Chương 1

Nắng không quái. Dòng sông không quái. Dòng sông cứ nhấp nhô ánh nắng của buổi chiều đang trải nắng mùa thu. Mùa của dịu mát gây dễ chịu cho người trên bộ dưới sông nhưng không dễ chịu một chút nào cho cô gái ngồi ở băng đá công viên.

Công viên rất thưa khách, có lẽ còn sớm quá nên người nhàn tản không nhiều.

Cô ta ngồi như bức tượng. Bức tượng có mái tóc đen hình chiếc lá, so le, chiếc áo thun đen cổ rộng, chiếc quần màu kem nhạt kiểu Hàn Quốc nửa sạt, tất cả đều “nói” lên một phong cách thành phố, có nề nếp chứ không phải dân bụi thứ thiệt.

Phương Đoàn bỗng thấy mình lảng xẹt. Thứ thiệt thứ giả gì có mắc mớ gì tới mình đâu. Lãng mạn hồi nào vậy? Mà không, cũng phải công bình với mình một chút. Đây là cái góc công viên hầu như là của riêng mình rồi. Thỉnh thoảng trở lại với chính mình, một Phương Đoàn thật cô đơn trầm lắng, thì anh hay đến đây. Chiếc băng đá rất gần bờ kè, gần bến những chiếc canô đậu hoặc con tàu đưa đón khách du lịch về chợ nổi, hay qua du lịch Phù Sa bên kia cồn thiên nhiên.

Chiều nay, không biết cô ta ở đâu đến sẩm tối, chọn chiếc băng gần chỗ anh ngồi có bụi dương liễu che giùm cái gương mặt hình như là xinh xắn nhưng hơi xanh xao thì phải. Một gương mặt như bỏ lại phố phường, bỏ cả tình cảm và xúc cảm. Tóm lại là một gương mặt “thạch nữ”, vô hồn.

Khi cô ta xuất hiện, như không hề trông thấy anh. Phải, đã nói là bỏ lại cả phố phường rồi mà, thì anh là cái quái gì chứ? Cô ta bệt ngồi xuống như một sự buông xuôi, một thân cây đổ dù dáng dấp thanh thoát của cô không đến nỗi vậy.

Làm chứng cho điều đó, có lẽ là cái nhìn đăm đắm ra mặt sông.

Và cái khẽ cắn môi, rồi những giọt lệ .... những giọt lệ vô tình bất chợt anh liếc thấy suýt làm anh ... văng tục, không hiểu sao anh thù ghét nước mắt đến vậy. Nhưng rất may anh đã kiềm chế được, liếc cô ta một cái, định phun phẹt một bãi nước bọt bỏ đi, dù sao thì khung trời riêng cũng bị quấy nhiễu rồi.

Nhưng thật không ngờ, đúng lúc anh định bỏ đi thì cô gái cũng bật người lên như một lò xo, đôi mắt long lên một quyết định, như mũi tên đang lắp vào dây cung.

Phương Đoàn thoáng chao động tâm thần. Không sai, cô ta định phóng mình lao tới mấy chiếc canô đang đậu, lấy đà rồi lao ngay xuống dòng sông đang vô tình bình thản với buổi chiều. Với bao nhiêu bình thản khác của người và cảnh nơi đây, thì anh đang theo dõi cô.

Bởi vậy khi cô ta lao đi, thì nhanh như chớp, anh cũng phóng tới chụp nhanh tay cô gái giữ lại. Cô gái bị bất ngờ ngơ ngác như người đi ra từ cõi mộng, nhìn người con trai khỏe mạnh rắn chắc có đôi mày đậm, có gương mặt lạnh lẽo bất cần đời, nhưng đôi mắt sáng thông minh trên gương mặt có nhiều khả ái.

Bị bóp chặt cổ tay đau điếng, cô gái cố giằng ra, nhưng càng phản ứng, thì cái sức mạnh khống chế từ bàn tay anh như gọng kềm siết lại, cô hét:

– Buông ra!

Một tràng cười thật khó chịu, không có một lời giải đáp. Trái lại, cô còn bị lôi trở lại chỗ cô ngồi khi nãy, ấn mạnh xuống. Cô đổ quạu, ôm tay anh ta cắn một cái khiến anh ta tát luôn vào mặt cô một cái.

– Muốn chết lắm hả? Cô có biết tôi mua đứt bến công viên này không? Nó là của riêng tôi, cô muốn nhảy xuống đây chết để làm dơ khoảng sông nước này của tôi hả?

– Vậy anh cũng đâu có quyền can dự vào cái việc muốn chết của tôi!

