Chương 1
Vượt qua được ba chặng sông Trường Giang lên mạn ngược quả thật kinh tâm động phách, nguy hiểm vạn phần. Dẫu sao cuối cùng tôi cũng đến được phủ đệ của viên tri phủ từ quan về ở ẩn nơi đây. Ông này là người nổi danh trong giới sưu tầm cổ ngoạn, bút thiếp và tranh vẽ. Có người bảo rằng khi còn tại quyền, ông ta lắm phen lợi dụng thế lực để cưỡng đoạt nhiều món đồ cổ quí giá. Mỗi khi ông ta chủ tâm lấy món gì, dù đồng khí hay tự họa, nếu dùng tiền mua không xong thì phải đủ mọi cách có bằng được mới thôi. Người ta kể rằng nhà kia không chịu bán một món đồ đồng đời Thương, ông ta đã làm cho họ phải nhà tan, người chết. Những điều ấy thật khó mà kiểm chứng, hoặc có khi vì ghét bỏ mà người ta bịa đặt không chừng, nhưng tính thích đồ cổ như chính mạng mình của ông ta thì ai cũng biết. Vả lại, trong bộ sưu tập của ông ta có những món trên đời hiếm thấy.Viên hưu quan tiếp tôi tại căn phòng phía Tây. Đi qua ba dẫy nhà mới đến khách sảnh. Phòng khách của một người chuyên về cổ ngoạn mà sao chẳng có món gì đặc biệt ngoài những bàn ghế bằng gỗ gụ, trên mặt lót da báo. Nhưng toàn cục xem ra đầy vẻ phong nhã, giản phác chứng tỏ chủ nhà là người có khí tượng cao nhân. Tôi vừa tiếp chuyện, vừa quan sát chiếc bình màu huyết dụ, cắm một cành mai in lên nền núi cao ngoài song cửa. Sát bên phòng khách là một vườn hoa.Viên tri phủ nói năng thật từ hòa, dễ mến. Có thể vì tuổi già nên ông không còn sắc mắc nhưng cứ như con người trước mặt thì thật khó mà có thể bảo ông ta tàn nhẫn như lời đồn. Ông ta tiếp tôi chẳng khác gì một người bạn cũ đến thăm. Còn tôi thì hơi nóng ruột vì những gì tôi dặn người giới thiệu tôi chuyển lời sao mãi không thấy nhắc tới, hay vị hưu quan vì tuổi già nên đã lẫn rồi chăng?Tôi quả thực kính trọng con người này, dám về đây tự cất một căn nhà để tiêu dao ngày tháng. Vì thế tôi không thể đường đột mà chỉ lịch sự khen qua về những đồ cổ quí giá ông đã sưu tầm được mà thôi. Ông lão mỉm cười:- Hôm nay thì người ta bảo là của tôi, nhưng một trăm năm sau thì lại về tay người khác rồi. Ông xem, có nhà nào mà giữ được một món đồ đến hơn trăm năm đâu. Đồ cổ cũng có số mệnh của nó, nếu nó biết, hẳn nó cũng cười chúng ta đấy.Nói đến đây, dường như thú vị, ông già lấy ra một cái tẩu thuốc ngậm trên môi.- Thật thế ư?- Đương nhiên là thế.Tôi e dè hỏi lại:- Ngài nói như thế là nghĩa làm sao?- Bất cứ món nào, hễ là đồ cổ đều có nhân cách riêng, sinh mệnh riêng.- Tiên sinh nói vậy chẳng lẽ nó cũng có linh hồn ư?ông già hỏi ngược lại:- Thế theo ông thì linh hồn là cái gì? Linh hồn chẳng qua là nói về cái đời sống, mà hễ có đời sống thì hẳn có linh hồn. Ví thử như một nghệ phẩm, người nghệ sĩ đem hết sức tưởng tượng và sinh lực của mình dồn vào đó, có khác gì người mẹ đem khí huyết của mình nuôi cái bào thai. Một khi sinh lực người nghệ sĩ đem vào tác phẩm, thì tác phẩm đó ắt có sinh mệnh, còn hoài nghi gì nữa? Có khi vì sinh mệnh của tác phẩm mà người nghệ sĩ phải mất mạng như trường hợp pho triển ngọc Quan âm của tôi.Tôi vốn dĩ chỉ muốn đến xem một bức viết danh quí, trước nay chẳng hề nghe nói đến triển ngọc Quan âm, mà nói đúng ra chẳng mấy ai biết. Tôi chỉ vô tình hỏi không ngờ lại được nghe một câu chuyện lạ lùng. Khi ông ta nói về lịch sử của pho tượng này, tôi thật cũng chưa biết ông ta nói gì, nhưng cốt ý đến xem chữ nên tìm cách quay trở lại đề tài. Tôi chỉ tay lên một bức thủ cảo:- Đương nhiên là trong tác phẩm phải thể hiện được phần nào con người của tác giả, và đó chính là một phần của con người lưu cho hậu thế rồi còn gì.