn Pháp, sang trao, tại đại học y khoa Trường-sa với đề tài Giải phẫu bằng Laser. Trước khi đi nửa tháng, tôi cho đăng trên tờ báo địa phương một đoạn:

"Giáo sư Trần Đại-Sỹ trưởng khoa Sinologie tại đại học Paris, muốn liên lạc với hậu duệ của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, để tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử Hoa-Việt thế kỷ thứ 13. Xin liên lạc với ca sĩ Trần Diệu Nghi địa chỉ như sau..."

Báo đăng liên tiếp 7 ngày. Khi tôi đến, thì Diệu Nghi trao cho tôi 18 bức thư của 18 người, họ đều nhận là trưởng của các chi. Các chi sống rải rác ở Trường-sa, Hồ-nam, Linh-lăng, Quế-dương, Liễu-châu. Nhưng họ cải chính rằng Nguyên-tổ của họ là Trần Ích Tắc thì đúng, song tước không phải là Chiêu Quốc vương, mà là An Nam quốc vương. Tôi giật mình, chợt nhớ lại: Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc hàng Mông-cổ được Nguyên Thế-tổ Hốt Tất Liệt phong cho làm An Nam quốc vương (1285).

Tôi muốn đến tận nơi, để gặp 18 chi. Tính chung việc di chuyển đi 18 nơi, trong 5 tỉnh, tôi phải vượt ít nhất 8 nghìn cây số, mất rất nhiều thời gian, sức lực. Bác sĩ Vareilla Pascale đại diện CEP (Coopérative Européenne Pharmaçeutique) đề nghị tôi làm một việc giúp CEP. CEP sẽ đài thọ ẩm thực, cư trú, di chuyển cho 72 người về một khách sạn lớn nhất trấn Nhạc-dương hội họp. Như vậy vừa làm lợi cho kinh tế Pháp, vừa thân mật, vừa tiết kiệm được sức lực. Không phải vì tôi tiếc tiền, mà sợ kiệt sức, hơn nữa muốn làm lợi cho kinh tế Pháp, tôi đồng ý.

Tôi viết thư mời đại diện 18 chi về trấn Nhạc-dương, bên hồ Động-đình. Tổng số người lên tới 90. Các bạn trẻ thử tưởng tượng xem, tự nhiên 90 người cùng một giòng họ, kéo nhau về chiếm hết các phòng trong khách sạn hạng sang, mà người trả tiền lại là một bà Đầm, rồi bầy biện tế lễ, ăn uống linh đình...Công-an địa phương điên đầu lên, theo dõi, báo cáo, đặt câu hỏi rắc rối đến như thế nào ? Nhà cầm quyền địa phương vùng Nam Trường-giang thường dị ứng (allergy) với những cuộc họp họ hàng quá đông như vậy. Song họ biết nước Pháp không có gì thù nghịch với Trung-quốc. Tôi lại hoạt động y học tại Trung-quốc trải 15 năm, luôn đem lại sự giao hảo, trao đổi rất tốt đẹp giữa Pháp và Trung-quốc ; nhất là hòa giải những bất đồng ý kiến nhỏ giữa phái đoàn Pháp và các đại học Trung-quốc. Vì vậy không ai nghi ngờ gì cả. Để tỏ ra mình quang minh chính đại, tôi mời ông Bí-thư đảng bộ Cộng-sản Trường-sa tới...tham quan.

Đại diện các chi cùng tôi đem gia phả ra đối chiếu, để chỉnh đốn những chỗ sai lầm. Truy gia phả, họ tìm ra ông Trần Định Nhân là thống tôn, cháu đời thứ 27 của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Ông Nhân hiện là viên chức cao cấp của Trường-sa. Trong 18 gia phả, có hai phả rất chính xác, giống hệt nhau. Đoạn chép từ Triệu-tổ Phương Chính hầu Trần Tự Minh, tể tướng triều An Dương vương đến cháu đời thứ sáu Chiêu Quốc vương giống nhau không sai lấy một chữ. Như vậy chứng tỏ cả hai cùng sao từ một phả gốc. Hai phả giống nhau đó là:

- Trần-gia Bắc-tông chính phả. Của chi bốn tại xã Lãnh-thủy, thị xã Trường-sa, tỉnh Hồ-Nam, Trung-quốc.

- Chiêu-Quốc di hậu lục. Của chi 2 tại trấn Nhạc-dương, tỉnh Hồ-Nam, Trung-quốc.

Quan trọng nhất là phần từ Mục-tổ hoàng đế Trần Tự Kinh (1103) đến Trần Nhân-tông (1293) do chính Trần Ích Tắc chép. Đương thời vương là người có văn tài xuất chúng, nên vương ghi rất chi tiết, văn phong hoa dạng muốn ngang với văn của Tư-mã Thiên trong Sử-ký. Nhờ đó, mà tôi thu thập được nhiều chi tiết cực kỳ quý báu về cuộc chiến tranh Mông-Việt. Điều đáng tiếc là lúc nào vương cũng coi Đại-Việt như một quận của Trung-quốc, dùng niên hiệu của các vua Trung-quốc. Khi xử dụng tài liệu của vương phải rất thận trọng.

Tiếc rằng, sau cuộc họp đó, giữa tôi với ông Trần Định-Nhân có những đụng chạm lớn, đưa đến không nhìn mặt nhau. Nguyên do, chúng tôi chuyển phả từ cổ văn ra Bạch-thoại, rồi dự trù cho in đoạn từ Triệu-tổ Trần Tự Minh (257 trước Tây-lịch) tới hết triều Trần (1400). Bài tựa do tôi viết. Tôi viết bằng cổ văn. Sau đó sẽ dịch sang Việt-ngữ. Bài tựa tôi dùng câu đầu của Lê Qúy Đôn trong Đại Việt thông sử:

"Ngã Đại Việt vi văn hiến chi bang,

Thượng vi thiên tử,

Hạ vi thần thứ".

Nghĩa là:

Nước Đại Việt ta là nước văn hiến. Trên có vua, dưới có thần dân. Ông Định Nhân sửa là:

"Ngã đích Trung-quốc, thị vi Hoa-hạ văn hiến đích đại bang".

Nghĩa là:

Nước Trung-quốc ta là nước lớn, văn hiến Hoa-hạ".

Văn sửa là văn Bạch-thoại, ngớ ngớ, ngẩn ngẩn.

Rồi đoạn sau:

" Tự Đinh, Lê, Lý, Trần, đỉnh lập nhất phương.

Hào kiệt, anh hùng, liệt nữ thời thời trấn quốc, dữ Bắc-phương tề vị nhi lập."

Nghĩa là:

Tự Đinh, Lê, Lý, Trần, đứng riêng một cõi. Hào kiệt, anh hùng, liệt nữ đời đời giữ nước, với Bắc-phương ngang vai cùng đứng.

Ông đòi sửa thành:

" Tự Đinh, Lê, Lý, Trần giai đê đầu quy phục Thiên-triều,

Niên niên tu cống, xưng thần, đắc vũ lộ ân sủng, sắc phong vi vương".

Nghĩa là:

Từ Đinh, Lê, Lý, Trần đều cúi đầu quy phục Thiên-triều. Hằng năm tu cống, xưng thần, được ban ơn mưa móc, phong cho tước vương.

Tôi không đồng ý, dĩ nhiên tôi không bỏ tiền ra in. Ông Trần Định Nhân cũng giữ luôn bản thảo, không trao lại cho tôi. (Độc giả yên tâm, tôi hứa sẽ có đầy đủ bản sao các phả này trước cuối năm 2000. Bằng cách nào? Với số người hỗn tạp trên dưới 5 vạn của giòng Chiêu Quốc, tôi chỉ cần bỏ ra dăm ba nghìn đô cho một người nào đó, họ sẽ sao chụp cho tôi ngay).

Năm sau, 1991 tôi lại cầm đầu phái đoàn CEP đi Trường-sa. Lần này trong phái đoàn còn có bác sĩ Trần thị Phương-Châu, giòng Hưng-Hiến vương, con thứ ba Hưng Đạo vương. Thời gian tháng 8, trúng vào ngày giỗ Thái-tổ Trần Thừa. Tôi rủ ông Trần Định-Nhân cùng các chi giỗ chung. Dĩ nhiên tài chánh do tôi với Châu đài thọ. Ông Nhân từ chối, nhưng các chi khác lại đồng ý. Để tỏ cho các bạn Pháp, Trung-quốc biết, chúng tôi tuy mang Pháp-tịch, tuy được trọng đãi, nhưng chúng tôi không quên nguồn gốc. Tôi nhờ một nhà hàng lớn ở Nhạc-dương làm cỗ, rồi mời phái đoàn Pháp, cùng chính quyền Nhạc-dương, Trường-sa đến dự. Oâng Định Nhân đi trong phái đoàn chính quyền Trường-sa. Số người tham dự lên tới 457 người, gồm 90 người là khách. Còn lại là Trần tộc. Giữa bữa tiệc, ông Nhân đứng lên phát biểu ý kiến: Rằng đất Việt-Nam từ xưa là lãnh thổ Trung-quốc. Rằng hiện nay, và mãi mãi cũng vẫn là của Trung-quốc. Rằng mảnh đất Việt-Nam hiện bị thế lực quốc tế tách khỏi tổ quốc như Hương-cảng, như Đài-loan. Rằng tương lai sẽ phải trở về với tổ quốc. Lập tức ông bị cử tọa (phái đoàn Trung-quốc) la ó, phản đối. Sau vụ này ông bị mất chức, rồi trở thành chủ quán cà phê ở Tương-Âu, ngoại ô Trường-sa. Từ đấy, dù có nhiều dịp gặp lại, mà tôi với ông không nói chuyện riêng với nhau.