Vừa nói cô vừa bặm môi dùng hết sức đấm lại trên đôi vai ngang rộng của anh ta một cái thật đích đáng. Hơi bất ngờ trước phản ứng đầy cá tính của cô gái, anh ta sửng sốt nhìn trân. Dấu cắn ở tay khá sâu nên áo sơ-mi trắng có dấu thấm hồng. Có lẽ lần đầu tiên gặp phản ứng của cô gái trông còn non nớt như sinh viên, nhưng hành xử khác hẳn vẻ hiền lành bề ngoài, nên thay vì nổi nóng, Phương Đoàn lại thấy vui vui. Bề dày thực tế của anh thì “búp bê” này có thế nào cũng không thể nào qua nổi. Anh bỗng cười.

– Một cái cắn chảy máu tay, một cái đấm hết tốc lực như vậy hả? Rồi chưa, chúng ta nói chuyện tử tế được không?

Cô gái đứng lên định bỏ đi, miệng vẫn không hé một lời. Phương Đoàn liền chặn lại:

– Tôi đáng ghét đến vậy sao?

– Tôi không biết. Ông tránh ra mau!

– Cô xui rồi đó! Chẳng những tôi bám theo cô để ngăn cản ý định của cô tự tử, mà tôi còn muốn biết chuyện gì đã làm cô chán sống?

Cô gái vẫn giận dữ quắc mắt:

– Sao ông biết tôi tự tử?

– Cái đó nó đã lộ ra toàn bộ ở con người cô rồi. Nếu cô là người chân chính, cô có dám nhìn thẳng mặt tôi mà thề là cô không có ý định đó? Cô không nói dối, không thẹn với lòng cô, cô thề trên danh dự tổ tiên cô đi, là tôi xin lỗi cô liền.

Cái nghiêm trang ẩn chứa một chút hài hước của Phương Đoàn, làm cô gái hơi liếc nhìn anh, rồi cảm thấy bình tĩnh hơn trước nỗi lòng tràn ngập bóng đen.

Nó như vừa có một sợi chốt mong manh trên nền trời đêm đen đặc. Cô đứng im đầu cúi xuống. Phương Đoàn lại nhẹ nhàng nắm tay cô kéo ngồi chỗ cũ:

– Xin lỗi. Thôi, bỏ qua hết đi cô em ạ. Gặp nhau là coi như có duyên rồi. Cô nghĩ xem đoạn công viên này thật vắng, chỉ có tôi, và cô xuất hiện thật đúng lúc, rồi tôi đã để ý cô ngăn chặn hành động dại khờ của cô, thì quả là ... số cô chưa tới. Cô nói thật đi, cứ xem tôi như một người bạn, một người anh em gì đó cũng được mà nói thật cho tôi biết, có phải cô định tìm dòng nước kết thúc mọi bế tắc hay không?

Cô gái có vẻ xúc động trước giọng nói chân tình của Phương Đoàn, môi cô hơi mím lại và màu nước mắt loang loáng trong khóe. Nhưng cô bỗng kiềm chế bằng một nụ cười rất máy móc, như là cô đã nhờ nó mà che giấu, chống đỡ được cái yếu đuối bên trong.

– Cảm ơn ông đã quan tâm. Quả là tôi không muốn tôi có mặt ở trần gian này nữa.

– Tại sao vậy? Cô không biết tự tử là một tội lớn nhất hay sao? Thượng đế đã cho ta sự sống là một quà tặng quý giá. Tự bức tử mình có khác nào ném trả sự sống vào mặt thượng đế ân ban, và phụ công ơn cha mẹ.

Cô gái bỗng khóc nấc lên và hỏi:

– Cha mẹ ông tốt với ông lắm hả?

Phương Đoàn im lặng khẽ thở ra. Tất nhiên là anh ta hiểu chứ, làm sao mà có câu trả lời ngay khi bị hỏi ngược lại như vậy? Và giọng điệu này anh còn biết nỗi khổ cô ta có thể đoán được từ đâu. Anh nói nho nhỏ:

– Cô khoan biết cha mẹ tôi có tốt với tôi hay không. Tôi nghĩ đạo lý từ ngàn xưa thì cha mẹ là bậc chúng ta luôn phải biết ơn.

Cô gái cười khẩy, nói một câu gọn lỏn:

– Vậy sao! Vậy thì anh cứ ở lại với giấc mơ biết ơn cha mẹ của anh đi.

Cô ta đứng vụt lên có vẻ rất giận. Phương Đoàn đoán được ý định bỏ đi của cô ta, vội níu chặt tay ghị lại:

– Làm gì nóng dữ vậy? Nếu tôi nói không phải, cô có quyền cãi lại mà.

– Cãi làm gì với người dưng nước lã.

– Cô không mang ơn tôi đã chặn lại cái ý tưởng tự tử khùng điên của cô sao?

– Tôi hận ông thì có. Buông ra cho tôi đi!

