Chương 1
Sớm mai yên tĩnh, trong lành. Vài tiếng chim mỏng mảnh bay luồn qua bóng lá hình cây còn đẫm sương ngoài rẻo vườn bọc quanh ngôi nhà lớn, xinh xắn. Vào lúc tia nắng đầu tiên đáp nhẹ xuống mái hiên thì trong nhà, bà Thu cầm điện thoại di động bước vào phòng ăn, vừa đi vừa tiếp tục cuộc trò chuyện chẳng rõ đã bắt đầu từ lúc nào: - Ờ, y hẹn nhé! Gặp sẽ nói lắm chuyện, chuyến đi vừa rồi khá thú vị. Không đâu, chỉ là công việc, công việc và công việc! Ờ thôi, bye! Thả người xuống ghế nhỏ nhẻ ăn uống các món điểm tâm dọn sẵn trên bàn, bà Thu nói với bà Nẫm - người giúp việc đang đứng bên bếp chế nước sôi vào bình thủy: - Con Trang dậy chưa dì? - Dạ, chưa! - Tối qua mấy giờ nó mới về? - Dà... - Bà Nẫm thoáng ngập ngừng rồi thấp hẳn giọng - Gần hai giờ sáng. Dằn tách cà phê sữa uống dở xuống bàn, bà Thu lắc đầu, làu bàu: - Hết biết, con với cái! Người mẹ tỏ ra bình tâm trở lại khi bước lên chiếc Toyota màu đỏ sậm do ông Bảy cầm lái. Chiếc xe chậm rãi hòa vào phố đông. Không rời mắt khỏi tờ báo mở rộng trên lòng, bà Thu nói vui: - Chú đã đưa quà cho nhỏ Ngọc chưa? - Dạ rồi! - Ông Bảy lén nhìn vẻ mặt không vui của bà giám đốc ở cái gương nhỏ trên tay lái và không quên phụ đề thêm là quà cô Hai đi Singapore mới về! Bà Thu gấp tờ báo lại, tiếp tục cái giọng ngược hẳn với vẻ mặt: - Nói có thể chú Bảy không tin, lắm lúc tôi muốn sống trở lại thời công ty mình chỉ mới là cái xí nghiệp cỏn con. Cái thời nghèo khổ, chạy vạy, thiếu trước hụt sau ấy sao mà vui quá chừng. - Cô Hai nói đơn giản như là đang giỡn í, cô kế toán quèn hồi đó làm sao so với bà giám đốc công ty cổ phần giỏi dang bây giờ? Chỉ có thằng tôi ôm riết cái vô lăng là chưa có gì thay đổi thôi. Họ cùng cười và vẻ mặt bà Thu tươi lên một tí để rồi sau đó sa sầm trở lại khi thoạt bước vào phòng thấy ông Phong nửa nằm nửa ngồi trên ghế salon, ngửa mặt lờ mờ nhả từng vòng khói thuốc lên trần nhà. Giả lảng như chẳng hề thấy khách đang chờ, bà Thu ngồi vào bàn làm việc, gọi điện thoại cho Ngọc. Mắt người mẹ vụt sáng rỡ khi nghe giọng cô con gái bên kia đầu giây. Bà Thu âm yếm nói: - Xấp vải con thích chớ? Dù rất bận, má cũng dành ra cả một buổi lùng sục qua cả chục cái shop. Hàng Thượng Hải chính cống à nghen! - Con xin cảm ơn má! - Giọng Ngọc nghe ngọt và trong - Còn quà cho em Trang là gì hả má? - Ôi hơi đâu, con dư biết mà, nó khó tánh lắm, hễ má mua sắm cái gì nó cũng chê ỏng chê eo. Trưa nay má con mình đi ăn cơm nghen! Bà Thu gác máy đến ngồi đối diện ông Phong. - Nếu vừa rồi nghe không lầm thì... - Ông Phong cấm cẳn nói - Em lại không công bằng đối với nhỏ Trang!? - Anh quan tâm đến nó hơi nhiều đó. - Đơn giản vì anh yêu quý nó, vì nó là con gái rượu của... Bà Thu