5.3. Tại quốc nội

Nếu khi sưu khảo tại Đại-hàn, tại Trung-quốc tôi gặp may, thì tại Việt-Nam tôi không gặp may. Bản phả mà tôi có dễ dàng là bản Trần tông ngọc phả. Sách chép tay của giòng Hưng Vũ vương, con trưởng Hưng Đạo vương, tại Hải-hậu, Nam-định. Bộ phả này chép từ Hưng Đạo vương cho tới năm 1920. Song quá giản lược. Năm 1978, một người học trò thân tín của tôi là bác sĩ Trần thị Phương Châu có đem bộ Trần gia di phả. Sách chép tay của giòng Hưng Hiến vương, con thứ ba của Hưng Đạo vương, tại Bát-tràng đến để so vai, xem ai lớn, ai nhỏ, rồi nhờ tôi dịch sang tiếng Việt dùm. Cuốn phả này thuật hành trạng của Hưng Hiến vương tỷ mỉ. Căn cứ vào đó, tôi rút ra được rất nhiều chi tiết về cuộc bình Mông thứ nhì và thứ ba. Bộ phả thứ ba là bộ Trần gia ngọc phả, sách chép tay thư viện Khoa-học xã hội. Tôi tham khảo dễ dàng. Bộ phả thứ tư mà tôi được đọc là bộ Trần đại tộc chính phả của giòng Hưng Nhượng vương, con thứ nhì của Hưng Đạo vương. Nguyên vào năm 1995, tôi gặp ông Trần Quốc T. tại Hà-nội. Ông là hậu duệ đời thứ 27 của Hưng Đạo vương. Như vậy ông ngang vai với tôi. Chúng tôi nhận họ. So gia phả, ông phải gọi tôi bằng anh. Ông trao cho tôi bộ phả này, nhờ dịch dùm. Đây là bộ sách chép tay của giòng Hưng Nhượng vương tại Cổ-am. Lập tức tôi dịch, đọc vào băng cassette cho ông. Tôi mất 3 tuần để làm công việc dịch thuật. Tôi dặn ông chép lại, đánh máy. Năm sau tôi trở về sẽ hiệu đính. Nhờ bộ này, tôi mới biết rõ Hưng Nhượng vương không phải là Tuệ Trung thượng sĩ, như tôi lầm từ trước đến giờ. Cũng nhờ phả này tôi biết rõ hành trạng của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Hầu không tử trận như ĐVSKTT ghi sơ lược, mà hoăng năm 1348. Cũng năm 1995, nhân hành hương tại đền thờ Hưng Nhượng vương ở Cửa Ông, thuộc tỉnh Hạ-long, một vị giữ đền có đặt câu hỏi với tôi rằng: Vương hoăng khi còn đang trấn thủ Bắc-cương, thì táng tại đây. Sau đó vương phi về Cổ-am sống, thì khi hoăng cũng táng tại Cổ-am. Tại sao lại có mộ của vương và vương phi táng song song nhau?

Nhân trong phái đoàn của tôi có kỹ sư địa chất Jean Marc Zimmermann, lập tức ông đem máy Scaner ra dò, thì chỉ thấy có một quan tài. Sự kiện này dường như ban trị sự báo cáo lên cấp trên. Cũng do đó một nữ tín chủ thấy xung quanh mộ tiêu điều quá, bỏ tiền ra xây một thềm rộng, đẹp. Hai mộ chỉ còn một mà thôi. Không biết có phải do xây lại bị động mồ, hay vì nguyên cớ nào, mà trong năm 1996-1997-1998, hậu duệ của vương...nhiều người bị tù, bị mất chức, bị chết. Họ đổ thừa tại tôi Scaner nên mới có vụ xây lại gây tai vạ. Hè năm 1998, tôi tới thăm ông Trần Quốc T. để xin sao chụp bộ gia phả, cùng hiệu đính bản dịch. Ông khai chiến vơí tôi, đòi tôi phải bồi thường 100 nghìn đô. Tôi trình bầy rằng tôi chỉ làm scaner thôi. Còn xây thềm, bỏ hai mộ cũ, xây mộ mới là chính quyền. Nhưng ông nhất định bắt đền tôi. Ông quy chụp tôi là Việt-gian, là tay sai của C.I.A, là Ngụy Sài-gòn, là Bành-trướng Trung-Quốc... cử về Việt Nam để yểm phá đất linh. Nếu tôi không là ông thầy dạy võ, nếu tôi đi một mình thì có lẽ đã mất mạng.

6. Tìm trong kho tàng Trung-quốc

6.1. Chính sử

Nếu sử Việt nghèo nàn, chép vắn tắt bao nhiêu, thì sử Trung-quốc chép về cuộc chiến tranh Mông-cổ , Đại Việt lại nhiều vô cùng, đa dạng vô cùng. Tuy vậy, để giúp các bạn có thể nhìn rõ hơn, đỡ mất thời giờ hơn, tôi chỉ đưa ra những bộ thực sự có giá trị, hơn nữa là bộ sách nguyên thủy. Còn những bộ sau chỉ mô phỏng từ bộ nguyên thủy thì tôi bỏ qua.

Trung-hoa có 24 bộ chính sử, chép về 24 triều đại lớn. Các bộ này chép theo nguyên tắc của Tư Mã Thiên trong bộ Sử-ký. Nội dung phân ra : Bản kỷ chép các đời vua. Thế gia, chép các vương, hầu có tính cách cha truyền, con nối. Liệt truyện chép tiểu sử các bà vợ vua, các quan, các nước ung quanh, cùng những nhân vật nổi tiếng dù là gian thần, trộm cướp. Biểu, bảng liệt kê các sự kiện theo thời gian. Chí, chép văn học, quan chế, thiên văn, lịch số v.v.

Thường các bộ này do một cơ quan về sử của triều đại sau, chép về triều đại trước. Như sử quan triều Nguyên, soạn bộ Tống-sử. Sử quan triều Minh soạn bộ Nguyên-sử . Các cơ quan sử này, mỗi thời mang một tên khác nhau. Tác giả ít khi là một người.

Bộ chính sử chép về Mông-cổ và triều Nguyên, do sử thần triều Minh là Tống Liêm, Vương Vỹ vâng lệnh Minh Thái-tổ soạn năm 1369. Cái đáng trách là bộ Tống-sử, do sử thần triều Nguyên, một triều đại mà dân Trung-quốc gọi là Hung-nô, Thát-đát, rợ phương Bắc... soạn ; lại rất vô tư, rất chi tiết, rất đầy đủ. Còn bộ Nguyên sử, do sử thần Minh triều soạn lại luộm thuộm, thiếu sót, sai sự thực nhất trong 24 bộ chính sử. Nguyên do chỉ vì phải hoàn thành trong vòng một năm. Lại nữa, các sử thần triều Minh không biết chữ Thổ-phồn là chữ lúc đầu Mông-cổ xử dụng. Họ lại không biết tiếng Mông-cổ vốn là tiếng đa âm, trong khi tiếng Trung-quốc là tiếng đơn âm. Thành ra những tài liệu mà triều Nguyên để lại ở sử quán Bắc-kinh trở thành vô dụng.

Trong Nguyên sử, ta có thể tìm thấy những sử liệu liên quan đến chiến tranh Nguyên-Mông với Đại-Việt :

- Bản kỷ đệ tam, Hiến-tông kỷ, quyển 3.

- Bản kỷ đệ tứ, Thế-tổ kỷ, quyển 4.

- Liệt truyện 96, An-nam, quyển 209,

- Liệt truyện 97, Chiêm-thành, quyển 210.

Truyện các văn thần, võ tướng liên quan đến Đại-Việt như :

- Liệt truyện 8, Tốc Bất Đài, Ngột-lương Hợp-thai, quyển 121.

- Liệt truyện 15, A Truật, A Lý Hải Nha, quyển 128.

- Liệt truyện 16, Lai A Bát Xích, Lý Hằng, quyển 129.

- Liệt truyện 18, Áo Lỗ Xích, quyển 131.

- Liệt truyện 20, Toa Đô, quyển 133.v.v.

Vì Nguyên sử thiếu sót, luộm thuộm, nên sau này đời Minh, Thanh và cả Dân-quốc có nhiều bộ sử ra đời, bổ sung, hiệu đính như:

Về đời Minh.

- Nguyên sử tục biên của Hồ Túy Trung.

- Nguyên sử bị vong lục của Vương Quang Lỗ.

- Nguyên sử kỷ sự bản mạt của Trần Bang Chiêm.

Về đời Thanh

Về đời Thanh, nhiều sử gia viết về Mông-cổ, cũng dễ hiểu. Vì các sử gia đời Minh muốn viết những sự thực không đẹp của Minh Thái-tổ trong cuộc chiến Minh-Nguyên phải e dè. Lý do khác là, tổ tiên của nhà Thanh chính là Kim Ngột Truật nhà Kim. Mà Kim gốc từ bộ lạc Nữ-chân, một bộ lạc trong vùng Thảo-nguyên như Mông-cổ. Họ hiểu nhiều ngôn ngữ, phong tục Mông-cổ

- Nguyên sử loại biên của Thiệu Viễn Bình.

- Bổ Nguyên sử thị tộc biểu, Bổ Nguyên sử nghệ văn chí, Nguyên sử thập di, của Tiền Đại Hân.

- Nguyên sử bản chứng, của Uông Huy Tổ.

- Nguyên sử tân biên, của Ngụy Nguyên.

- Nguyên sử dịch văn chứng bổ, của Hồng Quân.

- Mông-Ngột nhi sử, của Đỗ Kỳ.

- Tân Nguyên sử, của Kha Thiệu Mẫn.

Một bộ sử, mà khi nói đến tác giả, tôi muốn lợm giọng, đó là bộ An Nam chí lược của Lê Trắc (Có sách chép là Lê Tắc). Y nguyên là môn khách của Chương-hiến hầu Trần Kiện. Y cùng Kiện đầu hàng Nguyên năm 1285. Cũng nên nhắc ở đây, Kiện là con trai của Tĩnh-quốc vương Quốc Khang. Khi An-sinh vương phi tức công chúa Thuận Thiên có thai ba tháng, thì bị Trần Thủ Độ ép đem vào cung làm hoàng hậu của vua Trần Thái-tông. Cái thai đó sau sinh ra Quốc Khang. Quốc Khang không phải là con vua, nên tuy là anh cả mà không được truyền ngôi. Ngôi vua truyền cho em là Thái-tử Hoảng, tức vua Thánh-tông. Sau khi hàng Nguyên, bọn Trần Kiện được Thoát Hoan đưa về Trung-quốc. Hưng Đạo vương cho phục binh giết Kiện và bộ thuộc. Trắc thoát chết, mang xác Kiện về gò Ôn-khâu táng. Y được Nguyên trọng dụng. Thời gian ở Nguyên, y viết bộ An Nam chí lược. Nội dung, y đứng trên cương vị thần tử Trung-quốc, luôn bóp méo lịch sử Việt. Tuy vậy trong bộ sử này chép lại rất nhiều điều trọng đại ba cuộc bình Mông của Đại Việt. Tôi xin căn dặn các bạn trẻ trước: Khi xử dụng An Nam chí lược phải hết sức thận trọng.

6.2. Phả, bia đá, minh.

Nhiều vô cùng. Có một kho tàng vĩ đại, viết về nhưng tiểu tiết, những truyện lặt vặt, những nhân vật nhỏ bé mà các sử gia bỏ qua. Đó là những cuốn địa phương chí, nhân vật chí của những xã, những huyện thuộc Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Những cuốn này cho tôi nhiều chi tiết rất quý trong việc tìm hiểu về thời gian Mông-cổ cai trị Trung-quốc, về ba cuộc xâm lăng Đại Việt. Hiện những tập sách nhỏ này nằm rải rác ở các thư viện trung ương Liễu-châu, Côn-minh, Quảng-châu hoặc tại thư viện Đại-học văn khoa, hoặc thư viện cấp huyện, thậm chí cấp xã. Trong khi tiếp xúc với các giáo sư sử học, nhân chủng học, và ngay cả những vị có trọng trách về văn hóa của ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam như:

Quảng Đông: Quảng-châu, Kỳ-giang, Dương-giang, Đài-sơn, Phật-sơn.