– Tôi nói cô gặp tôi là xui xẻo rồi. Tôi không để cô chết đâu.

– Ông cản được tôi hôm nay, nhưng ngày mai, ngày mốt có cản được không?

Coi như chiều nay tôi xui thật. Nhưng tôi không từ bỏ ý định này đâu. Tôi không có gì ở trần gian này tất cả, thì có lý do gì để sống chứ?

Phương Đoàn đã nhìn thấy vẻ tuyệt vọng của một tâm hồn bị bức tử trong đôi mắt sáng to, trong khuôn mặt trắng xinh, nhưng không có nét hồn nhiên vô tư của lứa tuổi hai mươi. Tìm đến cái chết đâu phải hoàn toàn do nông nổi, thiếu suy nghĩ, mà biết đâu do hoàn cảnh cùng đường, nhất là ở một cô gái trông hiền lành và chịu đựng chứ không phải ăn chơi hư hỏng. Anh bỗng đổi thái độ, cử chỉ thật dịu dàng thân ái:

– Xin lỗi, nếu nãy giờ tôi có gì cô không vừa ý, xin bỏ qua đi nghe. Mình có thể làm bạn tốt để an ủi nhau không? Tuổi cô cũng chỉ bằng em gái tôi thôi. Vậy cô hãy ngồi lại và yên tâm đi, tôi không phải là người cơ hội đâu.

Cô gái nhìn thẳng mặt Phương Đoàn, và chừng như khuôn mặt có phong trần, có lì lợm, nhưng có một cái gì đó tin được hay sao mà cô cũng trở nên dịu dàng đi một chút, không còn vẻ xốc nổi bỏ đi đòi chết nữa.

Phương Đoàn mỉm cười, nụ cười hiếm hoi như là “độc chiêu” gây sự bình an, tin tưởng không phải lúc nào cũng có ấy quả nhiên đã khiến cô gái yên tâm không còn căng thẳng.

– Tên em là gì? Tôi là Phương Đoàn.

– Em tên Bảo Cầm.

– Bảo Cầm ... Tên em hay quá!

– Tên anh nghe cũng êm mát lắm.

Phương Đoàn cười một tiếng ngắn:

– Em lầm rồi! Nhưng thôi, đừng nói về anh nữa. Em có thoải mái chưa? Có sợ anh là người xấu không?

– Sợ! Nhưng đó là ý nghĩ thoáng qua thôi. Anh có biết một con người ở đường cùng như em, cho dù có gặp một con người xấu cỡ nào mà có những cư xử như anh, được làm bạn dù một buổi, một ngày cũng đủ.

– Vậy ra em rất cô đơn, anh hiểu và rất xúc động. Anh xin lấy danh dự của một ... một ... tên lang bạt mà thề anh không bao giờ làm hại em, mà là bạn của em.

Bảo Cầm nghe Phương Đoàn tự xưng là “tên lang bạt”, cô hơi ngạc nhiên nhìn như muốn phân tích “niên đại” chiếc sơ-mi màu xanh nhạt và chiếc quần tây đen bạc bụi của anh, rồi bỗng nhiên bật cười.

Phương Đoàn ngạc nhiên:

– Không sợ sao mà cười?

– Sợ gì, một kẻ cùng đường gặp một người lang bạt, tâm sự, bầu bạn là phải rồi, sợ gì.

– Vậy thì hãy ngoéo tay làm bạn đi, và em hãy nói cho anh nghe, vì sao mà em có ý định tự tử?

– Em giết người rồi đi chết, chứ để công an bắt em sao?

Phương Đoàn khẽ nhíu mày nhìn Bảo Cầm. Độ lì chưa đủ trên gương mặt còn quá trẻ. Cái giọng “nói quá” ấy quả nhiên là ấn tượng. Một cá tính mạnh mẽ, nhưng không đủ cho anh tưởng tượng ra một người nào đó có thể ngã gục ngọt xớt dưới bàn tay mỏng mảnh trắng thon. Anh hơi mỉm cười, tỉnh bơ:

– Em nói lại đi, cái giọng người lì của em đã bị đôi mắt sắp rớm lệ vì sợ hãi tố cáo rồi. Nhất định là chuyện thương tâm gì đó chứ không phải em đủ sức làm một kẻ sát nhân chuyên nghiệp? Em nói cho anh nghe đi, tại sao em giết người?

Em giết ai? Có ai hay biết chuyện em làm không?

Vừa chất vấn, Phương Đoàn vừa ngồi nhích sát vào Bảo Cầm, vừa cầm lấy tay cô bóp chặt như một người anh chia sẻ nỗi hoang mang sợ hãi của người em gái vừa phạm tội. Quả nhiên cử chỉ thân mật chở che ấy đã làm mềm lòng Bảo Cầm, cô bỗng khóc mướt vì chịu đựng nỗi khổ gần như kiệt sức. Cô vừa khóc vừa nói với Phương Đoàn:

– Không ai hay biết việc này cả. Em chém lão rồi thoát thân chạy đi từ hôm qua tới nay.