nóng nảy ngắt lời: - Thôi, xin anh, không bao giờ! - Sau chuyến đi Singapore, trúng gió gì mà em dễ đổ quạu quá vậy? - Đã bao lần em nói với anh, rằng quan hệ giữa chúng ta bây giờ chỉ là công việc, anh nên xử sự trong giới hạn, chừng mực của một cổ đông, một thành viên hội đồng quản trị công ty, ngoài rạ.. “Thế giới” riêng của Trang bày biện trong căn phòng rộng chừng mười hai mét vuông, tường sơn mảng xanh đậm, mảng vàng nhạt chen nhau một cách ngẫu hứng. Quanh tường lác đác những tranh ảnh, áp phích in hình các ca sĩ, ban nhạc phương Tây thời thượng, các nam nữ diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, mặt nạ tuồng, nón rơm... Cạnh bàn trang điểm và tủ quần áo là một dàn trống hiện đại, cây ghi-ta dựng sát tường. Ở khoảng tường trống trơn trên bàn học treo duy nhất một khuôn ảnh lộng kính chụp hai chị em Ngọc và Trang kề vai áp má tươi cười. Mặt giường bề bộn chăn gối, vài thứ quần áo, đồ lót máng vắt lộn xộn trên lưng ghế mây kê bên ô cửa sổ mở rộng... Tất thảy tắm đẫm trong màu sắc, giai điệu vui nhộn của một hòa tấu khúc thuộc loại khiến máu trong người nghe bất kể trẻ hay già đều rậm rựt chảy mạnh. Nhạc phát từ máy VCD và cô gái trẻ nhẹ nhõm trong quần soọc, áo thun bó khoe rẻo bụng trong tư thế trồng cây chuối với hai tay lót đầu dính thảm, hai chân thẳng tắp hướng lên trần. Qua mắt Trang trong tư thế ấy, cả thế giới lộn ngược hoặc sẵn sàng đổ nhào. Giữa lúc bọn thằn lằn, kiến, gián núp kín trong các ngóc ngách đâu đó nín thở dõi theo cô gái thì bất thần, Trang hạ thấp chân, bật dậy, dang tay, rùn vai làm các động tác Aérobic theo nhạc một cách thuần thục, môi mím chặt, mắt ngước ngắm trân trân hệt thôi miên trần nhà, bộ ngực không nịt sau làn áo thun rung nẩy khỏe khoắn, trán vai lấp lánh mồ hôi. Bà Nẫm đứng ké né bên khung cửa mở rộng, cố la to át tiếng nhạc: - Cô Ba ăn phở hay hủ tiếu? Nghe thủng, Trang nhăn mặt: - Khỏi, cảm ơn dì! Cô gái ngưng tập, tắt nhạc. Trước cổng, Tuấn tóc đinh dừng xe mô tô, cho hai ngón tay vào miệng huýt sáo lớn tiếng. Trang quay lưng rảo bước khuất vào buồng tắm, tiếng nói rơi lại: - Dì ra nói ảnh chờ cháu mươi phút! Những tiếng chim tròn trịa lăn vỡ ngoài vườn lặng lẽ hơn rất nhiều tiếng nước xối và tiếng hát đứt quãng của cô gái: “Ai đánh rơi chuỗi mơ. Nhuộm tim ai lá biếc...”