- Ông nói không sai, cái gì tốt đẹp cũng còn lại cái sinh mệnh cũng như nghệ gia có con có cháu vậy.Viên tri phủ khi nói tới đây xem chừng tin vào quan điểm của mình lắm.- Nếu như trong khi sáng tạo tác phẩm, nghệ gia phải hi sinh tính mạng của mình thì đó là trường hợp pho tượng ngọc của tiên sinh chăng?- Pho tượng Quan âm thì tình trạng lại đặc biệt, tác giả không chỉ vì tác phẩm mà chết, nhưng cái chết của ông ta thật cũng xứng đáng – vì hoàn thành được một tác phẩm như thế rồi nằm xuống thì cũng không uổng một đời.Ngưng lại một chút, ông ta nói tiếp:- Nếu ông xem pho tượng này thì sẽ cảm thấy như vì tác phẩm mà ông ta sinh ra, rồi cũng vì tác phẩm mà phải hi sinh tính mệnh. Nếu không như thế, thật không thể nào hoàn thành được tác phẩm này.- Nếu thế ắt hẳn phải là một vật quí giá phi thường, chẳng hay chúng tôi có duyên được xem chăng?Tôi phải khẩn khoản đến nửa ngày, ông lão mới bằng lòng cho tôi xem. Những đồ trân quí, ông ta để trên lầu hai, còn riêng pho tượng ngọc thì để tận lầu ba.- Tác giả của nó là ai vậy?- Tên ông ta là Trương Bạch, trên đời chẳng ai biết đến đâu. Tôi nghe được câu chuyện về đời ông ta từ nữ trụ trì ở am Kê Minh, và tôi phải hiến cho ni cô ở am này một tài sản lớn - cho mụ trụ trì già giảo hoạt - bà ta mới chịu giao cho tôi pho triển ngọc Quan âm. Khi đó, người chủ của pho tượng này qua đời rồi, nó vào tay tôi thật đáng hơn ở trong am nhiều.Pho tượng nhỏ được khắc bằng một khối ngọc cực kỳ trong trắng, đặt trên một cái bệ bằng ngọc xanh trong một cái hộp pha lê ngay giữa lầu ba, chung quanh có song sắt đúc hoa nặng nề, không ai lay nổi.- Ông thử đi vòng quanh mà xem, mắt pho tượng lúc nào cũng nhìn theo ông đấy.Nghe ông ta nói, pho tượng này quả thực lạ thường. Tôi đi quanh một vòng, mắt pho tượng đích thực lúc nào cũng theo dõi tôi không ngoa. Thế nhưng hình dáng Quan âm thật buồn, tưởng như diễn tả đúng vào lúc đang toan bay lên, một tay giơ cao, đầu hơi ngửng về phía sau, một tay phải đưa ra phía trước, linh động chẳng khác gì một nữ nhân hòa ái trong lúc thương tâm, tựa như Quan âm bồ tát sắp bay lên trời còn cố giơ tay ban phúc cho chúng sinh. Thế nhưng nhìn vào khuôn mặt thì không cảm thấy hình ảnh giáng phúc. Một pho tượng chỉ cao mười tám phân, mà người điêu khắc nên nó có thể làm cho kẻ xem khó có thể quên vì ngay cả y phục cũng đặc biệt sáng tạo.- Tại sao người ni cô lại có được pho tượng này?- Ông nhìn kỹ tư thế của điêu tượng này, trong đôi mắt chứa đầy yêu thương, sợ hãi, thống khổ.Nói tới đây ông ta ngưng lại một chút, rồi thốt nhiên tiếp:- Thôi mình xuống dưới lầu, tôi sẽ kể cho ông nghe từ đầu đến cuối.