– Nhưng lão là ai?

– Là cha dượng của em.

Phương Đoàn hơi giật mình, nhưng cố trấn tĩnh. Thì ra là thảm kịch gia đình.

Trước hiện tượng đạo đức xuống cấp, biết bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra.

Nhưng chuyện gì xảy tới cho cô gái đáng thương này, anh không dám thiếu tế nhị khi nhìn kỹ vẻ xanh xao thất vọng và đôi mắt đã rưng ngập nước mắt.

Chừng như cô đã đuối sức khi cố gắng nói ra với Phương Đoàn chừng ấy. Biểu hiện mệt mỏi buông xuôi khiến đầu cô hơi ngả ra đôi vai rộng của Phương Đoàn ...

– Cô có mệt lắm không? Hay đừng nói gì nữa vậy. Tôi đưa cô vào nhà hàng giải khát uống chút gì đó cho tỉnh táo đi nha?

– Không cần! - Bảo Cầm vội xua tay - Em thật sự là đuối sức. Em muốn mượn đôi vai anh, tấm lòng anh, một con người không cho em chết, để gượng đứng lên.

– Phải đó! - Giọng Phương Đoàn chắc nịch - Tôi không dám nghĩ mình là người tốt nhưng đã có duyên “đâm sầm” vào nỗi khổ của cô, thì thôi cứ coi như mình là anh em, hay một người đáng tin cậy để trút tâm sự cho nhẹ lòng.

– Cảm ơn anh. Vậy thì em chẳng giấu gì anh về cuộc đời bất hạnh của em.

Khi đến tuổi hiểu biết, hoặc ngồi ngẫm lại những câu dân gian như “nồi nào vung nấy”, Bảo Cầm hận đến ứa nước mắt, hay là câu:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi Muốn đi mẹ dắt con đi Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Tất cả chẳng có một câu nào ứng nghiệm vào cuộc đời của mẹ con cô cả. Và cái từ “mẹ” thiêng liêng mà từ ngàn xưa được giữ gìn được ca ngợi hết ý ấy, sao nó cứ như là nỗi đau chấp chới hành hạ trái tim non trẻ của cô.

Ngay cái “nồi nào vung nấy” của cha mẹ cô đã là một sự nghịch lý một đời đau khổ của cha cô. Cô không hiểu sao một nhà giáo nho nhã, trầm tĩnh, giản dị, an phận như cha cô mà lại kết duyên với một phụ nữ xốc nổi, táo tợn như mẹ cô được. Hay là vì mẹ cô quá đẹp? Hệ lụy của người đàn ông phần lớn là do vậy và ba cũng vì vậy mà yêu mẹ của cô, yêu chiều và lệ thuộc.

Cô ra đời trong không khí thế nào từ thuở ấu thơ, ký ức lơ mơ không giúp cô thấu hiểu hết, nhưng từ tuổi đủ hiểu câu “muốn đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời”, thì rõ ràng trường đời mẹ, mẹ đi một mình, không hề có dắt con đi trường học. Không biết khi nào, cô đã tự chăm sóc bản thân, tự tắm rửa, tự theo bạn bè đi học vì mẹ hay quát tháo:

– Mày tự lo đi, lớn rồi. Cơm nước có sẵn ăn là phúc đức rồi. Người lớn thì đầu tắt mặt tối, còn ai hầu được chứ?

Thế là cô đã hết hồn, lấm lét nhìn cái mặt hầm hầm của mẹ. Ba cố mở lời:

– Bà dịu dàng với Bảo Cầm một chút chứ. Con gái mà bà quát tháo kiểu đó, làm sao dạy nó sự dịu dàng của phụ nữ.

Bà nhìn ông háy và “hứ” một tiếng:

– “Con nhà lính, tính nhà quan” như ông đó hả? Tôi thật ân hận vì lấy ông.

Không hiểu sao hồi đó tôi mê cái cốt cách nhà giáo của ông, để bây giờ thời buổi gì rồi mà cứ ôm khư khư “cái khuôn vàng thước ngọc” ấy mà chết đói.

Trong khi nhà giáo người ta “xé rào” đủ thứ để đưa gia đình người ta giàu có sang trọng, con cái người ta đi học nước ngoài. Còn cái nhà này có một mống con gái mà tôi hết dám đẻ nữa, sắp ăn mày tới nơi.

Ông Trần Châu - ba Bảo Cầm cười - một tiếng, ngắm nhìn thẳng vào mặt bà, nói:

– Nên công bằng một chút. Tôi cảm ơn “những ngày xưa thân ái” để có được con gái ngoan Bảo Cầm. Còn bây giờ, bà nên nhớ cho, tôi quá hoảng sợ người đàn bà thực dụng như bà.