. Ngồi tréo mảy ở salon, ông Thái thong thả nhâm nhi cà phê, hút thuốc như thể trên cõi đời này chẳng có gì đáng làm ngoài việc hút thuốc và uống cà phê. Túi xách quàng vai, Ngọc bước ra ngồi ghé xuống tay vịn chiếc ghế đối diện cha, nói mà không nhìn ông, bởi bận ngắm bàn tay vừa sơn nhũ chìa ra, cong lại phía trước. - Đồ ăn trưa con đã nấu sẵn, lúc nào ăn ba hâm qua một chút. - Ủa, trưa con không về sao? - Trưa nay có người buồn, muốn tâm sự giải sầu nên mời con đi quán. - Vậy à? Hắn ta thế nào? - Không phải “hắn ta” mà là một quý bà! - Chà, bà nào ấm ớ quá xá cỡ vậy? Hết người hay sao lại đi nhờ đứa trẻ ranh gỡ rối tơ lòng... thòng? - Người từng có một thời ba chết mê chết mệt í mà. - À, biết rồi! Cho ba gởi lời thăm. Gặp, chắc hai người sẽ song ca bài “cả nhà thương nhau” chớ gì? - Không đâu! Bài đó cũ quá rồi, ba có chịu nghe đâu! - Ngọc đứng lên - Con đi nghen ba! - Ờ, về càng muộn càng tốt, sáng nay ba phải tiếp khách từ dưới tỉnh lên. Ngọc dừng bước, ngoảnh lại. - Một quý cô hay quý bà, ba? Ông Thái làm bộ đặt ngón trỏ lên môi: - Suỵt, bí mật! Cô gái dài bước ra cửa, buông thõng: - Vậy thì con sẽ về sớm. Đã qua thời nhảy chân sáo, cô dịu dàng thả bước xuống cầu thang. Từ căn hộ trên tầng hai xuống tầng trệt chung cư có bao nhiêu bậc thang, Ngọc chưa bao giờ đếm nên không rõ, đã mòn vẹt bao nhiêu guốc, giày, dép trên lối đi quen thuộc này từ ngày hai cha con “ra riêng”, làm sao mà nhớ nổi? Thoạt tiên, cái nơi chốn mỗi ngày đi về này xa lạ, đáng ghét, rồi cô cũng cảm thấy thinh thích nó từ bao giờ chẳng hay. Có lần Trang nhăn mũi bảo: “Chị hay thiệt, sao lại có thể sống được nơi đông lúc nhúc y như cả tỉ con sâu bị dồn vô mấy cái hộp quẹt chồng lên nhau như vầy?”. Ngọc cười: “Nè, đừng có hỗn nhỏ, sao nhà ngươi dám ví ta và ba là sâu hả?”. Con nhỏ cười khì. Sau ba tiết học, Ngọc rời nhạc viện đến quán Trúc Xinh, uống gần nửa chai nước suối, đọc hết hai trang báo Văn hóa Thể thao mượn của bà chủ quán, “người từng có một thời ba chết mê chết mệt” mới tới. Họ uống nước ngọt, ăn món cá lóc hấp cuốn bánh tráng. Ngọc ăn nhanh, bà Thu ăn chậm, thậm chí hơi uể oải. Cô gái ái ngại nói: - Công việc ở công ty chắc oải lắm hả má? - Cũng thường thôi. Có điều, hàng kim khí điện máy ngày càng cạnh tranh quyết liệt, sắp tới má tính mở rộng sang một số mặt hàng khác như gốm sứ mỹ nghệ, đồ gỗ cao cấp xuất khẩu, cả phân bón và các loại thiết bị chuyên dùng cho ngành dệt may. - Gần như kinh doanh tổng hợp? - Và má muốn con về tiếp má, chịu không? - Sang năm con tốt nghiệp, lẽ nào bỏ dở, má? - Ngay từ đầu, má đã bảo cái nghề đàn ca xướng hát chỉ để giúp người mua vui, hổng làm nên trò trống gì, nhưng ổng cứ khăng khăng nên má đành để con thi vô nhạc viện. - Ba có lỗi gì đâu? Chủ yếu là do con mê thích ngành nhạc. - Để rồi nối cái nghiệp văn nghệ văn gừng bấp bênh của ổng? - Má đã đầu tư cho tương lai qua em Trang rồi còn gì? - Nó chịu học kinh tế đúng yêu cầu của má, nhưng con thấy đó, có chí thú học hành đâu! Tánh tình lại hổng giống con, ngược với má hình như tới một trăm tám chục độ. - Tuy nó hơi ngổ ngáo, bốc đồng một