Quảng Tây: Liễu-châu, Nam-ninh, Ngọc-lâm, Hợp-phố, Khâm-châu, Long-châu.

Vân Nam: Côn-minh, Khai-nguyên, Văn-sơn, Điền Bắc, Khúc-tĩnh.

Các vị ấy cũng không hề biết rằng trong thư viện thống thuộc mình lại có những cuốn sách như vậy. Các vị ấy còn khuyên tôi chẳng nên chú ý đến những tiểu tiết nhỏ nhặt. Họ đâu có biết rằng những cái nhỏ bé ấy, nó như những viên gạch, tôi dùng để xây lâu đài vĩ đại. Giáo sư Chung Vũ Ninh gọi tôi là con mọt sách lớn nhất mà ông gặp.

Dưới đây tôi chỉ đưa ra tên những tập quan trọng mà thôi.

- Đại-lý di hậu lục, Vô danh, Minh. Thuật trận đánh của Đoàn Hưng Trí với Ngột-lương Hợp-thai, y bị bắt.

- Di tộc kỷ sự bản mạt, Vương Doãn, Minh. Chép về tộc Di ở Vân Nam, cuối sách dành ra 15 trang nói về số phận 5 vạn quân Đại-lý theo Ngột-lương Hợp-thai sang đánh Đại Việt.

- Khúc-tĩnh nhân vật chí, Vô danh, Minh.. Chép tiểu sử một số nhân vật vùng Khúc-tĩnh, Vân Nam. Trong đó có 7 người theo Mông-cổ đánh Đại Việt bị giết.

- Điền Bắc chư thần chí, Đoàn Đại, Minh. Chép sự tích 25 thần ở Diền Bắc, Vân Nam. Trong đó có tới 9 thần vào thời Mông-cổ cai trị.

- Thát-đát cảo lục, Võ Doãn Cương, Minh. Chép những thống khổ của dân chúng vùng Quảng Tây phải gánh chịu trong ba cuộc chiến tranh Mông-Việt.

- Mông-thát di hận, Uông Huy, Minh. Chép những thống khổ của dân chúng vùng Quảng Đông, Quảng Tây trong thời gian bị Mông-cổ cai trị. Trong đó có ba lần đánh nhau với Đại Việt.

- Đại-lý cổ sự lục, Uông Kinh, Minh. Chép những truyện kỳ lạ tại triều đình Đại-lý trong khoảng 1200-1257. Có chép cuộc chiến tranh giữa Mông-cổ với Đại-lý.

Và hằng trăm sách lặt vặt khác.

Nếu thời Tống đã có bộ Tống triều công thần bi ký, đã giúp tôi khi viết Nam-quốc sơn hà, thì đời Nguyên, những loại bi ký lại rải rác, hiếm hoi. Vì các văn gia Trung-nguyên coi người Mông-cổ là thứ rợ Thát-đát, chỉ biết cướp bóc hãm hiếp, mà không có văn hóa, nên khi các danh nhân Mông-cổ chết, ít đươc soạn bi ký kỷ niệm. Những bài bi ký này, chính tác giả đã đưa vào thi hay văn tập của mình:

Diêu Toại (1238-1314) trong Mục-am tập có bài ký nói về:

- Sứ giả Nguyên là Trương Đình Tân, đến Đại Việt năm 1269.

- A-lý Hải-nha (Ariq Qaya), tướng tấn công Đại Việt năm 1285.

- Trong bài Dĩnh-châu vạn hộ Để công thần đạo bi, có đề cập tới chiến cuộc Mông-cổ với Chiêm, Việt.

Tô Thiên Tước (1294-1352) trong Nguyên triều danh thần sự lược, có bi ký của:

- A Truật (Aju), con trai Ngột-lương Hợp-thai, cầm quân đánh Đại Việt năm 1958 do Vương Vân soạn.

- Khac Kha Sun do Lưu Mẫn Trung soạn.

Cũng Tô Thiên Tước, trong Từ khê văn cảo, có bia chép về Lý Thiên Hạo, một tướng thủy quân Nguyên, bị bắt trong trận Bạch-đằng năm 1288.

Bia trước đền Ôn Đức, thờ viên Thiên-phu trưởng tiếp viện lương thực cho Ngột-lương Hợp-thai năm 1258, bị giết. Bia này do tôi phát hiện tại xã Kiến-thủy, huyện Khai-nguyên, tỉnh Vân Nam.

6.3. Những chi tiết vụn vặt giá trị khác.

Một tài liệu, không phải là sử, được biên soạn vào đời Nguyên, mang tên Hoàng triều kinh thế đại điển, tác giả là Triệu Thế Diên và Ngu Tập soạn vào năm 1330-1331, dưới sự kiểm soát của Thân-vương Mông-cổ Đác-khan Khác-kha-sun (Darqan Qarqasun). Sách này hiện chỉ còn lại một chương đầu, in trong bộ Vĩnh-lạc đại điển. Nội dung nói sơ đến cuộc chiến tranh với Đại Việt, Chiêm-thành, các sự kiện được ghi rõ ngày, tháng, năm.

Một vài bài ký sự, thơ phú thù phụng của những sứ thần Mông-cổ qua Đại Việt, cũng ghi lại đôi ba nét về thời cuộc. Đó là các bộ:

An Nam hành ký của Từ Minh Thiện.

Trần Cương Trung thi tập của Trần Phu.

7. Tìm trong kho tàng Âu-Phi

Quân Mông-cổ từng đánh phá các nước Trung Đông và hầu hết các nước châu Âu, rồi đặt nền cai trị đến mấy trăm năm. Thế nhưng trong Nguyên sử, chỉ dành đâu có mấy trang nói về cuộc ra quân kinh thế hãy tục này. Đương thời sử gia các nước bị tai vạ đều ghi chép rất tỷ mỉ. Trong cuộc sưu tầm, tôi tìm thấy những bộ sử lớn của các nước sau đều tường thuật về biến cố này: Iran, Irak, Syrie, Afghanistan, Hung-gia-lợi, Ba-lan, Nga-sô, Tiệp-khắc, Đức, Áo. Những nước thoát khỏi tai ách này gồm Pháp, Ý, Anh, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha. Trong các bộ sử đó, thì bộ sử biên niên của nhà sử học Iran là Allah Rasid ud-Din (1247-1318) có giá trị nhất. Trong bộ sử này, có nói qua về vụ Thoát Hoan bị Đại Việt đánh bại.

Sang thế kỷ thứ 18-19-20, nhờ Đông Tây thông thương, các sử gia Âu-Phi tham khảo thư tịch những nước Á-châu, họ viết về Mông-cổ rất chi tiết. Song không sách nào nói đến ba cuộc bình Mông của Đại Việt cả. Họ chỉ lược vài giòng, với nghi vấn: Mông-cổ bại ở Nhật-bản và Việt-Nam. Vì sách quá nhiều, tôi chỉ lựa những bộ thực sự có giá trị, ghi trong phần tài liệu đính kèm. Các bạn có thể mua về đọc.

8. Vấn đề tên của người Mông-cổ

Trong khi viết 11 quyển về thời Lĩnh Nam, 19 quyển về thời Tiêu-sơn, tôi chưa bao giờ gặp khó khăn về vấn đề tên của nhân vật. Những tên trong 30 quyển trên, hầu hết là tên Trung-quốc, Đại Việt, rất dễ dàng cho tôi. Thảng hoặc gặp những tên Ấn-độ, Chiêm-thành, thì tôi cứ dùng tên Hán-Việt mà tiền nhân đã dùng, rồi ghi cạnh đó tên phiên âm bằng tiếng Phạn như :

Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci)

Tăng-giả Nan-đà (Samvananda)

Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma)

Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II)

Bây giờ, tôi gặp khó khăn khi viết tên người Mông-cổ. Từ thủa còn thơ, tôi học sử, gọi tên người Mông-cổ bằng tên phiên âm Hán-Việt trong Nguyên-sử in đời Thanh, riết rồi thành quen. Khi tôi vào tuổi 13-14, học sử Thế-giới bằng tiếng Pháp, tôi gặp tên Mông-cổ mà người Pháp phiên âm, làm tôi bàng hoàng như:

Thành-cát Tư-hãn là Gengis Khan.

Tốc Bất Đài là Sũbõdai.

Mộc Hoa Lê là Muqali.

Mông Kha là Mõngka.

Thế nhưng, mỗi khi có dịp đọc một quyển sách có liên quan đến Mông-cổ, tôi lại mất thì giờ rất nhiều thời giờ quy những tên trong sách ra tên Hán Việt quen biết. Vì các tác giả người Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, họ phiên âm theo tiếng nước họ. Rồi ngay trong một nước, mỗi tác giả lại phiên âm khác nhau. Lôi thôi! Rắc rối!

Tại sao?

Nguyên thủy, Mông-cổ chỉ là một tộc nhỏ trong vùng Thảo-nguyên. Họ sống theo chế độ lều trại, không văn hóa, không có chữ viết. Khi chinh phục Thổ-phồn, Thành-cát Tư-hãn mới dùng văn tự nước này làm văn tự Mông-cổ. Lúc đánh đế quốc Khwarezm, Mông-cổ lại dùng văn tự Ả-rập. Lúc Hốt Tất Liệt đặt nền móng cai trị ở Yên-kinh, họ lại dùng Hán-văn. Đến năm 1288, Mông-cổ dùng tới 16 văn tự khác nhau. Mỗi nước phiên âm tên Mông-cổ theo ý họ. Ngay trong cùng một nước, mà mỗi người tùy ý phiên âm riêng. Cái phức tạp là ở chỗ đó.

Trước 1201, Mông-cổ cũng như các bộ tộc ở vùng Thảo-nguyên, cứ sau trận đánh với nhau, thì bên thắng bắt tất cả đàn ông của bên bại làm nô lệ. Còn vợ, con gái của kẻ thù, bắt làm tỳ thiếp cho mình. Sau khi thắng bộ tộc Nãi-man, một bộ tộc văn minh, Thành-cát Tư-hãn bỏ lệ ấy. Ông sát nhập hai bộ tộc làm một, cho người Nãi-man được sống bình đẳng như người Mông-cổ. Sự rộng lượng này đưa Mông-cổ trở thành nước lớn. Vì vậy, từ đấy, khi đánh đến đâu, ông tuyển người địa phương bổ xung tổn thất. Ông dùng người địa phương làm tướng. Cho nên, trong quân Mông-cổ có nhiều tướng gốc Á-rập, Âu-châu, Thổ-phồn, Tây-hạ, Thát-đát, Cao-ly, Trung-quốc. Lại còn những tên Thánh của Hồi-giáo, Thiên-chúa giáo...Tên của họ, đối với chúng ta ngày nay cũng đã rắc rối rồi, huống hồ hồi đó !

Vì vậy có tình trạng mạnh ai, người ấy phiên âm. Nói đâu xa, gần đây, Paris thành Ba-lê, Moscou thành Mạc-tư-khoa. California thành Gia-châu, Canada thành Gia-nã-đại. Montesquieu thành Mạnh Đức Tư Cưu. Karl Marx thành Mã Khắc Tư.