Bà Hồng Linh - mẹ Bảo Cầm - cười lên giòn giã, dứt khoát:

– Đúng! Tôi không thèm che giấu đâu. Ngày hôm nay phải khác hôm qua, xã hội tiến hóa, con người cũng phải khác theo thôi. Tôi hôm nay không phải là bà giáo quê Hồng Linh đâu. Tôi sợ nghèo, tôi ghét nghèo. Tôi phải đổi đời.

Đôi mắt bà Hồng Linh quắc lên đầy hận thù khi thốt ra câu nói đó, rồi bồi thêm một câu như “lời thề thay án tử”:

– Cơ hội đến, tôi sẽ phất, cha con ông chống mắt mà xem.

Ông Trần Châu đang chấm bài, giận quá ném cây bút chì đỏ vào căn nhà vách cây, quát lớn:

– Bà muốn sao đây?

– Muốn tự do, không tội gì phải bị giam trong cái thứ bổn phận lạc hậu. Tôi phải đi kiếm tiền.

Ông Châu ngồi phịch trở lại, rồi gục đổ xuống bàn như người bất tỉnh.

Bảo Cầm sợ quá từ buồng trong chạy ra đỡ cha kêu rối rít:

– Ba ơi ba! Ba có sao không ba?

Một dòng máu nhỏ chảy ra từ khóe miệng ông Châu và ông rên lên:

– Ngực ba tức lắm con ơi. Ba rất khó thở.

Bảo Cầm đứng lên:

– Để con đưa ba đi nhà thương nghe ba. Ba cãi với mẹ làm gì. Mẹ ơi! Mẹ tiếp con đưa ba đi nhà thương đi mẹ.

Nhưng bà Hồng Linh đang khoác chiếc áo khoác ngoài, vừa bước ra cửa vừa nói:

– Chết chóc gì mà làm dữ vậy? Bộ đây là lần đầu ổng ho ra máu sao? Điều trị lao kinh niên mà một chút máu đó nhằm nhò gì. Cha con tự lo cho nhau đi, tao trễ hẹn làm ăn không được đâu.

Bà bỏ ra đi một nước. Bảo Cầm khóc kêu lên:

– Trời ơi! Sao mẹ ác vậy?

Ông Châu nắm tay con gái an ủi:

– Để bả đi đi con. Ba không sao đâu, ba thường xuyên xuất huyết như vầy mà. Mau vào lấy thuốc cho ba uống. Bả đi khuất mắt ba còn dễ chịu hơn có bả ở nhà.

Bảo Cầm ôm vai cha khóc vùi vào vai:

– Con thương ba quá ba ơi. Sao ba hiền lành và chịu đựng đến vầy.

Ông Châu quàng tay ra sau lưng con gái:

– Vợ chồng là đạo mà con, nói bỏ là bỏ sao được. Huống chi còn có con đây, ba phải có trách nhiệm chăm sóc cho con khôn lớn nên người.

– Phải chi, tính nết mẹ con cũng được như ba. Ba ơi! Con nói câu này xin ba đừng giận ... Con sợ mẹ lắm. Con không thích lại gần mẹ. Con nghe bạn bè nói, mẹ các bạn ấy dịu dàng sâu nồng lắm mà sao con không biết cảm giác này, có gì con chỉ thích nói với ba.

Ông Châu nhỏ nhẹ:

– Đó là tại mẹ con. Cũng là lỗi ở ba. Đáng lẽ ba không nên nghe lời ông bà nội cưới người không có trình độ tương xứng với ba, coi nhẹ tình cảm, dễ đổi thay theo vật chất. Ba có lỗi với con, ba sẽ cố gắng bù đắp yêu thương cho con, nhưng chỉ sợ ba chết bất tử thì đời con ra sao đây.

Bảo Cầm hốt hoảng bụm miệng cha:

– Ba đừng làm con sợ, ba không sao đâu. Ba hưu non để dưỡng sức chữa bệnh, sẽ hết thôi mà ba.

Ông Châu lắc đầu:

– Phải đối mặt với sự thật thôi, con ạ. Ba không sợ chết đâu, ba chỉ sợ bỏ con nửa chừng. Ba muốn thấy con vào được đại học, dù có chết ba cũng yên lòng.

Chứ bỏ con lại cho mẹ con, không biết đường đời con sẽ ra sao vì bà hồi này sanh ra nhiều thói hư tật xấu quá.