chút, nhưng con thấy em không đến nỗi như má nghĩ đâu. - Phải chi luôn có con bên cạnh để kềm cặp. Bao lần má đã nói, về ở với má đi, sống với một con người phóng đãng như vậy làm sao con chịu nổi? Ngọc uống ngụm nước ngọt, đoạn lảng mắt ra phố. Ba là người phóng đãng ư? Tình yêu đã thực sự bốc hơi thành mây bay đi, giữa hai người bây giờ là khoảng trống không chẳng màu, chẳng sắc, chẳng mùi vị? Cô gái lắc đầu. Đêm bùng nổ ánh đèn và âm thanh ở Hội quán Trẻ - sân chơi của các bạn nhạc pop-rock trẻ, chưa thành danh hoặc sắp trở thành “ngôi sao”. Khán trường bao quanh sân khấu, khoảng giữa là sàn nhảy và bìa ngoài cùng có lắm bàn phục vụ giải khát. Các ban nhạc thi nhau biểu diễn trang phục, lời ca kèm nhạc đệm với công suất âm thanh hết cỡ trong ánh đèn la de chớp lóe lúc chói chang, khi mờ ảo. Giới trẻ đông đảo, đã đành, sân chơi cũng thu hút một số khách chưa chịu cho là mình đã già. Tất thảy mở toang mọi ngõ ngách tâm hồn lẫn thể xác cho âm nhạc tràn vào tha hồ “phá phách” và họ nhún nhảy, những bóng và những hình hòa trộn vào nhau, họ la hét, tiếng tục tiếng thanh chen lấn, xô đẩy nhau thành lốc xoáy. Trong cơn lốc xoáy ấy, có cả ông Thái lẫn Trang và bạn bè của họ. Nhóm nhạc trẻ Bê Rê Tím gồm hai cậu, ba cô, trong đó có Trang và Tuấn tóc đinh. Họ mặc áo liền quần bó sát người màu trắng tinh, chân dận giày da cao cổ đen láng, khoác áo đen mỏng rộng hệt... cánh dơi. Nhóm tên Bê Rê Tím, nhưng chỉ mỗi một mình Trang đội lệch chiếc bê rê màu tím những khi đến các nơi trình diễn. Vừa uống nước ngọt vừa tán gẫu với nhóm bạn, Trang quay lại khi ông Thái vỗ khẽ vai cô từ phía sau: - Ủa, ba hả! - Trang kêu lên mừng rỡ. Cả bọn nhao nhao: “Chào bác, chào bác ạ!” và cùng thoáng ngỡ ngàng khi thấy ông khoác tay Huyền - nhan sắc trên trung bình, hơi đẫy đà, ăn diện kỹ, trông trẻ hơn cái tuổi ba mươi ba cô ta vốn có. Trang mau mắn đứng lên, vui vẻ kéo ghế: - Xin mời ba và... cô! Hai người ngồi vào ghế. Cùng lúc không khí ồn động vụt lắng lại vài giây, trên sân khấu vang lời giới thiệu vóng vót của một M.C nữ: - Tiếp tục đại diện âm nhạc trẻ đêm nay là phần trình diễn của nhóm Bê Rê Tím luôn được các bạn chờ đợi! Tiếng huýt sáo, la hét, vỗ tay ran rộ. Cả nhóm đứng lên. Trang nháy mắt với ông Thái: - Ba coi kỹ rồi lát nữa góp ý cho bọn con nhá! Ông Thái vui vẻ gật đầu: - Ừ! - Trông cháu tuyệt lắm! - Huyền cười mơn. Họ lên sân khấu, Trang ngồi vào dàn trống và lập tức ban nhạc cuốn hút ngay khán giả bằng âm thanh các nhạc cụ được chơi hết cỡ, bằng điệu nhảy vui nhộn và lời ca của một ca khúc nhóm tự biên, đại để: “Đừng để ngày vui qua mau, níu thời gian lại, vui hết mình, buồn hết mình, yêu hết mình, bạn ơi!...”