Năm 1976, khi tôi mới làm việc cho Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa (Tên cúng cơm là Commité médical Franco-Chinois, viết tắt là CMFC). Trước những danh từ, mà chưa ai dịch, hoặc dịch nhưng chưa thống nhất, tôi cứ sáng tác bừa ra. Lúc đầu, nhiều anh em viết sách kêu trời, vì họ đã dịch rồi. Nay họ phải đổi lại. Tỷ như Rhum des foins, người bị chứng này khi hoa nở thì bị dị ứng mũi, mắt. Tôi dịch là hoa khai thế lệ. Nghĩa là hoa nở, nước mắt nước mũi chảy. Tiền trả xa lộ, bao năm đã dịch là xa lộ phí, tôi dịch là tiền mãi lộ. Tiền eo-phe tại Hoa-kỳ, tiền RMI tại Pháp tôi dịch là tiền chẩn bần. Địa danh Chamonix tôi dịch là Đại-lang sơn tuyết phong. Tổng-thống Clinton, tôi dịch là Kha-lâm-tông. Thuốc Viagra tôi tương đại là Uy-nhi-cương có nghĩa là uống Viagra vào, thì cái nớ cứng lên, hùng dũng. Trước sau dịch từ Hoa-văn ra Pháp-văn và ngược lại, tôi đã sáng tác ra gần 700 từ. Thế mà, bây giờ những từ đó, trở thành chính thức.

Trở lại những tên Mông-cổ. Cái gã con trai Tốc Bất Đài, nguyên soái Mông-cổ đánh Đại Việt lần thứ nhất vào năm 1258, Nguyên-sử chép là Ngột-lương Hợp-thai, Ngột-lương Cáp-thai. ĐVSKTT chép là Ngột-lương Hợp-đải. ANCL chép là Ngột-lương Cáp-đải. Thông-giám tập lãm chép là Ô-đặc-lý Cáp-đạt. Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo vương lại là Cốt-đải Ngột-lang. Bột-lan Hợp-đáp-nhi, Nguyên sử chép là Bột-lỗ Hợp-đáp-nhi; ANCL chép là Lý-la Hợp-đáp-nhi, Sách-la Cáp-đáp-nhi.

Lối phiên âm này, vào thời Nguyên, Minh đã hỗn loạn như thế. Sang thời Thanh, năm 1781, vua Càn Long cho thành lập một ủy ban, soạn bộ Liêu, Kim, Nguyên tam sử ngữ giải. Vì tổ tiên của nhà Thanh là Kim Ngột Truật. Mà Kim vốn gốc là bộ lạc Nữ-chân, một trong các tộc thuộc vùng Thảo-nguyên như Mông-cổ. Cho nên ủy ban phiên âm các tên trong Liêu-sử, Kim-sử, Nguyên-sử thành âm Mãn-thanh, ghi bằng Hán-văn. Thế là...rối loạn càng thêm rối loạn. Lộn tùng phèo hết. Ngột-lương Hợp-thai được đổi thành Ô-lan Cáp-đạt, A-lý Hải-nha thành A-nhĩ Cáp-nhã. Bản in Nguyên-sử mà tiền nhân dạy tôi, là bản in đã sửa đổi theo phiên âm Càn Long. Mãi tới năm 1978, khi theo Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa sang Hồ Bắc, tôi đọc bộ Nguyên-sử cũ, mới bật ngửa ra cái sự khác nhau. Trong dịp này nhờ điều trị cho giáo sư sử học Cao Toàn An, tôi được ông giảng giải chi tiết về sự phiên âm này. Tôi như người mù đươc mở mắt về vấn đề phiên âm.

Bởi vậy khi đọc sử Trung-quốc giai đoạn này rất dễ lầm lẫn. Ông Hoàng Thúc Trâm trong tác phẩm Trần Hưng Đạo lầm rằng A Truật, A Châu là hai người khác nhau. Thực ra A Truật là phiên âm đời Minh. Còn A Châu là phiên âm đời thanh. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược lầm Tích-lệ-cơ-ngọc thành Tích-lệ và Cơ-ngọc. Nhà sử học Nhật-bản Yamamoto Tatsuto lầm Hòa-lễ-hoắc-tôn thành Hòa-lễ và Hoắc-tôn. Các dịch giả bộ KĐVSTGCM của viện Sử-học Hà-nội cắt I-lặc-cát-đại thành Y-lặc và Cát-đại.

Vậy trong hai bộ tôi viết về thời bình Mông này, sẽ phiên âm ra sao? Theo sách Anh? Nhưng sách Anh nào? Theo sách Pháp? Nhưng sách Pháp nào? Tôi nhận ra cách phiên âm của các nước châu Âu tuy khác biệt nhau, nhưng đại lược giống nhau. Chỉ cần biết tên đó do một nước phiên âm, khi gặp tên đó do nước khác phiên âm cũng đoán ra. Như Thành-cát Tư-hãn, họ phiên âm là Gengis Khan, Cjensitan, Chsgengista... Còn trong sách của tôi, tôi nghĩ: Thôi thì dầu sao tôi cũng từng là người thông dịch Pháp-Hoa trong 24 năm, tôi tự quyết định lấy. Quyết định này đặt trên căn bản sao cho giới trẻ Việt, dù ở trong nước, hay ở hải ngoại không bị lầm lẫn, dễ dàng nắm được vấn đề khi đọc sách Việt, khi đọc sách Trung-quốc hay sách Anh, Pháp, Đức ! Nguyên tắc đó là:

1. Dùng tên phiên âm của Nguyên-sử, mà lịch sử Việt từng dùng. Tên này quen với người Việt. Không cần biết tên đó phiên âm thời Nguyên-Minh hay Càn Long. Sau đó chú giải một trong cách phiên âm của Tây-phương. Tỷ như khi nói tới Triết Biệt, tôi giữ nguyên, rồi chú giải ngay cạnh hoặc bên dưới là Jăbă. Hốt Tất Liệt chú giải cạnh là Qubilai. Ngột-lương Hợp-thai chú giải cạnh là Uryangqadai.

2. Ngược lại khi chép những tên, mà sử Việt không nói tới, Nguyên sử có nói tới, tôi dùng tên phiên âm Nguyên-sử. Như sông Onon, tôi chép là Long-lý hà, rồi chú giải cạnh. Như tên một thành ở biên giới Mông-cổ, Tây-hạ, Nguyên-sử gọi là Lực-cát-lý doanh, tôi vẫn giữ nguyên, nhưng chú giải cạnh là Wolohai.

3. Những tên người, đất chỉ xuất hiện ở Mông-cổ, hoặc Tây-phương, Trung Đông, mà Nguyên sử không nói tới, tôi tự phiên âm, rồi chú giải phiên âm của Tây-phương bên cạnh.

Hy vọng, với tuổi trẻ hiếu học, với những bước đầu tôi đi qua, để lại; các bạn dễ dàng tìm hiểu về Mông-cổ, tìm hiểu về trang sử anh hùng của tộc Việt ta trong ba lần bình Mông.

Paris ngày 19 tháng Chạp, năm Mậu Dần.

Nhằm ngày 4 tháng 2 năm 1999.

Một đoạn ngắn gia phả họ Trần

Dịch nghĩa

Từng nghe rằng:

Thấy muôn núi trùng trùng, điệp điệp mà xét đến tột cùng ngọn núi Tu Di(1). Xem thấy sông lạch mênh mông mà suy tận cùng đến tinh tú. Thế nên nhà phải có gia phả, cũng như nước phải có sử sách, đó là điều thật không thể thiếu vậy?

Xưa, các triều đại của nhà Ngu, nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu, sự liên quan trong giòng họ mỗi đời đều thấy rõ.

Giòng dõi họ Trần nhà ta, nguồn gốc từ Mân-châu (2) trước chọn đất An-sơn (Nay thuộc huyện An-hưng, tỉnh Khánh-an), sau di xuống làng Tức-mặc. Ông tổ tên Hồng-Phúc (3), nhờ tích đức, lũy nhân, nên tiếp nhận được thế đất Thái-đường (Nay thuộc xã Thái-đường, huyện Hưng-nhân, tỉnh Thái-bình).

Ngôi đất ấy, sách Phong-thủy gọi là

"Liên hoa kết nhụy, dĩ nhan sắc đắc thiên hạ"(4)

Về sau, quả nhiên đức Trần Thái-tông (Thuộc chi thứ trong họ) được họ Lý truyền vị, lên ngôi báu, trải 14 đời vua. Nếp nhà nhân hậu, con cháu phồn vinh, thịnh vượng. Há bảo rằng : Không thể lường máy tạo, khó tính nổi mệnh trời, đầy dẫy sóng cuồn cuộn, để đạt thành sự nghiệp từ ngàn xưa đến ngàn sau.

Kế đến, giòng họ dời về cư ngụ tại phường Hà-khẩu, đất Hà-thành, cũng đời đời gìn giữ nếp nhà, nên hàng sĩ phu, quan lại, nay chính là họ Đặng-Trần đó. (5)

Chi trưởng họ nhà ta, trung hiếu nề nếp, kính giữ thần chức. Thời kỳ nhà Trần đang thịnh thì nếp nhà vinh hiển, cùng gánh vác chia sẻ lẽ hưng suy của Xã Tắc....(6)

Chú giải

(1) Tu-di, ngọn núi không có trên địa cầu. Thấy thuật trong kinh Phật. Ở đây, ý muốn nói: Nguồn gốc của các ngọn núi trên thế gian.

(2) Thời An Dương vương, vùng Nam-hải bị Triệu Đà chiếm, Phương-chính hầu Trần Tự Minh, di gia thuộc xuống vùng Giao-chỉ.

(3) Hồng Phúc là tên thụy của Trần Tự Kinh, sau được truy tôn là Mục-tổ hoàng đế (1103-1190).

(4) Nghĩa là hoa sen kết thành nhụy. Nhờ nhan sắc mà được thiên hạ. Ý chỉ con gái Nguyên-tổ Trần Lý là Trần thị Kim Dung, kết hôn với vua Lý Huệ-tông, mà cháu là Trần Cảnh được Lý Chiêu-hoàng tuyển làm chồng, rồi được nhương ngôi.

(5) Khi bị giặc Hồ Quý Ly cướp ngôi. Con cháu các vua Trần phiêu bạt khắp nơi, trốn tránh. Đổi họ thành Đặng, khi họ Hồ bị quân Minh bắt, một số đổi ra họ Đặng Trần.

(6) Chi trưởng chỉ con cháu An-sinh vương Trần Liễu với các vị Hưng-ninh vương Trần Quốc Tung, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Vũ Thành vương Trần Quốc Doãn.

Bài tán của Trình Quốc-công Nguyễn Bỉnh Khiêm khi đọc gia phả Trần tộc.

Phiên âm

Đông-sơn chi dương,

Húc nhật hoàng hoàng,

Căn thâm phái dẫn.