Bảo Cầm ngó lảng đi chỗ khác để tránh cặp mắt tìm kiếm sự đồng tình khi cha con không nói ra sự thay đổi của bà Hồng Linh, cố ý tránh né không đụng đến là muốn tránh cho nhau nỗi buồn. Ông Châu biết Bảo Cầm lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt của mẹ, cô bé có bề dày khôn hơn tuổi. Con ruột mà bà Hồng Linh đày ải cô như mẹ ghẻ. Đang đêm dù mưa gió, con đang học bài, bà cũng bắt đội áo mưa đi mua phở về cho bà ăn. Tiền bạc chỉ bản thân bà sung sướng, muốn xài gì thì xài, còn cha con Bảo Cầm thì luôn thiếu thốn nhịn nhục.

Nhưng tất cả đều trở thành một “nếp sống” dưới sự thao túng của một người đàn bà, mà ông Châu vì tư cách, vì nhịn nhục cho yên cửa yên nhà, nên ông chịu đựng. Rồi sức khỏe không tốt, ông đành phải hưu non, số tiền hưu ít ỏi không thể nào kham nổi một gia đình có đứa con gái sắp thi vào đại học, có một người chồng luôn ốm đau. Không khí cảnh nghèo buồn bã, khiến bà Hồng Linh không còn là bà nữa.

Những thứ bổn phận, những mối đạo đức thiêng liêng dường như không còn giá trị gì với bà nữa. Chỉ có đồng tiền, đồng tiền có lý lịch từ đâu, đen trắng gì cũng đều hấp dẫn bà. Những quan hệ công khai hay bí mật, về vật chất hay tình cảm gì có lợi cho bà, thì bà không từ chối.

Nhưng ấn tượng khó quên nhất và làm cho Bảo Cầm thấy tê lạnh nhất là lần gây gổ đó, bà khoác áo đi luôn.

Ông Châu thì mệt tới, mấy viên thuốc đã kháng lại vi trùng lao, Bảo Cầm lấy thuốc cho cha uống không có kết quả gì. Ông Châu ngày càng mệt, mặt mũi ông tái xanh, mồ hôi ra ướt trán, ông hoàn toàn kiệt sức.

Bảo Cầm kinh hãi, nhờ người hàng xóm đến phụ giúp gọi xe lôi đưa ông chạy nhanh đến bệnh viện cấp cứu.

Vào tới phòng khám, chưa kịp dìu ông xuống xe lôi, bất thần nhiều cơn ho liên tục kéo đến làm ông mệt ngất, mặt xanh lè, ngoẹo đầu ngang trên vai Bảo Cầm, máu trong họng chợt chảy ra, làm Bảo Cầm kinh hoàng khóc thét lên:

– Ba ơi! Ba làm sao vậy? Bà con ơi, cứu giùm ba tôi!

Phòng khám khá đông người, nhưng phần đông người già, và phụ nữ nên có lẽ mặc dù họ cũng xúc động thương tâm đó, nhưng không có ai dám tới giúp một tay.

Cũng ngay lúc đó, may đâu có một anh chàng từ trong đám đông ở phòng khám chạy nhanh tới vừa đỡ tiếp ông Châu vừa hối thúc Bảo Cầm:

– Nhanh lên! Tôi phụ cô đưa bác trai vào ngay bên trong nằm lên giường đi!

Vừa nói anh ta vừa bồng xốc ông Châu chạy thẳng vào phòng khám cấp cứu, nói với cô y tá:

– Cô khám giùm bệnh nhân này cô ơi. Coi bộ ổng mệt dữ rồi, máu ra đầy, không biết có sao không?

Bảo Cầm chạy theo vào khóc sướt mướt:

– Làm ơn cứu ba em, chị ơi.

Cô y tá hỏi và ghi nhanh tên họ vào sổ, rồi gọi tốp sinh viên thực tập mời bác sĩ đến khám giùm. Vị nữ bác sĩ trẻ đến khám xong, cho nhập viện ngay. Cô bảo làm nhanh thủ tục đưa vô phòng cấp cứu.

Bảo Cầm gạt nước mắt hỏi:

– Ba em có sao không bác sĩ?

Cô ta nín thinh một lúc rồi nói:

– Nặng đó. Tim có vấn đề, phải điều trị tốn kém. Có sổ bảo hiểm y tế không?

– Không có!

Bảo Cầm đáp lời cô y tá làm thủ tục bằng giọng nói ngập đầy nước mắt. Cô y tá cũng lắc đầu rồi gọi hộ lý đẩy chiếc xe dài tới. Anh chàng tốt bụng nãy giờ đứng im theo dõi, không nói năng một tiếng gì.

Khi người hộ lý đẩy chiếc xe tới, anh ta lại bồng xốc ông Châu như người nhà của mình đặt nằm lên chiếc xe dài, phụ người hộ lý đẩy đi, còn Bảo Cầm thì xách chiếc giỏ lên đựng mọi thứ cần thiết rảo bước theo kế bên. Cô hộ lý vui chuyện hỏi anh chàng:

– Bộ bà con sao mà sốt sắng vậy?