. Rời Hội quán Trẻ vào lúc gần nửa đêm, ông Thái nắm tay Huyền sóng vai nhóm Bê Rê Tím vào một hàng quán chuyên phục vụ các món ăn khuya ở một khu phố tương đối yên tĩnh. Bà Thu và ông Phong từ trong bước ra. Mặt bà Thu thoáng đanh lại khi thấy cặp Thái – Huyền. Ông Thái vờ như không thấy bà vợ cũ. Trang khẽ gật đầu, gỡ cái bê rê tím cầm tay, mỉm cười chào mẹ, tính đi thẳng, bị bà Thu níu lại, “điệu” ra lề đường đứng dưới tán me cổ thụ tranh tối tranh sáng. Bà Thu cứng giọng: - Má không muốn thấy lúc nào con cũng cặp kè với ông ta như vậy. - Ủa! - Trang cố dịu giọng - Vậy “ông ta” không phải là cha của con sao má? - Xưa rồi con! - Xin má cảm phiền... Con không thể coi ba là người dưng được! Cô gái dằn dỗi quay bước vào quán. Nãy giờ ông Phong ra vẻ bàng quan, tay đÚt túi quần trông vẩn nhìn vơ ra phố, giờ chợt mỉm cười, nói trỏng: - Ôi, con nhỏ cay mà... ngọt đáo để! Đêm tiếp tục trôi xuôi vì gió không hề thổi ngược. Chiếc mô tô do Tuấn tóc đinh cầm lái đèo Trang giảm dần tốc độ khi về tới Phố Hoa, đến đoạn đường trước cổng ngôi nhà lớn. Xe dừng lại cách cổng chừng mươi thước, Trang vẫn ngồi yên. Tuấn ngạc nhiên: - Không vô nhà à? Đi tiếp nghen? Thoáng ngập ngừng, đoạn Trang làu bàu: - Ờ, phới luôn đi! Tuấn rồ ga cho xe phóng vọt đi, nói vui: - Tụi nó biến cả rồi, đi đâu bây giờ? Trang đấm khẽ vai bạn, nghiêng sát tai Tuấn thấp giọng: - Tuấn hổng có lời đề nghị khiếm nhã nào sao? Ngớ người, gã trai cười nói: - Đế chỗ anh nhé cưng! - Còn khuya! Bạn hóa sói lúc nào vậy? - Cô gái dẩu môi cong cớn, nhéo khẽ sườn Tuấn khiến hắn né người, phá lên cười. Tuấn và chiếc mô tô dông biến vào đêm, Trang thong thả lên cầu thang đến căn hộ trên tầng hai chung cư. Ngọc ngái ngủ ra mở cửa, đặt ngón trỏ lên môi làm thành chữ thập: - Suỵt! - Đoạn gần như thì thầm - Tìm chị vào giờ giấc trái khoáy như vầy là có ý gì, nhỏ? - Không dưng thèm ngủ với chị, thèm ngửi thấy mùi thiên đường tỏa ra từ tóc chị. Ba về chưa? - Về rồi, vừa đi ngủ. “Thế giới” riêng của Ngọc gọn ghẽ, sơ sài hơn nhiều lần thế giới riêng của Trang. Bàn ghế, tủ, giường và cả chiếc đàn piano đều đã bị “luộc” qua lửa thời gian lên màu cũ kỹ. Trong ánh sáng dịu dưới chao đèn để trên mặt tủ thấp đầu giường, Trang quay lưng ra ngoài trút bỏ bộ đồ đang mặc, khoác vội chiếc váy ngủ Ngọc đưa. Cô chị lặng ngắm cô em: - Các vòng đo của em làm người mẫu được lắm đó. - Hổng dám đâu! - Trang khúc khích cười - Chị tính cho em bể mũi hả? Họ cùng cười, tắt đèn, vào giường. Trang quàng tay ôm, dụi mũi vào vai Ngọc, thỏ thẻ: - Lâu lắm chị em mình mới được ngủ với nhau. Chị còn nhớ cái đêm trước hôm ba má ra tòa ly dị không? Chị em mình đã khóc thiệt nhiều và thiếp đi lúc nào không haỵ.. Sau này xa chị, mãi em mới quen được