Thịnh truyền mỹ chương,

Liên chi quỳnh cán,

Dịch tự thư hương.

Phong hùng hải biểu,

Vũ nhuận phân hương.

Lan giai dụ ấm,

Quế tịch đằng phương.

Phúc điền lợi ích,

Nhân trạch an khang.

Cầu đồ thư bảo,

Tần vi thi chương.

Ư kim vi liệt,

Chấn cổ hữu quang.

Trắc giáng cụ nhĩ,

Tại thượng, tại bàng.

Ái như nhập hộ,

Tư hồ đăng đường.

Nghĩa thâm truy viễn,

Tố tự Thiên-trường.

Ô! Hoàng ngọc phổ,

Đỉnh Hạ, đôn Thương.

Trình Quốc-công,

Cổ-am Bạch vân Nguyễn tiên sinh bái tán

Dịch

Ấm phủ non Đông,

Mặt trời rực rỡ,

Rễ sâu lan tỏa.

Nền thịnh sáng hồng!

Gốc quỳnh liền cành,

Thư hương tiếp nối,

Gió hùng biển cả.

Mưa nhuận thôn trang,

Thềm lan ôm ấp,

Vườn quế ngát hương.

Phúc điền sinh lợi,

Nhân trạch an khang.

Đồ thư quý báu,

Thi chương thơm lừng.

Nay vẫn rạng rỡ,

Nguồn sáng chấn hưng.

Trắc giáng đã đủ,

Ở trên, ở dưới,

Phảng phất vào cửa,

Suy niệm đăng đường.

Nghĩa sâu truy xa,

Từ cung Thiên-trường.

Ôi ! Hoàng ngọc phổ,

Đỉnh Hạ, đôn Thương

Trình Quốc-công Bạch-vân

tại làng Cổ-am bái tán.

Chú giải

(1). Hưng-Đạo vương có bốn vương tử, đều là đại tướng lập nhiều công trong cuộc chống Mông-cổ lần thứ nhì và ba. Cả 4 đều được phong vương, có thái ấp riêng: Hưng-Võ vương, Hưng-Nhượng vương, Hưng-Hiến vương, Hưng-Trí vương. Cho đến nay, dù mất nhiều công sưu tầm, tôi cũng không tìm ra di duệ của Hưng-Trí vương. Bài tán này, tôi thấy trong hầu hết các gia phả thuộc giòng Hưng-Võ, Hưng-Nhượng, Hưng-Hiến vương. Không biết Trình Quốc-công Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm năm nào?

(2). Non Đông để chỉ núi Thái-sơn, ý nói công đức sinh thành của tổ tiên. Nhưng sườn non Đông ở đây có nghĩa: Sườn có nghĩa là chữ phụ. Chữ phụ với chữ Đông thành chữ Trần.

(3) Thiên-trường, tên một trấn, nơi phát tích của giòng họ Trần. Nay thuộc Nam-định và Thái-bình.

(4) Đỉnh Hạ, nhà Hạ bên Trung-quốc, khi thống nhất thiên hạ, đã đúc chín cái đỉnh tượng trưng cho chín châu, để ở kinh đô,tỏ rõ quyền đế vương. Đôn Thương: Nhà Thương nối tiếp nhà Hạ, đúc chín cái đôn, để chín cái đỉnh của nhà Hạ lên trên, tượng trưng nhà Thương kế tục nhà Hạ, làm chủ thiên hạ.

Toàn ý câu này muốn nói, triều Trần do đức mà được Thiên-hạ.

Thư tịch về Mông-cổ, và ba cuộc bình Mông của tộc Việt, thế kỷ thứ XIII.

Sách Việt ngữ.

So sánh với sách Trung-quốc, Nhật-bản, Cao-ly hay bất cứ các sách Tây-phương, thì sách báo Việt-ngữ viết về ba cuộc bình Mông quá ít, quá sơ lược. Tuy nhiên tôi cũng ghi vào đây.

Chu Thiên, Chống quân Nguyên, Sở học liệu, Bộ Văn-hóa giáo dục VNCH, Đại Nam California, USA tái bản.

Đào Duy Anh, Lịch-sử Việt-Nam, Sở học liệu, Bộ Văn-hóa giáo dục VNCH, Đại Nam, California, USA tái bản.

Đào Duy Anh, Tài liệu về cuộc kháng chiến của nhà Trần đã ngăn chặn sự bành trướng của Mông-cổ xuống Đông Nam Á, Nghiên cứu lịch sử, số 12, Hà-nội tháng 9 năm 1962.

Đào Duy Anh, Tìm các đèo Khâu-cấp và Nội-bàng trên đường dụng binh của Trần Hưng Đạo. Nghiên cứu lịch sử số 66, Hà-nội tháng 9 năm 1964.

Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ thứ XIII. Nhà xuất bản Khoa-học xã hội Hà-nội 1975.

Nguyễn Ngọc Thụy, Về con nước thủy triều trong trận Bạch-đằng năm 1288, Nghiên cứu lịch sử số 63, Hà-nội tháng 6 năm 1964.

Nguyễn Văn Dị, Văn Lang, Nghiên cứu về trận Bạch-đằng năm 1288, Nghiên cứu lịch sử số 49, Hà-nội tháng 4 năm 1963.

Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu chiến thuật, chiến lược thời Trần Lê, Hà-nội 1963.

Trần Hà, Xung quanh trận Bạch-đằng năm 1288, Nghiên cứu lịch sử số 46, Hà-nội tháng 1 năm 1963.

Trần Huy Liệu, Kỷ niệm 675 năm trận chiến Bạch-đằng, Nghiên cứu lịch sử số 50, Hà-nội tháng 5 năm 1963.

Trần Trọng Kim, Việt-Nam sử lược, Sở học liệu, Bộ Văn-hóa giáo dục VNCH, Đại Nam, California, USA tái bản.

Văn Tân, Bàn thêm về nguyên nhân khiến cho cuộc kháng chiến chống quân Mông-cổ hồi thế kỷ thứ 13 đi đến thắng lợi. Nghiên cứu lịch sử số 66, 67 tháng 9-10 năm 1964.

Sách chữ Hán

Đây là loại sách viết bằng chữ Trung-quốc, nhưng tôi gọi là sách chữ Hán, để phân biệt với sách do người Trung-quốc viết. Chữ Trung-quốc, trong quá khứ, tổ tiên ta đã dùng làm văn kiện, thi cử mấy nghìn năm, được gọi là chữ Hán đã quen. Một vài bộ, do họ Lý tại Đại-hàn, gốc là con cháu Lý Dương Côn, Lý Long-Tường sang kiều ngụ, đã viết, nhưng khi viết, họ đứng trên danh nghĩa người Việt, cũng được ghi vào mục này. Nói nôm na ra mục này ghi : Sách chữ Trung-quốc do người Việt viết.

Tuy nhiên khi viết bộ An-Nam chí lược, Lê Tắc đã đứng trên lập trường là thần tử nhà Nguyên ; con cháu Chiêu-quốc vương Trần Ích-Tắc khi chép gia phả, cũng luôn coi mình là người...Trung-quốc ; vì vậy những sách ấy được ghi vào mục tài liệu Trung-quốc.

Sách chữ Hán do người Việt viết tuy nghèo nàn, nhưng lại là tài liệu rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-cổ của tổ tiên ta xưa.

Một số lớn sách, chép về các anh hùng, không mấy quan trọng mà tôi đã ghi chú ngay dưới các sự kiện, thì không chép vào đây.

Cao-ly sử, thư viện quốc gia Hán-thành, Đại-hàn.

Chiêu-Quốc di hậu lục. Sách chép tay của con cháu Chiêu-Quốc vương Trần Ích-Tắc, tại trấn Nhạc-dương, tỉnh Hồ-Nam Trung-quốc.

Đại-Nam nhất thống chí, bản Tự-Đức, chép tay.

Đại-Việt sử ký toàn thư, Trần Kinh-Hòa chú giải, Đông-kinh đại học, Đông-dương Văn-hóa nghiên cứu sở xuất bản, niên hiệu Chiêu-hòa thứ 59.

Đại-Việt sử ký, đời Tây-sơn.

Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, Quốc-sử quán triều Nguyễn, bản in 1881.

Nam-sử tập biên, của Vũ Văn Lập. Bản chép tay của thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội.

Tiêu-sơn truyền phả. Sách chép tay của con cháu Kiến Bình vương Lý Long Tường tại Phú-lương giang, quận Khang-linh (Ong Nin Gun), tỉnh Hoàng-hải (Hwang-hạc) , Bắc Triều-tiên.

Tinh-thiện Lý thị tộc phả. Bản chép tay của thư viện quốc gia Hán-thành, Nam Hàn.

Trần gia di phả. Sách chép tay của giòng Hưng Hiến vương tại Bát-tràng.

Trần gia ngọc phả, sách chép tay thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội.

Trần gia điển tích thống biên. Sách chép tay của thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội.

Trần Hưng Đạo vương cựu tích. Sách chép tay của thư viện Khoa-học xã hội.

Trần Kiến-trung thực lục hay Vạn-yên thực lục. Sách chép tay của thư viện Kha-học xã hội, Hà-nội.

Trần đại tộc chính phả. Sách chép tay của giòng Hưng Nhượng vương tại Cổ-am.

Trần đại vương bình Nguyên thực lục, bản chép tay của thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội.

Trần tông ngọc phả. Sách chép tay của giòng Hưng Vũ vương tại Hải-hậu, Nam-định.

Trần triều thế phả hành trạng. Sách chép tay của thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội.

Trần vương truyện khảo, của Trần Duy Vôn 1931, sách chép tay của thư viện Khoa-học xã hội, Hà-nội.

Trần-gia Bắc-tông chính phả. Sách chép tay của con cháu Chiêu-Quốc vương Trần Ích-Tắc tại xã Lãnh-thủy, thị xã Trường-sa, tỉnh Hồ-Nam, Trung-quốc.

Việt-sử tổng vịnh, bản in đời Tự-Đức bản in đời Tự-Đức 1874).

Tài liệu Trung-quốc

Nguồn tài liệu này quá phong phú, nhưng lại quá phức tạp. Nếu chép hết, có lẽ tới vài nghìn bộ. Ở đây tôi chỉ ghi tên những bộ, hội đủ điều kiện sau :

- Có giá trị nhất, nguồn gốc rõ ràng.

- Có tàng trữ tại các thư viện lớn, hoặc thư viện các đại học tại Hoa-kỳ, Pháp, Canada, Anh, Đức, Đông-kinh, Hán-thành và thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội.

- Có giá trị nguyên thủy. Tỷ như cùng một sự kiện, một tác giả chép rồi có nhiều tác giả khác lấy làm căn cứ viết các bộ khác, thì tôi chỉ ghi tên bộ nguyên khởi.

- Có liên hệ tới cuộc chiến Nguyên-Việt.