Anh chàng hơi mỉm cười đáp lại:

– Hỏi như vậy tức là cô biết tôi không có bà con rồi.

– Phải! Vậy nên tôi mới ngạc nhiên. Tôi làm hộ lý ở đây cả chục năm rồi, không thấy ai sốt sắng như anh.

– Vậy thì tại cô chưa thấy chứ đâu phải là không có. Cô có đọc báo “Tuổi trẻ ngày nay” không? Cô có thấy em Bùi Vương mới 11 tuổi mà đã dám xả mạng lao vào dòng xoáy cứu hai em nhỏ mới 5 và 7 tuổi. Cứu được hai em nhưng bản thân Vương bị kiệt sức, dòng xoáy nhận chìm em, vĩnh viễn ra đi. Nhỏ xíu mà còn biết nhân ái như vậy, còn chuyện nhỏ như vầy mà cô hỏi tôi làm tôi mắc cỡ quá. Thôi, không nói nữa, đẩy bác vào khoa tim mạch phải không? Tới rồi kìa, cô vào trình hồ sơ đi!

Cô hộ lý không nói năng gì nữa, cầm hồ sơ đi tuốt vô phòng hành chánh. Lát sau trở ra với người y tá khoa tim mạch đến nhận bệnh. Anh chàng ấy lại bồng ông Châu vào phòng bệnh đặt lên giường cô y tá chỉ định.

Bảo Cầm nói lời cảm ơn, giọng ngập ngừng:

– Cảm ơn ... anh nghe ... anh ... Anh tên gì vậy?

– Tôi tên Lâm Thanh. Cũng là bệnh nhân ở khoa gần đây.

Bảo Cầm hơi bất ngờ:

– Anh tốt quá, là bệnh nhân mà còn giúp đỡ cha con tôi. Anh bị bệnh gì vậy?

– Tôi chỉ bị nhức đầu thôi. Có lẽ vì công việc tôi bị ảnh hưởng chứ không sao đâu.

– Cảm ơn anh đã cực khổ vì chúng tôi.

Lâm Thanh khẽ mỉm cười:

– Cô nói quá. Có gì đâu mà cô nói vậy, làm tôi áy náy. Thôi, cô lo chăm sóc bác đi, tôi về, rảnh rỗi sẽ qua thăm.

Anh ta khẽ gật đầu chào rồi đi luôn ra khỏi phòng. Bảo Cầm lo phụ giúp với cô y tá, truyền dịch và chích thuốc cho ông Châu. Mặt ông vẫn tái xanh, hơi thở thật yếu. Nhìn cha nằm gầy ốm trên chiếc giường bệnh, chiếc sơ-mi trắng cũ loang loáng lốm đốm máu, cô thấy cuộn lên nỗi niềm thê thảm của kiếp nghèo bệnh hoạn, khiến cô cầm cánh tay ông lên khóc nức nở:

– Ba ơi! Ba đừng bỏ con nghe ba ...

Những bệnh nhân còn khỏe hơn ông trong phòng đều ái ngại nhìn cô, tỏ vẻ thông cảm lặng im. Ông Châu nghe tiếng nức nở của con gái, cũng cố gượng mở mắt nhưng giọng ông quá yếu:

– Ba ... sẽ cố gắng để không bỏ con, con ạ. Con nín đi, con khóc, ba đau lòng lắm.

Nhưng làm sao mà Bảo Cầm không khóc cho được. Cô lo sợ cho bệnh của cha cô, phần hận mẹ và xót xa cho hoàn cảnh có chút ít tiền dành dụm của cha, biết lo được mấy ngày thuốc đây. Còn mẹ cô thì biến mất nơi đâu, không có một chút trách nhiệm gì với chồng con. Bà chỉ lo cho thân bà. Cuộc sống tự do không biết làm nghề ngổng gì mà ăn diện quá mức. Nếu cô không lầm, thì còn làm gì khác hơn là ... số đề, số đuôi, đánh bạc và quan hệ với người đàn ông ...

Bà đã từng ra mặt coi thường chồng con làm cho ba mình tức đến ói máu như vầy mà còn nghi ngờ gì nữa. Bà đã thẳng thừng tuyên bố là bà sợ nghèo, ghét nghèo, làm gì để bản thân bà sung sướng thì bà không từ chối.

Trời ơi! Tại sao mình lại giống ba mình không có một chút thích thú nào trong cách sống của bà. Cả tình mẹ con thiêng liêng sao nó cũng chết tận đâu trong cõi lòng trống vắng. Cô không có chút cảm nhận nào đó là mẹ của mình, cô sắp phát điên, phát nổi loạn mà hét lên rằng:

“Mẹ làm gì, mẹ ở đâu hỡi mẹ?