cái gối ôm, nhiều lúc thèm chị gác chân hay nghe chi.... nghiến răng mà đâu có được, buồn ghê nơi! - Trang nè, em đến đây má có hay không? - Không! Tối nay tình cờ gặp má ngoài phố, bị má giũa nhẹ, em bực nên... Ngọc nhổm ngay dậy bước ra ngoài, làu bàu: - Bậy bạ hết sức, để chị gọi điện thoại kẻo má lo. Ngọc quay vào, cả hai vẫn tỉnh như sáo sậu, cơn buồn ngủ rong chơi đâu đó quên quay lại túm lấy họ nên câu chuyện lại tiếp tục. Trang nói vui: - Chị Hai nè, không biết đêm nay là cái đêm gì mà cả ba Thái lẫn má Thu không còn thui thủi một mình một bóng nữa. - Là sao? - Má sóng đôi với chú Phong, và ba dung dăng dung dẻ với một cô trẻ hơn ba chừng mười mấy, hai chục tuổi. Ai vậy, chị biết không? - Cô Huyền, người tự nhận mình là diễn viên loại 3 từ dưới tỉnh lên tìm ông đạo diễn đã từng gặp trong Hội diễn đồng bằng sông Cửu Long chớ ai! - Cổ muốn trở thành ngôi sao sân khấu ở Sài Gòn sao? - Ba kể nghe buồn cười lắm. Trước đây, ở gánh hát Tân Phù Sa dưới Vĩnh Long, cô Huyền chuyên biểu diễn mục tấu hài để lấp chỗ trống trong khi chờ mở màn hay chuyển cảnh, đùng cái anh hề đồng diễn với cô một hôm lội đồng đi kiếm mồi nhậu bị rắn cắn chết queo, buồn quá, cô bỏ tấu hài, xin ông bầu làm cái việc vặt ở hậu đài. Ngoài sân khấu, những lúc ế ẩm không theo gánh hát, cổ sinh sống bằng cái tủ thuốc lá bán kèm xăng lẻ bên vỉa hè… Trang được giấc ngủ túm lấy mang đi. Cô mơ thấy mình lạc vào một cánh rừng thần tiên ngập tràn ánh sáng và âm nhạc, chim, bướm và hoa… Má Thu khoác chiếc áo cưới dài lê thê bay qua nhiều khúc sông ngọn núi. Ba Thái trong trang phục chàng rể cầm sáo trúc vừa thổi vừa lẽo đẽo theo sau cô dâu, cô và Ngọc mỗi người cỡi trên một chiếc nón bê rê màu tím bay lượn quanh họ… Choàng thức, phải đến ba mươi giây Trang mới nhận ra thứ ánh sáng sớm mai đang lùa ào ạt qua cửa sổ mở rộng, và Ngọc đang ngồi trước bàn học soi vào chiếc gương tròn điểm tí phấn son. Cô vờ vĩnh thở dài: - Ui, giấc mơ tuyệt vời! Thỉnh thoảng em lại đến với chị nghen! Rồi chị cũng sang Phố Hoa ngủ với em nữa chớ, hứa đi! Ngọc bỏ mấy thứ đồ lề trang điểm vào cái hộp gỗ sơn mài cẩn xà cừ cổ lỗ sĩ, dịu dàng nói: - Ừ, chị hứa! Đi đánh răng rửa mặt rồi đi ăn sáng. Ngọc đứng lên mở cửa tủ quần áo chuẩn bị thay đồ, ướm thử vài bộ lên người õng qua ẹo lại soi gương chưa chọn được bộ nào. Từ ngoài quay vào, Trang đến bên Ngọc lấy từ tủ ra xấp vải mỏng mịn màu đen lấm tấm những hạt tròn trắng cầm trên tay ngắm nghía, thốt kêu: - Chị có xấp vải đẹp quá, mua hồi nào vậy? - Của má cho, hàng Thượng Hải chính cống đó. Em hổng có quà sau chuyến má đi Singapore vừa rồi sao? Trang sa sầm nét mặt: - Thừa biết còn bày đặt hỏi, xưa nay lúc nào má cũng yêu chị hơn em mà!