- Những bộ sử, mà tác giả viết vào thời gian 1949 tới 1998, trong tinh thần Marxisme, Léninisme, Maoisme không mấy trung thực, tôi không ghi vào đây. Tuy nhiên một vài bộ do các cơ sở quân đội soạn có giá trị cao. Các bộ này được dùng làm tài liệu tham khảo cho các sĩ quan chỉ huy tham mưu, cho các trường quân sự cao cấp, tuy rất khô khan, nhưng lại có nhiều giá trị về tình báo, về chiến thuật, chiến lược, tôi cũng ghi vào đây.

An-Nam chí lược, của Lê Trắc, Trần Trung-Hòa chú giải, Đông-kinh đại học, Đông-dương văn hóa nghiên cứu sở xuất bản, niên hiệu Chiêu-hòa thứ 59.

An-Nam chí nguyên, của Cao Hùng Trưng, Cẩm-chướng thư cục Thượng-hải, 1921.

Bình Tống lục, của Lưu Mẫn Trung, đại học Văn-khoa Triết-giang, 1978.

Chân-lạp phong thổ ký, Chu Đạt-Quan trong bộ Cổ kim đồ thư tập thành. Trung-hoa thư cục xuất bản, 1973.

Chiêu-bổ tổng lục, Thủ-sơn các tùng thư.

Chư phiên chí, của Triệu Nhữ-Quát, Đông-kinh đại học, Đông-dương văn hóa nghiên cứu sở xuất bản, niên hiệu Chiêu-hòa 54.

Hắc-thát sự lược, của Bành Đại-Nhã và Từ Đỉnh, đại học văn, khoa Giang-tô 1970.

Hoa-di dịch ngữ, bản trong Hàm-phàn lâu bí níp.

Kinh thế đại điển tư lục, bản trong Nguyên-văn loại.

Kinh thế đại điển, bản trong Vĩnh-lạc đại điển.

Liêu Kim Nguyên sử ngữ giải, soạn năm 1781, bản của Giang-tô thư cục.

Mông-ngột-nhi sử, của Đỗ Kỳ, 1934.

Mông-thát bị lục, của Triệu Hồng, bản trong Mông-cổ sử liệu từ chủng hiệu chú của Vương Quốc-Duy, viện nghiên cứu Thanh-hoa học hiệu.

Mục-am tập, của Diêu Toại, bản của đại học sư phạm Bắc-kinh 1979.

Đại-lý hành ký, của Quách Tùng-Niên, Kỷ-văn trai tùng thư.

Đào-viên học cổ lục, của Ngu Tập-Nguyên, Cẩm-chướng thư cục Thượng-hải 1924.

Đảo di chí lược, của Uông Đại-Nguyên, bản của Cổ-học vựng san 1911.

Nguyên hành tỉnh thừa tướng bình chương chính sự niên biểu, của Ngô Đình-Nhiếp trong Nhị thập ngũ sử bổ biên.

Nguyên đại bạch thoại bí tập lục, nhà xuất bản Khoa-học xã hội, Bắc-kinh 1955.

Nguyên đại Vân-nam sử địa tùng khảo, của Hạ Quang-Nam, Trung-hoa thư cục Bắc-kinh xuất bản 1976.

Nguyên điển chương, bản niên hiệu Quang-tự, 1908.

Nguyên sử bản chứng, của Uông Huy-Tổ, nhà xuất bản Khoa-học xã hội, Bắc-kinh 1978.

Nguyên sử bị vong lục, của Vương Quang-Lỗ, nhà xuất bản Khoa-học xã hội, Bắc-kinh 1978.

Nguyên sử dịch văn chứng bổ, của Hồng Quân, Quảng-nhã thư cục 1900.

Nguyên sử kỷ sự bản mạt, của Trần Bang-Chiêm, Thương-vụ ấn thư quán Hương-cảng 1973.

Nguyên sử loại biên, của Thiệu Viên-Bình, nhà xuất bản Khoa-học xã hội Bắc-kinh, 1978.

Nguyên sử nghệ văn chí, của Tiêu Đại- Hân, nhà xuất bản Khoa-học xã hội Bắc-kinh, 1978.

Nguyên sử ngoại di truyện địa lý khảo dị,của Đinh Khiêm, nhà xuất bản Khoa-học xã hội Bắc-kinh 1978.

Nguyên sử đồng danh lục, của Uông Huy-Tổ, Quảng-nhã thư cục.

Nguyên sử tân biên, của Ngụy Nguyên, Cẩm-chướng thư cục Thượng-hải 1920.

Nguyên sử, Tống Liêm tổng biên tập, Trung-hoa thư cục xuất bản.

Nguyên Thánh vũ thân chinh lược, bản của Đông-kinh đại học, không rõ năm xuất bản.

Nguyên thị tộc biểu, của Tiêu Đại-Hân, nhà xuất bản Khoa-học xã hội, Bắc-kinh 1978.

Nguyên triều bí sử, tân dịch bản của Chu Ngân-Danh, đại học sư phạm Trường-sa 1980.

Nguyên triều chinh tiễu An-Nam khảo bị, sở Nghiên-cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tổng tư-lệnh quân đội Nhân-dân Trung-quốc.

Nguyên triều danh thần sự lược, của Tô Thiên-Tước, đại học văn sử Thượng-hải 1979.

Nguyên văn loại, của Tô Thiên-Tước, Thương-vụ án thư quán 1958.

Quách-thị Nam chinh, con cháu Quách Quỳ, bản photocopie của Bộ Chỉ-huy quân sự tỉnh Quảng-Tây.

Tân Nguyên-sử, của Kha Thiệu-Mân, đại học Văn-sử Giang-tô, 1977.

Thành-cát Tư-hãn Tây-chinh khảo lược, Sở Nghiên-cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tư-lệnh quân khu miền Tây Mông-cổ, 1960.

Thiên Nam hành ký, của Từ Minh-Thiệu, đại học Văn-sử Vân-nam 1976.

Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, con cháu Triệu Tiết, bản photocopie của Bộ Chỉ-huy quân-sự tỉnh Quảng-Tây.

Tục tư trị thông giám, của Tất Nguyên, Trung-hoa thư cục 1966.

Vân-Nam chí lược, của Lý Kinh, đại học Văn-sử Vân-Nam 1976.

Việt kiệu thư, của Lý Văn Phượng, bản chép tay của thư viện Khoa-học xã hội Hà-nội, và đại học Văn-sử Quảng-châu 1982.

Nguồn tài liệu tiếng Tây-phương

Tài liệu gốc Mông-cổ

thế kỷ XIII-XVII

Altan Debter (Livres d Or), source introuvable du XIII° siècle (le début de sa rédaction pourrait remonter à 1225) sur l histoire de la lignée de Gengis-Khan, gardée dans le Trésor de l Etat. La source chinoise Sheng-Wu T sin - Tseng Lu en dérive ainsi que la source arabo-perse de Rasid ud-Din.

Monggol-un Ni uca Tobcian (Histoire Secrète des Mongols), probablement écrite en caractères ụgur en 1228 (perdue) et en caractères chinois vers 1240 ; traduite en chinois en 1370 sous le titre Yüan-ch ao pi-shi. Suivant les versions :

- du texte mongol Monggol-un ni ucaa tobci an, de E. HAENISCH, Die Geheime Geschichte der Mongolen, Leipzig 1949 ; P. PELLIOT, Histoire Secrète des Mongols, Paris 1949 ; M. OLSUFIEVA, Storia Segreta dei Mongoli (version italienne du texte reconstitué par l universitaire russe SERGEJ KOZIN), Milan 1973 ;

- du texte chinois Yuan-tch ao pi-chi (extraits), de E. HAENISCH, Untersuchungen über das Yüan-ch ao pi-shi, die Geheime Geschichte der Mongolen, Leipzig 1937.

Cinggis-Qahan-u Hujahur (Les origines de Gengis-khan), rédigé en 1228, faisant peut-être partie de l Altan Dëbtër, incorporé à l Histoire Secrète.

Altan Tobci (Histoire d Or), chronique anonyme datant peut-être de 1604. D après la version de C. R. Bawden (in « Gưttinger Asiatische Forschungen », I), Wiesbaden 1954.

Altan Tobci (Histoire d Or), chronique rédigée en 1667 environ par le prince Lubdzandandzin, descendant de Dayan-Khan. D après la version de E. Haenisch, Die letzen Feldzüge Cinggis Han s und sein Tod (in « Asian Major », IX), Leipzig 1933.

Cahan-Tëuqë (Histoire blanche), chronique du XIII° siècle concernant le culte de Gengis-Khan, attribuée à Qubilạ-Khan. Version de Zamca-rano, the Mongol chronicles of the Seventeeth Century (in « Gưtt. Asiat. Forschungen », III) ; N. Pallisen, Die alte Religion der Mongolen und der Kultus Tschingis-Chan s (in « Numen »), Leiden 1956.

Ssanang-Ssetsen Chung-tajsi, Ërdëny-yin tobci (l histoire précieuse), saga mongole de 1662. D après la version de I. J. Schmidt, Geschichte der Osst-Mongolen und ihres Fürstenhauses, St. Petersburg 1829.

Tài liệu Mông-cổ thế kỷ XVIII-XIX

Isibaldan, Ërdëny-yin ëriqë (La couronne de joyaux), chronique khalkh de 1835.

Jimbadorji, Bolur Toli (Le miroir de cristal), chronique de 1834-1837. Les trois sources de la version raccourcie de W.Heissig (in « Monumenta linguarum Asiae Maioris »), Copenhag 1958-1961-1962.

Lomi (desscendant de Dayan-Khan), Mongyol Borjihid oboy-un tëuqë (Histoire du clan des Mongols Borjigin), chronique de 1732-1735.

Rasipungsuy, Bolur ëriqë (La Couronne de cristal), chronique de 1774-1775.

*Les deux sources de la version de W. Heissig (in « Monumenta Serica »), Peiping 1945-1946.

Sirëgëtü-Güosi Dharma, Altan kürdün mingyan gëgësütü bicig (Le livre de la roue d or aux mille rayons), chronique de 1739.

Những tài liệu khác, tuy ngắn, nhưng khá quan trọng, rải rác trong các tạp chí Tây-phương ghi ở cuối phần này. Trong đó có các bài:

- Yëqë Mongyol ulusun ün-düsun-u altan tobci (Histoire d Or des origines de l Empire des Grands Mongols), rédigée en 1765 par le lama ( ?)

- Mërgën-gëgën, Subut ëriqë (La couronne de perle),

- Cinggis-un tëuqë (Histoire de Gengis),

- Cinggis qahan-un auiriyangyui sastir (Esquisse d une histoire de Gengis-khan),

- Tayji Cinggis qahan-un tëuqë (Histoire du noble Gengis-khan),

- Kưkư Tuy (Batnière bleue) [des Mongols bleus au temps de Gengis],

Tài liệu Mãn-châu

Ilan Gurun-i Suduri (Histoire des trois royaumes) ou des trois dynasties Liao, Kin e Yüan, rédigée en langue tartare vers 1646 sur l ordre de l empereur mandchou Shun-shi, et subdivisée comme suit :

_Tai-Liao Gunrun-i suduri (Histoire du grand règne Leao), dans la version de M. Conon von der Gabelentz, Geschichte der Grossen Tai-liao, St. Petersburg 1877. Du texte chinois Liao-shi (Annales Leao), voir les versions partielles de De Mailla, op. Cit., C. Visdelou, Histoire de la Grande Tartarie, Maestricht 1780 ; E. Bretschneider, Karakhitai (in « Mediaeval researches », cit.).