Sao tâm hồn con trống trải, với nỗi lo sợ và tối tăm thế này, nếu ba con có gì con biết phải làm sao đây?”.

Cô ngồi thu mình lại dưới chân giường của cha, úp mặt vào vòng tay mà nghe nước mắt tuôn chảy ngập tràn. Cô gần như quên ông Châu trong vũng buồn đen đặc, cứ mỗi lúc một lún sâu tâm hồn cô.

Bệnh nhân trong phòng số người khỏe đã ra khỏi phòng đi dạo. Còn lại một vài người nặng như cha cô, người nhà của họ lục đục lo dọn sắp mọi thứ và tìm tô chén chuẩn bị đi xin cơm từ thiện. Một chị đàn bà nhắc nhở cô:

– Cô có gì đựng đồ ăn không? Đi với tui kiếm xin cơm từ thiện ăn, cô ơi.

Bảo Cầm giật mình lúng túng:

– Dạ, em đâu có gì đựng đâu. Mà cơm từ thiện là sao vậy chị?

Người đàn bà chưng hửng:

– Nào giờ chưa vô đây hả?

– Dạ chưa.

– Cơm từ thiện nấu dưới kia kìa. Đồ chay không hà, nhưng người ta cho ăn “phủ phê”. Vô nằm viện nghèo như mình không có cơm từ thiện chết à, cô ơi.

Thôi, đi với tui đi, tui có đồ đựng, chiều nay xin hai phần, cô ăn với tui.

Bảo Cầm cảm thấy được chút an ủi ở người xa lạ đồng cảnh ngộ, nhưng cô nói:

– Cảm ơn chị. Em không dám bỏ ba em đi đâu. Em cũng không thấy đói.

Chị đàn bà đi ra với câu nói tốt bụng hồn nhiên:

– Thôi được! Cô không đi cũng được, để tui xin về mình ăn chung.

Người đàn bà đi khỏi phòng, Bảo Cầm kéo tấm mềm cũ đắp cho cha. Ông Châu có lẽ thấm thuốc nên nằm yên mắt khép kín, chắc ông mê mệt đi vào giấc ngủ. Bảo Cầm cảm thấy yên lòng một chút, cũng nhẹ nhàng đi ra khỏi phòng, định xuống khu phát cơm từ thiện kiếm chị đàn bà cùng phòng tốt bụng ấy, tiện thể cũng muốn xem kỹ một chút để biết mà tự mình đi lãnh, hoặc xin phiếu ở chỗ nào. Sẽ còn ở đây dài dài nếu bệnh cha mình không thuyên giảm.

Nhưng cô vừa mới ra khỏi cửa phòng bệnh, đã gặp ngay Lâm Thanh đi vào gật đầu chào hỏi:

– Bác thế nào rồi cô? Có khỏe không?

– Cảm ơn anh. Ba Cầm đã nằm yên nãy giờ, chắc cũng bớt đó anh, nhờ mũi thuốc trợ tim và chai nước biển.

– Tôi vào thăm được chứ?

– Dạ, ba em dường như đã ngủ.

Lâm Thanh nói nhỏ:

– Vậy để bác ngủ, tôi không phiền. Còn cô, cô đã ăn uống gì chưa? Tôi rất có kinh nghiệm về đau ốm. Sao người nhà cô không thấy ai vô tiếp giúp cô hết vậy?

Bảo Cầm hơi cúi mặt xuống không trả lời. Trả lời làm sao, chẳng lẽ cô nói thật mẹ cô là một người bạc tình bạc nghĩa đã bỏ cha con cô chạy theo cuộc sống tự do của bản thân, bất cần nề nếp. Chẳng lẽ cô nói thật vì mẹ cô mà cha cô mới ra nông nỗi như ngày hôm nay. Sống trong một hoàn cảnh gia đình, bị mẹ bỏ đã từng cùng cha vượt qua những tháng ngày hẩm hiu cơ cực. Cô đã lớn khôn trước tuổi, cô đã từng chai lạnh trước một người mẹ hắt hủi cha cô - một nhà giáo hiền lành yếu đuối. Cô đã từng uất ức muốn vùng lên chống lại sự bất công áp đảo ở một người mẹ không còn coi gia đình là tổ ấm, mà vì sợ cái nghèo, không chịu được khổ cực mà buông thả cuộc đời. Chẳng lẽ cô nói thật rằng ... có đôi lúc ngoài đường phố chính mắt cô đã gặp mẹ cô đi với gã đàn ông có khuôn mặt rất đàng điếm, một lão già bặm trợn, phốp pháp nhưng không có một chút thông minh nào. Các khối thịt biết đi với hai con mắt ti hí dâm dục ấy mà tại sao mẹ cô mê được?