- Aïssin Gurun-i suduri (Histoire de l empire des Kin), version de C. De Harlez, Histoire de l Empire de Kin ou Empire d Or, Louvain 1887.

- Dais Yuwan Gurun-i suduri bithe (Histoire de l empire des grands Mongols), dans la version partielle de C. De Harlez, Manuel de la langue mandchoue, Paris 1884. Pour cette source, cf. le texte chinois de Yüan-shi (Annales Mongoles).

Kưke Sudur (Chronique bleue) (des origines impériales de la grande dynastie Yüan), rédigée en 1840 par INJANASI et WANGCUNBALA. Dans la version raccourcie de W. HEISSIG, Über die Kưke sudur (in « Monumenta Serica », VIII) et dans la traduction partielle de O. LATTIMORE , The Mongoles of Manchuria, Boston 1934.

Tài liệu Tây-tạng

JIGS-MED NAM-MK A, Hor chos byun (1818), dans la version de G. HUTH, Geschichte des Buddhismus in der Mongolei, Strasbourg 1902.

GÜÜSI DGELIGS NORBU, Qad-un tëuqë (Histoire des Rois), rédigées dans la seconde moitié du XVIII° siècle.

Tài liệu ARABO-PERSANES

thế kỷ XIII-XIV

AL-BEIDGAWY ABD ALLAH, Anwar at-tanzil (Perles de l Histoire) (XIII° siècle).

AL-JUZJANI ABU UMR-I- USMAN, Tabaqat-i-Nasiri (1260), dans la version de H. G. RAVERTY, A general history of the Muhammadan Dynasties of Asia (in « Bibliotheca Indica »), Londres 1881.

AL-MARRAKUSY ABD AL-WAHID, al-Kawakib ou al-Rasad (XIII° siècle) extraits in PETIS DE LA CROIX, op. bibl.

AN-NUWAIRI, Nihayt al-arab (Le but ultime) (XIV° siècle).

EL-KAZHANI ABD ALLAH, Zubdet el-Tawarikh (1303). « Rasid ud-Din a dignement dépouillé le malheureux Abd Allah el-Kazhani. Il a tout bonnement fait recopier son ?uvre et s est contenté de la signer lorsqu elle a été terminée et a refusé de lui verser la somme qu il lui avait promis » écrit E. Blochet p. 144-145 et 151-152) dans son commentaire à la version de Rasid ud-Din.

EL-NESAWI MOHAMMED, K amil ut-Tawarikh (L Histoire vraie) (1231-1241), suivant la version de O. HOUDAS, Histoire du Sultan Djelal ed-din Mankobirti prince du Kharezm par Mohammed en-Nesawi, Paris 1895.

IBN AL-ATHỴR IZZ AD-DIN, Al-K amil fi t-Tawarikh (La somme des histoires) (1233), extraits, par BARBIER DE MEYNARD, Histoire des Atabecs de Mosul (in Recueil des Historiens des Croisades, H. O., II), Paris 1872-1906; et in M. D OHSSON LE BARON, op. bibl., et BARTHOLD, op. bibl.

JUWAYNI ALA-AD-DIN ATA-MALIK, Tawarikh-i-Fahangusa (Histoire du conquérant du monde (1257-1260), suivant la version de G. R. SCARCIA, Gengis-Khan, Il Conquistatore del mondo, Milan 1962.

QAZWINI ABDOLLAH MUSTAWFI, Tawarikh-i guzida (Histoire choisie), (XIVè siècle).

RASID ED-DIN FADL ALLAH, Djami at-tawarikh (Annales Historiques) (1303), qui a puisé lui-même dans Juwaini et dans le Livre d Or mongol. Dans les versions de M. D OHSSON LE BARON (extraits), ?uvre bibliographique dérivée des sources (Cf. ci-dessous) ; E. QUATREMERE, Histoire des Mongols de la Perse écrite en persan par Raschid-Eldin, Paris 1836 ; E. BLOCHET, Introduction à l histoire des Mongols de Fadl Allah Raschid ed-Din, Leyden-London 1910.

WASSAF ABDULLAH BEN FAZLOLLAH DE SCIRAZ, Tajziyato l-amsar (Sivisiion des contrées) (1302-1312), extraits in M. D OHSSON LE BARON, op. bibl.

Tài liệu ARABO-PERSANES

thế kỷ XV-XVI

Abulcayr, Fateh name Tawarikh el-Osman (Le livre de l histoire d Osman) (XVI° siècle) extraits dans Petis de la Croix, op. bibl.

Al-Makrizi Taki-Eddin Ahmed, Kitab as-suluk fi ma rifa tawarikh al-muluk (Introduction à la connaissance de l histoire des rois) XV° siècle, dans la version incomplète de : E. Blochet, Histoire d Egypte, Paris 1908. E. quatremère, Histoire des Sultans Mamlouks de l Egype, Paris 1845.

ez-Zemji Moayn ed-din Mohammed d Esfizar, Rawzat ul-ennat,, fi evsaf medinet il Herat (Les jardins xélestes, ou description de la ville de Hérat) (XVI° siècle) extraits par Barbier De Meynard (in Journal Asiatique, 1860).

Hâfiz-Abrû, Zubfat et-Tawarikh (Crème de l histoire) (XV° siècle) dans la version raccourcie de K. Bayani, Chronique des Rois Mongols en Iran, Paris 1936.

Khondemir o khwandamir, Habib us-siyar (L ami des biographies) (XVI° siècle) extraits de L. Bouvat, Empire Mongol, Paris 1927, et Histoire des Khan Mongols et de la Transoxiane (in J. A., 1852).

Mirkhond ou Mirkhwand, Rawzat us-Safa (Jardin de Pureté) (XV° siècle), traduit de l anglais par E. Lamairesse, Jardin de Pureté, Paris 1894. De l original Vie de Djenghiz-Khan, Paris 1841 (texte persan) et Histoire des Samanides, Paris 1845 (texte persan traduit par M. Defrémery).

Sheref-ed-Din Ali Yazdi, Zafer-name (Le livre de la victoire) (1424), dans la version de Petis de la Croix, Delf 1727.

Tài liệu ARABO-LATINES

Abul-Pharakio Gregorio sive Bar Hebraeus (XIII° siècle, écrit en syriaque), Historia Orientalis, Oxoniae 1672; Chronicon Syriacum, etc., Lipsiae 1789.

Abul Fesa Ismaỵl ibn Ali al-Ayyubi (xiii-xiv° siècles) Annales Muslemici arabice et latine, Hafniae 1789.

Butrus ubn ar-Rahib (xiii° siècle) Chronicon Orientale, Parisiis 1685.

Tài liệu ARMÉNO-GEORGIENNES

Haython ou Hethum (xiii-xiv° siècles) Liber Historiarum partium Orientis sive passagium Terrae Sanctae, Haganoae 1529 (Cf. aussi lla version italienne, in Rmusio, op. bibl.).

Guiragos o Kirakos (xiii° siècle), Chronique d Arménie, extraits traduits par M. Ed. Dulaurier, Les Mongols, d après les histoiriens arméniens (in journal Asiatique, 1858).

Vartan (xiii° siècle) Histoire universelle (de la création du monde à 1269 après J.-C.) extraits traduits par M. Ed . Dulaurier, op. cit. (in J. A., 1860).

- Pour les sources arméniennes, cf. aussi Bilbliothèque Historique Arménienne, et plus particulèrement Choix et extraits des historiens arméniens par M. Ed. Dulaurier, Paris 1856-1859; Recueil des historiens des croisades, Documents arméniens, Paris 1839.

- Pour les sources géorgiennes, cf. Chronique géorgienne, trad. par M. Brosset jeune, Paris 1831.

Tài liệu Nga-sô

Vladimirskij Serapion, archimandrite des Grottes (xiii° siècle), auteur de cinq sermons; d après M Gorlin, Sérapion de Vladimir, prédicateur de Kiev (in Revue de Etudes Slaves, XXIV), Paris 1948.

Le Dit de la ruine de la terre russe (xiii° siècle, d après Gorlin (in Byzation, XXII), Paris-Bruxelles 1953.

Chronique de Halic-Volinia (xiii° siècle, d après D. Cizevkij, Über den Stil der Galizish Volinischen Chornik (in Südost-Forschungen, XII) Munich 1954.

Zadonscina (L épopée de Don) (xv° siècle), d après A. Mazon, La Zadonscina: réhabilitation d une ?uvre (in Revue des Etudes Slaves, XVIII), Paris 1938, et J. Blankoff, Les présages dans le Dit d Igor et la Zadonxcina ((in Annuaire de l Institut de Philologie et d Histoire Orientales et Slaves, XV), Bruxelles 1960.

Karamzin, M., Histoire de l Empire de Russie, d après les textes originaux des anciennes Annales russes; traduits par St. Thomas et Jaufret, Paris 1819/26.

Tài liệu Tây-phương

vùng Địa-trung hải

Bongarsius, J., Gesta Dei per Francos, sive Orientalium Expeditonum et Regni Francorum Hierosolimitani Historia a variis illius aevi Scriptoribus literis tradita,

Joinville, Jean sire de, Histoire de Saint Louis, IX nom, roi de France, Paris 1668.Hanoviae 1611.

Rogerii, Miserabile Carmen, super destructione Regni Hungariae per Tartaros facta (in "Monumenta Germaniae Historica, XXIX), Hannoverae 1892.

Simon de saint-Quentin, Histoire des Tartares (Historia Tartarorum), publiée par J. Richard, Paris 1965.

Tài liệu chính yếu xử dụng

Barthold, F. w., Turkestan down to the Mongol invasion, Oxford 1928.

Bazin, A., Le siècle des Youên, Paris 1850.

Bretschneider, E., Mediaeval researches from Eastern Asiatic Source, Londres 1888.

Cahun, L., introduction à l histoire de l Asie. Turcs et Mongols des origines au 1405, Paris 1896.

Deguignes, M. J., Histoire générales des Huns, des Turcs,des Mongols, et des autres Tartares Occcidentaux (ouvrage tiré des Livres Chinois et des Manuscrits Orientaux de la Bibliothèque du roi), Paris 1756.

D Ohsson, C. le Baron, Histoire des Mongols, depuis Tchinguiz-Khan jusqu à Timour Bey ou Tamerlan, La Haye 1834.

Douglas, R. K., The life of Fenghiz-Khan, translated from the Chinese, Londres 1877.

Grousset, R., L Empire Mongol, Paris 1941.

Hammer-Purgstall, Geschichte der Goldenen Horde in Kiptschak, Pesth 1840.

Harlez, C. J. De, La Religion nationale des Tartares orientaux, avec le Rituel Tartare de l empereur K ien-Long (d après les textes indigènes), Bruxelles 1887.

Herbelot, baron d , Biblothèque Orientale ou Dictionnaire universel contenantt généralement tout ce qui regarde la connaissance des Peuples de l Orient, Maestricht 1776.

Moule, A. C., Christians in China before the years 1550, Londres 1930.

Petis de la Croix, père, Histoire du grand Genchizcan. Premier Empereur des Anciens Mongols et Tartares (traduite et compilée de plusieurs Auteurs et de Voyageurs Européens), Paris 1711.

- Istoria del gran Genghizcan, primo Imperadore deglintichi Mongoli e Tartari (edizione italiana di F.Pitteri), Venise 1737.

Visdelou, C. e Galand, A., Bibliothèque Orientale (supplément à celle de D Herbelot), Maestricht 1780.

Vladimirtsov, B. J., Cingis Khan, Paris 1948.

- Le régime social des Mongols. Le féodalisme nomade, Paris 1948.

Tài liệu sử địa thời Trung-cổ

Abul feda Géographie (traduite de l arabe en fraçais et accompagnée de notes et d éclaircissements par M. Le Bon Mac Guckin de Slane), Paris 1840-1848.

- Descriptio Chorasmiae et Mawaralnahrae, Londini 1650.

Barbaro, G., Suoi viaggi alla Tana e in Persia (cf. Ramusio).

Bergeron, P., Voyages faits principalement en Asie dans les xii-xiii-xiv-xv° siècles, La Haye 1735.

Edrisi, Géographie d E. (traduite de l arabe en français d après deux manuscrits de la Bibliothèque du Roi et accompagnée de notes par P. Amédée Jaubert), Paris 1836-1840.

Jean du Plan Carpin, Voyage chez les Tartares (Historia Mongalorum) par G. Pullè, Milan 1956.

Guillaume de Rubrouck, Itinerarium ad partes orientales.

Fra Ladislao, Relatio de Tartaria aquilonari (an 1287) (in Biblioteca bio-bibliografica della Terra Santa e dell Oriente Francescano, III), Quaracchi 1925.

Odoric de Pordenone, Chronica ex Codice Bibliothecae Vaticanae nunc prium edito (in Monumenta Historica ad Provincias Parmensem et Placentinam pertinentia, III), Parmae 1855.

Jean de Mandavilla, I viaggi di (Ouvrages de vulgarisation) Bologne 1870.

Hiouen-Thsang, Histoire de la vie de H.-T., et de ses voyages dans l Inde depuis l an 629 jusqu en 645 par Hoẹ-li et Yen-Thsong (trad. du chinois par Stanislas Julien), Paris 1853.

Holder-Egger, De invasione Tartarorum fragmentum Carmina de Regno Ungariae destructo par Tartaros (in Monumenta Germaniae Historica, XXIX), Hannoverae 1892.

Ibn Battuta, I viaggi di I. B. par Gabrieli, Florence 1961. Rihla (Journal de route).

Interiano, G., Della vita de Zichi altrimenti Circassi (Cf. Ramusio). Itinéraires russes en Orient (trad. pour la Société de l Orient Latin par Mme B. De Khitrowo), Genève 1889.

Mas udi, Les Prairies d Or (trad. Barbier de Meynard et Pavet de Courteille; revue et corrigée par C. Pellat), Paris 1962-1965.

Palladius, G. H. Eps., De Gentibus Indiae et Bragmanibus, Londini 1668.

Marco Polo, Il Milione (texte en langue du xviii° siècle L Ottimo), par le comte G. B. Baldelli Boni, Florence 1827; par E. Camesasca, Milan 1965.

Ramusio, G. B., Della navigationi et viaggi, Venise 1563, 1554, 1565.

Rusticiano da Pisa, I viaggi di Marco Polo descritti da R. da P.(traduits et illustrés par V . Lazari, par L. Pasini), Venise 1847.Sinica Franciscana, vol. I: Itinera et relationes fratrum minorum saeculi XIII et XIV, par P. Anastasius Van den Wyngaert OFM) Quaracchi 1929.

T sersteven A., I precursori di Marco Polo (I due Maometani, Giovanni del Pian del Carpine, Guglielmo di Rubruk), Milan 1960.

Tài liệu tổng quát

Abu-I-Ghzi : Histoire des Mongols et des Tartares, publiée, traduite et annotée par le Baron Desmaisons, St. Petersbourg 1874.

Almeyda, Manuel d , Historia general de Ethiopia a alta ou Preste Foam, etc., Coimbra 1660.

Auril, P., Voyage, etc., avec une description de la Grande Tartarie, Paris 1692.

Belloni, G. (militaire italien), Storia dei Tartari, Milan 1825.

Blake R-Frye R. : History of the Nation of the Archers (the Mongols) by Grigor of Akane, Havard Journal of Asiatic Studies vol 12 Dec. 1949. N° 3-4.

Bretschneider E. : Mediaeval Researches from Eastern Asiatic Sources, London 1888.

Chavannes E. : Inscriptions et pièces de chancelleries chinoises er l époque mongole. T oung Pao 1904, 1905, 1908.

Chy Fa Hian, Foe Koue ki ou relation des Royaumes Bouddhiques: Voyage dans la Tartarie, dans l Afghanistan et dans l Inde exécuté à la fin du iv° siècle, tr. Du chinois par M. Abel Rémusat, Paris 1836.

Cleave F. W. : The Sino-Mongolian Inscription of 1362 in Memory of Prince Hindu, Harvard Journal of Asiatic Studies vol 12, June 1949, pp.2-93.

Cleaves F. W. : The Sino-Mongolian Inscription of 1338 in Memory of Jinguntei HJAS vol 14, June 1951, pp. 1-104.

Coedès G. : Les états hindouisés d Indochine et d Indonésie Paris 1948.

D Ohsson C. : Histoire des Mongols depuis Tchinguiz-khan jusqu à Timour-bey ou Tamerlan, La Haye-Amsterdam 1834-1835.

Dalla Persia all India, attraverso il Belucistan, Milan, 1912.

Feer, L., La puissance et la civilisation mongoles au troisième siècle, Paris 1867.

Finot L. : Les inscriptions du Cirque de Mi-son, BEFEOI 1904.

Gaubil P.A. : Histoire de Gentchiscan et de toute la dynastie des Mongous, ses successeurs, conquérant de la Chine, Paris 1739.

Grenard, F., Gengis-Khan, Paris 1935.

Grousset R. : L Empire des steppes, Paris 1939.

Grousset R. : L Empire Mongol (1re phase), Paris 1941.

Grousset, R., Le Conquérant du Monde, Paris 1944.

Haenisch E. : Mangol-un niuca tobca an (Yuan-ch ao pi-shi). Die geheime Geschichie des Mongolen, Leipzig 1937.

Haenisch E. : Worterbuch zu Manghol-un niuca tobca an, Leipzig 1937.

Hambis L. : Le chapitre CVII du Yuan-che. Les généalogies impériales Mongoles dans l histoire chinoise ancienne de la dynastie Mongole, Leyden 1945.

Harlez C. de : Histoire de l Empire de Kin ou Empire d Or (Aisin gurun-i suduri bithe), trad. Du mandchou, Louvain 1887.

Howorth, Sir H., History of the Mongols from the IX to the

XIX century, Londres 1876-1888.

Hubert E. : La fin de la dynastie de Pagan BEFEO IX, 1901

Laet, J. De, De Imperio Magni Mogolis, sive India vera

commentarius, Lugduni Batavorum 1631.

Lamb, H., Genghis-Khan, New-York 1956.

Martinius, M., De Bello Tartarico Historia, Amstelodami

1655.

Maspéro G. : Le Royaume de Champa, Paris - Bruxelles 1928.

Minuccio Minucci, Storia inedita dei Tartari (De Tartaris), écrite en 1598 par M. M. Arcivescovo di Zara, par A. Marani (d après les Annali del Liceo-Ginnasio Mamiani), Rome 1967.

Mosheim, J. L. von, Historia Tartarorum Ecclesiastica, Helmstadii 1741.

Parker, E. H., A thousand years of the Tartars, Londres 1895.

Pauthler C. : Le livre de Marco Polo, Paris 1865.

Pelliot P. : Les Mongols et la papauté, Revue de l Orient-chrétien, XXIII, 1-2 et XXIV, 3-4, Paris 1922-1924.

Pelliot P. : Mémoires sur les coutumes du Cambodge de Tcheou Ta-kouan. Oeuvres posthumes de Paul Pelliot III, Paris 1951.

Pelliot P. : Notes sur l histoire de la Horde d or. Oeuvres posthumes de Paul Pelliot II, Paris, 1950.

Pelliot P.-Hambis L. : Histoire des campagnes de Gengis-Khan, Cheng-wou ts in-cheng lou, traduit et annoté, T.I, Leiden, 1951.

Percheron, M., Sur les pas de Genghis-Khan, Paris 1956.

Poucha P. : Die geheime Geschichte der Mongolen als Geschichtsquelle und Litteraturdenkmal, Praha, 1956.

Prawdin M. : L empire mongol et Tamerlan, Paris, 1937.

Rashid-ed-Din : Djami et Tévarikh, ed. Par E. Blochet, t. II., Contenant l histoire des empereurs mongoles successeurs de Tchinkkiz Khogan. Gibb Memor. Ser. XVIII.

Ratchnevsky, P., Un code des Yüan, traduction, introduction et note, avec préface de P. Pelliot, Paris 1937.

Schmidt S. J. : Geschichte der Ost-Mongolen und ihres Furstenhauses ver fasst von Ssanang Ssetsen Chungtaidschi der. Ordus, St Petersbourg, 1829.

Steven H., Trans-Himalaja, Mailan 1910.

Vladimirtsov B. : Gengis-khan, trad. par. M. Carsow, Paris, 1948.

Vladimirtsov B. : Le régime social des Mongols. Le Féodalisme nomade, trad. Par Michel Carsow, Paris, 1948.

Yamada N. : Ghenko-The Mongol Invasioon of Japan, London, 1916.

Yule, H. : The book of Marco Polo, edited by H. Cordier London, 1921.

Báo chí, tập san.

Acta Oriantalia Academiae Scientiarum Hungariae, Budapest.

Asia Major, Leipzip.

Asiatic researches, Calcurta-Londres.

Bibliocheca Orientalis, Leiden.

Bulletin of the School of Oriental and African Studies, Londres.

Byzantion, Patris-Bruxelles.

Go¨¨ttinger Asiatische Gorschungen,Wiesbaden.

Journal Asiatique, Paris

Monumenta Serica, Peiping.

Numen, Leiden.

Orientalia Suecana, Uppsala.

Oriens, Leiden.

Revue de l Orient de Chrétien, Paris.

Revue des Etudes Slaves, Paris.

T oung Pao, Leiden.